Một số ngân hàng đã công bố cụ thể phương án giảm lãi suất cho vay - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông Nguyễn Việt Sáng, Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) chi nhánh Bắc Ninh cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đang bị âm. Thực tế, từ đầu năm đến nay ngân hàng có tăng trưởng dư nợ, tuy nhiên, phần tăng không đủ bù đắp các khoản giảm trong năm.
"Ngân hàng cũng rất khó khăn khi thừa vốn, muốn tìm cách đẩy vốn ra bên ngoài, giảm lãi suất tất cả kênh cho vay cũ, mới. Giảm đến mức không giảm thêm được nữa vì sẽ lỗ", ông nói.
Theo ông, biên lợi nhuận của ngân hàng đang ở mức 3,7%, trong khi vẫn còn nhiều chi phí đi kèm như trích lập dự phòng, chi phí nhân sự. "Lãi chỉ khoảng 0,2 - 0,3%. Ngân hàng đang là doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp nhất", ông nói.
Nguyên nhân chính khiến vốn không đi được vào nền kinh tế là khách hàng rất khó khăn. Bối cảnh chung không thuận lợi khiến doanh nghiệp sản xuất không có đầu ra, tồn kho nhiều, buộc phải co mình để giảm chi phí.
Phần còn lại là do ngân hàng thận trọng trong việc cho vay vốn. Ông giải thích, nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác hoặc để trang trải chi phí tối thiểu nên chúng tôi phải xem xét kỹ phương án vay vốn. "Nếu không, họ trả được 1-2 tháng rồi lại phải xử lý nợ", ông nói.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV, nói đã áp dụng nhiều biện pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng họ không mở rộng sản xuất nên không phát sinh nhu cầu vay. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ không có đủ tài sản đảm bảo cho việc vay.
Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ của BIDV ở địa phương này chỉ tăng 1,7%, tập trung vào lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp, ngành thương mại.
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp tại Bắc Ninh cho rằng, vẫn cần tiếp tục có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có điều kiện tài chính chưa được tốt tiếp cận vốn trên thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục hạ lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh, nói cần tăng cường các giải pháp bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Theo ông, việc duy trì cách đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp trong điều kiện bình thường không phù hợp với bối cảnh khó khăn hiện nay. Các chính sách tài khóa cũng cần có hướng dẫn chi tiết, rõ ràng hơn nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh hỗ trợ từ Chính phủ.
Ghi nhận các thông tin, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết sẽ tiếp tục có các biện pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động; người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, hấp thụ vốn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần tìm cách tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay.
Trước đó, phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm, đã định hướng tăng trưởng gín dụng cả 2023 khoảng 14-15%, cao hơn các năm trước. Đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 5,5%.
Cập nhật ngày 6/3/2023: 22 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước cập nhật trong ngày 6/3 đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, trong tháng 2, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022. Đến nay, đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Cũng từ ngày 6/3, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính.
“Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên”, NHNN nhấn mạnh.
Thực tế, đến đầu giờ chiều 6/3, đã có 3/4 ngân hàng quốc doanh công bố biểu lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân mới với mức giảm 0,2 điểm % ở một số kỳ hạn (bao gồm Vietcombank, VietinBank và Agribank). Trong khi đó, BIDV là ngân hàng duy nhất nhóm này chưa công bố biểu lãi suất mới.
Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi tại quầy của nhóm ngân hàng này phổ biến ở mức 4,9-5,4%/năm với kỳ hạn 1-5 tháng; 5,8%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng; 7,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 7,2%/năm với các kỳ hạn dài hơn.
Tuy nhiên, trên kênh online, mức lãi suất tối đa VietinBank và BIDV đưa ra vẫn đang là 8,2%/năm, áp dụng với các khoản gửi kỳ hạn 12-13 tháng.
Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, một loạt nhà băng như Sacombank, VPBank, LienVietPostBank, BacABank, Saigonbank, Vietcapital Bank… đều đã công bố biểu lãi suất tiền gửi mới áp dụng từ hôm nay (6/3) với mức giảm phổ biến 0,3-0,5 điểm %. Cá biệt có VPBank đã giảm tới 2 điểm % lãi suất của các khoản tiền gửi 13 tháng trở lên, áp dụng trên cả kênh quầy và online.
Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường với doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng đã được đẩy lên mức 14-16%/năm.
Cập nhật ngày 29/12/2022: Vietcombank giảm tiếp lãi suất cho vay từ năm 2023
Lãnh đạo Vietcombank cho biết sẽ giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho vay với tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng từ ngày 1/1/2023 đến hết 30/4/2023.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank, chia sẻ tối ngày 29/12.
