Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED) trong tháng 7/2024 cho triển vọng 10 năm 2023-2033, sản lượng tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người trung bình 2021-2023 của thế giới đạt 20,85 kg/người/năm. Trong các khu vực, khu vực Châu Á có mức tiêu thụ thủy sản cao nhất và được kỳ vọng tăng trưởng cao nhất đến năm 2033.
Mặc dù tăng trưởng tiêu thụ bình quân đầu người chậm lại nhưng sản phẩm cá tra đang chiếm dần thị phần của cá rô phi và sản phẩm cá tra là sản phẩm thủy sản nuôi nên sẽ dần thay thế thủy sản đánh bắt. Vì vậy, kỳ vọng thị phần cá tra xuất khẩu sẽ tăng dần tại các thị trường.
Từ đó, ước tính tổng sản lượng xuất khẩu ở US/EU/TQ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2023-2028 lần lượt là 10%/2,2%/9,3%. Về giá bán cá, chúng tôi nhận thấy triển vọng tăng trưởng kép hàng năm giá bán cá tra trong giai đoạn bình ổn sẽ tương đương mức tăng trưởng lạm phát khoảng 2%.
Ngành tôm tại Mỹ vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt, tuy nhiên, Việt Nam đã giành được thị phần sản lượng với Ecuador nhờ sự tăng trưởng của tôm tẩm bột và tôm bỏ đầu đông lạnh. Việc này đến từ Việt Nam đã giảm giá mạnh mẽ sản phẩm tôm bỏ đầu cũng như duy trì giá bán tôm tẩm bột ở mức thấp nhất so với các nước. Về dài hạn, các doanh nghiệp sản xuất tôm GTGT như FMC kỳ vọng vẫn cạnh tranh được tại Mỹ
Thành viên cập nhật ngày 27/6/2024: Tiêu thụ thủy sản nuôi dự kiến tăng dần
Tiêu thụ thủy sản nuôi dự kiến tăng dần theo năm hỗ trợ ngành thủy sản nuôi của Việt Nam
Theo báo cáo triển vọng lương thực vào tháng 6/2024 của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), sản lượng tiêu thụ bình quân đầu người/năm toàn thế giới cải thiện dần theo năm với sự tiêu thụ tăng dần ở thủy sản nuôi. Thị phần sản lượng thủy sản nuôi theo năm kỳ vọng chiếm 54% trong năm 2032 , tăng từ 47,8 % trong năm 2023. Sự tiêu thụ thủy sản nuôi tăng dần kỳ vọng thị phầm ngành thủy sản nuôi sẽ chiếm thị phần thủy sản bắt trong dài hạn.
Tuy nhiên, số liệu của FAO cho thấy thị trường xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng chậm lại và giảm dần kể từ mức đỉnh năm 2022. Ngành thủy sản hiện nay kỳ vọng tăng trưởng chủ yếu đến từ chiếm thị phần của thủy sản bắt và thủy sản nuôi của các nước khác thay vì kỳ vọng vào mức tăng trưởng của toàn ngành nói chung
Thị phần nhập khẩu cá hồi tươi nguyên con tăng trưởng tại thị trường Mỹ ảnh hưởng lên nhu cầu cá tra
Theo Euromonitor, doanh thu cho ngành thủy sản tại Mỹ ước tăng trưởng kép 2% cho giai đoạn 2022-2027. Trong các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Mỹ thì cá chưa chế biến chiếm 42% tổng sản lượng. Trong các sản phẩm cá nguyên con (HS code 0304) thì sản lượng cá hồi đã tăng dần theo năm và cũng cải thiện theo tháng mặc dù cá hồi có giá bán cao hơn.
Cá hồi nhập khẩu hiện nay chủ yếu đến từ cá hồi nuôi tại Norway và cá hồi Coho tại Chile. Sản lượng thu hoạch cá hồi nuôi năm 2023 tại Chile đạt 372 nghìn tấn. Cá hồi nuôi chủ yếu dễ bị bệnh tảo nở hoa do khí hậu nóng. Tuy nhiên, năm nay dự báo xác suất xảy ra El Nino giảm sẽ tạo điều kiện cho sản lượng cá hồi nuôi tại Chile tăng.
Trong dài hạn, nếu việc nuôi cá hồi thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến thị phần sản lượng của cá tra. Hiện nay, thị phần sản lượng nhập khẩu của cá hồi chưa có xu hướng giảm và khó dự đoán khi xu hướng người tiêu dùng tại Mỹ thích ăn cá hồi (xếp hạng thứ 3 về thủy sản ưa thích sau tôm và cá tuyết theo seafoodsource) và bên cạnh đó cá hồi tươi ăn ngon hơn cá tra và cá rô phi đông lạnh
Ngành cá tra kỳ vọng tiếp tục cải thiện dần theo tháng
Ngành cá tra đã có sự tăng trưởng trong 5 tháng đều năn nhờ sản lượng tăng cao trong khi giá bán trung bình vẫn thấp hơn cùng kỳ (hình 9,10). Tuy nhiên, giá bán trung bình đã tăng dần kể từ đầu năm nhờ sự tăng giá bán tại thị trường Mỹ.
