Giao dịch đất nền TP.HCM và vùng ven vẫn ảm đạm

ĐĂNG NGUYÊN

04/07/2024 17:03

Những tháng qua, giao dịch đất nền ở các tỉnh phía Nam tiếp tục ảm đạm với tỷ lệ hấp thụ chưa đến 10% rổ hàng sơ cấp.

 

datnen-bds2-1616388232.png

Sau đất tỉnh, đến lượt đất nền ven TP.HCM rơi vào ế ẩm

Quý II, thị trường đất nền TP HCM và các tỉnh vùng ven chưa có tín hiệu phục hồi cả cung và cầu. Rổ hàng sơ cấp (chủ đầu tư mở bán lần đầu) tiếp tục giảm, tỷ lệ hấp thụ chưa đến 10%. Một số ít dự án mạnh dạn mở bán thời gian qua phần nhiều để tạo tiếng vang, còn giao dịch thực tế vẫn kém, không như kỳ vọng.

Số liệu từ DKRA Group cũng cho thấy đến cuối tháng 5, TP HCM và vùng phụ cận có 9 dự án đất nền mở bán gồm 3 dự án mới và 6 dự án bán giai đoạn tiếp theo, với 561 sản phẩm. So với cùng kỳ 2023, nguồn cung giảm 55%, tỷ lệ tiêu thụ trên rổ hàng mới đạt 9%, (tương ứng bán được 49 sản phẩm) giảm 89%.

Còn theo chuyên trang Batdongsan, trong quý II, nhu cầu tìm mua đất nền, nhà liền thổ các tỉnh phía Nam không còn giữ được phong độ như các tháng đầu năm. Một khảo sát mới đây của đơn vị này thực hiện với 1.000 nhà môi giới phân khúc đất nền, chỉ khoảng 21% đánh giá giao dịch có tăng. Con số này giảm 4% so với khảo sát thực hiện quý I. Lượng môi giới đánh giá giao dịch đất nền giảm chiếm đến 29%, tăng 10% so với kết quả khảo sát ba tháng đầu năm.

Lý giải sự kém sắc của thị trường đất nền, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group, cho biết với đất nền, TP HCM gần như không có nguồn cung mới, còn các tỉnh giáp ranh thì rổ hàng nhỏ giọt, lại chịu cạnh tranh từ nguồn hàng thứ cấp cắt lỗ, giảm giá nên khó có giao dịch.

Theo các chuyên gia, đà phục hồi của đất nền luôn chậm hơn so với các loại hình bất động sản khác do đây vẫn là phân khúc phục vụ nhu cầu mua đầu tư là chính.

Dù vậy, giới chuyên gia nhận định khi quy định siết phân lô bán nền tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực, đất nền phân lô sẽ giảm rất mạnh nguồn cung. Trong khi đó nhu cầu đất nền khó giảm về dài hạn vì tâm lý người Việt vẫn rất chuộng loại hình này. Cung ít cầu nhiều, giá đất nền sẽ đi lên, nhiều khả năng từ giữa năm 2025, phân khúc này có thể phục hồi thanh khoản.

Thành viên cập nhật ngày 6/7/2023: Đất nền vùng ven TP.HCM rớt giá 25 - 50%

Sau thời gian giới đầu tư đất nền đổ về các tỉnh ven TP.HCM, đến nay sức cầu chung khu vực này cũng sụt giảm mạnh, đặc biệt là tác động từ kiểm soát tín dụng vào bất động sản.

Đầu tháng 7, tại các huyện ven TP HCM, đà giảm giá đất nền có xu hướng mạnh dần. Trong quý II rớt thêm 15-20% so với đầu năm nay và giảm 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Hóc Môn, tuần qua đất nền ở xã Xuân Thới Sơn, được môi giới chào 19 triệu đồng một m2 song không có khách mua, trong khi giá bán cùng kỳ năm trước là 25-26 triệu đồng một m2. Tại xã Bà Điểm, đất nền một số trục đường chính cũng hạ xuống còn 19 triệu đồng một m2, giảm thêm 20% so với quý I. Đất vườn, đất trồng cây lâu năm diện tích lớn có giá 6-8 tỷ đồng một lô tại Hóc Môn xuất hiện mức giảm 1,5-3 tỷ đồng một nền tùy vị trí, giao dịch trầm lắng.

