Cập nhật ngành Thủy sản: quý 2/2022 doanh nghiệp thủy sản lãi kỷ lục

Elon Mất

03/08/2022 13:54

Lãi sau thuế của nhiều doanh nghiệp thủy sản trong quý II đạt mức cao kỷ lục khi hưởng giá bán tốt và thị trường xuất khẩu thuận lợi.

container-ship-harbour-1617239993.jpeg

Doanh nghiệp thủy sản 'căng' với giá tàu đi Mỹ

Quý II, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) báo lợi nhuận hơn 788 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của "nữ hoàng cá tra" kể từ khi niêm yết vào quý IV/2007. Doanh nghiệp hoàn thành gần 84% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tương tự, 3 tháng qua, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng đạt lãi cao nhất kể từ khi niêm yết vào quý IV/2006. Doanh nghiệp này ghi nhận hơn 118 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2021.

Các công ty có thị phần nhỏ hơn cũng "ăn nên làm ra" trong quý vừa qua. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) ba tháng rồi lãi gần 230 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin vào quý I/2010. Hay Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) có lãi sau thuế tăng gấp 10 lần, lên mức hơn 240 tỷ đồng, cao nhất từ quý I/2019 đến nay.

"Vua tôm" Minh Phú (Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất nhưng báo cáo riêng cũng cho thấy có mùa kinh doanh thuận lợi. Lãi sau thuế của công ty mẹ hơn 196 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp đều lý giải đà tăng tốc lợi nhuận đến từ giá thủy sản tiếp tục neo cao cùng tình hình xuất khẩu thuận lợi. Trong nước, tính đến cuối tháng 6, giá cá tra tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên 28.000 đồng một kg. Tôm thẻ loại 20 con neo mức 230.000 đồng một kg, cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ.

Ở thị trường xuất khẩu, lũy kế 6 tháng đầu năm, thủy sản mang về trên 5,76 tỷ USD, tăng 40% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Riêng cá tra đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 83%. Giá trị tôm xuất khẩu khoảng 2,3 tỷ USD, tăng 31%. Trong khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero-Covid, các doanh nghiệp cá tra được hưởng lợi thuế suất 0% tại thị trường Mỹ. Cùng với việc hàng hóa Nga bị cấm vận, thủy sản Việt Nam càng ít bị cạnh tranh trên trường quốc tế.

Tuy nhiên nhiều đơn vị dự đoán kịch bản hưởng lợi từ giá thủy sản cao sẽ không kéo dài. Theo SSI Research, hầu hết công ty báo cáo tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu lớn trong 5 tháng đầu năm.

Về diễn biến giá, VnDirect dự báo có thể kém tích cực hơn so với giai đoạn nửa đầu năm ở cả cá tra và tôm khi nguồn cung mặt hàng này tăng trở lại cùng với nhu cầu tại các thị trường chính dần ổn định. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành bị thu hẹp.

Ngoài kịch bản kém lạc quan về giá, ngành thủy sản còn đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cá, tôm nguyên liệu khi các hộ nuôi không tăng diện tích do thận trọng. Thời gian qua, giá cá tra tăng cao nhưng nhiều người nuôi vẫn lỗ vì chi phí cao (chi phí thức ăn chiếm 75-80% giá thành, đã tăng 4-6 lần từ đầu năm đến nay). Giá con giống nhiều thời điểm tăng gấp đôi. Giá bán các vật tư đầu vào khác như thuốc, hóa chất xử lý môi trường, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học cũng tăng từ 20-30% khiến giá thành sản xuất bị đội lên.

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) chỉ ra thiếu nguyên liệu đang là thách thức lớn nhất với xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, thiếu hụt này có thể là khó khăn ngắn hạn, các doanh nghiệp phải nỗ lực phát triển chuỗi giá trị bền vững để tránh thiếu nguyên liệu đầu vào trong tương lai.