Trong ngắn hạn, mặc dù cá hồi ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra tại Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng sản lượng cá tra tiếp tục cải thiện dần theo tháng đến tháng 8 nhờ chiếm thị phần của cá rô phi khi giá cá tra hiện ở mức giá thấp hơn cá rô phi sẽ tạo lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, giá cá rô phi tăng dần cũng tạo điều kiện cho mức tăng dần giá bán của cá tra.
Theo các thông tin từ Agromonitor, giá cá rô phi neo cao chủ yếu do nguồn cung giảm bởi người nuôi giảm dần và mức tiêu thụ cá rô nội địa tại Trung Quốc đã tăng. Năm 2023, tiêu thụ nội địa cá rô phi là 50% trong khi năm 2021 là 32,5%. Bên cạnh đó, người nông dân tại Trung Quốc vẫn thận trọng trong việc đầu tư nguồn rô phi mới sẽ khiến nguồn cung thiếu hụt. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng giá bán cá rô phi giảm dần từ tháng 8 khi nguồn cung quay trở lại.
Ngoài ra, giá cá nguyên liệu chưa tăng cao sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chính đi Mỹ như Vĩnh Hoàn (VHC) cải thiện biên gộp
Ngành tôm kỳ vọng vẫn còn khó khăn trong việc tăng trưởng giá bán
Ngành tôm đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ kể từ tháng 3 chủ yếu nhờ vào sản lượng tăng trưởng trong khi giá bán vẫn khó cải thiện. Sản lượng tăng ở hầu hết các thị trường chính. Giá bán trung bình tháng 5 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ do giá bán tại Nhật giảm dần chủ yếu do chênh lệch tỷ giá. Giá bán trung bình 5 tháng tại Trung Quốc tăng chủ yếu đến từ các loại tôm khác trong khi tôm thẻ vẫn giảm.
Giá tôm nguyên liệu tháng 4 giảm cùng giá bán cho thấy khả năng hồi phục giá bán thấp. Tuy nhiên, giá tôm nguyên liệu vẫn tăng so với cùng kỳ sẽ ảnh hưởng đến biên gộp của các doanh nghiệp ngành tôm.
Ecuador ngày càng chiếm thị phần tiêu thụ tôm thẻ cao tại Mỹ và Trung Quốc
Thị phần tiêu thụ tôm thẻ chế biến tại Nhật của Việt Nam theo quý đã có mức cải thiện so với cùng kỳ. Nhu cầu tiêu thụ tôm tại Nhật dự báo vẫn duy trì tăng nhẹ từ tháng 9 đến tháng 12. Tuy nhiên, tại thị trường Mỹ, mức độ cạnh tranh của tôm thẻ chế biến và tôm thẻ thường tăng dần khi Ecuador đã tăng thị phần tôm tại Mỹ.
Thị trường Trung Quốc cũng không khả quan hơn khi việc thông qua FTA Trung Quốc- Ecuador kể từ tháng 5/2024 giúp mức thuế nhập khẩu tôm của Ecuador giảm về 2% và việc người dân Trung Quốc đang đẩy mạnh nuôi tôm nhà kính sẽ làm sản lượng nhập khẩu tôm thẻ vào thị trường này ngày càng khó khăn.
Thành viên cập nhật ngày 12/9/2023: Hưởng lợi khi Trung Quốc cấm nhập từ Nhật song không đáng kể
Tác động của việc Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản (từ ngày 24/8/2023):
Cá tra không phải sản phẩm có thể thay thế trực tiếp hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản. Xuất khẩu Thủy sản Nhật Bản chiếm chưa đến 5% trong cơ cấu tổng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc và động vật thân mềm (mực, bạch tuộc, sò...) là sản phẩm chiếm tỷ trọng xuất khẩu chính.
Năm 2022, giá trị xuất khẩu phi lê cá từ Nhật Bản sang Trung Quốc chỉ đạt 11,8 triệu USD. Ecuador, Ấn Độ và Nga là những nước xuất khẩu chính cho Trung Quốc. Lưu ý rằng thủy sản nhập khẩu từ Nga vào Trung Quốc đã tăng kể từ đầu năm 2023 và đạt mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây.
Đối với các nhà sản xuất cá tra niêm yết tại Việt Nam: IDI, ANV và VHC đều có xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong 6T2023, doanh thu từ Trung Quốc lần lượt chiếm 40%, 30% và 11% tổng doanh thu của IDI, ANV và VHC.
Ghi nhận khối lượng tăng nhẹ svck của xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vào tuần trước (tuy nhiên không đáng kể).
Thành viên cập nhật ngày 10/6/2023: triển vọng ảm đạm của ngành đã phản ánh vào giá cổ phiếu
Dự báo xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.
Kết quả kinh doanh giảm mạnh như ước tính
Sau năm 2022 thành công với tổng DT/LN ròng của các DN thủy sản tăng mạnh 29%/86% svck nhờ nhu cầu bị dồn nén sau dịch tại thị trường Hoa Kỳ, KQKD của các công ty đã sụt giảm mạnh trong Q1/23.
