Định giá cổ phiếu VCB (Vietcombank): SSI duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN, giá mục tiêu 103.750 đồng/cp

SSI & VNDirect & Bản Việt

15/03/2023 08:23

Hoạt động cho vay của VCB (Vietcombank) tương đối thận trọng nên ngân hàng có thể sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những rủi ro gia tăng so với các ngân hàng khác.

 


SSI duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu VCB, với giá mục tiêu 1 năm là 103.750 đồng/cp (từ 89.600 đồng) do điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận cho năm 2023 thêm 15% lên 44,6 nghìn tỷ đồng (+19,4% so với cùng kỳ).

Hoạt động cho vay của VCB tương đối thận trọng so với các ngân hàng cùng hệ thống, do đó, ngân hàng có thể sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những rủi ro gia tăng trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp hơn so với nhóm các ngân hàng TMCP tư nhân.

Cập nhật ngày 21/6/2022: Cơ hội tích lũy, giá mục tiêu 95.600 đồng/cp

Tâm lý thị trường tiêu cực từ các quy định chặt chẽ về thị trường vốn đã làm giảm giá cổ phiếu VCB (Vietcombank), nhưng tạo cơ hội tích lũy.

VCB đặt kế hoạch năm 2022 là tăng trưởng tín dụng 15% svck và lợi nhuận trước thuế đạt 30.675 tỷ đồng (+12% svck). Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ cao hơn so với kế hoạch, đạt 21,4%/20,4% svck trong 2022-2023, do chi phí trích lập dự phòng giảm.

Cải thiện CASA giúp bù đắp chi phí huy động vốn tăng

Nhờ các chính sách miễn phí, tiền gửi không kỳ hạn của VCB đã tăng 27,6% svck; 7,3% sv đầu năm để đưa tỷ lệ tài khoản tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên mức cao lịch sử 33,4% vào cuối Q1/22; cao thứ 4 trong số các ngân hàng thương mại.

Ước tính VCB hiện đang nắm giữ 8,5% thị phần tiền gửi trong nước, có vị thế tốt nhất để quản trị chi phí huy động ngày càng tăng. Vì vậy, VCB là một trong số ít ngân hàng có tỷ lệ NIM tăng trong Q1/22 (tăng 24 điểm cơ bản svck, lên 3,4%).

Kỳ vọng NIM năm 2022 sẽ ở mức 3,2% nhờ tỷ lệ CASA cao (~ 35% vào cuối năm 2022) và tỷ lệ cho vay trên huy động thấp (~ 82% vào cuối năm 2022).

VCB sẽ tiếp nhận một tổ chức tài chính

Theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt, VCB và MBB sẽ nhận lại 1 tổ chức tín dụng đang chịu sự giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam với chi phí bằng không. Trong trường hợp này, VCB sẽ được tăng trưởng tín dụng không giới hạn nhưng vẫn phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn bắt buộc (CAR).

Báo cáo tài chính của ngân hàng này sẽ không được hợp nhất vào VCB trong giai đoạn tái cơ cấu và NHNN sẽ cung cấp gói cho vay lãi suất 0% nhằm giải quyết một phần lỗ lũy kế.

Sau khi tái cơ cấu, VCB được phép sáp nhập ngân hàng này, hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư, hoặc chào bán ra công chúng (IPO).

LN ròng tăng trưởng mạnh mẽ với chất lượng tài sản tốt nhất 2022-2023

Dự báo thu nhập lãi thuần (NII) tăng 9,5%/14,8% svck trong 2022-2023, cùng với tăng trưởng cho vay đạt 14,5%/13,0% và tỷ lệ NIM ổn định là 3,2%. Thu nhập ngoài lãi dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ đạt 28,7%/21,3% svck trong năm 2022-2023 nhờ thu nhập từ phí và hoạt động ngoại hối.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đạt 424,4% cùng với tỷ lệ nợ xấu thấp 0,64% vào cuối năm 2021, giúp VCB giảm chi phí trích lập dự phòng trong 2 năm tới.

Duy trì khuyến nghị Khả quan với mức giá mục tiêu mới là 95.600 đồng

Giá mục tiêu 1 năm được điều chỉnh tăng 2,8%, sau khi lợi nhuận năm 2022-2024 được điều chỉnh.

Theo quan điểm của VNDirect, tâm lý thị trường tiêu cực từ các quy định chặt chẽ về thị trường vốn đã làm giảm giá cổ phiếu của VCB, nhưng tạo cơ hội tích lũy cổ phiếu này trong dài hạn.

Rủi ro giảm giá bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến có thể cản trở tăng trưởng tín dụng và nợ xấu cao hơn dự kiến.

Cập nhật ngày 26/8/2021: Giảm giá mục tiêu cổ phiếu VCB (Vietcombank) do giảm lãi suất cho vay sẽ làm giảm lợi nhuận

Bản Việt điều chỉnh giảm giá mục tiêu 7,1% xuống 101.200 đồng/CP và duy trì đánh giá PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu là do định giá thấp hơn theo cả phương pháp thu nhập thặng dư và phương pháp P/B mục tiêu, đến từ mức giảm tổng cộng 7,7% trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS cho giai đoạn 2021-2025. 

