Đơn vị điều hành dự án là Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) - chi nhánh của PVN.
NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC CỦA DỰ ÁN LÔ B
Quy định chính sách chưa rõ ràng
Giá khí cao hơn giá phát điện bình quân
Khó khăn trong việc thu xếp vốn
CHUỖI GIÁ TRỊ - PHẠM VI CÔNG VIỆC DỰ ÁN
Thượng nguồn: Dự án bao gồm một giàn xử lý trung tâm (CPP), 46 giàn dầu giếng (WHP), và khoảng hơn 900 giếng khai thác với sản lượng khí ước tính 5 tỷ m3/năm.
Trung nguồn: Dự án đường ống có tổng chiều dài 431km, bao gồm: đường ống biển (295km), đường ống nhánh kết nối tuyến ống PM3 – Cà Mau (37km), đường ống trên bờ dẫn khí đến các nhà máy điện khí tại Ô Môn (102km).
Hạ nguồn: Chuyển đổi dự án Ô Môn 1 sang điện khí, và xây lắp mới 3 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn: Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV, với tổng công suất khoảng 3,800MW.
TIẾN TRÌNH DỰ KIẾN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP ĐƯỢC HƯỞNG LỢI
Giai đoạn đầu (2023 - 2025): PVS, PVD, PVC, PXS
Giai đoạn sau (2025 - 2027): PVS, PVB, PVX
Giai đoạn khai thác (2027 trở đi): GAS, các DN điện khí
CÁC RỦI RO
Tiến độ: Những vướng mắc về hợp đồng mua bán khí, mua bán điện và phương án tài chính có thể khiến FID tiếp tục bị chậm trễ, qua đó ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án.
Hiệu quả: Việc dự án có vòng đời dài, thời gian khai thác lớn (23 năm) cùng với lượng đầu tư Capex lớn có thể khiến một số khâu hoạt động không đem lại tỷ suất lợi nhuận cao như kỳ vọng.
Biến động: Biến động giá dầu và tỷ giá, lạm phát có thể ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.
Cập nhật ngày 30/5/2022: Rủi ro đang dần tăng đối với cổ phiếu Dầu khí
Chúng tôi nhận thấy rủi ro đầu tư đang dần tăng đối với nhóm cổ phiếu Dầu khí do sự biến động mạnh của giá dầu và định giá đang ở mức cao. Đây là thời điểm chuyển trọng tâm đầu tư sang triển vọng dài hạn hơn để nắm bắt những xu hướng mới đang dần định hình ngành Dầu khí.
Giá dầu đang ở trong “môi trường không thể đoán định”
Sau khi chạm mức cao nhất 14 năm là 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3, giá dầu Brent đã giảm gần 40 USD/thùng do những lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “zero-Covid”.
Hiện chúng tôi nhận thấy nhiều yếu tố không thể đoán định đang gia tăng thêm những bất ổn cho TT năng lượng toàn cầu. Một mặt, khủng hoảng Ukraine gia tăng và việc OPEC không đạt mục tiêu sản lượng có thể đẩy giá dầu tiếp tục tăng. Mặt khác, sự hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran và các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc có thể gây áp lực giảm giá lên giá dầu.
Theo quan điểm của chúng tôi, giá dầu Brent sẽ tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn do các sự kiện bất ổn toàn cầu, sau đó dần tái cân bằng cho đến cuối 2022 khi căng thẳng tại Ukraine hạ nhiệt và nguồn cung dầu ngày càng tăng từ Iran, Mỹ và OPEC có thể bắt kịp nhu cầu.
Rủi ro đầu tư đang dần tăng đối với cổ phiếu Dầu khí
Theo sau đà tăng giá dầu Brent, giá cổ phiếu nhóm Dầu khí tại Việt Nam đã tăng 60,2% kể từ đầu năm 2021, vượt trội so với VN-Index (+31,1% trong cùng giai đoạn). Nhà đầu tư cần thận trọng hơn sau đợt tăng giá cổ phiếu vừa qua vì rủi ro giảm giá hiện đã lớn hơn so với tiềm năng tăng giá.
