Cập nhật cổ phiếu FPT: mua mảng dịch vụ công nghệ một công ty Mỹ

MĂNG GIANG

24/02/2023 09:32

Tập đoàn FPT vừa mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ (IT Services) của Intertec International, Mỹ. Thương vụ giúp FPT mở rộng địa bàn tại Costa Rica, Colombia và Mexico. Đây cũng là 3 nước có trung tâm sản xuất công nghệ của Intertec.

fpt-base-1620224044.jpeg

 

Theo đó, cùng với mạng lưới 22 trung tâm cung ứng công nghệ của FPT trên toàn thế giới, mảng dịch vụ công nghệ của Intertec mới sáp nhập sẽ giúp hai bên đồng hành cùng khách hàng nhanh hơn ở mọi múi giờ, địa điểm và khai thác tối đa cơ hội từ thị trường các nước nói tiếng Anh. Doanh nghiệp đồng thời nâng cao hơn năng lực đáp ứng chất lượng sản phẩm, giải pháp trên mảng phần mềm linh hoạt (Agile Software) cho khách hàng.

Chia sẻ về thương vụ sáp nhập, Tổng giám đốc Intertec International, Rickard Hedeby cho biết: "Kết hợp nguồn lực của cả hai bên, chúng tôi có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho các khách hàng và đa dạng cơ hội nghề nghiệp cho nhân lực công nghệ".

Về phía FPT, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho hay: "Mỗi thương vụ M&A đều mang đến những 'quả ngọt' cho tập đoàn. Chúng tôi kỳ vọng thương vụ này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng lớn vào mục tiêu mở rộng quy mô và tăng trưởng hoạt động kinh doanh của FPT trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường các nước nói tiếng Anh".

Giám đốc FPT Americas - chi nhánh FPT Software (Công ty thành viên của Tập đoàn FPT) - ông Đặng Trần Phương cho biết thêm, thỏa thuận này là bước tiến quan trọng sau thời gian hợp tác thành công giữa hai bên từ năm 2021.

"Chúng tôi đồng hành cùng các nhu cầu phát triển của khách hàng để đối mặt với những khó khăn của kinh tế thế giới, qua mô hình kết hợp nhiều trung tâm sản xuất và văn phòng công nghệ toàn cầu, giúp khách hàng đẩy nhanh tốc độ đem sản phẩm, giải pháp ra thị trường và hỗ trợ 24/7", ông Phương nói.

Trước đó, năm 2021, FPT đã có khoản đầu tư ban đầu vào Intertec. Sau gần hai năm hợp tác, hai doanh nghiệp đã mang đến cho khách hàng trải nghiệm toàn diện: từ tư vấn, thiết kế đến xây dựng hệ thống, sáng tạo giải pháp công nghệ "may đo" theo nhu cầu, cũng như cung ứng hỗ trợ công nghệ 24/7.

Từ năm 2014, FPT đã thực hiện M&A với công ty RWE IT Slovakia để mở rộng tập khách hàng trong lĩnh vực hạ tầng công ích. Năm 2018, công ty tiếp tục mua lại 90% cổ phần của Intellinet, công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ, do Consulting Magazine đánh giá năm 2017.

Theo thống kê của FPT, Mỹ là một trong hai thị trường lớn nhất của doanh nghiệp, đóng góp mức lợi nhuận cao nhất trong số các thị trường, với mức độ tăng trưởng doanh thu năm 2022 là 50%. Doanh số FPT Americas tăng 5 lần và 10 lần về lợi nhuận từ 2017 đến 2022. Chi nhánh Mỹ tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng hiện diện và đặt mục tiêu đạt quy mô 1.000 nhân sự ở khu vực Mỹ Latin trong hai năm tới.

Với nhiều bước đi chiến lược và linh hoạt thay đổi để đáp ứng với nhu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ toàn cầu, FPT liên tục mở rộng hiện diện tại nhiều quốc gia. Các thương vụ M&A đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của tập đoàn. Năm 2022, tập đoàn đã đạt doanh số 1 tỷ USD tại thị trường nước ngoài.

