Cuối Q1.2024, quy mô tín dụng của MSB đạt khoảng 158 nghìn tỷ đồng (+4,7% ytd), cao hơn mức tăng trưởng 0,26% của toàn hệ thống. Cho vay khách hàng đạt 156 nghìn tỷ đồng (+4,7% ytd) và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp không thay đổi so với cuối 2023, đạt 1.525 tỷ đồng.
Dư nợ doanh nghiệp lớn tăng 13,9% ytd dẫn dắt tăng trưởng tín dụng, dư nợ SME tăng 2,1% ytd, trong khi dư nợ cho vay khách hàng cá nhân giảm 7,4% ytd. Nhóm ngành Bất động sản và xây dựng chiếm 21,8% tổng dư nợ tín dụng, tăng lên so với mức 17,6% cuối năm 2023.
Huy động từ tiền gửi và giấy tờ có giá đạt 145 nghìn tỷ đồng (+2,5% ytd). Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 38,8 nghìn tỷ đồng (+16,6% ytd), tỷ lệ CASA đạt 28,2%, tiếp tục hồi phục từ mức đáy của Q1.2023.
MSB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 3.119 tỷ đồng (+8,7% yoy) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.530 tỷ đồng (+0,2% yoy), bao gồm:
(1) Thu nhập lãi thuần đạt 2.366 tỷ đồng (+9,6% yoy) nhờ tín dụng tăng trưởng tốt, trong khi đó NIM tiếp tục thu hẹp do do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động. MSB đã triển khai nhiều gói vay ưu đãi về lãi suất trong Q1, đồng thời hoạt động cho vay nhóm khách hàng cá nhân sụt giảm cũng ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời.
(2) Thu nhập từ các hoạt động ngoài lãi đạt 753 tỷ đồng (+5,9% yoy), với đóng góp chủ yếu từ hoạt động dịch vụ đạt 300 tỷ đồng (+11,4% yoy), và hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận 592 tỷ đồng (+330,6% yoy). Ngược lại thu nhập khác ghi nhận lỗ 155 tỷ đồng (-206,3% yoy) do thu hồi nợ xấu gặp khó khăn và chi phí liên quan đến xử lý các tài sản bảo đảm tàu biển gia tăng.
Chi phí hoạt động đạt 1.048 tỷ đồng (+11,6% yoy) do ngân hàng đang trong giai đoạn tăng cường đầu tư xây dựng số hóa và core-banking. Tỷ lệ CIR của MSB cải thiện giảm xuống 33,6% từ mức 39,2% trong năm 2023.
Tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh lên đến 3,18%, trong đó nợ xấu CIC kéo theo chiếm 0,38%, nợ xấu trước CIC trên 60% đến từ khách hàng cá nhân vay mua nhà và vay qua thẻ tín dụng, còn lại là nợ xấu từ khách hàng doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành xây dựng, hàng công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng.
Tỷ lệ nợ nhóm 2 đi ngang đạt 1,75%, giảm đáng kể so với mức 3,25% của Q3.2023 và là dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng trả nợ của khách hàng đang hồi phục. Dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 khoảng 559 tỷ đồng (chiếm 0,36% dư nợ), dư nợ tái cơ cấu thông thường theo Thông tư 11 khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (chiếm 0,7% dư nợ), trong đó có khoảng 900 tỷ đồng là nợ tái cơ cấu cho Vietnam Airline theo chỉ định của Chính phủ.
Chi phí trích lập dự phòng ghi nhận 541 tỷ đồng (+34% yoy), trong đó MSB đã sử dụng 246 tỷ đồng xóa nợ xấu trong kỳ. Tỷ lệ bao nợ xấu LLCR ở mức 54%, giảm nhẹ so với cuối năm 2023.
