Nhân sự lãnh đạo NVL (Novaland): bổ nhiệm ông Dennis Ng Teck Yow làm tổng giám đốc mới

HỒNG MƠ

17/03/2023 13:35

Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) bổ nhiệm ông Dennis Ng Teck Yow làm tổng giám đốc mới, thay ông Nguyễn Ngọc Huyên vừa từ nhiệm.

 

Nghị quyết bổ nhiệm tổng giám đốc mới nhiệm kỳ 2023-2028 được ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland, ký sáng 17/3.

Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này có tổng giám đốc người nước ngoài từ khi thành lập đến nay.

Ông Dennis Ng Teck Yow, người Malaysia, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Anh. Ông có gần 30 năm kinh nghiệm trong việc phát triển chiến lược kinh doanh, đầu tư và phát triển dự án, phân tích và hoạch định tài chính tại các công ty đầu tư và quản lý bất động sản. Trước khi sang Novaland, ông là tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam.

nvl-chang-1679034879.png
Ông Dennis Ng Teck Yow, người Malaysia, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Anh.

Novaland đang trải qua đợt biến động mạnh về nhân sự cấp cao. Đầu tháng 2, ông Bùi Thành Nhơn chính thức trở lại ghế chủ tịch. Sau đó không lâu, ông Bùi Xuân Huy - người chuyển giao chức chủ tịch cho ông Nhơn - từ chức thành viên Hội đồng quản trị. Ông Huy cho biết quyết định này đưa ra theo "định hướng tái cấu trúc của Novaland và nguyện vọng cá nhân để tập trung chuyên môn liên quan việc quản lý xây dựng và triển khai dự án cũng như các công việc khác theo phân nhiệm".

Bà Hoàng Thu Châu cuối tháng trước cũng nộp đơn từ nhiệm thành viên hội đồng quản trị "để tập trung quản lý tại NovaGroup". NovaGroup hiện là cổ đông lớn nhất của Novaland và là nơi bà Châu giữ chức tổng giám đốc.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 9/3, gia đình ông Bùi Thành Nhơn và các tổ chức có liên quan đang nắm 52,66% vốn Novaland và vẫn giữ quyền chi phối. Tuy nhiên, so với cách đây một năm, tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Nhơn đã giảm gần 9%. Biến động lớn nhất là sở hữu của cá nhân ông Nhơn khi giảm từ 14,25% xuống 4,29%, qua đó không còn tư cách cổ đông lớn.

Trong bối cảnh thanh khoản gặp nhiều khó khăn, cuối năm ngoái, Novaland đã thông qua đề án tái cấu trúc. Công ty này đã tinh giảm ngành nghề chưa cần thiết, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh để tối ưu chi phí, tập trung nguồn lực hoàn thiện các dự án tại Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và trung tâm TP HCM.

Giữa tháng 3, công ty này công bố kế hoạch phát hành hơn 1,9 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ hơn 975 triệu cổ phiếu để tái cơ cấu nợ, thanh toán các khoản vay đến hạn, góp thêm vốn vào công ty con và bổ sung vốn lưu động cho dự án. Nếu cả hai phương án thành công, vốn điều lệ của tập đoàn sẽ tăng thêm 29.250 tỷ đồng, lên khoảng 48.750 tỷ đồng.

Trong thông báo mới nhất, đại diện Novaland cho biết đang thương lượng, đàm phán với các tổ chức tín dụng để thu xếp nguồn vốn và phối hợp các địa phương tháo gỡ vấn đề pháp lý các dự án. Doanh nghiệp khẳng định "luôn nỗ lực đảm bảo hài hòa lợi ích của khách hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan".

Cập nhật ngày 24/2/2023: Bùi Xuân Huy rời Hội đồng quản trị sau khi giao chức Chủ tịch cho ông Bùi Thành Nhơn

nvl-huy-1677206774.jpg

Ông Bùi Xuân Huy rời Hội đồng quản trị sau khi chuyển giao chức Chủ tịch cho ông Bùi Thành Nhơn.

Novaland thông báo nhận đơn từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ông Bùi Xuân Huy - người vừa chuyển giao chức chủ tịch cho ông Bùi Thành Nhơn.