Cập nhật ngày 28/9/2022: sản xuất thành công chip vi mạch đầu tiên

Ngày 28/9, FPT Semiconductor, công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (trực thuộc FPT Software – công ty thành viên Tập đoàn FPT) vừa chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) lĩnh vực y tế.

Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC – Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Theo thông tin từ FPT Semiconductor, thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói, sau đó sẽ được phân phối ở các thị trường Australia, Trung Quốc.

Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip “made in Vietnam” đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 – 2025.

Trong hai năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, doanh nghiệp đặt kế hoạch sản xuất thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.

Trong bối cảnh đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được dự báo sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD (theo báo cáo từ Technavio), FPT Semiconductor đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp chip thương hiệu Việt cho chính các công ty, tập đoàn ở trong nước.

Cập nhật ngày 15/11/2021: FPT ký hợp đồng chuyển đổi số 40 triệu USD với chính phủ Singapore

FPT vừa công bố lần đầu tiên, sau gần 15 năm mở văn phòng tại Singapore, doanh nghiệp vừa ký kết hợp đồng có quy mô 40 triệu USD trong 2 năm, tập trung vào các dự án chuyển đổi số khối Chính phủ nhằm phát triển mô hình quốc gia số – Smart Nation.

Đây là một dự án quan trọng, không những giúp FPT bứt phá về kết quả kinh doanh mà còn từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Cập nhật ngày 1/6/2021: sửa nghẽn lệnh cho HOSE

Chiều 1/6, sau khi dừng giao dịch để đảm bảo an toàn hệ thống, CEO Sở giao dịch chứng khoán TP HCM ông Lê Hải Trà cho biết dự kiến đầu tháng 7 hệ thống mới (hệ thống giao dịch tạm thời giải quyết tình trạng quá tải hệ thống) có thể đi vào hoạt động.

Cũng trong chiều nay, Tập đoàn FPT cũng cập nhập thông tin chi tiết hơn về tiến độ này. Theo đó, từ ngày 16/4 đến 22/5, FPT đã đồng hành cùng HoSE triển khai giai đoạn kiểm thử diện hẹp. Trong giai đoạn này, tập đoàn đã hoàn thành việc cài đặt hệ thống phần cứng, bàn giao hệ thống phần mềm cho HoSE để thực hiện kiểm thử nội bộ và mở rộng việc thử nghiệm với hơn 20 công ty chứng khoán thành viên.

"Tính đến khi kết thúc kiểm thử diện hẹp, hệ thống đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra với kết quả khả quan", FPT đánh giá và cho biết thêm, việc thử nghiệm với 20 công ty chứng khoán đã phủ đến 80% các tình huống kỹ thuật, nghiệp vụ có thể xảy ra.

Với kết quả này, FPT và HoSE quyết định dự án chuyển sang giai đoạn kiểm thử toàn thị trường với tất cả 73 công ty chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và đơn vị nhận dữ liệu thị trường.

Việc kiểm thử toàn thị trường dự kiến thực hiện từ 24/5 đến 25/6. Các bên sẽ kiểm thử các tiêu chí về hiệu năng, bảo mật hệ thống và lên các các kịch bản chuyển đổi hệ thống. Theo FPT, kết quả giai đoạn này sẽ là cơ sở đánh giá hệ thống sẵn sàng đưa vào sử dụng chính thức.

Theo lãnh đạo HoSE, hệ thống tạm thời có thể xử lý 3-5 triệu lệnh một ngày, đáp ứng được nhu cầu hiện tại và có thể tiếp tục mở rộng. Nếu việc kiểm thử hoàn thành theo dự kiến, hệ thống này có thể đi vào vận hành từ đầu tháng 7.

Thanh khoản thị trường liên tục xác lập đỉnh mới cùng với những kỷ lục của VN-Index đang tạo áp lực lên hệ thống của Sở HoSE.

Trong 4 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HoSE đạt trên 18.347 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 725,93 triệu cổ phiếu. Con số này tăng 47,41% về giá trị và 22,72% về khối lượng so với cuối năm 2020. Sang tháng 5, con số này tiếp tục tăng.

