Kết quả kinh doanh MBB (Ngân hàng Quân đội): quý I/2024 lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng

CHIỀU THU

22/04/2024 08:30

Ngân hàng TMCP Quân đội - MBBank (MBB) vừa công bố báo cáo tài chính quý vừa qua.

mbb3-1619586411.png

Ngân hàng TMCP Quân đội - MBBank (MBB) vừa công bố báo cáo tài chính quý  

Ngân hàng TMCP Quân Đội - MB (HoSE: MBB) - vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý I của nhà băng này đã đạt hơn 5.795 tỷ đồng, tuy vậy, con số này vẫn giảm 11% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng trích lập dự phòng rủi ro, dù các nguồn thu ngoài lãi tăng đột biến.

Cụ thể, trong quý đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của MB đã giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023, mang về hơn 9.062 tỷ đồng. Ngược lại, các nguồn thu ngoài lãi của MB quý đầu năm nay đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ với lãi thuần từ dịch vụ tăng 37%; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 24%, lãi từ chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn tăng 61%.

Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh quý đầu năm nay đã mang về cho MB gần 1.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ thu được hơn 37 tỷ.

Bên cạnh đó, trong quý vừa qua, Ngân hàng Quân đội cũng đã tiết giảm được 2% chi phí hoạt động, xuống hơn 3.500 tỷ đồng.

Tuy vậy, việc phải dành hơn 2.700 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cộng với khoản hụt thụ từ hoạt động cho vay kể trên, đã khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm 2 chữ số. Lợi nhuận sau khi trừ thuế MB thu về được trong quý đầu năm nay cũng giảm 11%, đạt 4.533 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất trong 5 quý kinh doanh đã qua.

Năm nay, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 6-8% so với kết quả năm 2023, tương ứng dao động trong khoảng 27.884-28.410 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, MB đã thực hiện được 21% mục tiêu kinh doanh đề ra.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của nhà băng này đạt trên 900.600 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh 82%, còn gần 12.000 tỷ đồng.

Ngược lại tiền, vàng gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác tăng đến 68% đạt hơn 77.800 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 1% đạt trên 615.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, số dư tiền gửi khách hàng quý I của MB đã giảm nhẹ 2%, xuống còn 558.800 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 3, tổng nợ xấu của MB là gần 15.300 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay theo đó tăng từ 1,6% đầu năm lên 2,49%.

Cập nhật quý 4/2022: tăng trưởng âm

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – HOSE: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng âm 2,3% so với cùng kỳ năm trước đạt 4.537 tỷ đồng, đây là quý duy nhất ngân hàng này tăng trưởng âm trong năm 2022.

Trong quý 4/2022, trừ thu nhập lãi thuần vẫn tăng hơn 34%, ghi nhận hơn 9.629 tỷ đồng, song các mảng hoạt động khác của ngân hàng (dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư) đều ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 9%, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 12,7%, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 90%, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 60% và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 50,3%.

Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế MB đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm trước và đạt 111,8% kế hoạch năm.

Hết năm 2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. So với Techcombank, tổng tài sản hết năm 2022 của ngân hàng này chỉ đạt 699 nghìn tỷ đồng, thấp hơn gần 30 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, cho vay khách hàng tăng 26,7% lên hơn 460.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 15,3% đạt 443.605 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng), qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09%.

Năm 2022, cùng với sự tăng số lượng cán bộ nhân viên từ 15.178 lên 16.136 người, thu nhập bình quân tháng của nhân viên ngân hàng cũng được tăng từ 31,6 triệu đồng năm trước lên 35,2 triệu đồng, tương đương tăng 11,4%.

Cập nhật quý 3/2022: lợi nhuận trước thuế đạt hơn 6.200 tỷ đồng

Báo cáo tài chính quý III/2022 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank; mã chứng khoán: MBB) vừa công bố cho thấy, nợ xấu của ngân hàng MB tăng hơn 1%, ở mức 4.414 tỷ đồng.

Số liệu vừa công bố cho thấy, tính đến hết quý III/2022, tổng tài sản tại MB Bank ghi nhận đạt 656.800 tỷ đồng, trong đó số dư tiền gửi khách hàng là 377.145 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của MB Bank đạt hơn 6.200 tỷ đồng, tăng gần 62% so với cùng kỳ. Trong quý, trích lập dự phòng giảm xuống còn 962 tỷ đồng, tương đương giảm gần 46%.

