Kết quả kinh doanh KBC (Kinh Bắc City): quý 4/2022 doanh thu âm và lỗ 540 tỷ

ĐĂNG NGUYÊN

16/02/2023 08:19

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC) đã công bố báo cáo tài chính quý gần nhất.

nha-may-canon-que-vo-bac-ninh-1613978724.jpg

Khu công nghiệp Quế Võ của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc tại Bắc Ninh.

 

Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa qua đã công bố KQKD Quý IV.2022 và cả năm 2022, với các thông tin cập nhật đáng chú ý.

Trong Q4, KBC ghi nhận doanh thu thuần âm 331 tỷ đồng so với mức 1.169 tỷ đồng năm 2021 do khoản giảm trừ doanh thu tăng mạnh. Nguyên nhân là do KBC đã nhận lại 2,5ha đất đã bán tại dự án KĐT Tràng Duệ do chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý. Do đó, lợi nhuận sau thuế lỗ gần 540 tỷ đồng.

Doanh thu cả năm 2022 giảm nhưng lợi nhuận ròng tăng gần 20% do đánh giá lại tài sản: Cả năm 2022, doanh thu giảm 77% yoy, trong năm KBC chỉ ghi nhận được doanh thu từ KCN Tân Phú Trung (18,7ha) và KĐT Tràng Duệ (1,5ha). Lợi nhuận ròng đạt 1.596 tỷ đồng (+18% yoy) nhờ khoản lãi từ việc đánh giá lại giá trị đầu tư CTCP Sài Gòn – Đà Nẵng.

Tính đến 31/12/2022, tổng vay nợ của KBC đạt khoảng 7.600 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng hơn 2.300 tỷ đồng do khoản trái phiếu đáo hạn đến tháng 6/2023. Mặc dù vay nợ có tăng so với đầu năm nhưng các hệ số đòn bẩy tài chính vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ nợ vay vẫn nhỏ so với tổng tài sản và tài sản lưu động. Quy mô tổng tài sản 35.000 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn đạt gần 28.000 tỷ đồng. Hiện tại, số dư tiền mặt và đầu tư tài chính hơn 4.000 tỷ đồng khá cao so với áp lực nợ ngắn hạn.

Cập nhật quý 3/2022: lợi nhuận đột biến

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán quý III với lợi nhuận đột biến.

Theo đó, công ty ghi nhận khoản lãi ròng hơn 1.900 tỷ đồng trong kỳ, so với mức lỗ gần 35 tỷ quý III năm trước. Kết quả này chủ yếu liên quan tới việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.

Trong ngày cuối cùng của quý II, KBC đã hoàn tất việc mua thêm 5,7 triệu cổ phần của Công ty Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng để nâng sở hữu từ 19,5% lên 48% và chuyển đơn vị này thành công ty liên kết. Tuy nhiên, phần lợi nhuận đột biến do đánh giá chênh lệch khoản đầu tư này không được ghi nhận trên báo cáo tài chính quý II, do "số lượng các tài sản là bất động sản và tính phức tạp của việc định giá". Phải tới quý III, Kinh Bắc mới được đơn vị kiểm toán chấp nhận khoản này.

Theo báo cáo, chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của công ty này và chi phí hợp nhất kinh doanh (mức 48% tính theo tài sản thuần so với chi phí nâng tỷ lệ sở hữu lên 48% của KBC) là gần 2.200 tỷ đồng. Việc mua rẻ này đã giúp KBC ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết trong quý III gần 2.000 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh chính, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần quý III hơn 200 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp cũng hụt gần 40%, chỉ còn hơn 97 tỷ đồng. Dù hoạt động tài chính tích cực hơn với chi phí lãi vay đã giảm bớt, phần lợi nhuận từ kinh doanh của KBC cũng chỉ đủ để bù đắp cho chi phí hoạt động.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu gần 1.300 tỷ đồng, giảm quá nửa so với cùng kỳ. Phần lãi gộp cũng chỉ bằng một phần ba năm trước, chỉ đủ bù đắp cho hoạt động tài chính và chi phí hoạt động.