TRIỂN VỌNG
Nhờ tham gia vào các dự án hỗ trợ NHNN, hạn chế cho vay bất động sản và mở rộng cho vay các ngành nghề hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong các năm gần đây MSB được giao hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành. Tính đến thời điểm hiện tại MSB đã được cấp mức room tín dụng là 14,2%. Kì vọng MSB có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 21% cho năm 2024, với động lực phục hồi đến từ 2 phân chiến lược của MSB là bán lẻ và doanh nghiệp SME (hiện chiếm 52% danh mục tín dụng và tốc độ tăng trưởng CAGR 5 năm đạt 31%).
Nhờ tận dụng thế mạnh trong mảng khách hàng doanh nghiệp lớn nhằm phát triển hệ sinh thái kinh doanh theo chuỗi, MSB thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn và đều đặn chủ yếu đến từ khách hàng doanh nghiệp. Tỷ lệ CASA đạt 28,2%, mức cao thứ 4 toàn ngành. Dự kiến CASA sẽ tiếp tục đà hồi phục khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn duy trì thấp, giúp NIM của MSB duy trì ở mức 4%.
Qua việc nỗ lực chọn lọc khách hàng (qua tập khách hàng cũ và du nhập tập khách hàng private banking thông qua hợp tác với ngân hàng Kaleido Thụy Sĩ), chất lượng khoản vay của MSB đang dần được cải thiện. Trong năm 2024, MSB đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ít biến động để cải thiện danh mục tín dụng.Tỷ trọng TPDN ở mức thấp chỉ khoảng 1%.
Hiện MSB đang trong quá trình hoàn tất xử lí các vấn đề với nợ tái cơ cấu và đã xử lí xong các khoản đảm bảo với Vinashin và Vinalines, tỷ lệ tài sản không sinh lời giảm xuống 5,6% so với mức 8,6% cuối năm 2022. Ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ tồn đọng đưa ra khỏi bảng cân đối từ quỹ dự phòng, bên cạnh giải pháp thắt chặt cho vay để đưa tỷ lệ NPL về mức dưới 3%.
Trong Q2.2024, MSB đã thu về 2 khoản thu bất thường có giá trị hơn 800 tỷ đồng từ nợ đã được xử lý. Ngân hàng dự kiến năm nay sẽ có thêm những khoản thu nhập bất thường từ việc thu hồi các khoản nợ đã xử lý và dự kiến tổng lượng thu hồi khoảng 1.700 tỷ đồng cho cả năm 2024.
Kế hoạch bán công ty tài chính TNEX Finance: FCCOM đã được đổi tên thành TNEX Finance và MSB đang làm việc với bên tư vấn McKinsey để xây dựng chiến lược phát triển mô hình tín dụng số mới trong 6 tháng - 1 năm tới.
Đồng thời, MSB vẫn để mở kế hoạch hợp tác với các nhà đầu tư muốn tham gia TNEX Finance và hiện đang có ba nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan quan tâm. Với định giá ước tính đạt 1.800 - 2.000 tỷ đồng, TNEX Finance là “của để dành” của MSB trong tương lai, tuy nhiên với tiến độ hiện tại chúng tôi đánh giá khả năng thương vụ này chỉ có thể hoàn thành từ năm 2025.
RỦI RO ĐẦU TƯ
Với danh mục tín dụng tập trung vào cho vay doanh nghiệp, lợi nhuận của MSB sẽ chịu tác động tiêu cực khi nợ xấu gia tăng trong trường hợp tình hình vĩ mô không thuận lợi. Việc MSB đang ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tương đối cao là yếu tố cần chú ý trong thời gian tới.
Với trên 30% dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản (22% cho vay doanh nghiệp BĐS và xây dựng, 13% cho vay cá nhân mua nhà) và chiến lược xoay quanh hệ sinh thái của một khách hàng lớn có thể khiến cho MSB gặp phải khó khăn về tăng trưởng tín dụng cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng nếu như có xảy ra sự gián đoạn trong hoạt động của khách hàng lớn đó.