Cụ thể, ông Tùng cho biết sau đợt giảm lãi suất 1%/năm với hầu hết khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12 năm nay (trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán), nhà băng này sẽ tiếp tục giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho vay từ đầu năm 2023.
Đợt giảm lãi suất này sẽ được áp dụng từ 1/1/2023 đến hết ngày 30/4/2023 và áp dụng với tất cả khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại ngân hàng.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh trong năm 2023, Vietcombank vẫn chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh nhất so với thị trường nhằm hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn hậu dịch Covid-19.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh năm nay, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết tính đến cuối năm, tổng tài sản của Vietcombank đã tăng 15% so với cuối năm 2021, chính thức vượt mốc 1,6 triệu tỷ đồng. Hai chỉ số tài chính quan trọng nhất của ngân hàng là tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đều đạt mức cao.
Trong đó, tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2022 của Vietcombank đã đạt 19,05%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của toàn hệ thống (gần 13% theo Ngân hàng Nhà nước).
Với chỉ tiêu huy động vốn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank cho biết dù luôn duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức hợp lý để giữ lãi suất cho vay theo cam kết với Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng, Vietcombank vẫn ghi nhận mức tăng trưởng huy động 9% năm nay, cũng cao hơn nhiều so với mức tăng 5,99% của toàn hệ thống.
Cập nhật ngày 24/8/2021: Lãi suất cho vay đồng loạt giảm
Ngoài 4 ngân hàng quốc doanh Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV, MBBank cũng dự kiến dành 1.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.
Sau đợt giảm lãi suất hồi tháng 7, mới đây, một loạt ngân hàng lớn đã tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hiện hữu và cho vay mới với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, đợt giảm lãi suất cho vay này tập trung chủ yếu tới nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Cụ thể, lãnh đạo Vietcombank cho biết từ nay đến hết năm 2021, ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất cho vay lên tới 0,5 điểm %/năm cho tất cả dư nợ vay của khách hàng tại TP.HCM và Bình Dương.
Đồng thời, giảm 0,3 điểm %/năm lãi suất cho toàn bộ dư nợ vay của cá nhân, doanh nghiệp tại 17 tỉnh miền Nam còn lại đang áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội.
Trong đó, mức giảm lãi suất sẽ không áp dụng cho các khoản cho vay kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản và các khoản vay thế chấp bằng giấy tờ có giá.
Đặc biệt, những khách hàng đã được giảm lãi suất trong đợt cắt giảm hồi tháng 7 nếu đáp ứng đủ điều kiện kể trên cũng sẽ được cắt giảm thêm lãi suất cho vay, trong đó ưu tiên nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Lãnh đạo nhà băng này ước tính thu nhập lãi sẽ giảm khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm nay, nâng tổng số lãi giảm từ đầu năm lên mức 7.100 tỷ đồng.
Đây đã là lần thứ 8 kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhà băng này áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất cho người dân và doanh nghiệp.
Đại diện ngân hàng BIDV cũng cho biết sau đợt giảm lãi suất hồi tháng 7, nhà băng này đã chính thức giảm thêm 0,5-1,5 điểm %/năm lãi suất cho vay VNĐ đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7 với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Mức giảm tối đa sẽ được áp dụng cho các khoản vay trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort… Dự kiến ngân hàng sẽ hụt thu khoảng 800 tỷ đồng thu nhập lãi trong đợt giảm lãi suất lần này.
Ngoài ra, BIDV cũng tung gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn 1,5 điểm % so với thông thường, dự kiến, thu nhập lãi giảm khoảng 200 tỷ đồng.
Tương tự, đại diện VietinBank cho biết bên cạnh các chính sách miễn giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ đang thực hiện, ngân hàng đã triển khai thêm gói tín dụng lãi suất thấp từ 4%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng cho vay với các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nâng tổng quy mô tất cả gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150.000 tỷ.
“Từ tháng 7, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay tối đa 1 điểm %/năm với tất cả dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch tại các tỉnh phía Nam, VietinBank tiếp tục đưa ra các gói tín dụng nhằm hỗ trợ khách hàng thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng như dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, hàng tiêu dùng thiết yếu…”, đại diện VietinBank cho biết.
Ngoài ra, nhà băng này hiện vẫn hỗ trợ miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như phí chuyển tiền ngoài hệ thống tại quầy, phí giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng nhanh 24/7 qua NAPAS, phí thẻ ghi nợ nội địa, phí rút tiền mặt tại điểm ATM…
Ngoài việc giảm lãi suất với phần dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch, lãnh đạo Agribank cho biết đã quyết định giảm 1,2 điểm %/năm lãi suất (còn 11,7%/năm) thẻ tín dụng với toàn bộ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hiện tại. Đây cũng là mức lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất thị trường hiện nay.
