Áp lực trả nợ trái phiếu vẫn rất lớn với doanh nghiệp bất động sản

MĂNG GIANG

12/10/2023 20:48

Khoảng 50 doanh nghiệp đàm phán dời ngày đáo hạn cho hơn 95.200 tỷ đồng trái phiếu trong bối cảnh thiếu vốn và kinh doanh khó khăn.

thm-1654657660.jpeg

Nhà đầu tư tập trung trước trụ sở Tân Hoàng Mình để đòi nợ trái phiếu cuối tháng 5/2022 - Ảnh: N.M

Mới đây, Novaland thông báo đã đạt thỏa thuận gia hạn một lô trái phiếu với ngày đáo hạn ban đầu vào cuối tháng 6/2023 thành cuối tháng 6/2025. Lô này được phát hành từ năm 2019, ban đầu có tổng giá trị 1.300 tỷ đồng, đến nay còn lưu hành 650 tỷ đồng.

Bên cạnh gia hạn, Novaland điều chỉnh việc trả lãi thành một lần vào ngày đáo hạn đã điều chỉnh hoặc ngày mua lại trước hạn trái phiếu, thay vì trả lãi định kỳ 3 tháng một lần như trước. Trong trường hợp có doanh thu bán hàng hoặc nguồn thu khác về nhanh hơn dự kiến, công ty sẽ mua lại trước hạn một phần hoặc toàn bộ trái phiếu.

Tính chung cả tháng 9, Novaland và công ty con đã dời kỳ hạn cho ba lô trái phiếu với tổng giá trị khoảng 1.145 tỷ đồng. Các lô đều được nâng thêm hai năm, ngày đáo hạn được dời sang tháng 6-8/2025.

Nới kỳ hạn trái phiếu trở thành động thái chung của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua, nhất là nhóm bất động sản. Hệ sinh thái Hưng Thịnh đàm phán lùi thời hạn tổng cộng 7 lô trái phiếu trong tháng 9, giá trị khoảng 9.200 tỷ đồng. Nhóm thuộc Bamboo Capital cũng dời hạn khoảng 8.000 tỷ đồng trái phiếu. Sovico nới hạn hoàn thành nghĩa vụ với 11 lô trái phiếu, tương ứng khoảng 12.000 tỷ đồng. Đa phần điều chỉnh ngày đáo hạn thêm hai năm, dời áp lực trả nợ sang giai đoạn 2025-2026.

Thiếu vốn và hoạt động kinh doanh gặp khó khiến các doanh nghiệp chọn tập trung đàm phán kéo dài thời gian, thay vì mua lại trái phiếu đến hạn. Riêng tháng 9, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê các doanh nghiệp chỉ mua lại hơn 9.200 tỷ đồng trái phiếu, chưa bằng một phần tư so với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Con số này cũng nằm trong nhóm thấp nhất kể từ năm 2022 và giảm một nửa so với cùng kỳ.

Theo VNDirect, tính đến ngày 3/10 đã có hơn 50 tổ chức phát hành đạt thỏa thuận tăng kỳ hạn với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn hơn 95.200 tỷ đồng.

Tình trạng chậm trả lãi và gốc trái phiếu vẫn nhiều. Tính đến ngày 3/10, khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu theo thông báo của HNX. VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của nhóm này khoảng 176.100 tỷ đồng, chiếm gần 18% toàn thị trường. Phần lớn là các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc.

Thời gian tới, các bên quan sát thị trường đều cho rằng áp lực trả nợ trái phiếu vẫn rất lớn với doanh nghiệp. VNDirect ước tính, trong quý IV sẽ có khoảng gần 53.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Nhóm bất động sản có tỷ trọng lớn nhất chiếm 44% và đứng thứ hai là nhóm tài chính - ngân hàng với tỷ lệ gần 40%.

Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đưa ra con số 65.500 tỷ đồng nếu không tính các lô trái phiếu đã giãn và hoãn. Gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Vì thế, HoREA đánh giá quý cuối năm mới là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu.

