Một chuyên gia viễn thông tại Việt Nam nhận định việc các ngân hàng cho rằng nhà mạng thu phí dịch vụ SMS cao không phải do các nhà mạng tăng giá mà bản chất nằm ở việc các ngân hàng đang không thể cân đối giữa khoản thu từ khách hàng và chi phí cho dịch vụ SMS.
"Các ngân hàng đang thu đồng giá dịch vụ SMS banking với tất cả khách hàng, tuy nhiên có người sử dụng ít, có người lại sử dụng rất nhiều. Đặc biệt là trong giai đoạn các thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh khiến người dùng chuyển đổi mua sắm sang kênh online. Xu hướng này phát sinh nhiều giao dịch trực tuyến, từ mã OTP (mật khẩu 1 lần), biến động số dư, tin nhắn cảnh báo, dẫn tới lượng SMS mà chủ tài khoản ngân hàng sử dụng tăng mạnh", vị này nhận định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng việc các ngân hàng tăng phí SMS Banking còn nhằm chuyển dịch người dùng sang sử dụng các ứng dụng của ngân hàng để thực hiện giao dịch và nhận thông báo thay kênh SMS. "Việc này vừa giúp ngân hàng có thêm người dùng ứng dụng banking trên điện thoại thông minh, vừa tiết kiệm khoản ngân hàng phải chi cho SMS từ các nhà mạng.
Còn theo đại diện một số nhà mạng lớn tại Việt Nam, dịch vụ tin nhắn SMS của các ngân hàng thuộc loại hình tin nhắn định danh (brandname) cho các doanh nghiệp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và hệ thống mạng cao hơn nên phí dịch vụ cũng cao hơn so với tin nhắn SMS thông thường.
Cụ thể, vị này cho biết đặc thù tin nhắn các ngân hàng yêu cầu thỏa thuận mức độ dịch vụ (SLA) ở mức cao nhất, do đó nhà mạng phải triển khai trên một hệ thống riêng biệt để luôn đảm bảo dự phòng tránh sự cố gây gián đoạn dịch vụ, cũng như có tốc độ xử lý tin nhắn nhanh giúp ngân hàng gửi tin nhắn với số lượng lớn tại một thời điểm.
"Nhà mạng phải đầu tư nâng cấp hệ thống riêng, phải có nhân sự túc trực 24/7, phải đảm bảo cả tốc độ, bảo mật, độ ổn định nên giá cước SMS brandname ở mức độ SLA cao không thể thấp như giá cước SMS thông thường được", đại diện một doanh nghiệp viễn thông chia sẻ.
Các nhà mạng cũng cho biết mức giá với dịch vụ tin nhắn SMS brandname được áp dụng chung với tất cả khách hàng có nhu cầu sử dụng chứ không riêng biệt với ngân hàng. Đồng thời, mức giá đã được áp dụng từ nhiều năm nay, không có sự điều chỉnh giá cước như các ngân hàng tuyên bố. Bên cạnh đó trong mùa dịch, các nhà mạng cũng đã hỗ trợ miễn phí, giảm giá lượng lớn tin nhắn brandname cho các ngân hàng.
Trong số 49 ngân hàng có vốn Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chỉ có 2 ngân hàng miễn phí dịch vụ SMS Banking cho khách hàng. Các ngân hàng còn lại hiện thu phí dao động quanh mức 5.000-10.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT). Đặc biệt, tại một số nhà băng, mức phí duy trì dịch vụ này lên tới 15.000-20.000 đồng/tháng.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với số lượng tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động lên tới cả trăm đơn vị, chi phí viễn thông cả hệ thống ngân hàng trả cho các nhà mạng lên tới vài nghìn tỷ/tháng. Nhiều ngân hàng thông báo đang phải gánh khoản lỗ từ dịch vụ SMS Banking và phải điều chỉnh tăng mức thu của khách hàng.
Cập nhật ngày 19/2/2021: Vietcombank tăng phí tin nhắn lên 55.000 - 77.000 đồng/tháng, người dùng than 'bị cắt cổ'
Nhiều người dùng dịch vụ tin nhắn thông báo số dư (SMS Banking) của Ngân hàng Vietcombank đã té ngửa khi bị trừ phí tháng 1-2022 với mức phí tăng gấp 5-7 lần so với tháng trước, có nhiều trường hợp bị thu 55.000-77.000 đồng/tháng.
