Cập nhật cổ phiếu VPB (VPBank): quỹ Tianhong Trung Quốc sở hữu hơn 1% vốn

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (HoSE: VPB) - vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, cập nhật đến ngày 20/8.

vpb2-1620230162.jpeg

 

Đáng chú ý, danh sách mới nhất đã xuất hiện thêm một cổ đông tổ chức là Tianhong Vietnamese Market Equity Launched QDII Fund. Quỹ đầu tư này hiện nắm giữ hơn 91 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 1,14% vốn điều lệ của ngân hàng.

Theo Bloomberg, Tianhong Vietnamese Market Equity Launched QDII Fund là quỹ mở, được thành lập tại Trung Quốc. Quỹ này được quản lý chủ động và theo dõi chỉ số VN30 Index.

Tianhong Vietnamese Market Equity Launched QDII Fund đang phân bổ gần 80% tổng tài sản vào cổ phiếu, ít nhất 80% tài sản phi tiền mặt vào cổ phiếu liên quan đến Việt Nam và chứng chỉ lưu ký cũng như ít nhất 5% tài sản vào tiền mặt và trái phiếu Chính phủ.

Cùng với Tianhong Vietnamese Market Equity Launched QDII Fund, danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn mới nhất của VPBank cũng xuất hiện một cổ đông tổ chức khác là Composite Capital Master Fund LP đang nắm hơn 135 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng 1,7% vốn ngân hàng.

Trước đó, vào ngày 19/7, nhà băng này cũng đã báo cáo danh sách tổng cộng 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức sở hữu gần 5,1 tỷ cổ phiếu, chiếm hơn 64% vốn điều lệ của ngân hàng.

Trong danh sách này, không có sự góp mặt của Tianhong Vietnamese Market Equity Launched QDII Fund nhưng có Composite Capital Master Fund LP với số lượng 2,73% vốn.

Như vậy chỉ sau 1 tháng, Composite Capital Master Fund LP đã giảm đáng kể tỷ lệ sở hữu tại VPBank.

13 cổ đông cá nhân có tên trong danh sách cũ trong đó có cá nhân sở hữu nhiều cổ phiếu nhất là ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch VPBank - nắm gần 329 triệu cổ phiếu, tương đương 4,1% vốn. Tổng cộng ông Dũng và người liên quan sở hữu gần 34% vốn của VPBank.

Ngoài ra, VPBank còn một cổ đông tổ chức là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) cũng là cổ đông chiến lược của ngân hàng hiện nắm 15% vốn điều lệ.

Thành viên cập nhật ngày 20/10/2023: hoàn tất thương vụ bán 1,5 tỷ USD cổ phần cho SMBC

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vào cuối tháng 3.

Theo đó, ngân hàng này chào bán hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho SMBC - thành viên thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG). Tổng giá trị của đợt phát hành là hơn 35.900 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD). Toàn bộ số cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

10% giá trị đợt chào bán đã được SMBC đặt cọc ngay trước phiên họp Đại hội cổ đông thường niên tổ chức tháng 4. Khoảng 90% giá trị còn lại của giao dịch (khoảng 1,35 tỷ USD) được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu của VPBank sau khi giao dịch hoàn tất vào hôm nay.

Thỏa thuận chào bán cho SMBC nằm trong kế hoạch tăng vốn được VPBank triển khai từ năm 2022 nhằm củng cố năng lực tài chính. Vốn chủ sở hữu của VPBank được nâng từ 103.500 tỷ lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng, theo tính toán của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, tăng lên gần 19%.

Theo VPBank, nền tảng vốn lớn sẽ tăng cường sức mạnh tài chính ngân hàng nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng ở các phân khúc chiến lược. Đồng thời, VPBank sẽ có đủ năng lực phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô lớn. SMBC được kỳ vọng đóng góp vào sự tăng trưởng của VPBank bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm trong nhiều năm tham gia nhiều thị trường châu Á.

