Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần sạch tài sản, giá chỉ bằng một nửa giá trị thực

MĂNG GIANG

10/05/2023 09:41

Thực trạng khó khăn của doanh nghiệp được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu khi giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kinh tế xã hội, sáng 9/5.

Theo Bộ trưởng Dũng, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong 4 tháng đầu năm, nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, bình quân 9,56% một năm. Tín dụng đến ngày 24/4 tăng trưởng 2,66%, cho thấy sản xuất, kinh doanh khó khăn và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp hạn chế.

"Doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền khi điều hành tín dụng lúc 'thả nhanh, khi phanh gấp'. Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán tài sản với giá chỉ bằng 50% giá trị thực và người mua là doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đã được chúng tôi cảnh báo nhiều lần", Bộ trưởng Dũng thông tin.

botruong-chidung-1683686567.jpg

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh VGP

Thực tế này cũng được Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu. Ông kể, qua tiếp xúc cử tri, nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải dùng những đồng dự trữ cuối cùng để trang trải cho hai năm vừa qua, và giờ không còn dư địa nào để làm.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cũng cho thấy, tỷ lệ khả năng thanh toán bằng tiền mặt bình quân đạt 0,09 lần (cùng kỳ 2022 là 0,19 lần). Tỷ lệ khả năng thanh toán lãi vay trong ba tháng đầu năm đạt 5,7 lần, giảm 0,8 lần so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng lãi suất cho vay tăng nhanh và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm từ đầu năm.

"Kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm sút vai trò huy động vốn cho nền kinh tế", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, tình hình kinh tế không được cải thiện thì nợ xấu sẽ tăng và năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại sẽ bị bào mòn. Ông dẫn báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 3 là 2,88%, tăng so với mức 2,05% cuối năm 2022. Một số ngân hàng thương mại có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) thấp, sát ngưỡng quy định, sẽ chịu áp lực tăng vốn trong thời gian tới.

"Cần chủ động sớm chuyển trạng thái điều hành từ thắt chặt, thận trọng sang thích ứng, nới lỏng phù hợp, tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2022", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị.

Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế năm 2022 cán đích tăng trưởng 8,2%. Tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng, theo Chính phủ đạt nhiều kết quả tích cực. Song nêu ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề, báo cáo Chính phủ "nhiều màu hồng".

Theo ông, thực tế tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy giảm từ cuối quý III/2022, nên Chính phủ cần đánh giá thực chất biểu đồ tăng trưởng, phân tích tồn tại đầy đủ hơn để "không cảm thấy bất an khi tăng trưởng rơi từ 8,2% năm 2022 về 3,32% trong quý đầu năm 2023".

Ông Phương đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những tồn tại liên quan thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm. Chính phủ cũng cần đánh giá khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động bên ngoài; xử lý dứt điểm sở hữu chéo, "sân sau" của các ngân hàng.

Điểm nghẽn khác của nền kinh tế được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu là "bệnh" sợ, đùn đẩy trách nhiệm, xảy ra phổ biến ở nhiều đơn vị, địa phương. Việc này đã làm giảm cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, gây phiền hà, khó khăn thêm cho doanh nghiệp.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, việc cán bộ sợ sai là tốt nhưng "sợ tới mức thiếu trách nhiệm, không chạy việc là đáng báo động".

Bà nêu thực tế, tình trạng phổ biến hiện nay là địa phương "thấy khó là gửi văn bản hỏi Trung ương, bộ, ngành" mà không năng động, sáng tạo tìm cách giải quyết. Còn bộ, ngành khi trả lời lại trích dẫn lại quy định trong luật và đề nghị làm theo luật.

"Chính phủ cần xử lý một số trường hợp đùn đẩy để giải quyết câu chuyện sợ trách nhiệm đang khá phổ biến ở các địa phương, bộ ngành", Trưởng ban Công tác đại biểu nói, và đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm người đứng đầu.

