Hoạt động kinh doanh CTD (Coteccons): nỗi buồn thua thầu sân bay Long Thành sẽ qua mau

ĐĂNG NGUYÊN

18/10/2023 08:48

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons, nói dù rất buồn khi thua nhưng gói thầu nhà ga sân bay Long Thành chiếm tỷ trọng nhỏ trong kế hoạch kinh doanh của công ty.

 

ctd-2-1615464683.jpg

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã: CTD).

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD), khẳng định việc trượt gói thầu 5.10 - sân bay Long Thành không ảnh hưởng tương lai của công ty. Trong kế hoạch kinh doanh của CTD, gói thầu này chiếm tỷ trọng nhỏ vì doanh nghiệp này đặt mục tiêu lớn hơn khi tham gia mảng xây dựng hạ tầng.

"Sân bay Long Thành là cơ hội lớn mà chúng tôi bỏ lỡ, tôi rất buồn và có nhiều cảm xúc khi không trúng thầu. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi sẽ về nhà và bỏ cuộc", ông Bolat chia sẻ.

Gói thầu 5.10 gồm thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Đây là hạng có giá trị lớn nhất trong dự án, trị giá 35.000 tỷ đồng.

Coteccons dẫn đầu Liên danh Hoa Lư là một trong ba đơn vị tham gia đấu thầu, bên cạnh Liên danh Vietur và CHEC-BCEG-Vietnam Contractors. Sau vòng chấm thầu đầu tiên với phần thắng thuộc về Vietur, Liên danh Hoa Lư tố nhà thầu này vi phạm quy định, không đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Sau đó, các cơ quan cấp bộ vào cuộc xử lý khiếu nại. Kết cuối cùng vẫn là Liên danh Vietur trúng gói thầu xây dựng nhà ga sân bay Long Thành.

Theo CEO Võ Hoàng Lâm, thời gian trước, công ty đã có cách tiếp cận chưa phù hợp với loại hình dự án đầu tư công. Sau khi trượt thầu, doanh nghiệp này tiến hành quy trình rút kinh nghiệm. Công ty học tập và nghiên cứu cách tiếp cận mới, tương tự các tổng thầu quốc tế. CTD sẽ tìm cách đệ trình biện pháp thi công tốt nhất với mức giá phù hợp nhất, từ đó đưa ra phương án tốt nhất cho chính phủ để có cơ hội xây dựng các dự án trọng điểm. Ông tin nếu tiếp tục cải tiến phương pháp tiếp cận, cơ hội sẽ đến với Coteccons.

Khi CTD mở rộng sang xây dựng hạ tầng, một số cổ đông đặt câu hỏi về cơ hội tham gia các dự án trong tương lai của công ty. Trong đó, một ý kiến cho rằng có nhiều dự án hạ tầng đã triển khai suốt thời gian qua, nhưng đến nay Coteccons "chỉ được làm khán giả". Người này yêu cầu ban lãnh đạo công ty chứng minh năng lực theo đuổi lĩnh vực kể trên.

Ông Lâm nhắc lại sân bay Long Thành chỉ là một trong nhiều dự án đầu tư công trọng điểm thời gian tới. Để phát triển kinh tế mạnh mẽ trong 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ phải đầu tư nhiều dự án hạ tầng lớn. Song song đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang đổ về ồ ạt, đòi hỏi nhiều công trình phục vụ. Nhờ đó, CTD dự báo ngành xây dựng sẽ tăng trưởng 40-45% và công ty có thể nắm thị phần rất lớn trong đó.

Ngoài sân bay, xây dựng hạ tầng còn nằm ở đường cao tốc, các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đô thị và nhiều dự án công cộng khác. Coteccons đang nghiên cứu để tham gia và chỉ tập trung vào các dự án có quy mô lớn.

