Với TNG, doanh thu duy trì tăng trưởng trong suốt năm 2023 bất chấp sự suy giảm chung của toàn ngành; tuy nhiên, lợi nhuận vẫn suy yếu. Với ADS (doanh nghiệp sản xuất sợi), có độ nhạy với mức sụt giảm mạnh của giá bông. Chúng tôi có quan điểm thận trọng hơn cho năm 2024 do quá trình phục hồi đơn đặt hàng có thể diễn ra chậm hơn dự kiến trong giai đoạn Q4/2023-Q1/2024.
Triển vọng năm 2024
• Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chưa có nhiều khởi sắc trong năm 2024, điều này sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng giảm chi tiêu và việc bổ sung lại các khoản tiết kiệm trở nên khó khăn hơn. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân ở Mỹ và Châu Âu đều giảm xuống. Trong tháng 11/2023, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của Mỹ ở mức 4,1%, thấp hơn mức trung bình dài hạn là 8,8%. Việc lạm phát ở mức cao (theo giá trị tuyệt đối) cũng khiến cho giá trị các khoản tiết kiệm này bị giảm xuống. Đi cùng với môi trường kinh tế khó khăn, chúng tôi cho rằng mức chi tiêu không thiết yếu sẽ có phần hạn chế trong năm 2024.
• “Không chắc chắn” là từ để mô tả cảm giác của các thương hiệu thời trang và nhà cung cấp cho năm 2024. Các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm mức tồn kho cao, nhu cầu tiêu dùng thấp và cạnh tranh gia tăng. Do đó, các thương hiệu thời trang có thể sẽ đẩy mạnh việc phòng thủ trong kinh doanh, và các nhà cung cấp sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn hơn từ nhu cầu đơn hàng giảm xuống khi vấn đề nay lan truyền đến khắp chuỗi cung ứng. Hơn nữa, quản lý hàng tồn kho và kiểm soát chi phí sẽ tiếp tục là trọng tâm chính với các nhà bán lẻ. Điều này sẽ dẫn tới rút ngắn thời gian đặt hàng và suy giảm giá bán cho các doanh nghiệp gia công hàng dệt may.
• Theo khảo sát các doanh nghiệp bán lẻ lớn, Việt Nam vượt trội hơn so với Bangladesh về chất lượng và năng lực sản xuất, nhưng Bangladesh có lợi thế về giá thành và thuế, đặc biệt trong giai đoạn nhu cầu suy yếu. Bangladesh là quốc gia kém phát triển nhất (LDC) được miễn thuế xuất khẩu vào Châu Âu (chương trình EU GSP). Trong khi Việt Nam có EVFTA, nhưng những quy định đặt ra từ nguồn gốc xuất xứ vải trở đi (sản phẩm may mặc xuất khẩu phải được sản xuất từ vải sản xuất tại Việt Nam) là trở ngại cho ngành - cụ thể, 70% vải được nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức lương tối thiểu ở Bangladesh hiện là 75 USD/tháng, trong khi mức lương tối thiểu ở Việt Nam và Trung Quốc lần lượt là 199 USD/tháng và 300 USD/tháng. Theo phân tích của GlobalData, bất chấp những lợi thế mà các doanh nghiệp sản xuất Bangladesh đang có, Việt Nam vẫn tiếp tục xếp hạng cao hơn về chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và thời gian giao hàng, đây là những yếu tố quan trọng hơn đối với các nhà bán lẻ trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.
• Dự báo của VITAS về tăng trưởng xuất khẩu khá lạc quan, với kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD (tăng 9% svck) cho năm 2024. Lưu ý rằng VITAS từng dự báo giá trị xuất khẩu đạt từ 45-47 tỷ USD (tăng 7%-11% svck) cho năm 2023, so với giá trị xuất khẩu thực tế là 40,3 tỷ USD (giảm 10% svck). Vinatex đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 ở mức thận trọng hơn, với doanh thu thuần và LNTT kế hoạch lần lượt tăng 1,6% và 3,5% svck.
Trong Q4/2023, giá bán trung bình và sản lượng tiêu thụ đều cải thiện so với quý trước nhưng vẫn hồi phục ở mức thấp và mức tồn kho của doanh nghiệp Mỹ vẫn ở mức cao, mặc dù đây là mùa cao điểm.