Thực tế này cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận khi dẫn chứng về TP HCM, trường hợp cũng được ông nêu tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban thường vụ thành uỷ TP HCM vào giữa tháng 4. Năm 2022, địa phương này gửi 584 văn bản hỏi Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ đã trả lời hơn 600 văn bản. Tuy nhiên, theo ông, những vấn đề TP HCM hỏi "đều thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương".

Giai đoạn trước đây, bình quân mỗi năm TP HCM duyệt 70 dự án bất động sản, nhưng hai năm qua chỉ 8 dự án được phê duyệt, chấp thuận đầu tư. Thủ tục đầu tư kéo dài, 1-2 năm, cho thấy nhiều cấp cán bộ không có tinh thần giải quyết công việc.

"Môi trường đầu tư đang sụt giảm. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang giao đơn vị trực thuộc rà soát, xem văn bản nào của các bộ, ngành đang cản trở, làm ách tắc hoạt động nền kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Trước thực tế này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục một bộ phận cán bộ lẩn tránh, né trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, tránh "việc cấp dưới đẩy lên cấp trên".

Ông cũng yêu cầu báo cáo Chính phủ cần bổ sung giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và siết chặt kỷ cương hành chính, công vụ.

Báo cáo kinh tế xã hội sẽ được Chính phủ hoàn thiện, bổ sung và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, khai mạc vào 23/5.

Cập nhật ngày 12/8/2021: Làn sóng COVID thứ tư thực sự thách thức với doanh nghiệp, người lao động và kinh tế

"Kinh tế thành phố phụ thuộc lớn vào các yếu tố như khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về triển khai nghị quyết kinh tế - xã hội sáng 11/8.

Ông Phong cho biết: "Cập nhật dự báo cho thấy riêng trong 2 năm đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng thấp hơn bình quân chung toàn giai đoạn rất nhiều nếu dịch bệnh chậm được kiểm soát".

Riêng những tháng cuối năm 2021, dự báo kinh tế thành phố rất khó khăn và phụ thuộc lớn vào các yếu tố như: Khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh; tiến độ triển khai và mức độ phủ vaccine; khả năng chống chịu của doanh nghiệp, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới và các gói hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng trong nước.

Chu tich UBND TP.HCM Nguyen Thanh Phong anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: HMC.


Trước tình hình đó, kịch bản tăng trưởng kinh tế sẽ liên tục được cập nhật phù hợp với từng giai đoạn. Tuy nhiên, TP.HCM xác định vẫn giữ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra với tinh thần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn qua 5 nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tập trung, quyết liệt trong phòng chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, thành phố tập trung kiểm soát chặt chẽ giãn cách xã hội, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc "chặt ngoài, lỏng trong".

Chủ tịch TP.HCM khẳng định sẽ triển khai giải pháp, lộ trình cụ thể để “xanh hóa” các khu vực nguy cơ cao, rất cao; thực hiện đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị để giảm ca tử vong ở mức thấp nhất có thể, không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa; không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, thiếu mặc do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chu tich UBND TP.HCM Nguyen Thanh Phong anh 2

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Ảnh: Phạm Ngôn.

Thứ hai, thành phố sẽ rà soát, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, tập trung giải quyết điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của thành phố, nhất là hạ tầng đô thị. Thành phố sớm hoàn thành việc lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2030, tầm nhìn đến năm 2045; điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch không gian ngầm đô thị. Thành phố xem đây là khâu quan trọng, là cơ sở để quản lý, định hướng mọi hoạt động phát triển của các ngành, lĩnh vực.

Ông Phong cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án phát triển hạ tầng nhằm giải quyết hiệu quả việc kết nối liên vùng, giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là mục tiêu thứ ba được thành phố đặt ra. TP.HCM sẽ tận dụng cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi số vào hoạt động.

Đẩy mạnh cải cách hành chính là yêu cầu thiết yếu thứ 4 nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và có điều kiện tham gia kết nối sâu vào các chuỗi giá trị khu vực, quốc tế.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.