Bản Việt điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện năm 2023/2024 lần lượt từ 5,0%/8,4% xuống 4,8% và 7,7%. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo sản lượng điện sản xuất trong 11 tháng đầu năm 2023 đạt 257 tỷ kWh (+4% YoY). Dựa vào đó, ước tính mức tăng trưởng tiêu thụ điện trong 11 tháng là 4% YoY và dự báo mức tiêu thụ điện năm 2023 tăng 4,8% YoY.
Ngoài ra, dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 7,0% YoY vào năm 2024. Nguồn cung điện sẽ đủ cho năm 2024, so với tình trạng thiếu điện vào năm 2023. Đầu tháng 12/2023, Bộ Công Thương (BCT) đã ban hành Quyết định 3110. Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu dự kiến đạt 306 tỷ kWh vào năm 2024, tương đương với mức tăng 6%-9% so với năm 2023. Mức tăng này đủ đáp ứng cho nhu cầu điện vào năm 2024, dự kiến sẽ tăng 7,7% YoY.
Trong kịch bản xấu nhất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo Miền Bắc sẽ thiếu khoảng 420 - 1.770 MW điện (1/3 lượng điện thiếu hụt trong quý 2/2023). BCT có kế hoạch tăng huy động đáng kể từ các nhà máy nhiệt điện than (+25% YoY) trong khi dự kiến giảm huy động từ điện khí (-14% YoY) và thủy điện (-1% YoY, và huy động sản lượng gần như năm 2023 từ năng lượng tái tạo.
Bản Việt điều chỉnh giảm giả định về giá thị trường phát điện cạnh tranh (CGM). Trong tháng 8 – 11/2023, giá CGM giảm YoY và MoM. Diễn biến này một phần là do sản lượng thủy điện trung bình trong các tháng này tăng 96% so với mức trung bình hàng tháng trong quý 2 và tăng 5% YoY.
Bản Việt điều chỉnh giảm giả định giá CGM xuống 13%/5%/1% trong năm 2023/2024/2025 xuống lần lượt 1.361 đồng/kWh (-12% YoY), 1.551 đồng/kWh (+14% YoY) và 1.676 đồng/kWh kWh (+8% YoY).
Cập nhật ngày 23/5/2023: Doanh nghiệp điện tái tạo đối mặt nhiều rủi ro
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHĐ VIII) vào ngày 15/05/2023, QHĐ VIII đặt kế hoạch tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) tiêu thụ điện quốc gia là 9% trong giai đoạn 2021-2030, kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng xanh với mục tiêu năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) sẽ chiếm 39%-47% và 72% tổng sản lượng điện lần lượt vào năm 2030 và 2050. Năm gần nhất (2022), tăng trưởng tiêu thụ điện đạt 7.8%, doanh thu bán điện thương phẩm tăng 9.3%.
Tăng trưởng tiêu thụ điện thay đổi theo từng thời kỳ của nền kinh tế. Trong giai đoạn đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, tập trung vào sản xuất và phát triển công nghiệp thì tốc độ tăng trưởng điện năng thường tăng cao do các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng được đẩy mạnh.
Khi quá trình đẩy mạnh này cơ bản hoàn thành, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi, từng bước chuyển sang phát triển các ngành nghề tiêu thụ ít năng lượng hơn nhưng mang lại hiệu quả cao, khi đó tăng trưởng tiêu thụ điện sẽ có xu hướng thu hẹp.
Mức giá trần trong khung giá mới được Bộ Công Thương công bố thấp hơn lần lượt 20% và 30% so với giá FIT trước đây đối với điện mặt trời và điện gió. Đồng thời, giá bán điện sẽ được niêm yết bằng đồng VNĐ. Đây sẽ là sự cản trở đối với việc phát triển các dự án NLTT mới trong khoảng thời gian tới do giá bán điện thấp hơn sẽ làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả của các dự án. Đồng thời, các doanh nghiệp phát triển cũng sẽ gặp rủi ro tỷ giá do đang thực hiện các khoản vay bằng đồng ngoại tệ.
