Còn về kế hoạch chia cổ tức trong những năm tới, trả lời câu hỏi cổ đông tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa được tổ chức trong tháng 4, ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết trong chiến lược 5 năm 2022 - 2026, đã đưa mục tiêu chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền.
"Với nền tảng chúng ta có được, ngân hàng sẽ duy trì tăng trưởng cao và đủ dành 30% lợi nhuận hàng năm để chia tiền mặt cho cổ đông" ông Dũng nhấn mạnh.
Cập nhật ngày 30/3/2023: vừa bán được 15% cổ phần cho Nhật, mạnh dạn đặt mục tiêu lợi nhuận cao chót vót
VPbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 vượt 24.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022 và lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD.
Kế hoạch này được nhắc tới trong tài liệu họp cổ đông thường niên năm 2023 Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) công bố. Năm ngoái, VPBank ghi nhận khoản thu nhập bất thường khoảng 7.000 tỷ đồng từ doanh thu trả trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền tái ký với AIA. Do đó, mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến năm nay sẽ đạt 53% nếu tính trên hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Hiện các ngân hàng báo lãi tỷ USD có Vietcombank và Techcombank.
Với các chỉ tiêu khác, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2023 đạt gần 880.000 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm. Huy động vốn và dư nợ cấp tín dụng tăng lần lượt 41% và 33%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ dưới 3%.
Ngân hàng cũng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn, gồm phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành cho cổ đông chiến lược. Vốn điều lệ sau phát hành đạt hơn 79.000 tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng.
Trong đó, VPBank dự kiến phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho đối tác chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), với giá chào bán hơn 30.000 đồng. Thỏa thuận này đã được VPBank và SMBC ký cách đây ít ngày.
Ngân hàng sẽ chào bán hơn 30 triệu cổ phiếu cho người lao động với mức giá dự kiến là 10.000 đồng. Số cổ phiếu này phát hành từ nguồn cổ phiếu quỹ và bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm, với mức phong tỏa được nới từng phần theo quyết định của hội đồng quản trị.
Với mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 21.200 tỷ đồng trong năm 2022, VPBank dự định chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Tổng mức chi trả dự kiến hơn 7.900 tỷ đồng, tính trên tổng cổ phiếu lưu hành sau các khi phát hành ESOP và chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho SMBC. Thời gian thực hiện vào quý II-III năm nay.
Cập nhật ngày 27/3/2023: bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC)
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) vừa thông báo đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - đơn vị thành viên thuộc Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) của Nhật Bản.
Thỏa thuận đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank. VPBank từng có nhà đầu tư chiến lược khác là Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) có trụ sở chính tại Singapore, cũng nắm 15% vốn nhưng đã thoái vốn từ cuối 2013.
Con số 1,5 tỷ USD (tương đương khoảng 35.900 tỷ đồng) giá trị thương vụ cũng xác lập kỷ lục mới của ngành ngân hàng. Trước VPBank, quy mô thỏa thuận đầu tư chiến lược lớn nhất thuộc về thương vụ KEB Hana Bank rót hơn 20.000 tỷ đồng để mua 15% cổ phần BIDV vào năm 2019.
Khoản đầu tư từ SMBC dự kiến giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trong ngành ngân hàng, sau Vietcombank.
Thỏa thuận lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng năng lực tài chính và đạt mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm tới. Với quy mô vốn lớn, không chỉ các chỉ tiêu an toàn vốn được nâng cao, các giới hạn về cho vay với một hay một nhóm khách hàng cũng được mở rộng.
Ở vai trò nhà đầu tư chiến lược, SMBC cho biết thỏa thuận được kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút và khuyến khích các nhà đầu tư FDI tìm hiểu, mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Hiện SMBC Group có hơn 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới. Những tập đoàn này, khi đầu tư vào Việt Nam, có thể thành khách hàng tiềm năng của VPBank.
Ngoài ra, tập đoàn tài chính từ Nhật Bản sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của VPBank bằng cách chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm ở nhiều thị trường châu Á. Quá trình chuyển đổi số cũng là một trong những yếu tố được kỳ vọng đẩy nhanh sau khi SMBC tham gia.
SMBC và VPBank cũng không phải hai đối tác xa lạ. Đầu năm 2021, thông qua SMBC Consumer Finance, Sumitomo Mitsui đã chi 1,37 tỷ USD mua 49% vốn của FE Credit - công ty con của VPBank.
SMBC từng là cổ đông chiến lược của Eximbank, từ 2007. Tuy nhiên, sau nhiều tranh chấp chưa thể thu xếp ở thượng tầng Eximbank, SMBC rút đại diện khỏi nhà băng, dừng hợp tác liên minh chiến lược và giảm tỷ lệ sở hữu về còn 4,27%.
Cập nhật ngày 7/7/2021: Moody's đưa VPBank và FE Credit vào diện xem xét nâng hạng
Hành động này diễn ra sau thỏa thuận của VPBank với Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc. ngày 28/04 để bán 49% cổ phần của FE Credit.
