Thương hiệu mạnh dẫn đầu bởi sự đổi mới Tổng quan CTCP Hàng tiêu dùng Masan (UPCOM: MCH) là công ty con trực tiếp của Masan Consumer Holdings (không bao gồm hoạt động kinh doanh bia, Masan Brewery).
Kể từ khi thành lập, công ty đã mở rộng danh mục thương hiệu sang 8 danh mục hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và trở thành một trong những công ty tiêu dùng thiết yếu hàng đầu Việt Nam.
Mảng thực phẩm và đồ uống của MCH cung cấp nhiều loại sản phẩm, với hàng trăm SKU thuộc 6 danh mục chính bao gồm gia vị, thực phẩm tiện lợi, cà phê, đồ uống (chủ yếu là nước tăng lực; không bao gồm bia) và thịt chế biến sẵn (đã chuyển sang MML từ năm 2023); trong đó danh mục sản phẩm gia vị bao gồm nước mắm, tương ớt và nước tương đã dẫn đầu thị trường trong nhiều năm (thị phần các sản phẩm này lần lượt là 45%, 64% và 43%).
MCH cũng thâm nhập thị trường sản phẩm chăm sóc gia đình & cá nhân (HPC) trong năm 2020 thông qua việc mua lại Công ty Cổ phần Bột giặt NET. Trong giai đoạn 2017-2023, công ty giới thiệu ra thị trường trung bình 50 phát kiến mới mỗi năm nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản hàng ngày của người tiêu dùng.
Hiệu suất hoạt động và triển vọng CAGR doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của MCH lần lượt là 11,2% và 15,4% trong giai đoạn 2019-2023, liên tục vượt trội so với các công ty F&B niêm yết.
Những kết quả nổi bật này là nhờ việc nghiên cứu nội bộ để liên tục đổi mới và nâng cấp sản phẩm, nhu cầu ổn định và mức tăng thị phần vững chắc.
Trong giai đoạn 2017-2023, công ty đã tung ra hơn 30 sản phẩm mới mỗi năm. Doanh thu từ việc ra mắt sản phẩm mới thành công chiếm 4,4% tổng doanh thu năm 2023 (so với 3,5% trong năm 2022). Gia vị và thực phẩm tiện lợi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu năm 2023 (chiếm 67%) và là động lực tăng trưởng chính của công ty.
Trong năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 28,2 nghìn tỷ đồng (+4,7% svck) và 7,2 nghìn tỷ đồng (+30% svck). Kết quả lợi nhuận ròng vượt xa dự báo của công ty, trái ngược với kỳ vọng về tiêu thụ giảm do thu nhập hộ gia đình thu hẹp và tâm lý yếu của người tiêu dùng. Điều này là do sự kết hợp giữa sản phẩm và sức mạnh giá nhờ sở hữu thương hiệu mạnh và hoạt động hiệu quả.
Trong Q1/2024, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 6,6 nghìn tỷ đồng (+9% svck) và 1,67 nghìn tỷ đồng (+20,3% svck). Thực phẩm tiện lợi, đồ uống và sản phẩm HPC đạt tốc độ tăng trưởng hai con số lần lượt là 10,3%, 23,4% và 15,2%. Mức tồn kho giảm 15,4% svck trong suốt tháng 2/2024 mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng.
Biên lợi nhuận gộp ở mức cao lịch sử là 46,7%, tăng 350 điểm cơ bản so với Q1/2023 nhờ thương hiệu mạnh có khả năng tăng giá sản phẩm, giá nguyên liệu đầu vào giảm và hiệu quả sản xuất được cải thiện. MCH đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu từ 12-20% trong năm 2024, dựa trên kỳ vọng tiêu dùng phục hồi và hoạt động R&D tích cực.
MCH là doanh nghiệp sản xuất trong nước hàng đầu và có lợi thế cạnh tranh nhờ một phần hệ sinh thái của WinCommerce để thâm nhập các kênh thương mại hiện đại, công ty đang có vị thế thuận lợi để củng cố thị phần ở tất cả các danh mục FMCG.