Thứ nhất, mặc dù giá dầu tăng là tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp (DN) thượng nguồn, nhưng KQKD của một số DN thượng nguồn (PVD, PVS…) cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn. Nguyên nhân là vì giá dầu cần duy trì trên mức 60-65 USD/thùng đủ lâu để khởi động lại các dự án Thăm dò & khai thác. Thứ hai, định giá của một số cổ phiếu Dầu khí đã ở mức hợp lý do giá cổ phiếu phần lớn đã phản ánh triển vọng khả quan hơn của DN.
Đã đến lúc chuyển trọng tâm đầu tư sang triển vọng dài hạn hơn của DN
Trong bối cảnh TT năng lượng biến động mạnh, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên hướng sự chú ý vào các cổ phiếu Dầu khí ít nhạy cảm hơn với giá dầu và hưởng lợi từ những câu chuyện dài hạn. Chúng tôi nhận thấy một số xu hướng nổi lên đang định hình triển vọng của ngành Dầu khí Việt Nam. Đầu tiên, một loạt siêu dự án trong chuỗi giá trị điện khí LNG đã được công bố gần đây, khiến LNG trở thành phân khúc hứa hẹn nhất trong vài năm tới.
VNDirect ưa thích các DN có mức độ liên quan lớn với LNG như GAS. Thứ hai, việc mở cửa lại bầu trời là dấu hiệu tốt cho việc phục hồi tiêu thụ năng lượng và PLX có thể là DN hưởng lợi lớn nhất.
Rủi ro giảm giá bao gồm giá dầu giảm, tiến độ các dự án năng lượng lớn tiếp tục trì hoãn và sự xuất hiện của các biến chủng mới có thể cản trở nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Cập nhật ngày 25/3/2021: Trên đà hồi phục mạnh mẽ
Đà tăng của giá dầu chủ yếu được hỗ trợ bởi các yếu tố từ phía nguồn cung, trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu vẫn chưa phục hồi do nhiều quốc gia tiếp tục chính sách hạn chế đi lại để kiềm chế sự lây lan của các biến chủng mới.
Những yếu tố hỗ trợ bao gồm: (1) OPEC+ nhiều lần gia hạn cắt giảm sản lượng và Ả Rập Xê Út tình nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 01/2021 và (2) nguồn cung bị gián đoạn do đợt lạnh kỷ lục tại Mỹ.
Kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ phục hồi nhanh hơn trong nửa cuối 2021 và đạt mức gần tương đương trước dịch là ~100tr thùng/ngày vào cuối năm 2021 (dựa trên dự báo của EIA) nhờ vào việc triển khai vắc xin trên toàn cầu và gói kích thích kinh tế của Mỹ; trong khi các tín hiệu từ phía nguồn cung cho thấy OPEC+ đang tập trung vào việc tái cân bằng thị trường dầu mỏ cũng như nỗ lực để hỗ trợ cho sự phục hồi lành mạnh của giá dầu trong năm 2021.
VNDirect tin rằng đà tăng giá dầu có thể thúc đẩy các hoạt động Thăm dò và Khai thác Dầu khí tại Việt Nam, cung cấp những cơ hội việc làm tiềm năng cho các doanh nghiệp thượng nguồn như PVDrilling (PVD) hay PTSC (PVS).
Bên cạnh đó, một số công ty trung nguồn cũng có thể hưởng lợi từ giá dầu cao hơn như PVGas (GAS) do giá bán sản phẩm của công ty được tính theo giá dầu thế giới.
Ngược lại, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp hạ nguồn (nhà máy sản xuất nhựa, phân bón) có thể bị thu hẹp do áp lực tăng của giá dầu.
PVD: Tích cực
Đối với PVD, VNDirect kỳ vọng hoạt động Thăm dò & Khai thác Dầu khí sẽ ấm lên nhờ giá dầu tăng, thúc đẩy nhu cầu, dẫn đến tăng hiệu suất sử dụng giàn khoan và giá thuê ngày. Tất cả các giàn khoan của PVD đã có hợp đồng trong 6 tháng đầu năm và chúng tôi kỳ vọng giá dầu tăng bền vững sẽ giúp triển vọng của công ty tươi sáng hơn và cải thiện tỷ suất lợi nhuận mảng khoan.
