Giá mục tiêu: 43,893 VNĐ
CNG ghi nhận doanh thu Q4/2023 đạt 746 tỷ đồng (-19% YoY), LNST đạt 36 tỷ đồng (+37% YoY). Lũy kế cả năm 2023, CNG ghi nhận doanh thu 3,112 tỷ đồng (-26% YoY) và LNST 103 tỷ đồng (-13% YoY).
Doanh thu Q4/2023 suy giảm do nhu cầu giảm theo kinh tế chung và giá bán cũng không thuận lợi theo giá dầu Brent. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 11.5% (cùng kỳ 8.7%) nhờ giá khí đầu vào giảm. Lợi nhuận tăng tích cực hơn còn nhờ chi phí tài chính giảm 20% YoY (vay nợ giảm) và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 29% YoY.
Điểm tích cực là cơ cấu nguồn vốn CNG tiếp tục lành mạnh, tổng nợ vay cuối Q4/2023 là 48 tỷ đồng (-32% YoY, -11% QoQ). Tỷ lệ Nợ vay/VCSH ở mức 0.08 lần, rất an toàn. Trong khi đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt 397 tỷ đồng, tương đương 34% tổng tài sản, tương đương 11,299 đồng/cổ phiếu.
LNG sẽ đóng góp rõ nét từ Q2/2024
Trong bối cảnh giá khí tự nhiên giảm, giá bán của CNG sẽ được tính toán neo theo % giá dầu Brent để CNG có lợi nhuận nên CNG sẽ hưởng lợi khi giá dầu Brent tăng cao.
Kỳ vọng giá dầu sẽ giữ ở mức cao trong năm 2024 nhờ: 1) hành động cắt giảm sản lượng của OPEC+; 2) vấn đề Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn; 3) nhu cầu dự kiến sẽ tăng khi nền kinh tế thế giới phục hồi.
Với việc giá dầu tăng mạnh từ đầu năm đến nay, CNG sẽ ghi nhận KQKD Q1/2024 khá tích cực nhờ 1) biên lợi nhuận cải thiện khi hàng tồn kho (HTK), với giá vốn thấp trong Q3 và Q4/2023, tăng cao (mặc dù giá trị HTK khá thấp so với doanh thu nhưng lịch sử cho thấy biên lợi nhuận gộp cải thiện có độ trễ nhất định so với hàng tồn kho); 2) doanh thu kỳ vọng tăng trưởng trở lại khi kinh tế hồi phục và nhu cầu tăng từ các doanh nghiệp FDI.
Cập nhật mảng mới phân phối LNG
CNG đã chính thức cung lấp LNG tới những khách hàng đầu tiên từ giữa tháng 3/2024, kỳ vọng mảng mới sẽ đóng tích cực từ KQKD Q2/2024.
LNG nhập khẩu sẽ được phân phối đến các khách hàng theo 2 phương thức: đường ống và xe bồn. Với lợi thế CNG nắm 70% thị phần khí CNG và sở hữu hệ thống phân phối CNG sẵn có (xe bồn và đường ống đến các KCN), kỳ vọng CNG sẽ hưởng lợi trực tiếp trong xu thế “xanh hóa ngành khí” với LNG.
Với kỳ vọng kinh tế phục hồi trong 2024 và dòng vốn FDI mạnh mẽ, LNG sẽ là động lực trung hạn cho CNG. CNG đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng khí bình quân 11% – 13%/năm trong giai đoạn từ 2023 – 2025. Sau đó, sản lượng khí cung cấp bình quân giai đoạn 2026 – 2030 cao hơ̛n 75% so với mức trung bình giai đoạn 2022 – 2025.
Yuanta giữ nguyên phương pháp định giá CNG bằng 2 phương pháp P/E và P/B, tỷ trọng 50% mỗi phương pháp. Mức P/E và P/B dự phóng lần lượt là 10.92x và 1.95x lần, tương đương mức trung bình 2 năm +1SD do triển vọng kinh doanh tích cực khi giá dầu tăng cao và tiềm năng mảng mới LNG. Kết quả dự phóng trung bình là 43,893 đồng/CP, gần như không thay đổi so với báo cáo gần nhất.
Theo đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với CNG với tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng +24.7% so với giá đóng cửa ngày 28/03/2024.
Cập nhật ngày 30/4/2023: SBS khuyến nghị MUA và NẮM GIỮ, giá hợp lý 37.255 đồng/cp
Luận điểm đầu tư
CNG hiện là đơn vị hàng đầu về cung cấp khí thiên nhiên nén (CNG), doanh nghiệp luôn nằm trong Top đầu với các danh hiệu: Doanh nghiệp phát triển bền vững, Doanh nghiệp có hoạt động IR tốt nhất, Báo cáo thường niên tốt nhất..
