Viglacera (VGC) công bố doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, hoàn thành hơn một nửa kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế khoảng 913 tỷ đồng, bằng ba phần tư chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Tính riêng công ty mẹ, lợi nhuận ước đạt 1.210 tỷ đồng, cách đích kế hoạch năm khoảng 8%.
Ban lãnh đạo cho biết mảng bất động sản đóng góp chính vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp. Mảng này thu về hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu và 950 tỷ đồng lợi nhuận. Trung bình mỗi ngày, Viglacera thu hơn 5 tỷ đồng lợi nhuận từ kinh doanh địa ốc. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn ghi nhận 310 tỷ đồng cổ tức thu từ công ty liên kết.
Năm ngoái, bất động sản chiếm hơn 70% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất Viglacera. Nhờ động lực từ kinh doanh địa ốc, lợi nhuận trước thuế toàn công ty đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với 2021. Đây cũng là mức lãi lớn nhất của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin năm 2010.
Đầu năm, VGC cho biết đã khởi công xây dựng 2.000 căn hộ thuộc dự án khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) và 1.000 căn hộ tại dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh). Giai đoạn 2022-2030, doanh nghiệp này lên kế hoạch triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội.
Cập nhật quý I/2023: doanh thu giảm 28%, nợ tăng 12%
Tổng công ty CP Viglacera (VGC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu thuần đạt gần 2.775 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.
Không chỉ doanh thu thuần sụt giảm, biên lợi nhuận gộp nhà sản xuất vật liệu xây dựng này cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ khiến lợi nhuận sau thuế quý này chỉ đạt gần 152 tỷ đồng, giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là khoản lợi nhuận theo quý thấp nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận được kể từ quý IV/2020 tới nay.
Trong quý vừa qua, đóng góp chính vào cơ cấu doanh thu của Viglacera là hoạt động cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng, với 1.094 tỷ đồng, tăng gần 15%.
Trong khi đó, doanh thu bán hàng hóa lĩnh vực bất động sản (kinh doanh nhà ở thương mại) lại giảm mạnh từ 570 tỷ đồng kỳ trước xuống còn hơn 43 tỷ đồng kỳ này, tương đương giảm ròng 92%. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp mảng này cũng giảm từ 53% xuống còn 22%.
Bên cạnh đó, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm.
Dư nợ vay tài chính cuối quý I của doanh nghiệp là 4.047 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Viglacera, trong quý I, công ty đã ghi nhận 1.657 tỷ đồng từ đi vay, ngược lại cũng phải chi 1.216 tỷ đồng trả nợ gốc vay và 16 tỷ đồng trả nợ gốc thuê tài chính.
Cập nhật quý 4/2022: năm 2022 lãi hơn 1.600 tỷ nhờ cho thuê KCN và nhà ở công nhân
Năm 2022, Tổng công ty Viglacera (VGC) ghi nhận kết quả kinh doanh bất động sản tăng trưởng tốt. Lợi nhuận trước thuế của riêng mảng này ước đạt 1.622 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch năm và tăng 57% so với thực hiện năm 2021. Đây là năm thứ hai liên tiếp mảng bất động sản mang về lãi trước thuế hơn nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp này.
Những năm gần đây, bất động sản là lĩnh vực có vai trò dẫn dắt, đóng góp chính vào mức tăng trưởng lợi nhuận của công ty. Riêng năm rồi, mảng này chiếm hơn 70% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất Viglacera. Nhờ động lực từ kinh doanh địa ốc, lợi nhuận trước thuế toàn công ty ước đạt 2.288 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm và tăng 48% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi lớn nhất của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin từ năm 2010.
Báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết công ty này cho thuê được nhiều khu công nghiệp, trong đó doanh thu chủ yếu tới từ Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng với 50 ha cho thuê trong 9 tháng đầu năm. Mảng bất động sản dân cư chủ yếu ghi nhận doanh thu từ Khu đô thị Đặng Xá và các dự án nhà ở xã hội.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2023, Viglacera sẽ khảo sát và phát triển một số khu công nghiệp mới tại các địa phương có vị trí thuận lợi. Đến năm 2025, doanh nghiệp này sẽ nâng tổng số khu công nghiệp lên 20 với trên 10 khu công nghiệp mới có tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000-3.000 ha.
Ngoài khu công nghiệp, Viglacera đã khởi công xây dựng 2.000 căn hộ - dự án khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) và 1.000 căn hộ tại dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh). Dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Đồng Văn IV cũng đã hoàn thiện chuẩn bị đi vào hoạt động.