Các khoản mang lại lợi nhuận đến từ hoạt động tín dụng tăng trưởng 38% mang về gần 26.400 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng 46% và 64%, tương ứng đạt 1.340 tỷ và 127 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2021).

Ngược lại, các hoạt động đầu tư chứng khoán tại MB Bank ghi nhận giảm với lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 1,7% và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán giảm 16,7%. Khoản lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 3,6% , các hoạt động kinh doanh khác giảm 28% tương ứng doanh thu về lần lượt là 1.243 tỷ và 136 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2021).

Đáng chú ý, nợ xấu ngân hàng MB tăng 35% so với cuối năm trước với nợ dưới tiêu chuẩn tăng 16,7%, nợ nghi ngờ tăng 20,7%, nợ có khả năng mất vốn tăng tăng 85% (từ 819 tỷ lên 1.515 tỷ đồng). Do đó, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên hơn 1% so với mức 0,9% hồi đầu năm nay.

Cập nhật quý 2/2022: lợi nhuận 11.900 tỷ, tăng tới 49%

MBB báo cáo tổng thu nhập hoạt động 1H22 đạt 29.9 nghìn tỷ đồng (+65% yoy). Lợi nhuận trước thuế sơ bộ nửa đầu năm 2022 (1H22) là 11.9 nghìn tỷ đồng (+49% yoy).  MBB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 là 24 nghìn tỷ đồng (+45% yoy) 

Tỷ lệ nợ xấu NPL đạt 0.94% trong Q2/2022. MBB đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ NPL dưới 1% trong năm 2022. MBB tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR lên 380% trong Q2/2022, tỷ lệ này thuộc nhóm cao nhất ngành. Ngân hàng đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ LLR quanh ngưỡng 300% trong năm 2022. 

Từ đầu năm, Ngân hàng cho biết số lượng khách hàng mở mới tài khoản và người dùng mới của ứng dụng MBB là 3.5 triệu người, và ngân hàng kỳ vọng sẽ có thêm 7 – 8 triệu khách hàng mới trong cả năm 2022. MBB hiện đang có 16.5 triệu khách hàng. 

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 10.9%, cao hơn đáng kể so với mức tối thiểu theo Basel II là 8.0%. 

Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận gần 5,910 tỷ đồng, tăng 29%

Theo BCTC quý 1/2022 vừa được công bố, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB: HOSE: MBB) báo lãi trước thuế gần 5,910 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động kinh doanh của MB trong quý 1 khởi sắc hơn cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần tăng 41%, thu được hơn 8,385 tỷ đồng.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ ghi nhận hơn 1,117 tỷ đồng, tăng 5% nhờ tăng thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm.

Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng đến 97%, thu về hơn 467 tỷ đồng tiền lãi, nhờ thu gấp đôi từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng. Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh gấp 5.4 lần, ghi nhận gần 100 tỷ đồng lãi.

Trong quý, MB dành ra 2,126 tỷ đồng để trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 17% so với cùng kỳ. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 5,910 tỷ đồng, tăng 29%.

Nếu so với kế hoạch 20,300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm, MB đã thực hiện được 29% sau quý đầu năm.

Cập nhật quý 4/2021: tất cả các mảng kinh doanh đều tăng trưởng mạnh, gần đuổi kịp VietinBank

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - MBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với tất cả các mảng kinh doanh đều tăng trưởng mạnh.

Tính riêng trong quý IV/2021, lợi nhuận trước thuế của MB đạt tới 4.642 tỷ đồng, tăng gần 82%. Trong kỳ, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàn là 10.116 tỷ đồng, tăng 31%. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 7.169 tỷ đồng, chỉ tăng gần 24% song thu nhập ngoài lãi tăng rất mạnh.

Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2021, MBBank đạt gần 37.000 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 35% so với năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tăng 29,2%; lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh ngoài lãi tăng 51,5%.

Nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ, chi phí hoạt động của ngân hàng được kiểm soát, tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng doanh thu (chi phí hoạt động tăng 17,2%). Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng tốt, bao phủ nợ xấu ở mức cao giúp chi phí dự phòng của ngân hàng không tăng quá mạnh (Chi phí dự phòng rủi ro năm 2021 tăng 32%, tương đương mức tăng của tổng thu nhập hoạt động).

Sau khi trừ chi phi, MBBank ghi nhận lãi trước thuế 16.527 tỷ đồng cho năm 2021, tăng 54,6% so với năm 2020 và đứng thứ tư toàn hệ thống, sau Vietcombank, Techcombank và gần đuổi kịp VietinBank.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của MBBank đạt 607.000 tỷ đồng, tăng 22,6%; cho vay khách hàng tăng 20,8%, tiền gửi khách hàng tăng 23,4%.

Cập nhật quý 3/2021: kết quả kinh doanh tăng mạnh  

Cụ thể, tính riêng quý gần nhất, ngân hàng này ghi nhận 8.700 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, cao hơn 29% so với số thu cùng kỳ năm liền trước. Tỷ lệ này tương đương với việc MBBank đã thu về nhiều hơn gần 2.000 tỷ trong quý III gần nhất so với cùng kỳ.

Đóng góp chính vào tăng trưởng doanh thu quý vừa qua của MBBank vẫn là hoạt động cho vay với thu nhập lãi thuần tăng 26%, đạt 6.515 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, mức lãi thuần từ hoạt động cho vay này đã tăng tới 1.350 tỷ, chiếm gần 70% tổng số doanh thu tăng thêm trong quý của ngân hàng.

Ngoài ra, nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ cũng tăng 16%; thu từ kinh doanh ngoại hối tăng 101%; mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn tăng 162% cũng mang về cho MBBank thêm gần 1.700 tỷ đồng.

Trong bối cảnh tổng doanh thu tăng gần 1/3 so với cùng kỳ, chi phí hoạt động MBBank phải chi ra trong quý gần nhất chỉ cao hơn chưa tới 7% so với quý III/2020. Đây là nguyên nhân chính giúp ngân hàng ghi nhận khoản lãi trước thuế lên tới 3.898 tỷ đồng, cao hơn 29% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng hơn gấp đôi trong quý III này.

Cụ thể, trong quý gần nhất, MBBank đã phải chi ra gần 1.800 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi số chi cùng kỳ chỉ là gần 900 tỷ đồng.

Khoản lãi trước thuế gần 4.000 tỷ quý III kể trên cũng là mức lãi một quý cao thứ 2 trong lịch sử kinh doanh của MBBank, chỉ xếp sau mức lãi gần 4.600 tỷ đồng mà nhà băng này ghi nhận được trong quý I năm nay.

Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của MBBank trong quý gần nhất là 3.122 tỷ đồng, cũng cao hơn 29%.

 

Tính chung 9 tháng, nhà băng này ghi nhận tổng cộng 26.818 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 11.885 tỷ, tăng lần lượt 36% và 46% so với cùng kỳ. Đây là kết quả kinh doanh 9 tháng cao nhất mà ngân hàng ghi nhận được sau gần 30 năm hoạt động.

Năm nay, ban lãnh đạo MBBank dự kiến thu về mức lãi trước thuế 13.200 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, ngân hàng đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch đề ra.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của MBBank ước đạt 555.600 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, 2 chỉ tiêu quan trọng nhất là tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng đều tăng hai con số.

Cụ thể, tiền gửi khách hàng tại MBBank đến ngày 30/9 năm nay vào khoảng 344.000 tỷ, cao hơn 11% so với đầu năm và cho vay khách hàng đạt 336.400 tỷ, tăng 13%.

Việc duy trì được tốc độ tăng trưởng cho vay cao gần gấp đôi so với tăng trưởng chung của toàn hệ thống (trên 7%) là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận của MBBank tăng tích cực trong quý III và 9 tháng đầu năm nay, bất chấp nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Cũng đến cuối quý III, MBBank có tổng cộng gần 3.200 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 0,95% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm 38% so với đầu.

Cập nhật 6 tháng 2021: lợi nhuận đạt 6.397 tỷ, tăng 53%, thu nhập nhân viên lên 35 triệu/tháng

Trong đó, riêng quý II vừa qua, nhà băng này ghi nhận trên 8.900 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng doanh thu kỳ này của MBBank chủ yếu vẫn đến từ tăng trưởng ở hoạt động cho vay với thu nhập lãi thuần tăng ròng gần 2.000 tỷ, tương đương 42%.

