Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn tăng mạnh bất chấp dịch bệnh, diễn biến phức tạp và những áp lực từ khối ngoại rút vốn khỏi thị trường. Thống kê cho thấy nước ngoài bán ròng gần 31.000 tỷ đồng toàn thị trường kể từ đầu năm (khoảng 1,3 tỷ USD).
Đáng chú ý, tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại HPG - nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam - đã liên tục giảm từ khoảng 33% về khoảng hơn 26% như hiện nay. Cổ phiếu HPG bị bán ròng với giá trị hơn 12.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng lượng nước ngoài bán ròng toàn thị trường. Quỹ PENM Partners (Đức) là một trong những tổ chức thoái vốn lớn nhất.
Thông tin gần đây cho thấy, Chịu không nổi ô nhiễm, người dân đã chặn Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Về kinh doanh, sản lượng tháng 5 của HPG giảm 20%.
Mặc dù bị khối ngoại rút vốn, nhà đầu tư trong nước vẫn giúp cổ phiếu này liên tục phá đỉnh. Thị giá HPG đang là 52.100 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh giá sau chia cổ tức), tăng hơn 70% so với đầu năm và vượt trội so với mức tăng gần 25% của VN-Index.
Một cổ phiếu khác cũng bị bán ròng mạnh là VNM của Vinamilk với giá trị hơn 6.200 tỷ đồng. Khối ngoại rút vốn trong bối cảnh nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam đang gặp áp lực về thiếu động lực tăng trưởng khi thị trường sữa dần bão hòa.
Thiếu lực đỡ từ các nhà đầu tư khác, cổ phiếu VNM liên tục đi xuống dù bối cảnh thị trường chung bùng nổ. Đến nay cổ phiếu có giá 92.100 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 13% so với đầu năm.
Ngân hàng cũng đang bị khối ngoại rút vốn hàng nghìn tỷ đồng từ đầu năm, tiêu biểu như cổ phiếu CTG của VietinBank, VPB của VPBank hay MBB… Cổ phiếu bất động sản như DXG và KDH cũng bị bán mạnh.
Sàn HoSE bị bán ròng mạnh nhất với hơn 30.700 tỷ đồng, tiếp đến là sàn niêm yết HNX với 468 tỷ. Sàn UPCoM ghi nhận khối ngoại bán ròng hơn 5,3 triệu cổ phiếu nhưng xét về mặt giá trị lại mua ròng 266 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng nhưng dòng tiền khủng từ các nhà đầu mới trong nước vẫn giúp cân đối lượng bán này, đưa thị trường chứng khoán phát triển mạnh về thanh khoản và điểm số.
Một chuyên gia chứng khoán tại Mirae Asset Việt Nam nhận thấy giá trị giao dịch của các cá nhân trong nước gần đây chiếm đến 87% tổng giá trị giao dịch, trong khi tỷ trọng giao dịch của nhóm tổ chức nước ngoài chưa đến 7%, dẫn đến vị thế đầu tư của khối ngoại gần như giảm hẳn so với nhà đầu tư nội.
Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cũng từng phát biểu đừng quá quan tâm đến dòng tiền vào ra của nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm này, bởi họ không còn đóng góp nhiều vào chỉ số.
"Việc nhà đầu tư nước ngoài đến và đi đều nhắm đến lợi ích của họ, không phải giúp thị trường. Mặt khác, thị trường chứng khoán tại bất cứ nền kinh tế nào, quan trọng nhất vẫn là hướng đến tiền gửi của người dân", ông Hưng lý giải.