Cập nhật ngày 3/9/2022: gặp khó vì giá xăng dầu tăng

Thời gian gần đây, ngư dân Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung gặp nhiều khó khăn vì giá nhiên liệu vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi giá bán hải sản vẫn giữ nguyên, thậm chí bị sụt giảm.

Giá nhiên liệu cao khiến chi phí đi biển của ngư dân hiện nay tăng từ 20-25%. Tất cả đã làm lợi nhuận mỗi chuyến biển của ngư dân giảm đi đáng kể.

Được biết, giá xăng dầu thường chiếm 40-50% tổng chi phí mỗi chuyến đi biển. Điều này khiến các chủ tàu cá công suất lớn luôn phải cân nhắc trước khi ra khơi.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản cũng bị ảnh hưởng lớn, một phần do thời tiết nhưng nguyên nhân chính vẫn do giá xăng dầu tăng cao. Nó cũng kéo theo các chi phí đầu vào, dịch vụ logistics tăng khiến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, hải sản là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam hiện nay, 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu hải sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện xuất khẩu hải sản chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Dự báo trong năm 2022, ngành thủy sản có thể tăng từ 10-12% so với năm 2021. Xuất khẩu hải sản khai thác đang đóng vai trò ngày càng cao trong tổng cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, giá xăng dầu cao làm nhiều tàu đánh bắt không thể ra khơi, ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu hải sản xuất khẩu.

Cập nhật ngày 28/4/2022: Giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ trong quý 1/2022 tăng gần 70%

Theo VASEP, trong quý I, thủy sản sang Nga giảm 86% do tác động của cuộc chiến tại Ukraine. Mỹ lại giữ ngôi vị thứ nhất, chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và tăng trưởng cao thứ hai, tăng 72%. Trong đó, kim ngạch cá tra tăng mạnh nhất, tăng 124%. Giá trung bình tăng gần 70%, đạt 4,6 USD/kg.

Còn ở Trung Quốc, cá tra chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu, tăng gấp hơn 2,5 lần. Giá trung bình trên 2,5 USD/kg, tăng gần 40%. Ngoài ra, giá trung bình cá tra sang Đức cũng tăng 43% đạt 3,7 USD/kg. Dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản quý II tiếp tục tăng tới khoảng 2,8-2,9 tỷ USD, tăng khoảng 23-24% so với quý II năm ngoái.

Tính chung tuý I/2022, xuất khẩu thủy sản mang về trên 2,5 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ 2021. Trong đó tôm chiếm 38% với gần 955 triệu USD, cá tra chiếm 26% với 654 triệu USD, cá ngừ chiếm trên 10% với 259 triệu USD. Các loại cá biển khác chiếm 17% với 421 triệu USD.

Hiện tại, giá nguyên liệu cá tra trong nước tăng mạnh 40% so với hồi đầu năm dưới tác động của các yếu tố như chi phí đầu vào, giá thức ăn, hậu cần, vận tải. Các mặt hàng khác như tôm và các sản phẩm khác trong những tháng tới cũng vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Cập nhật ngày 14/9/2021: Khi doanh nghiệp thủy sản đi đầu tư chứng khoán

Tuy là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản nhưng Vĩnh Hoàn đã "tay ngang" đi đầu tư chứng khoán với giá trị trên trăm tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC), đến cuối tháng 6 năm nay, công ty này đang ghi nhận danh mục đầu tư chứng khoán trị giá hơn 57 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với giá trị hồi đầu năm.

Trong đó, khoản đầu tư chứng khoán lớn nhất của Vĩnh Hoàn hiện nằm ở cổ phiếu DXS (Đất Xanh Services) với giá gốc 25,6 tỷ đồng. Theo sau là 2 khoản đầu tư tại KBC (Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc) và CTG (VietinBank) với giá gốc lần lượt là 16,7 tỷ và 12,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, toàn bộ lượng cổ phiếu kể trên chỉ được Vĩnh Hoàn mua vào từ đầu năm nay, tại ngày lập báo cáo, công ty đang phải trích lập dự phòng 96 triệu đồng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu CTG.