ĐÁNH GIÁ
Ước tính LNTT năm 2024 của MSB đạt 7.109 tỷ đồng (+21,9% yoy), tương đương EPS đạt 2.844 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 17.993 đồng/cổ phiếu.
VCBS duy trì khuyến nghị MUA đối với cơ hội đầu tư vào cổ phiếu MSB với mức giá mục tiêu là 18.077 đồng/cổ phiếu.
Thành viên cập nhật ngày 2/6/2023: đang giao dịch ở mức PB khá hấp dẫn
Tăng trưởng của NFI cao trong Q1/23
NFI tăng 34.1% n/n (771 tỷ đồng). Trong đó, phí banca, thẻ, LC & thanh toán tăng lần lượt +110% n/n (chiếm 18.3% NFI), +84.9% n/n (5.2% NFI), +69.8% n/n (29.1% NFI) trong khi đó thu nhập ngoại hối và thu nhập khác lần lượt giảm 26.5% n/n và 43.2% n/n.
OPEX Q1/23 tăng 26.8% n/n chủ yếu do chi phí nhân viên cao hơn (+47.7% n/n, 58% OPEX). Tỷ lệ CIR tăng nhanh từ 30.8% trong Q1/22 lên 32.7% trong Q1/23.
Chất lượng tài sản
- Xét về tập đoàn: Trong Q1/23, Tỷ lệ cho vay phân loại 2-5 / tổng nợ và nợ xấu tăng lên lần lượt là 5.2% (so với 3.1% vào cuối 2022) và 2.0% (so với 1.7% vào cuối 2022).
- Khoản vay nhóm 2 trong Q1/23 đã tăng +146%YTD lên 4,337 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 2,700 tỷ đồng. Trong đó, Novaland, Hòa Bình, SME và bán lẻ lần lượt đóng góp 1,150 tỷ đồng, 545 tỷ đồng, 450 tỷ đồng và 555 tỷ đồng. NVL và Hòa Bình được phân loại (CIC phân loại lại) vào nhóm 2 (nhóm hiện tại). Ban lãnh đạo ước tính chuyển nhóm nợ từ nhóm 2 sang nhóm 3 có thể là 10-12% cho khách hàng đại chúng. NVL vẫn trả đầy đủ gốc và lãi với giá trị tài sản đảm bảo hơn 2,000 tỷ đồng. Theo như chia sẻ của BLĐ, MSB vẫn cấp lại hạn mức tín dụng 2,000 tỷ đồng cho Hòa Bình dựa trên sự chấp thuận của các ngân hàng khác.
- Dự nợ tái cơ cấu theo thông tư 02 ước tính khoảng 229 tỷ đồng. Trong đó, SME và bán lẻ ước tính lần lượt là 189 tỷ đồng và 40 tỷ đồng theo BLĐ.
Cập nhật thoái vốn của FCCOM
Theo BLĐ, thương vụ dự kiến hoàn tất trong vòng 6-12 tháng. Việc định giá thỏa thuận phụ thuộc vào sự đàm phán với các nhà đầu tư. MSB ước tính lợi nhuận khoảng 1,400-1,800 tỷ đồng (dựa trên các nhà đầu tư tiềm năng hiện tại) và có thể ghi nhận lợi nhuận vào năm 2024.
Khuyến nghị và xếp hạng
Công ty Chứng khoán KIS cho rằng MSB đang giao dịch ở mức PB là 0.87x, thấp hơn 41% so với mức trung bình của các NH tư nhân là 1.48X và thấp hơn mức trung bình 5 năm là 0.92x.
Cập nhật ngày 18/3/2021: Sẵn sàng bứt phá, giá hợp lý 29.621 đ/cp
Năm 2020, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.523 tỷ đồng (+95,9% yoy) nhờ mức tăng trưởng ấn tượng của cả thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi.