DN đang có kết quả kinh doanh tốt, ổn định ngay cả trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động và được hưởng nhiều lợi thế khi giá dầu và giá khí đang duy trì ở mức cao.
Hiện tại giá của CNG đang ở mức hấp dẫn nên SBS đánh giá CNG ở mức Tích cực.
Điểm nhấn doanh nghiệp Doanh nghiệp có KQKD năm 2022 tăng trưởng mạnh • Luỹ kế năm 2022, sản lượng khí CNG đạt 314.79 triệu Sm3, đạt 110% kế hoạch cả năm. Thị phần CNG chiếm 74% cả nước. • CNG đạt 4,185.6 tỷ doanh thu thuần (tăng 37%) và 126.8 tỷ lợi nhuận sau thuế (tăng 54% so với năm 2021).
Giá dầu và giá khí tự nhiên sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ sự hỗ trợ từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại và việc leo thang chiến sự tại Nga- Ukraine • Giá dầu sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp ở hạ nguồn như CNG, giá dầu duy trì ở mức cao sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. • Giá dầu tăng cao giúp cho mảng kinh doanh xuất khẩu dầu thô và khí tự nhiên tích cực nhờ giá bán được cải thiện.
Dự báo lợi nhuận doanh nghiệp năm 2023
• Giá dầu WTI được dự báo sẽ được duy trì ở mức trong khoảng 70-90 USD/thùng trong năm 2023. • CNG tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm mới cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp khi giá dầu tiếp tục được duy trì ở mức cao.
Sản lượng tăng trưởng bình quân 12% - 13%/năm trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, định hướng đến năm 2035.
• CNG sẽ phối hợp với PV GAS, Công ty PV GAS LNG trong công tác chạy thử và vận hành thương mại kho LNG giai đoạn 2 với công suất 3 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Rủi ro đầu tư: - Giá dầu biến động trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn do nguy cơ suy thoái kinh tế. Giá dầu tác động đến doanh thu và giá vốn của CNG - Sự trầm lắng thị trường BĐS khiến các công trình xây dựng tạm ngừng thi công dẫn đến việc tiêu thụ khí gặp nhiều khó khăn
Định giá doanh nghiệp
1) PP So sánh P/E: EPS hiện tại là 4,697 P/E trung bình các DN cùng ngành nghề là 10.105 Giá trị hợp lý của CNG: 47,463 đồng/cp 2) PP So sánh P/B: So sánh chỉ số P/B của DN với chỉ số P/B TB của các DN đầu ngành hoạt động trong ngành. Chỉ số P/B trung bình: 1.86 ; BV của CNG hiện tại: 21,355
Giá trị hợp lý của CNG: 37,255 đồng/cp
SBS nhận định: CNG là doanh nghiệp sản xuất và phân phối khí nén thiên nhiên đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. DN được hưởng lợi khi giá dầu và giá khí đang duy trì ở mức cao giúp doanh thu và lợi nhuận được cải thiện, CNG đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng bình quân 11 – 13%/năm trong giai đoạn từ 2023 – 2025. Doanh nghiệp trả cổ tức đều đặn hàng năm trung bình khoảng 20%/năm. CNG đang giao dịch quanh mức 26,800đ/cp, thấp hơn 38.5% so với định giá của chúng tôi.
Vì vậy, SBS đánh giá CNG ở mức độ Tích cực, khuyến nghị MUA và NẮM GIỮ.
Cập nhật ngày 22/2/2021: cổ phiếu tăng trưởng ngành năng lượng xanh
Tại Nghị quyết Hội đồng quản trị Quý IV năm 2020, định hướng hoạt động của Công ty năm 2021 có 2 điểm cần lưu ý về tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp:
- Rà soát lại cơ cấu tổ chức, nhân sự phụ trách đảm bảo vận hành và sử dụng hệ thống CNG tại miền Bắc an toàn, hiệu quả, mở rộng thị trường miền Bắc.
- Cân đối dòng tiền, xây dựng phương án tăng vốn để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và các dự án đầu tư trọng điểm của Công ty.
- Phát triển thị trường, chiếm lĩnh thị phần, tạo tiền đề kinh doanh sản phần LNG; chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị và phương án cụ thể để sẵn sàng kinh doanh sản phẩm LNG theo kế hoạch nhập khẩu LNG của GAS dự kiến từ năm 2022. Với quy hoạch phát triển điện khí và các dự án điện khí đang triển khai thì nhu cầu LNG thời gian tới rất lớn.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, CNG đạt doanh thu 2.314 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng (riêng Quý 4/2020 khi kinh tế quay lại bình thường lợi nhuận sau thuế đạt 34 tỷ đồng). Như vậy, trong giai đoạn 2016 đến nay doanh thu CNG liên tục tăng trưởng với tốc độ rất cao, năm 2020 mặc dù Covid doanh thu vẫn tiếp tục tăng trưởng, cho thấy tiềm năng và thế mạnh của CNG, cũng như năng lực đội ngũ lãnh đạo khá tốt.