Thời gian qua, công ty tiến hành củng cố đội ngũ, giải quyết các vấn đề tồn đọng và tối ưu năng lực vận hành. Sau giai đoạn đấu thầu sân bay Long Thành, doanh nghiệp này đã xây dựng được một bộ máy làm việc chuyên về hạ tầng - đầu tư công để phục vụ cho tương lai. Mục tiêu của CTD là tìm được chỗ đứng trong phân khúc hạ tầng, tương tự như vị thế của doanh nghiệp này ở phân khúc dân dụng và công nghiệp. Ông Bolat cho rằng cần 6-18 tháng nữa, kết quả của mảng hạ tầng mới được ghi nhận, phụ thuộc vào tình hình phát triển chung của đầu tư công tại Việt Nam.

Ngoài hạ tầng, Coteccons đang lên kế hoạch mở rộng thêm mảng xây dựng nhà ở xã hội và năng lượng tái tạo. Song song đó, doanh nghiệp này cũng đang chuẩn bị tấn công thị trường nước ngoài. Trước hết, CTD sẽ đi theo các khách hàng thân thiết khi họ xuất ngoại. Công ty sẽ tự chủ động thăm dò thị trường để mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Các hoạt động đa dạng hóa kể trên sẽ là một trong những chiến lược để Coteccons hoàn thành mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD và vốn hóa 1 tỷ USD đã đề ra trước đó. Một cổ đông nghi ngờ mục tiêu kể trên chỉ là "khẩu hiệu suông" của lãnh đạo công ty vì đến nay tình hình kinh doanh vẫn chưa tăng trưởng đáng kể. Đáp lời, ông Bolat khẳng định "chắc chắn hoàn thành" hai cột mốc kể trên, nhưng sẽ cần thêm nhiều thời gian so với dự tính ban đầu là năm 2025.

Cập nhật ngày 19/01/2023: từ nay chỉ làm các dự án tầm cỡ

Trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty Xây dựng Coteccon (Mã: CTD), Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov nhìn nhận ngành xây dựng đã trải qua một năm rất khó khăn, kết quả kinh doanh giảm sút.

Sang năm 2023, Coteccons xác định đây là năm chuyển mình sau giai đoạn tái cơ cấu với kế hoạch doanh thu ở mức đạt 7.644 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng cho năm tài chính.

Lưu ý rằng Coteccons mới chuyển đổi năm tài chính từ 2023 khi chu kỳ sẽ kết thúc vào 30/6. Do vậy, nếu so sánh với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022, chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng đến 144% và lợi nhuận tăng 880%.

Do có sự khác biệt về năm tài chính, Hội đồng quản trị còn đưa ra kế hoạch kinh doanh đủ 12 tháng. Chỉ tiêu doanh thu cho cả năm 2023 là 16.249 tỷ và lợi nhuận 233 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và gấp hơn 11 lần so với cả năm 2022.

Ông Bolat nhấn mạnh công ty đã nhìn ra được một số cơ hội phía trước. Hiện tại Coteccons đã thấy được những tín hiệu lạc quan và tự tin đạt được kế hoạch tăng trưởng.

Coteccons quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi để chinh phục các mega-project (dự án có quy mô lớn, yêu cầu cao và tầm ảnh hưởng rộng), tăng repeat sales (đạt được dự án mới với khách hàng đã có), mở rộng tệp khách hàng (nhất là nhóm khách hàng FDI) và quyết liệt theo đuổi các dự án hạ tầng lớn.

Ban lãnh đạo đánh giá đã thành công trong việc cảnh báo cho toàn hệ thống về những rủi ro tiềm ẩn, 16 dự án có tổng giá trị nợ rất lớn đến từ mô hình tổ chức, quản lý cũ để lại đã từng bước được xử lý.

Do đó giá trị các khoản trích lập dự phòng của năm 2023 sẽ giảm. Con số mà chủ tịch Coteccons dự kiến dự phòng cho năm nay khoảng 172 tỷ đồng.

Tổng giám đốc Võ Hoàng Lâm cho biết đang dịch chuyển sang xây dựng nhà xưởng để đón đầu làn sóng FDI. Giá trị các hợp đồng đã ký (back-log) chuyển tiếp cho năm nay còn khoảng 17.000 tỷ đồng, chưa bao gồm hợp đồng nhà máy Lego và kỳ vọng trúng thầu các dự án đầu tư công như sân bay Long Thành.