Phần lãi ròng đột biến hơn 2.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, gấp gần bốn lần năm trước, đến từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.

Năm nay, Kinh Bắc đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ. Với kết quả 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này mới hoàn thành 13% kế hoạch doanh thu và chưa tới một nửa kế hoạch lợi nhuận.

Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị KBC, những biến động lớn từ môi trường kinh doanh đã tác động đến các doanh nghiệp, trong đó có Kinh Bắc. Dù vậy, với các hợp đồng đã và đang chuẩn bị ký, công ty cho biết sẽ thực hiện được kế hoạch lợi nhuận năm đã được các cổ đông thông qua.

Dự kiến trong tháng 11, KBC ký thỏa thuận cho thuê đất 50 ha tại Bắc Ninh với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao. Dòng tiền thu về ước gần 4.000 tỷ đồng.

Với trái phiếu, lãnh đạo Kinh Bắc cũng cho biết, dư nợ trái phiếu của công ty là 2.900 tỷ đồng, với khách hàng mua chủ yếu là các định chế tài chính, công ty quản lỹ quỹ trong và ngoài nước.

"Việc đảm bảo nghĩa vụ lãi và gốc trái phiếu là hoàn toàn trong khả năng. Thời điểm này, cũng có nhiều cổ đông đặt vấn đề mong doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ. Dù vậy, chúng tôi xác định nên dành nguồn lực để tập trung cho hoạt động kinh doanh chính", ông Đặng Thành Tâm cho biết.

Cập nhật quý 2/2022: lợi nhuận tăng kỷ lục

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã chứng khoán KBC - sàn HOSE) bất ngờ báo lợi nhuận tăng kỷ lục trong quý II/2022 nhờ đánh giá lại khoản đầu tư CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng.

Trong quý II/2022, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 395,28 tỷ đồng, giảm 47,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.933,66 tỷ đồng, tăng 23,84 lần so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 59,9% về còn 50%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 56% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 251,3 tỷ đồng về 197,54 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 176%, tương ứng tăng thêm 57,57 tỷ đồng lên 90,28 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 21,6%, tương ứng tăng thêm 28,29 tỷ đồng lên 159,46 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 27,8%, tương ứng giảm 37,46 tỷ đồng về 97,2 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 787,3%, tương ứng tăng thêm 1.697,59 tỷ đồng lên 1.913,22 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Thực tế, lợi nhuận của Công ty trong quý II tăng đột biến chủ yếu do ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến.

Công ty thuyết minh thu nhập khác tăng đột biến chủ yếu ghi nhận 2.397,4 tỷ đồng (cùng kỳ 1,14 tỷ đồng) chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá trị hợp nhất kinh doanh, thu nhập khác này được phát sinh khi công ty tăng sở hữu lên 48% vốn tại CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng.

Trước đó, Kinh Bắc thông qua kế hoạch mua 5,7 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng để nâng sở hữu từ 19,5% lên 48% vốn điều lệ, sau giao dịch Kinh Bắc sẽ chuyển công ty CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng thành công ty liên kết. Được biết, thời điểm 31/3/2022, Kinh Bắc chỉ ghi đầu tư 39 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng và ghi nhận góp vốn vào đơn vị khác.

Theo giới thiệu, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) được thành lập vào ngày 03/08/2005, là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) – một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam gặt hái được nhiều thành công trong việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao và dẫn đầu về thành tích thu hút FDI tại Việt Nam.

Trên website Công ty, đơn vị này ghi nhận đang là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây (Thừa Thiên Huế) với tổng diện tích 657,78 ha, trong đó diện tích đất thương phẩm KCN là 135,68 ha; diện tích đất thương phẩm của khu phi thuế quan là 350,43 ha.

Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng (Đà Nẵng) với tổng diện tích 132,6 ha. Khu công nghiệp Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng diện tích 289,35 ha. Trong đó, có 205,16 ha đất đã được quy hoạch.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 1.086,9 tỷ đồng, giảm 60,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.456,7 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận 481 tỷ, giảm 20%

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC) đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu thuần vẫn giảm 65%, về gần 692 tỷ đồng.

