Cập nhật cổ phiếu KDC (Kido): tiếp nhận lại mặt bằng Parkson thuê tại Hùng Vương Plaza

ĐĂNG NGUYÊN

13/05/2023 21:49

Ông Trần Lệ Nguyên, CEO KIDO cho biết đã tiếp nhận lại mặt bằng mà Parkson thuê tại Hùng Vương Plaza và đang cải tạo để thay "áo mới".

 

Parkson Hùng Vương Plaza do Parkson Vietnam vận hành từ 2007 và liên tục thua lỗ. Cuối tháng 4 năm nay, Công ty Parkson Retail Asia (PRA) cho biết chi nhánh Parkson Vietnam Co Ltd đã nộp đơn lên tòa án TP HCM để xin phá sản tự nguyện.

Do đó, Parkson Hùng Vương – một trong những trung tâm lớn nhất thời kỳ đầu được doanh nghiệp này thuê - đã phải trả lại cho Công ty cổ phần Hùng Vương (ông Trần Lệ Nguyên – CEO KIDO nắm 44% cổ phần).

CEO KIDO Trần Lệ Nguyên cho hay Parkson Vietnam đã nợ tiền thuê mặt bằng một năm. Khi thấy doanh nghiệp khó có khả năng trả nợ, công ty quyết định thu hồi mặt bằng và cho giãn nợ.

kdc-passon-1683989433.jpeg
Parkson Hùng Vương

Thay vì tìm đối tác thuê khác, Hùng Vương đang cải tạo lại nơi này theo diện mạo mới. "Tháng 8 năm nay, chúng tôi sẽ khai trương lại trung tâm này. Đây sẽ là Vạn Hạnh Mall thứ 2 với lối kinh doanh hiện đại và mang lại doanh thu cao", ông Nguyên nói.

Tiếp quản trong bối cảnh Parkson đã lỗ nhiều năm, ông Nguyên nói "không sợ thất bại". Ông dẫn chứng Vạn Hạnh Mall bắt đầu kinh doanh từ 2018, trải qua 3 năm dịch bệnh nhưng vận hành tốt, doanh thu cao và tỷ lệ lấp đầy 100%.

"Khi tiếp quản Hùng Vương Plaza, chúng tôi tự tin thổi làn gió mới vào mô hình kinh doanh trung tâm thương mại mới bất chấp bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn", ông Nguyên nói.

CEO Tập đoàn KIDO cũng cho biết đang hoàn tất thủ tục để nâng tỷ lệ sở hữu tại Hùng Vương Plaza lên 76%. Trong đó, Tập đoàn KIDO sẽ mua 32% cổ phần từ Vinacapital. Thỏa thuận giữa 2 bên gần như hoàn tất, tháng 8 KIDO sẽ toàn quyền chi phối Hùng Vương Plaza.

Ngoài việc xây dựng theo mô hình như Vạn Hạnh Mall, trung tâm mới này sẽ có lối ra vào từ 4 mặt tiền, thay vì chỉ 2 cửa như trước đây. Logo nhận diện của trung tâm mới hoàn toàn giống với Vạn Hạnh Mall và có tên là Hùng Vương Plaza.

Dù chưa khai trương, theo KIDO, tỷ lệ cho thuê đã ký đạt trên 80%. Dự kiến, đến ngày khai trương tỷ lệ lấp đầy 90% với trên 100 thương hiệu nổi tiếng quốc tế và trong nước. Giá thuê từ 30 USD đến 95 USD một m2 một tháng.

KIDO là Tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm với những sản phẩm nổi tiếng như dầu ăn, kem, bánh, đồ uống. Công ty con của tập đoàn này còn đầu tư vào các trung tâm thương mại bao gồm Vạn Hạnh Mall, Hùng Vương Plaza.

Báo cáo của KIDO cho biết, trong khi kinh tế suy thoái, người dân thắt chặt chi tiêu nhưng 4 tháng đầu năm, Vạn Hạnh Mall vẫn đạt gần 1 triệu lượt khách ghé mỗi tháng, tăng gấp đôi so với năm 2019. Với hoạt động kinh doanh thuận lợi, Vạn Hạnh Mall dự kiến doanh thu trên 400 tỷ trong năm nay.