Trong những phiên gần đây, tình trạng nghẽn xuất hiện thường xuyên khi thanh khoản vượt 20.000 tỷ USD. Cá biệt, trong hai phiên gần nhất, con số này đạt được chỉ trong phiên sáng.

Cập nhật ngày 4/5/2021: thâu tóm startup phần mềm Base.vn

Ngày 04/05/2021, CTCP FPT đã thâu tóm phần lớn cổ phần của Base.vn – một startup phần mềm.

Phần mềm này cung cấp các nền tảng dựa trên đám mây giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đơn giản hóa việc quản lý nhân sự, quy trình công việc và quản lý văn phòng.

Theo các công bố truyền thông, Base.vn hiện có 5.000 khách hàng và hướng tới 800.000 doanh nghiệp SME tại Việt Nam.

Theo FPT, Base.vn sẽ đẩy nhanh chiến lược tăng cường cung cấp sản phẩm tự phát triển của FPT. Nền tảng này cũng có thể giúp FPT đẩy mạnh khúc SME, nơi mà sự hiện diện hiện tại của FPT còn hạn chế. Đồng thời, FPT dự kiến tích hợp các dịch vụ và sản phẩm hiện hữu với các dịch vụ và sản phẩm của Base.vn nâng cao giá trị dịch vụ.

Ví dụ, hóa đơn điện tử và chữ ký điện tử của FPT có thể được tích hợp liền mạch vào các sản phẩm hiện hữu của Base.vn trong khi các dịch vụ băng thông rộng và kênh riêng của FPT có thể được kết hợp theo gói với các dịch vụ của Base.vn.

Trong dài hạn, FPT cũng hướng đến việc đưa Base.vn ra các thị trường nước ngoài thông qua tận dụng mạng lưới xuất khẩu phần mềm của công ty.

Lưu ý rằng tính đến thời điểm hiện tại, các dịch vụ chính của FPT bao gồm cung cấp các giải pháp may đo cho từng khách hàng doanh nghiệp, có bản chất theo từng dự án và một lần, trong khi các sản phẩm của Base.vn dựa theo mô hình thuê bao và phục vụ đồng thời nhiều đối tượng khách hàng, vốn thường tạo ra dòng doanh thu lặp lại có biên lợi cao trong dài hạn.

Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng thương vụ thâu tóm này là một bước phát triển tích cực đối với FPT khi diễn biến này sẽ giúp tăng cường năng lực giá trị gia tăng của công ty đồng thời mở rộng các thị trường có thể khai thác, điều này củng cố cả doanh thu và biên lợi nhuận.

Đây cũng là một bước tiến trong nỗ lực chuyển đổi của FPT, từ một nhà cung cấp dịch vụ CNTT đơn thuần sang chủ sở hữu các sản phẩm CNTT tự phát triển.

Lãnh đạo FPT cam kết gì về tăng trưởng 2021?

Cả thế giới vẫn đang đứng trước những tác động khó lường của Covid-19. Nhưng các thành viên Ban Lãnh đạo FPT lại có cái nhìn lạc quan và khẳng định bối cảnh này chính là thời thế của FPT.

Không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2021 cao gấp hai lần tăng trưởng năm 2020, những người chèo lái con tàu FPT còn tái khẳng định mục tiêu Top 50 Công ty dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT: “Thời thế dành cho những chiến binh can trường, dám vượt qua các giới hạn để bứt phá chuyển bại thành thắng. FPT tiếp tục theo đuổi mục tiêu dài hạn Top 50 Công ty dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới và doanh thu dịch vụ chuyển đổi số tăng trưởng hai con số trong nhiều năm tới”. Nói về vị thế của FPT, ông Bình viện dẫn câu chuyện triển khai chuyển đổi số cho công ty kinh doanh ô tô hàng đầu ở Mỹ với giá trị hợp đồng lên tới 150 triệu USD trong bối cảnh Covid-19. “FPT phải bước vào cuộc đua với 193 công ty công nghệ sừng sỏ, thậm chí có những công ty FPT ngưỡng mộ từ lâu để được chọn vào danh sách 3 công ty mà khách hàng này sẽ ưu tiên chọn triển khai các dự án công nghệ cho họ. Chúng tôi đã thắng trong cuộc đua này và trở thành đối tác Champion – đối tác ưu tiên số 1”, ông Bình tự hào chia sẻ.