Theo lý giải của KBC, doanh thu thuần giảm mạnh là do doanh thu từ mảng cho thuê khu công nghiệp (KCN) giảm hơn 82% so với quý 1/2021, còn hơn 317 tỷ đồng. Mặt khác, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản lại khá khả quan đạt gần 288 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng hơn 67% lên gần 70 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi tiền gửi và cho vay. Chi phí tài chính cũng tăng 53% lên 144,5 tỷ đồng phần lớn đến từ chi phí lãi vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 44% trong khi chi phí bán hàng được tiết giảm 73%. 

Nhờ khoản phát sinh gần 499 tỷ đồng do chênh lệch phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh, lãi ròng của KBC trong 3 tháng đầu năm 2022 chỉ giảm 20%, về mức 481 tỷ đồng. 

Cập nhật quý 4/2021: lợi nhuận đi ngang ở mức 222 tỷ

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) công bố BCTC hợp nhất quý IV/2021 với doanh thu đi ngang ở mức 1.232 tỷ đồng, giá vốn giảm mạnh nên lợi nhuận gộp gấp 3,4 lần đạt 735 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tăng mạnh từ 17,7% lên 59,6%.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm 81% xuống 52 tỷ đồng do không có khoản lãi chuyển nhượng cổ phần, chi phí tài chính tăng 136% lên 132 tỷ đồng, chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý cùng tăng. Thêm vào đó, hoạt động khác lỗ 116 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi nhẹ 137 triệu đồng. Doanh nghiệp không thuyết minh chi tiết khoản này.

Do vậy, lợi nhuận sau thuế gần như đi ngang ở mức 222 tỷ đồng, phần lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 9% lên 212 tỷ đồng.

Cả năm, doanh thu gấp đôi lên 4.309 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gấp 3,5 lần lên 784 tỷ đồng. Đô thị Kinh Bắc thực hiện được 72% kế hoạch doanh thu và 48% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.

Cập nhật quý 3/2021: chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận, quý 3/2021 lỗ 60 tỷ

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KINHBAC CITY GROUP) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/1321, ghi nhận gần 325 tỷ đồng doanh thu trong quý, tăng 61% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh tăng gần 40%, đạt gần 160 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp xấp xỉ 49%.

Tuy nhiên, chi phí tài chính của Kinh Bắc đã tăng vọt, ghi nhận gần 178 tỷ đồng trong quý III, hơn gấp đôi cùng kỳ, chủ yếu do chi phí lãi vay. Chỉ tính riêng khoản mục này đã hơn cả lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của KBC. Tính tới ngày 30/9, vay dài hạn của Kinh Bắc tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với đầu năm.

Cộng thêm các khoản chi phí vận hành và bán hàng, Kinh Bắc lỗ ròng gần 60 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm trước.

Nhưng nhờ tăng trưởng đột biến trong hai quý đầu năm, kết quả kinh doanh 9 tháng của doanh nghiệp này vẫn tăng bằng lần so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu 9 tháng của Kinh Bắc gấp hơn ba lần, đạt 3.076 tỷ đồng. Lãi ròng ghi nhận 733 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần.

 

Năm ngoái, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần trên 2.150 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế chưa đến 300 tỷ đồng, giảm hơn ba lần so với cùng kỳ. Ban lãnh đạo công ty lý giải việc đi lại giữa các nước hạn chế, trong khi khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài nên kết quả kinh doanh sa sút.

Cập nhật quý 2/2021: lợi nhuận 70,6 tỷ, tăng cao gấp 6,4 lần

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã CK: KBC) đã công bố BCTC quý 2/2021 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021.

Theo đó, riêng quý 2/2021, doanh thu thuần đạt 750 tỷ đồng, sau khi trừ giá vốn lợi nhuận gộp đạt 448 tỷ đồng tăng tới 296% so với quý 2/2020.

Trong kỳ chi phí tài chính và chi phí QLDN lần lượt tăng thêm 230% và 212%, nhờ lãi gộp ở mức cao nên sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận sau thuế đạt 70,6 tỷ đồng tăng cao gấp 6,4 lần so với cùng kỳ năm trước. LNST công ty mẹ là 34,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 3 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận quý 2/2021 tăng đột biến là do công ty tăng ghi nhận doanh thu từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị.