Còn Hùng Vương Plaza năm nay dự kiến doanh thu 250 tỷ đồng. Trung tâm này có 7 tầng, diện tích sàn thương mại 30.000 m2, diện tích cho thuê 25.000 m2.

Cập nhật ngày 19/4/2023: mua lại Bánh bao Thọ Phát sau khi vừa nhảy vào nước mắm

Kido sẽ đầu tư và mua 25% cổ phần từ công ty sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát trong giai đoạn một. Kế tiếp, trong giai đoạn hai sẽ tăng tỉ lệ đầu tư lên từ 51 - 70%.

Nội dung nghị quyết hội đồng quản trị Tập đoàn KIDO (mã chứng khoán KDC) ngày 19-4 vừa công bố thỏa thuận mới của tập đoàn đạt được trong thương vụ đầu tư để nắm quyền chi phối tại công ty sở hữu thương hiệu Thọ Phát. 

Theo đó, Kido sẽ đầu tư và mua 25% cổ phần và giai đoạn hai sau đó sẽ nâng lên từ 51-70%, kết quả đạt được sau thời gian thảo luận dài. 

Theo ông Trần Lệ Nguyên, tổng giám đốc Kido, việc đầu tư để nắm quyền chi phối doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát là một trong những chiến lược quan trọng của tập đoàn trong việc tiếp tục mở rộng danh mục thực phẩm và trở thành một trong những tập đoàn thực phẩm thiết yếu hàng đầu tại Việt Nam.

Thông qua hoạt động đầu tư và mua bán, sáp nhập này, Kido cho biết đặt kế hoạch doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của mình dự kiến sẽ đạt khoảng 2.000 tỉ đồng, lợi nhuận kế hoạch là 200 tỉ đồng trong năm 2023.

Đây là khoản đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch của tập đoàn trong năm nay. 

Với các thế mạnh có sẵn, ông Trần Lệ Nguyên cũng cho biết với thế mạnh về quản trị, phát triển thương hiệu, logistics, cùng hệ thống kênh phân phối với 450.000 điểm bán ngành hàng khô, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh trên toàn quốc…, thương hiệu bánh bao Thọ Phát sẽ nhanh chóng được mở rộng ra thị trường miền Trung, miền Bắc và xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới.

Thọ Phát là một thương hiệu hàng đầu về sản xuất bánh bao tại Việt Nam, với hơn 4.000 điểm bán hàng trên các kênh truyền thống, siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Thương hiệu này được đánh giá đã làm thay đổi thị trường bánh bao truyền thống, từ sản phẩm ăn sáng bán dạo thành thương hiệu chuẩn hóa cao trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Hiện Thọ Phát đã phát triển các dòng sản phẩm như bánh bao ngọt, bánh bao mặn, bánh bao chay, bánh bao không nhân, bánh bao tạo hình…, bánh giò, xôi, dimsum...

Công ty này đang có một nhà máy hiện đại ở TP.HCM với diện tích hơn 22.000m2, công suất 10.000 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm.

Cập nhật ngày 27/2/2023: nhảy vào lĩnh vực nước mắm sau khi giải tán liên doanh với Vinamilk

Hội đồng quản trị Tập đoàn Kido (KDC) vừa thông qua việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm và Gia vị TA với ngành nghề chính là chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (cụ thể là chế biến và bảo quản nước mắm).

Công ty mới có vốn điều lệ dự kiến là 200 tỷ đồng, trong đó Kido sẽ là công ty mẹ nắm giữ 98% cổ phần. Chủ tịch Kido Trần Kim Thành sẽ là người đại diện quản lý phần vốn góp tại công ty con này.

Tại kỳ họp cổ đông cuối năm ngoái, lãnh đạo Kido cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung vào 4 mảng chiến lược trong năm 2023 là dầu ăn, kem, bánh kẹo và nước chấm. Trong đó, nước mắm sẽ là ngành hàng mới quan trọng trong hệ sinh thái này.

Công ty sẽ liên kết với các tập đoàn đa quốc gia ở những lĩnh vực thế mạnh riêng, để đối tác có thể xâm nhập thị trường trong nước và ngược lại cũng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm Kido ra thị trường quốc tế.