Trong đơn từ nhiệm ký ngày 21/2, ông Huy cho biết quyết định này đưa ra theo "định hướng tái cấu trúc của Novaland và nguyện vọng cá nhân để tập trung chuyên môn liên quan việc quản lý xây dựng và triển khai dự án cũng như các công việc liên quan khác theo phân nhiệm".

Ông Huy từng giữ chức tổng giám đốc Novaland hai nhiệm kỳ liên tục, bắt đầu từ tháng 9/2017. Đến tháng 1/2022, ông Huy được ông Bùi Thành Nhơn trao quyền chủ tịch và đương nhiệm trong hơn một năm. Đầu tháng này, ông Huy từ nhiệm chủ tịch khi ông Bùi Thành Nhơn quay lại dẫn dắt công ty, nhưng vẫn là thành viên Hội đồng quản trị cho đến hôm nay.

Cùng ngày với ông Huy, bà Hoàng Thu Châu cũng nộp đơn từ nhiệm thành viên hội đồng quản trị "để tập trung quản lý tại NovaGroup". NovaGroup hiện là cổ đông lớn nhất của Novaland và là nơi bà Châu giữ chức tổng giám đốc.

Nửa tháng trước khi từ nhiệm, hai lãnh đạo cấp cao của Novaland đều thoái một phần vốn bằng phương thức thỏa thuận. Cụ thể, ông Huy bán gần 15 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 72,5 triệu xuống 57,8 triệu cổ phiếu (tương ứng 2,96% vốn Novaland). Bà Châu bán gần 2,3 triệu cổ phiếu, hiện còn nắm giữ khoảng 4 triệu cổ phiếu.

Trong thông báo phát ra chiều nay, Novaland cho biết thay đổi nhân sự lần này nằm trong đề án tái cấu trúc công bố cuối tháng 11 năm ngoái. Khi đó, công ty cho hay sẽ thay đổi cơ cấu Hội đồng quản trị, điều chỉnh số lượng thành viên từ 7 xuống 5 trước khi bầu lại thành viên mới cho nhiệm kỳ 2021-2026. Ngoài ra, công ty sẽ cùng các cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu của EY - Parthenon, Công ty luật YKVN đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện.

Ông Bùi Thành Nhơn cuối ngày hôm nay ký nghị quyết để bổ sung hai vấn đề liên quan đến nhân sự để xin ý kiến cổ đông là thông qua đơn từ nhiệm và thông báo nhận đề cử, ứng cử thành viên thay thế.

 

Cập nhật ngày 3/2/2023: Ông Bùi Thành Nhơn quay lại ghế Chủ tịch, kỳ vọng NVL (Novaland) tỏa sáng trở lại

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (mã chứng khoán: NVL) trong thông cáo phát ra trưa 3/2 cho biết đã bầu lại các thành viên Hội đồng quản trị, ông Nhơn chính thức giữ chức chủ tịch và là người đại diện pháp luật.

Kế hoạch trở lại của ông Nhơn sau hơn một năm chuyển giao chức Chủ tịch cho ông Bùi Xuân Huy được công bố cuối tháng 11/2022. Novaland khi đó dẫn lời ông Nhơn cho biết ông muốn trở lại "vì nghĩ rằng đã là doanh nhân thì phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức bởi trở ngại này qua đi, khó khăn khác sẽ đến".

"Tôi mong rằng, với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh (logo của công ty) sẽ tiếp tục tỏa sáng", ông Bùi Thành Nhơn cho biết.

Việc ông Nhơn trở lại là một phần trong đề án tái cấu trúc mà NovaGroup - cổ đông lớn nhất của Novaland - đang thực hiện để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Novaland cho biết đã và đang cùng các đơn vị tư vấn hàng đầu như KPMG, E&Y Parthenon, Deloitte... xây dựng đề án tái cấu trúc, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn nhân sự, xác định lại mục tiêu thay đổi chiến lược phát triển. Sơ đồ tổ chức vì thế có nhiều sự thay đổi, tách bạch và phân quyền hoạt động độc lập giữa Hội đồng quản trị, Ban điều hành.

"Đứng trước những khó khăn và thách thức, với sự hỗ trợ và tư vấn của nhiều đối tác chuyên nghiệp, công ty đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện tập đoàn nhằm đưa ra những giải pháp quản lý hiệu quả, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và các bên liên quan", theo thông cáo trưa 3/2 của Novaland.

