Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn tăng gửi tiền vào ngân hàng

MĂNG GIANG

05/09/2023 09:18

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền của người dân và tổ chức gửi vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 6 đạt gần 12,37 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 270.700 tỷ đồng so với cuối tháng trước.

 

agribank-1620441038.jpeg

 Agribank

So với đầu năm, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng ròng gần 550.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,63%.

Trong vòng một năm trở lại đây, khối tổ chức gồm doanh nghiệp và các cơ quan đoàn thể thường rút bớt tiền gửi tại ngân hàng hoặc gửi thêm vào khá hạn chế. Tuy nhiên, tiền gửi của nhóm này đã tăng ròng mạnh hơn 235.000 tỷ đồng trong tháng 6, mức tăng ròng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.

Về phía người dân, lượng tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng hai tháng gần đây đã chậm lại so với giai đoạn 6 tháng trước. Tính đến hết tháng 6, người dân gửi hơn 6,38 triệu tỷ đồng tại ngân hàng, tăng ròng hơn 35.300 tỷ so với tháng trước.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết quý II chỉ 4,03%, thấp hơn so với tốc độ huy động. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong trạng thái dư thừa khi việc giải ngân ảm đạm.

Hai tháng gần đây, các nhà băng giảm lãi suất huy động một cách dồn dập, đưa mức lãi suất cao nhất về dưới 7,5% một năm khiến kênh gửi tiền bớt hấp dẫn so với giai đoạn trước. Trong bối cảnh này, dòng tiền vào thị trường chứng khoán đang tăng trở lại, ghi nhận nhiều phiên giao dịch sôi động với thanh khoản cao nhất 4-5 tháng.

Cập nhật ngày 16/8/2023: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm hầu hết đã về dưới 7%

Lãi suất tiết kiệm tiếp đà giảm trong tháng 8 với gần 30 ngân hàng đồng loạt giảm tiếp, đưa mức dưới vùng 7% một năm.

Khảo sát tới ngày 16/8 cho thấy gần như toàn bộ ngân hàng tư nhân từ cuối tháng 7 đến nay đều điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Lãi suất giảm tập trung ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức giảm bình quân 0,3-0,35% một năm.

Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) là nhà băng điều chỉnh mạnh tay nhất đợt này. Các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được MSB hạ 1%, đưa mức lãi cao nhất về còn 6% một năm.

Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cũng giảm đồng loạt 0,7% lãi suất với khoản tiền từ 6 tháng trở lên. Hay một số nhà băng khác như PGBank, GPBank, VietBank, ABBank cũng giảm tới 0,7-0,8% một năm.

Sau đợt giảm này, hiện chỉ còn chục ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất từ 7% trở lên cho người gửi tiền (dưới 1 tỷ đồng), gồm VietABank, BaoVietBank, CBBank, NCB, PVComBank, NamABank, HDBank, BacABank, Kienlongbank, DongABank. Khoảng 20 nhà băng còn lại đều niêm yết lãi suất dưới 7% một năm.

Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3-4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động giảm mạnh sau nhiều lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cộng với bối cảnh ngân hàng "thừa tiền" khi khó cho vay. Mặt bằng lãi suất hiện về ngang với giai đoạn nửa đầu 2022.

Trong bối cảnh lãi suất đầu vào đã hạ nhiệt nhanh và mạnh, Ngân hàng Nhà nước gần đây yêu cầu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5-2%, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Một số nhà băng gần đây tung nhiều gói ưu đãi giảm lãi suất khoản vay mới để kích cầu tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng cho vay ảm đạm. Lãi suất khoản vay cũ cũng đã có sự điều chỉnh, tuy nhiên giảm chậm hơn so với lãi suất khoản vay mới. Tùy từng nhà băng và nhóm khách hàng, lãi suất khoản vay hiện hữu giảm khoảng 1% đến 2% từ đầu năm tới nay.

Cập nhật ngày 26/7/2023: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã về dưới 8% một năm

Khảo sát cho thấy gần 20 ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất trong tháng 7, tập trung ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức giảm bình quân 0,2% một năm.

Trong đó, có gần 10 đơn vị giảm mạnh lãi suất lên tới 0,5-0,8% gồm TPBank, SHB, SeABank, SCB, BacABank, OCB, PVComBank, GPBank, NamABank.

