Phân tích cổ phiếu VNM (Vinamilk): Triển vọng tăng thêm thị phần và lợi nhuận

Phú Hưng & BVSC

25/04/2024 08:45

Triển vọng tăng thêm thị phần nhờ chiến dịch marketing thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới

vnm4-1616045999.jpeg
VNM - Vinamilk: vẫn là số 1

Sự kiện thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới vào tháng 7/2023 với việc thay đổi logo, mẫu mã sản phẩm cho dòng sản phẩm sữa nước nhằm nỗ lực trẻ hóa thương hiệu hướng đến nhóm tiêu dùng trẻ, năng động.

Trong năm 2024, Vinamilk dự kiến tiếp tục giới thiệu bao bì mới cho các ngành hàng còn lại, chúng tôi cho rằng các chiến dịch tái định vị thương hiệu này sẽ góp phần giúp VNM giành lại thị phần trong tương lai.

Tính đến cuối tháng 12/2023, thị phần của VNM tại Việt Nam đã tăng 150 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện lên mức 42.2%.

Mở rộng biên lợi nhuận gộp dựa trên kì vọng giá sữa nguyên liệu neo ở mức thấp và việc nâng cao công suất từ các dự án trang trại bò sữa: VNM sẽ hưởng lợi từ đà giảm của sữa nguyên liệu và phụ phẩm, phụ gia trong năm 2024.

Các dự án trang trại bò sữa Mộc Châu và LaoJargo được dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2024 sẽ góp phần mở rộng quy mô, tăng năng suất sản xuất cho VNM và giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp khi mà 50% chi phí sản xuất của VNM nằm ở nguyên vật liệu.

Ngoài ra, Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Vinamilk có triển vọng tăng trưởng tích cực hơn khi công ty liên tục đẩy mạnh các chiến dịch marketing tại trường học, chợ, siêu thị, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác tại Trung Quốc.

Cho năm 2024F, ự phóng doanh thu thuần và LNST đạt lần lượt đạt 62,058 tỷ đồng (+2.8% YoY) và 9,245 tỷ đồng (+2.5% YoY).

CTCK Phú Hưng (PHS) đưa ra khuyến nghị MUA đối với VNM tại mức giá hợp lý là 71,600 VND/cổ phiếu.

Thành viên cập nhật ngày 22/5/2023: túc tắc tích luỹ khi giá cổ phiếu vẫn lình xình

BVS cho rằng sẽ có cơ hội để tích luỹ cổ phiếu VNM vẫn sẽ lình xình bởi lợi nhuận vẫn chưa kịp cải thiện vì nền so sánh về biên lợi nhuận cùng kỳ năm trước còn khá cao.

Tiêu thụ FMCGs tăng trưởng hơn 10% trong Q1 2023 theo cả Nielsen và Kanta, trái ngược hầu hết với tăng trưởng doanh thu của các công ty tiêu dùng đang niêm yết. Sự chênh lệch giữa sell-in và sell-out tại hệ thống phân phối cho thấy áp lực tồn kho có thể đã giảm bớt, tạo nền cho sự bật lại của doanh thu trong các quý tới.

VNM ghi nhận KQKD Q1 2023 kém khả quan với doanh thu thuần 13.918 tỷ (+0,3% yoy) và lợi nhuận sau thuế - cđts 1.857 tỷ (-18% yoy).

Thị phần sụt giảm, doanh thu nội -2,5% - đánh dấu quý giảm thứ 4 liên tiếp trong khi thị trường sữa chung ước tính tăng 3%, theo Nielsen. Công ty cho biết đang chịu nhiều cạnh tranh và thách thức ở ngành hàng Sữa nước và Sữa bột, qua đó tỷ lệ SG&A/doanh thu cả năm 2023 sẽ phải duy trì tương tự như năm ngoái để hỗ trợ bán hàng và giành lại thị phần trong phần còn lại của năm. Tuy vậy, vẫn có một số ngành hàng nhỏ như sữa hạt ghi nhận tăng trưởng khả quan.