Ngoài bất động sản, mảng kinh doanh truyền thống về vật liệu xây dựng cũng góp phần lớn, nhất là mảng kính. Nguyên nhân đến từ việc hợp nhất Công ty Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ với công suất 600 tấn mỗi ngày và giá kính tăng phi mã trong nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên năm nay, VCBS đánh giá triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của VGC gặp nhiều áp lực. Về mảng bất động sản khu công nghiệp, các dự án sẵn sàng cho thuê hiện tại như Yên Phong IIC, Phú Hà, Hài Yên, Tiền Hải, Phong Điền có biên lợi nhuận thấp và diện tích còn lại không quá nhiều. Do vậy áp lực tăng trưởng về cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023 sẽ rất lớn. Về bất động sản dân cư, Viglacera đã hạch toán phần lớn các khu đô thị đã bán, do đó tiềm năng ghi nhận doanh thu năm nay sẽ không nhiều.
Về mảng vật liệu xây dựng, động lực tăng trưởng lớn của năm ngoái là kính xây dựng và gạch ốp lát, có thể gặp nhiều thách thức trong năm nay. Hiện nay, giá kính đang có đà giảm mạnh sau khi nguồn cung trong nước hồi phục và nhu cầu sụt giảm...
Cập nhật quý 3/2022: Lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2022 tăng 104%
Tổng Công ty Viglacera – CTCP (HOSE: VGC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 với doanh thu thuần đạt 3.212 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 265 tỷ đồng; tăng lần lượt là 46% và 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 221 tỷ, tăng 10,5% so với quý 3/2021. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở giữ mức 25% so với cùng kỳ.
Viglacera cho biết mức tăng trưởng lợi nhuận của tổng công ty trong quý 3 đến từ bất động sản khu công nghiệp. Đồng thời, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng cải thiện nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ, sau khi Viglacera nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 65% vào ngày 1/10/2021.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng công ty ghi nhận 11.313 tỷ đồng doanh thu tăng 51%, lợi nhuận sau thuế là 1.710 tỷ đồng tăng 104% so với cùng kỳ.
Năm nay, Viglacera đặt mục tiêu doanh thu đạt 15.000 tỷ đồng, 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với 2.049 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp đã vượt 20% chỉ tiêu lợi nhuận và hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu năm.
Cập nhật quý 2/2022: lãi hơn 1.400 tỷ đồng trong 6 tháng
Tổng công ty Viglacera (mã CK: VGC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022. Theo đó, trong quý 2, doanh thu thuần VGC đạt 4.268 tỷ đồng, tăng 45% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng doanh thu đạt 8.101 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.
Đóng góp lớn nhất vào doanh thu của VGC là doanh thu từ dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp (29%), doanh thu bán các sản phẩm kính, gương (19%), doanh thu bán các sản phẩm gạch ốp lát (19%).
Biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể trong kỳ, cụ thể lợi nhuận gộp trong quý 2 tăng 75% so với cùng kỳ lên 1.312 tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng lợi nhuận gộp đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 89% cùng kỳ.
Doanh thu tài chính trong quý 2 cũng tăng mạnh lên 22 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần quý 2/2021, đồng thời, chi phí tài chính cũng tăng lên 69 tỷ đồng từ 42 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu tài chính đạt 39 tỷ đồng và chi phí tài chính đạt 163 tỷ đồng. Phần lớn trong chi phí tài chính là chi phí lãi vay.
Các chi phí khác là chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 2 đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 40% lên 240 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 47% lên 204 tỷ đồng.
Trong quý 2, phần lãi từ công ty liên kết của VGC giảm hơn 6 tỷ so với cùng kỳ còn hơn 21 tỷ đồng nhưng luỹ kế 6 tháng lãi từ công ty liên kết đạt 63 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng.
Lợi nhuận khác của VGC chỉ đạt hơn 1 tỷ trong quý và tính từ đầu năm thì cũng lỗ khoảng 1 tỷ đồng.
Kết quả, trong quý 2, lợi nhuận trước thuế của VGC đạt 843 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.740 tỷ, tăng 121%.
Lợi nhuận sau thuế đạt 691 tỷ đồng trong quý 2 và 1.443 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 129% cùng kỳ năm trước.
Cập nhật quý 1/2022: lãi đậm nhờ mảng bất động sản hiệu quả
Cập nhật từ Tổng công ty Viglacera trong tháng 3, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 109% kế hoạch tháng, doanh thu quý 1/2022 đạt 130% kế hoạch quý, đạt 22% mục tiêu cả năm và tăng trưởng 31% so với cùng kỳ.