Cập nhật ngày 20/2/2023: Nhiều doanh nghiệp bất động sản xin lùi thời gian trả lãi và gốc trái phiếu

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải xin lùi thời gian trả lãi/gốc trái phiếu đến hạn.

Mới nhất, Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC - Mã: TDC) đã có báo cáo về việc chậm thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu TDC.BOND.2020.700.

Theo kế hoạch, từ ngày 15/2 đến 22/2, Becamex TDC sẽ phải thanh toán gần 24 tỷ đồng tiền lãi đợt 9 của lô trái phiếu này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng vào ngày 15/2, còn lại gần 17 tỷ đồng chưa thể thanh toán.

Phía doanh nghiệp bất động sản này cho biết sẽ thanh toán phần lãi chậm trả cùng tiền phạt tính đến ngày thanh toán trước 23/3, tức chậm khoảng 1 tháng so với thời gian cam kết ban đầu.

Theo tìm hiểu, lô trái phiếu do Becamex TDC phát hành kể trên có kỳ hạn 5 năm, lãi suất được áp dụng là 10,5%/năm đối với 4 kỳ tính lãi đầu tiên, kỳ thứ 5 đến thứ 8 lãi suất là 11%/năm. Kể từ kỳ thứ 9, lãi suất sẽ bằng lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó cộng biên độ 5%/năm và không thấp hơn 11,5%/năm. Lãi suất được trả ba tháng một lần.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh kém khả quan đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thanh toán lãi, gốc trái phiếu của doanh nghiệp. Trong quý gần nhất, doanh thu thuần của Becamex TDC đã giảm 78% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ mang về 183 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, công ty này báo lỗ sau thuế hơn 104 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 có lãi 87 tỷ.

Nếu tính chung cả năm 2022, Becamex TDC vẫn thu về khoản lợi nhuận sau thuế gần 40 tỷ đồng, nhưng đã giảm 68% so với năm 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp này kể từ năm 2007.

Theo giải trình của doanh nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến khoản thua lỗ quý gần nhất là doanh thu bất động sản giảm tới 99%, trong khi doanh thu xây dựng giảm 71%. Công ty mẹ Becamex TDC chịu lỗ trong khi lợi nhuận từ các công ty con không cao, không biến động nhiều.

Không riêng Becamex TDC, một doanh nghiệp địa ốc khác là Công ty CP Fuji Nutri Food (FNF) mới đây cũng đã phải dời kế hoạch thanh toán lãi cho lô trái phiếu FNFCH2223001 với số tiền hơn 25 tỷ đồng. Lý do là doanh nghiệp chưa thu xếp kịp nguồn tiền thanh toán.

Được biết, lô trái phiếu của FNF có khối lượng 1 triệu đơn vị, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị huy động là 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn ngày 12/8, với lãi suất cố định 10%/năm.

Ngoài ra, Fuji Nutri Food còn có một lô trái phiếu khác được phát hành vào tháng 3/2021, với giá trị 720 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng (đáo hạn ngày 18/3/2024). Mục đích của đợt phát hành là để góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa công ty và CTCP Địa ốc Ngân Hiệp - doanh nghiệp bất động sản sở hữu dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 1 - Hồ Tràm quy mô hơn 9 ha.

Liên quan áp lực thanh toán lãi, gốc trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp năm nay, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết trong quý II và III năm nay, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng trở lại với giá trị ước tính lần lượt đạt 93.140 tỷ và 89.490 tỷ đồng trong hai quý.

Sau giai đoạn này, các chuyên gia cho rằng áp lực đáo hạn sẽ hạ nhiệt vào quý IV với tổng giá trị đáo hạn giảm 33% so với quý trước về mức 59.570 tỷ đồng (vẫn tăng 16% so với cùng kỳ).

Lũy kế cả năm 2023, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp sẽ vào khoảng 272.850 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2022.

Cập nhật ngày 9/6/2022: Hưng Thịnh Land, Novaland, Vinaconex, TNR Holdings phát hành trái phiếu nhiều nhất

Trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022 mà Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng, cơ quan này đã điểm mặt 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua.

Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp bất động sản có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất năm vừa qua lần lượt là Công ty CP Hưng Thịnh Land, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas...

Tiếp theo đó là những nhà phát triển bất động sản lớn trên thị trường, như Công ty CP Tập đoàn Địa ốc No va (Novaland) phát hành 6.938 tỷ đồng; Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phát hành 6.000 tỷ; Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (TNR Holdings) phát hành 4.000 tỷ…

Cũng theo danh sách Bộ Tài chính công bố, trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua đã nhiều doanh nghiệp phát hành với tỷ lệ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu.

Trong đó, Công ty Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.

Tương tự, Công ty Osaka Garden năm vừa qua phát hành 7.700 tỷ trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ khối lượng phát hành trái phiếu/vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới 28,5 lần.

Ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, hàng loạt doanh nghiệp đang có lượng phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần; Công ty CP Hoàng Phú Vương và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Residence cùng gấp 6 lần…

Cập nhật ngày 8/6/2022: Trái phiếu đang là 'miếng gân gà' nuốt không trôi mà nhả cũng không dễ với nhiều doanh nghiệp

Thực tế hoạt động phát hành trái phiếu đã có hai năm bùng nổ, đặc biệt là với hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Năm 2021, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt gần 640.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2020, với gần 95% là phát hành riêng lẻ.

Lãi suất cao là lý do chính thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư. Thống kê trong năm 2021, hơn 60% lượng phát hành thành công có lãi suất trên 8%. Quá nửa thị trường chào mức lãi suất từ 9% trở lên trong khi mức trung bình lãi ngân hàng của năm ngoái chỉ 5-6% một năm. Đặc biệt, gần 7% tổng khối lượng phát hành, tương đương gần 43.000 tỷ đồng, có lãi suất phát hành trên 11%.

Lãi suất cao thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia, khiến các đợt chào bán liên tục "cháy hàng". Trong số này, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Trong khi thị trường tăng trưởng quá nóng, một bộ phận nhà đầu tư chạy theo lãi suất cao mà không đánh giá đúng mức độ rủi ro.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, để chào mời mua trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, thị trường đã xuất hiện nhiều chiêu "lách" quy định.

Cách "lách" phổ biến nhất là nhà đầu tư cá nhân này được hướng dẫn mua trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong 2-4 ngày, để đủ điều kiện được công nhận "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" (hiệu lực trong 1 năm). Ngoài ra, họ có thể sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng. Trong trường hợp không đủ điều kiện, việc mua trái phiếu riêng lẻ vẫn có thể thực hiện thông qua các hợp đồng dân sự.

Vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh là một ví dụ. Các công ty thành viên của tập đoàn này thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ huy động hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên mua trái phiếu, tức trái chủ, lại chính là Tân Hoàng Minh. Số trái phiếu này sau đó tiếp tục được phân phối thứ cấp cho nhiều nhà đầu tư cá nhân.

Họ tham gia hợp đồng gọi là "Hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh" để đầu tư trái phiếu. Kết quả là trái chủ thực sự lại là những cá nhân không hề có tên trên báo cáo kết quả phát hành.

Về phía doanh nghiệp phát hành, nguy cơ rủi ro cũng tiềm tàng ở một số đơn vị. Trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần, thậm chí vài chục lần.

Công ty cổ phần Osaka Garden có vốn chủ sở hữu ở mức 270 tỷ đồng nhưng huy động khối lượng trái phiếu lên tới 7.700 tỷ đồng. Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranean Revival Villas huy động 7.200 tỷ đồng trái phiếu trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 153 tỷ.

Khi báo cáo kết quả phát hành, Osaka Garden cho biết số tiền thu về để đặt cọc chuyển nhượng một phần dự án, trong đó phần tài sản đảm bảo tiết lộ tên dự án này là Sài Gòn Bình An, tại quận 2, TP HCM. Dự án này cũng xuất hiện trong báo cáo kết quả phát hành trái phiếu của Công ty Hoàng Phú Vương, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 800 tỷ nhưng huy động trái phiếu gần 4.700 tỷ đồng.