Tương tự, đất nền tại huyện Bình Chánh và Nhà Bè cũng ghi nhận giảm giá cục bộ trên thị trường thứ cấp suốt quý II. Anh Điền, môi giới tại 2 huyện ven này cho hay, một lô đất hỗn hợp diện tích lớn tại xã Phong Phú năm ngoái có giá 60 tỷ đồng đến cuối tháng 6 được cập nhật giá mới giảm 25 tỷ đồng, tuy có khách hẹn đi xem nhưng chưa chốt.

Đất nền xã Long Thới huyện Nhà Bè, các nền khu dân cư 80-85 m2 hiện chào giá 2,5 tỷ đồng, giảm 500-600 triệu đồng so với cùng kỳ. Riêng khu Lê Văn Lương nối dài đoạn gần với Long An, một số nền đất năm ngoái rao giá 1,6-1,8 tỷ đồng hiện hạ xuống còn 1,2-1,3 tỷ đồng.

Tại Cần Giờ, đất nền khu Phước Lộc từng được rao giá 20 triệu đồng một m2 hồi năm ngoái nhưng đến cuối tháng 6 chỉ giao dịch ở mức 15 triệu đồng một m2 đối với nền đã ép cọc. Trong khi đó, đất mặt tiền biển lô lớn tại Cần Giờ từng chào giá 50 tỷ đồng đầu năm 2022 hiện hạ xuống còn 29 tỷ đồng, song ít khách quan tâm. Đất nền thổ cư mặt tiền đường Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh cách đây một năm có giá chào bán 34 triệu đồng một m2 đến đầu tháng 7 môi giới rỉ tai giá 27 triệu đồng một m2 vì chủ đất muốn thu hồi dòng tiền về.

Trên chợ địa ốc online Nhatot tuần đầu tháng 7 ghi nhận nhiều lô đất nền tại Củ Chi rao bán gấp do chủ đất ngộp tài chính. Một lô đất 90 m2 tại xã Tân An Hội được rao thanh lý giá 820 triệu đồng. Nền 100 m2 sổ hồng tại xã Thái Mỹ chỉ còn chào mức 750 triệu đồng trong khi đất nền ở xã Tân Phú Trung 98 m2 chủ đất rao bán rẻ 920 triệu đồng. Đối với các nền đất lô lớn có nguồn gốc đất nông nghiệp xen kẽ với thổ cư tại xã Tân Phú Trung, có không ít trường hợp chủ đất giảm từ 9 tỷ đồng xuống còn 6 tỷ đồng để thoát hàng. Môi giới địa phương cho hay, mức giảm giá đất nền tại huyện Củ Chi đến ngày 5/7 khoảng 30-40% so với cùng kỳ.

Một số thị trường đất nền tỉnh lân cận TP HCM cũng trong vòng xoáy giảm giá. Tại Đồng Nai, các dự án cũ tại Nhơn Trạch, Biên Hòa khu vực còn thưa dân cư giảm giá 25% so với cùng kỳ nhưng tốc độ giảm đã chậm lại kể từ tháng 6. Đất khu Long Hưng hiện được chào giá 2 tỷ đồng một nền, giảm 300-400 triệu đồng so với đầu năm nay. Khu Trảng Bom, đất nền 100 m2 sổ đỏ, đang điều chỉnh giá về mức 1-1,1 tỷ đồng một nền với khách mua lẻ, trong khi khách mua sỉ 2-3 nền trở lên có thể mặc cả giảm thêm 10-15%. 

Thực trạng hiện nay, các nhà đầu tư tham gia thị trường đang chịu áp lực nặng nề do mất cân đối về dòng tiền.

Thành viên cập nhật ngày 7/2/2023: Đất nền vùng ven TP.HCM và các nơi sốt ảo sẽ giảm giá nhiều hơn nội thành

Thị trường nhà đất phía Nam được dự báo vẫn chịu áp lực giảm giá trong 6-12 tháng tới, các bất động sản đầu cơ sẽ giảm mạnh hơn tài sản phục vụ nhu cầu thật.

Những ngày đầu năm 2023, các tài sản nhà, đất ở khu vực huyện vùng ven TP HCM như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi đã xuất hiện tình trạng giảm giá cục bộ một vài khu với biên độ điều chỉnh 10-25% tùy khu vực.