Dù chỉ chiếm chưa tới 5% giá trị các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và chưa tới 1% tổng tài sản, khoản đầu tư chứng khoán kể trên lại là mục ghi nhận biến động lớn nhất trên bảng cân đối kế toán của công ty chế biến thủy sản này trong nửa đầu năm qua.

Với khoản đầu tư hơn 57 tỷ vào thị trường chứng khoán, Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận hơn 10,6 tỷ đồng tiền lãi, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 và tương đương hiệu suất 18,6% giá trị đầu tư.

Thực tế, Vĩnh Hoàn chỉ mới bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2020, nhưng đã rót hàng trăm tỷ đồng vào hoạt động này.

Nửa đầu năm 2020, công ty ghi nhận danh mục đầu tư chứng khoán lên tới gần 190 tỷ đồng, trong đó bộ 3 cổ phiếu đầu tư nhiều nhất là MWG (Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động); FPT (Công ty CP FPT) và HPG (Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát) với giá trị lần lượt 87,3 tỷ; 28,6 tỷ và 23,6 tỷ đồng.

Cũng trong nửa đầu năm này, Vĩnh Hoàn thu về 5,5 tỷ tiền lãi từ đầu tư chứng khoán, đóng góp 9% vào doanh thu hoạt động tài chính hợp nhất.

Đến cuối năm 2020, công ty tất toàn toàn bộ lượng cổ phiếu nói trên và ghi nhận khoản lãi hơn 64 tỷ, chiếm 28% doanh thu tài chính trong năm và tương đương lợi suất đầu tư 34% giá vốn sau một năm.

Khi dai gia thuy san di dau tu chung khoan anh 1

Thị trường chứng khoán sôi động không chỉ thu hút nhà đầu tư cá nhân mà cả những doanh nghiệp lớn cũng mang hàng trăm tỷ đồng tiền nhàn dỗi đi đầu tư. Ảnh: Việt Linh.

Đến đầu năm nay, Vĩnh Hoàn tiếp tục chi ra hơn 57 tỷ đồng để mua vào bộ 3 cổ phiếu DXS, KBC, CTG kể trên và đã ghi nhận khoản tiền lãi từ hoạt động này lên tới 10,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, việc Vĩnh Hoàn đầu tư chứng khoán không hề liên quan tới hoạt động kinh doanh của công ty này là chế biến và xuất khẩu thủy sản. Việc Vĩnh Hoàn tay ngang đi đầu tư chứng khoán cũng chỉ bắt đầu từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và Việt Nam từ đầu năm 2020 khiến hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh phải thu hẹp sản xuất bởi các quy định giãn cách và các đơn hàng bị ảnh hưởng, Vĩnh Hoàn cùng nhiều công ty thủy sản khác đã bắt đầu sử dụng lượng tiền nhàn dỗi để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.

Hiện tại, ngoài Vĩnh Hoàn, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành thủy sản như Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC); Công ty CP Thủy sản Mekong (AAM) hay Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) đều có các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán với giá trị từ vài tỷ cho tới vài chục tỷ đồng.

Trong đó, đây chủ yếu là các khoản đầu tư mới được giải ngân từ đầu năm 2020 đến nay.

Cập nhật ngày 4/9/2021: Khó khăn bủa vây doanh nghiệp thủy sản

Đại diện VASEP cho biết doanh nghiệp toàn ngành thủy sản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, đơn hàng giảm, nguyên vật liệu đầu vào hạn chế và chi phí tăng cao.

Ngày 4/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn về sản xuất, tiêu thụ thủy sản trong bối cảnh dịch Covid-19 với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và người tham gia chuỗi thủy sản.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết doanh nghiệp toàn ngành thủy sản đang phải đối mặt 4 áp lực cùng lúc. Vấn đề phức tạp nhất là thiếu lao động.