Covid-19 được FPT đánh giá là thời cơ vàng của chuyển đổi số khi đầu tư số trực tiếp vào chuyển đổi không ngừng tăng, với CAGR dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 – 2023 và dự kiến sẽ đạt 6.800 tỷ USD vào năm 2023.

Vậy, FPT làm gì để thời cơ vàng này không tuột khỏi tầm tay? Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT, phụ trách chuyển đổi số nhấn mạnh, “chuyển đổi số sẽ tiếp tục là trọng tâm của FPT trong chu kỳ phát triển tiếp theo. Trong đó, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain…là mũi nhọn”. Thực tế, năm 2020, doanh thu từ mảng chuyển đổi số của Tập đoàn này tăng trưởng 31% so với cùng kỳ, đạt 3.219 tỷ đồng..

Năm 2021, FPT đặt mục tiêu doanh thu 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16,4% và 18% so với cùng kỳ. Đây cũng sẽ là mức tăng trưởng bền vững FPT mong muốn duy trì trong dài hạn, đặc biệt là khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên số, thời cơ vàng cho các công ty công nghệ như FPT. Có vẻ các cam kết đang được Ban lãnh đạo công ty hiện thực hoá: kết thúc Quý 1, FPT công bố doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 7.586 tỷ đồng và 1.397 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% và 22,3%.

Công ty Chứng khoán Bản Việt hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN cho FPT với giá mục tiêu 81.300 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần FPT

FPT là công ty tiên phong chuyển đổi số và dẫn đầu về tư vấn, cung cấp, triển khai các dịch vụ, giải pháp công nghệ - viễn thông, đồng hành cùng các khách hàng tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu hiện thực hóa chiến lược, mục tiêu phát triển kinh doanh dựa trên công nghệ.

Với kinh nghiệm triển khai dự án trên phạm vi toàn cầu trong suốt hơn ba thập kỷ qua, FPT giúp khách hàng vượt qua những thách thức, rào cản và đạt được hiệu quả cao nhất trong hành trình chuyển đổi số. Dựa trên những công nghệ mới nhất trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tự động hóa, kết nối vạn vật…, FPT đưa ra những giải pháp, dịch vụ công nghệ tiên tiến giúp khách hàng chủ động, linh hoạt thích ứng trong mọi bối cảnh.

Với nguồn lực và mạng lưới 178 văn phòng tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, FPT là đối tác quan trọng cung cấp dịch vụ/giải pháp cho hàng trăm tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có trên 100 khách hàng thuộc danh sách Fortune Global 500.

Đồng thời là đối tác công nghệ cấp cao của các hãng công nghệ hàng đầu như GE, Airbus, Siemens, Microsoft, Amazon Web Services, SAP…

Lịch sử công ty FPT

1988: Bước những bước đi đầu tiên với 13 thành viên
Năm 1986, Đại hội Đảng VI khởi xướng Chính sách Đổi Mới, cho phép những mô hình kinh tế mới hoạt động hiệu quả, đồng thời khuyến khích sự năng động, sáng tạo của một thế hệ mới - thế hệ Doanh nhân Việt Nam. Rất nhiều công ty có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam hôm nay, trong đó có FPT, là con đẻ của Chính sách này.

Tháng 6/1986, trong quá trình làm việc tại Viện Cơ học, trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam, ông Trương Gia Bình quyết định thành lập Nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất với mong muốn “kiếm được nhiều tiền nuôi nhau để tiếp tục làm khoa học”. Mùa hè năm 1988, để triển khai Hợp đồng Cung cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, ông Trương Gia Bình quyết tâm thành lập một công ty trực thuộc một cơ quan nhà nước cấp bộ hoặc ngang bộ, có chức năng kinh doanh, xuất nhập khẩu và chuyển giao công nghệ. Ông Trương Gia Bình đã xúc tiến ngay việc quan trọng nhất là chiêu mộ nhân tài. Khát vọng vươn lên của ông đã thuyết phục được nhiều tài năng với những cá tính khác nhau. Có thể nói, ông Trương Gia Bình đã tập hợp được những tài năng xuất chúng nhất trong thế hệ mình.

