Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, Tasco ghi nhận doanh thu thuần gần 240 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hoạt động thu phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, với gần 180 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính trong kỳ này của Tasco đạt 126 tỷ đồng, trong khi quý I năm ngoái chỉ khoảng 1,7 tỷ đồng. Nguồn thu tài chính của Tasco chủ yếu đến từ lãi thoái vốn, chuyển nhượng đầu tư hơn 117 tỷ đồng. Nhờ đó, "trùm BOT" lãi sau thuế 88,2 tỷ đồng.
3 tháng cuối năm ngoái, doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần cũng là yếu tố giúp Tasco ngắt mạch thua lỗ 6 quý liên tiếp trước đó. Quý IV/2021, doanh nghiệp này đạt lợi nhuận sau thuế hơn 176 tỷ đồng và lãi cả năm hơn 48 tỷ đồng.
Sau khi có Chủ tịch mới hồi tháng 10 năm ngoái, Tasco đã chủ trương tái cấu trúc và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, vốn góp tại 7 công ty con/công ty liên kết thuộc lĩnh vực cần tái cấu trúc với giá trị thoái vốn tối thiểu khoảng 600 tỷ đồng.
Cũng từ giai đoạn này, cổ phiếu HUT của Tasco leo một mạch từ vùng giá 13.000 lên đến mức đỉnh 46.700 đồng vào giữa tháng 3. Sau đó, mã này biến động mạnh, về dưới 30.000 đồng. Phiên hôm nay (25/4), cổ phiếu HUT tăng kịch trần, lên 28.600 đồng.
Năm 2022, Tasco đặt mục tiêu đạt doanh thu 11.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Doanh nghiệp này xác định cở sở hạ tầng - dịch vụ ôtô, bất động sản và bảo hiểm là 3 trụ cột chính trong chiến lược phát triển giai đoạn 2022 - 2024. Đến năm 2024, Tasco đặt kế hoạch doanh thu 48.600 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 1.350 tỷ đồng.
Tại phiên họp thường niên cuối tuần này, Tasco dự kiến trình đại hội đồng cổ đông 2 phương án để tăng vốn điều lệ năm nay. Trong đó, doanh nghiệp dự kiến phát hành cho cổ đông hiện hữu tối đa 116,2 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng một cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền mua là 3:1. Với 1.162 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành này, Tasco sẽ góp 550 tỷ đồng vào công ty TNHH Tasco Land, 612 tỷ còn lại vào công ty bảo hiểm.
Đồng thời, Tasco cũng dự kiến phát hành thêm 543,8 triệu cổ phần để hoán đổi với 21 nhà đầu tư của SVC Holdings. Sau đó, Tasco sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất của SVC Holdings.
SVC Holdings đang là cổ đông lớn nhất, chiếm 53,68% cổ phần của Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) - đơn vị chiếm 11,2% thị phần xe ôtô với chuỗi phân phối trải dài từ Bắc vào Nam. Ngoài ra, Sovico còn nắm nhiều bất động sản tại các vị trí đắc địa ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...
Cập nhật quý 4/2021: kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ
CTCP Tasco (mã chứng khoán HUT - sàn HNX) công bố báo cáo tài chính ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV.
Theo đó, quý IV/2021, ghi nhận doanh thu đạt 247 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng.
Trong kỳ, nhờ giá vốn bán hàng giảm mạnh, Tasco mang về 78 tỷ đồng lợi nhuận gộp, trong khi con số này ghi nhận âm 36 tỷ đồng. Mặt khác, doanh nghiệp ghi nhận khoản doanh thu tài chính 219 tỷ đồng trong khi cùng kỳ gần như không có, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 47,8%, xuống còn 28 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận quý IV của Tasco tăng đột biến, đạt 177 tỷ đồng trong khi đó cùng kỳ năm trước ghi nhận lỗ gần 154 tỷ đồng
Theo giải trình chênh lệch lợi nhuận từ phía Tasco, trong kỳ, khoản doanh thu tài chính tăng vọt nhờ trong kỳ doanh nghiệp thực hiện thoái vốn, tinh gọn các khoản đầu tư không trọng tâm theo chủ trương của HĐQT. Bên cạnh đó, các mảng kinh doanh đều hồi phục và tăng trưởng doanh thu, thu phí đường bộ, y tế, VETC đều có tăng trưởng so với năm trước. Doanh nghiệp cũng thực hiện chính sách tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong thời kỳ dịch bệnh.
