Lượng tài khoản chứng khoán mở mới giảm về mức thấp nhất 3 năm qua

Trung tâm lưu ký Chứng khoán (VSD)

11/05/2023 10:52

Cập nhật mới nhất số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) về số lượng tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước đã mở mới trong tháng gần nhất.

 

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký hơn 22.700 tài khoản chứng khoán mới trong tháng 4 - tháng giảm thứ ba liên tiếp và cũng là mức thấp nhất trong hơn ba năm qua.

Mức độ quan tâm của nhà đầu tư mới với thị trường chứng khoán bắt đầu giảm mạnh từ giữa năm 2022, khi VN-Index lùi sâu khỏi vùng đỉnh 1.500 điểm.

Đà giảm của thị trường diễn ra sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố hai vụ án thao túng thị trường chứng khoán với Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Thành Nhân.

Ở những giai đoạn bùng nổ về điểm số và thanh khoản, cộng thêm các công ty chứng khoán liên tục ra chính sách hút nhà đầu tư mới, lượng đăng ký mỗi tháng thường dao động 200.00-450.000 tài khoản. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, con số này giảm mạnh về dưới 100.000 tài khoản, tiếp tục giảm thêm trong đầu năm nay. Bình quân bốn tháng đầu năm 2023, tài khoản chứng khoán mở mới mỗi tháng chỉ hơn 40.000 tài khoản.

Đi cùng với tình trạng này là quy mô thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh. Từ mức bình quân trên 20.000 tỷ đồng mỗi phiên ở giai đoạn thị trường tăng mạnh lên gần 1.500 điểm, đến nay giá trị bình quân phiên của HoSE giảm về quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Cập nhật ngày 5/8/2022: Lượng tài khoản chứng khoán mở mới giảm 57% trong tháng 7

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 199.128 tài khoản chứng khoán trong tháng 7, giảm 57% so với tháng trước. Đây là lần thứ 2 số tài khoản mở mới trong nước xuống dưới 200.000 đơn vị, lần gần nhất là vào tháng 2/2022 thời điểm trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày.

Mặt khác, trong tháng 7 vừa qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước còn đóng 3.279 tài khoản. Tính đến cuối kỳ, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 6,3 triệu tài khoản. Lũy kế 7 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 2 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).

Thanh khoản bình quân của 3 sàn giảm 24% so với tháng trước và giảm 45,7% so với cùng kỳ xuống còn 13.444 tỷ đồng. Trong đó, riêng giá trị khớp lệnh trên HoSE đã xuống sát ngưỡng 10.000 tỷ đồng/phiên, thấp nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Thanh khoản thị trường suy giảm có thể do hoạt động tín dụng bị dần chặt hơn, đặc biệt đối với một số lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán. Các nhà đầu tư cũng giảm tỷ trọng vay ký quỹ một cách triệt để nhằm tránh rủi ro bị ép bán trong bối cảnh thị trường không thuận lợi.

Bên cạnh đó, động thái bán ròng 1.000 tỷ đồng từ phía khối ngoại có thể đến từ tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư trước quyết định quan trọng của Fed trong kỳ họp vào cuối tháng 7. Việc tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % không nằm ngoài dự báo trước đó kèm theo những động thái cho thấy khả năng giảm tốc độ siết chặt tiền tệ đã hỗ trợ tích cực đến tâm lý thị trường.

Cập nhật ngày 15/5/2022: Bất chấp VN-index lao dốc, mỗi ngày có thêm gần 7.700 tài khoản f0

Theo dữ liệu từ Trung tâm lưu lý chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 4, toàn thị trường trong nước đã ghi nhận 5.218.102 tài khoản giao dịch chứng khoán của các nhà đầu tư. So với cuối tháng 3, số tài khoản giao dịch chứng khoán đã tăng 231.275 đơn vị trong tháng 4.

Đây là số tài khoản mở mới một tháng cao thứ 2 trong lịch sử giao dịch của thị trường. Con số này chỉ thấp hơn mức mở mới kỷ lục ghi nhận vào tháng 3 trước đó, với 270.636 tài khoản.