Chị Vân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết chiều 19-2 chị nhận tin nhắn trừ phí dịch vụ SMS Banking tháng 1-2022 từ Ngân hàng Vietcombank với mức phí 55.000 đồng kèm ghi chú (78).
"Tôi không tin vào mắt mình vì phí SMS Banking của tháng trước chỉ 11.000 đồng trong khi tháng này tăng gấp 5 lần. Tôi cũng đoán con số 78 mà ngân hàng ghi chú là 78 tin nhắn. Như vậy giá mỗi tin nhắn lên đến 705 đồng (đã bao gồm thuế VAT). Theo tôi, mức phí này quá cao", chị Vân nói.
Chị Phương (bán hàng online) cho biết chị sử dụng dịch vụ SMS Banking của Vietcombank nhiều năm qua. Trước đây ngân hàng thu phí trên từng giao dịch chuyển khoản, còn phí thông báo số dư thu theo tháng. Sau đó ngân hàng cho đăng ký theo gói và nếu khách hàng thỏa điều kiện sẽ được miễn phí chuyển khoản nhưng vẫn thu phí SMS Banking với mức 11.000 đồng/tháng.
"Bỗng nhiên tháng này tôi bị thu đến 77.000 đồng, gấp 7 lần so với tháng trước. Tôi đã gọi lên tổng đài Vietcombank và được trả lời là ngân hàng mới thay đổi chính sách từ đầu năm nay. Theo đó, thay vì thu theo gói là 11.000 đồng/tháng thì ngân hàng áp dụng phí dịch vụ ngân hàng qua tin nhắn SMS theo số lượng tin nhắn trong tháng.
Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn SMS qua tài khoản của khách hàng dưới 20 tin, phí là 10.000 đồng/tháng/số điện thoại (chưa tính VAT) và sẽ tăng dần. Mức phí SMS cao nhất là 70.000 đồng/tháng nếu từ 100 tin nhắn trở lên", chị Phương bức xúc.
Người dùng kêu trời sau khi nhận tin nhắn thu phí từ Vietcombank - Ảnh chụp màn hình
Sau đó chị Phương lục lại tin nhắn đã nhận từ ngân hàng thì phát hiện có 1 tin nhắn mà ngân hàng gửi vào ngày 31-12-2021 với nội dung: "Vietcombank thay doi phi SMS CHU DONG tu 1-1-2022. Quy khach co the lua chon nhan thong bao so du qua App VCB Digibank MIEN PHI. Chi tiet https://bit.ly/VCBSMS ".
"Do tin nhắn gửi đến ngay thời điểm cuối năm bận rộn, lại quá ngắn gọn nên tôi không kịp xem và cũng không ngờ mức phí sau khi thay đổi lại 'cắt cổ' như vậy", chị Phương bức xúc.
Bảng giá dịch vụ SMS Banking của Ngân hàng Vietcombank áp dụng từ tháng 1-2022 - Ảnh chụp màn hình
Sau khi Ngân hàng Vietcombank thu phí SMS Banking tháng 1, trên mạng xã hội và trên khắp các diễn đàn liên tục xôn xao vì mức phí quá cao. Trên diễn đàn Người Đồng Nai có người đã đặt câu hỏi: "Anh em ai xài Vietcombank có ai bị trừ phí cao bất ngờ hôm nay không? Tớ vừa bị trừ tận 77.000 đồng". Trên các diễn đàn khác là hàng loạt lời cảm thán: "Có ai nhìn tiền thu phí SMS Banking mà muốn xỉu như tôi không. Hẳn 55-77K".
Kèm theo đó là hướng dẫn hủy tin nhắn SMS Banking và thay vào đó chỉ lựa chọn thông báo số dư qua app. Một số người còn tuyên bố sẽ chuyển sang dùng dịch vụ của các ngân hàng khác.
Cuối năm 2021, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gửi email cho khách hàng thông báo giảm toàn bộ phí dịch vụ trên ứng dụng ngân hàng số như phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền… Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đồng thời tăng phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng lên 11.000-77.000 đồng/tháng tùy số lượng tin nhắn.
Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn trong tháng dưới 20 tin, Vietcombank thu phí 11.000 đồng/tháng; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn là 27.500 đồng/tháng; từ 50 đến dưới 100 tin là 55.000 đồng/tháng; từ 100 tin nhắn trở lên là 77.000 đồng/tháng. Như vậy nếu tính cả năm người dùng có thể phải đóng phí tin nhắn SMS cao nhất lên tới 924.000 đồng.
Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo thu phí SMS Banking theo số lượng tin nhắn. Theo đó, với 0-15 tin nhắn/tháng, ngân hàng thu phí 9.900 đồng; từ 16-50 tin nhắn/tháng thu phí 33.000 đồng; từ 51-100 tin nhắn/tháng, BIDV thu phí 60.500 đồng và từ 100 SMS/tháng thu phí 77.000 đồng.
Tại Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), phí SMS Banking được tính theo số lượng: 0-15 tin nhắn/tháng phí 13.200 đồng, 16-30 tin nhắn/tháng phí 19.800 đồng, 31-60 tin nhắn/tháng phí 44.000 đồng, trên 61 tin nhắn/tháng 82.500 đồng. Như vậy mức thu cao nhất có thể lên đến 1.022.000 đồng/năm.
Sacombank cũng miễn phí gửi thông báo biến động số dư tài khoản thanh toán của khách hàng qua ứng dụng Sacombank Pay, trong khi tiếp tục thu phí dịch vụ SMS Banking 10.000 đồng/tháng chưa gồm thuế GTGT.
Từ đầu năm 2022, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng áp dụng chính sách ngưng SMS thông báo giao dịch thẻ từ 100.000 đồng và chuyển sang hình thức thông báo qua email.
Đại diện một số ngân hàng cho biết hiện nay các ngân hàng chuyển sang tin nhắn qua app ngân hàng để thuận tiện cho khách hàng khi giao dịch qua app, tiết kiệm chi phí và cũng bảo mật hơn, hạn chế tin nhắn giả mạo.
Nguyên nhân chính sâu xa dẫn đến việc các ngân hàng thay đổi chính sách thu phí này là do nhà mạng neo phí tin nhắn quá cao và không "triệt" được nạn tin nhắn mạo danh ngân hàng.
Hơn một năm qua, các ngân hàng đã thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiều lần gửi kiến nghị nhưng nhà mạng quyết không giảm phí tin nhắn.
Cập nhật ngày 21/5/2021: Cảnh báo mạo danh tin nhắn của Vietcombank chiếm đoạt tiền của khách
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hôm 21-5 cho hay đang xuất hiện hiện tượng mạo danh tin nhắn Vietcombank để lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền của khách hàng trong tài khoản.
Kẻ lừa đảo nhắn tin thông báo cho khách hàng với nội dung "tài khoản khách hàng đã bị khóa" rồi lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo để đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng. Kẻ lừa đảo thường giả mạo đường link chỉ sai khác một vài ký tự hoặc chi tiết so với đường link thật nên rất dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Mục đích là nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Đây là hình thức lừa đảo đã được Vietcombank và các cơ quan chức năng cảnh báo tới khách hàng giai đoạn vừa qua.
Vietcombank cho biết đã khẩn trương trao đổi thông tin với khách hàng và đang phối hợp với Bộ Công an để điều tra và áp dụng các biện pháp sớm ngăn chặn phương thức lừa đảo này.
Nhằm đảm bảo an toàn thông tin và tài khoản của khách hàng, Vietcombank xin khuyến cáo ngân hàng chỉ có duy nhất 1 địa chỉ website tại đường dẫn: https://vietcombank.com.vn/. Khách hàng lưu ý chỉ truy cập website chính thức của Vietcombank để đăng nhập sử dụng dịch vụ ngân hàng số.
Vietcombank không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). Do đó, khách hàng hãy xóa và tuyệt đối không bấm vào đường link khi nhận được các thông tin dạng này.
Trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, khách hàng nên chủ động thực hiện các biện pháp khẩn cấp gồm khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến; đổi mật khẩu của dịch vụ đã cung cấp thông tin cho kẻ gian; gọi điện ngay cho ngân hàng và chủ động trình báo vụ việc tới cơ quan công an trong trường hợp bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Đồng thời, khách hàng cần thực hiện đúng các nguyên tắc giao dịch an toàn được Vietcombank thường xuyên cập nhật tại chuyên mục "Khách hàng cá nhân/Giao dịch an toàn" trên website Vietcombank.
Nếu nhận được các tin nhắn giả mạo hay nghi ngờ giả mạo, quý khách hãy liên hệ ngay với Vietcombank qua số hotline 1900545413 hoặc điểm giao dịch Vietcombank gần nhất để được trợ giúp.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB)
VCB được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/4/1963 với tổ chức tiền thân là Cục Ngoại hối (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên được Chính phủ lựa chọn thực hiện thí điểm cổ phần hoá, Vietcombank chính thức hoạt động với tư cách là một ngân hàng thương mại cổ phần vào ngày 02/06/2008 sau khi thực hiện thành công kế hoạch cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Ngày 30/6/2009, cổ phiếu Vietcombank (mã chứng khoán VCB) chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Trải qua 58 năm xây dựng và trưởng thành, Vietcombank đã có những đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển của kinh tế đất nước, phát huy tốt vai trò của một ngân hàng đối ngoại chủ lực, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế trong nước, đồng thời tạo những ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu. Từ một ngân hàng chuyên doanh phục vụ kinh tế đối ngoại, Vietcombank ngày nay đã trở thành một ngân hàng đa năng, hoạt động đa lĩnh vực, cung cấp cho khách hàng đầy đủ các dịch vụ tài chính hàng đầu trong lĩnh vực thương mại quốc tế; trong các hoạt động truyền thống như kinh doanh vốn, huy động vốn, tín dụng, tài trợ dự án…cũng như mảng dịch vụ ngân hàng hiện đại: kinh doanh ngoại tệ và các công vụ phái sinh, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử…
Sở hữu hạ tầng kỹ thuật ngân hàng hiện đại với việc chuyển đổi thành công hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) vào đầu năm 2020, Vietcombank có nhiều lợi thế trong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý tự động các dịch vụ ngân hàng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử dựa trên nền tảng công nghệ cao. Không gian giao dịch công nghệ số cùng các dịch vụ ngân hàng số đa tiện ích cung cấp cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp như: VCB Digibank, VCB Pay, VCB - iB@nking, VCB CashUp... đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút đông đảo khách hàng bằng sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho đông đảo khách hàng.
Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động trên thị trường, Vietcombank hiện là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam. Vietcombank hiện có gần 600 chi nhánh/phòng giao dịch/văn phòng đại diện/đơn vị thành viên trong và ngoài nước gồm: Trụ sở chính tại Hà Nội; 116 Chi nhánh; 474 phòng giao dịch; 04 Công ty con ở trong nước (Công ty Cho thuê tài chính, Công ty chứng khoán, Công ty Kiều hối, Công ty Cao ốc Vietcombank 198); 03 Công ty con ở nước ngoài (Công ty Vinafico Hongkong, Công ty chuyển tiền Vietcombank tại Mỹ, Ngân hàng con tại Lào); 01 Văn phòng đại diện tại TP. HCM; 01 Văn phòng đại diện tại Singapore, 01 Văn phòng đại diện tại Mỹ ; 03 Đơn vị sự nghiệp: Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; 01 Trung tâm xử lý tiền mặt tại Hà Nội và 01 Trung tâm xử lý tiền mặt tại Tp. Hồ Chí Minh; 03 Công ty liên doanh, liên kết. Về nhân sự, Vietcombank hiện có trên 20.000 cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, Vietcombank còn phát triển một hệ thống Autobank với hơn 2.500 máy ATM và trên 60.000 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ trên toàn quốc. Hoạt động ngân hàng còn được hỗ trợ bởi mạng lưới 1.249 ngân hàng đại lý tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…
Với bề dày hoạt động và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhạy bén với môi trường kinh doanh hiện đại, mang tính hội nhập cao, Vietcombank luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn và của đông đảo khách hàng cá nhân.