Cụ thể, nhà băng này cho biết trước đây ngân hàng áp dụng miễn phí toàn bộ sản phẩm thẻ cá nhân với 2 dịch vụ kích hoạt thẻ tại quầy và phí gửi thẻ trực tiếp. Tuy nhiên, từ 1/7, 2 dịch vụ này sẽ bị tính phí 20.000 đồng/thẻ, áp dụng với toàn bộ sản phẩm thẻ cá nhân.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng tăng 2 loại phí đối với thẻ tín dụng quốc tế. Trong đó, phí chấm dứt sử dụng thẻ tín dụng quốc tế vật lý tăng từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng/thẻ. Áp dụng với toàn bộ sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế cá nhân (ngoại trừ thẻ Visa Signature) và không áp dụng với thẻ phi vật lý.
Với phí không thanh toán đủ số tiền thanh toán tối thiểu trên thẻ tín dụng quốc tế, Vietcombank vẫn áp dụng thu phí 3% giá trị thanh toán tối thiểu chưa thanh toán. Tuy nhiên, mức thu tối thiểu được điều chỉnh tăng từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng. Đồng thời chính sách này sẽ áp dụng với toàn bộ thẻ dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng tổ chức không phân biệt hạng thẻ (bao gồm cả các sản phẩm thẻ liên kết). Trước đó, khách sạn sở hữu thẻ hạng Platinum trở lên được miễn trừ áp dụng loại phí này.
Với thẻ ghi nợ (ATM), Vietcombank điều chỉnh 4 loại phí dịch vụ từ 1/7. Trong đó, phí duy trì thẻ ghi nợ nội địa và quốc tế công nghệ từ trước đây không thu, từ 1/7 sẽ bị tính phí 10.000 đồng/tháng/thẻ. Chính sách này sẽ không bao gồm khách hàng đã chuyển đổi Chip.
Vietcombank cho biết sẽ hoàn lại khoản phí này trong trường hợp khách hàng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip và/hoặc khóa thẻ từ trong vòng 3 tháng kể từ ngày thu phí. Trường hợp ngân hàng thu phí không thành công, thẻ từ của khách hàng sẽ bị khóa tự động.
Khách hàng cũng phải trả 50.000 đồng/thẻ phí chấm dứt sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế vật lý thay vì được miễn phí như trước đây. Tuy nhiên, Vietcombank cũng lưu ý quy định này không áp dụng với thẻ phi vật lý.
Ngược lại, Vietcombank cho biết sẽ áp dụng miễn phí đòi bồi hoàn đối với thẻ ghi nợ nội địa, thay vì áp dụng mức 45.454 đồng/giao dịch như trước.
Trong nhiều năm, Vietcombank luôn là một trong những nhà băng áp dụng nhiều chính sách ưu đãi phí dịch vụ thẻ cho các khách hàng, đặc biệt là dịch vụ trên ngân hàng số. Đây là lần tăng phí dịch vụ hiếm hoi của ngân hàng này áp dụng.
Cập nhật ngày 1/6/2023: tăng vốn điều lệ lên 55.891 tỷ bằng việc phát hành cổ phiếu
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên mức 55.891 tỷ đồng.
Phương án tăng vốn sẽ được thực hiện bằng việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019-2020 sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua.
Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 856,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ thực hiện quyền là 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại thời điểm phát hành sẽ được nhận 181 cổ phiếu mới).
Nếu phát hành thành công, Vietcombank sẽ trở thành nhà băng có vốn điều lệ lớn thứ hai trong ngành, chỉ xếp sau ngân hàng tư nhân VPBank.
Vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông.
Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc phát hành cổ phiếu theo quy định, Vietcombank phải thực hiện sửa đổi điều lệ, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng đang có kế hoạch triển khai đến 3 phương án tăng vốn điều lệ.