Tính tới 25/7, lãi suất niêm yết cao nhất hệ thống chỉ còn 7,8% một năm, tại VietBank, SaigonBank và chỉ áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng.

20 ngân hàng tư nhân khác niêm yết lãi suất cao nhất từ 7% đến 7,7% một năm, thường rơi vào kỳ hạn 12 tháng.

10 nhà băng còn lại chỉ trả lãi suất cao nhất từ 6% đến dưới 7% một năm. Nhóm trả lãi thấp nhất thị trường này gồm 4 nhà băng có vốn nhà nước và một số ngân hàng tư nhân như TPBank, VPBank, LPBank, Techcombank, DongABank, ACB, SeABank, Sacombank, VIB, MB.

Còn với các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất đang bị khống chế bởi mức trần 4,75% một năm.

Lãi suất tiết kiệm tiếp đà giảm sau một loạt động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà Nước. Bên cạnh đó, thanh khoản của ngân hàng cũng đang dư thừa trong bối cảnh huy động được tiền gửi nhưng lại khó cho vay.

Cập nhật ngày 1/7/2023: Lãi suất tiền gửi nối tiếp đà giảm khi bước sang tháng 7/2023

Nối tiếp đà giảm lãi suất huy động từ tháng 6, bước sang ngày đầu tiên của tháng 7, đã có thêm 3 ngân hàng thương mại gồm SHB; TPBank và NamABank công bố biểu lãi suất huy động mới với xu hướng giảm so với tháng trước.

Cụ thể, SHB thông báo áp dụng biểu lãi suất mới bắt đầu từ hôm nay (1/7), trong đó, điều chỉnh giảm 0,2-0,5 điểm % lãi suất đối với tiền gửi thuộc các kỳ hạn 6 tháng trở lên.

Với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng tại SHB đã đồng loạt giảm 0,5 điểm % từ mức 7,7%/năm xuống còn 7,2%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cũng giảm 0,2 điểm %, từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Ở kỳ hạn ngắn 1 tháng, nhà băng này giảm 0,15 điểm % xuống còn 4,6%/năm.

Còn lại, tại các kỳ hạn 2-5 tháng, khách hàng gửi tiền tại SHB vẫn nhận mức lãi suất 4,65-4,75%/năm; kỳ hạn gửi 7-11 tháng nhận lãi suất 7,1%/năm.

Với hình thức gửi tiết kiệm bậc thang theo số tiền, khách hàng gửi dưới 2 tỷ đồng vào SHB sẽ nhận lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng ở 4,35-4,75%/năm; kỳ hạn 6 tháng nhận lãi 6,7%/năm; 7-11 tháng nhận lãi 6,8%/năm và gửi 12-36 tháng hưởng lãi suất 6,9%/năm. Nếu gửi trên 2 tỷ đồng, lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn tương đương ở trên, nhưng khi gửi từ 6 tháng trở lên, mức lãi suất sẽ được cộng thêm 0,1 điểm %.

Tương tự, TPBank cũng vừa điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm từ hôm nay. Theo hình thức gửi online, nhà băng này điều chỉnh giảm 0,3 điểm % lãi suất các kỳ hạn 6-36 tháng, từ mức 7%/năm xuống còn 6,7%/năm. Các kỳ hạn 1-3 tháng được giữ nguyên lãi suất ở 4,55-4,75%/năm. Nếu khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất sẽ thấp hơn gửi online 0,1-0,9 điểm % tùy kỳ hạn.

Cũng từ hôm nay, khi gửi tiết kiệm online tại NamABank, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất thấp hơn 0,1-0,3 điểm % so với tháng trước.

Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng hiện được ngân hàng trả lãi suất ở mức 7,3%/năm, giảm 0,3 điểm %. Nhà băng này giữ nguyên lãi suất tại các kỳ hạn 7-11 tháng ở mức 7,4-7,6%/năm; kỳ hạn 12-14 tháng ở mức 7,7%/năm; và kỳ hạn 15-36 tháng ở 7,5%/năm.

Với hình thức gửi tại quầy kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, khách hàng của NamABank sẽ nhận lãi suất thấp hơn gửi online 0,6-0,8 điểm %, tùy từng kỳ hạn.

Với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-5 tháng, NamABank giảm thêm 0,1 điểm % lãi suất, từ mức 4,75%/năm xuống còn 4,65%/năm, áp dụng cho cả kênh gửi online và tại quầy.