Biên lợi nhuận đang dần tạo đáy. VNM ghi nhận biên gộp hợp nhất 38,8% và riêng công ty mẹ 41,4% - hầu như đi ngang so với Q4 2022. Công ty cho biết KQKD vẫn đang phản ánh giá nguyên vật liệu cao đã chốt trong năm ngoái và biên lợi nhuận sẽ dần phục hồi từ Q3 2023 trở đi. Tại đầu tháng 5-2023, WMP đang giao dịch ở mức 3.230 USD/tấn, giảm hơn 30% từ đỉnh ghi nhận trong tháng 3-2022 và cao hơn 8% mức bình quân trong giai đoạn 2018 – 2020.

Điều chỉnh giảm nhẹ dự báo 2023

BVSC dự báo doanh thu thuần 61.061 tỷ (+1,8% yoy) và lợi nhuận sau thuế - cđts 8.985 tỷ (+5,5% yoy), thấp hơn lần lượt 2% và 6% dự báo lần trước sau khi điều chỉnh cho KQKD Q1 2023. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin vào câu chuyện biên lợi nhuận dần hồi phục trong 2H 2023 – 2024 và dự báo lợi nhuận tăng trưởng 10,4% trong 2024.

EPS dự phóng lần lượt là 3.824 và 4.219 đồng/cp tương ứng với P/E 18,2x và 16,5x cho 2023 – 2024.

Khuyến nghị đầu tư

Với việc giá cổ phiếu đã giảm 10% từ cuối tháng 1 – 2023 trong khi kỳ vọng biên lợi nhuận cải thiện vẫn giữ nguyên, BVSC khuyến nghị giá mục tiêu 82.400 đồng/cp, dựa trên P/E trung vị 20,5x của các công ty cùng ngành trong khu vực và EPS bình quân 2023 – 2024.

BVS cho rằng sẽ có cơ hội để tích luỹ trong Q2 2023 khi cổ phiếu vẫn sẽ lình xình bởi lợi nhuận vẫn chưa kịp cải thiện vì nền so sánh về biên lợi nhuận cùng kỳ năm trước còn khá cao.

Cập nhật ngày 17/3/2021: Vững vàng trước đại dịch, vẫn là số 1, giá mục tiêu 122.000 đ/cp

VNM công bố KQKD cả năm 2020 với doanh thu 59.636 tỷ đồng (+5,9% yoy) và lợi nhuận sau thuế 11.099 tỷ đồng (+4,9% yoy). Qua đó, công ty đã hoàn thành 100% kế hoạch về doanh thu và 104% kế hoạch về lợi nhuận cả năm. VNM tiếp tục tăng 0,3% về thị phần trong bối cảnh tiêu thụ toàn ngành sữa giảm.

Công ty mẹ tiếp tục giữ vững vị trí số một. Đại dịch COVID-19 và các đợt lũ lụt ở miền Trung đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua của người tiêu dùng. VNM cũng bị ảnh hưởng khi doanh thu nội địa (công ty mẹ) chỉ tăng trưởng 0,8% so với mức bình quân trên 6%/năm của 3 năm trước đó. Tuy nhiên, thị phần của VNM vẫn tăng thêm 0,3% so với cuối 2019 do tiêu thụ của cả ngành giảm ~8% (theo Nielsen). VNM cho biết đã tung và tái tung hơn 15 sản phẩm trong 2020, và điều này đã giúp công ty gia tăng được thị phần, đặc biệt là ở mảng sữa chua. Chúng tôi đánh giá đây là nỗ lực rất đáng khích lệ của công ty.

Xuất khẩu trực tiếp vẫn khả quan. Xuất khẩu giảm 4,8% yoy trong Q4 2020 từ mức cao của năm trước trong khi cả năm vẫn tăng trưởng trên 7%. Đóng góp chủ yếu hiện nay vẫn là thị trường Trung Đông. Angkor Milk tại Campuchia vẫn tăng trưởng tốt trên 20% yoy trong khi Driftwood bị ảnh hưởng nặng nề do trường học đóng cửa tại California. Gần đây VNM cũng có thành lập liên doanh sữa để tham gia vào thị trường Philippines.