Cập nhật ngày 23/5/2023: Các doanh nghiệp hưởng lợi từ Quy hoạch điện 8
Ngày 15/05/2023, Quy Hoạch Điện 8 (QHĐ8) đã chính thức được phê duyệt, mở ra một chương mới cho ngành điện Việt Nam.
Sau những cam kết mạnh mẽ tại COP26, mới đây là COP27, mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến 2050, Việt Nam đã điều chỉnh kế hoạch phát triển nguồn trong QHĐ7 sang một phương án chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn trong Quy Hoạch Điện 8.
Điện than: Quy Hoạch Điện 8 đã chính thức loại bỏ khoảng 13.220MW điện than, cơ bản đánh dấu hồi kết sớm cho nguồn điện này. Dự kiến điện than sẽ đạt tăng trưởng kép thấp 2% giai đoạn 2021-30 sau đó giảm 1% giai đoạn 2030-50, chiếm lần lượt 19% và 4% tổng công suất nguồn điện.
Điện khí: Nguồn điện sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-30 với tăng trưởng kép đạt 26%, chiếm 27% tổng công suất nguồn điện. Trong 2030-50, phát triển điện khí sẽ chậm lại đạt 4%, chiếm 15% tổng công suất trong 2050.
Điện gió: Dự kiến điện gió sẽ là mục tiêu phát triển hàng đầu trong cả ngắn và dài hạn. Trong đó, điện gió trên bờ sẽ tăng trưởng kép 25% trong 2021-30, và 6% trong 2030-50, chiếm lần lượt 14% và 13% tổng công suất giai đoạn này. Bên cạnh đó, dự kiến Việt Nam sẽ phát triển 6.000MW điện gió ngoài khơi đầu tiên từ nay đến 2030, sau đó sẽ tăng trưởng mạnh mẽ 15% trong 2030-50, chiếm 16% tổng công suất nguồn điện.
Điện mặt trời: Dự kiến sẽ hạn chế phát triển sau giai đoạn tăng trưởng ồ ạt 2020-21. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn khuyến khích phát triển điện mặt trời cho mục đích tự tiêu thụ. Theo đó, công suất điện mặt trời tăng khiếm tốn trong 2021-30 sau đó tăng mạnh 13% từ 2030-50, chiếm 33% tổng công suất.
Nhu cầu vốn lớn để hiện thực hóa tham vọng xanh
Nhu cầu vốn cho phát triển nguồn điện đạt 114 tỷ USD trong 2021-30, phân bổ chủ yếu cho điện gió (30%) và điện khí (35%). Trong giai đoạn 2031-50, tổng nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh lên 495 tỷ USD, với điện gió yêu cầu cao nhất khoảng 65% tổng nhu cầu, theo sau là điện mặt trời (18%). Nhu cầu vốn cho phát triển lưới điện vào khoảng 11% tổng nhu cầu vốn ngành điện trong 2021-30 và 7% trong 2031-50.
Quy Hoạch Điện 8 đã đưa ra được một phương án “đủ và xanh”, tuy nhiên có thể sẽ khó thực hiện hơn QHĐ7 điều chỉnh do tỉ trọng lớn của nhóm điện khí và điện gió, trong khi các công nghệ nhiên liệu thay thế như hydro, ammoniac cho các nhà máy nhiệt điện vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa hiệu quả để đưa ra thị trường.
Một số những doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ Quy Hoạch Điện 8
VNDirect nhận thấy PC1, FCN, TV2, những doanh nghiệp niêm yết nổi bật trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện sẽ hưởng lợi sớm nhất do nhu cầu phát triển cao theo Quy Hoạch Điện 8. PVS cũng là cái tên đáng chú ý, hưởng lợi trong dài hạn do tham gia và quá trình xây dựng điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, các nhà phát triển điện khí, sở hữu dự án được phê duyệt sẽ có triển vọng tươi sáng hơn bao gồm POW, PGV, TV2 và GE2. Hơn nữa, GAS cũng là doanh nghiệp được hưởng lợi từ luận điểm này do tham gia vào chuỗi điện khí LNG với việc phát triển các dự án kho cảng LNG.