Ngoài ra, hầu hết mảng kinh doanh còn lại của ngân hàng từ dịch vụ, ngoại khối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn… đều ghi nhận tăng trưởng dương.

Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động chỉ tăng 27%, thấp hơn nhiều so với đà tăng doanh thu nên bất chấp việc phải dành hơn 2.400 tỷ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý (cao gấp đôi cùng kỳ), MBBank vẫn thu về khoản lãi trước thuế 3.406 tỷ đồng, tăng 17%. Lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng và đạt 2.730 tỷ đồng.

Tính chung kỳ 6 tháng từ đầu năm, nhà băng này đã ghi nhận trên 18.100 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, cao hơn 40% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng ròng hơn 5.200 tỷ.

Đây là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận trước thuế nửa năm nay của MBBank đạt 7.986 tỷ, tăng 56%, trong khi lợi nhuận ròng cũng đạt 6.397 tỷ đồng, cao hơn 53%.

Đây là mức lợi nhuận bán niên cao nhất từ trước đến nay mà MBBank ghi nhận được. Nếu so với kế hoạch lãi 13.200 tỷ đồng trước thuế đề ra cho cả năm, ngân hàng đã thực hiện được 61% chỉ tiêu chỉ sau một nửa chặng đường.

Đến cuối tháng 6, tổng tài sản cân đối với nguồn vốn của MBBank đạt trên 523.300 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Các chỉ tiêu tài chính quan trọng cũng đều ghi nhận tăng trưởng tốt với cho vay khách hàng tăng 11%, đạt 331.100 tỷ và tiền gửi khách hàng tăng 10%, đạt gần 343.500 tỷ đồng.

Mới đây MBBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm nay từ 10,5% lên 15%, tạo thêm dư địa để ngân hàng tăng cho vay nửa cuối năm.

Ngoài kết quả kinh doanh tăng mạnh nửa năm qua, báo cáo tài chính quý của MBBank còn cho biết ngân hàng đã tăng mạnh các khoản chi tiền lương, thưởng và thu nhập cho nhân viên của mình.

Cụ thể, thu nhập bình quân của nhân viên MBBank cùng các công ty con nửa đầu năm nay đã tăng lên mức 30,64 triệu/người/tháng, trong khi nửa đầu năm 2020 mức thu nhập này mới là 28,39 triệu/người/tháng.

MBBank tang thu nhap nhan vien len 35 trieu/thang anh 1

Diễn biến giá cổ phiếu MBB từ đầu năm đến nay. Nguồn: Tradingview.

Nếu tính riêng nhân viên thuộc biên chế của ngân hàng mẹ, trung bình 6 tháng đầu năm vừa qua mỗi nhân viên đã được chi trả mức thu nhập 35,08 triệu/tháng, cao hơn nhiều so với mức 31,77 triệu của cùng kỳ 6 tháng năm 2020 và 31,39 triệu đồng của bình quân cả năm 2020.

Hiện tại, nhân viên tại MBBank vẫn nằm trong nhóm được chi trả mức thu nhập bình quân cao nhất hệ thống ngân hàng cùng với các nhà băng lớn như Vietcombank, VietinBank hay Techcombank…

Trên thị trường chứng khoán, dù chịu xu hướng điều chỉnh mạnh trong 2 tuần gần đây, nhưng cổ phiếu MBB của MBBank vẫn thuộc nhóm có tăng trưởng mạnh nhất một năm qua.

Từ vùng giá 11.000 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh) hồi tháng 7 năm trước, MBB đã tăng một mạch lên vùng trên 32.000 đồng vào cuối tháng 6 vừa qua, tương đương mức tăng gần 200% giá trị trong một năm. Tuy vậy, cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng khác, MBB đã ghi nhận xu hướng giảm gần 13% từ đầu tháng 7 đến nay, hiện phổ biến giao dịch ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu.

So với một năm trước, thị giá MBB vẫn tăng trên 150%, còn nếu so với đầu năm nay, cổ phiếu MBBank đã tăng gần 60%.