Trong đó, các công tác chuẩn bị cho tiến độ xây dựng nhà máy Lego đã hoàn tất. Nếu theo đúng tiến độ, dự án nhà máy có vốn FDI này sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2024.

Còn Sân bay Long Thành là thử thách vượt mọi giới hạn, có những quy định không cho phép chia sẻ thông tin. Đây là một dự án hạ tầng rất lớn và nếu Coteccons được tham gia thì sẽ là một con đường rất dài cho tương lai công ty.

Lãnh đạo Coteccons còn nói vẫn kiên định với mục tiêu tài chính đạt giá trị vốn hóa thị trường 1 tỷ USD. HĐQT cho biết sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá lại và điều chỉnh từng mục tiêu cụ thể để phù hợp với diễn biến thực tế.

Ông Bolat thừa nhận chưa có kế hoạch tài chính cụ thể cho 3-5 năm tới vì môi trường kinh doanh hiện tại quá bất định. Việc Coteccons có thể chắc chắn là củng cố nền tảng về con người, hệ thống và sự minh bạch.

Trả lời thêm chất vấn của cổ đông về giá cổ phiếu, Chủ tịch Coteccons nói đã có những hành động trấn an nhà đầu tư trong thời điểm cổ phiếu CTD lao dốc, thông qua các bản tin, các buổi đối thoại.

Tuy nhiên, công ty không thể nhắn tin tới từng cổ đông một vì có rất nhiều việc phải làm, nhiều dự án cần quản lý để đem lại sự phát triển cho công ty. "Lần tới nếu cổ phiếu xuống giá thì cổ đông nên mua thêm chứ đừng bán, đó là lời khuyên của tôi", ông Bolat bày tỏ.

Đối với việc thu nhập của kỹ sư giảm 20%, người đứng đầu doanh nghiệp thừa nhận có cắt giảm lương của nhân viên. Điều này phản ánh tình trạng chung của thị trường hiện tại, không chỉ giảm lương mà còn mất việc làm. Coteccons có may mắn là vẫn còn giá trị backlog, vẫn còn việc để làm.

CEO Võ Hoàng Lâm bổ sung nhiều công ty xây dựng khác cũng cắt mạnh lương của nhân viên. Người lao động Coteccons được hưởng lương theo hiệu suất chứ không phải lương cố định, công ty sẽ cố gắng cải thiện hệ lương và tăng sự gắn kết của người lao động.

Cập nhật ngày 19/01/2023: CTD (Coteccons) bác tin đồn nợ xấu 2.600 tỷ đồng

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) vừa có thông cáo giải thích về những thông tin lan truyền không chính xác.

Mở đầu cuộc đối thoại cùng cổ đông chiều 16/1, Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov nhấn mạnh lại văn hóa minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, kể cả với những thông tin không tích cực. Vị lãnh đạo khẳng định không chỉ minh bạch với nhà đầu tư lớn hay trong nội bộ HĐQT, mà còn minh bạch với từng cổ đông và nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu CTD.

Kế toán trưởng Cao Thị Mai Lê cho biết hầu hết dự án Coteccons tham gia đều có giá trị lên đến vài nghìn tỷ đồng/hợp đồng, do đó việc thanh toán cần nhiều thời gian. Cũng vì vậy, khoản trích lập dự phòng lớn và khó giảm nhanh. "Tuy nhiên, con số nợ xấu 2.600 tỷ đồng là không đúng", bà bác bỏ tin đồn.

Bà cho biết Coteccons đã thành lập hội đồng thu hồi nợ và ban quản trị rủi ro để định kỳ đánh giá nợ xấu trên cơ sở sức khỏe tài chính của chủ đầu tư và tình hình vĩ mô của thị trường. Sau đó, theo nguyên tắc thận trọng và minh bạch, doanh nghiệp kết hợp với bộ phận kiểm toán để trích lập dự phòng.

