Kết quả kinh doanh PLX (Petrolimex): năm 2022 lợi nhuận ước đạt 2.068 tỷ đồng

VNDirect

11/01/2023 15:32

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (PLX) vừa công bố BCTC hợp nhất quý gần nhất.

plx4-xang-1616593482.jpg

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (PLX) 

 

Tại hội nghị tổng kết cuối năm, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết tổng doanh thu hợp nhất đạt 300.000 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch và 78% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 2.068 tỷ đồng.

Trong năm 2022, tổng sản lượng xuất bán hợp nhất đạt 13,7 triệu m3/tấn, vượt 13% kế hoạch và 11% so với năm trước đó. Petrolimex cũng chi 1.647 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật.

Theo Tổng giám đốc Đào Nam Hải, thị trường xăng dầu thế giới trong năm 2022 diễn biến phức tạp, giá cả tăng giảm sốc, lặp đi lặp lại nhiều lần chưa từng có tiền lệ do chịu tác động từ các yếu tố địa chính trị, nhất là kể từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và nhập khẩu dầu thô để phục vụ hoạt động sản xuất xăng dầu thành phẩm của nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn. Do vậy, các biến động trên thị trường thế giới trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước.

Bên cạnh đó, công tác điều hành thị trường xăng dầu trong nước chưa kịp thích ứng đã dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thiếu nguồn cung và/hoặc chủ động tạm dừng bán hàng để giảm lỗ. Nhu cầu dồn về Petrolimex khiến sản lượng tiêu thụ của tập đoàn tăng mạnh trên tất cả các kênh bán hàng, đặc biệt là kênh bán lẻ trực tiếp thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex.

Tính đến 31/12/2022, lao động thực tế sử dụng của tập đoàn và 43 công ty xăng dầu đạt 18.942 người. Tập đoàn đã cải thiện thu nhập cho người lao động, đặc biệt cho người lao động thuộc khối trực tiếp tại cửa hàng xăng dầu. Thu nhập thực chi bình quân năm 2022 các công ty là 14,35 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 26,3% so với năm 2021.

Về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, Petrolimex đã hoàn thành xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch sản xuất lẫn cơ cấu lại tập đoàn. Ngoài ra, tập đoàn đang hoàn thiện phương án thoái vốn (chuyển nhượng vốn) tại Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank). Tính đến cuối tháng 9/2022, ghi nhận giá trị đầu tư của Petrolimex tại PG Bank khoảng 1.796 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 40,57%.

Theo ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Petrolimex - năm 2023 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi thế giới đối mặt với nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán chỉ ở mức khoảng 2%, giảm đáng kể so với năm 2022 và thấp hơn nhiều với mức bình quân của thập kỷ trước đại dịch Covid-19.

GDP Việt Nam được dự báo tăng trưởng dao động ở mức 6,5% kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước năm 2023 có thể tăng lên tương ứng. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn có thể còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cập nhật quý 3/2022: lợi nhuận trước thuế của Petrolimex đạt 313 tỷ đồng, tăng 179%

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã PLX-HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 và giải trình lợi nhuận sau thuế trên BCTC của công ty mẹ và BCTC hợp nhất tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, PLX ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 73.700 tỷ đồng tăng 113% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, PLX ghi nhận lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 2.036 tỷ lên 2.803 tỷ đồng, tương ứng tăng 38%.

Cũng trong quý 3, PLX ghi nhận doanh thu tài chính tăng nhẹ từ 263 tỷ lên 279 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính lại tăng cao từ 214 tỷ lên 319 tỷ đồng trong quý 3, tương ứng tăng 49% - trong đó, chi phí lãi vay lại giảm so với cùng kỳ còn 154 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí khác, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex đạt 313 tỷ đồng, tăng 179% so với cùng kỳ năm trước (79,5 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt gần 190 tỷ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ tăng gần 30%, từ 76 lên gần 99 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Petrolimex đạt 225.700 tỷ đồng - tăng 88% so với cùng kỳ (119.741 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 614 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm 2021 (2.952 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông ty mẹ giảm mạnh từ 2.235 tỷ giảm còn 312 tỷ đồng, tương ứng giảm 86%.

