Đánh giá cổ phiếu TCM (Dệt may Thành Công): kỳ vọng hồi phục nhờ đơn hàng tăng gấp đôi của Eland

Công ty Chứng khoán Rồng Việt

16/04/2024 11:06

Bên cạnh đó là kỳ vọng tăng trưởng cao hơn nhờ vào khoản lợi nhuận từ bán nhà máy Trảng Bàng và 6,5 ha đất tại khu vực Vĩnh Long trong năm nay.

tcm4-1624583565.jpeg
Công ty Cổ phần Dệt May Thành Công

Doanh thu Q1-2024 ước đạt 39 triệu USD (+6% YoY) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 2,5 triệu USD (+9% YoY). Doanh thu và LNST tăng trưởng nhờ vào mức nền thấp của năm 2023 và chủ yếu nhờ sản lượng tăng trong khi giá bán ước tính vẫn giảm.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu đạt 3.707 tỷ đồng (+12% YoY) nhờ vào đơn hàng Eland đạt 10 triệu sản phẩm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Năm 2023, doanh thu từ Eland ước đạt 746 tỷ đồng (chiếm 22% tổng doanh thu). Việc Eland tăng sản lượng nhờ bán trên sàn điện tử De closet và thương hiệu WHOAU vào nửa cuối năm nay.

Ngoài ra, đơn hàng Q2/2024 và Q3/2024 của công ty đạt lần lượt 85%, 80% công suất cho thấy khả năng đạt kế hoạch năm nay cao.

Biên gộp kỳ vọng cải thiện nhờ vào thay đổi tỷ trọng hàng bán. Việc mua nhà máy SY Vina sẽ giúp tăng công suất sản xuất vải dệt (tăng 3 triệu mét/năm tương đương tăng 25% tổng công suất cho sản phẩm vải).

Trong khi đó, việc bán nhà máy Trảng Bàng (sản xuất 5 triệu sản phẩm may/ năm) sẽ làm giảm 16% tổng công suất may. Từ đó, biên gộp kỳ vọng tăng trưởng nhờ thay đổi tỷ trọng hàng sản xuất (sản phẩm vải cho biên gộp cao hơn khoảng 4% so với sản phẩm may, hoặc giá vốn sản phẩm may giảm thông qua việc tăng tỷ lệ tự chủ vải).

Công ty đánh giá sự kiện biển Đỏ ít ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh do khách hàng chủ yếu là ở Châu Á (chiếm 64% năm 2023) và EU chỉ chiếm 3,7% tỷ trọng xuất khẩu.

LNST năm 2024 theo kế hoạch đạt 161 tỷ đồng (tương đương 6,8 triệu USD) (+21% YoY). Tuy nhiên, kỳ vọng LNST tăng trưởng cao hơn kế hoạch nhờ vào khoản lợi nhuận từ bán nhà máy Trảng Bàng và 6,5 ha đất tại khu vực Vĩnh Long trong năm nay. Giá bán nhà máy Trảng và đất Vĩnh Long ước tính lần lượt là 7,8 triệu USD (120 usd/m2) và 3,5 triệu USD.

Thành viên cập nhật ngày 25/6/2021: khó hoàn thành kế hoạch năm 2021, định giá lại quá cao

Với PE dự phóng cho năm 2021 và 2022 lần lượt là 35,9x và 20,7x , cổ phiếu Công ty Cổ phần Dệt May Thành Công đang được định giá quá cao. 

Doanh thu và LNST 5T2021 lần lượt đạt 67,5 triệu USD (+19% YoY) và 4,1 triệu USD (+37% YoY). Biên lợi nhuận ròng giữ xu hướng giảm từ đầu năm, từ 7% trong tháng Một xuống 5,2% trong tháng Năm. Nguyên nhân là do nguyên phụ liệu may và chi phí vận chuyển tăng đột biến.

Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm 2021 ở mức 38% doanh thu và 33% LNST. Do đó, nhiều khả năng TCM sẽ không hoàn thành kế hoạch năm 2021.