Giá căn hộ trên thị trường thứ cấp phía Nam cũng đã xuất hiện tình trạng giảm giá 10-30% để thanh lý, thoát hàng tùy khu vực. Giá chào bán bất động sản tại các tỉnh phụ cận với thành phố cũng ghi nhận đà giảm phổ biến 10-30%.

Chuyên gia bất động sản dự báo trong 6-12 tháng tới, những tài sản có thể sử dụng, khai thác được sẽ giữ giá tốt hơn các loại bỏ hoang chờ tăng giá nhờ mua đi bán lại, Bởi lẽ, thanh khoản của thị trường năm 2023 nhiều khả năng vẫn khá ảm đạm. Đà giảm giá sẽ xuất hiện nhiều ở nhóm bất động sản đầu cơ không phục vụ dân sinh hoặc làn sóng giảm giá có thể càn quét qua những nơi từng sốt ảo.

Nhà đất thuộc các vùng 2-3 là các tỉnh giáp ranh TP HCM gồm: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu có thể giảm giá từ 5-7% đến 10-15% trong 12 tháng tới. Vùng 4 là các khu vực xa hơn như Tây Ninh, Bình Phước, Đắc Nông... có thể giảm 15-20% trở lên. Các khu được xem là vùng sâu vùng xa giá đất rẫy, đất rừng, đất nông nghiệp từng sốt ảo có thể rớt đến 30-50% trong năm nay.

Theo giới trong ngành, khi thị trường khó khăn về thanh khoản và vốn, giá trị thật của bất động sản sẽ quy chiếu về giá trị khai thác và biên lợi nhuận của ngành nghề kinh doanh trên tài sản. Những tài sản không có kết nối hạ tầng tốt, chỉ là đất nông nghiệp hoang hóa, đất rẫy khai thác kinh doanh không cao hoặc nhà ở có vị trí không thuận lợi sẽ giảm giá mạnh hơn nhóm bất động sản phục vụ nhu cầu thật.

Thành viên cập nhật ngày 28/12/2022: Đất nền các huyện vùng ven TP.HCM giảm giá

Từ giữa tháng 12, đất nền lẻ và đất nền nhà liền thổ trong các dự án tại 5 huyện ven đô Sài Gòn xuất hiện nhiều trường hợp giảm giá chào bán so với đầu năm nay, thanh khoản trầm lắng. Các nhà đầu tư có động thái giảm giá đất ít nhất trên dưới 5% và nhiều nhất 10-20%, cá biệt có một số trường hợp giảm gần 30% so với đầu năm.

Tại huyện đảo Cần Giờ, tuần đầu tiên của tháng 12, nhà đầu tư ôm đất mặt tiền biển lô lớn trên 2.500 m2 chào bán 37 tỷ đồng mỗi lô nếu giao dịch ngay thời điểm cuối năm nay (đầu năm, giá mỗi lô này là 52 tỷ đồng), tức giảm 29%. Chủ đất cho biết, do thiếu hụt dòng tiền nên giảm giá sâu để cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Giá đất tại đường Giồng Ao thuộc thị trấn Cần Thạnh, đầu năm nay là 38 triệu đồng một m2, đến tháng 12, nhiều trường hợp chủ đất sẵn sàng bán giá 31-32 triệu đồng, tức giảm 20% để chốt lời.

Ở huyện Củ Chi, giá đất mặt tiền trên địa bàn huyện đầu tháng 12 được nhiều chủ nhà chào bán 20-25 triệu đồng một m2 tùy vị trí, giảm 15% so đầu năm với các lô diện tích tiêu chuẩn khoảng 100-150 m2. Nhiều chủ đất nền khác giảm giá bán từ 20 triệu đồng xuống còn 16 triệu đồng một m2 đối với đất lô lớn quy mô hàng nghìn m2, tương đương mức giảm 20%.

Giữa tháng 12, chủ một lô đất mặt tiền tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi chào giá bán 7,25 tỷ đồng, trong khi đầu năm lô này là 9 tỷ đồng, tương đương mức giảm 20%. Nhờ chấp nhận giảm giá mạnh hơn so với rổ hàng neo giá cao trên cùng địa bàn, chủ đất đã chốt giao dịch thành công, hoàn tất khâu thương lượng đặt cọc.

