Superdong (SKG) có kết quả kinh doanh Q2/2023 tích cực khi ghi nhận LNST đạt 35 tỷ đồng tăng 35% svck trong khi doanh thu chỉ đạt 131 tỷ đồng, đi ngang svck. Biên lợi nhuận trong Q2/2023 đạt 41%, cao hơn mức 37% cùng kỳ chính là động lực giúp lợi nhuận tăng trưởng khi chi phí dầu DO neo ở mức thấp - 18.100 đồng/lít (giảm 28% svck).
Ngoài ra, lượng khách du lịch đến Phú Quốc trong Q2 tăng 28% svck giúp cho tổng số chuyến vận tải trong quý của SKG đã tăng thêm 12%.
Trong cả năm 2023, SKG có thể ghi nhận doanh thu và LNST lần lượt 487 tỷ đồng (+19% svck) và 108 tỷ đồng (gấp 2,5 lần svck).
Mở rộng đội tàu và khai thác các tuyến vận chuyển mới
Doanh nghiệp lên kế hoạch phát triển đội tàu: Nâng cấp 4 tàu tốc độ cao và đầu tư 3 tàu SB để khai thác tuyến mới TPHCM - Vũng Tàu kỳ vọng khai trương vào đầu năm 2024.
SKG hiện đang sở hữu đội tàu gồm 16 tàu cao tốc và 2 phà với tổng sức chở tối đa là 5.280 hành khách, 300 xe máy, 80 ô tô và các phương tiện khác cho hành khách đi tới các đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý. Với chiến lược phát triển đội tàu, doanh nghiệp lên kế hoạch nâng cấp 4 tàu tốc độ cao để triển khai trong mùa cao điểm năm 2023.
Kể từ tháng 6 năm 2023, SKG đã nâng cấp bốn tàu cao tốc của mình (Superdong IX, X, XI & XII) nhằm đưa vào khai thác ở các tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du. Sau khi nâng cấp, 4 tàu cao tốc này sẽ được gia tăng tốc độ chạy trên biển hơn 15%, và tiệt kiệm thời gian di chuyển hơn 13-20% giúp SKG gia tăng năng lực cạnh tranh với các đối thủ như Phú Quốc Express và Thành Thới.
Trước mắt, SKG dự kiến đầu tư mới 3 tàu SB để khai thác tuyến mới TPHCM - Vũng Tàu và đóng thêm 2 phà cao tốc 3 thân từ đối tác đóng tàu là Kaibuok Shipyard.
Khai thác các tuyến tàu mới SKG khai trương tuyến Hà Tiên – Nam Du và Nam Du – Phú Quốc vào tháng 5/2023. Trong đó, tuyến Hà Tiên – Nam Du là tuyến mới hoàn toàn còn tuyến Nam Du – Phú Quốc đã được khai thác trong giai đoạn 2019-2021 và tạm dừng do dịch COVID -19 (đóng góp ~1% doanh thu). Cũng giống như tuyến Nam Du – Phú Quốc bị tạm dừng do dịch Covid-19, tuyến rạch Giá – Hòn Nghệ dự kiến sẽ được khôi phục trong thời gian sớm.
Tuyến mới TP.HCM – Vũng Tàu và Vũng Tàu – Côn Đảo kỳ vọng sẽ khai trương giai đoạn 2024 -2025. Theo kế hoạch ban đầu, tuyến TP.HCM – Vũng Tàu dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý 1/2023. Tuy nhiên, do tiến độ nâng cấp 4 tàu cao tốc nói trên chậm hơn dự kiến nên nhà máy đóng tàu Kaibouk đã phải lùi thời gian đóng 3 tàu này. Mặc dù chưa có thông tin chi tiết về tuyến TP.HCM – Vũng Tàu nhưng SKG sẽ mở tuyến này sớm vào đầu năm 2024 và ước tính đóng góp thêm khoảng 35 tỷ đồng, tương ứng 8,5% doanh thu năm 2022 của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tháng 7 vừa rồi, SKG đã triển khai dự án đóng thêm 2 phà cao tốc 3 thân giúp phục vụ hỗ trợ thêm cho tuyến Phan Thiết – Phú Quý đang hoạt động và vận hành thêm tuyến mới Vũng Tàu - Côn Đảo, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý 1/2025.
Đây chính là động lực giúp SKG có thể gia tăng doanh thu cũng như lợi nhuận trong vài năm tới.
Hoạt động du lịch hồi phục sẽ là động lực bền vững cho SKG
Lũy kế 9T2023, Cục du lịch quốc gia Việt Nam thống kê có 93,5 triệu khách du lịch nội địa (tăng 7,7% svck) và 8,88 triệu khách du lịch quốc tế (gấp 3,4 lần svck) - tương ứng hoàn thành 107% và 122% mục tiêu khách du lịch nội địa và quốc tế năm 2023.
Với Phú Quốc, đã có 4,7 triệu lượt du khách tới đây trong 9T2023, tăng 15,5% svck. Ước đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang sẽ đón 11,785 triệu lượt khách trong đó lượng khách đến Phú Quốc dự kiến đạt 9,5 triệu. Do vậy kỳ vọng SKG sẽ tiếp tục hưởng lợi trong bối cảnh ngành thuận lợi.
