Cập nhật cổ phiếu VIC (Vingroup): bị Bình Dương thu hồi chủ trương hai siêu dự án

MĂNG GIANG

02/10/2022 07:56

Tỉnh Bình Dương vừa quyết định thu hồi chủ trương nghiên cứu lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch hai dự án của Tập đoàn Vingroup.

Lý do thu hồi, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thị xã Tân Uyên và đồ án quy hoạch vùng huyện Bắc Tân Uyên đã được cơ quan tổ chức hoàn thiện và báo cáo hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh do đó nghiên cứu của Vingroup không còn phù hợp.

Trước đó vào tháng 12/2019, Bình Dương đồng ý chủ trương để Tập đoàn Vingroup nghiên cứu lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch 2 khu ở thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên.

Cụ thể, khu nghiên cứu một có diện tích khoảng 362 ha, thuộc phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên. Khu nghiên cứu hai có diện tích khoảng 600ha thuộc thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên.

Tổng diện tích hai khu do Vingroup đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch có diện tích lên đến khoảng 1.000ha.

Cập nhật ngày 24/5/2022: VIC (Vingroup) và TCB (Techcombank) được chấp thuận nghiên cứu dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Bộ Giao thông vận tải chấp thuận Tập đoàn Vingroup và Techcombank chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP.

Đó là nội dung công văn Bộ Giao thông vận tải vừa gửi Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) về việc hai doanh nghiệp trên đề xuất thực hiện dự án đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành theo phương thức đối tác công - tư ( PPP).

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Tập đoàn Vingroup và Techcombank có trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên theo phương thức PPP; trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và quy định của pháp luật khác có liên quan, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình. 

Trước ngày 31-8-2022, Vingroup và Techcombank nộp hồ sơ đề xuất dự án tại trụ sở Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.

Chi phí lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được xác định trên cơ sở dự toán được thẩm định, phê duyệt và được tính trong tổng mức đầu tư dự án theo quy định. 

Tập đoàn Vingroup và Techcombank có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện các công việc trên, trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận thì nhà đầu tư chịu mọi chi phí, rủi ro.

Việc lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu, Luật PPP và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Bộ Giao thông vận tải giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh hướng dẫn việc hoàn thiện các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trì tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án, rà soát, trình thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành phương thức PPP theo đúng quy định.

Trước đó, đầu tháng 5-2022, Vingroup và Techcombank đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Phước đề xuất thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo phương thức PPP. Trong trường hợp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án do liên doanh nhà đầu tư này không được phê duyệt, Vingroup và Techcombank cam kết chịu mọi chi phí liên quan đến việc lập báo cáo.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 140km với 6 làn xe, đầu tư trước năm 2030. Đây là một phân đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Tuyên Quang đến Rạch Giá dài 1.205km.

Ngoài Vingroup và Techcombank, hiện nay Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đang nghiên cứu đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo phương thức PPP.

quoclo14-1653390786.jpeg
Quộc lộ 14, đoạn qua thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông

Cập nhật ngày 15/9/2021: lập mới công ty Dữ liệu lớn VinBigData

Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup vừa thông qua việc thành lập Công ty CP VinBigData với vốn điều lệ gần 471 tỷ đồng. Trong đó Vingroup sẽ là công ty mẹ góp 99% vốn điều lệ.

Tập đoàn này cho biết việc lập công ty con dựa trên cơ sở tách một phần chức năng khoa học công nghệ (mảng dịch vụ khoa học công nghệ) của Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data) thuộc Công ty CP Công nghệ Vintech.

VinBigData hiện do bà Nguyễn Mai Hoa làm người đại diện pháp luật và vừa đi vào hoạt động ngày 13/9. Công ty có trụ sở tại tòa nhà văn phòng Symphony, Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside (Hà Nội), cũng là đại bản doanh của hệ sinh thái Vingroup.

Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn này tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn trong ngành dữ liệu lớn, mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, dữ liệu dẫn đầu Việt Nam. Điều này nằm trong định hướng trở thành tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Thương mại dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

VinBigdata thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu xoay quanh 3 định hướng chính là khoa học nền tảng, khoa học ứng dụng và khoa học công nghệ. Nghiên cứu khoa học dựa trên các đối tượng nghiên cứu chính là Y sinh tính toán, Xử lý ngôn ngữ và tiếng nói, Thị giác máy tính, Xử lý ảnh y tế.

Hệ sinh thái các sản phẩm bao gồm VinGen - là nền tảng phân tích dữ liệu gen hỗ trợ y học chính xác, VinBase Language - là dòng sản phẩm phát triển từ công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, VinBase Vision - là nền tảng hỗ trợ nhận dạng, phân tích và trích xuất thông tin và VinDr - nền tảng trí tuệ nhân tạo tích hợp trên hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế.

