Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HSX: PLX) là nhà phân phối xăng dầu lớn nhất toàn quốc với mạng lưới điểm bán rộng khắp các tỉnh thành.
❖ Cập nhật KQKD: Q4.2023 PLX ghi nhận doanh thu đạt 68.682,5 tỷ đồng (-39% yoy), LNST đạt 764,2 tỷ đồng (-46% yoy) do sản lượng suy giảm. Cả năm 2023, doanh thu và lợi nhuận của PLX đạt lần lượt 274.356 tỷ đồng (-9,8% yoy) và 3.052 tỷ đồng (+60,5% yoy).
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2023 nhờ thị trường xăng dầu ổn định trở lại và khoản thu nhập đột biến từ thương vụ thoái vốn tại PG Bank.
❖ Triển vọng tích cực nhờ sản lượng và giá bán lẻ xăng dầu tăng: Theo Dự thảo Kế hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng trưởng ổn định 5,5% CAGR giai đoạn 2021-2030. Trong năm 2024, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu có thể sẽ cao hơn khi so với nền thấp cùng kỳ 2023.
Ngoài ra, giá bán lẻ xăng dầu tiếp tục duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng cùng giá dầu. Hiện nay giá dầu Brent đang ở mức 87 USD/thùng, tăng 12% kể từ đầu năm. Các tổ chức lớn trên thế giới đều dự báo giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao, bình quân đạt 85-90 USD/thùng trong năm 2024, cao hơn bình quân 2023 khoảng 10%.
❖ Kỳ vọng hưởng lợi từ những thay đổi trọng yếu trong Nghị định kinh doanh xăng dầu năm 2024: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, có thể kiểm soát chặt chẽ hơn và yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu xuất hóa đơn điện tử. Hiện tại, nhiều đơn vị bán lẻ xăng dầu đang không phát hành hóa đơn điện tử do đó có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Mới đây, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp như Xuyên Việt Oil hay Hải Hà Petro do nợ thuế và lạm dụng quỹ bình ổn giá. PLX có cơ hội lớn để giành thêm được thị phần với hệ thống mạng lưới rộng khắp cả nước.
❖ Định giá: PLX hiện đang giao dịch với P/B khoảng 1,8 lần. Đây là mức định giá ở vùng thấp so với quá khứ của doanh nghiệp. Định giá P/B của PLX thường dao động trong khoảng từ 2 - 4 lần trong 5 năm gần đây. Agriseco Research cho rằng PLX có triển vọng tích cực trong năm 2024 nhờ (1) Kỳ vọng sản lượng và giá bán lẻ xăng dầu tăng; (2) Hưởng lợi từ những thay đổi chính sách; (3) Mặt bằng định giá ở vùng hấp dẫn.
Hiện tại, cổ phiếu PLX đang có tín hiệu kỹ thuật tích cực, Agriseco Researh khuyến nghị MUA với giá mục tiêu là 47.000 đồng/cp, tương ứng với mức định giá p/b trung bình 5 năm trở lại đây.
Cập nhật ngày 14/6/2022: biên lợi nhuận dài hạn có thể giảm
PLX đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 186 nghìn tỷ đồng (+10% yoy) và LNTT 3.060 tỷ đồng (-19% yoy) cho thấy quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo về triển vọng năm 2022
Quý I/2022, doanh thu thuần toàn Tập đoàn đạt 67.020 tỷ đồng (+75% yoy). Tuy nhiên, do giá vốn tăng tới 84% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm 18%, xuống 2.777 tỷ đồng. Kết quả, LNST đạt 442 tỷ đồng (-40% yoy).
Nguyên nhân PLX tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung do Q1/2022, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải giảm công suất từ 105% xuống còn 65-67%, có nguy cơ ngừng hoạt động vì thiếu tiền. Trong tháng 5/2022, các bên đã đạt thỏa thuận thống nhất về việc đảm bảo tài chính cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2022 với tỷ lệ 12%.
Theo Bộ Công Thương, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết hoạt động với công suất khoảng 80%-85% để đảm bảo nguồn cung trong quý 2/2022. Kế hoạch này có thể giúp PLX đảm bảo nguồn cung ứng đầu vào và phục hồi lợi nhuận trong quý 2/2022.
PLX dự kiến sẽ hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn tại PGB trong 2022F (PLX đang sở hữu 40% cổ phần của PGB). Công ty cũng dự kiến bán một phần vốn tại Công ty bảo hiểm PJICO (PGI) để giảm tỷ lệ sở hữu từ 40.95% xuống 35.1% trong 2022F.
Khuyến nghị:
Năm 2022, dự báo LNST công ty mẹ đạt 3.200 tỉ đồng (chưa bao gồm lợi nhuận từ thoái vốn). Tại giá đóng cửa ngày 03/06, PLX đang được giao dịch tại mức PE fw 2022 là 21 lần.
Rủi ro: Nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá dầu tăng cao có thể làm giảm biên lợi nhuận dài hạn của PLX.