Điều chỉnh giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021 xuống 9,0% do (1) dự phóng thu nhập từ lãi (NII) giảm 6,1% sau mức cắt giảm 13 điểm cơ bản cho dự báo NIM  2021, chủ yếu do chương trình cắt giảm lãi suất cho vay của VCB trong nửa cuối 2021, (2) dự báo thu nhập phí thuần (NFI) (bao gồm cả ngoại hối) giảm 2,1% do tác động tiêu cực của làn sóng COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam và (3) chi phí dự phòng dự báo tăng 0,6%. Điều này được bù đắp một phần bởi chi phí từ HĐKD (OPEX) giảm 1,7%. 

Cắt giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS 2022-2025 của chúng tôi tổng cộng 7,5%, đến từ mức giảm lần lượt là 2,0% và 17,9% trong các dự báo đối với NII và NFI (bao gồm giao dịch ngoại hối). 

Giữ nguyên giả định về đợt phát hành dự kiến 307,6 triệu cổ phiếu thông qua phát hành riêng lẻ/công khai sẽ diễn ra vào năm 2022 với giá 95.000 đồng/CP. 

vcb-aug27-1630034751.jpeg

Bản Việt điều chỉnh giảm giá mục tiêu 7,1% xuống 101.200 đồng/CP và duy trì đánh giá PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).

ROE và ROA dự phóng năm 2021 lần lượt là 20,8% và 1,53% so với mức trung bình của các công ty cùng ngành là 21,2% và 2,05%. Tuy nhiên, VCB có định giá khá phù hợp với P/B năm 2021 là 3,4 lần. 

Rủi ro: (1) Việc huy động vốn không thành công như dự kiến; (2) rủi ro giảm tiền gửi USD, chủ yếu từ các doanh nghiệp lớn, vốn không trả lãi và được cho ít ổn định hơn CASA bán lẻ.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB)

VCB được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/4/1963 với tổ chức tiền thân là Cục Ngoại hối (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên được Chính phủ lựa chọn thực hiện thí điểm cổ phần hoá, Vietcombank chính thức hoạt động với tư cách là một ngân hàng thương mại cổ phần vào ngày 02/06/2008 sau khi thực hiện thành công kế hoạch cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Ngày 30/6/2009, cổ phiếu Vietcombank (mã chứng khoán VCB) chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Trải qua 58 năm xây dựng và trưởng thành, Vietcombank đã có những đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển của kinh tế đất nước, phát huy tốt vai trò của một ngân hàng đối ngoại chủ lực, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế trong nước, đồng thời tạo những ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu.

Từ một ngân hàng chuyên doanh phục vụ kinh tế đối ngoại, Vietcombank ngày nay đã trở thành một ngân hàng đa năng, hoạt động đa lĩnh vực, cung cấp cho khách hàng đầy đủ các dịch vụ tài chính hàng đầu trong lĩnh vực thương mại quốc tế; trong các hoạt động truyền thống như kinh doanh vốn, huy động vốn, tín dụng, tài trợ dự án…cũng như mảng dịch vụ ngân hàng hiện đại: kinh doanh ngoại tệ và các công vụ phái sinh, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử…

Sở hữu hạ tầng kỹ thuật ngân hàng hiện đại với việc chuyển đổi thành công hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) vào đầu năm 2020, Vietcombank có nhiều lợi thế trong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý tự động các dịch vụ ngân hàng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Không gian giao dịch công nghệ số cùng các dịch vụ ngân hàng số đa tiện ích cung cấp cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp như: VCB Digibank, VCB Pay, VCB - iB@nking, VCB CashUp... đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút đông đảo khách hàng bằng sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho đông đảo khách hàng.

Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động trên thị trường, Vietcombank hiện là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam. Vietcombank hiện có gần 600 chi nhánh/phòng giao dịch/văn phòng đại diện/đơn vị thành viên trong và ngoài nước gồm: Trụ sở chính tại Hà Nội; 116 Chi nhánh; 474 phòng giao dịch; 04 Công ty con ở trong nước (Công ty Cho thuê tài chính, Công ty chứng khoán, Công ty Kiều hối, Công ty Cao ốc Vietcombank 198); 03 Công ty con ở nước ngoài (Công ty Vinafico Hongkong, Công ty chuyển tiền Vietcombank tại Mỹ, Ngân hàng con tại Lào); 01 Văn phòng đại diện tại TP. HCM; 01 Văn phòng đại diện tại Singapore, 01 Văn phòng đại diện tại Mỹ ; 03 Đơn vị sự nghiệp: Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; 01 Trung tâm xử lý tiền mặt tại Hà Nội và 01 Trung tâm xử lý tiền mặt tại Tp. Hồ Chí Minh; 03 Công ty liên doanh, liên kết.

Về nhân sự, Vietcombank hiện có trên 20.000 cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, Vietcombank còn phát triển một hệ thống Autobank với hơn 2.500 máy ATM và trên 60.000 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ trên toàn quốc. Hoạt động ngân hàng còn được hỗ trợ bởi mạng lưới 1.249 ngân hàng đại lý tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…

Với bề dày hoạt động và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhạy bén với môi trường kinh doanh hiện đại, mang tính hội nhập cao, Vietcombank luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn và của đông đảo khách hàng cá nhân.

 

SSI & VNDirect & Bản Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.