Hiện Giáo sư Vũ Hà Văn đang là giám đốc khoa học, người đã làm ra trợ lý ảo ViVi cho những chiếc xe VinFast. Tiến sĩ Đào Đức Minh là Giám đốc điều hành VinBigdata

Ngoài ra viện nghiên cứu này còn muốn thay đổi cách thức nghiên cứu khoa học và tư duy đào tạo của thế hệ khoa học tương lai tại Việt Nam thông qua các hoạt động của Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF, nghiên cứu các công nghệ mới có tính ứng dụng cao, tăng trải nghiệm người dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống và tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cập nhật ngày 14/5/2021: VinSmart dừng cuộc chơi smartphone

Trước đó VinSmart dừng cuộc chơi smartphone, theo chia sẻ của ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup: "Việc sản xuất điện thoại hoặc tivi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng". 

VinSmart dừng sản xuất smartphone khi chỉ sau gần 3 năm, hãng đã từng chiếm lĩnh top 3 thị phần smartphone Việt Nam và được vinh danh trở thành thương hiệu điện thoại Việt xuất sắc nhất Tech Awards 2020.

Thực tế, nhiều nhà sản xuất khác cũng mang nhiều tham vọng khi gia nhập thị trường điện thoại thông minh nhưng sau đó dừng bước. Trước VinSmart, thương hiệu smartphone khác của Việt Nam là Mobiistar đã rời khỏi thị trường không một lời tuyên bố dù họ đang có chỗ đứng trên thị trường. 

Sự rút lui bất ngờ của VinSmart cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường smartphone.

Theo một số chuyên gia, sự khốc liệt đang mạnh hơn do tác động của đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu. Dịch bệnh khiến nguồn cung nguyên vật liệu để sản xuất các linh kiện điện tử trở nên khan hiếm. 

Tốc độ sản xuất các linh kiện như bộ vi xử lý (chip) chậm chạp. Từ đó diễn ra cuộc cạnh tranh gom hàng giữa các hãng công nghệ, điện tử trên toàn cầu. 

Những đơn hàng lớn đương nhiên thuộc về các "ông trùm" Apple, Samsung, hoặc các hãng của Trung Quốc có thể liên kết lại gom đơn hàng, thâu tóm nguồn cung linh kiện trên thị trường toàn cầu. 

Từ đó gián tiếp "đánh mạnh" vào các thương hiệu lớn nhưng đơn lẻ và đông đảo thương hiệu nhỏ vốn phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác bên ngoài.

"Hệ quả của nó là nhiều doanh nghiệp dù có rất nhiều tiền nhưng vẫn không thể có được nguồn hàng như mong muốn hoặc phải chờ rất lâu, đến 2-3 năm sau, làm ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh..." - ông Mai Triều Nguyên, giám đốc Công ty công nghệ di động Mai Nguyên - chủ sở hữu hệ thống bán lẻ Mai Nguyên, chia sẻ.

Lãnh đạo một hãng điện thoại tại Việt Nam (đề nghị không nêu tên) cho hay các thương hiệu smartphone Việt từ xưa nay hầu hết đều phải phụ thuộc linh kiện từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. 

"Thế nhưng, thị trường smartphone tại Việt Nam giờ đã bão hòa. Các hãng phải cạnh tranh với nhau bằng công nghệ mới cũng như tốc độ ra mắt sản phẩm, bên cạnh các yếu tố truyền thống là tiếp thị và giá bán. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá bán của một chiếc smartphone tại Việt Nam ngoài giá thành của nhà sản xuất còn phải cộng thêm phí cho nhà phân phối (có thể lên đến 30%). Bên cạnh đó là chi phí cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo... nên thường sẽ bị đội giá lên khá cao.

Trong khi đó, các thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, có quy mô sản xuất và thị trường rộng lớn, nên lợi thế hơn về giá. Thậm chí nhiều hãng ngoại còn có hẳn các thương hiệu "con" giúp họ dễ dàng trong việc luân phiên sản phẩm cũng như linh hoạt giá theo từng thời điểm cho từng thị trường cụ thể. 

Trong khi đó, hầu hết các thương hiệu Việt chủ yếu tập trung thị trường trong nước nên hoặc phải bán giá cao hoặc chấp nhận bù lỗ để bán được hàng.

Ông Nguyễn Thế Kha, giám đốc khối viễn thông và di động, hệ thống bán lẻ FPT Shop, cho biết: "Cạnh tranh trong ngành điện thoại là rất cao và khốc liệt ở Việt Nam, đặc biệt là phân khúc giá thấp dưới 4 triệu đồng. Phân khúc giá này có sự góp mặt đa số là các hãng Trung Quốc. Họ có lợi thế quy mô sản xuất lớn nên giá tốt, các hãng điện thoại Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn cạnh tranh giành thị phần".

null

Khách hàng trải nghiệm các mẫu điện thoại Vsmart  

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.