Cập nhật ngày 17/5/2023: Lãi suất tiền gửi giảm liên tục nhưng tính ra chẳng bao nhiêu nên lãi vay vẫn neo cao, chỉ giảm trên TV

Lãi suất tiết kiệm bình quân tại các ngân hàng hiện giảm thêm 0,5% so với trước khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Tính tới 15/5, hơn một nửa ngân hàng trên thị trường đưa lãi suất cao nhất về 7-8%, còn lại niêm yết từ 8% đến dưới 9% một năm.

So với đầu năm nay, lãi suất bình quân của hơn 30 ngân hàng trong nước đã giảm 0,5% ở những kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1% với các khoản tiền gửi từ 6 tháng trở lên.

Mức lãi suất niêm yết gần 10% từng xuất hiện tại một số nhà băng vào đầu năm nay, nhưng hiện đã về dưới 9% một năm.

Sau giai đoạn tăng nóng vào cuối 2022, lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu hạ nhiệt khi bước vào đầu năm nay. Dư nợ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp cũng là một trong những yếu tố khiến việc huy động vốn không quá gắt gao.

Hiện nay, khoản tiền gửi dưới 6 tháng bị khống chế bởi trần lãi suất 5,5% một năm. Còn lãi suất bình quân khi gửi tại quầy với kỳ hạn 6-9 tháng là 7,2% một năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,7% một năm.

Nếu gửi online, lãi suất bình quân là 7,7% với kỳ hạn 6-9 tháng và 7,9% kỳ hạn 12 tháng. Nhóm ngân hàng đang niêm yết lãi suất cao nhất thị trường, dao động từ 8,5% đến 8,9% gồm SeABank, ABBank, VietABank, HDBank, VietBank...

Lãi vay vẫn neo cao 

Các ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói vay ưu đãi, nhưng lãi suất các khoản vay cũ chỉ hạ rất hạn chế.

Khi nhận thông báo lãi suất mới trong kỳ đánh giá lại vào cuối tháng 4, Đức Anh (một khách hàng vay tại Hà Nội) không khỏi thất vọng khi lãi suất cho khoản vay mua nhà hơn 1 tỷ đồng của anh chỉ giảm 0,15 điểm phần trăm, từ 14,7% xuống 14,55% một năm. "Thấy các ngân hàng đồng loạt thông báo giảm mạnh lãi suất, tôi đã hy vọng lãi suất khoản vay của mình cũng được điều chỉnh mạnh, nhưng thực tế gần như không đáng kể", Đức Anh nói.

Đầu năm 2021, Đức Anh vay để mua một căn hộ chung cư tại Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Khoản vay hơn 1 tỷ đồng dùng chính căn chung cư làm tài sản đảm bảo, với lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên chỉ là 7,8%. Tuy nhiên, những năm sau đó, lãi suất sẽ thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3,3%. Áp lực bắt đầu tăng nhanh ngay sau khi hết ưu đãi. Cuối năm 2022, lãi suất cho khoản vay đã tăng lên gần 15% khi lãi suất cơ sở của ngân hàng tăng mạnh.

Ông Vinh, chủ một doanh nghiệp đầu tư mua đất trong một dự án, cho biết đã được giảm lãi suất hơn 1% so với giai đoạn cao điểm, nhưng hiện phải trả mức lãi suất gần 15% trên năm. Đầu năm 2021, ông ký hợp đồng vay với tài sản thế chấp là chính lô đất đã mua, lãi suất ưu đãi năm đầu là 9,8%. Khi đến tiến độ xây dựng, ông phải tiếp tục vay để thực hiện nhưng mức lãi suất hết ưu đãi trở thành gánh nặng quá lớn.

Lý giải việc lãi suất vay giảm chậm hơn lãi suất tiết kiệm, nhân viên tín dụng của ngân hàng thương mại trong nhóm đầu thị trường, giải thích, các chương trình ưu đãi hay việc giảm lãi suất gần đây chủ yếu ở khách hàng vay mới. "Áp dụng biểu lãi suất ưu đãi trong năm đầu. Còn với những khoản vay cũ, hầu như mức giảm là không đáng kể", một nhân viên nói.