Trong khi đó, ở huyện Nhà Bè, đất nền dự án chào bán trên thị trường thứ cấp thuộc trục đường Lê Văn Lương ghi nhận giá 27-53 triệu đồng một m2 tùy vị trí từng lô, giảm 10-15% so với giá từng rao bán hồi đầu năm.

Trên địa bàn xã Phú Xuân, quanh trục đường Nguyễn Lương Bằng, đất nền dự án xây nhà liền thổ được chào bán thứ cấp 33-60 triệu đồng một m2 tùy vị trí, giảm 8-17% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đất nền trục đường Huỳnh Tấn Phát cũng ghi nhận mức chào bán 40-63 triệu đồng, giảm 7-14% so với cùng kỳ. Tại xã Phước Kiển, đất nền xây nhà liền thổ dự án quy mô trên 20 ha trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ hiện có giá 55-110 triệu đồng một m2, giảm 21% so với cuối năm ngoái.

Với huyện Bình Chánh, khu vực Trung Sơn, đất nền dự án xây nhà liền thổ loại 100 m2 đang rao giá 7,3-7,6 tỷ đồng có thương lượng, giảm 10% so với đầu năm. Trong khi đó, đất dự án chào bán thứ cấp trên trục Nguyễn Văn Linh hiện có giá 78-80 triệu đồng một m2, giảm 8-10% so với cùng kỳ năm trước.

Ở khu vực Hóc Môn, đất nền xây nhà liền thổ thuộc một dự án quy mô 3 ha trên đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Sơn ghi nhận giá chào bán 22-23 triệu đồng một m2, giảm 10% so với đầu năm nay. Cũng trên địa bàn huyện này, đất nền quanh đường Nguyễn Ảnh Thủ, Bà Điểm có giá 22-25 triệu đồng một m2, giảm 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các trường hợp chào bán đều rơi vào nhóm nhà đầu tư ngộp tài chính; riêng những người không bị khó khăn về dòng tiền chọn cách ôm hàng trong trung và dài hạn.

Báo cáo mới nhất về thị trường đất nền 5 huyện ngoại thành TP HCM của DKRA Việt Nam cũng cho biết, thị trường đất nền có dấu hiệu giảm tốc từ cuối tháng 4 và đà giảm mạnh dần khi càng về cuối năm. Tính đến ngày 26/12, giá bán đất nền dự án giảm thấp nhất trong ngưỡng trên dưới 5% và cao nhất lên đến 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn vị này xác nhận, đất nền lô lẻ ghi nhận mức giảm giá cao nhất lên đến 25% so với cùng kỳ 2021, trong đó, tại huyện Hóc Môn, giá đất nền lẻ giảm 10-15%, tại Cần Giờ giảm 11-18%, huyện Củ Chi hạ 13-25%. Tuy giá bán điều chỉnh, các giao dịch thành công vẫn khá khiêm tốn, thanh khoản thị trường sụt 70-75% so với đầu năm.

Diễn biến giảm giá đất tại các huyện ven được môi giới trên các địa bàn này nhìn nhận là do thị trường chịu tác động bởi việc các ngân hàng tăng cường kiểm soát tín dụng, thanh khoản sụt giảm. Thêm vào đó, thông tin cuối tháng 11, UBND TP HCM đề nghị các huyện ngoại thành không xin chủ trương lên quận hoặc thành phố mà chờ sau khi đạt chuẩn mới quyết định mô hình phù hợp với từng địa phương cũng tác động đáng kể đến tâm lý người bán lẫn người mua trong bối cảnh thị trường thanh khoản kém.

Trước đó, tháng 1/2021, Sở Nội vụ TP HCM có kế hoạch xây dựng Đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố, giai đoạn 2021-2030, với lý do các địa phương này có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị ở 5 huyện không khác nhiều các quận nội thành.

Sau khi đề án được công bố, 5 huyện ngoại thành đã tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư về định hướng phát triển. Một số huyện đưa ra mục tiêu lên quận trước năm 2025 như Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn; còn Củ Chi, Cần Giờ dự kiến lên quận trước 2030. Tuy nhiên, sau đó lần lượt 5 huyện ngoại thành đều công bố ý định nâng cấp lên thành phố, thay vì quận.

Theo lãnh đạo UBND TP HCM, lý do thành phố yêu cầu 5 huyện không xin lên quận hay thành phố vì việc này có thể gây sốt đất, đầu cơ, chưa kể thẩm quyền nâng cấp đơn vị hành chính là của Quốc hội.

