Định giá cổ phiếu CMG: Không còn cơ hội ở mức giá hiện tại, chỉ mua khi giá giảm sâu tầm 36.400 đồng/cp

Rồng Việt

10/03/2023 10:10

CTCK Rồng Việt phát hành báo cáo lần đầu về CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG) với quan điểm GIẢM TỶ TRỌNG.

 

cmg-chinh-burned-1678418389.png
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG)

 

Sở dĩ như vậy là do không kỳ vọng mức định giá hiện tại còn nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt là khi FPT, một công ty Công nghệ quy mô lớn hơn, đang được giao dịch với mức định giá chiết khấu khá nhiều so với CMG

Điều này, theo Rồng Việt, dường như không hợp lý khi so sánh hiệu quả sử dụng vốn ROE, và các tỷ suất lợi nhuận giữa hai doanh nghiệp, mặc dù lợi nhuận của CMG có thể tăng trưởng kép trong 5 năm với tốc độ 30%, tốt hơn so với mức 21% của FPT do quy mô hiện tại còn tương đối nhỏ.

Do đó, Rồng Việt cho rằng CMG nên được mua khi giá giảm sâu với mức giá mục tiêu là 36.400 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp SoTP và DCF, hàm ý P/E FY22F/FY23F lần lượt là 23,5x/17,3x.

Dù vậy Rồng Việt đánh giá cao CMG ở những điểm sau:

• CMG hiện là công ty tư nhân lớn thứ hai trong ngành và là đối tác uy tín cho nhiều dự án CNTT, chuyển đổi số và Viễn thông của Chính phủ và các khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực chính như Tài chính-Ngân hàng, Sản xuất và Bất động sản.

• CMG đang trong hành trình tăng trưởng hấp dẫn phía trước với tiềm năng tăng trưởng doanh thu được dẫn dắt bởi các dịch vụ áp dụng công nghệ mới, cùng với câu chuyện mở rộng tỷ suất lợi nhuận. Công ty đã và đang tái định vị các khối kinh doanh theo hướng gia tăng các dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao.

Trên thực tế, CMG đã có những sự chuẩn bị về nền tảng hạ tầng cũng như nguồn như nguồn nhân lực để tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ của khối Viễn thông (Trung tâm dữ liệu, Cloud) và khối Kinh doanh quốc tế (KDQT). Điều này giúp CMG nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số, và hiện thực hóa tiểm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

• Dự báo tốc độ tăng trưởng kép 5 năm của doanh thu và LNST lần lượt là 17% và 30%. Điều này cũng hàm ý tỷ suất lợi nhuận ròng sẽ cải thiện từ 3,8% trong FY21 lên 6,5% vào FY25F sau khi CMG tăng tỷ trọng doanh thu các dịch vụ Viễn thông và CNTT có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Các rủi ro đầu tư chính bao gồm: (1) Nhu cầu đầu tư CNTT kém hơn kỳ vọng làm chậm tốc độ tăng trưởng khối KDQT, (2) đồng VNĐ tăng giá so với đồng tiền của các thị trường xuất khẩu phần mềm, (3) thực hiện đầu tư cho các dự án xây dựng các khu tổ hợp tại Hòa Lạc và Đà Nẵng, vốn đòi hỏi lượng vốn lớn, ảnh hưởng tới dòng tiền tự do của CMG.

Vị thế của CMG trong ngành CNTT Việt Nam

• CMG có bề dày kinh nghiệm gần 30 năm trong cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống. Đây là nhóm dịch vụ đóng góp doanh số lớn nhất cho CMG, ước đạt 2.200 tỷ đồng vào năm tài chính 2021 và chiếm lần lượt 65% và 33% doanh thu khối giải pháp công nghệ (T&S) của CMG và doanh thu toàn tập đoàn. Với mức doanh thu khoảng 3.300 tỷ của khối T&S, CMG chiếm khoảng 22% thị phần của thị trường DV CNTT nội địa, có giá trị khoảng 15 nghìn tỷ đồng theo ước tính của IDC, đứng thứ 2 sau FPT IS (công ty con của FPT) với thị phần ước tính khoảng 40%.

• Đối với mảng Viễn thông, CMG là một trong bốn doanh nghiệp lớn nhất cung cấp các giải pháp Viễn thông toàn diện cho các doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm dịch vụ kết nối Internet, trung tâm dữ liệu (DC), và là đối tác dịch vụ quản lý điện toán đám mây bên thứ 3 (Cloud MSP). Khối này ghi nhận doanh số khoảng 2 nghìn tỷ đồng trong năm tài chính 2021, thấp hơn khoảng 30% doanh thu của doanh nghiệp đứng thứ ba trong ngành là FTI (công ty thuộc FPT Telecom).

• CMG bắt đầu tập trung phát triển dịch vụ gia công phần mềm kể từ 2017 với việc thành lập khối Kinh doanh quốc tế CMC Global. Do quy mô trong giai đoạn đầu còn khá khiêm tốn, khối này ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép bốn năm rất cao ở mức 74%. Hiện CMC đang trong top 5 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ Xuất khẩu dịch vụ & giải pháp công nghệ. Các thị trường quốc tế chính của CMC bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, APAC.

Theo công bố của Vietnam Report, CMG đứng thứ 6 trong bảng danh sách 10 Công ty Công nghệ thông tin - Viễn thông Việt Nam uy tín nhất năm 2021 và là doanh nghiệp tư nhân đứng thứ hai trong danh sách này.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Công nghệ & Giải pháp CMC (CMC TS) đứng thứ hai trong Top 10 Công ty Công nghệ Cung cấp Dịch vụ, Giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2021 của Vietnam Report.

