Cập nhật cổ phiếu DGC (Hóa chất Đức Giang):

HỒNG MƠ

07/03/2023 08:36

dgc-1617089874.jpg

Nhu cầu đối với các sản phẩm của DGC tiếp tục tăng mạnh - đặc biệt là phân bón DAP và photpho vàng.

đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 giảm hẳn

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 với kế hoạch sản xuất kinh doanh sụt giảm so với năm 2022.

Cụ thể, trong năm 2023, ông lớn hóa chất này lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.875 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2022. Với kế hoạch doanh thu sụt giảm kể trên, công ty của đại gia Đào Hữu Huyền đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm tới 50% so với năm liền trước, đạt 3.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, đây vẫn là mục tiêu lợi nhuận cao hơn mức thực hiện của tất cả năm trước 2021.

Xét về cơ cấu doanh thu dự kiến năm nay, Hóa chất Đức Giang đưa ra kế hoạch doanh thu từ sản phẩm phốt pho vàng - sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp - dự kiến đạt 4.608 tỷ đồng, chiếm 42,4% tổng doanh thu hợp nhất. Bên cạnh đó, doanh thu Axit photphoric thực phẩm 85% dự kiến mang về 2.184 tỷ đồng, chiếm 20,1% tổng doanh thu và doanh thu từ sản phẩm Axit photphoric trích ly – WPA 50% dự kiến đóng góp 1.170 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng doanh thu…

Ngoài ra, Đức Giang dự kiến thu 750 tỷ đồng từ sản phẩm phân DAP, chiếm 6,9% tổng doanh thu, còn lại là các dòng sản phẩm khác, chiếm khoảng 19,9%.

Kết quả kinh doanh dè dặt kể trên được tập đoàn hóa chất này đặt ra sau một năm 2022 kinh doanh bùng nổ. Cụ thể, trong năm trước đó, Đức Giang đã ghi nhận tới 14.444 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 51% so với năm 2021 và thu về mức lãi sau thuế 6.037 tỷ đồng, tăng tới 140%.

Dù ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục năm 2022, thực tế, biên lãi gộp của tập đoàn hóa chất này đã giảm dần từ sau quý II/2022 khi giá các mặt hàng như phân bón, phốt pho vàng sụt giảm.

Tính riêng quý IV/2022, Đức Giang chỉ thu về 1.124 tỷ đồng lãi ròng, mức thấp nhất trong bốn quý của năm tài chính 2022 và là quý thứ 2 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận suy giảm từ đỉnh.

Trong quý đầu năm nay, ban lãnh đạo công ty cũng dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt 2.578 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 700 tỷ đồng, giảm lần lượt 29% và 54% so với cùng kỳ. Với kế hoạch này, đà suy giảm lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang có thể kéo dài thêm.

Ngoài kết quả kinh doanh khiêm tốn kể trên, tại phiên họp cổ đông sắp tới ban lãnh đạo Đức Giang cũng sẽ trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận với tỷ lệ dự kiến 30% bằng tiền mặt (một cổ phiếu nhận 3.000 đồng), tương đương năm 2022. Theo đó, số tiền công ty phải chi ra để chi trả cổ tức năm nay sẽ là hơn 1.139 tỷ đồng.

Về kế hoạch xây dựng trong năm, tập đoàn dự kiến đầu tư 50 tỷ đồng để hoàn thành Nhà máy NPK Đắk Nông và 500 tỷ đồng khởi công Tổ hợp Hoá chất Đức Giang Nghi Sơn.

Theo kế hoạch, Đức Giang dự kiến khởi công giai đoạn 1 dự án này chậm nhất vào tháng 6 năm nay và đưa nhà máy vào hoạt động sau đó một năm. Sản lượng sản xuất giai đoạn 1 của Nhà máy Nghi Sơn vào khoảng 50.000 tấn PVC.

Nguồn vốn để thực hiện dự án chủ yếu đến từ vốn tự có của doanh nghiệp. Hiện Đức Giang đang có gần 8.000 tỷ tiền gửi tiết kiệm. Ban lãnh đạo công ty cũng cho biết đang cân nhắc việc sử dụng hợp đồng vay vốn với HSBC (bằng USD) trong bối cảnh tỷ giá USD/VNĐ đang neo ở mức cao.

Cập nhật ngày 14/11/2022: giảm giá bán và sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng

Mới đây, Ban lãnh đạo của CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HOSE: DGC) cho biết trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhu cầu điện tử có thể sụt giảm mạnh trong năm tới.

DGC dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023. Giá bán dự kiến neo ở 4.500 – 6.000 USD/tấn, giảm 10-30% so với 2022.

Công ty dự kiến sẽ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu LCD (axit photphoric cấp điện tử) sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc trong năm 2023, bù đắp cho lượng xuất khẩu giảm.