Giải trình việc lợi nhuận trên BCTC hợp nhất tăng so với cùng kỳ là do lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh xăng dầu quý 3/2022 phát sinh lỗ trong khi cùng kỳ có lãi (lợi nhuận giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ); nguyên nhân chủ yếu do: giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến bất thường theo xu hướng giảm và chi phí khâu tạo nguồn, khâu lưu thông thực tế tăng cao hơn chi phí định mức theo quy định được tính trong giá cơ sở.

Mặt khác, lợi nhuận từ hoạt động lĩnh vực khác quý 3/2022 tăng so với cùng kỳ (lợi nhuận tăng hơn 400 tỷ đồng so với cùng kỳ), trong đó một số công ty con kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay... đã trở lại hoạt động ổn định sau giai đoạn hậu Covid.

Đồng thời, lợi nhuận từ hoạt động tài chính quý 3/2022 giảm so với cùng kỳ chủ yếu do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá trong khi cùng kỳ có lãi (tỷ giá có xu hướng tăng mạnh trong quý 3/2022 do đó Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá đối với Đô la Mỹ lên +/-5% so với tỷ giá trung tâm).

Còn theo BCTC của Công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế cao hơn so với cùng kỳ 2021 chủ yếu là do Tập đoàn cân đối áp dụng chính sách giá bán nội bộ giữa Công ty mẹ và các Công ty kinh doanh xăng dầu thành viên để phù họp với biến động của thị trường xăng dầu trong nước và mục tiêu của Tập đoàn trong từng chu kỳ kinh doanh.

Mới đây, PLX thông báo chốt danh sách cổ đông để thanh toán cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 12% (1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng). Như vậy, với hơn 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, PLX dự chi xấp xỉ 1.500 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Ngày nhận tiền là ngày 29/11 tới.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của PLX tăng 10% so với hồi đầu năm từ 64.791 tỷ lên 71.026 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền tăng nhẹ lên 7.552 tỷ đông, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm nhẹ từ 11.831 tỷ xuống còn 10.466 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng từ 13.387 tỷ lên 15.124 tỷ; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm 3.474 tỷ xuống còn 1.514 tỷ đồng.

Đáng chú ý, PLX có 4.200 tỷ đồng đầu tư trái phiếu, tăng 2.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và giữ nguyên so với cuối quý 2 và lãi tiền gửi, tiền cho vay mang lại cho PLX gần 637 tỷ đồng.

Cập nhật quý 2/2022: xăng dầu lên hương song anh cả vẫn xoay xở để lỗ được 141 tỷ đồng!

Giá dầu thô tăng trong quý II nhưng Petrolimex - ông lớn nắm thị phần bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước - lại lỗ 141 tỷ đồng.

Dữ liệu các chỉ số tài chính cho thấy, chi phí bán hàng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tăng vọt, hơn 2.570 tỷ đồng, đã "ăn mòn" lợi nhuận của tập đoàn này. Theo báo cáo tài chính quý II, doanh thu thuần từ bán hàng, dịch vụ của Petrolimex tăng 80%, đạt hơn 84.367 tỷ đổng.

Trong kỳ, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận thuần âm 295 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí bán hàng, tài chính và quản lý..., Petrolimex báo lỗ trước thuế gần 279 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm gần 141 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1.594 tỷ.

Tính nửa đầu năm, doanh nghiệp nắm thị phần bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước (khoảng 48%) - lợi nhuận sau thuế giảm tới 87%, còn 302 tỷ đồng.

Lý giải việc thua lỗ, Petrolimex cho biết là do giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp xung đột Nga - Ukraine. Các nước phương Tây và Mỹ cấm vận dầu Nga đã làm giá xăng dầu thế giới biến động bất thường. Theo đó, một thùng dầu thế giới WTI tăng 99,4 USD vào đầu quý II lên mức 122 USD, tương đương tăng 23% rồi lại giảm về 105,8 USD vào cuối tháng 6.

Khi giá thế giới tăng vọt, doanh nghiệp này buộc phải nhập khẩu để bù đắp sản lượng xăng dầu thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đảm bảo không đứt gãy cung ứng tại những thời điểm khó khăn và cung cầu tiêu dùng trong nước.