Năm 2023 cũng sẽ là năm diễn ra sự thay đổi tách các công ty thành viên của tập đoàn thành các công ty độc lập để dễ kết nối với các công ty đa quốc gia. Kido còn tìm kiếm đối tác chiến lược để nhận chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường quốc tế...

Bên cạnh lập công ty mới, Hội đồng quản trị Kido còn ra thông báo về việc tạm hoãn chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức đặc biệt bằng tiền với tỷ lệ 50% thông qua tại Nghị quyết trước đó.

Với hơn 257 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Kido dự kiến chi 1.285 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức đặc biệt. Theo kế hoạch ban đầu, công ty chốt danh sách vào ngày 20/3 và bắt đầu chi trả từ ngày 6/4.

Lãnh đạo Kido từng cho biết không gặp khó khăn về tài chính nên có nguồn tiền dư dả để chia cổ tức đặc biệt 50%, nhờ có nguồn tiền lớn từ lợi nhuận chưa phân phối, thoái vốn công ty thành viên và bán cổ phiếu.

Hội đồng quản trị Kido còn thông qua việc thực hiện chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Ngày đăng ký cuối cùng là 8/3, thời gian lấy ý kiến từ 16/3 đến ngày 28/3. Nội dung là các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ.

Tập đoàn Kido trong năm ngoái vẫn ghi nhận doanh thu tiếp tục được mở rộng khi tăng trưởng 19% lên mức kỷ lục 12.519 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động cao khiến lãi sau thuế giảm 43% về mức 374 tỷ đồng.

Cập nhật ngày 2/12/2022: Giải tán Liên doanh 400 tỷ đồng giữa Vinamilk (VNM) và Kido (KDC)

Liên doanh Vinamilk - Kido tan rã sau 2 năm đặt chân vào ngành nước uống đóng chai với hai sản phẩm sữa bắp và sữa đậu xanh tươi.

Vibev, công ty sản xuất kem và đồ uống không cồn do Vinamilk nắm 51% còn Kido nắm 49%, thông báo giải thể sau hơn hai năm thành lập.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty cổ phần Tập đoàn Kido chiều 1/12 cùng thông báo dừng hoạt động và giải thể Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev.

Vinamilk cho biết chấm dứt liên doanh vì "một số thay đổi trong định hướng phát triển" của cả hai. Cũng thông báo với lý do tương tự, nhưng phía Kido bổ sung thêm quyết định này còn đến từ ảnh hưởng của những biến động khó đoán của thị trường trong nước và kinh tế thế giới.

Vibev đăng ký thành lập tháng 3/2021 dù kế hoạch liên doanh được hai bên công ty trước đó nửa năm. Công ty ban đầu có vốn 400 tỷ đồng, trong đó Vinamilk góp 204 tỷ và nắm quyền chi phối, còn Kido góp 196 tỷ đồng.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, khi đó nói rằng hợp tác này xuất phát từ nhu cầu của hai bên khi cùng nhìn thấy cơ hội lớn. Cả hai đều có năng lực về nhà máy sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, quản trị, điều hành doanh nghiệp, nguồn lực tài chính mạnh nên sẽ đưa những mảng chung vào liên doanh để không bị xung đột lợi ích.

Ông Mai Xuân Trầm, Phó tổng giám đốc Kido đồng thời là Tổng giám đốc Vibev, khi đó cũng cho biết hai bên đã nghiên cứu trong thời gian dài trước khi bắt tay nhau. Ông đánh giá ngành hàng này có tiềm năng và quy mô lớn, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Mạng lưới xuất khẩu của Vinamilk tại 30 quốc gia sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm của liên doanh ra nước ngoài.

Sau nhiều lần trì hoãn vì dịch bệnh, Vibev ra mắt sản phẩm đầu tiên tháng 11/2021 với nhiều tham vọng như giữ vị trí số một về thị phần trong ngành nước tươi và đạt sản lượng 150 triệu chai một năm (tương đương doanh số 2.000 tỷ đồng) sau 5 năm vận hành.