Tín dụng tăng trưởng tốt ở giai đoạn cuối năm 2020: MSB ghi nhận tín dụng tăng trưởng 25,1% với mức tăng chủ yếu tập trung ở Q4.2020. Cụ thể, cho vay khách hàng đạt 79.341 tỷ đồng (+18,9% yoy) và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 5,622 tỷ đồng (+29,3% yoy).
Tín dụng phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn có mức tăng trưởng cao nhất +33,4% yoy và chiếm tỷ trọng 31% dư nợ. Dư nợ nhóm doanh nghiệp SME, vốn là thế mạnh của MSB, tăng +24,8% yoy, chiếm 41% dư nợ và khách hàng cá nhân đạt 22.189 tỷ đồng (+16,4% yoy, chiếm 28%). Về ngành nghề, MSB có dư nợ nhóm doanh nghiệp BĐS và Xây dựng chiếm 20,5% tổng dư nợ chủ yếu cho vay trong các dự án thuộc bên liên quan là tập đoàn TNG Holdings; trong khi đó, nhóm doanh nghiệp Khách sạn nhà hàng chỉ chiếm 0,3% dư nợ.
Huy động từ tiền gửi và giấy tờ có giá ghi nhận mức 99.222 tỷ đồng (+10,4% yoy). Trong đó, 87.510 tỷ đồng là tiền gửi của khách hàng (chiếm ~88% trên tổng huy động vốn), còn lại 11,711 tỷ đồng là giấy tờ có giá. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MSB đạt mức 23.327 tỷ đồng (+48,8% yoy), tỷ lệ CASA tăng mạnh lên 26,7% với triển vọng đến từ nhóm khách hàng cá nhân.
Tỷ lệ nợ xấu ghi nhận 1,96%, giảm nhẹ so với mức 2,04% năm 2019 nhờ tăng cường trích lập xóa nợ xấu đạt 1.124 tỷ đồng trong kỳ. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 chiếm khoảng 1,85% tổng dư nợ tính đến cuối 2020. Ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng mạnh mẽ với chi phí trích lập đạt 1.073 tỷ đồng (+16% yoy), tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trước hạn từ Q3.2020 và đưa 3.363 tỷ đồng dư nợ xấu ra ngoại bảng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) giảm về 54%.
Triển vọng 2021
Động lực chính của ngân hàng trong các năm tới sẽ là kinh doanh bán lẻ. Hiện tỷ trọng lợi nhuận do mảng bán lẻ mang lại ở MSB mới chỉ khoảng dưới 10% trong khi ở các ngân hàng khác tới 40 – 60%. Đối với mảng khách hàng cá nhân, MSB sẽ đẩy mạnh khai thác tiềm năng của khách hàng có thu nhập từ lương và chủ kinh doanh. Bên cạnh đó, MSB tiếp tục tập trung vào phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và siêu nhỏ. Nhờ việc phân loại và quản lý khách hàng theo các mảng ngân hàng chuyên doanh, MSB luôn có thể chủ động phát triển các sản phẩm mới đi sâu đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng như M-Bussiness, M-Pro, M-Payroll cho khách hàng cá nhân, sản phẩm riêng cho phân khúc doanh nghiệp Start-up, FDI… Lợi thế về chi phí vốn.
Là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc hướng tới trải nghiệm khách hàng, MSB đã triển khai các sản phẩm thu hút CASA như: chuyển tiền miễn phí, mở tài khoản online qua eKYC, app mobile banking tích hợp nhiều chức năng, các gói tài khoản thanh toán với nhiều ưu đãi hấp dẫn… Nhờ đó, tỷ lệ CASA tăng mạnh lên 26,7% từ mức 19,7% của năm 2019, với tỷ trọng tiền gửi thanh toán từ khách hàng cá nhân ngày càng tăng lên hiện chiếm 50% tổng tiền gửi không kỳ hạn. Lượng tiền gửi CASA cao được đóng góp bởi nhóm khách hàng cá nhân có tính bền vững hơn so với CASA từ nhóm khách hàng tổ chức và đây sẽ là động lực chính giúp duy trì nguồn vốn giá rẻ ổn định cho MSB.