Định giá và luận điểm đầu tư
Trong năm 2024, kỳ vọng MCH sẽ tiếp tục phát triển với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt ước đạt 32,1 nghìn tỷ đồng (+13,7% svck) và 7,9 nghìn tỷ đồng (+9,9% svck). Trong năm 2025, kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng sẽ lần lượt đạt 36,3 nghìn tỷ đồng (+13,1% svck) và 8,7 nghìn tỷ đồng (+10% svck).
SSI đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 235.300 đồng/cổ phiếu và có khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu MCH.
Yếu tố hỗ trợ tăng giá: (i) Việc chuyển niêm yết sang HOSE trong thời gian tới có thể giúp thanh khoản của cổ phiếu cải thiện; và (ii) cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2023 là 16 nghìn tỷ đồng, tương đương 23.500 đồng/cổ phiếu (tỷ suất cổ tức 10,7%).
Thành viên cập nhật ngày 3/11/2023: Vị thế dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng, giá mục tiêu 95.000 đồng/cp
Động lực tăng trưởng mạnh mẽ của MCH đến từ đâu?
MCH đã liên tục cho ra mắt sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ở ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và HPC. Đóng góp doanh thu từ các sản phẩm mới giúp MHC vượt qua cơn bão thắt chặt chi tiêu của người tiêu dù, trở thành doanh nghiệp hàng tiêu dùng hiếm hoi tăng trưởng trong 1H.2023. Nổi bật nhất phải kể đến là mức tăng trưởng 73.6% svck của mảng chăm sóc cá nhân & gia đình (HPC).
• HPC là ngành hàng chiến lược mới của MCH kể từ năm 2020. Vào T2.2020, MCH đã mua lại 52% cổ phần của Công ty Cổ phần Bột giặt Net (NETCO) thông qua một công ty con mới thành lập - Masan HPC. Trong năm 2022, Masan Consumer mở rộng danh mục sản phẩm HPC với các sản phẩm mới bao gồm thương hiệu nước rửa chén cao cấp Homey, sữa tắm sáng da và kháng khuẩn La’Petal, nước giặt xả cao cấp Chanté và nước giặt xả Sopa, nước giặt Super Net. Các sản phẩm mới đã đạt mức tăng trưởng doanh thu tốt trong Q2.2023 như nước giặt Chante +48%, bột giặt NET +23% yoy. Bên cạnh đó, MCH cũng gia tăng thêm các dịch vụ chăm sóc gia đình mới như hệ thống cửa hàng giặt sấy tự động Join Pro giúp doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ svck.
• Đối với thị trường quốc tế Tháng 3/2023, Masan đã thành công giới thiệu ra mắt bộ sản phẩm Gia vị Nhật Bản CHINSU tại Triển lãm Thực phẩm Quốc tế Japan Foodex. Tiếp nối thành công ở thị trường Nhật Bản, vào ngày 30/05/2023 vừa qua, Masan Consumer đã thành công ra mắt Bộ sưu tập gia vị và Phở CHIN-SU tại sự kiện Seoul Food 2023, sự kiện ẩm thực lớn bậc nhất Hàn Quốc. Theo BLĐ, các sản phẩm bán tại thị trường này có mức giá cao hơn nhiều so với thị trường trong nước.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2023, mảng xuất khẩu ngành hàng gia vị của đơn vị này đạt mức tăng trưởng doanh thu đến 20,2%, đạt 95 tỉ đồng vào quý 2/2023 từ mức chỉ 79 tỉ đồng vào quý I/2023. MCH đang tăng tốc chiến lược "Go Global" nhắm tới mục tiêu 15% doanh số năm 2027 đến từ kinh doanh quốc tế.
Với tỷ trọng hiện tại là 4%, Masan Consumer cần nâng cao tỷ trọng mảng xuất khẩu lên 2 - 3% mỗi năm, tương đương mức tăng quy mô gần 4 lần vào thời điểm 2027 so với hiện tại.