Agribank cũng đồng thời áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước và phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip; giảm 5% phí rút tiền tại ATM của ngân hàng khác
Không riêng nhóm 4 ngân hàng quốc doanh kể trên, trong đợt giảm lãi suất tháng 8 này, MBBank cũng tham gia với cam kết giảm 1.000 tỷ đồng thu nhập từ lãi cho vay.
Ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành MBBank cho biết trong 5 tháng cuối năm nay, ngân hàng sẽ giảm 1.000 tỷ đồng lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đến giữa tháng 8, ngân hàng đã giảm 400 tỷ đồng số tiền lãi lũy kế đến cuối năm. Dự kiến trong cuối tháng 8, ngân hàng sẽ giảm thêm 300 tỷ đồng nữa và 300 tỷ đồng còn lại sẽ được giảm trong các tháng còn lại của năm nay.
Trong đó, MBBank sẽ giảm 0,5-1,5 điểm %/năm lãi suất cho vay tùy theo nhóm khách hàng và mức độ bị ảnh hưởng bởi đại dịch. “Tại mức này, có khoảng 70.000 tỷ đồng dư nợ của khách hàng cá nhân được giảm lãi suất”, ông Ánh chia sẻ.
Ngoài ra, vị lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết MBBank sẽ có các gói cho vay mới với lãi suất thấp hơn 0,5-1,5 điểm %/năm so với biểu lãi suất thông thường, áp dụng cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Các chuyên cho rằng với việc các ngân hàng lớn đồng loạt dành 1.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay 0,3-1,5 điểm %/năm với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành ở phía Nam có thể khiến mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ trong ngắn hạn. Trong khi đó, lãi suất huy động sẽ không có nhiều thay đổi giai đoạn này.
Cập nhật ngày 15/7/2021: 3 ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay
Cuối ngày 15-7, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
Theo đó, ACB sẽ xét mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động…) của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng để có mức giảm lãi suất phù hợp cho khách hàng đang vay.
Những khách hàng thuộc đối tượng sẽ được ngân hàng xem xét điều chỉnh lãi suất khi hợp đồng vay đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15-7 đến 15-10. Đồng thời triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỉ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho doanh nghiệp và 7%/năm cho cá nhân từ nay đến 31-10-2021.
Sacombank cũng công bố giảm lãi suất cho vay với mức 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…
Đồng thời, tiếp tục ưu đãi hoặc miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Hiện ngân hàng này cũng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỉ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng ngày, Agribank cũng công bố giảm lãi suất với mức giảm 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên, áp dụng đối với khoản vay tại thời điểm 15-7 kéo dài đến hết ngày 31-12-2021.
Với việc giảm lãi suất lần này, Agribank ước tính dành khoảng 5.500 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Lãi suất vay ngân hàng là gì?
Khi bạn vay ngân hàng, số tiền vay sẽ được ngân hàng áp dụng một mức lãi suất nhất định. Đó chính là lãi suất vay ngân hàng. Từ số tiền cho vay ban đầu cộng với mức lãi suất (thường tính theo năm), ngân hàng sẽ tính được số tiền mà khách hàng phải trả hàng tháng.
Nhờ lãi suất, ngân hàng có thể tính ra số tiền bạn cần trả hàng tháng sau khi vay.
Vay tín chấp và vay thế chấp là hai hình thức vay phổ biến hiện nay. Mỗi hình thức sẽ có lãi suất và cách tính lãi khác nhau.
Lãi suất vay tín chấp
Vay tín chấp là hình thức vay không cần tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh. Ngân hàng sẽ xem xét uy tín của cá nhân người vay và năng lực trả nợ của người đó để quyết định hạn mức và thời gian vay. Hình thức này thường phù hợp với cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống như cưới hỏi, du lịch, mua sắm các món đồ có giá trị nhỏ và vừa,...
Nếu có ưu đãi, lãi suất vay ngân hàng 1 năm theo hình thức tín chấp thường rơi vào khoảng 10 - 16%. Khi hết ưu đãi, các ngân hàng thường áp dụng mức lãi suất từ 16 - 25%/năm.
Lãi vay ngân hàng theo hình thức tín chấp thường cố định trong khoảng thời gian vay vốn. Với hình thức này, tiền lãi sẽ được tính theo dư nợ giảm dần, nghĩa là tính trên số tiền thực tế người vay còn nợ sau khi đã trừ đi phần gốc đã trả trước đó.
Với phương thức tính lãi trên, bạn có thể trả hết nợ trong thời gian ngắn nhất. Bởi vậy, tính lãi vay dựa trên dư nợ giảm dần đang là xu hướng trong cách tính lãi suất trả góp.