PVS: Tích cực
Đối với PVS, ảnh hưởng của đà tăng giá dầu có thể bị hạn chế với độ trễ do các hợp đồng của PVS trong các mảng cốt lõi (M&C, FSO / FPSO ..) thường kéo dài trong nhiều năm. Đối với các mảng khác như tàu dịch vụ và căn cứ cảng, PVS có thể hưởng lợi trực tiếp từ khả năng phục hồi của phí dịch vụ. Tuy nhiên, giá dầu cao hơn một cách bền vững có thể thúc đẩy tiến độ của các dự án thăm dò khí lớn (Cá Voi Xanh, Lô B - Ô Môn…) tại Việt Nam, tiềm ẩn giá trị backlog rất lớn đối với PTSC.
GAS:Tích cực
Mô hình kinh doanh của GAS tương đối ổn định nhờ chính sách giá mua và bán khí đã được xác định (giá sàn bán khí ở mức cao hơn giữa 46% giá dầu FO và giá khí đầu giếng). Khi giá dầu tăng, GAS sẽ trực tiếp hưởng lợi từ giá bán khí bình quân (ASP) cao hơn (ngoại trừ đối với phần sản lượng bao tiêu, lợi nhuận sẽ được chuyển giao về cho ngân sách nhà nước) và giá bán LPG cao hơn.
PVT: Tích cực nhẹ
Cơ cấu giá thuê tàu hiện tại của PVT đảm bảo mức tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định cho thị trường nội địa, trong khi hầu hết các tàu quốc tế được ký kết theo hình thức hợp đồng thuê định hạn, cho phép PVT chuyển rủi ro biến động giá dầu sang cho đối tác thuê tàu. Tuy nhiên, khi nhu cầu đối với dầu thô và các sản phẩm dầu khí phục hồi, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu vận tải, đặc biệt đối với các tuyến quốc tế. Bên cạnh đó, giá thuê FSO/FPSO có thể phục hồi trở lại mức trước dịch Covid nhờ giá dầu cao hơn.
BSR: Tích cực
BSR rất nhạy cảm với biến động giá dầu do công ty không sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro cho việc nhập nguyên liệu đầu vào (mua theo giá dầu thế giới). Chúng tôi tin rằng BSR sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của chênh lệch crack spread (tỷ suất lợi nhuận lọc dầu) trong bối cảnh giá dầu phục hồi và nhu cầu được cải thiện.
PLX và OIL: Tích cực nhẹ
Do PLX và OIL cần phải dự trữ một lượng hàng tồn kho nhất định, nên tỷ suất lợi nhuận của các công ty có thể cải thiện trong xu hướng tăng của giá dầu, do giá bán bình quân (ASP) được điều chỉnh tăng theo công thức giá nhưng hàng tồn kho được mua với giá thấp hơn.
POW và NT2: Không đáng ngại
Mặc dù giá khí đầu vào cao hơn có thể làm tăng chi phí sản xuất, nhưng chúng tôi cho rằng tác động là hạn chế do phần lớn sản lượng điện được bán theo hình thức hợp đồng cố định - Thỏa thuận mua bán điện (PPA) (chỉ 10-20% tổng sản lượng điện được bán trên Thị trường phát điện cạnh tranh).
DPM và DCM: Cái này bù cái kia
Đối với các nhà máy sản xuất phân bón, chi phí khí đầu vào chiếm 50-60% giá thành sản xuất. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty này có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá dầu tăng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy giá phân bón trên thị trường trong nước và quốc tế đã tăng 20-30% so với đầu năm do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Điều này có thể bù đắp phần nào tác động tiêu cực của việcgiá dầu tăng.
AAA, BMP, STK: Tiêu cực
Do nguyên liệu nhập khẩu chiếm ~ 75% nhu cầu đầu vào (PE, PET, PP, PVC…) nên các nhà sản xuất nhựa (BMP, AAA…) khá nhạy cảm với sự biến động của giá nhựa nguyên liệu toàn cầu, vốn có diễn biến cùng chiều với giá dầu (nhựa nguyên liệu là sản phẩm của quá trình hóa dầu). Đối với nhà sản xuất sợi như STK, giá dầu tăng cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty vì chi phí nguyên liệu PET chiếm 60-70% giá vốn hàng bán của STK.