Theo ước tính, tổng DT trong Q1/23 của các DN thủy sản niêm yết giảm mạnh 32% svck do cả giá bán trung bình và sản lượng xuất khẩu đều giảm mạnh.
Biên lợi nhuận gộp ngành thu hẹp 5,1 điểm % do giá bán trung bình giảm trong khi chi phí sản xuất tiếp tục neo ở mức cao. Do đó, tổng LN ròng trong Q1/23 của các DN giảm 74% so với cùng kỳ.
Kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối 2023
Theo NOAA, nhập khẩu thủy sản của thị trường Mỹ ghi nhận sản lượng/giá trị nhập khẩu lần lượt 10%/18% svck do 1) lạm phát cao và kéo dài tại Hoa Kỳ dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu hộ gia đình, gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại thị trường này ở cả kênh dịch vụ và kênh bán lẻ và 2) mức tồn kho cao từ năm 2022. Do đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ cũng giảm 51% svck trong 4T23.
Nhu cầu thủy sản của Mỹ nhiều khả năng sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do 1) lạm phát hạ nhiệt, 2) mức tồn kho giảm, 3) nhu cầu cao để phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40-50% trong nửa cuối năm so với 6T23, theo ước tính của chúng tôi.
Thị trường Trung Quốc phục hồi không như mong đợi sau khi mở cửa hoàn toàn
Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn sau 3 năm thực hiện chính sách “Zero-covid” giúp nhập khẩu thủy sản của nước này tăng 13% svck trong Q1/23. Tuy nhiên, kim ngạch XK các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá tra và tôm sang thị trường Trung Quốc lại giảm mạnh lần lượt 68% và 30% svck trong 4T23/4,5T23, do 1) giá thịt lợn điều chỉnh mạnh và nguồn cung cá rô phi tăng trở lại làm giảm nhu cầu tiêu thụ cá tra, 2) giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc của Việt Nam giảm do cạnh tranh từ các nước có nguồn tôm giá rẻ như Ấn Độ, Ecuador,…
Do nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, dự báo xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.
Đưa VHC và ANV vào danh mục theo dõi
VNDirect cho rằng tại thời điểm này, triển vọng ảm đạm của ngành trong năm 2023 đã được phần nào phản ánh khi giá cổ phiếu của các công ty niêm yết đã giảm khoảng 40-60% kể từ mức đỉnh vào Q2/22.
Với kỳ vọng nhu cầu phục hồi từ thị trường Hoa Kỳ trong nửa cuối năm 2023, VNDirect đã thêm VHC và ANV vào danh sách theo dõi vì các công ty này có vị trí hàng đầu ngành và sẽ được hưởng lợi lớn khi thị trường xuất khẩu phục hồi trở lại.
Thành viên cập nhật ngày 3/9/2022: gặp khó vì giá xăng dầu tăng
Thời gian gần đây, ngư dân Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung gặp nhiều khó khăn vì giá nhiên liệu vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi giá bán hải sản vẫn giữ nguyên, thậm chí bị sụt giảm.
Giá nhiên liệu cao khiến chi phí đi biển của ngư dân hiện nay tăng từ 20-25%. Tất cả đã làm lợi nhuận mỗi chuyến biển của ngư dân giảm đi đáng kể.
Được biết, giá xăng dầu thường chiếm 40-50% tổng chi phí mỗi chuyến đi biển. Điều này khiến các chủ tàu cá công suất lớn luôn phải cân nhắc trước khi ra khơi.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản cũng bị ảnh hưởng lớn, một phần do thời tiết nhưng nguyên nhân chính vẫn do giá xăng dầu tăng cao. Nó cũng kéo theo các chi phí đầu vào, dịch vụ logistics tăng khiến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, hải sản là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam hiện nay, 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu hải sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện xuất khẩu hải sản chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Dự báo trong năm 2022, ngành thủy sản có thể tăng từ 10-12% so với năm 2021. Xuất khẩu hải sản khai thác đang đóng vai trò ngày càng cao trong tổng cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, giá xăng dầu cao làm nhiều tàu đánh bắt không thể ra khơi, ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu hải sản xuất khẩu.
Thành viên cập nhật ngày 3/8/2022: quý 2/2022 doanh nghiệp thủy sản lãi kỷ lục
Quý II, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) báo lợi nhuận hơn 788 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của "nữ hoàng cá tra" kể từ khi niêm yết vào quý IV/2007. Doanh nghiệp hoàn thành gần 84% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tương tự, 3 tháng qua, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng đạt lãi cao nhất kể từ khi niêm yết vào quý IV/2006. Doanh nghiệp này ghi nhận hơn 118 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2021.
Các công ty có thị phần nhỏ hơn cũng "ăn nên làm ra" trong quý vừa qua. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) ba tháng rồi lãi gần 230 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin vào quý I/2010. Hay Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) có lãi sau thuế tăng gấp 10 lần, lên mức hơn 240 tỷ đồng, cao nhất từ quý I/2019 đến nay.