Phân tích kỹ thuật cổ phiếu PLX
Đà hồi phục của PLX đang có dấu hiệu thu hẹp lại sau khi cổ phiếu chinh phục không thành công MA50 vào phiên 08/06. PLX có thể coi là yếu hơn so với các mã trong cùng ngành do nhiều mã Dầu khí đã lấy lại được MA50.
Nhà đầu tư ưu tiên tiếp tục nắm giữ và hành động theo kỷ luật, trường hợp cổ phiếu vượt được kháng cự mạnh quanh 48.0+/- kèm theo thanh khoản tích cực có thể cân nhắc giải ngân.
Cập nhật ngày 25/2/2021: Tăng trưởng ảnh hưởng vì dịch COVID
Năm 2020, PLX chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tác động mạnh lên hai mảng đóng góp lớn nhất là Bán lẻ xăng dầu và Nhiên liệu hàng không, khiến cho Lợi nhuận sau thuế sụt giảm hơn 73% so với cùng kỳ. Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế thì các hoạt động kinh doanh này dự kiến có mức tăng trưởng trở lại ấn tượng trong năm 2021.
Để đạt mức KQKD trước dịch, PLX có thể cần thêm một năm nữa, theo sát sức hồi phục của nhu cầu nền kinh tế về nhiên liệu và vận chuyển. Quý I/2021, PLX có thể đạt trên mức 900 tỷ đồng LNST, trong khi cùng kỳ báo lỗ gần 1,900 tỷ.
Giá xăng dầu và nhiên liệu bay đều đang có hồi phục tích cực theo cùng xu hướng tăng của giá dầu thế giới, ủng hộ cho triển vọng tăng trưởng. Việc sản lượng và giá bán đều tăng trong năm sẽ giúp cho hai mảng kinh doanh này dự kiến tăng trưởng đạt mức 20-30% so với cùng kỳ 2020.
Trong năm 2021, PLX có kế hoạch bán tiếp 75 triệu cổ phiếu quỹ còn lại, giúp cho công ty có thêm nguồn vốn cho các kế hoạch đầu tư quan trọng. Đồng thời, lượng cổ phiếu Free-float tăng lên có thể giúp cho PLX đạt các tiêu chí định lượng để lọt vào các rổ chỉ số, là yếu tố hỗ trợ cho xu hướng ngắn hạn. Theo thông tin mới nhất, ngay sau khi chào bán 25 triệu cổ phiếu quỹ vào ngày 19/2, ENOES đăng ký mua toàn bộ để nâng tỉ lệ sở hữu lên gần 3%. Đây là tập đoàn mẹ của cổ đông lớn NIPPON đang nắm giữ 8.64% PLX và liên tục có các động thái mua thêm.
Góc nhìn kỹ thuật
PLX đang vận động trong kênh tăng giá trung hạn từ vùng đáy 34-35. Hiện tại, sau nhịp chỉnh mạnh cùng thị trường, PLX đã nhanh chóng hồi phục về đỉnh cũ và tiếp tục vận động tích cực quanh vùng 57-58. Tại vùng kháng cự ngắn hạn này, nhiều khả năng PLX sẽ cần nhịp điều chỉnh trở lại trước khi tiếp tục bứt phá hình thành xu hướng mới.
Khuyến nghị
PLX là doanh nghiệp nắm giữ vị thế dẫn đầu trong kinh doanh Bán lẻ xăng dầu, thành công với các định hướng mới như Nhiên liệu bay, Kho ngoại quan… Đây là nhóm ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020 do tác động khách quan của dịch bệnh, tạo ra nền KQKD thấp.
Năm 2021 dự kiến PLX đạt LNST khoảng 4.000 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ nhờ sự hồi phục của giá dầu và nhu cầu đi lại.
Ngoài ra, các hoạt động bán cổ phiếu quỹ còn lại của PLX cũng là các thông tin có thể hỗ trợ cho xu hướng ngắn hạn.
Agriseco định giá PLX ở mức quanh 70.000, tương đương P/E 2021 xấp xỉ 3,500 VND. Nhà đầu tư có thể chờ đợi canh MUA tại vùng giá 55-56 cho mức upside hấp dẫn hơn.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (tên viết tắt là Petrolimex, mã PLX)
PLX hiện nay được hình thành từ việc cổ phần hóa và cấu trúc lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam. Lĩnh vực kinh doanh chính của Petrolimex là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu, đầu tư vốn vào các doanh nghiệp khác để kinh doanh các ngành nghề mà Petrolimex đang kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Petrolimex giữ hơn 48% thị phần phân phối xăng dầu trong nước, áp lực đổ đồn về họ tại các thời điểm giá xăng dầu tăng liên tục và duy trì ở mức cao.
Để không gián đoạn nguồn cung và đáp ứng kịp thời tiêu dùng trong nước, Petrolimex cho biết, đã phải thay đổi kế hoạch nhập mua, tìm kiếm nguồn cung tức thời với giá cao từ các nhà cung cấp khác. Việc này khiến biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu quý I giảm so với cùng kỳ.