Chúng tôi dự phóng doanh thu và LNST năm 2021 đạt 4.185 tỷ đồng (~182 triệu USD, +20,6% YoY) và 192 tỷ đồng (~8,3 triệu USD, -30,3% YoY). Cổ phiếu đang giao dịch ở mức PE là 21,5x, cao hơn nhiều so với mức PE trung bình 7,7x của giai đoạn 2016-2019.

Với PE dự phóng cho năm 2021 và 2022 lần lượt là 35,9x và 20,7x và CAGR của doanh thu và LNST giai đoạn 2020-2025 là 8,3% và 11,2%, cổ phiếu đang được định giá quá cao. 

tcm2-1624583565.png
 

Vào tháng 5/2021, TCM đạt doanh thu 13,6 triệu USD (-3% YoY) và LNST 0,7 triệu USD (-47% YoY). Thoạt nhìn, doanh thu có vẻ kém hơn so với năm ngoái. Trên thực tế, một phần lớn doanh thu tháng 5/2020 là khẩu trang kháng khuẩn, đồ bảo hộ y tế và vải kháng khuẩn, các mặt hàng cực kỳ khan hiếm trong giai đoạn đầu của đại dịch. Doanh thu của các sản phẩm này bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu của các sản phẩm truyền thống (sợi bông, vải và hàng may mặc). TCM cũng có biên lợi nhuận cao đối với các sản phẩm liên quan đến đại dịch với biên lợi nhuận ròng tăng lên 9,1% so với 4-5% đối với các sản phẩm truyền thống.

Đến nay tình hình đã thay đổi. Doanh số bán các sản phẩm truyền thống đã phục hồi nhưng doanh số khẩu trang, đồ bảo hộ và vải kháng khuẩn không còn do nguồn cung dồi dào trên toàn cầu. Điều đó cùng với giá nguyên phụ liệu may mặc (sợi, vải) và chi phí vận chuyển tăng cao đã kéo biên lợi nhuận ròng giảm mạnh xuống còn 5,2%. Dựa trên việc công ty bán đồ bảo hộ từ tháng Năm cho đến cuối năm 2020 và tình hình chi phí cao của năm 2021 sẽ không dịu bớt trước cuối năm, chúng tôi dự đoán tình trạng biên lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm ngoái sẽ kéo dài ít nhất cho đến khi hết năm.

tcm-1624583565.png
 

Tuy nhiên, vẫn có một điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của năm nay. Vải (cho hàng may mặc), sản phẩm sinh lời cao nhất của TCM, đã liên tục mở rộng thị phần trong tổng doanh thu. Nhu cầu cao đối với vải sản xuất trong nước được thúc đẩy bởi quy tắc “từ vải trở đi” của EVFTA nhằm đáp ứng quy chế miễn thuế.

Quy tắc “từ vải trở đi” yêu cầu vải phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc các nước EU hoặc các nước có FTA với EU. TCM có kế hoạch tăng doanh thu bán vải trong những năm tới thông qua đầu tư vào công suất đan và nhuộm trong giai đoạn 2022-2023 và chúng tôi ước tính công suất vải sẽ tăng 37% từ năm 2023 trở đi. Chúng tôi tin rằng tỷ trọng vải ngày càng tăng trong tương lai sẽ giúp mở rộng biên lợi nhuận của công ty một cách bền vững.

Lũy kế 5T2021, doanh thu và LNST đạt 67,5 triệu USD (+19% YoY) và 4,1 triệu USD (+37% YoY). Biên lợi nhuận ròng tiếp tục giảm, kể từ đầu năm, từ 7% trong tháng Một xuống 5,2% trong tháng Năm. Chúng tôi cho rằng xu hướng giảm sẽ còn kéo dài cho đến cuối năm do tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất trên toàn cầu và sự gián đoạn vận tải toàn cầu trong bối cảnh tiêu dùng phục hồi nhanh chóng. Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm 2021 là 38% về doanh thu và 33% về LNST. Do đó, nhiều khả năng TCM sẽ không đạt được kế hoạch đề ra cho năm 2021.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.