"Hầu như Coteccons đã trích lập đầy đủ các khoản nợ xấu trên báo cáo tài chính. Cho nên có thể khẳng định một lần nữa con số nợ xấu 2.600 tỷ đồng là không đúng", bà Mai nhấn mạnh.

Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy Coteccons có 1.146 tỷ đồng nợ xấu tính đến hết tháng 9/2022, trong đó số tiền trích lập dự phòng là 961 tỷ đồng.

Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch Bolat khẳng định trích lập dự phòng không có nghĩa là mất tiền, mà là lời cảnh báo để toàn hệ thống chú ý, tích cực theo đuổi các khoản tiền này. Riêng với khoản nợ 480 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh, ông cho hay đang xúc tiến để thu hồi. Tuy nhiên, Coteccons hiện tại không tham gia bất kỳ dự án nào của Tập đoàn FLC, còn hợp tác với Vạn Thịnh Phát tại dự án IFC One Tower cũng đã kết thúc với chi phí "rất tối thiểu".

Để hạn chế tình trạng khách hàng chậm trả, chiếm dụng vốn trong thời gian tới, Coteccons sẽ phát triển các nhóm khách hàng ít nguy cơ như những chủ đầu từng hợp tác, các dự án FDI và các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu mạnh như Vingroup, Sungroup, BIM Group, Ecopark, Doji Land...

Cũng tại cuộc đối thoại, một cổ đông chất vấn ban lãnh đạo Coteccons về cơ hội trước các đối thủ trong thời gian tới.

"Tập đoàn Hòa Bình - đối thủ của Coteccons đang gặp khủng hoảng nội bộ. Coteccons có nghĩ đây là cơ hội của mình không, ít nhất là trong việc đoạt lại vị trí doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam xét theo doanh thu? Coteccons đánh giá như thế nào về sự trỗi dậy của 'hệ sinh thái Nguyễn Bá Dương' với những Ricons, Newtecons? Năm 2021, hai công ty này đã có doanh thu khoảng 20.000 tỷ đồng, vượt qua CTD, HBC", cổ đông này đặt câu hỏi.

Không trực tiếp nhắc tên các đối thủ khi trả lời, Chủ tịch Bolat cho rằng thị trường vẫn gọi CTD là công ty lớn nhất, nhưng ông muốn tự nhận mình là "một gã khổng lồ khiêm tốn".

"Nếu là một công ty mà cũng so sánh mình với người khác thì không lẽ lúc nào chúng ta cũng phải tìm cách thay đổi và không được là chính mình. Tôi muốn nói với các bạn một lần nữa, chúng tôi biết rõ mình cần phải làm gì, làm như thế nào để xây dựng công ty lớn mạnh. Tầm nhìn của chúng tôi sẽ không thay đổi chỉ vì người ta nói 'nhìn con nhà người ta kìa'. Chúng tôi có cách riêng của mình và con người của chúng tôi chia sẻ tầm nhìn đó", ông Bolat nói.

Tổng giám đốc Võ Hoàng Lâm cũng thừa nhận thường xuyên nhận được câu hỏi tương tự từ khách hàng, đối tác. Ông nhấn mạnh CTD đang xây dựng tầm nhìn chiến lược đến năm 2025 và khẳng định: "Nếu chúng ta 'ăn mày quá khứ' thì chúng ta sẽ yếu đi và không đủ năng lượng tiến về phía trước", ông chia sẻ.

Hiện nhà thầu này đang triển khai khoảng 65 dự án khắp cả nước, nổi bật trong số này có nhà máy Lego, nhà máy Vinfast, Diamond Crown tại Hải Phòng, Ecopark...

Ông Lâm cho biết đến nay tổng doanh thu năm 2022 được ghi nhận khoảng 14.500 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch và đang tiếp tục cập nhật trong những ngày sắp tới. Lợi nhuận không được tiết lộ cụ thể nhưng được biết "đạt như dự kiến". Trước đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 20 tỷ đồng.