“Hiện nay, các nhà máy sản xuất tập trung ít cũng có vài trăm, nhiều thì có vài nghìn công nhân. Doanh nghiệp lớn có khoảng 5.000-7.000 công nhân. Khi nguồn vaccine không đầy đủ, 70% nhà máy đã phải ngừng sản xuất để đáp ứng mục tiêu ưu tiên chống dịch. Chỉ 30% nhà máy duy trì được hoạt động sản xuất nhờ áp dụng 3 tại chỗ", ông Nam cho biết.

"Trong số 30% nhà máy này, các đơn vị chỉ huy động được khoảng 20-40% số công nhân. Điều này khiến nhà máy phải giảm công suất, dẫn tới doanh nghiệp không đủ lượng hàng cung cấp cho khách theo hợp đồng đã ký; đồng thời cũng không tiến hành thu mua được nguyên liệu từ khai thác cũng như nuôi trồng”, ông Nam nhấn mạnh.

VASEP: Nganh thuy san doi mat voi 4 ap luc cung luc anh 1

VASEP lo ngại đứt gãy chuỗi nhân lực tại các nhà máy thủy sản. Ảnh: Huỳnh Biển.

Khó khăn thứ hai là khách hàng nhập khẩu thủy sản liên tục cắt giảm hàng hoặc ép giá vì tổng chi phí của khách hàng đang tăng lên do dịch, trong khi nguồn cung đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Khó khăn thứ ba ông Nam đề cập đến là nguyên phụ liệu. Ở khâu chế biến, nhiều nguyên phụ liệu như bao bì, nylon, máy hút chân không… các nhà máy đều cần nguồn cung cấp từ TP.HCM. Hạn chế này không được tháo gỡ sẽ khiến doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất lâu.

Cuối cùng, khi công suất giảm, người lao động giảm, thiếu nguyên phụ liệu thì tổng chi phí của doanh nghiệp lại tăng lên.

“Người lao động nghỉ việc nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương nghỉ việc. Với lao động tham gia 3 tại chỗ, doanh nghiệp phải trả chi phí lớn hơn 50% thông thường bởi ngoài lương còn có tiền phụ thêm, chi phí lo ăn, lo điều kiện vật chất… Chi phí sản xuất trên đơn vị sản phẩm hiện rất lớn”, ông Nam nhấn mạnh.

Trong nội dung các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp và các hiệp hội tại hội nghị có nhiều vấn đề liên quan đến thực tế phối hợp của các địa phương vẫn còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cập nhật ngày 25/7/2021: Lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản bị bào mòn vì cước vận tải

Thủy sản là ngành chịu ảnh hưởng lớn khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm ngoái, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã sôi động trở lại khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn bắt đầu khôi phục. Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trên 4,1 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu riêng tháng 6 tiếp tục tăng 20% so với cùng kỳ đạt 865 triệu USD. Với đà tăng trưởng hiện nay, Vasep dự báo xuất khẩu thuỷ sản năm nay có thể cán đích 9 tỷ USD và đạt tới 12 tỷ USD vào năm 2025.

Xét theo mặt hàng, tôm và cá tra là những sản phẩm chủ lục của ngành thủy sản lần lượt đạt kim ngạch 1,7 tỷ USD và 788 triệu USD, cũng là mặt hàng có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động. Trong khi xuất khẩu các sản phẩm hải sản khác ghi nhận mức tăng 16% lên 1,6 tỷ USD.

Con tôm đang trở thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn nhất Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng chiếm phần lớn với giá trị trên 1,3 tỷ USD, tăng 23%; tiếp đến là xuất khẩu tôm sú đạt 257 triệu USD và tôm biển các loại 154 triệu USD.

Kết quả này là nhờ các thị trường chính đều gia tăng nhập hàng, như thị trường Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng hàng tháng khoảng 45%, sang Nhật Bản tăng 17%, sang Hàn Quốc tăng 10%, Đức 60%, sang Anh tăng 15%.

Hiện ngành tôm quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn đang hoạt động, trong đó Tập đoàn Minh Phú đang là công ty đầu ngành và cũng là đơn vị có quy mô xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước. Năm nay, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu tăng 10% lên mức 15.774 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 56% đạt 1.187 tỷ đồng.

Tại kỳ họp cổ đông gần đây, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Minh Phú - cho biết doanh nghiệp đang ghi nhận những kết quả khả quan khi giá trị xuất khẩu tháng 5 tăng trưởng gần 60% và thu lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng. Vị này ước tính lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm có thể được hơn 300 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ.

Xuat khau thuy san,  Loi nhuan nganh thuy san,  Chi phi cuoc tau bien anh 1

Nhiều công ty xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh từ đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Một doanh nghiệp lớn trong ngành là Thực phẩm Sao Ta (Fimex) cũng có kết quả rất tích cực. Doanh thu thuần nửa đầu năm tăng 34% lên 2.129 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế cũng cao hơn 22% so với cùng kỳ đạt 113 tỷ đồng.

Tăng trưởng chủ yếu nhờ sản lượng xuất khẩu khả quan, trong đó sản lượng tôm chiếm chủ yếu với giá trị 7.843 tấn. Lãnh đạo công ty cho biết mặc dù giá tôm nguyên liệu cao hơn cùng kỳ nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng nhờ hiệu quả thu hoạch tôm tự nuôi khả quan.

Công ty nuôi tôm sinh thái Camimex Group vừa báo cáo doanh thu bán niên tăng 31% lên mức 933 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 32 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Camimex lý giải là do lãi gộp tăng và cải thiện hiệu quả hoạt động tài chính, song loạt chi phí tăng lên cũng làm thu hẹp tốc độ tăng trưởng lợi nhuận công ty mẹ.

Theo Vasep, tôm luôn nằm trong top đầu tiêu thụ ở Mỹ do đó hưởng lợi lớn khi quốc gia này đã mở cửa hoàn toàn 50 bang từ giữa tháng 5. Mỹ đang chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam nên sự hồi phục của thị trường này là đòn bẩy cho doanh nghiệp bật lên mạnh thời gian tới.

Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú còn cho biết tình hình Ấn Độ dịch bệnh nặng nên nuôi trồng thủy sản có nhiều khó khăn, sản lượng xuất khẩu đã giảm 50%. Theo đó, nguồn cung tôm thiếu hụt nghiêm trọng và giá cả tăng liên tục từ tháng 5, dự kiến tăng mạnh vào tháng 8-10 để chuẩn bị nguyên liệu bán dịp lễ Noel và cuối năm.

Các doanh nghiệp cá tra cũng ghi nhận hoạt động xuất khẩu tích cực trong đầu năm nhưng yếu tố lợi nhuận lại có phần diễn biến tiêu cực hơn. Sự trái ngược này chủ yếu do giá thành sản xuất và các chi phí vận chuyển, chi phí hoạt động tăng cao trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Xuất khẩu cá tra lũy kế từ đầu năm tăng 18% lên mức 788 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất chiếm 26% tổng lượng xuất khẩu và đang có hiệu giảm dần. Xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác như Mexico, Nga, Hà Lan, Colombia… tăng trưởng đến 3 con số (từ 100-450%) để bù đắp sự sụt giảm tại Trung Quốc.

Công ty đầu ngành cá tra là Vĩnh Hoàn báo cáo doanh thu thuần bán niên tăng hơn 25% lên 4.310 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 4% đạt gần 392 tỷ đồng.

Doanh thu tăng nhờ hoạt động xuất khẩu sang các thị trường khả quan. Báo cáo hoạt động xuất khẩu hàng tháng cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Vĩnh Hoàn tăng ở hầu hết thị trường quan trọng, trong đó thị trường lớn nhất là Mỹ tăng trưởng 48%.