"Vua tôm" Minh Phú (Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất nhưng báo cáo riêng cũng cho thấy có mùa kinh doanh thuận lợi. Lãi sau thuế của công ty mẹ hơn 196 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp đều lý giải đà tăng tốc lợi nhuận đến từ giá thủy sản tiếp tục neo cao cùng tình hình xuất khẩu thuận lợi. Trong nước, tính đến cuối tháng 6, giá cá tra tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên 28.000 đồng một kg. Tôm thẻ loại 20 con neo mức 230.000 đồng một kg, cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ.
Ở thị trường xuất khẩu, lũy kế 6 tháng đầu năm, thủy sản mang về trên 5,76 tỷ USD, tăng 40% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Riêng cá tra đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 83%. Giá trị tôm xuất khẩu khoảng 2,3 tỷ USD, tăng 31%. Trong khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero-Covid, các doanh nghiệp cá tra được hưởng lợi thuế suất 0% tại thị trường Mỹ. Cùng với việc hàng hóa Nga bị cấm vận, thủy sản Việt Nam càng ít bị cạnh tranh trên trường quốc tế.
Tuy nhiên nhiều đơn vị dự đoán kịch bản hưởng lợi từ giá thủy sản cao sẽ không kéo dài. Theo SSI Research, hầu hết công ty báo cáo tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu lớn trong 5 tháng đầu năm.
Về diễn biến giá, VnDirect dự báo có thể kém tích cực hơn so với giai đoạn nửa đầu năm ở cả cá tra và tôm khi nguồn cung mặt hàng này tăng trở lại cùng với nhu cầu tại các thị trường chính dần ổn định. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành bị thu hẹp.
Ngoài kịch bản kém lạc quan về giá, ngành thủy sản còn đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cá, tôm nguyên liệu khi các hộ nuôi không tăng diện tích do thận trọng. Thời gian qua, giá cá tra tăng cao nhưng nhiều người nuôi vẫn lỗ vì chi phí cao (chi phí thức ăn chiếm 75-80% giá thành, đã tăng 4-6 lần từ đầu năm đến nay). Giá con giống nhiều thời điểm tăng gấp đôi. Giá bán các vật tư đầu vào khác như thuốc, hóa chất xử lý môi trường, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học cũng tăng từ 20-30% khiến giá thành sản xuất bị đội lên.
Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) chỉ ra thiếu nguyên liệu đang là thách thức lớn nhất với xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, thiếu hụt này có thể là khó khăn ngắn hạn, các doanh nghiệp phải nỗ lực phát triển chuỗi giá trị bền vững để tránh thiếu nguyên liệu đầu vào trong tương lai.
Thành viên cập nhật ngày 4/5/2022: Lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng tính bằng lần
Các công ty thủy sản ngược dòng lãi lớn nhờ nhu cầu phục hồi, giúp sản lượng và giá bán đều tăng đáng kể. Nhiều đơn vị lập mốc kỷ lục nhờ nhu cầu tăng cùng giá bán.
Trong quý đầu năm, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận hơn 550 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng đến 4,2 lần so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất kể từ quý III/2018 đến nay. Tương tự, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) báo lãi tăng hơn 5,7 lần cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong một quý tính từ quý IV/2018 đến nay.
Kết quả kinh doanh thăng hoa nhất ngành thủy sản thuộc về Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI). Quý đầu năm, công ty có lãi sau thuế hơn 200 tỷ đồng, đạt mốc kỷ lục lợi nhuận quý cao nhất kể từ khi công bố thông tin vào 2010.
Sản lượng và giá bán tăng trở thành từ khóa chính trong mùa báo cáo tài chính lần này của các doanh nghiệp ngành thủy sản. Trong đó, "ông lớn" Vĩnh Hoàn công bố doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt mức tăng trưởng vượt bậc với hơn 1.600 tỷ đồng, tăng hơn 126%. Tiêu thụ thị trường nội địa cũng phục hồi tốt, riêng doanh thu tháng 2 đã tăng 147%.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn có lãi thêm từ việc cơ cấu hàng bán và doanh thu hoạt động tài chính. Kỳ này, Công ty cổ phần Nam Việt (NAV) ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn một nửa, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng và chênh lệch tỷ giá phát sinh. Ngoài ra trong bối cảnh giá nguyên liệu và cước tàu tăng, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) có lãi tăng trưởng còn nhờ dự trữ trước nguyên liệu và ký hợp đồng có dự tính biến động giá cước tàu.
Số liệu từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 920 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong quý I đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về giá xuất khẩu, số liệu SSI Research tổng hợp cho thấy, giá bán bình quân FOB (free on board - giá tại cửa khẩu bên nước của người bán) trong quý đầu năm tại thị trường Mỹ và Trung Quốc lần lượt đạt 4,4 USD một kg và 2,5 USD một kg. Hai mức giá trên tăng 67% và 40% so với cùng kỳ. Theo đơn vị này, giá cá tra phi lê tại Mỹ có thể duy trì ở mức 4,6 USD một kg hoặc cao hơn trong suốt cả năm. Giá bán cá tra bình quân ở Trung Quốc được dự báo phục hồi khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại.
Báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán, xuất khẩu cá tra sẽ phục hồi mạnh trong năm nay do nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu tăng, đặc biệt sau sự thiếu hụt từ Nga. Giá bán cao sẽ duy trì ít nhất đến hết quý II do giá nguyên liệu tăng. Ngoài ra, thủy sản đánh bắt giảm do giá dầu tăng, đẩy tiêu thụ cá tra tăng. Theo đó, VDSC kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp cá tra sẽ tăng mạnh ba chữ số trên mức nền thấp so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, Chứng khoán Mirea Asset (MASVN) lưu ý ngành này sẽ phải đối mặt với thách thức giá thức ăn thủy sản tăng. Thực tế trên thị trường, giá các mặt hàng trên đã khởi động đà tăng từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 vừa qua. Trong đó, C.P Việt Nam đã tăng 400 đồng một kg đối với nhiều nhãn thức ăn chăn nuôi cá. Ausfeed Bình Định cũng điều chỉnh giá thức ăn thủy sản lên 300-400 đồng một kg. Thức ăn cho tôm thẻ gần đây cũng tăng đến 2.000 đồng một kg.
Theo Chứng khoán An Bình (ABS), ngoài khó khăn về giá thức ăn cho tôm và cá, các doanh nghiệp còn phải tính thêm kịch bản khi chi phí logistics tăng, giá dầu tăng làm nâng chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, ngành còn chịu áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia...
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành thủy sản cũng có diễn biến tích cực suốt thời gian qua. Phần lớn đều có thị giá tăng mạnh so với hồi đầu năm, nhiều cổ phiếu tăng trần liên tục, "miễn dịch" hẳn so với xu hướng ảm đạm chung của thị trường. Trong đó, VHC gần như có đà tăng giá liên tiếp, chốt phiên giao dịch hôm nay đạt 104.000 đồng một đơn vị, tăng 55% so với hồi đầu năm. ACL cũng có đợt tăng thị giá mạnh với nhiều phiên đạt trần.
Thành viên cập nhật ngày 22/2/2022: Xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, sau khi tăng 44% đạt 872 triệu USD trong tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản tháng 2/2022 tiếp tục tăng trưởng mạnh với mức 62% so với cùng kỳ 2021, ước đạt 635 triệu USD.
Trong tháng 2, xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhất, với con số 127% đạt 171 triệu USD; lũy kế 2 tháng đầu năm, cá tra đạt doanh số 384 triệu USD, tăng 93%. Xuất khẩu tôm trong tháng qua cũng tăng 50% so với cùng kỳ đạt 237 triệu USD, đưa kết quả 2 tháng đầu năm lên 550 triệu USD, tăng 46%.
Xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều tăng mạnh từ 30-90% so với tháng 2/2021. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ mang về 156 triệu USD, tăng 83%. Xuất khẩu mực đạt con số 97 triệu USD, tăng 45%.
Theo VASEP, nhu cầu của các thị trường đều rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Tại Mỹ, thủy sản đông lạnh đang được ưa chuộng hơn thủy sản tươi sống, đồng thời người tiêu dùng ngày càng tập trung vào thực phẩm tiện dụng, đồ chế biến sẵn, ăn liền và đồ bảo quản lâu. Trong tháng 2, Mỹ tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu thủy sản Việt Nam, tăng 85% với 146 triệu USD.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đã có những tín hiệu hồi phục tích cực từ tháng 1 và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 2. Hai tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 168 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù các quy định của Trung Quốc vẫn khắt khe, đặt biệt vào thời điểm các cơ quan hải quan của Trung Quốc thắt chặt giám sát thực phẩm nhập khẩu, nhưng không phải là trở ngại chính.
Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường truyền thống khác như Hàn Quốc tăng 48%, Canada tăng 55%, Australia tăng 64%. Đáng lưu ý là xuất khẩu sang Đức tăng 140%.
VASEP dự báo xuất khẩu những tháng tới tiếp tục đà tăng trưởng khả quan vì nhu cầu từ các thị trường đang mạnh. Tuy nhiên, chiến sự Nga – Ukraine ít nhiều cũng tác động đến việc xuất khẩu sang Nga và Ukraine dù 2 thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Nga chiếm 2%, Ukraine chiếm 0,3%. Xung đột sẽ làm tăng giá xăng dầu và kéo theo hàng loạt các chi phí đầu vào khác tăng lên, ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của các công ty thủy sản. Theo đó, các hoạt động khai thác thủy sản sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn so với thủy sản nuôi trồng.
Thành viên cập nhật ngày 3/2/2022: tích cực
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm vừa qua gặp không ít khó khăn nhưng cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ghi nhận đến 8,9 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Kết quả này vượt mong đợi khi đại dịch bùng phát mạnh trong quý III/2021 khiến phần lớn nhà máy chế biến thuỷ sản chỉ duy trì được 30-50% sản xuất. Xuất khẩu quý III thậm chí giảm 25-30% nhưng bất ngờ ngược dòng vào thời điểm cuối năm tại các ngành hàng chủ lực.