VNDirect đồng thời đánh giá Quy Hoạch Điện 8 được ban hành sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp NLTT hàng đầu có kế hoạch tiếp tục phát triển thêm công suất như Trung Nam, BCG, REE, GEG mở rộng công suất. Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng rõ ràng nhất đến triển vọng của nhóm như chính sách giá hiện tại vẫn chưa rõ ngày ban hành.
Kỳ vọng việc phê duyệt QHĐ8 sẽ thúc đẩy tiến độ các dự án mỏ khí giá trị hàng tỷ USD bị đình trệ lâu năm như Lô B, Cá Voi Xanh trong những năm tới.
Cập nhật ngày 5/5/2023: doanh nghiệp điện dễ thở hơn sau khi EVN tăng giá bán lẻ
Trong 2023, chúng tôi kỳ vọng một mức tăng trưởng sản lượng điện thận trọng 6% svck, thấp hơn 28% so với dự báo QHĐ 8 do nhu cầu điện mảng xây dựng dự kiến giảm sút, do những khó khăn của thị trường BĐS nhà ở. Những ngành công nghiệp sản xuất như sắt thép, xi măng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Tuy nhiên, dự báo một mùa hè nóng bức hơn sẽ kéo nhu cầu điện nhóm tiêu dùng dân cư, bù đắp sự sụt giảm mảng Công nghiệp – Xây dựng. Trong 2024-30, chúng tôi dự kiến tăng trưởng kép sản lượng điện sẽ dựa trên kịch bản cơ sở trong QHĐ 8 đạt 8,4%.
EVN vừa tăng giá điện trong năm nay cao khi đã giữ nguyên 4 năm nhờ khung giá bán điện mới được ban hành, tăng 220-528đ/kWh đạt 1.826-2.444đ/kWh. Giá bán lẻ điện tăng sẽ giảm áp lực cho những khó khăn tài chính của EVN, cải thiện dòng tiền thanh toán và tạo dư địa huy động cho nguồn điện giá cao.
Sản lượng nhiệt điện cải thiện trong bối cảnh thủy điện suy yếu trong 2023
Chúng tôi nhận thấy điện khí sẽ hưởng lợi huy động sản lượng do 1) Thủy điện suy yếu, tạo dư địa huy động cho các nguồn thay thế; 2) Dự báo giá dầu Brent giảm trong 2023-24 đạt 85-80USD/thùng hỗ trợ khả năng cạnh tranh giá của nguồn trong bối cảnh giá đầu vào than tiếp tục neo cao. Đối với điện than, chúng tôi kỳ vọng các nhà máy sử dụng than nội địa tại miền Bắc sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ giá than nội ổn định cũng như chi phí rẻ hơn. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy một mùa hè nhiệt độ cao hơn sẽ là yếu tố cơ bản, hỗ trợ huy động sản lượng các nhà máy điện than tại khu vực này trong 2023.
VNDirect lựa chọn POW và PC1
Trong 2023, chúng tôi kỳ vọng POW – doanh nghiệp điện khí hàng đầu sẽ hưởng lợi từ triển vọng tích cực của mảng điện khí. Ngoài ra, trong bối cảnh vẫn có bất ổn trong giai đoạn phát triển tiếp theo của điện NLTT, chúng tôi vẫn đặt niềm tin vào một cơ chế giá điện chính thức sẽ được ban hành trong năm nay.
Khi mọi nút thắt được giải quyết, chúng tôi nhận thấy mảng xây lắp điện, bao gồm thầu EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp sẽ bùng nổ đầu tiên. Do đó, chúng tôi nhận thấy PC1 là sẽ là doanh nghiệp đón đầu xu hướng này.