Về kế hoạch năm nay, ban lãnh đạo Coteccons cho hay đang thảo luận và đặt ra những con số thận trọng dựa trên giá trị hợp đồng để lại (backlog) khoảng 17.000 tỷ đồng, dự kiến doanh thu tăng 10-20% so với kế hoạch năm trước.

Cập nhật ngày 17/11/2022: CTD (Coteccons) đã trích lập đầy đủ các khoản phải thu từ Vạn Thịnh Phát

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) vừa có thông cáo giải thích về những thông tin lan truyền không chính xác về triển vọng kinh doanh cũng như việc giá cổ phiếu sụt giảm gần đây.

Doanh nghiệp tin rằng những bất ổn về địa chính trị thế giới và các thông tin tiêu cực từ thị trường bất động sản đã tác động lên thị trường chứng khoán gần đây. VN-Index giảm hơn 40% kể từ đỉnh năm 2022 và cổ phiếu CTD cũng giảm mạnh.

Về hoạt động kinh doanh, Coteccons vẫn ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng 25,5% lên trên 8.300 tỷ đồng và có lãi tăng 16% lên 315 tỷ đồng. Tính riêng quý III, doanh thu tăng 191% và lãi gộp tăng 96% so với cùng kỳ.

Công ty giải thích lãi gộp không tăng tương ứng với mức tăng của doanh thu bởi biến động về giá đầu vào như nguyên vật liệu xây dựng, cộng thêm các chi phí huy động và thuê nhân công tăng mạnh.

Về hoạt động xây dựng, Coteccons khẳng định các dự án đang thi công không liên quan đến các chủ đầu tư như một số tin đồn trên thị trường.

Riêng các công trình đã hoàn thành từ năm 2020 về trước có liên quan đến chủ đầu tư Vạn Thịnh Phát, Coteccons đã thực hiện trích lập dự phòng toàn bộ cho các dự án này. Bao gồm khoản phải thu đối với dự án Alpha Hill là 34 tỷ đồng (đã trích lập 34 tỷ) và khoản phải thu đối với dự án IFC Tower One là 7,9 tỷ (đã thực hiện trích lập 7,9 tỷ).

Về danh mục trái phiếu, Coteccons thông tin 100% khoản đầu tư là trái phiếu có tài sản đảm bảo và cam kết mua lại từ tổ chức uy tín, danh mục đầu tư đa dạng với hơn 6 tổ chức phát hành. Các trái phiếu trong danh mục nắm giữ không liên quan đến các tổ chức phát hành theo như một số nguồn tin không chính xác.

Danh mục trái phiếu đang nắm giữ có thỏa thuận mua lại với kỳ hạn không quá 1 năm hưởng lãi suất từ 7,5-12% vẫn đang được các tổ chức phát hành thanh toán cả lãi và gốc đầy đủ. Công ty đã thu về 469 tỷ đồng so với số trái phiếu nắm giữ cuối quý II.

Trên thị trường, cổ phiếu CTD cũng vừa trải qua chuỗi giảm giá liên tục, mất hơn 70% so với mức đỉnh hồi đầu năm.

Cập nhật ngày 23/8/2022: thắng thầu lớn xây nhà máy 1 tỷ USD cho Lego

Công ty Xây dựng Coteccons và Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam (LMV) vừa thông báo sẽ hợp tác triển khai xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất đầu tiên của Lego tại Việt Nam.

Tổng mức đầu tư của nhà máy khoảng hơn 1 tỷ USD (bao gồm cả phần đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời) trên khu đất rộng 44 ha. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego với mục tiêu tạo ra 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới.

Về phần xây dựng, Coteccons là tổng thầu đảm nhận toàn bộ các hạng mục xây dựng, kết cấu, cơ điện và hoàn thiện cho cho phân khu 1-5 với diện tích sàn xây dựng đến 163.000 m2 (GFA).

Gói thầu bao gồm một tòa nhà văn phòng, trung tâm năng lượng, tòa nhà đúc khuôn và dịch vụ, cơ sở đóng gói, nhà kho High Bay và toàn bộ cơ sở hạ tầng ngoài trời, các tiện ích vành đai, khu vực giữ xe, cảnh quan và các tòa nhà chức năng khác.

