Kết thúc Q1.2021, SSI ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt 1,505 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: lãi FVTPL là 600 tỷ đồng (gấp 3 lần Q1.2020); lãi HTM gần 171.5 tỷ đồng (-44% so với Q1.2020); lãi từ các khoản cho vay và phải thu 245.5 tỷ đồng (+68.8% so với Q1.2020); lãi AFS bằng 0 (Q1.2020 ghi nhận 159 tỷ); doanh thu nghiệp vụ môi giới CK gấp 3.5 lần Q1.2020 đạt 436.5 tỷ đồng.
Các nghiệp vụ khác gồm bảo lãnh, đại lý chứng khoán, tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính đều ghi nhận giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên tỷ lệ đóng góp vào tổng doanh thu không đáng kể.
Doanh thu hoạt động tài chính cũng có sự sụt giảm 68% so với Q1.2020, đạt 11.9 tỷ đồng.
Kế hoạch lấy lại vị trí Top 1
Kết thúc Q1/2021, VPS vượt SSI trở thành CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu & CCQ lớn nhất với 13.24% thị phần HOSE và 13% thị phần HNX, SSI tạm lùi về vị trí số 2 HOSE và số 3 HNX với thị phần lần lượt là 11.89% và 6.76%.
Trước đó, SSI đã duy trì vị trí số 1 trong suốt 7 năm liên tiếp từ 2014 đến nay.
Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng đã chia sẻ, đây sẽ là một khoảng lặng để SSI chuẩn bị chiến lược phù hợp, thông qua các công tác khảo sát thị trường, nâng cao công nghệ và lắng nghe ý kiến khách hàng… giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, đưa SSI quay lại vị trí dẫn đầu.
Bước đầu tiên là Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 11,000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 82.45% so với số vốn điều lệ hiện tại (sẽ được thực hiện sớm nhất có thể, dự kiến trong Q2/2021) sẽ bổ sung cho SSI nguồn vốn để phát triển hoạt động kinh doanh.
Theo quy định hiện hành, CTCK chỉ có thể cho vay tối đa gấp 2 lần Vốn chủ sở hữu (VCSH). Thời điểm cuối năm 2020, tổng dư nợ ký quỹ tại SSI đạt 9,226.2 tỷ đồng (VCSH tại 31/12/2020 là 9,872.7 tỷ đồng) gấp 1.7 lần thời điểm cuối năm 2019. Tới cuối Q1/2021, dư nợ margin tại SSI 10,878 tỷ đồng (VCSH tại 31/03/2021 là 11,168 tỷ đồng).
Hoạt động cho vay margin là một trong những nguồn thu chính của CTCK trong giai đoạn thị trường sôi động nên việc tăng vốn kéo theo tăng margin là bước đi nhằm lấy lại số 1 nhanh nhất, dựa trên 'những con thiêu thân' f0 đang muốn thành công nhanh nhờ chứng khoán.
Tuy nhiên thời thế giờ đã khác. F0 giờ không còn thơ dại. Thế hệ F0 sàn chứng khoán không chỉ có những nhà đầu tư non trẻ, nhỏ lẻ, ít tiền. Vả lại, các CTCK đối thủ giờ cũng có vị thế khác, không hề kém cạnh SSI.
Anh Hưng năng nổ hơn hẳn, nhưng....
Gần đây anh Hưng chịu khó hoạt động trên facebook hơn hẳn. Trong post gần nhất, anh định khuấy động thị trường với vụ cá cược với Trương Gia Bình về việc đầu tháng 7 có thể dùng hệ thống sửa nghẽn lệnh của FPT.
Anh nói: "Thua anh Trương Gia Bình khi cá FPT không thể khắc phục sự cố tắc nghẽn hệ thống giao dịch của Hose trong vỏng 100 ngày. Chúc mừng anh Bình, chúc mừng Hose, chúc mừng FPT, hôm nay lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán và Hose đã khẳng định dự án cơ bản đã hoàn thành và sẽ chính thức đưa vào sử dụng trong tháng 6. Hơn tất cả chúc mừng các nhà đầu tư và các Công ty chứng khoán sắp được trở về trạng thái bình thưởng với hệ thống giao dịch thông suốt hàng ngày! Chưa bao giờ trong đời “thua độ” mà sung sướng như thế này!".
Thậm chí, anh cũng chú ý việc đu trend mà giới trẻ hay làm gần đây, bằng việc áp vào Euro để hướng dư luận về công ty mình. "Đầu tư giống như bóng đá, không để thủng lưới nhà cũng quan trọng như ghi bàn thắng. Quản trị rủi ro mất vốn là vô cùng quan trọng!".
Chủ tịch SSI khẳng định chỉ dùng mạng xã hội để trao đổi với bạn bè, không phát biểu để tạo sóng cho thị trường dù tài khoản có gần 90.000 người theo dõi.
"Tôi không bao giờ phát biểu để tạo sóng cổ phiếu", ông Hưng khẳng định trước các cổ đông. "Tôi đăng các dòng trạng thái với màu này hay màu khác, nhưng thực tế tôi không truyền tải thông điệp gì ở đó cả. Thực tế, số lượng trao đổi của tôi liên quan đến thị trường chứng khoán chỉ chiếm rất nhỏ".
Có điều, anh Hưng giờ có muốn phát biểu để tạo sóng cổ phiếu cũng không được.
Các phát biểu gần đây của anh đều không tạo được dư âm đáng kể nào như anh Hưng kỳ vọng. Thiên hạ lướt nhanh hoặc skip. Không còn thời một mình một chợ muốn nói gì cả làng đều nghe. Nên các tư vấn của SSI cũng không còn gây sóng gió như một thập kỷ về trước.
Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!
SSI có giá hợp lý quanh vùng 45,000 đồng/cp
Với lịch sử PE giao dịch trong vùng 12-18, tương ứng với mức vốn hóa của SSI trong năm 2021, Công ty Chứng khoán Funan - FNS đánh giá cổ phiếu SSI có giá hợp lý quanh vùng 45,000 đồng/cp trong năm 2021.
Còn Công ty Chứng khoán Bản Việt thậm chí còn đánh giá thấp hơn, khi cho rằng Cổ phiếu SSI đã tăng 46% trong 3 tháng qua, giá mục tiêu 41.200 đ/cp.