Theo kế hoạch doanh thu 2020 của Đại hội cổ đông 2020 là 3.300 tỷ đồng, từ đó cho thấy trường hợp ko có Covid, doanh nghiệp đạt được kế hoạch là rất lớn do đặc thù doanh nghiệp yếu tố nhà nước nên rất chắc trong kế hoạch (liên quan đến lương, thưởng và thi đua khen thưởng).
Từ đó có thể Ước doanh thu năm 2021 bằng với kế hoạch năm 2020, tức lợi nhuận sau thuế sẽ đạt khoảng 120 tỷ đồng, tương đương EPS 4,5k.
Nhận xét và định giá
1. Nhận xét
- CNG là doanh nghiệp đầu ngành trong phân phối khí CNG, có rất nhiều động lực tăng trưởng cả ngắn, trung dài hạn, đặc biệt là mở rộng thị phần và phân phối LNG.
- Lợi thế của CNG là biên lợi nhuận tốt nhất ngành, chi phí đầu vào rẻ và mô hình kinh doanh dễ đẩy mạnh tăng trưởng khi phân phối khí không cần qua đường ống.
- Về báo cáo tài chính thì rất tốt, doanh nghiệp đang nắm giữ 434 tỷ tiền mặt, không nợ vay và lượng tài sản đã khấu hao vẫn đang sử dụng sản xuất kinh doanh rất lớn. Theo báo cáo thường niên 2020 của CNG, nguyên giá của tài sản cố định hữu hình của Công ty bao gồm các tài sản đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng với giá trị là 460.156.001.761 đồng.
- Game tăng vốn 2021 có thể phát hành cổ phiếu thưởng rất được mong chờ.
- Chia tiền mặt tỷ lệ cao đều đặn.
2. Định giá
- Theo tài sản ròng: Tính riêng VCSH + Tài sản đã khấu hao còn sử dụng, tài sản CNG đã lên tới 974 tỷ (514 tỷ VCSH + 460 tỷ tài sản đã khấu hao vẫn sử dụng), chia cho số cổ phần thì CNG có giá 51k. Còn rất nhiều tài sản khác từ đất đai nhà nước chưa tính tới.
- Theo P/e: P/e trung bình ngành là 15, giá CNG được định giá 67k/CP (GAS: 19, PGD: 14, PGC: 13, PGS: 34, PVG…).
Như vậy, trung bình CNG được định giá 60k. Đây là một trong những cổ phiếu tăng trưởng mà yên tâm kê cao gối hàng đầu thị trường, xứng đáng để nhà đầu tư lưu tâm, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần CNG Việt Nam (mã CNG)
I. Lịch sử hình thành và phát triển của CNG Việt Nam
Thành lập vào ngày 28/05/2007, Công Ty Cổ Phần CNG Việt Nam được biết đến là đơn vị sản xuất – kinh doanh khí thiên nhiên nén CNG đầu tiên ở Việt Nam, với chiến lược đa dạng hóa ngành nghề, lấy trọng tâm là sản xuất, chiết nạp và kinh doanh khí đốt CNG, LPG và LNG. Thừa hưởng thành quả của 14 năm hình thành và phát triển, CNG Việt Nam đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong ngành công nghiệp khí Việt Nam:
- Vốn điều lệ: 270 tỷ đồng.
- Cổ đông lớn: GAS (56%), Samarang Ucits (9,63%), Utilico Emerging Markets Limited (5,22%), America LLC (4,96%). Theo thông tin từ ĐHCĐ bất thường 2020 của CNG thì có 27 người tham gia biểu quyết đại diện cho 72,3% cổ phiếu biểu quyết.
- Cổ tức: Công ty chia cổ tức bằng tiền mặt đều từ năm 2011 đến nay, thống kê những năm gần đây như sau: 2016 (15%), 2017 (30%), 2018 (15%), 2019 (25%), 2020 (10%).