Do nhu cầu tiêu thụ phân bón nội địa đang ở mức thấp, DGC chủ động đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang các quốc gia ASEAN, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Bangladesh. Nhà máy NPK của DGC sẽ đi vào hoạt động 2023, dự kiến khai thác 10.000 tấn/năm

Cập nhật ngày 13/9/2022: doanh thu Khu liên hợp Nhôm Đắk Nông có thể đạt 430 triệu USD

Hiện tại, Đức Giang triển khai dự án khai thác quặng bô xít, chế biến bô xít thành alumin (giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong 2025 – 2026) và chế biến alumin thành nhôm (giai đoạn 3) tại tỉnh Đắk Nông.

Vốn đầu tư theo kế hoạch có thể lên tới 1,6 tỷ USD. Đây là dự án lớn nhất của Đức Giang tính đến thời điểm hiện tại.  

Chủ tịch Đào Hữu Huyên cho biết, dự án Khu liên hợp Nhôm – Đắk Nông có quy mô khai thác khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm và 3 nhà máy tuyển quặng công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. “Với giá Al2O3 hiện tại, giai đoạn đầu của dự án có thể tạo ra doanh thu ngang bằng với mảng kinh doanh photpho hiện tại của Đức Giang là 430 triệu USD”, Giám đốc điều hành Đức Giang thông tin.  

DGC sẽ thực hiện song song hai dự án Chlor-alkaliviny (CAV) và nhôm-bô xít với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Các chuyên gia kỳ vọng các dự án mới có thể trở thành động lực tăng trưởng dài hạn của DGC trong giai đoạn 2025-2028. Dự án CAV dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động thương mại trong quý IV/2024 và có khả năng đóng góp 20% vào doanh thu trong năm 2025, còn giai đoạn đầu dự án sản xuất alumin của DGC có thể được triển khai vào năm 2025.  

Cập nhật ngày 20/3/2022: Vinachem hoàn tất thoái xong vốn tại DGC

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa thông báo đã bán xong toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu DGC, tương ứng 3,53% vốn của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang.

Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ ngày 3/3/2022 đến 10/3/2022. Như vậy trong thời gian dài, Vinachem đã thành công thoái vốn tại Hoá chất Đức Giang.

Trước đó, Vinachem cũng từng đăng ký bán toàn bộ 15 triệu cổ phiếu nắm giữ tại DGC. Nhưng do thị trường biến động mạnh nên chỉ bán được hơn 9 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 8/11 đến 7/12/2021.

Về diễn biến giá cổ phiếu DGC, trong năm 2021 vừa qua DGC đã có lúc tăng mạnh, xác lập đỉnh của năm ở vùng giá 172.000 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 7/12/2021 (giá đã điều chỉnh). Sau đó, DGC có nhịp giảm sâu về dưới 140.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 1/2022. Tuy vậy ngay sau đó DGC đã tăng mạnh trở lại, xác lập đỉnh mới ở mức trên 185.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện DGC đang giao dịch quanh mức 184.300 đồng/cổ phiếu, ước tính thì Vinachem có thể thu về hơn 1.100 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh, năm 2021, Hoá chất Đức Giang đạt 9.550 tỷ đồng doanh thu, tăng mạnh 53% so với mức 6.236 tỷ đồng của cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vượt 2.514 tỷ đồng, trong đó lãi của công ty mẹ đạt 2.388 tỷ đồng và EPS 13.125 đồng.

dgc-3-1618850914.jpeg

Bộ giặt - một sản phẩm của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, bên cạnh hoá chất các loại.

Cập nhật ngày 17/3/2022: DGC (Hóa chất Đức Giang) đặt kế hoạch lãi 3.500 tỷ đồng, cổ tức 127%

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Theo đó kế hoạch tổng doanh thu năm nay là 12.117 tỷ đồng, tăng 26% so với thực hiện năm 2021. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, tăng 39%.

Về đầu tư, tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện dự án Hóa chất Đức Giang – Nghi Sơn (tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý III).

Năm 2021, Hóa chất Đức Giang ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 53% lên 9.550 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2.513 tỷ đồng, tăng 165% và vượt 257% kế hoạch. Kết quả này đạt được nhờ duy trì nhà máy hoạt động hết công suất; đưa mỏ apatit KT25 vào hoạt động làm giảm chi phí đầu vào. Ngoài ra, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến chu kỳ tăng giá hàng loạt, trong đó có sản phẩm photpho chủ lực của DGC.