Lý do nữa là từ tháng 7, giá xăng dầu điều chỉnh giảm với biên độ lớn, công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trên cơ sở giá trị thuần với lượng hàng tồn kho tại 30/6 là 1.259 tỷ đồng. Nếu không trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế 6 tháng công ty mẹ là 295 tỷ.

Ngoài việc công ty mẹ hoạt động kinh doanh không mấy khả quan trong nửa đầu năm, đại diện Petrolimex chia sẻ, các lĩnh vực khác như hoá dầu, gas, kinh doanh kho... cũng đạt hiệu quả thấp.

Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận giảm 63%, về còn 244 tỷ

Quý I Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã CK: PLX) ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp rưỡi cùng kỳ, gần 67.020 tỷ đồng.

Nhưng giá vốn bán hàng tăng gấp 1,8 lần, lên hơn 64.242 tỷ đồng khiến lãi gộp từ bán hàng, cung cấp dịch vụ còn 2.777 tỷ đồng (tương đương giảm 18%).

Doanh thu tài chính và lãi trong công ty liên kết đều tăng trong quý I, lần lượt 300 tỷ đồng và 234 tỷ đồng nhưng chi phí bán hàng, chi phí tài chính... cũng tăng theo. Điều này khiến khoản lãi sau thuế giảm mạnh về mức 442,4 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ 2021.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm tới gần 63% so với cùng kỳ năm ngoái, về mức xấp xỉ 244 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) giảm một phần ba, còn 208 đồng.

Việc lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý đầu năm, ban lãnh đạo Petrolimex cho hay nguyên nhân chủ yếu do tác động từ biến động giá dầu thế giới và nguồn cung xăng dầu trong nước.

Sản xuất, giao thương trong nước và thế giới hồi nhịp trở lại giúp nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng đáng kể trong quý I. Nhưng xung đột Nga - Ukraine làm nảy sinh các vấn đề về nguồn cung năng lượng. Giá dầu WTI biến động mạnh từ 75,88 USD một thùng tại đầu quý lên 102,07 USD một thùng vào cuối tháng 3, tương ứng tăng 35%. Có thời điểm đầu tháng 3, giá lên đến 128 USD một thùng.

Cùng thời gian này, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chỉ còn sản xuất 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật phải ngừng hoạt động, không đáp ứng được sản lượng cam kết theo hợp đồng dài hạn đã ký với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cập nhật quý 4/2021: lợi nhuận giảm 30,3% về 701,44 tỷ đồng

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán: PLX - sàn HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021.

Theo đó, trong quý IV/2021, PLX ghi nhận doanh thu đạt 49.371,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 701,44 tỷ đồng, lần lượt tăng 57,9% và giảm 30,3% so với cùng kỳ. Trong đó, đặc biệt biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 11,9% về chỉ còn 6,2%.

Trong kỳ, do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 17,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 667,1 tỷ đồng về 3.049,4 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 58,1%, tương ứng tăng thêm 95,5 tỷ đồng lên 259,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 5,1%, tương ứng giảm 141,9 tỷ đồng về 2.630,4 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 642,3%, tương ứng tăng thêm 196,42 tỷ đồng lên 227 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong quý IV/2021, mặc dù công ty đã ghi nhận lợi nhuận khác đột biến, cũng như tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý nhưng lợi nhuận vẫn giảm 30,3% chủ yếu do lợi nhuận gộp giảm mạnh và chi phí tài chính tăng cao.

Lũy kế trong năm 2021, PLX ghi nhận doanh thu đạt 169.113,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.111,54 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,5% và 148,4% so với cùng kỳ.

Điểm đáng lưu ý, năm 2021, công ty ghi nhận giá vốn hàng bán là 156.406,95 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng giảm giá tồn kho là 194,76 tỷ đồng so với cùng kỳ hoàn nhập lên tới 45,7 tỷ đồng; giá trị hàng tồn kho mất mát trong kỳ là 469,4 tỷ đồng so với cùng kỳ là 212,3 tỷ đồng.