Đáng chú ý, trong số tài khoản chứng khoán được mở mới tháng 4 vừa qua, có tới 231.094 tài khoản là do nhà đầu tư cá nhân đứng tên và 230.765 tài khoản trong đó thuộc sở hữu của các cá nhân trong nước.

Tính bình quân trong tháng, mỗi ngày thị trường chứng khoán lại ghi nhận thêm gần 7.700 tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới tổng cộng 905.846 tài khoản giao dịch chứng khoán, chiếm gần 99,8% lượng tài khoản được mở mới trong giai đoạn này.

Bên cạnh nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong tháng 4, các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cũng mở thêm 329 tài khoản giao dịch, hiện lượng tài khoản do nhóm này đứng tên là 36.642 đơn vị.

Ngoài ra, các nhà đầu tư tổ chức đã mở mới 181 tài khoản chứng khoán trong tháng này, trong đó, số tài khoản do tổ chức trong nước đứng tên là 159 và 22 tài khoản còn lại thuộc sở hữu của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Hiện số tài khoản giao dịch chứng khoán đứng tên các nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài lần lượt là 13.670 và 4.220 tài khoản.

Lượng mở mới tài khoản giao dịch tiếp tục duy trì ở mức cao diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán ghi nhận mức giảm sâu nhất 3 năm.

Trong tháng 4 vừa qua, chỉ số lớn nhất thị trường VN-Index có thời điểm đã rơi về dưới vùng 1.300 điểm (phiên 26/4), tương đương mức giảm ròng gần 15% so với cuối tháng 3. Nếu tính trong cả tháng 4, chỉ số này khởi đầu ở mức 1.516,44 điểm và đóng cửa ở 1.366,8 điểm, tương đương mức giảm gần 10%, mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.

Đi cùng mức sụt giảm mạnh này là thanh khoản thị trường cũng giảm về mức thấp nhất 1 năm với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HoSE chỉ là 20.600 tỷ đồng/phiên.

Đáng chú ý, cũng trong tháng 4, khi thị trường chứng khoán bị điều chỉnh giảm mạnh, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã rút ròng hơn 4.000 tỷ đồng khỏi thị trường.

Cập nhật ngày 6/12/2021: Cá nhân trong nước mở mới kỷ lục hơn 220.000 tài khoản chứng khoán trong tháng 11/2021

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 11, nhà đầu tư trong nước mở mới 220.817 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 91.000 tài khoản (+70%) so với tháng trước đó. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 220.602 tài khoản và 215 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức.

Lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 11 vừa qua là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường, bỏ xa kỷ lục cũ 140.193 tài khoản được thiết lập vào tháng 6/2021. Đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là tháng đầu tiên có trên 200.000 tài khoản được mở mới.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).

Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là việc (1) Lãi suất huy động đang ở mức thấp; (2) Nền kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh sau đại dịch; (3) Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực; (4) Triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới; (5) Người dân ít có sự lựa chọn kênh đầu tư và (6) Việc áp dụng eKYC giúp mở tài khoản trở nên thuận tiện hơn.

vni1-1615462261.jpg

 

Tính tới cuối tháng 11, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4 triệu, tương đương khoảng 4,1% dân số. Dù vậy đây vẫn là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển trong khu vực.

Cũng trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 497 tài khoản, tăng 96 tài khoản so với tháng trước và là mức cao nhất trong 6 tháng qua. Lũy kế 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 4.133 tài khoản chứng khoán tại Việt Nam.

Cập nhật ngày 31/7/2021: Tài khoản F0 mở mới sụt giảm mạnh trong tháng 7/2021

Số liệu vừa công bố từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho biết số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 7/2021 chỉ đạt 101.078 tài khoản, thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây.