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận quý 2/2021 tăng cao so với cùng kỳ tuy nhiên so với 2 quý gần đây thì lại thấp hơn đáng kể.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, KBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 785 tỷ đồng, lần lượt tăng 278% và 647% so với cùng kỳ năm trước.

Cập nhật quý 1/2021: lãi 714 tỷ đồng

Doanh thu thuần quý I của KBC ghi nhận hơn 2.000 tỷ đồng, cao gấp 3,6 lần cùng kỳ năm 2020. Trừ đi hơn 878 tỷ đồng giá vốn, KBC thu về 1.123 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Tỷ trọng giá vốn trên doanh thu giảm, kéo biên lãi gộp của KBC tăng thêm hơn 12 điểm phần trăm lên 56,11%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 43,89%.

Hoạt động tài chính của KBC lỗ hơn 52 tỷ đồng trong quý I vì chi phí lãi vay ghi nhận cao đột biến, gấp đôi cùng kỳ lên 84 tỷ đồng.

Trừ đi các loại chi phí, KBC báo lãi sau thuế quý I hơn 714 tỷ đồng, cao gấp gần 7,6 lần cùng kỳ năm 2020. Nếu so với mức lợi nhuận cả năm 2020, thì chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận của KBC đã vượt mức thực hiện cả năm 2020, thậm chí cao gấp đôi con số thu về trong năm ngoái.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã KBC) 

KBC từ khi thành lập đến nay luôn tạo được vị thế chủ đạo trong kinh doanh. Ưu thế cạnh tranh nổi bật của KBC là việc kết hợp giữa KCN và đô thị dịch vụ. Ý tưởng độc đáo này không những mang lại giá trị kinh tế cho đất nước, cho doanh nghiệp mà còn thể hiện giá trị xã hội sâu sắc. Hơn thế nữa, các Khu Công nghiệp và đô thị dịch vụ của KBC luôn là những địa bàn thuận lợi về mọi mặt: Nằm trên vị trí giao thông thuận lợi, gần cảng biển, sân bay…

Hội tụ tất cả những tiềm năng, thuận lợi cùng vốn kinh nghiệm dày dặn, trong những năm gần đây, những dự án hàng đầu về bất động sản tại Việt Nam mà KBC đang nắm quyền quản lý như­: KCN Quế Võ – Bắc Ninh; KCN Tràng Cát – Hải Phòng; Tổ hợp văn phòng, Trung tâm thương mại, Khách sạn 6 sao – Mỹ Đình – Hà Nội… là ước mơ cạnh tranh của các Doanh nghiệp bất động sản khác.

Hiện nay, KBC không chỉ giữ vững vị trí số 1 về Bất động sản mà bằng những hướng đi đúng đắn trong kinh doanh, KBC hiện còn là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư nước ngoài FDI, nhất là thu hút đầu tư công nghệ cao (CNC) từ các Tập đoàn lớn nổi tiếng thế giới như: Canon, Foxconn, MITAC, Panasonic, Sanyo, Wintek, UMEC, Tenma, Mitsui, VS, Sentec, Toyo Ink, Yamato Industries, … Sản phẩm của Canon và Foxconn sản xuất tại KCN Quế Võ của KBC được Chính phủ Việt Nam đánh giá là sản phẩm công nghệ cao nhất ở Việt Nam hiện nay.

Điều ít ai ngờ đến là những thành công của Kinh Bắc hôm nay đạt được chỉ với vốn ban đầu chỉ là 20 tỷ đồng khởi nguồn từ việc xây dựng phát triển khu công nghiệp. Chia sẻ với báo chí và toàn thể cổ đông, Chủ tịch HĐQT KBC – Ông Đặng Thành Tâm khẳng định: "Chúng tôi phải vượt qua mọi khó khăn thử thách để biến những mảnh đất hoang sơ ở những vùng kinh tế khó khăn, kém phát triển trở thành những KCN được lấp đầy bởi những nhà máy công nghệ cao".

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.