Cập nhật quý 1/2021: lợi nhuận quý 1/2021 đạt 3.700 tỷ, tăng 106%

Thu nhập từ lãi (NII) quý 1/2021 tăng 26,8% YoY với Biên lợi nhuận ròng (NIM) hợp nhất đạt 5,04%.

Thu nhập ròng quý 1/2021 cao hơn dự báo của chúng tôi do (1) thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng 97% YoY, nhờ thu nhập lớn từ thu hồi nợ từ các khoản nợ đã xử lý và (2) chi phí HĐKD (OPEX) thấp hơn dự kiến.

Tăng trưởng tín dụng hợp nhất trong 3 tháng 2021 đạt 8,4%, đến từ (1) tăng trưởng khoản vay gộp 8,6% và (2) số dư trái phiếu doanh nghiệp tăng 5,5% (tất cả các số liệu là quý 1/2021 so với quý 4/2020).

Tăng trưởng cho vay của ngân hàng mẹ đạt 8,8% trong 3 tháng 2021. Mảng bán lẻ trong dư nợ vay của ngân hàng mẹ tăng 6,4% trong cùng kỳ, đóng góp 41,6% cho dư nợ vay của ngân hàng mẹ so với 42,5% tính đến cuối 2020.

Dư nợ của MCredit (công ty con mảng tài chính tiêu dùng) tăng nhẹ 1,6% trong 3 tháng 2021 với số dư 10,3 nghìn tỷ đồng, đóng góp 3,2% trong tổng dư nợ cho vay hợp nhất (so với 3,4% vào cuối năm 2020).

Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) năm 2021 giảm 1,8 điểm % YoY xuống 30,5%, chủ yếu là do diễn biến NOII tăng mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ CIR sẽ tăng vào cuối năm do các khoản thưởng cho nhân viên.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội - MBB

Ngân hàng Quân đội (MB), là một ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam, một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Các cổ đông chính của Ngân hàng Quân đội là Viettel, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Ngoài dịch vụ ngân hàng, Ngân hàng Quân đội còn tham gia vào các dịch vụ môi giới chứng khoán, quản lý quỹ, kinh doanh địa ốc, bảo hiểm, quản lý nợ và khai thác tài sản bằng cách nắm cổ phần chi phối của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Hiện nay, Ngân hàng Quân đội đã có mạng lưới khắp cả nước với trên 100 chi nhánh và trên 190 điểm giao dịch trải dài khắp 48 tỉnh thành phố. Ngân hàng còn có văn phòng đại diện tại Liên bang Nga, chi nhánh tại Lào và Campuchia. 

Lịch sử

Ngày 04 tháng 11 năm 1994, ngân hàng chính thức đi vào hoạt động với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng với 25 cán bộ nhân viên.
Năm 2000, thành lập Công ty TNHH Chứng khoán Thăng Long (nay là Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Quân đội MBS) và Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân đội (MBAMC).
Năm 2003, MB tiến hành cải tổ toàn diện về hệ thống và nhân lực.
Năm 2004, MB là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phần thông qua bán đấu giá ra công chúng với tổng mệnh giá là 20 tỷ đồng.
Năm 2005, MB tiến hành ký kết thỏa thuận ba bên với Vietcombank và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel về việc thanh toán cước viễn thông của Viettel và đạt thỏa thuận hợp tác với Citibank.
Năm 2006, thành lập Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Hà Nội HFM (nay là Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Ngân hàng Quân đội MB Capital). Triển khai thành công dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin CoreT24 của Tập đoàn Temenos (Thụy Sĩ)
Năm 2008, MB tái cơ cấu tổ chức. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chính thức trở thành cổ đông chiến lược.
Năm 2009, MB ra mắt Trung tâm dịch vụ khách hàng 247.
Năm 2010, Khai trương chi nhánh đầu tiên tại nước ngoài (Lào).
Năm 2011, Thực hiện thành công việc niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX) từ ngày 01 tháng 11 năm 2011. Khai trương chi nhánh thứ hai tại nước ngoài (Campuchia). Nâng cấp thành công hệ thống CoreT24 từ R5 lên R10
Năm 2019, MB ra mắt logo và bộ nhận diện thương hiệu mới.
Năm 2020, MB được vinh danh "Ngân hàng tiêu biểu Việt Nam"

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.