Bên cạnh việc thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn, lãi suất cho vay đầu ra giảm với tốc độ chậm hơn lãi suất huy động giúp cho MSB có được nguồn thu nhập dồi dào từ nửa cuối năm 2020. Chi phí vốn của ngân hàng trong Q4.2020 giảm mạnh và ghi nhận ở mức 2,65%, thuộc nhóm ngân hàng có chi phí vốn thấp nhất hệ thống chỉ xếp sau VCB và TCB. Môi trường lãi suất thấp dự kiến sẽ tiếp tục giúp MSB duy trì lợi thế chi phí vốn thấp và cải thiện biên lãi ròng NIM trong dài hạn.
MSB và công ty bảo hiểm Prudential đã ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền trong vòng 15 năm với mức phí trả trước (Upfront fee) theo chúng tôi đánh giá có thể lên đến 3.500 tỷ đồng. Hợp tác bancassurance này được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho MSB.
Các kỳ vọng chính đối với MSB bao gồm:
(1) Lợi nhuận đến từ việc thoái vốn các công ty con: MSB đã công bố thông tin chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn góp tại Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản MSB AMC và ghi nhận thêm 224 tỷ đồng lợi nhuận. Trong năm 2021, ngân hàng cũng có kế hoạch thoái vốn tại công ty tài chính (FCCOM) dựa trên 2 phương án – bán toàn bộ vốn hoặc bán 50% vốn cho đối tác chiến lược, trong đó ngân hàng sẽ cung cấp đảm bảo về thanh khoản, hệ thống IT, hệ thống khách hàng hiện có để vận hành.
(2) Tập trung triển khai các dự án công nghệ cao giúp nâng cao hiệu quả hoạt động trong dài hạn: MSB hiện là một trong những ngân hàng thực hiện tốt việc khai thác dữ liệu phục vụ các quyết định kinh doanh và ngân hàng cũng đang đầu tư mạnh mẽ cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, nâng cấp hệ thống giao dịch,… MSB đang phát triển song song giữa số hóa ngân hàng truyền thống và ngân hàng số hoàn toàn TNEX. Mục tiêu là 2 triệu khách hàng mới mỗi năm và trong 3 năm tới, khách hàng từ mảng số sẽ chiếm 30% và mỗi khách hàng sử dụng bình quân 3,5 - 4 sản phẩm. Chúng tôi cho rằng việc nhanh chóng nắm bắt, ứng dụng công nghệ sẽ giúp MSB duy trì hiệu quả hoạt động tốt hơn trung bình ngành trong tương lai, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong mảng bán lẻ.
(3) Lộ trình tăng vốn rõ ràng sẽ hỗ trợ tín dụng tăng trưởng ổn định với tốc độ cao hơn trung bình ngành: Trong Q1.2021, MSB chào bán thành công 82,5 triệu cổ phiếu quỹ với giá 11.500-12.000 đồng/cổ phần. Đồng thời, ngân hàng sẽ phát hành 18 triệu cổ phiếu quỹ còn lại để bán/thưởng cho cán bộ công nhân viên.
Công ty Chứng khoán Vietcombank - VCBS kỳ vọng nguồn tiền thu về sẽ giúp ngân hàng tiếp tục tăng vốn điều lệ, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, giúp MSB được xét duyệt cấp hạn mức “room” tín dụng cao hơn trung bình ngành và tăng trưởng nhanh về tài sản. MSB là một trong 4 đơn vị áp dụng toàn bộ 3 trụ cột Basel II sớm nhất hệ thống và Ngân hàng đang tiến tới áp dụng chuẩn Basel III trong nội bộ. Tại ĐHCĐ năm 2021 sắp tới, MSB sẽ trình cổ đông về việc tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ đồng thông qua trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu. Trong kế hoạch 5 năm, ngân hàng dự kiến tăng trưởng vốn điều lệ bình quân 8%/năm và sẽ đạt hơn 17.300 tỷ đồng vào năm 2024 từ nguồn lợi nhuận sau thuế để lại mỗi năm.