Trước đó vào cuối năm 2021, tập đoàn đồ chơi hàng đầu thế giới cũng ký kết hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để thuê đất xây nhà máy tỷ đô tại tỉnh Bình Dương.

Nhà máy mới của Lego dự kiến lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái và VSIP sẽ đại diện xây dựng một dự án năng lượng mặt trời kế bên. Nhờ vậy, mạng lưới điện mặt trời sẽ sản xuất đủ năng lượng tái tạo đáp ứng 100% yêu cầu hàng năm của nhà máy.

Việc đặt sản xuất tại Việt Nam cũng giúp mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nhà máy được đặt ở các khu vực gần với những thị trường chính.

Tổng thầu dự án cho biết nhà máy mới sẽ là văn phòng kiểu flagship của Lego về trải nghiệm làm việc, thiết kế theo ý tưởng nhà máy tương lai mới, điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể cho LMV.

Tập đoàn đồ chơi nước ngoài đã chính thức được cấp giấy phép đầu tư dự án tại tỉnh Bình Dương từ tháng 3. Đây là dự án với số vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam.

Đây là nhà máy thứ 6 của tập đoàn trên toàn cầu và thứ 2 tại châu Á. Nhà máy tại Việt Nam còn là dự án đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của Lego và cũng là nhà máy lớn nhất tại Việt Nam được đầu tư trong năm 2022.

Dự án nhà máy Lego dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024.

Cập nhật ngày 14/8/2021: Coteccons dừng hợp đồng với 9 nhà thầu do mâu thuẫn lợi ích

Ban tổng giám đốc Coteccons vừa thông báo sẽ tiến hành rà soát lại việc ký hợp đồng với một loạt nhà thầu phụ, nhà cung cấp có dấu hiệu mâu thuẫn lợi ích, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với công ty và Unicons (công ty con) trong hoạt động kinh doanh.

Cụ thể Coteccons sẽ không ký mới và từ chối ký hợp đồng mới. Ngoài ra công ty cũng xem xét dừng các hợp đồng hiện hữu nếu không ảnh hưởng đến tiến độ, khối lượng công việc và các hoạt động hiện tại của dự án. Nhà thầu chỉ định sẽ được thực hiện theo các điều kiện đã được thỏa thuận với chủ đầu tư.

Đối với các công trình, dự án sử dụng dịch vụ, nguyên vật liệu của các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, ban tổng giám đốc sẽ báo cáo chi tiết tình hình triển khai dự án và mua sắm hàng tuần. Tất cả thanh toán phải được chủ tịch HĐQT hoặc người được ủy quyền phê duyệt.

Danh sách được công ty nêu ra gồm 9 cái tên bao gồm: Ricons, Newtecons, công ty vật liệu và giải pháp SOL, BM Windows, Boho Descor, DCons, công ty TNHH Cơ khí - Thương mại - Đầu tư An Gia Minh và 2 chi nhánh tại Bình Dương, Hưng Yên.

Diễn biến này được thực hiện sau khi nhóm cổ đông Kusto Group chính thức nắm quyền kiểm soát tại Coteccons và nhóm ban lãnh đạo cũ dưới thời cựu chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương. Đáng chú ý, danh sách không ký hợp đồng mới của Coteccons hầu hết là các đơn vị liên quan đến ông Nguyễn Bá Dương.

Trong đó Ricons hiện do Coteccons nắm giữ 14,3% vốn, trước đây thuộc hệ sinh thái của Coteccons nhưng sau đó xảy ra mâu thuẫn giữa các cổ đông nên đã chuyển đổi thành mô hình tập đoàn. Nhiều thành viên ban tổng giám đốc cũ của Coteccons đang làm việc tại Ricons như ông Nguyễn Sỹ Công, ông Lê Thanh Liêm, Trần Quang Quân…

Newtecons và SOL được cho là có liên quan tới ông Nguyễn Bá Dương khi vị doanh nhân này gần đây xuất hiện trở lại trong lễ công bố kế hoạch kinh doanh của cả 2 doanh nghiệp này. Ông Dương là cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu 49% Newtecons và là chủ tịch sáng lập tại SOL.