Thực tế, ngay khi có thông tin một số huyện tại TP HCM được định hướng lên quận hồi đầu năm 2021 đã khiến thị trường đất nền các huyện ven đô Sài Gòn biến động. Hồi tháng 3/2021 giá đất huyện ven đô tăng ở biên độ phổ biến 3-20% so với hồi cuối năm 2020 bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp. Khi đó, giá đất 5 huyện đạt đỉnh 45-92 triệu đồng mỗi m2.

Đà tăng vẫn tiếp tục trong quý I/2022 nhưng từ quý II trở đi, xu hướng giảm giá bán bắt đầu xuất hiện. Các động thái giảm giá đất tại 5 huyện ven trong nửa cuối năm nay mạnh dần, song được môi giới địa phương thừa nhận nhà đầu tư ôm đất chỉ đang cắt lời chứ chưa xảy ra trường hợp bị lỗ do đã tăng giá cao trước đó.

Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group cho biết các thông tin kỳ vọng nâng cấp từ huyện lên quận luôn phản ánh vào giá (giá kỳ vọng) trước khi mức giá đó được thị trường chấp nhận (giá thị trường). Vì vậy, khi các thông tin kỳ vọng này yếu đi hoặc không còn chắc chắn sẽ có tác động kéo giá kỳ vọng xuống, tức làm giảm giá chào bán trên thị trường.

Ông Chánh phân tích, đa số nhà đầu tư ôm đất tại 5 huyện ven 2,5-3 năm trở lên đều lãi lớn, nếu các nhóm này giảm giá bán chỉ là giảm lời, chia sẻ một phần lợi nhuận lại cho người mua sau. Rủi ro thua lỗ vì giá giảm chỉ xuất hiện cho những người đã mua trong giai đoạn đầu năm 2021 đến đầu năm 2022 do đã đặt cược quá nhiều vào mức giá kỳ vọng vốn đã neo rất cao. Khoản rủi ro họ phải chịu là chênh lệch giữa giá kỳ vọng và giá thị trường ngày càng lớn. Chênh lệch này thường dao động trong khoảng trung bình 5-15% và cao 20-30% mức giá trong điều kiện thị trường diễn biến bình thường.

CEO Phú Vinh Group nêu ví dụ, một căn nhà trong khu dân cư hiện hữu, có thể dùng để ở và cho thuê giá 10 tỷ, khi thị trường ổn định, giảm giá xuống còn 8-8,5 tỷ sẽ có thanh khoản ngay. Tuy nhiên, trong giai đoạn thị trường bị bong bóng không thể đo được sự chênh lệch giữa giá thật và giá ảo, mức giảm tài sản rất khó đo lường. Cộng thêm tâm lý thị trường xấu dẫn đến hệ quả dù giảm giá nhưng thanh khoản trầm lắng.

Còn ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Việt Nam cho biết ngoài nguyên nhân UBND TP HCM gần đây chủ trương 5 huyện không vội đề xuất lên quận hoặc thành phố, còn có hai nguyên nhân chính khác dẫn đến thị trường sụt giảm.

Thứ nhất là do sự tăng cường kiểm soát tín dụng bất động sản. Từ cuối tháng 4 cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường kiểm soát tín dụng, trong đó bao gồm cả kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp địa ốc gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ 2 kênh này dẫn đến nguồn cung sụt giảm, nhà đầu tư cá nhân khó tiếp cận vốn vay ngân hàng dẫn đến sức cầu của thị trường sụt giảm.

Thứ hai theo ông Thắng, là do lãi suất tăng mạnh. Lãi suất cho vay mua bất động sản tính đến ngày 26/12 dao động 11-15% một năm. Với mức lãi suất này, nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn trong quyết định dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư tài sản trong giai đoạn thanh khoản toàn thị trường xuống thấp. Những nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính chịu áp lực lãi vay ngày càng lớn khi lãi suất tăng manh, với tình hình kinh tế đang gặp khó khăn, thu nhập bị sụt giảm khiến nhà đầu tư phải chấp nhận giảm giá, cắt lỗ hoặc giảm một phần lợi nhuận để xả hàng, giảm áp lực tài chính cá nhân.