Các rủi ro đối với MSB
(1) Rủi ro nợ xấu: với danh mục tín dụng tập trung vào cho vay doanh nghiệp SME – vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19, lợi nhuận của MSB sẽ chịu tác động tiêu cực khi nợ xấu gia tăng và tín dụng tăng trưởng chậm trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại đến hết 2021.
(2) Rủi ro tập trung: với trên 20% dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản và chiến lược xoay quanh hệ sinh thái của một khách hàng lớn có thể khiến cho MSB gặp phải khó khăn trong quá trình tăng trưởng tín dụng cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng nếu như có xảy ra sự gián đoạn trong hoạt động của khách hàng lớn đó.
Định giá MSB
Dự phóng của Công ty Chứng khoán Vietcombank - VCBS dựa trên một số giả định chủ yếu sau: (1) Tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 23%. (2) Lợi suất sinh lời của tài sản sinh lãi đạt 6,81%. (3) Chi phí vốn giảm xuống 3,33%. (4) Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,86% và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu đạt 59,1%. (5) Tỷ lệ CIR giảm xuống mức 48,4% (6) MSB ghi nhận khoản lợi nhuận khoảng 1.400 tỷ đồng trong năm 2021 từ việc bán MSB AMC và Upfront fee hợp đồng bảo hiểm độc quyền dựa trên kịch bản cơ sở. Như vậy, chúng tôi ước tính MSB đạt 3.971 tỷ đồng LNTT năm 2021 (+57,4% yoy), tương đương EPS đạt 2.704 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 18.530 đồng/cổ phiếu.
Sử dụng số nhân P/B trung vị ngành là 1,6x, mức định giá hợp lý của MSB cho năm 2021 là 29.648 đồng/cổ phiếu. Chiết khấu giá trị thặng dư với lợi suất yêu cầu VCSH 10,04% thì giá hợp lý của MSB là 29,593 đồng/cổ phiếu.
Sử dụng kết hợp 2 phương pháp định giá P/B và thu nhập thặng dư RI với tỷ trọng cân bằng. Giá hợp lý cho cổ phiếu MSB là 29.621 đồng/cổ phiếu.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (mã MSB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (viết tắt MSB hay còn được biết với thương hiệu cũ là Maritime Bank) là ngân hàng thương mại cổ phần được cấp giấy phép thành lập đầu tiên tại Việt Nam,[1] được thành lập năm 1991 tại thành phố Hải Phòng.
Maritime Bank được thành lập vào ngày 12 tháng 7 năm 1991 tại Hải Phòng. Đến năm 2005, Ngân hàng chính thức chuyển Hội sở về Hà Nội.
Ngày 12 tháng 8 năm 2015, Maritime Bank chính thức nhận sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông, với giá trị tổng tài sản 123.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ, mạng lưới gần 300 chi nhánh, phòng giao dịch và gần 500 máy ATM trên toàn quốc.
Thời điểm trước Tết Nguyên Đán 2010 1 tháng, Maritime Bank áp dụng nhận diện bộ giao diện mới của nó với nội dung chủ yếu là màu đen cùng với hình ảnh màu trắng đỏ phía bên tay phải. Đây cũng là lần thứ 2 thay đổi về nội dung của nó (Trước 2010 là 100% sử dụng giao diện màu xanh).
Từ ngày 12 tháng 1 năm 2019, Maritime Bank lần thứ 3 chính thức áp dụng nhận diện thương hiệu logo mới với tên gọi MSB.
MSB có lần thứ 3 (từ năm 2020) là ngân hàng có khối lượng giao dịch ngoại tệ lớn nhất Việt Nam.