Cập nhật ngày 17/5/2022: lợi nhuận tăng mạnh nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán đều cao
Lãi sau thuế của nhiều doanh nghiệp điện tăng mạnh trong quý đầu năm nhờ sản lượng tiêu thụ và giá trên thị trường phát điện cạnh tranh lên cao.
Tổng công ty Phát điện 2 (GE2) ghi nhận lãi sau thuế của quý I hơn 1.088 tỷ đồng, tăng gần 82% so với cùng kỳ 2021. Đây cũng là doanh nghiệp điện niêm yết duy nhất đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong quý đầu năm.
Cùng mức lợi nhuận ở nhóm cao, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - POW) kỳ này lãi hơn 803 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, Tổng công ty Phát điện 3 (PGV) báo lãi gần 848 tỷ đồng, tăng 7%.
Giá trị tuyệt đối không cao bằng các doanh nghiệp trên, nhưng lợi nhuận của Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) và Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG) lại có tốc độ tăng khá lớn, lần lượt đạt khoảng 195% và 127% so với cùng kỳ 2021.
Ngoài ra, các đơn vị như Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ (TMP), Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH)... cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hàng chục điểm phần trăm trong kỳ vừa qua.
Sản lượng điện tăng mạnh là động lực tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho biết tổng sản lượng điện thương phẩm 3 tháng đầu năm tăng hơn 173% so với cùng kỳ, còn của Thủy điện Thác Mơ là tăng hơn 57%, Nhiệt điện Quảng Ninh hơn 39%...
Theo số liệu của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 3 tháng đầu năm, sản lượng điện cả nước đạt hơn 63 tỷ kWh, tăng gần 8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, nhiệt điện chiếm 45%, thủy điện chiếm hơn 26%, còn lại là các loại điện năng lượng tái tạo và điện nhập khẩu. Điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) chiếm hơn 42% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.
Ngoài yếu tố sản lượng, Phát điện 3 lý giải công ty tăng lãi nhờ giá bán điện bình quân tăng lên. Tương tự, QTP có lãi cao do chào bán giá điện đạt hiệu quả.
Báo cáo mới đây của SSI Research nhận định rằng, mở cửa kinh tế trở lại giúp tiêu thụ điện toàn quốc tăng. Song song đó, giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (giá CGM) cũng tăng lên. Theo đơn vị này, giá CGM trung bình quý đầu năm là 1.515 đồng một kWh, tăng 37% so với cùng kỳ 2021.
Thị trường phát điện cạnh tranh được triển khai xây dựng từ đầu năm 2019, hướng tới đưa ra mô hình thiết kế thị trường bán lẻ điện phù hợp với thông lệ quốc tế, cho phép khách hàn lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp điện, đảm bảo giá bán lẻ điện minh bạch và phản ánh đúng chi phí...
Tuy nhiên nếu tính chung cả năm nay, giá CGM được SSI Research dự đoán chỉ tăng 30%, khoảng 1.300 đồng một kWh. Giả định trên thấp hơn so với trung bình quý I/2022 do hiện tượng La Nina (nhiệt độ biển hạ thấp, gây nhiều bão) có thể quay lại trong quý II.
Trong hệ thống các nhà máy điện, nhà máy thủy điện có chi phí và giá bán trung bình thấp hơn so với nhiệt điện. Sản lượng từ nhà máy thủy điện tăng có thể làm hạ nhiệt mức tăng giá CGM. Nhưng đơn vị này vẫn lưu ý, nếu nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh thì diễn biến giá CGM có thể vẫn thuận lợi.
Về tình hình tiêu thụ điện, theo SSI Research, nếu giá dầu khí và than nhiệt tiếp tục tăng, áp lực lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm lại sẽ khiến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam bị ảnh hưởng, từ đó kéo theo mức tiêu thụ điện giảm. Theo kịch bản xấu nhất, nếu tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 5-6%, tăng trưởng tiêu thụ điện toàn quốc sẽ khoảng 7%. Nếu GDP tăng 6-7%, tiêu thụ điện sẽ tăng 9,2%.