Thành viên cập nhật ngày 30/3/2023: sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt trong quý 2 hoặc 3/2023

Tại cuộc họp trực tuyến với các nhà đầu tư vừa diễn ra, bà Lưu Thị Thảo - phó tổng giám đốc thường trực của VPBank, cho biết ngân hàng sẽ chi trả khoảng 8.000 tỉ đồng từ nguồn lợi nhuận của năm 2022. Thời gian chi trả vào quý 2 hoặc muộn nhất là quý 3.

Còn về kế hoạch chia cổ tức trong những năm tới, trả lời câu hỏi cổ đông tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa được tổ chức trong tháng 4, ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết trong chiến lược 5 năm 2022 - 2026, đã đưa mục tiêu chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền.

"Với nền tảng chúng ta có được, ngân hàng sẽ duy trì tăng trưởng cao và đủ dành 30% lợi nhuận hàng năm để chia tiền mặt cho cổ đông" ông Dũng nhấn mạnh.

Thành viên cập nhật ngày 30/3/2023: mạnh dạn đặt mục tiêu lợi nhuận cao  

VPbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 vượt 24.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022 và lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD.

Kế hoạch này được nhắc tới trong tài liệu họp cổ đông thường niên năm 2023 Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) công bố. Năm ngoái, VPBank ghi nhận khoản thu nhập bất thường khoảng 7.000 tỷ đồng từ doanh thu trả trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền tái ký với AIA. Do đó, mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến năm nay sẽ đạt 53% nếu tính trên hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Hiện các ngân hàng báo lãi tỷ USD có Vietcombank và Techcombank.

Với các chỉ tiêu khác, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2023 đạt gần 880.000 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm. Huy động vốn và dư nợ cấp tín dụng tăng lần lượt 41% và 33%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ dưới 3%.

Ngân hàng cũng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn, gồm phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành cho cổ đông chiến lược. Vốn điều lệ sau phát hành đạt hơn 79.000 tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng.

Trong đó, VPBank dự kiến phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho đối tác chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), với giá chào bán hơn 30.000 đồng. Thỏa thuận này đã được VPBank và SMBC ký cách đây ít ngày.

Ngân hàng sẽ chào bán hơn 30 triệu cổ phiếu cho người lao động với mức giá dự kiến là 10.000 đồng. Số cổ phiếu này phát hành từ nguồn cổ phiếu quỹ và bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm, với mức phong tỏa được nới từng phần theo quyết định của hội đồng quản trị.

Với mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 21.200 tỷ đồng trong năm 2022, VPBank dự định chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Tổng mức chi trả dự kiến hơn 7.900 tỷ đồng, tính trên tổng cổ phiếu lưu hành sau các khi phát hành ESOP và chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho SMBC. Thời gian thực hiện vào quý II-III năm nay.

Thành viên cập nhật ngày 27/3/2023: bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC)

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) vừa thông báo đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - đơn vị thành viên thuộc Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) của Nhật Bản.

Thỏa thuận đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank. VPBank từng có nhà đầu tư chiến lược khác là Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) có trụ sở chính tại Singapore, cũng nắm 15% vốn nhưng đã thoái vốn từ cuối 2013.

Con số 1,5 tỷ USD (tương đương khoảng 35.900 tỷ đồng) giá trị thương vụ cũng xác lập kỷ lục mới của ngành ngân hàng. Trước VPBank, quy mô thỏa thuận đầu tư chiến lược lớn nhất thuộc về thương vụ KEB Hana Bank rót hơn 20.000 tỷ đồng để mua 15% cổ phần BIDV vào năm 2019.

Khoản đầu tư từ SMBC dự kiến giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trong ngành ngân hàng, sau Vietcombank.

Thỏa thuận lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng năng lực tài chính và đạt mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm tới. Với quy mô vốn lớn, không chỉ các chỉ tiêu an toàn vốn được nâng cao, các giới hạn về cho vay với một hay một nhóm khách hàng cũng được mở rộng.