Cập nhật ngày 15/11/2021: Vinamilk (VNM) liên doanh với Kido (KDC) làm sữa bắp và sữa đậu xanh

Liên doanh Vinamilk - Kido đặt chân vào ngành nước uống đóng chai với hai sản phẩm sữa bắp và sữa đậu xanh tươi sau nhiều lần trì hoãn do Covid-19.

Tại buổi công bố sáng 15/11, ông Mai Xuân Trầm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev cho biết, với việc ra mắt hai sản phẩm này, công ty đặt mục tiêu nắm giữ vị trí số 1 về thị phần trong ngành nước tươi. Mục tiêu sản lượng đạt 150 triệu chai một năm (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng) sau 5 năm vận hành.

Theo ông Trầm, công ty chọn "mở màn" bằng 2 sản phẩm trên là vì ngành giải khát của Việt Nam trong những năm gần đây tăng trưởng ổn định từ 8-10%. Trong đó, ngành giải khát không gas có tốc độ tăng trưởng cao hơn từ khoảng 10-12%. Đây là nhóm ngành rất tiềm năng vì người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm đến sức khỏe của bản thân.

"Về nước tươi hay đồ uống tươi, trên thị trường hiện nay các đơn vị cung ứng đa số là quy mô nhỏ, công nghệ kỹ thuật còn hạn chế. Do đó, với chiến lược đón đầu xu hướng, công ty kỳ vọng bứt phá nhanh trong thời gian tới", ông nói.

Sản phẩm sẽ được bán tại các hệ thống phân phối toàn quốc của Vinamilk và Kido với hơn 300.000 điểm, gồm hệ thống các siêu thị, minimart, cửa hàng tiện lợi, quán ăn, trang thương mại điện tử với giá dùng thử 10.000 đồng một chai, giá bán chính thức là 15.000 đồng.

Tại thời điểm thành lập liên doanh Vibev, hai bên từng cho biết sản phẩm sẽ ra mắt tháng 4/2021. Kế hoạch này tiếp tục được dời sang quý II, rồi quý III do ảnh hưởng của dịch.

Vibev có vốn đầu tư ban đầu 400 tỷ đồng theo tỷ lệ góp vốn tương ứng giữa Kido và Vinamilk là 49-51, hoạt động chính trong mảng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nước giải khát không có gas, có lợi cho sức khỏe.

Cập nhật ngày 20/10/2021: Kido bán lại bánh kẹo sau 6 năm ngừng kinh doanh

Bất chấp đại dịch, Kido vẫn ra mắt chuỗi cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy bán kem, trà sữa, cà phê… với mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng năm 2025. Các sản phẩm bánh tươi của Kido được bày bán rộng rãi ở các kênh truyền thống, hiện đại và chuỗi cửa hàng Chuk Chuk từ ngày 19/10.

Như vậy, sau 6 năm vắng bóng trên thị trường bánh kẹo, Công ty CP Tập đoàn Kido (KDC) đã chính thức quay trở lại.

Theo đại diện KDC, đây vẫn là một thị trường nhiều tiềm năng. Trong lần ra mắt này, doanh nghiệp nhắm đến nhóm khách hàng cao cấp, sành điệu với bộ 3 sản phẩm gồm bánh mì hoa cúc, bánh trân châu lava trứng muối và bánh chà bông xốt Singapore.

KDC cho biết những sản phẩm này sẽ lên kệ khắp 450.000 điểm bán trên toàn quốc cùng các kênh bán lẻ hiện đại, thương mại điện tử và chuỗi cửa hàng Chuk Chuk.

Trước đó, doanh nghiệp đã chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho Mondelēz International (Mỹ) hồi cuối năm 2014. Theo thỏa thuận giữa hai bên, KDC được kinh doanh trở lại trong lĩnh vực này từ tháng 7/2020.

Trong 9 tháng đầu năm, Kido đạt 7.444 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng 42%, đạt 480 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp cho biết dư địa các ngành hàng đang phát triển còn tiềm năng tăng trưởng khá tốt, đi đúng với chiến lược và định hướng của tập đoàn.