Nhìn chung, CMG có vị thế nhất định trong ngành CNTT của Việt Nam để có thể tận dụng nhằm hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng của thị trường.

So sánh CMG với đối thủ chính FPT

Công ty Cổ phần Công nghệ CMC hoạt động dựa trên bốn trụ cột kinh doanh chính: Viễn thông, Công nghệ & Giải pháp, Kinh doanh toàn cầu và Giáo dục & nghiên cứu. Có thể thấy CMC có mô hình kinh doanh khá giống FPT, bao gồm tích hợp hệ thống, phần mềm, dịch vụ viễn thông và đầu tư vào giáo dục nhưng quy mô nhỏ hơn.

Mặc dù vậy, FPT tạo khoảng cách khá xa với CMG ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động chính về quy mô doanh thu cũng như tỷ suất sinh lời. Trong đó, tích hợp hệ thống và viễn thông là hai lĩnh vực chính của CMG kể từ những ngày đầu thành lập có quy mô về doanh thu nhỏ hơn FPT lần lượt khoảng 80% và 40%, trong khi lĩnh vực Kinh doanh Quốc tế, do mới bắt đầu kinh doanh kể từ 2017, có quy mô bằng 1/10 so với FPT. Về hiệu quả sinh lời, FPT cũng tạo ra sự chênh lệch đáng kể với CMG về biên LNTT tại tất cả các lĩnh vực nhờ vào lợi thế quy mô cũng như sự khác biết về dịch vụ cung cấp.

Mô hình kinh doanh hiện tại là kết quả của quá trình tái cấu trúc khoảng gần một thập kỷ trước, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các dịch vụ có tỷ suất lợi nhuận thấp và bị cạnh tranh cao như tích hợp hệ thống, lắp ráp máy tính và phân phối sản phẩm CNTT, đồng thời tập trung phát triển các mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao như phần mềm, viễn thông.

Cơ cấu cổ đông khá ổn định với nhiều tổ chức

CMG hiện có các nhóm cổ đông lớn chính chiếm 70% số cổ phần lưu hành bao gồm: (1) Nhà đầu tư chiến lược Samsung SDS (30%); (2) Nhóm cổ đông có liên quan tới ban lãnh đạo như CT TNHH Đầu tư MVI (liên quan tới cố chủ Tịch Hà Thế Minh), và Cty TNHH Đầu tư Mỹ Linh (có liên quan tới Chủ tịch Nguyễn Trung Chính) và các cá nhân thuộc ban HĐQT nắm giữ khoảng 3%; (3) Nhà đầu tư tài chính khác bao gồm Quỹ PYN Elite Fund (5%), và Geleximco (10%).

 

CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG) 

CMG tự giới thiệu:

Thành lập từ năm 1993, CMC đã trải qua hơn 28 năm xây dựng, phát triển và mở rộng để trở thành một trong những công ty CNTT-VT lớn mạnh hàng đầu Việt Nam với hơn 4.200 nhân viên.

Hiện nay, hoạt động của CMC được chuyên biệt hóa và không ngừng mở rộng sang nhiều lĩnh vực nhưng luôn lấy CNTT-VT làm năng lực cốt lõi cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường. Để có được sự phát triển như ngày nay, CMC đã trải qua những cột mốc đáng nhớ, đánh dấu sự nỗ lực và phát triển qua từng thời kỳ.

CMC đã khẳng định vị thế trên thị trường Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thông qua những hoạt động kinh doanh chủ lực ở 4 khối: Khối Công nghệ & Giải pháp, Khối Dịch vụ Viễn thông, Khối Kinh doanh Quốc tế và Khối Nghiên cứu & Giáo dục.

Đánh giá bên ngoài về CMG  

Tập đoàn CMC được thành lập từ năm 1993, với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là Tích hợp hệ thống, giải pháp phần mềm và lắp ráp máy tính thương hiệu CMC. Đến năm 2007, công ty bắt đầu mở rộng sang các lĩnh vực Viễn thông, an ninh mạng và phân phối thiết bị ICT.

Tuy nhiên sau đó, CMC không thực sự thành công với các lĩnh vực lắp ráp máy tính và phân phối ICT khi thị trường dần bão hòa, và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Sau khi thực hiện quá trình tái cấu trúc cho tới năm 2017, CMG mới thực sự tìm kiếm được chiến lược phát triển hợp lý dựa trên ba lĩnh vực cốt lõi là Tích hợp hệ thống (khối giải pháp & công nghệ), Viễn thông, và gia công phần mềm cho thị trường nước ngoài (Khối kinh doanh quốc tế).

Năm 2020, CMG bắt đầu hợp tác với McKinsey triển khai hợp tác tư vấn chiến lược và chuyển đổi số cho Tập đoàn với 20 sáng kiến chiến lược “Big moves” cho các dịch vụ CNTT của mình, nhằm hướng tới mục tiêu doanh thu khoảng 1 tỷ USD vào năm 2025.  

Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành Tập đoàn

- Trình độ chuyên môn: Kỹ sư Điện tử viễn thông
- Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa, khoa Kỹ thuật điện tử (1987)
- Là trụ cột quan trọng nhất trong việc đưa CMC từ một - Công ty tin học 20 thành viên ban đầu trở thành Tập đoàn CMC hiện nay.
- Là người nhiệt huyết và quyết liệt trong điều hành và quản trị công ty.
- Khả năng nắm bắt, nhận định thị trường rất nhạy bén và đưa ra các chỉ đạo sáng suốt.

 

Rồng Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.