Ở vai trò nhà đầu tư chiến lược, SMBC cho biết thỏa thuận được kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút và khuyến khích các nhà đầu tư FDI tìm hiểu, mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Hiện SMBC Group có hơn 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới. Những tập đoàn này, khi đầu tư vào Việt Nam, có thể thành khách hàng tiềm năng của VPBank.

Ngoài ra, tập đoàn tài chính từ Nhật Bản sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của VPBank bằng cách chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm ở nhiều thị trường châu Á. Quá trình chuyển đổi số cũng là một trong những yếu tố được kỳ vọng đẩy nhanh sau khi SMBC tham gia.

SMBC và VPBank cũng không phải hai đối tác xa lạ. Đầu năm 2021, thông qua SMBC Consumer Finance, Sumitomo Mitsui đã chi 1,37 tỷ USD mua 49% vốn của FE Credit - công ty con của VPBank.

SMBC từng là cổ đông chiến lược của Eximbank, từ 2007. Tuy nhiên, sau nhiều tranh chấp chưa thể thu xếp ở thượng tầng Eximbank, SMBC rút đại diện khỏi nhà băng, dừng hợp tác liên minh chiến lược và giảm tỷ lệ sở hữu về còn 4,27%.

Thành viên cập nhật ngày 7/7/2021: Moody's đưa VPBank và FE Credit vào diện xem xét nâng hạng

Hành động này diễn ra sau thỏa thuận của VPBank với Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc. ngày 28/04 để bán 49% cổ phần của FE Credit.

Xem xét nâng hạng đánh giá phản ánh kỳ vọng của Moody's về những cải thiện đáng kể trong thế mạnh tín dụng tính riêng của VPBank và FE Credit sau giao dịch. Giao dịch này hiện vẫn đang chờ phê duyệt theo quy định. Theo VPBank, giao dịch này sẽ hoàn tất trong năm 2021.

Moody's kỳ vọng FE Credit sẽ được hưởng lợi từ các nguồn lực sẵn có của SMFG - một công ty nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở châu Á. Tại thời điểm này, Moody's vẫn đang áp dụng giả định rằng FE Credit sẽ tiếp tục được hưởng hỗ trợ từ VPBank.

Moody's có thể nâng xếp hạng của VPBank nếu: * Giao dịch được chấp thuận theo quy định. * Nguồn vốn của ngân hàng được cải thiện phù hợp với kỳ vọng của Moody’s. * Sức mạnh tín dụng độc lập của ngân hàng tăng lên như kỳ vọng. * Sự đồng thuận giữa các cổ đông của ngân hàng trong việc ủng hộ thương vụ.

Nếu giao dịch không được hoàn thành, Moody's sẽ xác nhận xếp hạng của FE Credit và điều chỉnh triển vọng về mức ổn định.

Thành viên cập nhật ngày 25/6/2021: Ngân hàng VPBank (VPB) nói gì về lợi nhuận tăng vọt giữa bão Covid-19?

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ 6 tháng là 9.944,7 tỷ đồng, tăng 196,7% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận hợp nhất kỳ này đạt 7.218,1 tỷ đồng, tăng 37,1%.

Trong văn bản giải trình do Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh ký cho biết, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và cả hợp nhất 6 tháng đầu năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ là do thu nhập lãi thuần riêng lẻ tăng 2.906 tỷ đồng (tăng 42,4%) và thu nhập lãi thuần hợp nhất tăng 2.629,7 tỷ đồng (tăng 16,7%) chủ yếu do thu nhập lãi cho vay của riêng ngân hàng mẹ tăng 1.492,5 tỷ đồng trong khi chi phí lãi giảm 1.716,6 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí trả lãi tiền gửi giảm 1.724,2 tỷ đồng, chi phí trả lãi tiền vay cũng giảm 1.58,4 tỷ đồng.