Trong triển vọng 2 năm tới, mảng đồ uống, gia vị và HPC sẽ tiếp tục là các điểm sáng về tăng trưởng của MCH với động lực chủ yếu là (1) Các sản phẩm mới đa dạng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng (2) Xu hướng cao cấp hóa sản phẩm và định hướng xuất khẩu giúp MCH gia tăng biên gộp.
MCH được cộng hưởng từ tập đoàn nhờ chuỗi WCM - tạo lợi thế cạnh tranh tốt
MCH có lợi thế cạnh tranh đặc biệt so với các doanh nghiệp hoạt động cùng ngành khi tận dụng được chuỗi bán lẻ Vincomerce từ tập để dễ dàng đưa các sản phẩm tới tay khách hàng hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Hoạt động của MCH được chuyên môn hóa cho việc sản xuất, trong khi hoạt động phân phối được đảm nhiệm bởi WCM giúp tiết kiệm chi phí bán hàng.
Kết quả mở rộng tích cực của Wincommerce trong 1H.2023 đã tạo tiền đề rất tốt cho MCH trong việc gia tăng doanh thu các sản phẩm. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của WCM đạt 14.517 tỷ đồng, +2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. WCM đã mở thêm 152 cửa hàng WinMart+ và 2 siêu thị WinMart mới trong 6 tháng đầu năm 2023, nâng tổng số điểm bán lên 3.511, đồng thời là chuỗi siêu thị mini lớn nhất toàn quốc hiện nay
Trong thời gian tới, với việc tiếp tục mở rộng quy mô và áp dụng mô hình mới như WIN LIFE hay Winmart+ Rura của Wincommerce sẽ giúp MCH gia tăng độ phủ thêm ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng kì vọng trong nửa cuối 2023 cũng là yếu tố kì vọng giúp MCH tăng trưởng tốt trong 2H.2023
Dự phóng KQKD của MCH
Dự phóng doanh thu cả năm 2023 của MCH ở mức 28.282 tỷ đồng (+ 4.8% yoy) và LNST là khoảng 6.595 tỷ (+ 21% yoy) dựa trên triển vọng tăng trưởng biên lợi nhuận gộp và tối ưu hóa dòng tiền đầu tư của tập đoàn. Trong năm 2023F-2024F, chúng tôi cho rằng gia vị, đồ uống và HPC sẽ là các động lực tăng trưởng chính.
Mặt khác, lợi nhuận tài chính sẽ khó đột biến như trong 1H.2023 do hiệu ứng giảm từ lãi suất tiền gửi ngân hàng, tuy nhiên xu hướng tái cấu trúc dòng tiền đầu tư có thể sẽ mang lại hiệu quả dài hạn cho MCH
ĐỊNH GIÁ
Sử dụng phương pháp so sánh tương đối với các doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn, chúng tôi áp dụng mức P/E ~ 12x cho EPS dự phóng của MCH năm 2023F, mức giá mục tiêu là 108.000 đồng/CP.
Sử dụng Phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, mức giá hợp lí của cổ phiếu FRT là 115.400 đồng/CP.
Tổng hợp định giá của 2 phương pháp, và áp dụng mới chiết khấu 15% cho cổ phiếu có thanh khoản thấp, mức định giá mục tiêu VCBS đưa ra cho MCH là 95.000 đồng/CP.
Khuyến nghị MUA với giá mục tiêu đạt 95.000 đồng/cp
VCBS ưa thích MCH vì vị thế dẫn đầu trong các doanh nghiệp hàng tiêu dùng Việt Nam cùng lợi thế cạnh tranh khác biệt khi nằm trong hệ sinh thái của Masan và Wincommerce. Với chiến lược đổi mới linh hoạt, hướng tới cao cấp hóa và phát triển thị trường quốc tế, chúng tôi kì vọng MCH sẽ phát triển tốt các ngành hàng có biên lợi nhuận cao như HPC, đồ uống và thực phẩm tiện lợi.