Tương tự, Mediterranena Revival Villas, doanh nghiệp có tỷ lệ huy động trái phiếu trên vốn chủ sở hữu năm 2021 gấp hơn 47 lần, cũng liên quan tới một dự án của nhà phát triển này.

Bên cạnh đó, việc huy động theo nhóm doanh nghiệp cũng xuất hiện trong danh sách các đơn vị phát hành nhiều nhất.

Bộ Tài chính cho biết sắp tới sẽ quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khối lượng gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, "gây mất an toàn trong hoạt động, ảnh hưởng để khả năng thanh toán". Mỗi doanh nghiệp có thể chỉ được phát hành trái phiếu không quá ba lần vốn chủ sở hữu, nếu vượt trên một lần vốn chủ sở hữu thì phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.

Nếu xảy ra rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư chỉ còn cách "bám víu" vào tài sản đảm bảo của các đợt phát hành. So với ngân hàng hay các nhóm doanh nghiệp khác, nhóm bất động sản có tỷ lệ tài sản đảm bảo trong các đợt phát hành trái phiếu cao hơn. Cụ thể, gần 58% khối lượng trái phiếu nhóm này phát hành được đảm bảo bằng bất động sản hoặc dự án, gần 24% đảm bảo bằng cổ phiếu, gần 10% được đảm bảo bằng tài sản khác.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cảnh báo rằng, những tài sản này vẫn chưa đủ để đảm bảo mức độ an toàn.

"Tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Trường hợp thị trường khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu", Bộ Tài chính cảnh báo.

Vụ việc tại Tân Hoàng Minh cũng làm rõ hơn cảnh báo này. 9 lô trái phiếu bị hủy đều có tài sản đảm bảo là dự án bất động sản hoặc cổ phiếu. Tuy nhiên, để có tiền hoàn trả cho nhà đầu tư, Tân Hoàng Minh hiện tại phải thanh lý nhiều dự án khác của tập đoàn. Việc chuyển nhượng cổ phiếu chưa từng được đề cập tới.

Ngoài Tân Hoàng Minh, trái phiếu hiện cũng đang là 'miếng gân gà' nuốt không trôi mà nhả cũng không dễ với nhiều doanh nghiệp. Trong diễn biến mới nhất, GEX (Gelex) đã quyết định mua 3 lô trái phiếu trị giá 1.200 tỷ đồng trước hạnHưng Thịnh Land trước đó không lâu cũng huy động thêm 1.800 tỷ đồng trái phiếuDXG (Đất Xanh) đi xa hơn khi dự định phát hành 300 triệu USD trái phiếu ra quốc tế...

Trên thế giới cũng tương tự, làn sóng vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc ngày càng trở nên đau đầu với nhà đầu tư toàn cầu

Cập nhật ngày 26/7/2021: Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp gần gấp đôi tiết kiệm

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý II của SSI Research ghi nhận số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bắt đầu sôi động trở lại trong quý II.

Trong đó, riêng 3 tháng quý II, thị trường ghi nhận 164.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, cao gấp 3,7 lần so với quý I và tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Hầu hết số này là trái phiếu phát hành riêng lẻ trong nước (chiếm 89%). Ngoài ra, có 2.000 tỷ đồng là trái phiếu phát hành ra công chúng của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và Công ty CP Glexhomes, cùng 700 triệu USD (16.000 tỷ đồng) là trái phiếu quốc tế của Vingroup và Công ty CP Bất động sản BIM.

Trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại

Tính riêng quý II, các ngân hàng thương mại đã vượt mặt nhóm bất động sản trở thành tổ chức phát hành nhiều nhất với 67.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ và chiếm 41% tổng lượng phát hành trong quý. Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành quý gần nhất là 97.000 tỷ, vẫn tăng 21%.