Trong Q1/2024, giá bán trung bình (giảm khoảng 20-30% svck) và lượng đơn đặt hàng đều ở mức thấp. Tăng trưởng vải nhập khẩu vẫn yếu trong Q4/2023 dù đã có mức nền so sánh thấp trong Q4/2022, điều này cho thấy nhu cầu xuất khẩu hàng may mặc trong Q1/2024 vẫn chưa có nhiều khởi sắc.
Trong tháng 12/2023, theo S&P Global, PMI Việt Nam đạt 48,9 điểm và vẫn ở mức thấp kể từ dịch COVID-19 đến nay. Theo đó, các nhà sản xuất kỳ vọng sự phục hồi có thể diễn ra vào nửa cuối năm 2024.
Nhu cầu suy yếu đối với hàng may mặc dẫn đến nhu cầu cho nguyên liệu đầu vào giảm, như sợi bông và sợi polyester. Mặc dù vậy, chi phí sợi/vải trung bình giảm sẽ bù đắp một phần cho giá bán trung bình giảm. Lưu ý rằng các doanh nghiệp gia công trong nước có ít khả năng đàm phán với các nhà bán lẻ thời trang (đặc biệt trong thời kỳ nhu cầu yếu). Do đó, biên lợi nhuận gộp của các công ty dệt may đã giảm từ mức 15-18% trong năm 2022 xuống mức 11-14% trong năm 2023.
Trong năm 2024, kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ dần cải thiện lên mức 14-15% do nhu cầu phục hồi chậm xuyên suốt cả năm.
• Sự kiện “Biển Đỏ” có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến hoạt động kinh doanh Q1/2024 của các doanh nghiệp xuất khẩu: Chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ/Châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023. Hơn nữa, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm tăng lên. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng điều kiện FOB, theo đó, người mua phải chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu thấp và mức tồn kho cao nên người mua có thể đàm phán lại với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu trong Q1/2024 có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình “Biển Đỏ” hạ nhiệt.
• Định giá hiện đang ở mức cao trong lịch sử, P/E dao động quanh mức 9x-10x cho năm 2024. Kỳ vọng phục hồi chuyển từ nửa cuối năm 2023 sang nửa cuối năm 2024, tuy nhiên lợi nhuận vẫn suy yếu.
Quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn dự kiến do chi tiêu không thiết yếu thường có thời gian phục hồi kéo dài. Do lợi nhuận của hầu hết các công ty đã giảm từ 40-50% svck trong năm 2023, kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận từ 20-30% svck cho năm 2024 (cao hơn so với thị trường chung).
Lợi nhuận sẽ dần phục hồi trong suốt cả năm, nhưng khó có thể quay trở lại mức năm 2022 trong năm 2024. Giá cổ phiếu hiện tại gần như đã phản ánh hầu hết quá trình phục hồi lợi nhuận. Theo đó, SSI có quan điểm trung lập đối với các cổ phiếu theo dõi trong ngành Dệt may.
• Yếu tố hỗ trợ/rủi ro giảm giá: (i) Mức tiêu dùng của Mỹ/Châu Âu mạnh/yếu hơn dự kiến; (ii) Giá hàng hóa đầu vào thấp/cao hơn dự kiến; và (iii) Sự cạnh tranh từ các quốc gia có chi phí lao động thấp khác, như Bangladesh và Pakistan, và các nước gần khu vực tiêu thụ.
Cập nhật ngày 12/8/2023: Kỳ vọng cải thiện cả doanh thu lẫn giá cổ phiếu
Cổ phiếu ngành dệt may đang giao dịch ở mức P/E năm 2023 và 2024 lần lượt là 11x và 9x. Hầu hết các công ty đều kỳ vọng doanh thu trong Q3/2023 sẽ tương đương mức của Q2/2023 nhưng dự kiến cải thiện so với quý trước trong Q4/2023.
Trong tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD (giảm 9% svck), so với mức giảm 17% svck trong nửa đầu năm 2023. Tháng 7/2023 ghi nhận giá trị xuất khẩu theo tháng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Kim ngạch xuất khẩu của ngành trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2023 đạt 22,8 tỷ USD (giảm 15% svck).