Biên gộp nhìn chung ổn định. Giá SMP/WMP biến động khá mạnh trong năm nhưng mặt bằng bình quân khá tương đồng với năm 2019, do đó biên gộp tại công ty mẹ vẫn duy trì ở mức 47,9% cả năm trong khi giá bán hầu như không tăng. Trong khi đó, biên gộp hợp nhất giảm nhẹ 1% xuống 46,2% do có đóng góp của MCM với biên gộp 31,5% - thấp hơn VNM.

Thị trường sữa Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển

Theo số liệu của Euromonitor, Việt Nam có mức tăng trưởng tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa là 52,5% trong giai đoạn 2015 – 2020, trong đó tiêu thụ bình quân đầu người tăng trưởng 45,2%.

Tuy vậy, ngay cả sau khi đã tăng trưởng ấn tượng như thế, mức tiêu thụ bình quân đầu người tại Việt Nam chỉ mới ở mức trung bình và vẫn còn thấp hơn các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật và Hàn Quốc.

screenshot-2021-03-18-at-123237-1616045582.png

 

Định giá và hiệu quả hoạt động của VNM vẫn còn hấp dẫn so với khu vực

VNM đang giao dịch ở mức P/E 21,4 lần và suất cổ tức 3,9% so với mức bình quân lần lượt là 29,2 lần và 2,2% của các công ty trong khu vực. Xét về hiệu quả hoạt động, các chỉ số biên EBITDA, biên hoạt động, biên ròng, ROA và ROE đều vượt trội.

BVSC dự báo doanh thu thuần đạt 63.470 tỷ đồng (+6,4% yoy) và lợi nhuận sau thuế 11.686 tỷ đồng (+5,3% yoy). EPS 2021 đạt 5.102 đồng/cp tương ứng với P/E dự phóng 19,7 lần.

Cơ hội tăng trưởng mới

Sắp tới GTN sẽ huỷ niêm yết và được hoán đổi sáp nhập vào VLC, chấm dứt sự tồn tại với vai trò thay VNM nắm giữ gián tiếp VLC và MCM. Với tỷ lệ hoán đổi là 1,6:1, VNM dự kiến sẽ nắm khoảng 68% VLC, VLC nắm trên 59% MCM và qua đó lợi ích kinh tế của VNM tại MCM sẽ là 49%.

Sau khi sáp nhập, VLC kế hoạch hợp tác với Sojitz để đầu tư vào lĩnh vực bò thịt qua liên doanh có vốn ban đầu là 2 triệu USD, trong đó VLC nắm 51%.

Ngoài ra, VLC cũng sẽ đầu tư 1.700 tỷ đồng để thực hiện dự án bò thịt với quy mô 20.000 con để gia nhập vào thị trường thịt với quy mô 10 tỷ USD lại Việt Nam.

Khuyến nghị đầu tư

So với mặt bằng chung các cổ phiếu vốn hoá lớn khác, VNM đang ít được chú ý hơn khi thị trường vẫn đang ưa thích các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ.

Với vị thế đã rất lớn ở thị trường nội địa, sẽ rất khó để VNM có thể đạt được mức tăng trưởng 2 chữ số như trong giai đoạn trước đây.

Tuy nhiên xét về dài hạn, Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVS cho rằng VNM vẫn là một cổ phiếu có thể nắm giữ trong danh mục xét trên các khía cạnh: (i) tiềm năng phát triển của ngành sữa Việt Nam còn lớn; (ii) định giá của VNM vẫn còn hấp dẫn so với các công ty trong khu vực; (iii) công ty vẫn tích cực đa dạng hoá và cao cấp hoá sản phẩm để đón đầu xư hướng tiêu dùng, và tích cực tìm kiếm cơ hội M&A để tăng trưởng; (iv) là cổ phiếu vốn hoá lớn có mang tính chi phối đến thị trường và là điểm đến tiềm năng của dòng vốn nước ngoài trong các câu chuyện thăng hạng của thị trường Việt Nam.

Với việc giá VNM đã giảm hơn 13% từ đỉnh, Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVS nâng khuyến nghị lên OUTPERFORM đối với VNM với mức giá kỳ vọng 122.000 đồng/cp bằng phương pháp DCF và P/E.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; mã chứng khoán VNM)

VNM là một công ty sản xuất, kinh doanh sữa và sản phẩm từ sữa cũng như các thiết bị máy móc liên quan tại Việt Nam.