Cho cả năm 2023, dự phóng DTT và LNST lần lượt đạt 28.282 tỷ đồng (+4.8% yoy) và 6.595 tỷ đồng (+21% yoy), tương ứng với EPS = 9.001 đồng/CP. Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và FCFF và so sánh P/E, giá trị hợp lí ước tính của cổ phiếu MCH là 95.000 đồng/CP
Rủi ro (1) Quá trình phát triển sản phẩm mới không thuận lợi như kì vọng (2) Biến động giá cả hàng hóa chung có thể tác động xấu đến biên lợi nhuận của ngành hàng (3) Cổ phiếu MCH được giao dịch với thanh khoản tương đối thấp
15/5/2022 - Phân tích cổ phiếu MCH (Masan Consumer): Triển vọng kinh doanh tươi sáng cùng lợi thế lớn từ tập đoàn
Vị thế vững chắc của MCH
Từ khi thành lập đến nay, MCH đã xây dựng được một danh mục sản phẩm đa dạng, cộng hưởng với mạng lưới phân phối lớn từ Tập đoàn.
Masan tiếp tục là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường và giữ vai trò thiết lập xu hướng chung. Các sản phẩm gia vị, nước sốt và nước sốt Salad là trụ cột chính của Masan Consumer, đây cũng là ngành hàng lớn và đem lại lợi nhuận cao cho Masan. Trong năm 2020, doanh thu thuần nhóm ngành gia vị đạt 8,147 tỷ đồng (+12.4% YoY). Các sản phẩm chính của nhóm ngành này có thể kể đến như: nước mắm Nam Ngư, Tam Thái Tử, tương ớt Chin-su,...
Ngành hàng thực phẩm tiện lợi kinh doanh các sản phẩm ăn liền, đóng góp 6,882 tỷ đồng doanh thu 2020. Trong đó mì Omachi thống trị phân khúc cao cấp với 45% thị phần trong năm 2020 đồng thời trở thành nhãn hiệu được bán chạy nhất kênh siêu thị. Trong khi đó, ở phân khúc trung cấp, mì Kokomi cũng tăng trưởng vượt trội trong 2020 (+ 42.8% YoY).
Lĩnh vực này bao gồm các nhóm ngành nhỏ như đồ uống đóng chai (nước tăng lực, nước uống đóng chai), cà phê. Trong các sản phẩm đồ uống, nổi bật nhất kể tới nước tăng lực vị cà phê Wake – up 247, nắm giữ 10% thị phần toàn quốc sau khi được giới thiệu ra thị trường vào năm 2015.
Masan cũng đã xây dựng được các sản phẩm được yêu thích như Heo cao bồi, Ponnie, phân phối rộng khắp trên toàn quốc. Bắt đầu từ 2018, công ty con của Masan Consumer chính thức hợp tác chiến lược với Công ty Jinju Ham – công ty đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất thịt chế biến tại Hàn Quốc. Ngàng Chăm sóc cá nhân và gia đình (Home & Personal Care – HPC mà Masan mới đặt chân vào thị trường thông qua việc mua lại Công ty Cổ phần Bột giặt NET vào đầu năm 2020. Trong năm 2020, ngành hàng này đóng góp 1,265 tỷ đồng vào doanh thu của Masan Consumer.
Cộng hưởng từ tập đoàn nhờ chuỗi Vincomerce
Theo quan điểm của chúng tôi, MCH có lợi thế cạnh tranh đặc biệt so với các doanh nghiệp hoạt động cùng ngành khi tận dụng được chuỗi bán lẻ Vincomerce từ tập đoàn.