Với kết quả đạt được, Hội đồng quản trị đề xuất mức chia cổ tức năm 2021 là 127%. Trong đó cổ tức bằng tiền 10% (đã được tạm ứng cuối năm ngoái) và cổ tức bằng cổ phiếu 117% (tương đương phát hành hơn 200 triệu cổ phiếu). Kế hoạch cổ tức ban đầu của năm 2021 là 30%.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phát hành 8,55 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tương đương 5% cổ phần đang lưu hành. Giá chào bán 10.000 đồng/cp, toàn bộ 85,5 tỷ đồng thu về được dùng để bổ sung vốn lưu động. Số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm. Thời gian thực hiện trong năm nay.
Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức và ESOP, vốn điều lệ có thể hơn gấp đôi từ 1.516 tỷ lên 3.601 tỷ đồng.

Cập nhật ngày 19/9/2021: Giá cổ phiếu DGC tăng gấp 10, tài sản của ông chủ Hóa chất Đức Giang tăng vọt

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tăng trần lên 141.900 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất từ khi lên sàn của mã chứng khoán này. Cùng với đó là thanh khoản đạt hơn 2 triệu cổ phiếu, mức cao nhất trong gần 2 tháng vừa qua.

Đà tăng giá này rất ấn tượng bởi vào cuối tháng 3/2020, cổ phiếu ngành hóa chất này từng rơi về vùng đáy khoảng 14.000 đồng/đơn vị. Tính từ đó đến nay, mã chứng khoán này ghi nhận mức tăng giá đến 10 lần, vượt trội so với mức tăng chung của VN-Index chỉ khoảng 100%.

Với việc thị giá liên tục vượt đỉnh, giá trị vốn hóa của Hóa chất Đức Giang cũng liên tiếp leo lên các mức mới và hiện đạt 24.276 tỷ đồng. Qua đó Hóa chất Đức Giang trở thành doanh nghiệp tiếp theo có vốn hóa 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán.

Cũng nhờ đà tăng giá này mà tài sản của cổ đông cũng có sự đột biến, nhất là nhóm cổ đông lớn liên quan đến ông Đào Hữu Huyền, chủ tịch Hội đồng quản trị Hóa chất Đức Giang.

Vào đầu năm 2021, ông Huyền mua 1 triệu cổ phiếu DGC và sau đó nhận thêm cổ tức tỷ lệ 20:3 bằng cổ phiếu. Nhờ đó lượng cổ phiếu mà vị doanh nhân đang sở hữu là hơn 31,66 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ gần 18,5% vốn.

Xét theo giá thị trường, khối cổ phần mà đại gia này đang nắm giữ trực tiếp lên đến 4.493 tỷ đồng. Giá trị tài sản này giúp cá nhân ông lên vị trí thứ 33 trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán. Hiện ông đang xếp trên ông Đặng Thành Tâm (chủ tịch Đô thị Kinh Bắc) và xếp dưới ông Trần Lê Quân (đồng sáng lập Thế Giới Di Động).

Đương nhiên đây chỉ là phần nắm giữ cá nhân, nếu tính tổng sở hữu của người thân thì khối tài sản gia đình ông Đào Hữu Huyền còn lớn hơn nhiều. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, tổng sở hữu của người có liên quan đến cá nhân này vào khoảng 71 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 41,5%), tương đương với giá trị trên 10.000 tỷ đồng.

Một số cá nhân liên quan ông Huyền có nắm giữ lượng lớn cổ phần như em trai Đào Hữu Kha sở hữu 6,1%, em dâu Ngô Thị Ngọc Lan có 6,79%, vợ Nguyễn Thị Hồng Lan nắm giữ 3,83% hay như con trai Đào Hữu Duy Anh (tổng giám đốc) sở hữu 2,92% vốn.

Ông Đào Hữu Huyền sinh năm 1956 tại Hưng Yên. Trước khi trở thành chủ tịch Hóa Chất Đức Giang, ông là giám đốc Công ty TNHH Văn Minh - công ty thuộc sở hữu riêng chuyên về nhập khẩu hóa chất. Bên cạnh đó ông Huyền cũng kiêm nhiệm chức danh chủ tịch tại các công ty thành viên như Hóa chất Đức Giang - Lào Cai (DGL), Hóa chất Phân bón Lào Cai, Phốt pho Apatit Việt Nam...

Tháng 4/2004, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (khi đó có tên gọi là CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang) tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp, ông Đào Hữu Huyền và vợ Nguyễn Thị Hồng Lan mua lại cổ phần và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất. Vị đại gia ngành hóa chất này nhanh chóng được chú ý khi cổ phiếu DGC bắt đầu lên sàn chứng khoán ngay trong năm 2014.