Vinamilk hiện là doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa, chiếm hơn 54,5% thị phần sữa nước, 40,6% thị phần sữa bột, 33,9% thị phần sữa chua uống, 84,5% thị phần sữa chua ăn và 79,7% thị phần sữa đặc trên toàn quốc.

Ngoài việc phân phối mạnh trong nước với mạng lưới hơn 220.000 điểm bán hàng phủ đều 63 tỉnh thành, sản phẩm Vinamilk còn được xuất khẩu sang 43 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Canada, Ba Lan, Đức, Nhật Bản khu vực Trung Đông, Đông Nam Á...

Vinamilk đã xây dựng được 14 nhà máy sản xuất, 2 xí nghiệp kho vận, 3 chi nhánh văn phòng bán hàng, một nhà máy sữa tại Campuchia (Angkormilk) và một văn phòng đại diện tại Thái Lan. 

Hoạt động kinh doanh chính của công ty này bao gồm chế biến, sản xuất và mua bán sữa tươi, sữa đóng hộp, sữa bột, bột dinh dưỡng, sữa chua, sữa đặc, sữa đậu nành, thức uống giải khát và các sản phẩm từ sữa khác. Các mặt hàng của Vinamilk cũng được xuất khẩu sang một số quốc gia như Campuchia, Phillippines, Úc và một số nước Trung Đông. Doanh thu xuất khẩu chiếm 13% tổng doanh thu của công ty.[5] Năm 2011, Vinamilk mở rộng sản xuất, chuyển hướng sang phân khúc trái cây và rau củ. Không lâu sau phân khúc hàng mới, dòng sản phẩm đạt được thành công với 25% thị phần tại kênh bán lẻ tại siêu thị. Tháng 2 năm 2012, công ty mở rộng sản xuất sang mặt hàng nước trái cây dành cho trẻ em.

Vinamilk cung cấp hơn 250 chủng loại sản phẩm với các ngành hàng chính:

Sữa nước: Sữa tươi 100%, sữa tiệt trùng bổ sung vi chất, sữa tiệt trùng, sữa organic, thức uống cacao lúa mạch với các nhãn hiệu ADM GOLD, Flex, Super SuSu...
Sữa chua: sữa chua ăn, sữa chua uống với các nhãn hiệu SuSu, Probi, ProBeauty, Vinamilk Star, Love Yogurt, Greek, Yomilk...
Sữa bột: sữa bột trẻ em Dielac, Alpha, Pedia, Grow Plus, Optimum (Gold), bột dinh dưỡng Ridielac, sữa bột người lớn như Diecerna đặc trị tiểu đường, SurePrevent, CanxiPro, Mama Gold, Organic Gold, Yoko...
Sữa đặc: Ngôi Sao Phương Nam (Southern Star), Ông Thọ và Tài Lộc...
Kem và phô mai: kem sữa chua Subo, kem Delight, Twin Cows, Nhóc Kem, Nhóc Kem Ozé, phô mai Bò Đeo Nơ...
Sữa đậu nành - nước giải khát: nước trái cây Vfresh, nước đóng chai Icy, sữa đậu nành GoldSoy...

Lịch sử Vinamilk

Năm 1976, lúc mới thành lập, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) có tên là Công ty Sữa – Cà Phê Miền Nam, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Thực phẩm miền Nam, sau khi chính phủ quốc hữu hóa ba nhà máy sữa: Nhà máy sữa Thống Nhất (tiền thân là nhà máy Foremost Dairies Vietnam S.A.R.L hoạt động từ 1965), Nhà máy Sữa Trường Thọ (tiền thân là nhà máy Cosuvina do Hoa kiều thành lập 1972[3]) và Nhà máy Sữa bột Dielac (đang xây dựng dang dở thuộc Nestle).[4]

Năm 1982, công ty Sữa – Cà phê Miền Nam được chuyển giao về bộ công nghiệp thực phẩm và đổi tên thành xí nghiệp liên hiệp Sữa - Cà phê – Bánh kẹo I. Lúc này, xí nghiệp đã có thêm hai nhà máy trực thuộc, đó là: Nhà máy bánh kẹo Lubico và Nhà máy bột dinh dưỡng Bích Chi (Đồng Tháp).