Ngày 13/9/1988, Viện trưởng Viên Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia đã ký quyết định thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm (tên gọi đầu tiên của FPT) và giao cho ông Trương Gia Bình làm Giám đốc. Một công ty mới ra đời, không vốn liếng, không tài sản, không tiền mặt…, chỉ có 13 nhà khoa học trẻ tuổi, đầy hoài bão, tin tưởng vào bàn tay và trí óc của mình, dám đương đầu với mọi thách thức, quyết làm nên nghiệp lớn.

1990: Lựa chọn con đường tin học

Hợp đồng cung cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1989 đặt nền móng cho hướng kinh doanh tin học của FPT. Tháng 10/1990, công ty đổi tên thành Công ty Phát triển và Đầu tư Công nghệ (tên viết tắt là FPT). Hợp đồng phần mềm thương mại đầu tiên của FPT được ký vào cuối năm 1990. Đó là hệ thống đặt vé giữ chỗ cho Phòng vé của Hàng không Việt Nam. Sau ngành hàng không, FPT lần lượt tham gia vào các dự án tin học hóa hầu hết các bộ ngành trọng điểm của Việt Nam như ngành ngân hàng, tài chính công, viễn thông, điện lực…

1994: Bước vào lĩnh vực phân phối với mục tiêu đưa các sản phẩm công nghệ mới vào Việt Nam
FPT tham gia vào hoạt động cung cấp máy tính ngay từ những ngày đầu thập niên 90 của thế kỷ XX và nhanh chóng trở thành một trong những nhà cung cấp lớn trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các giao dịch đều nhỏ lẻ và phải thực hiện qua một bên thứ ba do chính sách cấm vận của Mỹ.

“FPT phải làm ăn lớn, giao dịch trực tiếp với các hãng sản xuất lớn như IBM, Compaq, HP…, phải nhập khẩu số lượng lớn rồi phân phối lại cho các công ty tin học trong nước.” Đặt rõ quyết tâm đó nên khi Mỹ bãi bỏ chính sách cấm vận năm 1994, một loạt hãng máy tính vào Việt Nam, FPT đã nhanh chóng tiếp cận và thuyết phục họ lựa chọn FPT là đại lý chính thức tại Việt Nam. IBM, một trong những công ty Mỹ đầu tiên mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, công bố FPT trở thành đối tác Việt Nam đầu tiên của mình và ngay sau đó là Compaq, HP…, hợp tác chính thức với FPT đã mở ra lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ chuyên nghiệp của FPT.

Hiện nay, FPT đã trở thành nhà phân phối của trên 30 hãng công nghệ lớn và giữ vị trí nhà phân phối số 1 tại Việt Nam với mạng lưới 1.500 đại lý phân phối tại 63/63 tỉnh thành.

1997: Tham gia vào lĩnh vực Internet, tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực này của Việt Nam
Năm 1996, FPT đưa vào hoạt động mạng cộng đồng có tên là Trí tuệ Việt Nam (TTVN) với hơn 10.000 thành viên. Tuy chưa kết nối được ra nước ngoài, TTVN đã mang đến cho thanh niên Việt Nam một môi trường mới đầy hứng khởi.

Năm 1997, Việt Nam kết nối hạ tầng với mạng Internet toàn cầu và FPT được lựa chọn là nhà cung cấp thiết bị, đồng thời là Nhà cung cấp kết nối (ISP). Là ISP duy nhất không thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông, FPT đã là chất xúc tác để Internet Việt Nam phát triển như vũ bão. Dựa trên những kinh nghiệm thu được khi điều hành mạng TTVN, FPT đã góp phần to lớn đưa Việt nam thành một trong những nước có hạ tầng truy nhập internet tốt nhất thế giới.

Hiện nay, FPT là một trong ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông – internet hàng đầu Việt Nam với hạ tầng internet phủ rộng tới 59/63 tỉnh thành.