Năm 2022, kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 15.000 tỷ đồng, như vậy doanh thu Tổng Công ty ghi nhận riêng trong quý 1/2022 đạt 3.300 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực bất động sản đạt và vượt cao so với kế hoạch quý 1 (đạt 306% kế hoạch quý và đạt 48% kế hoạch năm).
Kết quả, lợi nhuận trước thuế tháng 3 toàn Tổng công ty đạt 129% kế hoạch tháng. Tổng cộng quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt 235% kế hoạch quý và hoàn thành 51% kế hoạch cả năm 222; lãi tăng 538 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Công ty mẹ vẫn thể hiện tốt vai trò dẫn đầu với kết quả lợi nhuận trước thuế tháng 3 đạt 113% kế hoạch tháng, lũy kế quý 1/2022 ghi nhận lãi đạt 294% kế hoạch quý, tăng 376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, hiệu quả mang lại từ nhóm Bất động sản và Kính xây dựng. Các chỉ số khác toàn Tổng công ty cơ bản bám sát và vượt kế hoạch.
Trong năm 2022, VGC đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến tăng 10% lên 1.700 tỷ đồng. Như vậy việc hoàn thành 51% kế hoạch năm đồng nghĩa lợi nhuận trước thuế quý 1 của VGC đạt 867 tỷ đồng.
Có thể nói, VGC đang kiểm soát sản phẩm, hàng tồn kho và nguồn nguyên liệu đầu vào rất tốt. Chỉ với 3 tháng đầu năm mà VGC đã đạt 50% kế hoạch lợi nhuận, dự báo Quý 2 sẽ còn vượt trội hơn và không quá sớm để nói rằng năm 2022 chắc chắn VGC sẽ đạt vượt mục tiêu đề ra.
Tổng công ty Viglacera (mã CK: VGC)
Tiền thân của Tổng Công ty là Công ty Gạch Ngói Sành Sứ được thành lập từ năm 1974. Trong quá trình hoạt động, Công ty đã nhiều lần đổi tên và thay đổi mô hình hoạt động. Năm 1993, Tổng Công ty Thủy Tinh và Gốm Xây Dựng được thành lập. Đến năm 2006, Tổng Công ty được đổi tên thành Tổng Công ty Viglacera, hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con. Tổng công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần theo Giấy CNĐKDNCP số 0100108173 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp ngày 22/07/2014.
Tổng Công ty Viglacera - CTCP là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam, đồng thời cũng được biết đến là thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản với các sản phẩm gồm khu công nghiệp cho thuê, khu đô thị, nhà ở để bán và khu thương mại - văn phòng cho thuê. Viglacera chú trọng đa dạng hóa sản xuất và sản phẩm nhằm cung cấp trọn gói và đồng bộ các loại vật liệu xây dựng cho các dự án lớn tại thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Viglacera là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Viglacera là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tin cậy có danh mục đa dạng phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Viglacera định hướng trở thành doanh nghiệp đa quốc gia, hoạt động sản xuất kinh doanh trên 2 lĩnh vực cốt lõi là: Sản xuất kinh doanh các loại vật liệu xây dựng đồng bộ, cao cấp với chất lượng hàng đầu Việt Nam, thân thiện môi trường và đầu tư kinh doanh bất động sản đa lĩnh vực, ưu tiên phát triển hạ tầng KCN, đô thị và nhà ở với những tiện ích tối đa cho khách hàng.
Viglacera vốn là "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, được thành lập từ năm 1974. Trong những năm 2000, công ty bắt đầu rót tiền vào bất động sản và gần đây trở thành lĩnh vực có vai trò dẫn dắt, đóng góp chính vào mức tăng trưởng lợi nhuận. Công ty thường được biết đến với dự án Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), nơi Samsung đặt nhà máy sản xuất.
VGC đang sở hữu và vận hành 12 khu bất động sản công nghiệp, hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 16 tỷ USD vốn FDI. Đến năm 2025, Viglacera cho biết sẽ nâng tổng số khu công nghiệp lên 20, tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000-3.000 ha.
Ngoài khu công nghiệp, công ty cũng tham gia nhiều phân khúc gồm khu nghỉ dưỡng, khu đô thị, nhà vườn và chung cư. Thời gian gần đây, Viglacera dần đẩy mạnh mảng nhà ở xã hội.