Bên cạnh thu nhập lãi thuần, các mảng khác cũng có kết quả tăng mạnh: Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ riêng lẻ và hợp nhất tăng lần lượt 27,6% và 49,9%; Thu nhập thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng 165,89%; Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng rất mạnh 3.599 tỷ đồng do chuyển lợi nhuận từ công ty con về ngân hàng mẹ (lợi nhuận này được loại trừ khi hợp nhất báo cáo tài chính)…

Như vậy, xét về đóng góp vào lợi nhuận của VPBank, đứng đầu là lợi nhuận của công ty con, sau đó đến phần lợi nhuận đến từ huy động vốn lãi suất thấp rồi cho vay ra với lãi suất cao.

Riêng về đóng góp của công ty con, đầu quý II vừa qua, VPBank đã bán đi 49% vốn của FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn.

Trước đây, FE Credit đóng góp gần 50% tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank nhưng vài năm gần đây tỷ lệ này đã giảm mạnh. Ước tính tỷ trọng đóng góp của FE Credit vào lợi nhuận VPBank trong nửa đầu năm 2021 chỉ còn khoảng 12%.

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của FE Credit chỉ đạt 1.200 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, FE Credit đã giải ngân 28 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với 37 nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.

Đến cuối tháng 6 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng FE Credit là 61,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ 2020; Trong đó, dư nợ cho vay tổ chức là 4,7 nghìn tỷ, cho vay khách hàng hiện hữu là 34,7 nghìn tỷ và khách hàng mới là 21,9 nghìn tỷ.

Đáng chú ý, biên lãi ròng chỉ còn 26,9%, mặc dù cao gấp khoảng 5 lần biên lãi ròng trung bình các ngân hàng hiện nay (4-5%) nhưng thấp hơn đáng kể so với 29,1% cùng kỳ năm 2020 và 30,5% cùng kỳ năm 2019 của chính FE Credit. Điều này cũng khiến doanh thu của FE Credit thời gian gần đây liên tục đi ngang. 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của. FE Credit đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, nhỉnh hơn không đáng kể so với 8,7 nghìn tỷ cùng kỳ năm 2019, 2020.

Báo cáo đánh giá mới đây của Trung tâm phân tích đầu tư của Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research, năm 2021, SSI ước tính ngân hàng mẹ VPBank (không bao gồm cổ tức của FE Credit) và FE Credit sẽ đạt lợi nhuận trước thuế lần lượt là 13,5 nghìn tỷ đồng (tăng 45%) và 4,4 nghìn tỷ đồng (tăng 20%).

Thành viên cập nhật ngày 6/5/2021: Dùng tiền bán vốn FE Credit mở rộng mảng kinh doanh mới, đầu tư vào đơn vị khác

VPBank công bố sẽ bán 49% vốn FE Credit cho Sumitomo Mitsui với mức định giá 2,8 tỷ USD. Ước tính, tập đoàn Nhật Bản sẽ cần chi gần 1,4 tỷ USD cho thương vụ này. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của một ngân hàng Nhật Bản vào một tổ chức tài chính Việt Nam.

Theo ông Vinh, FE Credit sau khi bán một phần vốn vẫn là công ty con của VPBank. Ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ để phát triển mạnh FE Credit nhằm đem lại giá trị lớn hơn. Từ năm 2021, lợi nhuận từ FE Credit đóng góp vào hợp nhất có thể giảm hoặc giữ nguyên, nhưng về dài hạn vẫn tiếp tục tăng. Ban lãnh đạo xác định FE Credit là mảng kinh doanh quan trọng.

Sau khi bán 49% vốn FE Credit, ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên 90.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng có thể nâng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3, vốn điều lệ là gần 25.300 tỷ đồng.

 

vpb-fe-1619672347.jpg

 

Thành viên cập nhật ngày 28/04/2021: bán 49% cổ phẩn FE Credit cho Sumitomo Mitsui Financial Group

Theo đó, SMFG sẽ mua lại 49% cổ phần của FEC – công ty hiện do Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng sở hữu 100% cổ phần.