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất đóng góp 39% tổng kim ngạch xuất khẩu) đạt 8,7 tỷ USD (giảm 24% svck) trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2023. Xuất khẩu sang Châu Âu và Nhật Bản lần lượt đạt 2,7 tỷ USD (giảm 10% svck) và 2,2 tỷ USD (tăng 4% svck).
Vinatex kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước năm 2023 sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD trong năm 2023 (giảm 10% svck).
Kỳ vọng các công ty trong ngành sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng dương trong Q4/2023. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý xấu nhất đã được phản ánh vào giá và nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự phục hồi của ngành trong năm 2024.
SSI lựa chọn 2 cổ phiếu ưa thích trong ngành bao gồm: STK và MSH.
Do STK hoạt động ở phân khúc cao hơn chuỗi giá trị ngành, kỳ vọng kết quả doanh thu sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự phục hồi của ngành, tiếp sau đó là các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc khác.
Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, STK có thể tận dụng năng lực để sản xuất sợi tái chế có giá trị cao, vốn có nhu cầu cao từ các thương hiệu lớn.
MSH có đơn đặt hàng FOB cao nhất trong ngành may mặc, giúp công ty được hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của ngành trong khi các khách hàng lớn lâu năm của công ty (như Walmart, Columbia và Target) đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trong những quý gần đây.
Trong Q2/2023, MSH ghi nhận kết quả vượt trội so với các công ty cùng ngành, MSH là công ty duy nhất đạt được mức tăng trưởng doanh thu svck, mặc dù LNST giảm nhẹ 2% svck. So với TNG có quy mô tương đương và cũng thuộc miền Bắc, MSH liên tục ghi nhận biên EBITDA trung bình cao hơn là 13,3% (so với TNG 10,8%) trong giai đoạn 2017-2022 và 10,6% (so với 7,2%) trong nửa đầu năm 2023 để đạt được biên lợi nhuận gộp cao hơn và tiềm lực tài chính mạnh hơn.
Cập nhật ngày 4/4/2021: Có chút khả quan
Bất ổn chính trị gia tăng ở Myanmar sẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ e ngại đặt đơn hàng tại Myanmar mà sẽ tìm quốc gia thay thế khác.
Năm 2020 - Năm của khó khăn và thách thức
Trong năm 2020, ngành Dệt may Việt Nam gặp nhiều nhiều khó khăn: (i) Đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu (ii) Đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng khi lệch giãn cách xã hội và thói quen tiêu dùng thay đổi.
Năm 2021 - Phục hồi từ đáy khủng hoảng
Chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng tăng trở lại
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành Dệt may Việt Nam được kỳ vọng quay lại mức kim ngạch xuất khẩu năm 2019.
Tính đến T3/2021, một số doanh nghiệp Dệt may cho biết các nhà máy dệt may đã kín đơn hàng đến tháng 8 năm 2021.
Công ty Chứng khoán BIDV - BSC cho rằng các doanh nghiệp dệt may không gặp phải vấn đề nguồn nguyên liệu bị đứt gãy.
Một số sự kiện kỳ vọng thúc đẩy đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam
Bất ổn chính trị gia tăng ở Myanmar sẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ e ngại đặt đơn hàng tại Myanmar mà sẽ tìm quốc gia thay thế khác.
Sự kiện liên quan đến Bông Tân Cương kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy quá trình dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn (trong đó có Việt Nam)
Một số doanh nghiệp triển khai Bất động sản dựa trên quỹ đất hiện có
TNG_Phát triển khu công nghiệp Sơn Cẩm và Bất động sản Chung cư, văn phòng.
TCM__Bất động sản căn hộ và thương mại dịch vụ TC1, TC2, TC3
GIL_Chuyển hướng sang Bất động sản Khu công nghiệp Gilimex.
Công ty Chứng khoán BIDV - BSC khuyến nghị KHẢ QUAN đối với ngành Dệt may năm 2021 và khuyến nghị MUA với các cổ phiếu STK, MSH, khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu TNG.