Sau khi lập kỷ lục 140.054 số tài khoản cá nhân trong nước mở mới tháng 6/2021, tốc độ mở tài khoản mới đã tụt dốc. Mức tài khoản mở mới chỉ hơn 101 ngàn tài khoản trong tháng 7 là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Mặc dù vậy, số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới tháng 7 vẫn gấp hơn 3 lần mức mở mới trung bình hàng tháng của năm 2020. Tính chung từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 720.989 tài khoản F0 mở mới, con số cao nhất lịch sử. Trung bình mỗi tháng 2021, số tài khoản F0 trong nước mở mới lên tới 101.998 tài khoản. Ngoài ra, số tài khoản mở mới của tổ chức trong nước và nhà đầu tư cá nhân nước ngoài không thay đổi nhiều trong tháng 7 so với tháng 6. Tuy vậy, số tài khoản mở mới của tổ chức đầu tư nước ngoài ghi nhận sự gia tăng với 14 tài khoản. Cụ thể, tài khoản các tổ chức quốc tế phát sinh trong tháng 7 là 27, số tài khoản phát sinh giảm là 13, tương đương số gia tăng 14. Tuy nhiên, trong tháng 6, số tài khoản đóng lại nhiều hơn số mở mới.

Tháng 7 cũng là thời điểm thị trường chứng khoán ghi nhận mức sụt giảm thanh khoản đáng kể. Từ mức giá trị khớp lệnh đột biến tại đỉnh trên 33 ngàn tỷ đồng/phiên, giao dịch giảm xuống quanh ngưỡng 16-17 ngàn tỷ đồng/phiên. VN-Index cũng ghi nhận mức sụt giảm hơn 14% trong nửa đầu tháng 7 trước khi quay đầu phục hồi nhẹ.

Việc số lượng tài khoản cá nhân mở mới giảm trong tháng 7 cũng có thể đến từ việc hệ thống giao dịch mới của sàn HoSE được vận hành. Hệ thống này đã giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh và loại bỏ việc phân chia số lượng lệnh theo công ty chứng khoán. Do đó nhà đầu tư cá nhân không còn nhu cầu phải mở thêm tài khoản ở các công ty chứng khoán nhỏ để giao dịch.

Cập nhật ngày 30/4/2021: Hơn 100.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 4

Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) mới thông tin, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 4 đạt gần 110.000 tài khoản, gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2020.

Con số này thấp hơn mức kỷ lục trong tháng 3 (hơn 113.000 tài khoản), nhưng vẫn là tháng thứ hai liên tiếp số tài khoản mở mới đạt trên 100.000.

Đến cuối tháng 4, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 3,1 triệu tài khoản, trong đó hơn 11.700 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước, còn lại là nhà đầu tư cá nhân.

Sự tham gia của những nhà đầu tư mới giúp thanh khoản thị trường tiếp tục tăng. Tổng giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trong tháng 4 đạt hơn 22.500 tỷ đồng, tăng gần 17% so với tháng trước. Giá trị khớp lệnh trung bình trên 20.500 tỷ đồng mỗi phiên, tăng gần 19%.

Có được con số này một phần cũng nhờ giải pháp kỹ thuật từ HoSE, giúp tăng năng lực xử lý tạm thời của hệ thống. Sau phiên 12/4, thị trường có thể hoạt động thông suốt với thanh khoản sàn HoSE đạt tới 20.000 tỷ đồng, so với "ngưỡng nghẽn lệnh" 14.000-15.000 tỷ đầu năm.

Báo cáo mới đây của HSBC cũng đánh giá, Việt Nam là một thị trường chứng khoán cận biên đang được quan tâm và ưa thích.

Giá trị giao dịch của thị trường Việt Nam hiện nay, theo HSBC, gần như ngang bằng với Singapore và hơn hẳn Malaysia, Indonesia. Chỉ số VN-Index tăng 12,4% từ đầu năm đến nay, vượt qua tất cả các chỉ số chính trong khu vực và cũng xác lập mức đỉnh mới của thị trường.

Dù khối ngoại bán ròng liên tục kể từ khi dịch bệnh bùng phát, với bức tranh hiện tại của chứng khoán Việt Nam, HSBC cũng tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó làm ngơ lâu hơn nữa.

Trung tâm lưu ký Chứng khoán (VSD)
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.