Năm 2022, công ty này ghi nhận doanh thu hơn 11.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.293 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 34% so với năm trước. Trong số này có hơn 9.220 tỷ đồng doanh thu bán hàng được ghi nhận từ việc bàn giao các dự án lớn như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne...

Tổng tài sản của công ty tính đến cuối năm 2022 đạt hơn 257.000 tỷ đồng, tăng gần 28% so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho chiếm hơn 134.000 tỷ đồng trong số này, chủ yếu là giá trị quỹ đất và các dự án đang xây dựng.

nvl-nhon-1675409403.jpg

Ông Bùi Thành Nhơn quay lại ghế Chủ tịch, kỳ vọng NVL (Novaland) tỏa sáng trở lại

 

Cập nhật ngày 30/12/2022: Trên đường tái cấu trúc toàn diện, NVL (Novaland) ngừng mở rộng, đón Chủ tịch Bùi Thành Nhơn trở lại

Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 10/1/2023 để thực hiện quyền bầu cử thành viên HĐQT.

NVL cũng tạm thời không thực hiện nội dung chia cổ tức năm 2021. Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận trước đó, tập đoàn địa ốc này dự tính phát hành tối đa 193 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, tương đương tổng giá trị theo mệnh giá 1.930 tỷ đồng.

Việc ngừng chia cổ tức bằng cổ phiếu đồng nghĩa Tập đoàn không còn mở rộng quy mô vốn để bành trướng như cách đây không lâu. 

Novaland cũng vừa công bố văn bản kiểm phiếu về việc cổ đông đã thông qua đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập của ông Jeffrey David Perlman, đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của các ông Nguyễn Ngọc Huyên và Nguyễn Đức Dũng.

Sau khi ba thành viên kể trên được miễn nhiệm, HĐQT của Novaland còn lại 4 người là Chủ tịch Bùi Xuân Huy, Thành viên Hoàng Thu Châu, hai Thành viên độc lập Phạm Tiến Vân và Nguyễn Mỹ Hạnh.

Ngoài ra, đại đa số cổ đông đồng ý giảm tổng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026 từ 7 người xuống 5 người, trong đó số lượng thành viên HĐQT độc lập cũng giảm từ 3 về 2. Doanh nghiệp theo đó còn thiếu một vị trí trong HĐQT.

Theo thông báo đến hết ngày 27/12, Novaland chỉ nhận được thư ứng cử của ông Bùi Thành Nhơn vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026.

Thực tế vào cuối tháng 11, trong chiến lược tái cấu trúc toàn diện nhằm ứng phó với tình hình khó khăn hiện tại, Novaland đã có thông tin về sự trở lại của ông Bùi Thành Nhơn với cương vị là chủ tịch HĐQT.

Ông Nhơn sinh năm 1958 và là nhà sáng lập của hệ sinh thái NovaGroup. Ông từng giữ chức chủ tịch HĐQT Novaland giai đoạn 2007 đến tháng 1/2022, trước khi nhường quyền cho chủ tịch đương nhiệm Bùi Xuân Huy. Dù vậy, vị doanh nhân này vẫn luôn là chủ tịch HĐQT tại tập đoàn mẹ NovaGroup.

Theo cơ cấu cổ đông, ông Bùi Thành Nhơn đang nắm trực tiếp 4,96% vốn cổ phần của Novaland. Vợ và con trai Bùi Cao Nhật Quân – sau đợt giải chấp tháng 11/2022 - đang nắm tổng cộng 6,79%. Tổ chức có liên quan là Diamond Properties sở hữu 10,41% và Novagroup nắm giữ đến 34,4% vốn.

Việc trở lại của ông Nhơn đến sau khi Novaland gặp khủng hoảng trước những thay đổi đột ngột trên thị trường địa ốc. Doanh nghiệp đối mặt với các dự án vẫn bị ách tắc về pháp lý, các kênh dẫn vốn đổ vỡ khi niềm tin nhà đầu tư chưa phục hồi.

Các ngân hàng dừng giải ngân cho các hợp đồng tín dụng đã ký, khách hàng không thể trả tiền mua nhà, các khoản nợ tới hạn chưa có cơ chế ân hạn. Novaland buộc cắt giảm hơn 50% nhân sự, bán rẻ tài sản, giảm thi công một số công trình lớn...