Sự phục hồi quan trọng trong những tháng cuối năm đã giúp doanh nghiệp thủy sản có kết quả khả quan và ghi nhận một năm tăng trưởng bất chấp đại dịch.
Công ty Thực phẩm Sao Ta (Fimex) ghi nhận doanh thu tăng 19% quý cuối năm để vượt mốc 1.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt hơn 110 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện từ 13% lên 14% là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận. Công ty lý giải nguyên nhân chủ yếu là nhờ thu hoạch tôm tự nuôi làm hạ giá thành sản phẩm, góp phần tăng lợi nhuận chung.
Lũy kế cả năm, doanh nghiệp ở Sóc Trăng ghi nhận doanh thu tăng 18% đạt mức kỷ lục gần 5.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng lên mức cao nhất trong lịch sử với 289 tỷ đồng, tăng 22% so với năm liền trước và vượt 16% kế hoạch năm.
Nhà sản xuất tôm sinh thái Camimex Group cũng báo cáo doanh thu quý IV gấp đôi cùng kỳ và giúp lợi nhuận tăng 24% lên 24 tỷ đồng. Tính cả năm doanh nghiệp này thu về 2.190 tỷ doanh thu và có lãi gần 83 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và 38% so với năm liền trước.
Trong khi đó, Tập đoàn thủy sản Minh Phú - đơn vị đầu ngành tôm - cũng có tín hiệu đáng ghi nhận. Riêng công ty mẹ có doanh thu tăng gần 7% trong quý cuối năm lên 2.930 tỷ đồng và lũy kế tăng 9% lên 10.141 tỷ đồng.
Tuy nhiên việc hụt thu từ cổ tức và chi phí cước tàu lớn đã khiến lợi nhuận quý vừa qua giảm 11% về 123 tỷ đồng và lũy kế cả năm giảm nhẹ 2% xuống 532 tỷ đồng.
Đối với nhóm cá tra, đơn vị đầu ngành là Vĩnh Hoàn cho biết sản lượng và giá bán cùng tăng mạnh trong quý cuối năm. Nhờ vậy doanh thu hợp nhất tăng 39% lên 2.693 tỷ đồng và lãi ròng tăng đến 171% đạt 455 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất kể từ giữa năm 2018 đến nay.
Hầu hết thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp đều phục hồi mạnh thời điểm cuối năm, đặc biệt là Mỹ. Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm, Vĩnh Hoàn báo cáo doanh thu tăng 29% lên 9.054 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 1.110 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với năm liền trước.
Aquatex Bến Tre báo cáo doanh thu quý cuối năm tăng 69% lên 131 tỷ đồng và lãi ròng gấp gần 10 lần cùng kỳ năm trước đạt xấp xỉ 15 tỷ đồng. Nguyên nhân là nhờ cải tiến trong sản xuất làm cho giá thành sản phẩm giảm và giá bán cũng tăng so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm công ty ghi nhận doanh thu tăng 7% đạt mức 342 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng mạnh 133% lên gần 34 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cá tra khác là Thủy sản Nam Việt cũng ghi nhận quy mô mở rộng khi doanh thu quý IV tăng 13% lên mức 1.058 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí lãi vay và chi phí vận chuyển lớn khiến lãi ròng suy giảm đến 39%.
Hoạt động xuất khẩu thuỷ sản cuối năm lội ngược dòng cán đích 8,9 tỷ USD. Trong đó chủ lực là con tôm khi mang về gần 3,9 tỷ USD, tăng 4%. Xuất khẩu cá tra tăng tốc mạnh 2 tháng cuối năm để giúp kim ngạch cả năm tăng 8,4% lên mức 1,6 tỷ USD. Xuất khẩu các mặt hàng hải sản đạt 3,4 tỷ USD, tăng 7%.
Thị trường khởi sắc nhất là Mỹ khi đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản kỷ lục 2 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2020 và chiếm 23% tổng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Ngoài ra xuất khẩu tại nhiều thị trường khác cũng tăng trưởng vượt trội như EU tăng 12% (trong đó đa số các nước thành viên tăng nhập khẩu từ Việt Nam từ 10 -75%); xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 6%, một số nước trong khối hiệp định CPTPP như Australia tăng 16% hay Mexico tăng 49%.
Doanh nghiệp trong nước còn hưởng lợi nhờ giá bán trung bình sang các thị trường lớn tăng trung bình 10-30%, nhất là những tháng cuối năm khi đơn hàng tăng và nguồn cung thấp.
Ngược lại doanh nghiệp thủy sản cũng gặp bất lợi khi giá cước tàu biển đi các thị trường tăng mạnh 4-10 lần so với trước dịch, kèm theo các khó khăn khâu vận chuyển trong nước nên hàng hóa nhiều địa phương bị ách tắc.
Ngoài ra các chi phí đầu vào đều tăng mạnh do dịch Covid-19 như giá nguyên liệu tăng, chi phí phòng chống dịch, chi phí vận chuyển.