Tháng 3 năm 1992, Xí nghiệp Liên hiệp Sữa – Cà phê – Bánh kẹo I chính thức đổi tên thành Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) - trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ, chuyên sản xuất, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa.

Năm 1994, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã xây dựng thêm một nhà máy sữa ở Hà Nội để phát triển thị trường tại Bắc Bộ, nâng tổng số nhà máy trực thuộc lên 4 nhà máy. Việc xây dựng nhà máy là nằm trong chiến lược mở rộng, phát triển và đáp ứng nhu cầu thị trường Bắc Bộ.

Năm 1996: Liên doanh với Công ty Cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn để thành lập Xí Nghiệp Liên Doanh Sữa Bình Định. Liên doanh này tạo điều kiện cho Công ty thâm nhập thành công vào thị trường Trung Bộ.

Năm 2000: Nhà máy sữa Cần Thơ được xây dựng tại Khu Công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tốt hơn của người tiêu dùng tại đồng bằng sông Cửu Long. Cũng trong thời gian này, Công ty cũng xây dựng Xí Nghiệp Kho Vận có địa chỉ tọa lạc tại: 32 Đặng Văn Bi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 5 năm 2001, công ty khánh thành nhà máy sữa tại Cần Thơ.

Năm 2003: Công ty chuyển thành Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Tháng 11). Mã giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán là VNM. Cũng trong năm 2003, công ty khánh thành nhà máy sữa ở Bình Định và Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2004: Mua lại Công ty Cổ phần sữa Sài Gòn. Tăng vốn điều lệ của Công ty lên 1,590 tỷ đồng.

Năm 2005: Mua số cổ phần còn lại của đối tác liên doanh trong Công ty Liên doanh Sữa Bình Định (sau đó được gọi là Nhà máy Sữa Bình Định) và khánh thành Nhà máy Sữa Nghệ An vào ngày 30 tháng 6 năm 2005, có địa chỉ đặt tại Khu Công nghiệp Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Liên doanh với SABmiller Asia B.V để thành lập Công ty TNHH Liên Doanh SABMiller Việt Nam vào tháng 8 năm 2005. Sản phẩm đầu tiên của liên doanh mang thương hiệu Zorok được tung ra thị trường vào đầu giữa năm 2007.

Năm 2006: Vinamilk niêm yết trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19 tháng 1 năm 2006, khi đó vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước có tỷ lệ nắm giữ là 50.01% vốn điều lệ của Công ty.

Mở Phòng khám An Khang tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6 năm 2006. Đây là phòng khám đầu tiên tại Việt Nam quản trị bằng hệ thống thông tin điện tử. Phòng khám cung cấp các dịch vụ như tư vấn dinh dưỡng, khám phụ khoa, tư vấn nhi khoa và khám sức khỏe.

Khởi động chương trình trang trại bò sữa bắt đầu từ việc mua lại trang trại Bò sữa Tuyên Quang vào tháng 11 năm 2006 - một trang trại nhỏ với đàn bò sữa khoảng 1.400 con. Trang trại này cũng được đi vào hoạt động ngay sau khi được mua lại.

Ngày 20 tháng 8 năm 2006. Vinamilk đổi Logo thương hiệu của công ty

Năm 2007: Mua cổ phần chi phối 55% của Công ty sữa Lam Sơn vào tháng 9 năm 2007, có trụ sở tại Khu công nghiệp Lễ Môn, Tỉnh Thanh Hóa. Vinamilk bắt đầu sử dụng khẩu hiệu "Cuộc sống tươi đẹp" cho công ty

Năm 2009: Phát triển được 135.000 đại lý phân phối, 9 nhà máy và nhiều trang trại nuôi bò sữa tại Nghệ An, và Tuyên Quang. Đồng thời thay khẩu hiệu từ "Cuộc sống tươi đẹp" sang "Niềm tin Việt Nam"

Năm 2010: Thay khẩu hiệu từ "Niềm tin Việt Nam" sang "Vươn cao Việt Nam" và sử dụng đến nay.