1999:Tiến ra thị trường nước ngoài với hướng đi chiến lược là xuất khẩu phần mềm

Khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và các biến động kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 1997 – 1998 đã đặt các công ty chuyên kinh doanh thiết bị, sản phẩm nhập khẩu như FPT vào tình thế bất lợi. Bên cạnh đó, sau 10 năm thành lập, FPT đã trở thành công ty tin học lớn nhất Việt Nam. FPT có thể đi vào con đường suy thoái nếu tự hài lòng với vị trí số 1 Việt Nam và không có những thách thức mới. Thách thức mới đó là Toàn cầu hóa. FPT sẽ vượt qua biên giới địa lý quốc gia, vươn ra thế giới như các công ty toàn cầu khác. FPT sẽ xuất khẩu phần mềm. Hội nghị Diên hồng FPT năm 1998 đã hoạch định chiến lược cho 10 năm tới, lấy xuất khẩu phần mềm làm mũi nhọn và quyết thắp sáng tên tuổi Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới.

Gần 20 năm sau, FPT đã trở thành công ty xuất khẩu phần mềm số 1 Việt Nam cả về quy mô nhân lực, doanh số và thuộc danh sách 100 Nhà cung cấp Dịch vụ Ủy thác toàn cầu (Top 100 Global Outsourcing) do IAOP đánh giá cùng với sự hiện diện tại 21 quốc gia trên toàn cầu.

2001: Ra mắt VnExpress - một trong những tờ báo điện tử đầu tiên tại Việt Nam

Với giấc mơ mọi thông tin xuất hiện đều có thể được cập nhật tức thì trên mặt báo và “một ngày nào đó cả nước Việt Nam vào internet để đọc báo”, ngày 26/02/2001, FPT đã cho ra đời VnExpress - một trong những tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.

Thời điểm VnExpress xuất hiện, cả nước mới có hơn 50.000 người dùng Internet với giá cước còn rất cao, băng thông hẹp, tốc độ đường truyền rất chậm nên khó có thể hình dung về một tương lai có hàng chục triệu người vào Internet để đọc báo hàng ngày.

Tuy nhiên, nền tảng nội dung đầu tiên cho internet Việt Nam lại được hình thành nhờ thông tin báo chí, trong đó có sự đóng góp đặc biệt của VnExpress. Lượng độc giả truy cập báo đang liên tục tăng với hàng chục triệu độc giả thường xuyên từ cả trong và ngoài nước (theo thống kê của Google Analytics)
2006: Thành lập đại học FPT và được niêm yết trên thị trường chứng khoánMở trường đại học đào tạo gắn liền với thực tiễn và nhu cầu nhân lực của đất nước.

Năm 1999, FPT bước chân vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm. Bài toán khó đặt ra không chỉ là tiếp cận thị trường mà còn là vấn đề nhân lực. Để giải bài toán về nhân lực cho xuất khẩu phần mềm, FPT đã quyết định liên kết với Aptech, Tập đoàn Giáo dục và Đào tạo CNTT hàng đầu thế giới, thành lập 02 trung tâm Đào tạo Lập trình viên quốc tế FPT Aptech đầu tiên tại Hà Nội và Tp.HCM. Hàng chục nghìn lập trình viên được cung cấp cho thị trường nhân lực nhưng vẫn là con số nhỏ bé so với nhu cầu nhân lực CNTT, trong khi số sinh viên tốt nghiệp đại học về tin học thiếu về số lượng và kém về chất lượng, đặc biệt là ngoại ngữ. Năm 2003, FPT đặt quyết tâm thành lập một trường đại học nhằm giải quyết bài toán nhân lực cho chính mình cũng như cho ngành CNTT Việt Nam. Tháng 09/2006, Đại học FPT ra đời và cũng là trường đại học đầu tiên của doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động.

Đại học FPT đang chậm rãi nhưng chắc chắn chứng minh những luận điểm của mình bằng thực tiễn 98% sinh viên có việc làm trong vòng 06 tháng sau khi tốt nghiệp. Sinh viên được đào tạo vững về chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ, khỏe mạnh về thể lực, vững vàng về tinh thần, đặc biệt là những trải nghiệm phong phú của kỳ thực tập đã giúp sinh viên tất cả các hệ của Đại học được nhiều doanh nghiệp chào đón ngay trước khi tốt nghiệp.