Xét riêng về thủy điện, Chứng khoán PSI cho rằng nhìn chung tình hình hoạt động của các nhà máy sẽ duy trì tốt khi hiện tượng La Nina có thể kéo dài cho đến tháng 5/2022, sau đó chuyển qua trạng thái trung tính cho đến hết năm 2022. Tuy nhiên do sự phân hóa về lượng mưa, các nhà máy thủy điện ở phía Nam sẽ hoạt động khả quan hơn.
Trong khi đó, nhiệt điện đối mặt với nhiều thách thức khi giá dầu thế giới tăng mạnh kéo theo đó là giá khí cung cấp cho các nhà máy. Theo Chứng khoán PSI, nếu tình hình địa chính trị vẫn căng thẳng, đà tăng của giá dầu sẽ không dừng lại khiến giá khí bán cho các nhà máy điện cũng tăng, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp điện khí có thể tiếp tục bị tác động tiêu cực. Các doanh nghiệp nhiệt điện than cũng gặp khó tương tự khi nguồn cung nhiên liệu eo hẹp, giá bán tăng cao.
Cập nhật ngày 18/4/2021: tiêu thụ tăng trưởng khả quan, mừng cho REE, POW, NT2...
Mức tiêu thụ điện của Việt Nam và giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) cùng tăng. CGM hàng tháng đạt 1.289 đồng/kWh (tăng 10% so với cùng kỳ/YoY và 23% so với tháng trước/MoM), mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 3/2020.
Giá CGM cải thiện từ tháng 3/2021 chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng trưởng mạnh nhờ sự phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Các nhà máy thủy điện sẽ hoạt động tốt hơn vào năm 2021 khi lượng mưa sẽ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2021 đến năm 2022 từ mức đáy của chu kỳ 5 năm đã diễn ra vào nửa đầu năm 2020.
Lượng mưa tăng sớm ở miền Nam, điều này tiếp tục hỗ trợ quan điểm trên. Nhìn chung, xu hướng này sẽ có lợi cho REE. Trong khi một số doanh nghiệp trong ngành như POW, NT2 hưởng lợi tương đối nhờ giá điện và nhu cầu dùng điện cùng tăng.
Với REE, Doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu mảng điện tăng 37% YoY nhờ vào: (1) sự đóng góp của nhà máy Thượng Kon Tum vận hành thương mại vào tháng tư này, (2) năm cao điểm của thủy điện, (3) hoạt động hết công suất điện áp mái, (4) ba nhà máy điện gió sẽ đóng điện vào cuối năm nay.
Công ty Chứng khoán BIDV - BSC khi Cập nhật cổ phiếu REE đã cho rằng các dự án khả quan và đưa ra giá mục tiêu 68.500 đ/cp.
Còn POW, hiện vẫn đang thương thảo với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để nhà máy điện khí Cà Mau tham giá thị trường phát điện cạnh tranh. Bất kỳ thay đổi nào trong thỏa thuận mua bán điện của nhà máy Cà Mau từ thỏa thuận này sẽ được điều chỉnh hồi tố hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Mới đây, theo thông tin cập nhật cổ phiếu, POW có khả năng ghi nhận 350 tỷ lợi nhuận từ việc thoái vốn khỏi PVM.
Cách đây ít lâu, các chuyên gia đánh giá cổ phiếu POW khá lạc quan, rằng 'tất cả các dòng sông đều chảy', đồng thời đưa ra giá mục tiêu 15.000 đồng/cp cho cổ phiếu được cho là 'hot' này.
Chỉ có NT2 khả năng hưởng lợi khiêm tốn hơn, do Sản lượng điện thấp, giá đầu vào cao có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận.