Cập nhật ngành Bán lẻ: SSI nâng khuyến nghị lên KHẢ QUAN, chỉ định nhiều mã hot

SSI

14/08/2023 10:03

Lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã qua đáy và đang trên đà phục hồi. Trong khi đó, giá cổ phiếu MWG, FRT và PNJ vẫn đang ở mức hấp dẫn.

 

mwg2-1619492440.jpeg
Cập nhật ngành Bán lẻ: giai đoạn khó khăn này là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu

Nửa đầu năm 2023, VN Index tăng trong khi các cổ phiếu bán lẻ giảm. Giá cổ phiếu trong ngành ngành bán lẻ diễn biến kém tích cực hơn do lợi nhuận suy giảm trong nửa đầu năm 2023.

Tuy nhiên, SSI cho rằng lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 xét về giá trị tuyệt đối và các doanh nghiệp bán lẻ đang trên đà phục hồi. Lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tích cực trở lại từ Q4/2023 đến năm 2024.

Sự phục hồi lợi nhuận có thể được thúc đẩy nhờ (1) đẩy mạnh giải ngân các khoản vay tiêu dùng, (2) điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện, (3) các công ty có tình hình tài chính vững mạnh tăng thêm thị phần và (4) tỷ suất lợi nhuận cải thiện nhờ mức tồn kho thấp hơn sau đợt cạnh tranh gay gắt về giá trong Q2/2023.

SSI nâng khuyến nghị lên KHẢ QUAN: Mặc dù lợi nhuận của các công ty vẫn có thể giảm so với cùng kỳ trong Q3/2023, nhưng nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào sự phục hồi vào năm 2024 và xa hơn nữa. SSI nâng khuyến nghị đối với ngành bán lẻ lên KHẢ QUAN (từ TRUNG LẬP).

Giá cổ phiếu DGW có thể đã phản ánh trước các triển vọng tích cực trước khi lợi nhuận phục hồi. Trong khi đó, giá cổ phiếu MWG, FRT và PNJ vẫn đang ở mức hấp dẫn.

Triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại và kế hoạch huy động vốn của các công ty, đây có thể là chỉ báo dẫn trước cho triển vọng tăng trưởng lợi nhuận.

Tỷ lệ thâm nhập vào thương mại hiện đại của ngành ICT & CE hiện ở mức cao (theo ước tính của chúng tôi hiện chiếm khoảng 70-75% tổng thị trường). Trong khi đó, tỷ lệ thâm nhập vào thương mại hiện đại đối với mảng bách hóa và dược phẩm vẫn còn rất nhỏ.

Trang sức có thương hiệu chiếm 60% tổng nhu cầu. Do đó, đối với thời hạn đầu tư 2-3 năm, SSI ưa thích 2 cổ phiếu MWG và FRT, các công ty này vận hành chuỗi cửa hàng bách hóa và dược phẩm. Về huy động vốn, các công ty có thể tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài để tài trợ cho việc mở rộng cửa hàng.

Chuỗi Long Châu hiện đã có lãi nên có thể phải tăng vốn trong thời gian tới để mở rộng mạng lưới cửa hàng lên 3.000 cửa hàng (so với 1.234 cửa hàng tính đến tháng 5/2023). MWG cũng sẽ huy động vốn để mở rộng quy mô BHX khi chuỗi tiếp cận điểm hòa vốn. 

Cập nhật ngày 12/6/2023: giai đoạn khó khăn này là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu

Giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 (do giá điện, y tế và học phí dự kiến tăng) và sau đó sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm 2023. Do đó, chi tiêu của người tiêu dùng cho các mặt hàng không thiết yếu có thể vẫn thấp trong nửa đầu năm 2023 và sẽ dần phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2023.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp bán lẻ lớn sẽ có lợi thế củng cố thị phần. Các đơn vị bán lẻ thương mại điện tử và cửa hàng nhỏ lẻ với tỷ suất lợi nhuận thấp và vị thế thanh khoản yếu có thể mất thị phần. Biên lợi nhuận có thể bị thu hẹp do xu hướng mua các mặt hàng rẻ hơn.

Chi phí tài chính có thể giảm bớt trong năm 2023 do chúng tôi giả định việc lãi suất tăng và USD tăng không nhiều như năm 2022, và một số doanh nghiệp bán lẻ quyết định giảm tốc độ mở mới để giảm bớt áp lực lên chi phí lãi vay.

Tăng vốn có thể là yếu tố hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong bối cảnh lãi suất tăng. Tuy nhiên, MWG đã trì hoãn việc tăng vốn cho công ty con mảng bách hóa từ quý 1 năm 2023 sang quý 3 năm 2023.

Với các giả định trên, SSI cho rằng các đơn vị bán lẻ ICT & CE trong 6 tháng đầu năm 2023 có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm, do đó có thể có cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu trong giai đoạn giá hấp dẫn trước khi lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận dương trong nửa cuối năm 2023.

Kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp

✓ MWG: Doanh thu và LNTT trong 9 tháng đầu năm 2022 lần lượt là 102,8 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ) và 5,1 nghìn tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ). Nếu loại trừ các chi phí phát sinh liên quan đến việc đóng cửa các cửa hàng bách hóa hoạt động không hiệu quả, lợi nhuận cốt lõi tăng 28% so với cùng kỳ do sự phục hồi của phân khúc ICT & CE. KQKD của phân khúc ICT & CE bắt đầu kém khả quan trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11, với doanh thu lần lượt giảm 18% và 22% so với cùng kỳ. Điều này có thể được giải thích bởi: (1) nhu cầu ảm đạm do những khó khăn trong kinh tế vĩ mô; (2) bàn giao iPhone 14s chậm trễ; và (3) mức cơ sở cao trong quý 4 năm 2021. Hoạt động kém hiệu quả của mảng ICT & CE kết hợp với chi phí tài chính tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 đã khiến lợi nhuận ròng lần lượt giảm 37% và 67%. Doanh thu và LNST trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 lần lượt đạt 123,7 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và 4 nghìn tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ), chỉ hoàn thành lần lượt 88% và 63% kế hoạch năm.

✓ FRT: Doanh thu và lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 lần lượt đạt 21,7 nghìn tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ) và 369 tỷ đồng (tăng 169% so với cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 80% và 51% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế của mảng ICT trong kỳ tăng 146% so với cùng kỳ do: (1) nhu cầu phục hồi sau khi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội; (2) nỗ lực cắt giảm chi phí; và (3) giá bán máy tính xách tay cao trong quý 1 năm 2022 khi nhu cầu làm việc/học tập tại nhà đặc biệt cao. Mặc dù số lượng cửa hàng mới mở tăng mạnh, nhưng lợi nhuận trước thuế của mảng dược phẩm cải thiện đáng kể lên 34 tỷ đồng (so với 1,2 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái) do cả hai nguyên nhân: (1) người tiêu dùng tích trữ thuốc và thực phẩm chức năng trong quý 1 năm 2022; và (2) tỷ suất lợi nhuận được cải thiện. Tuy nhiên, chúng tôi ước tính lợi nhuận trong quý 4 năm 2022 sẽ giảm 72% so với cùng kỳ do: (1) nhu cầu ảm đạm do những khó khăn trong kinh tế vĩ mô; (2) bàn giao iPhone 14s bị chậm trễ; (3) mức cơ sở cao trong quý 4/2021; và (4) và tăng chi phí tài chính.

✓ DGW: Doanh thu và LNST trong 9 tháng đầu năm 2022 lần lượt là 18 nghìn tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ) và 528 tỷ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 68% và 66% kế hoạch năm. Doanh số bán điện thoại di động và thiết bị văn phòng ghi nhận mức tăng trưởng vững chắc lần lượt là 41% và 49% so với cùng kỳ, do nhu cầu phục hồi từ mức cơ sở thấp của năm ngoái. Doanh số máy tính xách tay tăng 28% theo năm (chủ yếu trong quý 1 năm 2022) do nhu cầu làm việc/học tập tại nhà tăng cao. DGW bắt đầu phân phối thiết bị gia dụng trong quý 3/2022 và phân khúc này đóng góp 3% tổng doanh thu trong quý này. Tuy nhiên, lợi nhuận trong quý 4 năm 2022 có thể giảm 32% so với cùng kỳ do: (1) nhu cầu ảm đạm do những khó khăn trong kinh tế vĩ mô; (2) bàn giao iPhone 14s bị chậm trễ, (3) mức cơ sở cao trong quý 4 năm 2021; và (4) chi phí tài chính tăng.

✓ PNJ: Doanh thu và LNST trong 9 tháng đầu năm 2022 lần lượt là đạt 25,6 nghìn tỷ đồng (tăng 104% so với cùng kỳ) và 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng 132% so với cùng kỳ). KQKD tích cực này có thể được giải thích bởi: (1) nhu cầu bị dồn nén; (2) nỗ lực mở rộng tập khách hàng của PNJ, bao gồm việc mở cửa hàng ở các khu vực cấp 2, cấp 3; và (3) tận dụng các khách hàng hiện tại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp trong 9 tháng đầu năm 2022 giảm xuống17,4% so với 18,5% trong cùng kỳ năm 2021. Điều này là do công ty mở thêm các cửa hàng cấp 2-3 và khách hàng thích trang sức có hàm lượng vàng cao hơn để tích trữ. Tăng trưởng thu nhập ròng từ tháng 10 đến tháng 11 giảm xuống mức 15% so với cùng kỳ (so với mức tăng trưởng thu nhập ròng 9 tháng đầu năm 2022 là 132% so với cùng kỳ) do nhu cầu suy yếu và mức cơ sở cao của năm ngoái. Chúng tôi lưu ý rằng PNJ tập trung vào nhóm khách hàng trung và cao cấp, những người có thể chưa bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.

Cập nhật ngày 6/6/2021: 3 mô hình bán lẻ thích ứng nhanh mùa dịch

Ông David Jackson, CEO Colliers Việt Nam cho biết, Covid-19 tuy mang đến nhiều khó khăn thách thức nhưng cũng thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển theo hướng sáng tạo và linh hoạt hơn với những mô hình kinh doanh tích hợp và cộng hưởng gây được hiệu ứng tích cực. Ông David chỉ ra 3 hình thức bán lẻ nhanh chóng thích ứng trong các đợt dịch vừa qua.

Cửa hàng trong cửa hàng (shop in shop)

Thương vụ Masan mua 20% cổ phần của Công ty Phúc Long Heritage, cùng hợp tác phát triển mô hình kiốt Phúc Long tại VinMart+ mới đây là một ví dụ tiêu biểu của việc áp dụng mô hình này.

Phía Phúc Long tiết kiệm được các chi phí thuê mặt bằng, nhanh chóng mở rộng được chuỗi hệ thống theo các điểm bán có sẵn của Vinmart+, từ đó có thêm thế mạnh để chiếm lĩnh thị phần, cạnh tranh hữu hiệu hơn với các đối thủ. Ở chiều ngược lại, sự hợp tác này cũng có thể giúp Vinmart+ thu hút thêm khách hàng từ nhiều phân khúc khác nhau, bao gồm cả giới trẻ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng của mình.

Ông David Jackson đánh giá, mô hình shop in shop này giúp các doanh nghiệp dùng các lợi thế của chính mình để bổ khuyết cho điểm bất lợi của đối tác và ngược lại.

Trong trường hợp các cửa hàng Phúc Long không thể đón khách tại chỗ vì giãn cách xã hội, họ vẫn có thêm kênh tiêu thụ khác từ hệ thống VinMart+. Trong khi đó, VinMart+ lại ghi thêm điểm cộng trong mắt các bạn trẻ, những người đóng vai trò quan trọng trong tệp khách hàng của Phúc Long. Do vậy, đây là mô hình mang lại lợi ích cho các bên tham gia.