Với hai chuỗi bán lẻ hiện đại là VinMart và VinMart+ (hiện được đổi tên thành WinMart, WinMart+), MCH sẽ dễ dàng đưa các sản phẩm tới tay khách hàng hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Nhờ tận dụng chuỗi bán lẻ này, MCH sẽ giảm được các chi phí bán hàng khi có thể dễ dàng bày bán cũng như quảng cáo các sản phẩm. Ngoài ra, thông qua kênh tiếp cận khách hàng này, MCH sẽ dễ dàng tiếp nhận được các phản hồi về sản phẩm qua đó phục vụ các chiến lược phát triển sản phẩm và đưa ra các sản phẩm tương lai phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hơn.
Về số lượng cửa hàng, chỉ có chuỗi Bách Hoá Xanh của MWG là có số lượng ngang tầm với Wincommerce. Tuy nhiên, hiện tại chuỗi BHX vẫn tập trung ở khu vực các tỉnh thành phía Nam và chưa có kế hoạch mở rộng ra phía Bắc, đây cũng có thể coi là một lợi thế lớn cho Wincommerce. Wincomerce vẫn tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu về số lượng cửa hàng với tổng cộng hơn 2,400 cửa hàng trong khi chuỗi lớn thứ 2 là BHX sở hữu khoảng hơn 2,000 cửa hàng.
Rủi ro đầu tư MCH
Thị trường các sản phẩm thực phẩm và đồ uống (hai ngành hàng cốt lõi của MCH) sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn không chỉ từ các công ty nội địa mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên toàn cầu. Sức ép tranh giành thị phần tới từ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường có thể khiến MCH phải gia tăng các chi phí quảng cáo, truyền thông hay nghiên cứu sản phẩm trong tương lai qua đó làm giảm tỷ suất lợi nhuận của công ty.
Vẫn sẽ tồn tại rủi ro về thiếu hụt nguồn cung của các nguyên vật liệu sản xuất nói trên dẫn tới biên lợi nhuận gộp của công ty bị suy giảm do giá đầu vào tăng cao. Rủi ro về thiếu hụt nguồn cung của các nguyên liệu chế biến có thể đến từ thời tiết, môi trường, chính sách,...
Rủi ro về nhiễm bẩn hay an toàn thực phẩm luôn hiện hữu và cũng là rủi ro lớn trong ngành thực phẩm và đồ uống nói chung. Rủi ro này có thể khiến doanh nghiệp phải đối mặt với khiếu nại, bồi thường, thu hồi sản phẩm hoặc thậm chí buộc phải rút sản phẩm ra khỏi danh mục kinh doanh qua đó dẫn tới ảnh hưởng xấu về kết quả kinh doanh, tình hình tài chính của toàn công ty.
Triển vọng kinh doanh và định giá MCH
Với nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp ngày càng gia tăng nhờ thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng ngày càng nâng cao. MCH đã định hình cho mình chiến lược cao cấp hoá sản phẩm ở hầu hết các ngành nhỏ đang tham gia kinh doanh như: thực phẩm tiện lợi, gia vị (nước mắm, nước tương).
Cho năm 2022, kì vọng MCH đạt doanh thu 32,181 tỷ đồng (+15.9%) và LNST sẽ tăng mạnh trong năm 2022 đạt 5,840 tỷ đồng (+18.7% YoY).
Công ty Chứng khoán KBSV đánh giá mức P/E hợp lí của MCH là 20x lần, nhờ những lợi thế như cộng hưởng chuỗi bán lẻ từ tập đoàn mà các công ty cùng ngành khác khó có được, với mức EPS cho năm 2022 là 7,272 VNĐ/cp.
Dựa vào triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, sau khi kết hợp hai phương pháp định giá DCF và so sánh P/E (tỉ trọng 50-50), chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu MCH, mức giá mục tiêu là 151,200 VNĐ/cp.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của MCH là Công ty TNHH Masan Consumer Holdings (một công ty con của CTCP Tập đoàn Masan), nắm giữ tới 94,72% tổng cổ phần của MCH. Ngoài ra, số lượng cổ phiếu quỹ hiện tại chiếm 2,48% tổng cổ phần MCH.