Cập nhật ngày 28/3/2023: Hơn chục ngân hàng giảm lãi suất huy động tiền gửi về dưới 9%

Giữa tháng 3, Ngân hàng Nhà nước giảm các loại lãi suất điều hành. Từ đó đến nay, hơn chục nhà băng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm với mức giảm từ 0,1% đến 0,7% một năm.

Những đơn vị giảm lãi suất gồm VPBank, VIB, Sacombank, SHB, HDBank, Viet Capital Bank, NCB, Kienlongbank, DongABank, Saigonbank, VietABank, Oceanbank, PVCombank, VietBank, PGBank.

Hiện tại, chỉ còn 2 ngân hàng niêm yết lãi suất trên 9% một năm gồm ABBank (9,1%) và SCB (9%) một năm. Phần lớn nhà băng tư nhân còn lại niêm yết lãi suất cao nhất 8-9% một năm. Một số đơn vị niêm yết lãi suất dưới 8% gồm Sacombank, VIB, Techcombank, CBBank và PGBank.

Tuy nhiên, lãi suất thực tế khi giao dịch tại quầy vẫn đang có sự khác biệt đáng kể so với niêm yết. Một số nhà băng vẫn sẵn sàng trả lãi suất 9,5% một năm mà không yêu cầu số tiền gửi lớn, với kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng.

Như tại HDBank, khoản tiền vài trăm triệu kỳ hạn 6, 9, 12 tháng được trả lãi suất 9,5% một năm - cao hơn 2% so với niêm yết. Tại OCB, lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 13 tháng cũng 9,4% một năm, cao hơn 0,5-0,6% so với niêm yết tại quầy. Tại Kienlongbank, khách gửi tiền được tặng tiền mặt tương ứng lãi suất cộng thêm 0,4% so với niêm yết.

Nếu so với giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái (có thời điểm lãi suất lên tới 12% một năm), lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm mạnh.

Trên thị trường liên ngân hàng - nơi các nhà băng vay mượn lẫn nhau, lãi suất giảm sâu về thấp nhất 8 tháng. Thanh khoản hệ thống cũng dồi dào hơn khi nhu cầu tín dụng các tháng đầu năm khá trầm lắng. Lãi suất vay qua đêm ngày 24/3 chỉ còn 1,2%, kỳ hạn 1 tuần lãi suất 1,9%, 2 tuần 2,9% và 1 tháng 4,43%.

Dưới đây là mức lãi suất tiết kiệm sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với khách quen, VIP, gửi tiền giá trị lớn.

Cập nhật ngày 15/3/2023: Big 4 ngân hàng quốc doanh đồng loạt giảm lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm

Ngày 15/3, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đã đồng loạt giảm 0,2 điểm % lãi suất với các khoản tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng, xuống còn 7,2%/năm.

Việc giảm lãi suất đợt này tiếp tục đưa mặt bằng lãi suất huy động của nhóm ngân hàng này xuống mức thấp nhất thị trường.

Trong tuần trước, cả 4 ngân hàng này cũng đã đồng loạt giảm 0,2-0,3 điểm %/năm với các khoản tiền gửi tại quầy kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng. Đưa mặt bằng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này từ mức 6-6,1%/năm xuống còn phổ biến 5,8%/năm hiện tại.

Cuối tháng 2 trước đó, các mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng đến 36 tháng tại nhóm nhà băng này cũng đã giảm từ 7,4%/năm xuống còn 7,2%/năm.

Việc giảm lãi suất huy động của nhóm “Big 4” kể trên diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định giảm một loạt mức lãi suất điều hành từ ngày 15/3.

Tương tự, VietinBank hiện vẫn đưa ra biểu lãi suất huy động 6%/năm cho các khoản tiền gửi online kỳ hạn 1-5 tháng. Với kỳ hạn 6-9 tháng, ngân hàng này đưa ra mức lãi suất 7,8%/năm và vẫn chấp nhận chi trả mức lãi 8,2%/năm với các khoản gửi 12-24 tháng.

Tại BIDV, dù ghi nhận mức giảm lãi suất tiền gửi online mạnh hơn tại quầy, lãi suất tối đa khách hàng gửi tiền tại BIDV có thể nhận được trên kênh online hiện vẫn là 7,7%/năm, áp dụng với các kỳ hạn 12-13 tháng, giảm 0,5 điểm % so với trước đó. Với các kỳ hạn 15 tháng trở lên, lãi suất BIDV đưa ra với tiền gửi online là 7,4%/năm và kỳ hạn 6-11 tháng nhận lãi suất 7,2%/năm, đều thấp hơn so với trước điều chỉnh.