Đánh giá về thị trường năm 2022, SSI Research cho rằng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh từ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế. Tuy nhiên xuất khẩu thủy sản cũng chịu áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao.
Với cá tra, ngoài thị trường Mỹ ổn định thì nhu cầu tại châu Âu và Trung Quốc được kỳ vọng phục hồi mạnh hơn do 2 năm liên tiếp ở mức thấp, nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và nới lỏng hạn chế thủy sản tại các cảng của Trung Quốc.
Do đó SSI Research dự báo giá bán bình quân cá tra cũng sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi nhu cầu phục hồi. Tuy nhiên tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ làm tăng thêm chi phí cho cá nguyên liệu, dẫn đến làm giảm biên lợi nhuận trong quý đầu năm và cải thiện dần sau đó.
Đối với ngành tôm, SSI Research nhận thấy trong khi Ấn Độ đang vật lộn với sự gián đoạn chuỗi giá trị thì Ecuador nổi lên với thành công tuyệt đối, tiếp theo là Việt Nam và Indonesia. Giá bán bình quân được dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm 2022.
Thành viên cập nhật ngày 27/10/2021: Từng bước khôi phục nhờ nới lỏng giãn cách
Tác động tiêu cực từ việc giãn cách xã hội sẽ bắt đầu phản ảnh rõ hơn vào kết quả kinh doanh các doanh nghiệp kể từ tháng 8 trở đi.
Trong ngành thủy sản Việt Nam, có 3 nhóm sản phẩm chủ lực luôn tạo ra giá trị xuất khẩu cao nhất, gồm: tôm, cá tra, hải sản.
Tính đến hết tháng 9/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm 9 tháng đạt 2,76 tỷ USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ). Và xuất khẩu hải sản đạt 2,4 tỷ USD (tăng 2,8% so với cùng kỳ)
Về thị trường xuất khẩu, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2021 phục hồi nhẹ, tăng 8% đạt 97,6 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 775 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn cao, nhất là khi thị trường này đang mở cửa trở lại hậu Covid và các dịp lễ cuối năm đang tới gần.
Về thị trường EU, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 9/2021 giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 48,8 triệu USD. Dù vẫn giảm nhưng tốc độ giảm đã thấp hơn so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 408 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
VASEP nhận định, lượng tôm dự trữ của EU đang ở mức thấp, nhu cầu nhập khẩu của thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel, cùng với Hiệp định thương mại tự do với châu Âu sẽ là cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, VASEP cho rằng sản xuất và xuất khẩu hải sản của Việt Nam sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 10/2021 do tình trạng dịch Covid chưa thể được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp từng bước mở cửa trở lại vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về nhân công, nguồn vốn, chi phí tăng, cộng với chi phí phòng chống dịch để sản xuất an toàn.
Thành viên cập nhật ngày 6T-2021: Xuất khẩu thủy sản tăng trở lại nhờ nhu cầu phục hồi tại các thị trường xuất khẩu chính
Trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 18% so với cùng kỳ đạt 788 triệu USD, được thúc đẩy bởi nhu cầu phục hồi của Mỹ đối với dịch vụ ăn uống sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Sản lượng xuất khẩu cá tra trở lại mức trước COVID, tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng 60%. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 1,7 tỷ USD do nhu cầu tăng ở các thị trường chính như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Hầu hết các công ty thủy sản đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận trong 6T-2021. Đáng chú ý, VHC và FMC đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, chủ yếu nhờ xuất khẩu sang Mỹ tăng. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến mức tăng lợi nhuận ròng thấp hơn doanh thu ở một số công ty chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và EU.
Với nhu cầu sản phẩm thủy sản tăng mạnh tại Mỹ, giá bán trung bình của cá tra và tôm đã tăng lần lượt 15% và 5% trong 6T2021 kể từ cuối năm 2020. Với 50% thị phần về giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ, chúng tôi có quan điểm tích cực về VHC, dù phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn trong bối cảnh COVID-19, nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng kết hợp với chi phí logistic có thể dần hạ nhiệt trong 2022.
Ngược lại, giá bán cá tra sang EU và Trung Quốc vẫn đi ngang so với đầu năm. Trung Quốc đã phải đối mặt với các yêu cầu kiểm soát và kiểm tra chặt chẽ hơn liên quan đến COVID-19 đối với nhập khẩu thực phẩm đông lạnh. Vấn đề này sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm 2021 do các đợt bùng phát COVID mới.
Tại thị trường EU, giá bán cá tra thấp do xuất khẩu cá tra của Việt Nam cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm cá thịt trắng đang có xu hướng giảm giá bán. Theo Kontali, sản lượng nguồn cung cá thịt trắng năm 2021 dự kiến đạt 13 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu cá thịt trắng của EU giảm 17% so với cùng kỳ trong 6T-2021.
Ngoài nhu cầu tăng từ các thị trường chính, nhu cầu đối với tôm Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ những khó khăn của các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, nguồn cung tôm từ Ấn Độ và Indonesia bị suy giảm do COVID-19 và hầu như chưa phục hồi trước mùa lễ hội cuối năm, mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam.