Đặc biệt, bên cạnh mảng dầu ăn và kem, chuỗi cửa hàng F&B Chuk Chuk cũng đã được triển khai bán online từ ngày 24/9. Sắp tới KDC dự kiến cho ra mắt 10 cửa hàng signature, tiến đến mở 100 điểm bán ở TP.HCM cho đến hết năm nay, nhằm tạo đà tiếp cận các thành phố trọng điểm khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... vào năm 2022.

Cập nhật ngày 6/6/2021: KDC - Kido mở chuỗi cửa hàng, xe đẩy bán kem và đồ uống

Chuỗi cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy này sẽ bán kem, trà, trà sữa trân châu, cà phê và các loại nước giải khát mang thương hiệu Chuk Chuk. Những cửa hàng đầu tiên của Chuk Chuk tại TP HCM sẽ mở cửa từ tháng 6. Ngoài ra, hệ thống ki-ốt và xe đẩy dự kiến hoạt động tháng 7 năm nay.

Mỗi cửa hàng, vốn ban đầu khoảng một tỷ đồng, ki-ốt 200 triệu đồng và các xe đẩy ở mức 100-150 triệu đồng. Đây là mức đầu tư được doanh nghiệp đánh giá là cạnh tranh so với các mô hình khác.

Thương hiệu Chuk Chuk sẽ trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TTV - một thành viên của Tập đoàn Kido. Tổng vốn đầu tư là 100 tỷ đồng, trong đó Kido tham gia 61% vốn để nắm quyền chi phối và sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô trong tương lai.

Tập đoàn đặt mục tiêu năm 2025 sẽ đạt 1.000 cửa hàng trên toàn quốc với tổng doanh thu 7.800 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2023, Chuk Chuk sẽ kết hợp với một số đối tác nước ngoài để phát triển mở rộng sang các nước châu Á bằng việc triển khai chính sách nhượng quyền thương hiệu theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ đối tác về mặt hình ảnh và chiến lược hoạt động.

Mô hình chuỗi cửa hàng Chuk Chuk của Tập đoàn Kido. Ảnh: Ngọc Anh.

Mô hình chuỗi cửa hàng Chuk Chuk của Tập đoàn Kido. Ảnh: Ngọc Anh.

 

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho biết, doanh nghiệp bắt tay vào phát triển dự án này vì F&B là một ngành khá tiềm năng, bất chấp dịch Covid-19, doanh thu ngành này vẫn tăng trưởng 9% trong những tháng đầu năm nay. Theo báo cáo Euromonitor, doanh thu toàn thị trường năm 2020 khoảng hơn 700.000 tỷ đồng.

"Dự án này chúng tôi hướng đến những gia đình hiện đại và các bạn trẻ. Chuk Chuk sẽ phát triển đa dạng mô hình kinh doanh gồm hệ thống cửa hàng, xe đẩy và ki-ốt" ông Nguyên nói.

Đồng thời, ông cho biết hệ thống cửa hàng sẽ tọa lạc ở những trục đường chính và trung tâm thương mại. Ki-ốt là sự kết hợp với các chuỗi phân phối lớn trên thị trường. Còn mô hình xe đẩy sẽ mang đến một Chuk Chuk thu nhỏ tại mọi cung đường vùng miền Việt Nam.

Theo lộ trình, năm 2021 Chuk Chuk tập trung phát triển hệ thống cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy bao phủ trong khu vực TP HCM với mục tiêu phát triển 58 cửa hàng cho đến cuối năm (bao gồm cả 3 loại hình), doanh thu 141 tỷ đồng.

Song song với việc bán kem và nước giải khát, các sản phẩm đặc trưng của thương hiệu như trà, cà phê, ly, quà lưu niệm,... cũng được bày bán tại hệ thống các cửa hàng. Ngoài ra, Chuk Chuk sẽ kết hợp kinh doanh các sản phẩm bánh tươi mang thương hiệu KIDO’s Bakery.

Thương hiệu Chuk Chuk là một mảnh ghép thuộc chiến lược phát triển kinh doanh đa ngành của Tập đoàn Kido. Doanh nghiệp này sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp (450.000 điểm bán ngành hàng khô và 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh). Kido đang dẫn đầu ngành hàng kem (chiếm 43,5% thị phần) và ngành dầu ăn (chiếm giữ trên 30% thị phần) tại Việt Nam.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.