Như vậy, sau nửa đầu năm, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 208.900 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm phát hành nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp bất động sản với 92.300 tỷ (chiếm 44,2%). Theo sau là các ngân hàng với 68.200 tỷ đồng phát hành (chiếm 32,7%); doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản phát hành 14.800 tỷ (7,1%); định chế tài chính phi ngân hàng 11.200 tỷ (5,4%) và phát triển hạ tầng 6.000 tỷ (2,9%)…

Đáng chú ý, cùng với sự sôi động trở lại của thị trường trái phiếu, chênh lệch lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi vẫn duy trì ở mức rất cao.

Trong khi lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống hiện nay (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) chỉ vào khoảng 5,5-5,6%/năm, lãi suất bình quân của trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý II lên tới 9,95%/năm, cao hơn gần gấp đôi.

Thậm chí, mức lãi suất trái phiếu kể trên đã giảm 0,33 điểm % so với quý I.

Theo các chuyên gia, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang trong xu hướng giảm từ quý III/2020 đến nay, nhưng mức giảm là rất nhỏ so với mức giảm sâu của lãi suất tiền gửi. Điều này khiến chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi bị nới rộng và giữ ở mức cao.

Nếu so với lãi suất tiền gửi bình quân trên thị trường ngân hàng hiện nay là 5,6-6,7%/năm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên (theo Ngân hàng Nhà nước), mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân vẫn cao hơn tới 35-45%.

Theo HNX, các doanh nghiệp bất động sản là một trong những nhóm có lãi suất trái phiếu cao nhất thị trường hiện nay với bình quân 10,3%/năm trong quý II (không tính các lô trái phiếu quốc tế).

Dù đã giảm 0,17 điểm % so với quý I nhưng việc lãi suất tiết kiệm giữ xu hướng giảm giai đoạn này đã khiến chênh lệch giữa lãi suất giữa 2 thị trường duy trì ở mức cao.

Tính trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 92.300 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 10,36%/năm, thấp hơn 0,23 điểm % so với năm 2020.

Lai suat trai phieu doanh nghiep gan gap doi tiet kiem anh 1

Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức cao.

Từ đầu năm, tín dụng luôn tăng trưởng cao hơn huy động khiến chênh lệch tiền gửi - tín dụng toàn hệ thống thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn trong trạng thái dồi dào và NHNN vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

Vì vậy, lãi suất tiền gửi có thể giữ ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ vào cuối năm nay, trong khi đó lợi tức từ trái phiếu doanh nghiệp vẫn hấp dẫn so với kênh tiền gửi.

Trong quý II, tài sản ròng của hầu hết quỹ đầu tư trái phiếu đều giảm nhẹ, ghi nhận quý giảm đầu tiên sau nhiều quý tăng trưởng liên tiếp trước đó.

Thị trường chứng khoán được dự báo kém thuận lợi hơn trong nửa cuối năm nay và các nhà đầu tư sẽ quay trở lại kênh lãi suất cố định để trú ẩn

SSI Research cho biết đang có hiện tượng các nhà đầu tư giảm nắm giữ trái phiếu để chuyển sang đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán được dự báo kém thuận lợi hơn trong nửa cuối năm nay và các nhà đầu tư sẽ quay trở lại kênh lãi suất cố định để trú ẩn, nên nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, NHNN mới đây đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thêm 2-6 điểm %, thấp hơn đề xuất của các ngân hàng và thấp hơn cùng kỳ năm trước nên nhu cầu huy động vốn vay qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao.

Về lãi suất, mới đây hàng loạt ngân hàng đã công bố các gói giảm lãi suất từ 0,5-1,5 điểm % cho khách hàng. Tuy vậy, theo SSI Research, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng giá rẻ này không hề đơn giản với các doanh nghiệp không nằm trong nhóm ưu tiên hoặc bị hạn chế về tài sản đảm bảo như bất động sản.

Vì vậy, lãi suất phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn dao động quanh mức 10%/năm.

Siết quy định Ngân hàng rót vốn vào trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 16/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

3 trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp gồm:

+ Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.

+ Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

+Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Quy định siết chặt hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng cùng việc HNX đang tập trung nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vừa bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư vừa chia sẻ gánh nặng huy động vốn trung và dài hạn dồn lên vai ngân hàng.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.