Novaland cho biết đa số ngân hàng đang giữ lại tiền thu từ khách hàng của tập đoàn để làm tài sản đảm bảo bổ sung. Hiện doanh nghiệp có khoảng 32.000 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng nhưng lại không có tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Cập nhật ngày 30/11/2022: NVL (Novaland) tái cấu trúc toàn diện, thay đổi cơ cấu HĐQT, ông Bùi Thành Nhơn trở lại

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE: NVL) đang thực hiện thủ tục xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi cơ cấu HĐQT, điều chỉnh số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 và bầu cử lại thành viên HĐQT.

Theo đó HĐQT của Novaland đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên độc lập HĐQT của Ông Jeffrey David Perlman, ngày hiệu lực từ 30/11/2022. 

Cụ thể như tinh giảm các ngành nghề chưa cần thiết, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh lại chiến lược; song song đó là mời các chuyên gia, các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới vào để giúp Tập đoàn tái cấu trúc để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty đang cùng các cổ đông, đối tác nước ngoài, các đội ngũ chuyên gia hàng đầu của EY - Parthenon, Red Capital, Công ty luật YKVN … đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện. Theo đề án tái cấu trúc, ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch HĐQT Novaland.

“Tôi trở lại với vai trò Chủ tịch HĐQT và là đại diện pháp luật của Novaland vì tôi nghĩ rằng, đã là Doanh nhân - chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức. Vì trở ngại này vừa vượt qua thì khó khăn khác sẽ đến. Tôi mong rằng, với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh sẽ tiếp tục toả sáng khắp các tỉnh thành, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu khách hàng, tiếp tục góp phần vào một nước Việt Nam phát triển”, ông Bùi Thành Nhơn chia sẻ.

Bà Đào Thị Thiên Hương, Lãnh đạo EY- Parthenon ViệtNam, là đơn vị tư vấn chiến lược và tái cấu trúc thuộc EY toàn cầu, cho biết: “Đây là giai đoạn thị trường trong nước cũng như quốc tế đang đối diện với rất nhiều thách thức và có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động cũng như thanh khoản của nhiều doanh nghiệp.

Với đội ngũ EY-Parthenon, đây không chỉ là một dự án tái cấu trúc nợ của một doanh nghiệp đơn thuần, mà còn là câu chuyện ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn gia đình người lao động, bao gồm hàng nghìn cán bộ nhân viên của Novaland, và hàng trăm nghìn người lao động trong hệ sinh thái hợp tác với Novaland từ xây dựng, vật liệu, sắt thép, các dịch vụ vệ sinh, cây xanh, bảo vệ, bán lẻ…, hàng nghìn cổ đông, và hàng chục nghìn khách hàng đang chờ mong nhận một mái nhà”.

“Bên cạnh đó, chúng tôi nhìn thấy năng lực và tiềm năng của Novaland trong việc tạo ra những sản phẩm thật với giá trị thật cho khách hàng và cộng đồng. Chúng tôi tin rằng doanh nghiệp như vậy xứng đáng được đồng hành và hỗ trợ để vượt qua giai đoạn thách thức này. Những phân tích ban đầu của chúng tôi trên tình hình tài chính của Tập đoàn cũng cho thấy bức tranh trung dài hạn lạc quan”, bà Hương nhấn mạnh.

Với các nguồn lực hiện có, Novaland đã và đang tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động bán hàng, thu xếp nguồn vốn, cắt giảm các khoản đầu tư chưa thật sự cần thiết để tối ưu chi phí, tập trung nguồn lực tối đa hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án BĐS trung tâm TP. HCM.

Tập đoàn Novaland (NVL)

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va còn gọi là Tập đoàn Novaland là doanh nghiệp bất động sản lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Vingroup.

Ông Bùi Thành Nhơn thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thành Nhơn với số vốn điều lệ 500 triệu đồng để kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu dược, hóa chất.

Năm 2007, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thành Nhơn được tái cấu trúc thành hai đơn vị là Công ty cổ phần Anova và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland).

Novaland hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản với mức vốn điều lệ ban đầu là 95.3 tỷ đồng. Ông Bùi Thành Nhơn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland.