Bên cạnh đợt chia cổ tức đã được NHNN chấp thuận kể trên, nhà băng này còn đề xuất tăng vốn từ lợi nhuận còn lại của năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018, với tổng mức tăng thêm khoảng 27.000 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ phát hành khoảng 58,4%). Phương án này đang triển khai thủ tục với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, ngân hàng còn có kế hoạch tăng vốn khác là phát hành riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,5%). Hiện Vietcombank đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến thực hiện trong năm 2023-2024.
Theo báo cáo kinh doanh quý đầu năm, tổng thu nhập của Vietcombank đạt khoảng 18.500 tỷ đồng quý I, tăng 11% so cùng kỳ.
Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng nhích nhẹ lên mức 0,8%, trong khi tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành tăng lên 1,9%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đi ngược xu thế ngành duy trì quanh mức 320%, còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu của top 15 ngân hàng niêm yết giảm mạnh từ 150% xuống 130% trong quý đầu năm.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I của nhà băng này đạt 11.221 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Vốn chủ sở hữu ở mức 144.658 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ so với hồi đầu năm và tiếp tục dẫn đầu hệ thống ngân hàng.
Cập nhật ngày 1/2/2023: bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng làm Tổng giám đốc
Vietcombank bổ nhiệm Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Nguyễn Thanh Tùng, người đã gắn bó 26 năm, làm tổng giám đốc.
Trước đó, ông là Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành từ tháng 8/2021. Từ đó đến nay, theo đánh giá của Chủ tịch Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng đã điều hành hệ thống hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ dù giai đoạn thị trường nhiều biến động chưa có tiền lệ.
Ông Tùng cũng được bầu bổ sung làm Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 - 2023, tại đại hội cổ đông bất thường của Vietcombank, diễn ra cùng ngày 30/1. Đại hội bất thường bên cạnh đó, cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018.
Tân tổng giám đốc Vietcombank sinh năm 1974, sinh tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp đại học ngoại thương ngành kinh tế ngoại thương và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ ngành Tiếng Anh, đồng thời là thạc sĩ kinh tế của Đại học Tổng hợp Paris Dauphine/ESCP.
Ông Tùng bắt đầu làm việc tại Vietcombank từ 1997 với vị trí là cán bộ phòng tín dụng quốc tế - Hội sở chính Vietcombank. Sau gần 4 năm, ông làm Thư ký Ban điều hành và Thư ký Hội đồng quản trị của Hội sở chính Vietcombank. Tới cuối 2004, ông làm Phó chánh văn phòng kiêm Thư ký Hội đồng quản trị - Hội sở chính.
Từ đầu 2008, ông được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Vietcombank và tới giữa năm 2013, làm Phó giám đốc Chi nhánh Sở giao dịch Vietcombank. Sau đó, ông lần lượt giữ cương vị Quyền giám đốc, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Tây Hồ, Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp trụ sở chính, Giám đốc khối bán buôn khiêm Giám đốc ban khách hàng doanh nghiệp Trụ sở chính.
Tháng 4/2019, ông lên làm Phó tổng giám đốc phụ trách khối bán buôn và từ tháng 8/2021 là Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành.
Cập nhật ngày 18/12/2021: sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức
Ngày 23/12 tới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam sẽ chốt quyền trả cổ tức năm 2020 và năm 2019. Theo đó, Vietcombank sẽ trả cổ tức còn lại năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.200 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 5/1/2022.
Đồng thời, Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,023 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 1.000:276, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2021, cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng, bao gồm hai đợt. Với đợt đầu tiên, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,024 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019. Sau đợt phát hành đầu tiên, vốn điều lệ của Vietcombank tăng thêm 10.236 tỷ đồng, nâng vốn lên hơn 47.325 tỷ đồng và thực hiện dự kiến trong năm 2021.
Phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank sau khi phát hành cổ phiếu chia cổ tức. Khối lượng phát hành là 307,61 triệu cổ phiếu; trong đó phát hành cho đối tác chiến lược Mizuho để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến hơn 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) và phát hành cho các nhà đầu tư khác có thể gồm cả Mizuho dự kiến gần 261,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành.