Trước đó, vào tháng 12/2021, Tasco có thông báo thực hiện chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần/phần vốn góp tại 7 đơn vị thuộc các lĩnh vực cần tái cấu trúc với giá trị thoái vốn tối thiểu 600 tỷ đồng. Danh sách các đơn vị doanh nghiệp sẽ thoái sạch vốn là 3 công ty con (Tasco Thành Công, Tasco Nam Định, An Nhiên Foods) và 4 công ty liên doanh, liên kết (Bất động sản Thái An, Tasco Thăng Long, D-Tech và Tổng Công ty Thăng Long). Vào cuối tháng 12/2021, Tasco tiếp tục công bố chủ trương thoái 67% vốn tại Bệnh viện mắt Hà Nội cơ sở 2.
Tại thời điểm ngày 31/12/2021, danh sách công ty con của Tasco không còn Tasco Thành Công và An Nhiên Foods, trong khi danh sách đơn vị liên doanh, liên kết không còn Tasco Thăng Long, Bất động sản Thái An và D-Tech.
Lũy kế năm 2021, Tasco ghi nhận doanh thu đạt 873 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 48 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ lũy kế 234 tỷ đồng. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2021, Tasco đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là âm 100 tỷ đồng. Như vậy, dù không hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, doanh nghiệp vẫn vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính tới cuối năm 2021, tổng tài sản của HUT tăng 6,6% so với đầu năm, lên 10.831 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm nhẹ 2% xuống còn 7.028 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn 88 tỷ đồng, nợ vay tài chính dài hạn 5.150 tỷ đồng.
Cập nhật quý 3/2021: lỗ 72,84 tỷ đồng
CTCP Tasco (Mã chứng khoán HUT - sàn HNX) công bố Báo cáo tài chính quý III/2021. Theo đó, trong quý III/2021, công ty ghi nhận doanh thu giảm 15,8% so với cùng kỳ về 161,99 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 72,84 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 80,51 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý thứ 6 lỗ liên tiếp của Tasco.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 1.668,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 31,71 tỷ đồng lên 33,61 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 57%, tương ứng giảm 4,5 tỷ đồng về 3,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 77,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 19,8 tỷ đồng lên 45,45 tỷ đồng.
Nếu xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận cốt lõi âm 11,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 23,8 tỷ đồng.
Bên cạnh lợi nhuận cốt lõi âm, công ty tiếp tục ghi nhận chi phí tài chính 65,2 tỷ đồng, tăng 2,1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Như vậy, hoạt động kinh doanh của công ty không đủ tạo lợi nhuận để trả lãi vay, điều này dẫn tới lợi nhuận trong quý III/2021 âm 72,8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HUT ghi nhận doanh thu tăng 16,9% so với cùng kỳ lên 625,84 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 146,42 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 89,75 tỷ đồng. Như vậy, với việc tiếp tục ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm, công ty đang ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 53,4 tỷ đồng so với đầu năm lãi 80,6 tỷ đồng.
Cập nhật quý 2/2021: lợi nhuận âm 49 tỷ đồng
Trong quý II/2021, Tasco ghi nhận doanh thu đạt 226,9 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 49 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 14,7 tỷ đồng. Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm từ 40,9% về còn 36,2%. Như vậy, đây là quý thứ 5 lỗ liên tiếp của Tasco.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 13,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 10,04 tỷ đồng lên 82,1 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 42,8%, tương ứng tăng 24,82 tỷ đồng lên 82,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 938,6%, tương ứng tăng thêm 26,75 tỷ đồng lên 29,6 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Doanh nghiệp thuyết minh nguyên nhân lợi nhuận âm do chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng dẫn tới lợi nhuận giảm. Trong đó, chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng chủ yếu tại Công ty TNHH thu phí tự động VETC do thực hiện dự án xây dựng hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, HUT ghi nhận doanh thu tăng 34,9% so với cùng kỳ lên 462,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 73,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 9,2 tỷ đồng. Như vậy, tính tới 30/6/2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế chỉ còn 10,3 tỷ đồng, giảm từ 80,6 tỷ đồng đầu năm.
Cập nhật quý 1/2021: báo lỗ hơn 24 tỷ đồng do nặng gánh chi phí lãi vay
Bất chấp doanh thu tăng mạnh, Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT) vẫn báo lỗ hơn 24 tỷ đồng trong quý I/2021 do nặng gánh chi phí lãi vay.
Doanh thu thuần quý I của Tasco tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 237 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động thu phí và hoạt động kinh doanh bất động sản đều ghi nhận tăng trưởng mạnh.