Thành viên cập nhật ngày 14/9/2022: Sau đất tỉnh, đến lượt đất nền ven TP.HCM rơi vào ế ẩm

Những năm qua, khi TP.HCM thiếu vắng nguồn cung đất nền mới, thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường đều cho thấy giao dịch trở nên sôi động hơn ở các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên, đến tháng 8 này, báo cáo của DKRA cho biết tỷ lệ tiêu thụ ở 3 tỉnh này chỉ đạt 34% trên tổng số 193 nền đất mới.

Trong đó, khắp Đồng Nai chỉ có 9 nền được mở bán nhưng không nhà đầu tư nào xuống tiền, còn Bình Dương có 90 nền mới nhưng chỉ bán được 2 nền. Riêng thị trường Long An khả quan nhất cũng chỉ bán được khoảng 2/3 nguồn cung mới.

Theo DKRA, sức cầu chung toàn thị trường đã có dấu hiệu đi xuống từ vài tháng trở lại đây do các chính sách tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản. Tỷ lệ tiêu thụ các tháng 6, 7 lần lượt chỉ đạt 54% và 48%, dù nguồn cung mới luôn ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và mặt bằng giá cũng không có nhiều biến động. Giá sơ cấp trung bình ở các địa phương hiện dao động quanh vùng 16-24,4 triệu đồng/m2.

Điều đáng nói, diễn biến này không chỉ xuất hiện ở khu vực phía Nam. Lượng tiêu thụ đất nền ở Đà Nẵng thậm chí còn thấp hơn, chỉ bằng 24% tổng nguồn cung mới mở bán trong tháng. Hay ở Quảng Nam, có 23 nền đất mới được chào bán nhưng không phát sinh giao dịch nào.

Ở khu vực này, bên cạnh lý do về siết tín dụng, thanh khoản thấp còn đến từ việc giá bán ngày càng tăng cao. Mặt bằng giá sơ cấp đã tăng khoảng 3-17% so với giai đoạn mở bán trước cách đây 3-8 tháng, do những dự án này đã hoàn thiện cả về hạ tầng lẫn pháp lý. Giá chào bán đất nền ở Đà Nẵng hiện khoảng 22,5-30 triệu đồng/m2, còn Quảng Nam khoảng 11,3-28 triệu đồng/m2.

Trước đó, mức độ quan tâm đến đất nền trong 6 tháng đầu năm ở Đà Nẵng giảm 11% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các tỉnh miền Trung khác như Ninh Thuận, Thanh Hóa, Phú Yên, Khánh Hòa lại ghi nhận chỉ số này tăng lần lượt 57%, 51%, 48% và 25%.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng nguồn cung và sức cầu toàn thị trường đất nền từ tháng 9 trở đi sẽ khởi sắc hơn nhờ việc tháo gỡ các nút thắt về nguồn vốn tín dụng.

Thành viên cập nhật ngày 4/2/2022: Giá đất nền vùng ven TP.HCM vượt mốc 50 triệu đồng/m2

Theo báo cáo tổng kết thị trường đất nền phía Nam năm 2021 của DKRA Vietnam, bình quân giá chào bán đất nền cao nhất tại Long An đạt 52,7 triệu đồng/m2, Đồng Nai ghi nhận 45 triệu đồng/m2, còn Tây Ninh và Bình Dương đạt 15-25 triệu đồng/m2.

Khảo sát này dựa trên giá chào bán của nguồn cung đất nền mới công bố tại các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, mức giá đất nền cao nhất ghi nhận tại TP.HCM là 97 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 48 triệu đồng/m2

Số liệu cho thấy trong năm 2021, phân khúc đất nền tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận 46 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 6.220 sản phẩm. Long An và Đồng Nai là 2 tỉnh dẫn đầu nguồn cung toàn thị trường với khoảng 68% tổng nguồn cung mới, trong đó, giá chào bán đất nền tại Long An đang thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn nhiều tỉnh thành khác.

Mức độ tiêu thụ đất nền TP.HCM và vùng phụ cận đạt khoảng 4.697 nền, tương đương 76% nguồn cung mới. Tuy nhiên, riêng TP.HCM chỉ có 2 dự án mở bán mới, cung cấp ra thị trường khoảng 98 sản phẩm, bằng 17% so với năm 2020. Tỷ lệ tiêu thụ khoảng 52% (tương đương 51 sản phẩm), bằng 15% so với năm trước.