Ngoài nhóm liên quan đến ông Huyền, một cổ đông lớn khác là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đang nắm giữ 8,85% cổ phần. Vào tháng 12/2019, Vinachem từng đăng ký bán đấu giá toàn bộ 11,45 triệu cổ phiếu DGC đang nắm giữ với mức giá 49.100 đồng/cổ phiếu, gần gấp đôi so với vùng giá lúc bấy giờ quanh 25.000/cổ phiếu. Do vậy, phiên đấu giá đã thất bại khi chỉ có 2 nhà đầu tư cá nhân mua vỏn vẹn 200 cổ phiếu.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh, ông Đào Hữu Huyền còn được biết đến là “ông bầu” có tiếng trong môn bóng chuyền tại Việt Nam. Câu lạc bộ bóng chuyền Hóa chất Đức Giang Hà Nội là đơn vị mà vị doanh nhân gốc Hưng Yên đang đầu tư vào.

 

Cập nhật ngày 30/3/2021: nhu cầu các sản phẩm tăng mạnh, thêm dự án mới từ tháng 3/2021

Tại ĐHCĐ của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) được tổ chức vào ngày 29/03, các cổ đông đã thông qua mục tiêu doanh thu/LNST năm 2021 với mức tăng trưởng 21%/16% YoY. Ban lãnh đạo cho biết mục tiêu LNST được đặt ra trên cơ sở thận trọng.

ĐHCĐ đã thông qua mức cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2020 là 1.500 đồng/CP - đã được chia vào cuối năm 2020 - và cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:15 (100 cổ phiếu hiện hữu được 15 cổ phiếu phát hành thêm).

Ban lãnh đạo ước tính LNST trước lợi ích CĐTS quý 1/2021 sẽ đạt 270-280 tỷ đồng (+35%-40% YoY) nhờ nhu cầu đối với các sản phẩm của DGC tiếp tục tăng mạnh - đặc biệt là phân bón DAP và photpho vàng.

LNST trước lợi ích CĐTS ước tính quý 1/2021 của ban lãnh đạo phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi và tương ứng khoảng 21% dự báo cả năm.

Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trong những quý tới khi Khai trường 25 - một dự án tiết kiệm chi phí lớn - vừa đi vào hoạt động vào giữa tháng 3/2021.

Ban lãnh đạo cũng thảo luận về nhiều dự án mở rộng và tiết kiệm chi phí của công ty. Các dự án này đang tiến triển phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi - ngoại trừ dự án hóa chất xút-clo Nghi Sơn, dự án này đã có một số thay đổi trong kế hoạch phát triển, tương ứng tiềm năng tăng đối với dự báo cho giai đoạn 2022-2023, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC)

DGC tiền thân là  Công ty Hóa chất Đức Giang là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng cục hóa chất Việt Nam được thành lập tử năm 1963, có trụ sở đặt tại số 18 ngõ 44 phố Đức Giang, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội.

Tháng 3 năm 2004, Công ty thực hiện chuyển đổi mô hình và chính thức hoạt động dưới hình thức Công ty Cổ Phần với tên gọi là Công ty Cổ phần Bột giặt và hóa chất Đức Giang theo quyết định số 10/2004/QĐ-BCN ngày 13/02/2004 của Bộ Công nghiệp.

Năm 2007 trở thành công ty đại chúng và đến năm 2014 niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Đến nay tập đoàn có vốn điều lệ hơn 1.710 tỷ đồng.

Sau khi cổ phần hóa, mảng bột giặt từng làm nên tên tuổi Đức Giang dần bị lu mờ khi chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chỉ còn 1%), trong khi doanh thu và lợi nhuận hiện nay được đóng góp chủ yếu bởi các sản phẩm chính là phốt pho vàng (chiếm 47% doanh thu năm ngoái), axit các loại.

Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng mở rộng hoạt động sản xuất xút, hợp chất clo, nhựa PVC, phụ gia thức ăn chăn nuôi, apatit và các hóa chất đang thiếu nguồn cung tại Việt Nam.

Hoạt động kinh doanh của tập đoàn tăng trưởng nhanh chóng khi nhu cầu về các sản phẩm hóa chất ngày một lớn. Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận đều lập kỷ lục lần lượt 6.236 tỷ và 948 tỷ đồng.

Sang năm 2021, Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch tổng doanh thu 7.552 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 16%.

Theo báo cáo kinh doanh bán niên, công ty đạt gần 4.000 tỷ đồng doanh thu và 625 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và 33% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy sau hai quý đầu năm, Hóa chất Đức Giang thực hiện 53% chỉ tiêu doanh thu và 67% chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo cơ cấu địa lý, doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 2.812 tỷ và thị trường trong nước 1.176 tỷ đồng, lần lượt chiếm tỷ trọng 70% và 30% trong doanh thu thuần.

Với hơn 50 năm hình thành, phát triển và sau hơn 10 năm cổ phần hóa, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ngày càng lớn mạnh, nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu…. góp phần xây dựng ngành công nghiệp nước nhà

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.