Định giá cổ phiếu CSV (Hóa chất Cơ bản Miền Nam): FPTS khuyến nghị BÁN

FPTS

10/10/2024 13:15

CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam (mã CSV) là nhà sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản hàng đầu tại Việt Nam, trực thuộc Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam.

 

csv2-1728540853.jpg
CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam (mã CSV)

Trong 1H2024, CSV ghi nhận doanh thu thuần đạt 831,8 tỷ đồng (+11% yoy), nguyên nhân chủ yếu do sản lượng tiêu thụ các sản phẩm hóa chất cải thiện, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong nước.

Lợi nhuận gộp đạt 228,5 tỷ đồng (+7,2% yoy), biên lợi nhuận gộp thu hẹp còn 27,5% (-0,9 đpt yoy) do: (1) giá bán của các sản phẩm chính sụt giảm theo giá thế giới, (2) chi phí điện và muối công nghiệp tăng. Biên lợi nhuận gộp được bù đắp một phần nhờ hiệu suất hoạt động của các nhà máy cao hơn và giá quặng apatit giảm.

Lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ, đạt 124,2 tỷ đồng (- 1,8% yoy), do doanh thu hoạt động tài chính giảm -36,6% yoy do lãi suất tiền gửi giảm.

Năm 2024, CSV đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu đạt 1.640 tỷ đồng (+3,3% yoy) và lợi nhuận trước thuế đạt 261,3 tỷ đồng (-9,5% yoy). Sau 1H2024, CSV đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 61% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.

Đánh giá

Dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của CSV trong năm 2024 sẽ đạt lần lượt 1.751 tỷ đồng (+10,3% yoy) và 306 tỷ đồng (+3,6% yoy), hoàn thành lần lượt 107% kế hoạch doanh thu và 117% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 nhờ: (1) đà phục hồi của lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong nước giúp sản lượng tiêu thụ tiếp tục cải thiện trong 2H2024, (2) giá bán các sản phẩm dự báo giảm cùng chiều với giá thế giới.

FPTS định giá cổ phiếu CSV bằng phương pháp so sánh P/E với P/E trung bình của nhóm doanh nghiệp được so sánh là 14,4x và EPS forward 2024 của CSV là 2.215,4 đồng/cp (+6,2% yoy), xác định giá mục tiêu của CSV là 31.900 đồng/cp và đưa ra khuyến nghị BÁN đối với cổ phiếu CSV.

Mặc dù triển vọng kinh doanh năm 2024 của CSV có sự cải thiện so với năm 2023, tuy nhiên FPTS cho rằng mức định giá hiện tại của CSV đang khá cao. Do đó, nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu CSV ở thời điểm hiện tại. 

CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam (mã CSV)
1. Lịch sử hình thành
Ngày 21/07/1976, CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam được thành lập theo Quyết định số 240/HC của Tổng Cục Hóa Chất. Năm 1993, CSV đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất xút theo công nghệ màng trao đổi ion với công suất khởi điểm 6.500 tấn xút 100%/năm.
Năm 2009, CSV thành lập Nhà Máy Hóa Chất Tân Bình 2 với 2 dây chuyền sản xuất axit sunfuric và muối nhôm sunfat (phèn nhôm).
Ngày 01/01/2014, công ty thực hiện cổ phần hóa với tên gọi CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam với vốn điều lệ là 442 tỷ đồng. Tháng 03/2015, công ty chính thức được niêm yết và giao dịch trên sàn HSX, với mã cổ phiếu CSV.
2. Cơ cấu cổ đông
Cơ cấu cổ đông của CSV khá cô đặc, trong đó Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu 65% cổ phần và là cổ đông có quyền chi phối. Hai cổ đông tổ chức khác bao gồm quỹ ngoại America LLC sở hữu 3,9% và Vietnam Investment Ltd sở hữu 0,2%.
Theo quyết định số 1265/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đến năm 2025, theo đó Vinachem sẽ tiếp tục nắm giữ 65% cổ phần của CSV đến hết năm 2025. Nguồn: CSV, FPTS tổng hợp
3. Cơ cấu doanh nghiệp
CSV hiện sở hữu 3 nhà máy sản xuất hóa chất tại KCN Biên Hoà 1, tỉnh Đồng Nai và 1 công ty con (CTCP Phốt pho Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 65,05%) tại KCN Tằng Loỏng tỉnh Lào Cai. Cả 3 nhà máy và công ty con đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hóa chất cơ bản được chia thành các nhóm sản phẩm khác nhau
4. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Hoạt động kinh doanh chính của CSV là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hóa chất cơ bản, được chia thành 3 nhóm sau:  Hóa chất xút – clo chiếm khoảng ~51% cơ cấu doanh thu giai đoạn 2018 - 2023: bao gồm (1) xút (NaOH) được ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất alumin, sản xuất bột giấy, dệt nhuộm,… và (2) các sản phẩm hóa chất gốc clo như HCl, Cl2, PAC, javel,…, được ứng dụng phổ biến trong các ngành công nghiệp như sản xuất thép, xà phòng & chất tẩy rửa, xử lý nước, trong công nghiệp thực phẩm,…  Hóa chất gốc phốt pho chiếm khoảng ~24% cơ cấu doanh thu giai đoạn 2018 - 2023: bao gồm (1) phốt pho vàng (P4), đây là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm hạ nguồn được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, công nghiệp điện tử, chất bán dẫn, phân bón, chất diệt cỏ,.... và (2) axit photphoric nhiệt (TPA), được ứng dụng trong ngành sản xuất mía đường, nước ngọt, làm sạch bề mặt,…  Hóa chất gốc lưu huỳnh chiếm khoảng ~8% cơ cấu doanh thu giai đoạn 2018 - 2023: bao gồm (1) axit sunfuric (H2SO4) được ứng dụng trong sản xuất ắc quy, phân bón, công nghiệp thực phẩm và (2) phèn nhôm có công dụng chủ yếu trong công nghiệp giấy nhuộm và xử lý nước.

FPTS
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.