Trong năm 2021, doanh nghiệp dự kiến doanh thu là 135.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 3.360 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 9,1% và 140,2% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy, kết thúc năm tài chính với lợi nhuận trước thuế là 3.781,37 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành 112,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của PLX tăng 5,2% so với đầu năm lên 64.297,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 18.024,9 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 14.757,6 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản; tồn kho đạt 13.160,7 tỷ đồng, chiếm 20,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 7.089,5 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản.

Cập nhật quý 3/2021: lợi nhuận 79 tỷ, giảm 91%

Petrolimex (PLX) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu 34.645 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về lãi gộp giảm từ mức 3.136 tỷ xuống còn 2.036 tỷ đồng.

Trong kỳ, lãi từ các công ty liên kết cũng giảm mạnh phân nửa so với quý 3/2020, xuống còn gần 73 tỷ đồng.

Khấu trừ chi phí, PLX thu về 79 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng theo đó cũng giảm đáng kể còn 76 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu Công ty tăng từ 92.704,5 tỷ lên 119.812 tỷ đồng. Trong kỳ, PLX có tiết giảm đáng kể các chi phí. Khấu trừ, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn 952% lên 2.410 tỷ đồng. Được biết, lợi nhuận luỹ kế đột biến so với cùng kỳ do quý 1/2020 trước cơn khủng hoảng đầu tiên của dịch Covid-19, PLX thua lỗ ròng hơn 1.000 tỷ đồng.

Năm 2021, PLX đặt kế hoạch 135.200 tỷ doanh thu và 3.360 tỷ LNTT. Như vậy, sau 9 tháng Công ty đã lần lượt thực hiện được 87% chỉ tiêu doanh thu và 88% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến thời điểm 30/9/2021, PLX tích luỹ một lượng lớn tiền mặt và tiền gửi với khoảng 16.223 tỷ đồng.

 

Cập nhật 6 tháng 2021: lợi nhuận 2.068 tỷ, đạt 82% kế hoạch năm

Kết thúc quý II, Petrolimex lãi trước thuế 1.728 tỷ đồng trong quý II, tăng 183% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.406 tỷ đồng, tăng 31%, cao nhất kể từ quý IV năm 2016.

Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này lãi trước thuế 2.741 tỷ đồng và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 2.068 tỷ đồng, cải thiện lớn so với con số của nửa đầu năm 2020, thực hiện 82% kế hoạch năm.

Theo diễn giải của doanh nghiệp, trong quý, giá dầu thể giới tiếp tục có xu hướng tăng từ 58,65 USD/thùng tại thời điểm đầu quý, lên 73,47 USD/thùng vào thời điểm cuối quý (tương ứng tăng 25,2%).

Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát và ứng phó trong phòng dịch Covid-19 có nhiều thay đổi theo hướng khoanh vùng thay vì cách xã hội trên phạm vi toàn quốc. Do đó, hoạt động kinh doanh xăng dầu hội tụ được các yếu tố thuận lợi và đem lại hiệu quả cao hơn so với cùng kỳ.

Trong tháng 6, ENEOS Corporation, đối tác chiến lược của Petrolimex đã mua 25 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 2,94% lên 4,87% vốn. Tổ chức đến từ Nhật Bản là công ty mẹ của JX Nippon Oil & Energy Việt Nam – cổ đông lớn thứ 2 tại Petrolimex với 103,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 8% vốn điều lệ. ENEOS Corporation cùng công ty liên quan đang nắm giữ tổng cộng 166,5 triệu đơn vị, tương đương 12,87% vốn.

Cập nhật  quý 1/2021: Lợi nhuận sau thuế đạt 736 tỷ đồng

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã PLX-HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2021. Theo đó, PLX ghi nhận doanh thu bán hàng quý 1/2021 đạt 38.247 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ (38.477,7 tỷ đồng); trong kỳ giá vốn hàng bán giảm so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ gần 450 tỷ lên 3.394 tỷ đồng;

Doanh thu tài chính quý 1/2021 giảm từ 230,3 tỷ còn 210 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm gần 1/2 từ 352 tỷ xuống 186 tỷ đồng; lãi từ các công ty liên kết tăng từ 134 tỷ lên 170 tỷ đồng.

Trong kỳ, PLX ghi nhận chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ lần lượt là 2.422 tỷ và hơn 181 tỷ đồng.