Khách hàng chọn xe đạp tại cửa hàng Điện Máy Xanh tại TP Thủ Đức. Ảnh: Phương Đông.

Khách hàng chọn xe đạp tại cửa hàng Điện Máy Xanh tại TP Thủ Đức. Ảnh: Phương Đông.

Cửa hàng đa thương hiệu (multi-brand store)

Việc PNJ phân phối các sản phẩm của thương hiệu trang sức quốc tế Pandora trong hệ thống cửa hàng của mình có thể được xem là một minh họa cho mô hình này. Bước đi ấy sẽ giúp đại gia kinh doanh nữ trang Việt có thể có thêm khách hàng và từng bước gia tăng tính quốc tế cho thương hiệu, phục vụ cho mục tiêu trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu châu Á.

Ông David Jackson cho rằng, sự kết hợp này sẽ giúp PNJ tối ưu hóa mặt bằng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao trải nghiệm khách hàng, tiết kiệm được nhiều chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận. Trong khi đó, sản phẩm của Pandora sẽ được "địa phương hóa" tốt hơn xét về mặt tiếp cận khách hàng Việt Nam, nhờ vào kinh nghiệm lâu năm của đối tác tại thị trường bản địa. Đây là những yếu tố mà các doanh nghiệp đều mong muốn có được trong thời điểm đầy khó khăn do đại dịch.

Ngoài ra, có một số mô hình có thể được xem là lai giữa hai mô hình đa thương hiệu và cửa hàng trong cửa hàng. Chẳng hạn như việc Thế Giới Di Động thử nghiệm bán xe đạp từ các thương hiệu RoyalBaby, Giant hay Fornix tại một số cửa hàng Điện Máy Xanh.

Bán hàng đa kênh (omni-channel)

Mô hình này đang trở thành lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Để tương tác với khách hàng tiềm năng mọi lúc, mọi nơi có thể, trên mọi nền tảng, doanh nghiệp tích hợp đồng bộ các kênh từ cửa hàng bán lẻ – trang web e-commerce đến trung tâm chăm sóc khách hàng và mạng xã hội vào một hệ thống quản trị chung.

Khi hành vi người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch, mua sắm online dần phổ biến, việc áp dụng mô hình này cùng với việc chú trọng các kênh digital sẽ giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng tốt hơn, tiếp cận và chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn.

Khi truy cập trang web bán hàng, một khách hàng đã bỏ sản phẩm vào giỏ hàng nhưng chưa quyết định mua. Vài giờ sau, khi họ lướt Facebook, quảng cáo sản phẩm đó sẽ xuất hiện, nhắc nhở người này. Vậy là khả năng vị khách quay lại website bán hàng bấm nút mua ngay sẽ cao hơn nhiều.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở một vài tỉnh thành như hiện nay, dịch vụ đi chợ hộ theo đơn đặt hàng được nhiều thương hiệu bán lẻ áp dụng đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Khách hàng đặt hàng qua ứng dụng, sản phẩm sau đó được vận chuyển đến tận cửa. Bằng cách này, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục duy trì doanh thu, thậm chí là tăng trưởng trong bối cảnh doanh nghiệp ở nhiều ngành kinh tế khác gặp vô vàn khó khăn.

CEO Colliers Việt Nam cho rằng, bán hàng đa kênh là mô hình được áp dụng mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp trong thời gian tới do các ưu điểm vượt trội đến từ việc áp dụng công nghệ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không khó khăn để áp dụng mô hình này nếu hiểu biết quá trình cơ bản.

Hiện các dịch vụ lưu trữ dữ liệu, xây dựng website, ứng dụng (app), trang đích (landing page) hay chatbott được rất nhiều bên thứ ba cung cấp với các tính năng tiện lợi và chi phí phù hợp. Đây là bước đi sáng tạo của các doanh nghiệp để ứng phó với bài toán tiết giảm chi phí, duy trì doanh thu và thậm chí là vẫn có thể tăng trưởng trong đại dịch.

SSI
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.