II. Tình hình hoạt động kinh doanh và tiềm năng doanh nghiệp
1. Về đặc điểm ngành và tình hình hoạt động kinh doanh
1.1. Đặc điểm ngành
CNG là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là CH4 - methane (chiếm 85%- 95%) được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, mỏ dầu hoặc khí nhà máy (thu được trong quá trình sản xuất của các nhà máy lọc dầu), qua xử lý và nén ở áp suất cao (200 đến 250 bar) để tồn trữ vào bồn chuyên dụng và vận chuyển tới các hộ tiêu thụ là các nhà máy có sử dụng nhiệt năng, các khu chung cư….. Do thành phần đơn giản dễ xử lý để loại bỏ các hợp chất độc hại như SOx, Nox, CO2, không có benzene và hydrocarbon thơm kèm theo, nên khi đốt nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc như SO2, NO2, CO…, và hầu như không phát sinh bụi. Vì vậy, sử dụng CNG thay thế các nhiên liệu truyền thống như than, dầu sẽ bảo vệ môi trường và giảm chi phí.
Về các doanh nghiệp kinh doanh khí hiện nay:
- GAS Thu gom, sản xuất
- PGD Kinh doanh khí thấp áp
- CNG Kinh doanh khí CNG
- PGC Kinh doanh khí LPG
- ASP Kinh doanh khí LPG
- PGS Kinh doanh khí LPG
- PVG Kinh doanh khí LPG
- PCG Kinh doanh khí LPG
- MTG Kinh doanh khí LPG
Nhìn chung, ngành dầu khí nói chung và ngành công nghiệp khí nói riêng là ngành đặc thù về an ninh quốc gia. Do đó, phân khúc thu gom và phân phối khí ở thượng nguồn và trung nguồn chỉ PVGas được phép thực hiện nên vấn đề chính sách là một rào cản lớn đầu tiên đối với các doanh nghiệp mới gia nhập.
Ngược lại, đối với phân khúc hạ nguồn mức độ rào cản gia nhập thấp hơn nhưng vẫn có sự thanh lọc về quy mô và chất lượng an toàn sản phẩm và thị phần lớn vẫn thuộc về các công ty con của PVGas.
1.2. Tình hình hoạt động kinh doanh
Hiện CNG Việt Nam đang tập trung sản xuất, phân phối và kinh doanh khí CNG và chiếm thị phần cao nhất cả nước về mảng kinh doanh khí CNG. Theo đó, Công ty đang dẫn đầu thị trường phân phối CNG: tại miền Bắc chiếm 100% thị phần và tại miền Nam gần 70% thị phần.
Tính chung giai đoạn 5 năm gần nhất, từ 2015 – 2019, CNG Việt Nam đạt tốc tăng trưởng sản lượng tiêu thụ CNG là 19,5%/năm, doanh thu tăng trưởng 27%/năm.
Trong các doanh nghiệp kinh doanh khí CNG, CNG luôn có biên lợi nhuận gộp cao nhất ngành.
2. Tiềm năng doanh nghiệp
2.1. Ngành kinh doanh năng lượng xanh là một trong những trọng tâm trong phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới
- Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phát triển năng lượng sạch trở thành nhiệm vụ chiến lược của quốc gia trong thời gian tới:
+ “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”;
+ “Có chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông; thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng phù hợp với xu thế chung trên thế giới”.
- Công ty đang dẫn đầu thị trường phân phối CNG, Công ty có tốc độ tăng trưởng hàng năm đáng kinh ngạc: Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ CNG là 19,5%/năm, doanh thu tăng trưởng 27%/năm. Hướng tới phát triển bền vững, Công ty cổ phần CNG Việt Nam không ngừng nỗ lực thực hiện mục tiêu “đem nguồn năng lượng sạch tới mọi nơi”.
2.2. Lợi thế từ công ty con của GAS với chi phí sản xuất thấp nhất ngành
- Vị thế là công ty con của GAS, giúp CNG đảm bảo về nguồn khí đầu vào ổn định và lợi thế về giá.
- Nhiên liệu CNG có thế mạnh hơn các nhiên liệu truyền thống khác như than, dầu FO, DO… nhờ tính ưu việt về công nghệ, giá rẻ hơn, tính an toàn và thân thiện với môi trường.
Mặc dù, PGD là doanh nghiệp duy nhất phân khối khí thấp áp của GAS, nhưng PGD có biên lợi thấp hơn CNG là do sản phẩm khí thấp áp chủ yếu được bán cho các khách hàng ký hợp đồng dài hạn và có cơ sở đường ống vận chuyển ở các khu công nghiệp và các nhà sản xuất khí nén và LPG nên số lượng khách hàng hạn chế và giá bán thấp hơn so với các sản phẩm khí khác. Đối với CNG, là doanh nghiệp có vị thế lớn về cung cấp CNG trong nước với giá vốn thấp, khách hàng đa dạng hơn và không đòi hỏi hạ tầng đường ống nên biên lợi nhuận của CNG khá cao, cao nhất trong ngành.