Tiền lãi khi vay tín chấp thường được tính theo dư nợ giảm dần.
Lãi suất vay thế chấp
Vay thế chấp là hình thức vay tiền có tài sản đảm bảo mà trong thời gian vay, khách hàng phải còn quyền sở hữu với tài sản đó. Lãi vay ngân hàng thế chấp sẽ không thay đổi trong thời gian đầu, sau đó sẽ thả nổi theo lãi suất của thị trường.
Hiện nay, lãi suất vay ngân hàng 1 năm theo hình thức thế chấp dao động từ 10-16%. Tuy nhiên, hình thức vay này thường phù hợp với các gói vay mua trả góp xe hơi, nhà ở, du học,... cùng khoản tiền vay lớn, có thể lên tới hàng tỷ đồng. Do đó, các ngân hàng thường tung ưu đãi để đưa lãi suất áp dụng trong thời gian đầu vay thế chấp về mức thấp, khoảng từ 6%/năm trở lên.
Vay thế chấp là hình thức vay cần phải có tài sản đảm bảo như bất động sản, xe hơi,...
Các loại lãi suất vay
Hiện nay, lãi suất vay ngân hàng được chia thành 3 loại gồm lãi suất cố định, thả nổi và hỗn hợp. Mỗi sản phẩm tín dụng sẽ áp dụng một loại lãi suất khác nhau.
Lãi suất cố định
Hiểu đơn giản, lãi suất cố định là mức lãi được giữ nguyên cho đến khi kết thúc thời gian vay vốn. Loại lãi này thường áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn.
Ví dụ: Lãi suất vay vốn trong hợp đồng tín dụng là 8%, cố định trong 1 năm thì trong khoảng thời gian đó, dù lãi suất thị trường tăng hay giảm thì mức lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên 8%, không thay đổi.
Ưu điểm: Do lãi suất không đổi trong suốt thời gian vay vốn nên khách hàng có thể tính trước được tất cả các khoản chi phí liên quan đến khoản vay. Chi phí tiền lãi giữ nguyên ngay cả khi lãi suất thị trường tăng lên.
Nhược điểm: Bất lợi duy nhất của các khoản vay áp dụng lãi suất cố định đó là khi lãi suất thị trường giảm thì lãi suất vay sẽ không được giảm mà vẫn giữ nguyên.
Lãi suất cố định sẽ luôn được giữ nguyên dù lãi suất thị trường tăng hay giảm.
Lãi suất thả nổi
Lãi suất thả nổi được hiểu là loại lãi bị điều chỉnh, thay đổi theo thời gian, áp dụng cho tất cả các khoản vay. Thông thường, lãi suất thả nổi được tính dựa trên lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hoặc 24 tháng cộng với biên độ lãi suất
Ví dụ: Giả sử với kỳ hạn vay 1 năm, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 6%, biên độ lãi suất ngân hàng đưa ra là 3,5% thì lãi suất vay thả nổi là 9,5%.
Ưu điểm: Lãi suất thả nổi sẽ tăng giảm theo thị trường. Khi lãi suất thị trường giảm thì thường lãi suất vay của khách hàng cũng được điều chỉnh giảm.
Nhược điểm: Khách hàng khó dự tính được chi phí vay do lãi suất thường xuyên thay đổi. Đặc biệt khi lãi suất thị trường tăng thì chi phí lãi vay sẽ tăng cao, bất lợi cho khách hàng.
Lãi suất thả nổi sẽ biến động phụ thuộc vào sự tăng giảm của lãi suất thị trường.
Lãi suất hỗn hợp
Lãi suất hỗn hợp là loại lãi suất kết hợp giữa cố định và thả nổi, được áp dụng cho các khoản vay trung hoặc dài hạn theo gói ưu đãi của mỗi ngân hàng.
Ví dụ: Ngân hàng áp dụng lãi suất 8% cho khoản vay mua ô tô trong 1 năm (12 tháng) đầu. Từ tháng 13, lãi suất có thể sẽ được thả nổi theo công thức lãi suất vay = lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng + 3% (biên độ lãi suất). Giả sử lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 7,5% thì lãi suất vay kể từ tháng 13 trở đi = 7,5% + 3% = 10,5%.
Ưu điểm: Lãi suất cố định ban đầu thường là mức lãi suất ưu đãi, giúp khách hàng giảm chi phí lãi vay trong thời gian vốn gốc còn cao.
Nhược điểm: Sau thời gian ưu đãi lãi suất sẽ được thả nổi. Lúc này khi lãi suất thị trường tăng thì đồng nghĩa với mức lãi suất khách hàng phải chịu cũng sẽ tăng cao hơn.