Cập nhật ngày 24/10/2021: Vietcombank lần đầu chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 10 năm
Sau nhiều năm trả tiền mặt, Vietcombank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ hơn 27% để tăng vốn điều lệ lên 47.300 tỷ đồng.
Ngày 22/10, Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) ban hành Nghị quyết phê duyệt tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019, theo phương án đã được Đại hội cổ đông thông qua.
Theo đó, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền. Sau phát hành, vốn điều lệ thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Trước đó, vào giữa tháng 9, Thủ tướng đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung 7.600 tỷ đồng tại nhà băng này để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Hiện tại, cổ đông nhà nước đang chiếm 74,8% vốn của ngân hàng.
Như vậy, đây là lần đầu tiên nhà băng này được phép tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu kể từ năm 2011. Phần lớn cổ tức các năm đều được chia bằng tiền mặt. Trước đó, Vietcombank từng thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2018 nhưng cũng chưa được thực hiện do "phụ thuộc hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước".
Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu, Đại hội cổ đông vào tháng 4 năm nay cũng thông qua phương án phát hành riêng lẻ cổ phiếu riêng lẻ quy mô tối đa 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, có thể gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu.
Cập nhật tháng 9/2021: Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Vietcombank (VCB) phát hành cổ phiếu để trả cổ tức
Thủ tướng phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.657 tỷ đồng theo nội dung Tờ trình ngày 9/8/2021 của NHNN để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Hiện tại, Nhà nước đang sở hữu 74,8% vốn Vietcombank.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng, bao gồm hai cấu phần. Trong đó, cấu phần thứ nhất, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,024 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019. Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank tăng thêm 10.236 tỷ đồng, qua đó nâng mức vốn lên hơn 47.325 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021.
Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank sau khi phát hành cổ phiếu chia cổ tức. Khối lượng phát hành là 307,61 triệu cổ phiếu (khối lượng chào bán có thể điều chỉnh tùy theo vốn điều lệ tại thời điểm phát hành); trong đó phát hành cho đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến hơn 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho và phát hành cho các nhà đầu tư khác có thể gồm cả Mizuho dự kiến gần 261,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành.
Nửa đầu năm 2021, Vietcombank đạt 13.569 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 23,6% so với 6 tháng đầu năm 2020. Với mức lợi nhuận này, Vietcombank đã hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng và vẫn là quán quân lợi nhuận toàn hệ thống.
Ngân hàng VCB có nhiều "của để dành"
Tăng trưởng của Vietcombank có 3 trụ cột chính, đó là tiền gửi giá rẻ, bán lẻ và thu dịch vụ.
Với trụ cột thứ nhất, Vietcombank hiện có nguồn tiền giá rẻ quy mô lớn nhất hệ thống (dưới 2%), tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ngày càng tăng.
Về trụ cột thứ hai, từ năm 2013 đến cuối năm 2020, tỷ trọng dư nợ bán lẻ trong tổng dư nợ của Vietcombank đã tăng lên 54% và con số này còn tăng tiếp trong 3 tháng đầu năm nay.
Trụ cột thứ 3 là thu dịch vụ, mảng này đã tăng nhanh trong thời gian qua, hiện chiếm tỷ trọng 26% trong tổng thu nhập của ngân hàng.
Một con số ấn tượng trong năm 2020 của Vietcombank là tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu. Tại thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 380%, là mức cao kỷ lục trong ngành ngân hàng từ trước tới nay, cũng bỏ xa các ngân hàng còn lại.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn có thêm nhiều "của để dành" khác như khoản lợi nhuận trích dần từ thỏa thuận bảo hiểm với FWD, cộng với việc nếu thoái vốn ở MB, Eximbank thì tình hình sẽ còn tốt hơn.
Công ty Chứng khoán Bản Việt khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với VCB.