Hiện, ĐH FPT đang đào tạo khoảng hàng chục nghìn sinh viên, học viên ở tất cả các khối gồm: Phổ thông, Cao đẳng, Đại học, Sau đại học, Liên kết quốc tế, Phát triển sinh viên quốc tế.

Niêm yết trên thị trường chứng khoán

Ngày 13/12/2006, cổ phiếu FPT chính thức tham gia giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM (nay là Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM - HOSE) với 60.810.230 cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. FPT là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực CNTT niêm yết và ngay lập tức trở thành cổ phiếu lớn (bluechip) trên thị trường chứng khoán. Trong ngày đầu tiên chào sàn, cổ phiếu của FPT được giao dịch với giá 400.000 đồng/cổ phiếu và là một trong những công ty niêm yết có giá trị thị trường cao nhất cho đến hiện nay.

Hiện nay, cổ phiếu FPT vẫn duy trì khối lượng giao dịch và thanh khoản ổn định, cổ tức được duy trì ở mức cao. Với việc ngày càng nâng cao công tác quản trị theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch trong các hoạt động của công ty, FPT tiếp tục giành được thiện cảm và đánh giá cao từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2014, FPT được bình chọn là 1 trong 5 Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư (IR) tốt nhất do Vietstock tổ chức.

2012: Đầu tư mở rộng chuỗi bán lẻ FPT và Thương mại điện tử

Tháng 2/2012, FPT quyết định đầu tư mở rộng chuỗi bán lẻ FPT với mục tiêu đạt 150 cửa hàng vào năm 2014. Các cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ sẽ chuyên doanh sản phẩm công nghệ, là điểm cung ứng nhiều loại sản phẩm dịch vụ của toàn FPT. Hệ thống này cũng được coi như một hạ tầng để FPT tiếp cận sâu rộng đến khách hàng trong chiến lược công dân số mà tập đoàn hướng tới. Chuỗi bán lẻ FPT Shop đã có mặt ở 63/63 tỉnh thành tại Việt Nam với số lượng cửa hàng không ngừng tăng nhanh qua các năm.

Ra mắt vào tháng 3 năm 2012, với mô hình B2B2C (business-to-business-to-consumer), Sendo.vn của FPT là sàn thương mại điện tử đầu tiên kết hợp với các nhà cung cấp logistic và ngân hàng để mang lại cho khách hàng trải nghiệm giao dịch đảm bảo trọn gói. Năm 2014, FPT hoàn tất việc mua lại 123mua.vn, một trong những trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Thương vụ này là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của Sendo.vn trong giai đoạn tiếp theo. FPT đặt mục tiêu đưa Sendo.vn thành trang thương mại điện tử có nhiều giao dịch nhất thông qua việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng vượt trội với mô hình mua bán đảm bảo.

2014: Tiến hành thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam tại thị trường nước ngoài
Tháng 6/2014, FPT hoàn tất thương vụ M&A đầu tiên thông qua việc mua công ty RWE IT Slovakia, đơn vị thành viên của RWE, tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu. Đây là thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đầu tiên tại thị trường nước ngoài của FPT nói riêng và trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam nói chung. Thương vụ này mang về cho FPT bản hợp đồng nhiều chục triệu USD với RWE và bổ sung thêm một lĩnh vực đặc thù mới là hạ tầng công ích (utilities) trong danh mục các lĩnh vực có khả năng cung ứng dịch vụ phần mềm của FPT.

Ngoài ra, thương vụ cũng mở ra một mô hình kinh doanh mới “bestshore”. Điều này có nghĩa là FPT có thể cùng lúc sử dụng cả nguồn lực trong nước (offshore) và tại nước ngoài (nearshore) để cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả nhất cho khách hàng (bestshore). Thương vụ này cũng khẳng định sự sẵn sàng của FPT trong các dự án quy mô và đẳng cấp trên sân chơi toàn cầu.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.