Sau liên tiếp các đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại, tính đến nay, chỉ còn hai ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng bao gồm VietBank (9,2%/năm) và ABBank (9,1%/năm).

Ngoài ra, 4 ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng là BaovietBank, OceanBank, VietABank và SCB.

Trong khi đó, các ngân hàng khác đều đã giảm mạnh mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống mức phổ biến từ 8,4%/năm đến 8,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng như Kienlongbank, Saigonbank, BacABank…

Hai ngân hàng thương mại lớn là HDBank và VPBank hiện có mức lãi suất tiền gửi ở 8,8%/năm. Trong khi đó, lần lượt các ngân hàng ACB, SHB và MSB đang niêm yết mức lãi suất kỳ hạn này là 8,6%/năm, 8,5%/năm và 8,4%/năm.

Cập nhật ngày 6/3/2023: Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm

Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 6/3, 4 ngân hàng có vốn nhà nước giảm lãi suất huy động 0,2% với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Khối ngân hàng tư nhân đồng thuận giảm lãi suất 0,5% với kỳ hạn 6-12 tháng (từ 27/2).

Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi theo Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các nhà băng giảm chi phí, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Tại phiên họp Chính phủ cuối tuần trước, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất hợp lý, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Việc cắt giảm lãi suất theo Thủ tướng cần được làm thực chất.

Khảo sát sáng nay cho thấy, nhiều nhà băng đã cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất. Hai trong 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank và Agribank đã hạ lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng 0,2-0,3% so với trước, các kỳ hạn còn lại giữ nguyên.

Các nhà băng tư nhân khác như LienVietPostBank, VietCapitalBank, NamABank, BaoVietBank sáng nay cũng đã giảm lãi suất 0,1-0,6% với các kỳ hạn 6-12 tháng.

Như vậy tính tới 6/3, mức lãi suất niêm yết cao nhất thị trường là 9,5%, chỉ còn xuất hiện tại số ít đơn vị như SCB và Kienlongbank.

Từ tuần trước, gần chục nhà băng cũng đã giảm lãi suất huy động như NCB, BacABank, OCB, BaoVietBank, DongABank, PGBank. Ngân hàng Nhà nước cho biết trong tháng 2/2023, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4% một năm và có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Cập nhật ngày 30/1/2023: Lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục giảm

Theo biểu lãi suất huy động tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân mới, Techcombank đã điều chỉnh giảm một loạt mức lãi suất huy động ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên so với tháng 12/2022.

tcb-2-1620796921.jpeg

Lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục giảm

 

Cụ thể, trong tháng trước đó, mức lãi suất huy động tối đa nhà băng này đưa ra cho các khách hàng cá nhân vẫn là 9,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi 6 tháng trở lên, giá trị từ 3 tỷ đồng của nhóm khách hàng Private/VIP 1. Với các khách hàng thường, mức lãi suất ngân hàng đưa ra cũng là 9,3%/năm.

Tuy nhiên, đến nay, mức lãi suất tối đa Techcombank chi trả cho các khách hàng cá nhân theo biểu lãi suất niêm yết này chỉ là 9,2%/năm (với khách hàng Private/VIP 1 gửi trên 6 tháng, từ 3 tỷ đồng). Tương tự, với nhóm khách hàng thường, mức lãi suất cũng giảm còn 8,9%/năm.

Thậm chí, nếu chọn gửi 6-11 tháng, mức lãi suất các khách hàng thường nhận được chỉ dao động trong khoảng 8,5-8,7%/năm, theo các mốc gửi dưới 1 tỷ; 1-3 tỷ và từ 3 tỷ đồng trở lên.

Biểu lãi suất tháng 1 của Sacombank cũng đã điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn so với tháng 12/2022.

Trên kênh quầy, mức lãi suất cho các khoản tiền gửi 1-4 tháng lĩnh lãi cuối kỳ hiện nay là 5,7-5,95%/năm, giảm 0,05-0,3 điểm % so với tháng trước, trong khi các kỳ hạn gửi 6 tháng trở lên không thay đổi.

Trên kênh online, Sacombank cũng duy trì biểu lãi suất ổn định với mức lãi cao nhất 9,2%/năm, áp dụng cho các khoản gửi 15 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ.