Xem xét nâng hạng đánh giá phản ánh kỳ vọng của Moody's về những cải thiện đáng kể trong thế mạnh tín dụng tính riêng của VPBank và FE Credit sau giao dịch. Giao dịch này hiện vẫn đang chờ phê duyệt theo quy định. Theo VPBank, giao dịch này sẽ hoàn tất trong năm 2021.
Moody's kỳ vọng FE Credit sẽ được hưởng lợi từ các nguồn lực sẵn có của SMFG - một công ty nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở châu Á. Tại thời điểm này, Moody's vẫn đang áp dụng giả định rằng FE Credit sẽ tiếp tục được hưởng hỗ trợ từ VPBank.
Moody's có thể nâng xếp hạng của VPBank nếu: * Giao dịch được chấp thuận theo quy định. * Nguồn vốn của ngân hàng được cải thiện phù hợp với kỳ vọng của Moody’s. * Sức mạnh tín dụng độc lập của ngân hàng tăng lên như kỳ vọng. * Sự đồng thuận giữa các cổ đông của ngân hàng trong việc ủng hộ thương vụ.
Nếu giao dịch không được hoàn thành, Moody's sẽ xác nhận xếp hạng của FE Credit và điều chỉnh triển vọng về mức ổn định.
Cập nhật ngày 6/5/2021: Dùng tiền bán vốn FE Credit mở rộng mảng kinh doanh mới, đầu tư vào đơn vị khác
VPBank công bố sẽ bán 49% vốn FE Credit cho Sumitomo Mitsui với mức định giá 2,8 tỷ USD. Ước tính, tập đoàn Nhật Bản sẽ cần chi gần 1,4 tỷ USD cho thương vụ này. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của một ngân hàng Nhật Bản vào một tổ chức tài chính Việt Nam.
Theo ông Vinh, FE Credit sau khi bán một phần vốn vẫn là công ty con của VPBank. Ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ để phát triển mạnh FE Credit nhằm đem lại giá trị lớn hơn. Từ năm 2021, lợi nhuận từ FE Credit đóng góp vào hợp nhất có thể giảm hoặc giữ nguyên, nhưng về dài hạn vẫn tiếp tục tăng. Ban lãnh đạo xác định FE Credit là mảng kinh doanh quan trọng.
Sau khi bán 49% vốn FE Credit, ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên 90.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng có thể nâng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3, vốn điều lệ là gần 25.300 tỷ đồng.
Cập nhật ngày 28/04/2021: bán 49% cổ phẩn FE Credit cho Sumitomo Mitsui Financial Group
Theo đó, SMFG sẽ mua lại 49% cổ phần của FEC – công ty hiện do Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng sở hữu 100% cổ phần.
Theo SMFG, lý do cho khoản đầu tư chiến lược này bao gồm (1) mô hình kinh doanh của FEC phù hợp với mục tiêu của SMFG, (2) khả năng tận dụng tiềm năng tăng trưởng của ngành tài chính tiêu dùng của Việt Nam, và (3) vị thế hàng đầu của FEC trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Việt Nam, sẽ cho phép SMFG mở rộng nền tảng kinh doanh.
VPB cũng công bố thông cáo báo chí ngày 28/04/2021 thông báo VPB đã đạt được thỏa thuận với SMFG để bán 49% cổ phần của FEC với mức định giá 2,8 tỷ USD (tương ứng P/B 2020 là 4,2 lần).
Quy định theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) quy định thương vụ mua lại tương tự cho biết pháp nhân sau thâu tóm vẫn vẫn tiếp tục hợp nhất vào VPB, số tiền thu được sẽ được hạch toán vào tài khoản vốn chủ sở hữu của VPB thay vì được ghi nhận trong KQKD.
Trước đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt giả định FEC sẽ được bán cổ phần với mức định giá 2,3 tỷ USD (P/B 2020 là 3,5 lần). Ước tính thương vụ này có thể mang lại cho VPBank khoản lợi nhuận sau thuế 21.000 tỷ đồng, tương đương trên 900 triệu USD.
Theo lãnh đạo VPBank và FE Credit, thông qua giao dịch này, công ty kỳ vọng sẽ nhận được hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành, và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ Tập đoàn SMBC và SMBCCF - công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản.
Về phía VPBank, thương vụ sẽ bổ sung một nguồn vốn lớn cho ngân hàng, góp phần nâng cao tiềm lực tài chính để nắm bắt các cơ hội đầu tư mới trên thị trường.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam đang mở rộng với tốc độ trên 30%/năm và doanh thu của FE Credit ghi nhận tăng trưởng hai chữ số mỗi năm. Công ty này hiện là nhà cho vay tiêu dùng lớn nhất Việt Nam với khoảng 50% thị phần.
SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, với tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD vào cuối năm 2020. Trong khi SMBCCF là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường Nhật Bản với hơn 900 chi nhánh và nhiều công ty con tại Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, và Trung Quốc.