Trừ đi 146 tỷ đồng giá vốn, lãi gộp của Tasco thu về hơn 90 tỷ đồng, mức tăng trưởng đạt khủng gần 93%.
Hoạt động tài chính của "ông trùm" BOT trong quý I lỗ đậm hơn 81 tỷ đồng do chi phí lãi vay neo cao, trong khi doanh thu tài chính giảm mạnh so với quý I/2020 vì không còn thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Tasco Năng lượng.
Trừ đi các loại chi phí cùng các khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết và lỗ khác, Tasco báo lỗ sau thuế hơn 24,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt 5,4 tỷ đồng.
Dễ dàng nhận thấy, nguyên nhân khiến Tasco phải ngậm ngùi báo lỗ trong quý I là do công ty này phải gánh một khoản chi phí lãi vay lên đến hơn 83 tỷ đồng. Phần chi phí này đã "ngốn" đến 92% lãi gộp của Tasco, chưa kể đến các khoản lỗ khác hay chi phí khác.
Như vậy, đây quý thứ tư liên tiếp hoạt động kinh doanh của Tasco ghi nhận thua lỗ (kể từ quý II/2020). Được biết, lỗ sau thuế của Tasco cả năm 2020 là hơn 243 tỷ đồng.
1971 Đội cầu Nam Hà được thành lập.
1976 Đội cầu được chuyển tên thành Công ty Cầu Hà Nam Ninh và tên này được đổi thành Công ty Công trình Giao thông Nam Hà vào năm 1992.
2000 Công ty Công trình Giao thông Nam Hà được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông và Cơ sở Hạ tầng Nam Định.
2007 Công ty đăng ký chuyển trụ sở từ Nam Định lên Hà Nội và mang tên Công ty Cổ phần Tasco sau hai lần đổi tên vào năm 2002 (Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Thành Công) và năm 2003 (Công ty Cổ phần Thành Công). Nâng vốn điều lệ lên 55 tỷ.
2008 Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tasco chính thức niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Hai dự án lớn BT tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ giao với đường 70 và BOT Quốc lộ 10 chính thức được khởi công. Tasco được giao là chủ đầu tư khu đô thị mới Xuân Phương.
2010 Nâng vốn điều lệ lên 350 tỷ. Tasco chính thức khởi công tuyến đường bộ mới từ Phủ Lý đến Mỹ Lộc theo hình thức hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư khoảng 3.800 tỷ.
2011 Công ty Cổ phần Tasco sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu mới “TARIC”. TARIC được xây dựng dựa trên nền tảng thương hiệu cũ của Công ty Cổ phần Tasco (TASCO), mang những giá trị cốt lõi và khát vọng thịnh vượng của doanh nghiệp, bao gồm hai thành tố:
* TA- là chữ viết tắt của tên Công ty Cổ phần Tasco.
* RIC khi phát âm giống như từ RICH trong tiếng Anh, có nghĩa là sự giàu có, thịnh vượng, và cũng là viết tắt của các ngành nghề kinh doanh chính mà Công ty Cổ phần Tasco đã và đang phát triển:
+ R: Real Estate - Bất động sản
+ I: Infrastructure - Cơ sở hạ tầng
+ C: Company - Công ty
2013 Nâng vốn điều lệ lên 646 tỷ. Tasco khởi công dự án BOT Quốc lộ 1A (đoạn qua Quảng Bình).
2014 Nâng vốn điều lệ lên 846 tỷ.
2015 Nâng vốn điều lệ lên 1284 tỷ. Tasco khởi công dự án xây dựng Quốc lộ 10 (đoạn từ Quán Toan đến cầu Nghìn) theo hình thức BOT. Tổng mức đầu tư 2.815 tỷ đồng.
2016 Vốn điều lệ của công ty tăng lên đến 1.763 tỷ đồng. Khu đô thị sinh thái đầu tiên được hoàn thành và bàn giao cho khách hàng (KĐT Xuân Phương); Hệ thống thu phí tự động không dừng được đưa vào hoạt động (VETC).
2017 Vốn điều lệ của công ty là hơn 2.510 tỷ đồng. Đầu tư thêm các lĩnh vực mới: Năng lượng tái tạo, y tế.
2019 Vốn điều lệ là 2686 tỷ đồng. Tiếp tục tìm kiếm,hiện thực hóa các dự án đầu tư Bất động sản. Duy trì và phát triển mạnh các dự án đầu tư Năng lượng tái tạo (điện gió, điện năng lượng mặt trời tại các khu vực có tiềm năng).