Theo SMFG, lý do cho khoản đầu tư chiến lược này bao gồm (1) mô hình kinh doanh của FEC phù hợp với mục tiêu của SMFG, (2) khả năng tận dụng tiềm năng tăng trưởng của ngành tài chính tiêu dùng của Việt Nam, và (3) vị thế hàng đầu của FEC trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Việt Nam, sẽ cho phép SMFG mở rộng nền tảng kinh doanh.

VPB cũng công bố thông cáo báo chí ngày 28/04/2021 thông báo VPB đã đạt được thỏa thuận với SMFG để bán 49% cổ phần của FEC với mức định giá 2,8 tỷ USD (tương ứng P/B 2020 là 4,2 lần).

Quy định theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) quy định thương vụ mua lại tương tự cho biết pháp nhân sau thâu tóm vẫn vẫn tiếp tục hợp nhất vào VPB, số tiền thu được sẽ được hạch toán vào tài khoản vốn chủ sở hữu của VPB thay vì được ghi nhận trong KQKD.

Trước đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt giả định FEC sẽ được bán cổ phần với mức định giá 2,3 tỷ USD (P/B 2020 là 3,5 lần). Ước tính thương vụ này có thể mang lại cho VPBank khoản lợi nhuận sau thuế 21.000 tỷ đồng, tương đương trên 900 triệu USD.

Theo lãnh đạo VPBank và FE Credit, thông qua giao dịch này, công ty kỳ vọng sẽ nhận được hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành, và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ Tập đoàn SMBC và SMBCCF - công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản.

Về phía VPBank, thương vụ sẽ bổ sung một nguồn vốn lớn cho ngân hàng, góp phần nâng cao tiềm lực tài chính để nắm bắt các cơ hội đầu tư mới trên thị trường.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam đang mở rộng với tốc độ trên 30%/năm và doanh thu của FE Credit ghi nhận tăng trưởng hai chữ số mỗi năm. Công ty này hiện là nhà cho vay tiêu dùng lớn nhất Việt Nam với khoảng 50% thị phần.

SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, với tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD vào cuối năm 2020. Trong khi SMBCCF là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường Nhật Bản với hơn 900 chi nhánh và nhiều công ty con tại Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, và Trung Quốc.

Thành viên cập nhật ngày 15/7/2021: VPBank (VPB) dự kiến phát hành cổ phiếu tỷ lệ 80%, tăng vốn lên hơn 45.000 tỷ

Hội đồng Quản trị VPBank vừa công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 từ việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành thêm từ nguồn quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Cụ thể, nhà băng này dự kiến phát hành tối đa hơn 1,975 tỷ cổ phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 19.757 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ. Số phát hành này tương đương tỷ lệ 80%.

Trong đó, 62,15% cổ phiếu phát hành thêm là để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu và 17,85% tỷ lệ phát hành thêm lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu VPB được hưởng quyền trên sẽ nhận thêm tổng cộng 8.000 cổ phiếu mới, trong đó có 6.215 cổ phiếu là từ cổ tức và 1.785 cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Sau phát hành, tổng số cổ phiếu VPB lưu hành dự kiến vào khoảng 4,505 tỷ đơn vị, tương đương vốn điều lệ đạt trên 45.057 tỷ đồng. So với mức vốn điều lệ hiện tại, vốn sau phát hành của nhà băng này sẽ tăng 19.757 tỷ đồng.

Để chuẩn bị vốn cho kế hoạch trên, VPBank dự kiến trích 15.349 tỷ từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, cùng 3.600 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 808 tỷ đồng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Theo kế hoạch, HĐQT VPBank xin cổ đông được thực hiện các thủ tục với cơ quan chức năng theo quy định, dự kiến phát hành trong quý III hoặc IV năm nay.