Cập nhật ngày 22/2/2021: khuyến nghị GAS và BSR - hưởng lợi từ giá dầu tăng
Dự trữ thương mại dầu tuy vẫn cao hơn 5.4% YoY, tuy nhiên đã hồi phục tích cực từ tình trạng “tank top” thời điểm quý 2/2020 và đã về gần mức trung bình 5 năm (2,975 triệu thùng). Tính đến tháng hiện tại, tồn kho dầu của OECD – nhóm tiệu thụ dầu lớn nhất thế giới, đang ở mức 3,030 triệu thùng, và đang tiếp tục trong xu hướng giảm, khi dịch Covid-19 đã tạo đỉnh và đang chuyển biên tích cực khi vaccine đang được đẩy mạnh và các biện pháp chống dịch đang tạo sự hiệu quả tại nhiều quốc gia, sẽ tiêp tục tạo động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Cán cân cung cầu đang tích cực nhờ:
- Nguồn cung tiếp tục được kiểm soát cắt giảm trong quý 1/2021 nhờ thỏa thuận của nhóm OPEC+
- Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trên toàn cầu được cải thiện với triển vọng vaccine và được OPEC dự báo sẽ đạt 94.17 thùng/ngày trong quý 1/2021 cao hơn 4.16 triệu thùng so với mức tiêu thụ trung bình năm 2020.
- Những quốc gia tiêu thụ lớn dầu thô lớn nhất như Trung Quốc được dự báo sẽ vẫn tăng 2-3 triệu thùng/ngày %YoY trong quý 1/2021 ( theo Woodmackenzie) dù có sự hạn chế di chuyển dip tết nguyên đán 2021, do dịch có dấu hiệu trở lại tại quốc gia này.
Việc tăng cường sản xuất dầu nhiên liệu cũng sẽ tiếp tục hồi phục ổn định khi Cracking spread của hầu hết các dòng nhiên liệu từ dầu thô vẫn duy trì mức dương kể từ cuối quý 3/2020 đến nay.
Giá dầu đã tiếp đà giao dịch tích cực, giá dầu brent đã đạt ngưỡng cao nhất trong vòng 1 năm – 65.26 USD/thùng – tăng hơn 6.7% sau 1 tuần, và 26% tính từ đầu năm 2021, dầu WTI đạt 61.9 USD/thùng, tăng 6.5% trong 1 tuần, với những lý do sau:
- Thỏa thuận của OPEC+ về sản lượng chính thức có hiệu lực với việc: (1) OPEC+ giữ nguyên mức cắt giảm 7.2 triệu thùng/ngày, và (2) Saudi Abria tình nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3
- Tồn kho dầu thô OECD hiện tại chỉ cao hơn 1.9% so với ngưỡng trung bình 5 năm, và có thể quay về mức trung bình 5 năm sớm hơn so với nhận định gần nhất (tháng 6/2021) của OPEC+
- OPEC+ kì vọng sẽ cân bằng cung cầu dầu có thể tiếp tục duy trì ở trạng thái thâm hụt (cầu >cung), và có thể đạt đỉnh 2 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2021.
Trong báo cáo cập nhật dự báo giá dầu vào tháng 2/2021 của Citigroup, Giá dầu Brent trung bình trong năm 2021 được dự báo đạt 59 USD/thùng, tăng 9.2% so với dự báo trước và cao hơn 39.80% so với giá trung bình 2020. Tuy nhiên trong các phiên giao dịch gần nhất, giá dầu Brent đã có lúc tăng đột biến lên trên 65 USD/thùng do ảnh hưởng thời tiết lạnh giá bất thường tại khu vực texas. Thời tiết đã làm mất khoảng 1/5 công suất lọc dầu của cả nước Mỹ và đóng cửa hoạt động sản xuất dầu và khí thiên nhiên trên toàn bang.
Với diễn biến giá dầu như trên trong thời gian qua, và trong kịch bản ngắn hạn giá dầu điều chỉnh nhưng vẫn giữ ở trên 58 USD/thùng, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét nâng tỷ trọng GAS và BSR do đây là 2 doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc tăng lên của giá dầu với giá mục tiêu mới lần lượt là 95.000 đồng/cp và 13.500 đồng/cp.