Cả Ricons và Newtecons đều từng cùng Coteccons xây dựng, thi công các công trình lớn, trong đó có nhiều công trình trở thành biểu tượng trên cả nước như Landmark 81 (TP.HCM), Casino Nam Hội An (Quảng Nam)...

Gần đây Newtecons lần lượt thế chân Coteccons làm nhà thầu tại loạt dự án lớn ở vị trí đắc địa như: Khu căn hộ cao cấp Masterise Homes, One Central Saigon, Masteri Waterfront. Hơn nữa Newteccons cũng liên tục trúng thầu các dự án lớn từ đầu năm đến nay như dự án Grand Marina Saigon, Asiana Đà Nẵng, M - Garden City Danang, KCN RBF Ho Nai - Dong Nai, Mizuki Park…

Trở lại với Coteccons, đơn vị này liên tục sa sút dưới thời nhóm lãnh đạo mới liên quan Kussto Group. Doanh thu thuần quý II giảm đến 36% xuống 2.550 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 71% về 45 tỷ đồng. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm gần nhất của doanh nghiệp.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu giảm 32% xuống 5.119 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm đến 65% còn 99 tỷ đồng. Theo đó công ty mới thực hiện được 29% chỉ tiêu doanh thu và gần 38% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Cập nhật ngày 6/3/2021: CTD - Coteccons bổ sung nhân sự cấp cao và cơ cấu lại ban điều hành

Theo thông tin chính thức từ phía Coteccons thì đơn vị này vừa công bố bổ nhiệm các nhân sự cấp cao đều là những cái tên nổi bật trong ngành xây dựng.

Đầu tiên là ông Chris Senekki – Nguyên Tổng Giám Đốc Công ty xây dựng Tuner Việt Nam được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám Đốc Coteccons.

ong-chris-senekki-pho-tong-giam-doc-coteccons-51638987-1614943322.jpg

Ông Chris Senekki

Ông Chris Senekki có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, nổi bật với nhiều dự án quốc tế và trong nước như: khu dầu khí Qatar, Cảng, bến du thuyền và sân bay quốc tế Cyprus (Síp), Porsche Autohaus (HCM), khách sạn Hilton Saigon… Dự kiến ông Chris Senekki sẽ chính thức gia nhập Coteccons vào giữa tháng 4/2021.

Một tên tuổi lớn cũng vừa được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám Đốc Coteccons là Tiến Sĩ (TS) Phan Hữu Duy Quốc – Nguyên Phó đại diện của Shimizu Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng với 19 năm kinh nghiệm tại Nhật Bản, là một trong những nhân sự chủ chốt tham gia xây dựng Metro số 1, cầu Bình Khánh (cao tốc Bến Lức – Long Thành). Ông Quốc còn là Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam Khóa 8 và là chuyên gia Hội Đồng Nghiệm Thu Nhà Nước cho các công trình trọng điểm. 

screenshot-2021-03-05-at-182257-1614943400.png

TS Phan Hữu Duy Quốc

Cùng ngày, công ty cũng bổ nhiệm 2 ông Võ Hoàng Lâm – Tổng Giám Đốc công ty Unicons và ông Nguyễn Ngọc Lân – Giám Đốc khối Xây Lắp Coteccons làm Phó Tổng Giám Đốc Coteccons. Cùng với ông Phạm Quân Lực và ông Micheal Trần đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám Đốc trước đó, Coteccons đã bổ sung thêm nhiều chuyên gia và hoàn thiện bộ máy lãnh đạo rất mạnh về chuyên môn xây dựng.

Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển mở rộng kinh doanh, ổn định đội ngũ và duy trì hoạt động trong qua trình chuyển giao giữa Ban điều hành mới và cũ cũng đóng vai trò quan trọng, ông Võ Thanh Liêm – Quyền Tổng Giám Đốc đã hoàn thành nhiệm kỳ kết nối chuyển đổi tại Công ty trong 6 tháng vừa qua với nhiều chuyển biến tích cực. Ông Liêm và Ban Giám Đốc Coteccons đã cùng thống nhất không kéo dài thêm nhiệm kỳ của mình. Suốt nhiệm kỳ Quyền Tổng Giám đốc, ông Võ Thanh Liêm đã chứng tỏ bản thân là một lãnh đạo đầy nhiệt huyết cả trên phương diện thương trường và phương diện tinh thần đối với Coteccons.

Với kinh nghiệm quản lý chuyên nghiệp, ông đã đưa các dự án của Coteccons về đích đúng hoặc vượt tiến độ, song hành với đảm bảo an toàn và chất lượng hàng đầu. Trong bức thư tạm biệt, ông bày tỏ sự trân trọng lớn lao tới những đóng góp suốt hơn 16 năm qua của nhiều thế hệ cán bộ nhân viên, đồng thời khẳng định tình cảm đặc biệt và sự tự hào của ông dành cho Coteccons.

Ban lãnh đạo Coteccons từng chia sẻ với báo chí, công ty sẽ thúc đẩy mọi người cùng nỗ lực bước lên và không phụ thuộc vào một vài cá nhân, lấy sức mạnh của tập thể là nền móng cho các bước tăng trưởng và nâng cao giá trị cho khách hàng. Coteccons sẽ xây dựng bộ máy nhân sự gồm nhiều chuyên gia với nhiều thế mạnh khác nhau như ông Phạm Quân Lực, ông Võ Hoàng Lâm, ông Nguyễn Ngọc Lân am hiểu về kỹ thuật xây dựng và đã gắn bó với Coteccons gần 20 năm. Ông Micheal Trần mạnh về phát triển dự án, 2 nhân sự mới bổ sung là ông Chris Senekki có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng quản lý dự án quốc tế và đặc thù, còn TS Phan Hữu Duy Quốc am hiểu về kỹ thuật xây dựng hạ tầng, đặc biệt là công trình ngầm đô thị, tất cả đều có kinh nghiệm xây dựng quốc tế. Các chuyên gia này sẽ cùng tạo nên một hệ sinh thái ngành xây dựng vững chắc về chuyên môn và mang chất lượng quốc tế cho Coteccons.

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã chứng khoán CTD)

CTD là công ty xây dựng được thành lập ngày 24/08/2004 từ quá trình cổ phần hóa một công ty thành viên thuộc Tổng công ty Fico. Từ số vốn điều lệ ban đầu chỉ 15,2 tỷ đồng, sau hơn 5 năm, khi Coteccons niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (đầu năm 2010), vốn điều lệ đã tăng lên tới 307,5 tỷ đồng, tức gấp 20 lần.  

Coteccons là Tổng thầu thi công công trình The Landmark 81 - Công trình cao nhất Đông Nam Á và cao thứ 14 trên Thế giới.

Hơn một năm về trước, nhóm cổ đông lớn Kusto group đã lên nắm quyền kiểm soát công ty thay thế cho ban lãnh đạo cũ dưới thời nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương. Sau đó Coteccons đã định hướng sẽ không tập trung toàn lực cho mảng cốt lõi là xây dựng, mà hướng đến xây dựng hệ sinh thái bao gồm xây dựng là chủ lực, cùng với tài chính xây dựng, M&E, cơ sở hạ tầng… Doanh nghiệp cũng lấn sang lĩnh vực tổng thầu các dự án năng lượng tái tạo; mở rộng hợp tác mảng đầu tư khu công nghiệp.

Coteccons cũng đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các công ty trong ngành và đặc biệt là các doanh nghiệp từ nhóm cựu chủ tịch Nguyễn Bá Dương. Đáng kể như Newtecons lần lượt thế chân làm nhà thầu tại loạt dự án lớn như Masterise Homes, One Central Saigon, Masteri Waterfront…

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.