Theo lãnh đạo ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ kể trên sẽ giúp nâng cao năng lực kinh doanh và đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, việc tăng vốn sẽ giúp VPBank đảm bảo tỷ lệ đầu tư, góp vốn mua công ty con và/hoặc góp vốn vào các lĩnh vực kinh doanh khác, đồng thời cải thiện các tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán, tỷ lệ cho vay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…

Lãnh đạo ngân hàng cho biết hiện tỷ lệ đầu tư, góp vốn của VPBank đã đạt mức tối đa và không thể thực hiện được bất kỳ giao dịch đầu tư, góp vốn nào cho đến khi tăng được vốn.

Chia sẻ tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 29/4, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết ngân hàng dự kiến phải đợi đến năm 2022 mới tiến hành chia cổ tức tăng vốn.

Trong đó, tính toán của lãnh đạo ngân hàng cho biết vốn điều lệ sau tăng vào năm 2022 của VPBank có thể đạt tối thiểu 75.000 tỷ đồng, tức gấp 3 lần vốn điều lệ hiện tại.

Cũng tại phiên họp thường niên, HĐQT VPBank không có tờ trình chia cổ tức mà xin giữ lại toàn bộ lợi nhuận ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhà băng này chỉ trình cổ đông phương án tái phát hành/bán cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên năm 2021 (ESOP) với khối lượng 15 triệu đơn vị, trên tổng số 75,2 triệu cổ phiếu quỹ.

Chủ tịch VPBank cũng cho biết ban lãnh đạo đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Nếu đạt được thỏa thuận, VPBank sẽ dùng một phần cổ phiếu quỹ cùng số phát hành mới để bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

Được thành lập ngày 12/8/1993, VPBank đã phát triển mạng lưới lên 227 điểm giao dịch với đội ngũ gần 27.000 cán bộ nhân viên. VPBank đang từng bước khẳng định uy tín của một ngân hàng năng động, có năng lực tài chính ổn định và có trách nhiệm với cộng đồng.

Sự tăng trưởng vượt bậc của VPBank thể hiện sinh động ở mức độ mở rộng mạng lưới các chi nhánh, điểm giao dịch trên toàn quốc cùng sự phát triển đa dạng của các kênh bán hàng và phân phối.

Bên cạnh đó, theo định hướng “Khách hàng là trọng tâm”, các điểm giao dịch đã được thay đổi hoàn toàn về diện mạo, mô hình và tiện nghi phục vụ. Các sản phẩm, dịch vụ của VPBank luôn được cải tiến và kết hợp thêm nhiều tiện ích nhằm gia tăng quyền lợi cho khách hàng... Liên kết với nhiều đối tác lớn trên các lĩnh vực như Vinmec, Be Group, Bestlife, FTU, Flywire, Opes…VPBank đã và đang đưa khách hàng bắt kịp xu thế, trải nghiệm những tiện ích hiện đại, đẳng cấp. Tất cả đã góp phần làm hài lòng khách hàng hiện tại và thu hút thêm khách hàng mới, mở rộng tập khách hàng của VPBank cả về độ lớn và thời gian gắn bó với tốc độ nhanh chóng.

Ngân hàng luôn đi đầu thị trường trong việc ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong các sản phẩm, dịch vụ và hệ thống vận hành. Cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, hiệu quả, các hệ thống quản trị nhân sự cốt lõi đã được xây dựng và triển khai thành công tại VPBank. Bên cạnh đó, Ngân hàng đã từng bước phát triển một hệ thống quản trị rủi ro độc lập, tập trung và chuyên môn hóa, đáp ứng chuẩn mực quốc tế và gắn kết với chiến lược kinh doanh của Ngân hàng. Song song với việc thực thi những thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị doanh nghiệp, VPBank cũng không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo chính sách quản trị công ty rõ ràng và minh bạch.

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-vpb-dung-tien-ban-von-fe-credit-mo-rong-mang-kinh-doanh-moi-dau-tu-vao-don-vi-khac-a569.html