Lợi nhuận tăng chậm hơn do tác động của nhiều loại chi phí gia tăng. Cụ thể các chi phí vận chuyển, lưu kho và chi phí dịch vụ mua ngoài tăng đột biến lên 162 tỷ đồng, gấp đến 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Các chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 30% lên xấp xỉ 100 tỷ đồng.

Một công ty lớn trong ngành là Thủy sản Nam Việt (Navico) cũng ghi nhận khó khăn tương tự. Mặc dù lợi nhuận gộp bán niên tăng 32% lên 280 tỷ đồng, chi phí lớn khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn tăng 16% lên 88 tỷ đồng. Thậm chí, lợi nhuận riêng quý II còn giảm hơn 26%.

Navico cho biết lợi nhuận giảm chủ yếu do các chi phí tăng mạnh, chủ yếu là các chi phí cước tàu và vận chuyển gia tăng. Số liệu trên báo cao cho thấy chi phí vận chuyển và kiểm hàng đã lên gần 93 tỷ đồng trong nửa đầu năm, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái.

Thủy sản Mekong (AAM) còn gặp khó hơn khi doanh thu bán niên giảm hơn 9% xuống 60 tỷ đồng và qua đó thua lỗ hơn 4 tỷ đồng, cùng kỳ vẫn có lãi. Công ty lý giải giá bán thấp cùng chi phí cước tàu tăng mạnh là yêu tố gây lỗ trong kỳ.

Một đơn vị xuất khẩu thủy sản khác là Thuận Phước cũng báo cáo chi phí vận chuyển đường biển đột biến hơn 45 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế bán niên của công ty giảm gần 20%, chỉ còn đạt 20 tỷ đồng.

Chứng khoán Bảo Việt còn chỉ ra các khó khăn của doanh nghiệp cá tra là giá bán trung bình (ASP) vẫn ở mức khá thấp khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra chưa thể quay trở về mức trước đại dịch. Đồng thời, chi phí thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, ảnh hưởng nặng nề tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Thực tế chi phí cước biển tác động đến hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Chủ tịch Fimex ông Hồ Quốc Lực cho biết giá cước vận tải của công ty đã cao gấp 4-5 lần trước đại dịch, như đi Mỹ khoảng 10.000 USD/container hay đi châu Âu cũng khoảng 7.500 USD/container, các chủ tàu nước ngoài chiếm lĩnh gần như toàn bộ các tuyến vận tải đường dài này.

Chủ tịch Minh Phú trong cuộc họp cổ đông cũng khẳng định dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều khiến giá nguyên nhiên liệu tăng rất mạnh khoảng 20-50%, chuỗi cung ứng lao đao và phí vận tải tăng liên tục, tình trạng không có container rỗng nên rất khó đoán định. Thiếu tôm nguyên liệu càng khiến giá thành tăng cao và ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Cập nhật ngày 31/3/2021: Doanh nghiệp thủy sản 'căng' với giá tàu đi Mỹ

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, giá cước tàu đi tuyến châu Âu vừa mới hạ nhiệt thì tuyến đi Mỹ lại rất căng thẳng. Hiện nay, chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít vì các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn.

Theo phản ánh của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ, giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ, doanh nghiệp thủy sản như “cá nằm trên thớt”, đặt được chuyến là mừng cho dù chưa biết giá cước là bao nhiêu vì các hãng tàu báo giá rất trễ và hiệu lực chỉ từ 10 – 15 ngày.

Thậm chí, doanh nghiệp đã book được chỗ nhưng vì một lý do nào đó không thể xuất như lịch thì cũng mất hơn 1.500 USD/container.

Vasep cho biết, mới đây nhất, hãng tàu MSC thông báo, bắt đầu từ tháng 4/2021 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Việc này sẽ làm tăng tải cho tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay.

Hơn nữa, rất nhiều hãng tàu không cho đặt chỗ trước, còn nếu chờ tới ngày xuất hàng mới đặt chuyến thì lại không còn chỗ để book.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.