Năm 2010 - 2012: Xây dựng nhà máy sữa nước và sữa bột tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư là 220 triệu USD. Thành lập Nhà máy Nước giải khát Việt Nam.

Năm 2012: Thay đổi Logo mới thay cho Logo năm 2006.

Năm 2011: Đưa vào hoạt động nhà máy sữa Đà Nẵng với vốn đầu tư 30 triệu USD.

Năm 2013: Đưa vào hoạt động nhà máy Sữa Việt Nam (Mega) tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương giai đoạn 1 với công suất 400 triệu lít sữa/năm.

Năm 2016: Khánh thành nhà máy Sữa Angkormilk tại Campuchia.

Năm 2017: Khánh thành trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt, trang trại bò sữa hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam. Thành lập Trung tâm Sữa tươi nguyên liệu Củ Chi.

Năm 2018: Khánh thành Trang trại số 1 thuộc Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa. Khởi công dự án tổ hợp trang trại bò sữa Organic Vinamilk Lao-Jagro tại Lào. Là công ty đầu tiên sản xuất sữa A2 tại Việt Nam.

Năm 2019: Khánh thành trang trại Bò Sữa Tây Ninh.

Khẩu hiệu
1976 – 2004: Sức khỏe và trí tuệ
2005 – 2007: Chất lượng quốc tế
2007 – 2009: Cuộc sống tươi đẹp
2010 – 2012: Niềm tin Việt Nam
2012 – nay: Vươn cao Việt Nam

Đơn vị trực thuộc

Công ty con nội địa/liên kết trong nước
CÔNG TY TNHH MTV BÒ SỮA VIỆT NAM (100%)
CÔNG TY TNHH MTV BÒ SỮA THỐNG NHẤT THANH HÓA (100%)
CÔNG TY CỔ PHẦN GTNFOODS (75%)
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐƯỜNG VIỆT NAM (65%)
CÔNG TY CHẾ BIẾN DỪA Á CHÂU (25%)
CÔNG TY CỔ PHẦN APIS (20%)

Công ty con nước ngoài/liên kết tại nước ngoài
DRIFTWOOD DAIRY HOLDING CORPORATION (100%)
ANGKOR DAIRY PRODUCTS CO., LTD. (100%)
LAO-JAGRO DEVELOPMENT XIENGKHOUANG CO., LTD (51%)
MIRAKA HOLDINGS LIMITED (22,81%)

Nhà máy

Nhà máy sữa bột Việt Nam.
Nhà máy Sữa Thống Nhất
Nhà máy Sữa Trường Thọ
Nhà máy Sữa Dielac
Nhà máy Sữa Cần Thơ
Nhà máy Sữa Sài Gòn
Nhà máy Sữa Bình Định
Nhà máy Sữa Nghệ An
Nhà máy Sữa Lam Sơn
Nhà máy Sữa Tiên Sơn
Nhà máy Sữa Đà Nẵng
Nhà máy Nước Giải Khát Việt Nam
Nhà máy Sữa Bột Việt Nam
Nhà máy Sữa Việt Nam (MEGA)
Nhà máy Sữa Angkor (Angkor Dairy Products Co., Ltd - Angkormilk) ở Campuchia.

Trang trại

Trang trại bò sữa Tuyên Quang
Trang trại số 1/2 - tổ hợp trang trại bò sữa thống nhất Thanh Hóa
Trang trại bò sữa Thanh Hóa
Trang trại bò sữa Như Thanh - Thanh Hóa
Trang trại bò sữa Nghệ An
Trang trại bò sữa Hà Tĩnh
Trang trại bò sữa Bình Định
Trang trại bò sữa Tây Ninh
Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt
Trang trại bò sữa Vinamilk Organic Đà Lạt
Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt - trang trại số 3

Chi nhánh
Chi nhánh Hà Nội
Chi nhánh Đà Nẵng
Chi nhánh Cần Thơ
Văn phòng đại diện tại Thái Lan
Xí nghiệp kho vận Hồ Chí Minh
Xí nghiệp kho vận Hà Nội

Phú Hưng & BVSC
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.