QUAN ĐIỂM VÀ ĐỊNH GIÁ
Rồng Việt cho rằng SKG có tiềm năng tăng trưởng từ kế hoạch mở rộng đội tàu và các tuyến vận tải biển mới trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam hồi phục.
Sử dụng phương pháp pháp chiết khấu dòng tiền FCFF và so sánh P/E để định giá SKG:
• Phương pháp FCFF: Sử dụng phương pháp định giá FCFF với dòng tiền chiết khấu trong 05 năm. (WACC: 13.1%, ước tính giá trị hợp lý của SKG theo phương pháp này là 19.650 đồng/cp.
• Phương pháp P/E: Với EPS 2023 dự phóng đạt 1.697 đồng/cp và P/E so sánh là 10.x, ước tính giá trị hợp lý của SKG theo phương pháp P/E vào khoảng 17.00 đồng/cp.
Với tỷ trọng 50% mỗi phương pháp, giá trị hợp lý SKG là 18.300 đồng/cp.
RỦI RO ĐỐI VỚI KHUYẾN NGHỊ:
Giá dầu diesel (DO) tăng sẽ tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận gộp của SKG do chi phí nhiên liệu chiếm hơn 50% tổng giá vốn hàng bán. SKG khó có thể tăng giá vé bù đắp cho phần tăng trong nhiên liệu trong bối cảnh cạnh tranh về giá trên thị trường vận tải hành khách du lịch.
Ngoài ra, hoạt động giao dịch với các bên liên quan của doanh nghiệp này cũng là vấn đề cần được thận trọng.
Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG)
Superdong - Kiên Giang là doanh nghiệp vận hành 16 tàu cao tốc và hai phà chuyên chở hành khách, phương tiện vận tải, hàng hóa từ đất liền tới Phú Quốc, Nam Du, Côn Đảo và Phú Quý. Đây là một trong những hãng tàu nắm giữ thị phần lớn trong vận tải đường biển ra các hải đảo nổi tiếng về du lịch.
Lĩnh vực kinh doanh của Superdong ngoài cạnh tranh với các hãng tàu khác còn cạnh tranh với ngành hàng không. Các đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý do có khoảng cách xa đất liền cùng hạ tầng ngày càng phát triển, du khách thường có xu hướng ưu tiên đi máy bay. Tuy nhiên trong cao điểm du lịch 30/4-1/5 năm nay, xu hướng trên có phần đảo chiều.
Theo kế hoạch, năm nay Superdong sẽ nâng cấp bốn tàu tốc độ cao để lần lượt đưa vào khai thác ở các tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du. Riêng tuyến Rạch Giá - Phú Quốc sẽ được đảm bảo toàn bộ tàu đều có tốc độ cao. Công ty cũng muốn duy trì lịch trình chạy tàu xuyên suốt với giá vé cạnh tranh.
SKG cũng sẽ đầu tư mới ba tàu để khai thác tuyến TP HCM - Vũng Tàu, khôi phục lại tuyến Phú Quốc - Nam Du, Rạch Giá - Hòn Nghệ. Doanh nghiệp đang nghiên cứu mở rộng thêm các tuyến tiềm năng ở Kiên Giang và các tỉnh, thành khác.
Lịch sử SKG:
− Công ty bắt đầu khởi nghiệp năm 2010 tại tuyến Rạch Giá – Phú Quốc với chỉ 01 tàu cao tốc Superdong I, công suất 171 ghế. Đến năm 2010, thương hiệu Superdong đã được khách hàng tin tưởng lựa chọn và vươn lên mạnh mẽ, thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và số lượng tàu sử dụng cho tuyến Rạch Giá – Phú Quốc là 03 tàu cao tốc.
− Năm 2011, tiếp nối thành công tại tuyến Rạch Giá – Phú Quốc, Công ty mạnh dạn mở rộng địa bàn hoạt động sang tuyến mới Hà Tiên – Phú Quốc, nâng tổng số tàu hoạt động lên 04 tàu cao tốc.
− Năm 2015, Công ty giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc, tạo đà cho việc mở rộng địa bàn hoạt động. Tuyến Rạch Giá – Nam Du chính thức hoạt động từ tháng 06 năm 2015.
− Năm 2017, đánh dấu một bước tiến mới của Công ty nhằm thực thi chiến lược kinh doanh đa dạng hóa loại hình kinh doanh, đa dạng hóa nhu cầu cho khách hàng. Ngày 14/07/2017, Công ty khai trương tuyến mới Sóc Trăng – Côn Đảo; và tháng 9/2017, Công ty đã chính thức đưa vào khai thác tuyến phà Hà Tiên – Phú Quốc.
− Năm 2018, Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng ra địa bàn mới. Công ty đã đưa vào khai thác tuyến mới Phan Thiết – Phú Quý từ tháng 6/2018.
− Năm 2019, Công ty tiếp tục đưa vào khai thác tuyến mới Phú Quốc – Nam Du. Hoạt động với 18 tàu cao tốc và phà.
− Năm 2020, Công ty tiếp tục đưa vào khai thác tuyến mới Rạch Giá – Hòn Nghệ.
− Năm 2021, Công ty ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, vận hành hiệu quả hệ thống đặt vé trực tuyến. Triển khai chính thức việc phát hành hoá đơn điện tử.