Hơn nữa, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả thuế quan chống bán phá giá sơ bộ rằng tôm Ấn Độ sẽ bị đánh thuế ở mức kỷ lục 7,57%. Thuế chống bán phá giá này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng cạnh tranh về giá bán của Việt Nam.
Kỳ vọng giá bán tôm sẽ tăng nhanh hơn giá tôm nguyên liệu. Theo AgroMonitor, giá tôm nguyên liệu dự kiến sẽ không tăng do sản lượng tôm dồi dào. Do nguồn cung tôm Ấn Độ thiếu hụt, chúng tôi kỳ vọng giá bán của Việt Nam và biên lợi nhuận của các nhà sản xuất sẽ tăng trong nửa cuối năm 2021.
Ngoài ra, việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tôm chế biến sẽ thúc đẩy xuất khẩu tôm của Việt Nam ngay cả sau đại dịch. Theo McKinsey, người tiêu dùng Hoa Kỳ và EU có xu hướng duy trì nấu ăn ở nhà nhiều hơn sau đại dịch, dẫn đến nhu cầu thực phẩm đóng gói và chế biến gia tăng. Tôm chế biến là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, nhờ đó được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu này.
Với những thuận lợi này, Công ty Chứng khoán Rồng Việt có quan điểm tích cực đối với triển vọng tiêu thụ đầu ra của FMC và MPC, nhờ tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ bằng cách thay thế nguồn cung của Ấn Độ trong khi vẫn duy trì xuất khẩu sang EU và Nhật Bản. Ngoài ra, FMC và MPC cũng tập trung vào các dự án đầu tư theo chuỗi giá trị tích hợp để tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Triển vọng nguồn cung vốn đã khó khăn đối với thủy sản Việt Nam càng thêm phức tạp do các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta có hiệu lực vào ngày 19/07. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã phải đóng cửa, và những nhà máy có thể tiếp tục hoạt động phải giảm công suất hoạt động, đồng thời phải thực hiện “3 tại chỗ” và xét nghiệm nhanh COVID thường xuyên với các công nhân tại nhà máy.
Theo VASEP, trong tháng 7/2021, giá trị xuất khẩu thủy sản đã giảm 4% so với cùng kỳ sau khi tăng 15% YoY, đạt 4,1 tỷ USD trong 6T-2021. Số lượng nhân viên chỉ chiếm 30-50% mức bình thường gây ra sụt giảm công suất khoảng 50 - 60% công suất sản xuất. Theo Undercurrent News, sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã giảm khoảng 18% so với tháng trước trong tháng 7.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thủy sản niêm yết vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khả quan trong tháng 7 như VHC và FMC, với mức tăng lần lượt là 21% và 9% so với cùng kỳ. Điều này được lý giải là do các công ty đầu ngành có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất, mặc dù công suất thấp hơn bình thường, cùng với đó là độ trễ thông thường của hàng tồn kho khoảng một tháng giúp các doanh nghiệp có đủ hàng xuất khẩu trong nửa cuối tháng 7.
Theo AgroMonitor, trong nửa đầu tháng 8, sản lượng xuất khẩu cá tra giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ. Do đó, chúng tôi kỳ vọng rằng các công ty thủy sản sẽ bắt đầu chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh kể từ tháng 8 trở đi. Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng lo ngại rằng sự sụt giảm này có thể diễn ra tiếp tục vào quý 4/2021 do các ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Nhìn chung, nhu cầu đã dồi dào nhưng nguồn cung thủy sản trong nước chưa thể đáp ứng đủ do công suất hoạt động thấp, dẫn đến triển vọng xuất khẩu của ngành trong nửa cuối năm 2021 tương đối kém khả quan. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giúp các doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường trong nửa cuối năm nay, Công ty Chứng khoán Rồng Việt tích cực về triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2022.
Thành viên cập nhật ngày 31/3/2021: Doanh nghiệp thủy sản 'căng' với giá tàu đi Mỹ
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, giá cước tàu đi tuyến châu Âu vừa mới hạ nhiệt thì tuyến đi Mỹ lại rất căng thẳng. Hiện nay, chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít vì các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn.
Theo phản ánh của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ, giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ, doanh nghiệp thủy sản như “cá nằm trên thớt”, đặt được chuyến là mừng cho dù chưa biết giá cước là bao nhiêu vì các hãng tàu báo giá rất trễ và hiệu lực chỉ từ 10 – 15 ngày.
Thậm chí, doanh nghiệp đã book được chỗ nhưng vì một lý do nào đó không thể xuất như lịch thì cũng mất hơn 1.500 USD/container.
Vasep cho biết, mới đây nhất, hãng tàu MSC thông báo, bắt đầu từ tháng 4/2021 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Việc này sẽ làm tăng tải cho tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay.
Hơn nữa, rất nhiều hãng tàu không cho đặt chỗ trước, còn nếu chờ tới ngày xuất hàng mới đặt chuyến thì lại không còn chỗ để book.