Các dự án đất nền tại TP HCM có quy mô nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở huyện ngoại thành như: Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè... Phân khúc đất nền tại TP.HCM chủ yếu ghi nhận tại dự án cũ, đã có từ những năm trước.

DKRA đánh giá nguồn cung mới trong năm 2021 sụt giảm mạnh khi chỉ đạt 47% so với năm 2020. Với việc thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến kế hoạch giới thiệu sản phẩm và hoạt động bán hàng của các dự án. Thanh khoản thị trường thứ cấp ở mức trung bình, mặt bằng giá có xu hướng giảm trong giai đoạn áp dụng biện pháp phong tỏa toàn xã hội.

Các dự án quy mô lớn, quy hoạch tiện ích nội khu đa dạng, vị trí thuận lợi trong việc kết nối với các khu vực xung quanh và pháp lý rõ ràng có tỷ lệ giao dịch thành công cao.

Thành viên cập nhật ngày 24/5/2021: Mua bán đất nền, nhà phố, biệt thự tại TP HCM giảm hơn 60%

DKRA Vietnam vừa công bố thị trường đất nền tại TP HCM và 4 tỉnh lân cận (Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu) trong tháng 5 với lượng tiêu thụ giảm 60,3% so với tháng trước.

Các khu vực này ghi nhận có tổng cộng 8 dự án mở bán, trong đó 7 dự án thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo và duy nhất một dự án được mở bán mới. Nguồn cung toàn thị trường đất nền trong tháng qua đạt 1.039 sản phẩm, giảm 27% so với tháng 4. Lượng tiêu thụ khiêm tốn, chỉ bán được 439 sản phẩm, giảm 60,3% so với tháng trước.

Sài Gòn và Bình Dương không có sản phẩm đất nền nào mở bán trong tháng qua. Riêng Long An đang dẫn đầu nguồn cung đất nền và trở thành vựa đất nền của thị trường TP HCM và các tỉnh phụ cận.

Đơn vị này cho biết, thị trường nhà phố, biệt thự suốt tháng 5 cũng có thanh khoản sa sút so với tháng 4. Tổng nguồn cung nhà phố biệt thự xây sẵn tại TP HCM và các tỉnh vùng ven ghi nhận 3 dự án mới và 6 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo, cung cấp ra thị trường 1.263 căn, giảm 32% so với tháng trước. Dù nguồn cung đã điều chỉnh xuống thấp hơn do tác động của dịch bệnh, sức tiêu thụ lại rất khiêm tốn, chỉ bán được khoảng 308 căn, thanh khoản nhà phố, biệt thự giảm 67% so với tháng 4.

Thị trường nhà đất Long An. Ảnh: Trung Tín.

Thị trường nhà đất Long An. Ảnh: Trung Tín.

Trong khi đó, khảo sát mới nhất của kênh Batdongsan xác nhận, thị trường tài sản gắn liền với đất trên các sàn online trầm lắng suốt tháng 5 khi đợt dịch mới bùng phát trở lại.

So với tháng 4, đất nền là loại hình bất động sản bị ảnh hưởng lớn nhất khi dịch diễn biến phức tạp, với mức độ quan tâm (đại diện cho nguồn cầu) giảm 19% chung cho toàn thị trường. Đây cũng là mức giảm của thị trường TP HCM và Hà Nội. Địa bàn có mức độ quan tâm trên các chợ trực tuyến giảm sâu nhất là tâm dịch Bắc Giang (giảm 49%). Trong khi đó chỉ số thể hiện nhu cầu thị trường đất nền tại các tỉnh Bắc Ninh và Hà Nam cũng suy giảm 46%, Vĩnh Phúc giảm 38% và Quảng Nam, Đà Nẵng (lần lượt giảm 35-36%).

Mặc dù thanh khoản mùa dịch của thị trường bất động sản liền thổ đang lao dốc, khảo sát của kênh Batdongsan cho biết, giá chào bán tài sản vẫn neo cao.

DKRA cũng nhận định, thị trường trầm lắng là phản ứng tức thời do tác động của đợt dịch mới do người mua có thể do dự trong ngắn hạn. Tuy nhiên về lâu dài, các tài sản liền thổ nhiều khả năng vẫn nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư do đây vẫn là kênh trú ẩn an toàn cho các dòng vốn ổn định.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.