Kết quả, PLX báo lãi trước thuế quý 1/2021 đạt gần 1.013 tỷ đồng, con số này cao hơn con số công bố tại Đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 4 vừa qua (900 tỷ) - trong khi cùng kỳ, PLX báo lỗ 1.700 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2021 của PLX đạt 736 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ hơn 1.813 tỷ đồng.

Theo giải trình của PLX, Quý 1/2021 dịch Covid-19 đã được kiểm soát, đồng thời giá dầu thế giới (WTI) có xu hướng tăng đều từ 47,62 USD/thùng đầu năm lên 59,16 USD/thùng vào thời điểm cuối quý 1 (tương ứng tăng 20%) nên hoạt động kinh doanh xăng dầu có lãi. Trong khi cùng kỳ 2020, giá dầu WTI giảm mạnh và liên tục chỉ còn 20,48 USD/thùng (giảm 66% trong quý) đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn hàng bán quý 1/2020 với phát sinh 1.500 tỷ đồng trải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối kỳ theo quy định.

Bên cạnh đó, một số công ty con của tập đoàn có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó công ty nhiên liệu bay quý 1/2021 lợi nhuận chỉ đạt 24% so với cùng kỳ 2020 do thời điểm này năm ngoái các hãng hàng không vẫn hoạt động ổn định.

Sang năm 2021, PLX dự kiến doanh thu đạt 135.200 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 3.360 tỷ đồng, tăng 140,2% so với thực hiện trong năm 2020; cổ tức tối thiểu là 12% cho cổ đông. Như vậy, hết quý 1, PLX đã hoàn thành 28,3% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận.

Tại thời điểm 31/3/2021, tổng tài sản của Petrolimex tăng hơn 3.400 tỷ so với đầu năm từ 61.106 tỷ lên 64.512 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng hơn 1.000 tỷ so với hồi đầu năm lên hơn 10.400 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng hơn 800 tỷ lên 3.588 tỷ đồng.

Theo công bố từ SSI Research, PLX gần đây đã bán 25 triệu cổ phiếu quỹ cho ENEOS với giá trung bình là 57.057 đồng/ cổ phiếu, thu về 1.426 tỷ đồng. Sau thương vụ này, ENEOS đã tăng sở hữu tại PLX từ 9% lên 11%.

PLX ước tính bán 50 triệu cổ phiếu quỹ còn lại, tương đương 4% số lượng cổ phiếu đang lưu hành trong thời gian tới.

Về việc thoái vốn khỏi PGB, PLX đang làm việc với một đối tác tư vấn để ước tính giá hợp lý của PGB. Công ty dự kiến sẽ hoàn tất việc thoái 40% cổ phần tại PGB vào năm 2021, thông qua hình thức đấu giá công khai.

Đồng thời, PLX có thể hưởng lợi từ Nghị định 83 sửa đổi có thể thay đổi khoảng thời gian giữa hai đợt điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp từ 15 ngày như hiện tại còn 10 ngày, và giảm số ngày tồn kho cần thiết từ 30 ngày xuống 20 ngày. Điều này sẽ giúp các nhà bán lẻ xăng dầu điều chỉnh giá bán phù hợp hơn với diễn biến thị trường và chi phí đầu vào, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà phân phối xăng dầu giảm dự trữ hàng tồn kho.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (tên viết tắt là Petrolimex, mã PLX)
PLX hiện nay được hình thành từ việc cổ phần hóa và cấu trúc lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam. Lĩnh vực kinh doanh chính của Petrolimex là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu, đầu tư vốn vào các doanh nghiệp khác để kinh doanh các ngành nghề mà Petrolimex đang kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Petrolimex giữ hơn 48% thị phần phân phối xăng dầu trong nước, áp lực đổ đồn về họ tại các thờiđiểm giá xăng dầu tăng liên tục và duy trì ở mức cao.
Để không gián đoạn nguồn cung và đáp ứng kịp thời tiêu dùng trong nước, Petrolimex cho biết, đã phải thay đổi kế hoạch nhập mua, tìm kiếm nguồn cung tức thời với giá cao từ các nhà cung cấp khác. Việc này khiến biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu quý I giảm so với cùng kỳ.

VNDirect
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.