Ngày 28 tháng 12 năm 2016, Novaland chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã số chứng khoán “NVL” tại sàn chứng khoán TPHCM (HOSE), giá niêm yết là 50.000 đồng/cp, tổng 589,4 triệu cổ phiếu.  

NovaLand hiện đang rót vốn đầu tư tại Dự án Nova World Phan Thiết. Hiện là dự án lớn nhất trong thời điểm hiện tại của tập đoàn này. Ông Bùi Thành Nhơn cam kết rằng NovaLand sẽ đầu tư 5 tỷ USD để biến Phan Thiết thành trung tâm du lịch biển theo chuẩn quốc tế, giúp Phan Thiết, Bình Thuận ghi tên vào địa danh du lịch toàn thế giới.

Phan Thiết với bờ biển dài và đẹp nhất Việt Nam, du lịch tại đây đang phát triển rất mạnh điều này có thể nhận thấy trong các năm trở lại lượng khách du lịch tăng mạnh với hơn 7 triệu lượt khách du lịch. Các nhà đầu tư và những tập đoàn lớn đang đổ ngân sách và sự quan tâm mạnh đến bất động sản Phan Thiết trong thời gian gần đây. Thị trường bất động sản Phan Thiết được đánh giá có tiềm năng phát triển lớn mạnh trong tối thiểu 5 năm hoặc nữa. NovaLand đang tạo cơ hội vàng cho các nhà đầu tư và thị trường bất động sản và thị trường du lịch.

Novaland suốt thời gian phát triển đã gặp khá nhiều sự vụ, điển hình khi bị cho là có mối liên hệ với Vũ nhôm thông qua Bùi Cao Nhật Quân, con trai ông Bùi Thành Nhơn. 

Tập đoàn Novaland đã chi khoảng 5.500 tỷ đồng mua hai công ty bất động sản, từ đó dành được khu đất đẹp “hiếm có” thuộc quỹ đất tái định cư 160 ha của người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Thành phố Thủ Đức (Quận 2 cũ). Khu đất nảy sinh nhiều vấn đề sau đó.

Novaland cũng vướng mắc về mặt pháp lý với một loạt dự án: xây dựng và bán xong nhưng đều có nguồn gốc đất công và chưa thể ra sổ cho khách hàng như The Prince Residence, Garden Gate, Newton Residence, Orchard Park View, Orchard Garden, Kingston Residence.

Một dự án khác cũng chờ được Bộ Xây dựng giải cứu là dự án khu dân cư tại khu đất 30,224ha phường Bình Khánh, Quận 2 – tức dự án The Water Bay (do Công ty TNHHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 – công ty thành viên của Novaland làm chủ đầu tư) bị ách tắc kéo dài.

NovaGroup tự giới thiệu:

Tầm nhìn: là Tập đoàn đầu tư và phát triển kinh tế hàng đầu Việt Nam. Hoạt động trong các lĩnh vực: Dịch vụ - Công nghệ - Công nghiệp.

Sứ mệnh: NovaGroup - điểm kết nối cộng đồng doanh nghiệp.

“NovaGroup bằng nguồn lực trong hệ sinh thái của Tập đoàn; kết nối, hỗ trợ Doanh nghiệp Việt tạo ra những sản phẩm vượt trội, những dịch vụ trải nghiệm đẳng cấp để cùng hòa nhập vào Cộng đồng Quốc tế”.

Tập đoàn Novaland - nhân tố chính trong hệ sinh thái NovaGroup - là Thương hiệu uy tín hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư và phát triển BĐS tại Việt Nam.

Trên tổng quỹ đất khoảng 10.600 ha, Tập đoàn Novaland hiện phát triển 03 dòng sản phẩm chủ lực, gồm: BĐS Đô thị, BĐS Du lịch, và BĐS Công nghiệp.

Trải qua hành trình 30 năm hình thành và phát triển, Novaland hiện sở hữu danh mục gần 50 dự án BĐS; không chỉ dừng lại ở các dự án BĐS nhà ở tại Trung tâm TP.HCM, Tập đoàn còn đầu tư mạnh mẽ loạt dự án BĐS quy mô lớn, với những công trình và sản phẩm dẫn đầu xu hướng, tác động tích cực đến quá trình phát triển đô thị và phát triển du lịch tại các tỉnh thành phía Nam.

Novaland là Công ty niêm yết trong nhóm VN30, và niêm yết trái phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.

 

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.