Tuy nhiên, trong biểu lãi suất tháng này, Sacombank đã không còn áp dụng mức lãi suất cao nhất 9,8%/năm cho các khoản tiền gửi 12 tháng trở lên nếu khách hàng mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ như trước đó.

MSB trong tháng 11/2022 tung ra chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng mới, gửi online, lần lượt ở 9,7%/năm (6 tháng); 9,8%/năm (12 tháng) và 9,9%/năm (15-24 tháng). Đến tháng 12 cùng năm, lãi suất tại nhà băng này đã giảm về mức tối đa 9,4%/năm, áp dụng với tiền gửi online kỳ hạn 13 tháng trở lên sau cuộc họp bàn về vấn đề lãi suất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

Đến nay, mức lãi suất tối đa tại nhà băng này một lần nữa giảm về 9%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi online 13 tháng trở lên. Trong khi đó, nếu gửi 6-11 tháng, mức lãi suất khách hàng nhận được từ MSB là 8,8%/năm và gửi 12 tháng nhận 8,9%/năm, đều giảm 0,4 điểm % so với tháng trước.

Tương tự, biểu lãi suất tiền gửi hiện tại của Vietcapital Bank đã giảm tới 0,5 điểm % so với đầu tháng 12/2022. Trong đó, lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra hiện nay là 9%/năm, áp dụng với tiền gửi online 12 tháng trở lên. Ở các kỳ hạn thấp hơn, mức lãi suất ngân hàng này đưa ra lần lượt là 8,6%/năm với kỳ hạn 6-8 tháng; 8,8%/năm với kỳ hạn 9-11 tháng, đều giảm 0,2-0,5 điểm %.

Theo khảo sát, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh giảm biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân trong tháng 1 năm nay như OceanBank, PVCombank; DongABank; BacABank; Saigonbank; SCB…

Trong khi đó, với nhóm ngân hàng quốc doanh (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) mặt bằng lãi suất huy động vẫn duy trì ổn định so với cuối năm 2022. Hiện lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 6-11 tháng tại nhóm ngân hàng này phổ biến trong khoảng 6-6,1%/năm và 7,4%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.

Trên kênh online, VietinBank và BIDV là ngân hàng có lãi suất cao nhất với mức 8,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12-24 tháng.

bank-money2-1616977528.jpeg

 

Cập nhật ngày 19/12/2022: Tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh khi lãi suất lên cao

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 5.800 tỷ đồng so với tháng 9, chủ yếu nhờ nhóm khách hàng dân cư.

Trong đó, tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng hơn 21.500 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng huy động vốn khu vực dân cư trong tháng lên 0,4%, nhanh hơn so với những tháng trước khi các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động.

Cụ thể, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động thêm 3 – 4%/năm tùy từng kỳ hạn. Phổ biến từ 9,5 – 10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó có ngân hàng nâng mức lãi suất cao nhất lên tới gần 12%/năm. Lãi suất ở mức cao khiến dòng tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy vào kênh tiết kiệm.

Ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế, giảm 15.811 tỷ đồng vào tháng 10, xuống còn 5,76 triệu tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do nhu cầu sử dụng vốn cuối năm của doanh nghiệp tăng cao nên thường rút ra nhiều hơn gửi vào.

So với đầu năm, tổng tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng tăng 4,39%, tương đương tăng 480.780 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,78%, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 2,15%.

Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống khó khăn, các ngân hàng tăng lãi suất nhằm thu hút nguồn vốn từ khách hàng. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất huy động đồng thời gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khó để giảm lãi suất cho vay. Tại Hội nghị do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 15/12, các ngân hàng đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng tặng kèm khi gửi tiết kiệm, từ đó có điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5 – 2%/năm. Biện pháp này cũng sẽ giúp cho “cơn sốt” gửi tiền vào ngân hàng có thể hạ nhiệt dần trong thời gian tới, đảm bảo ổn định, an toàn thanh khoản hệ thống.

Cập nhật ngày 15/12/2022: Ngân hàng thống nhất lãi suất huy động không quá 9,5%/năm

Sáng 15/12, với sự tham dự của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) họp với các tổ chức tín dụng về vấn đề lãi suất huy động và cho vay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA đánh giá, nhờ các giải pháp điều hành linh hoạt, thị trường ngoại tệ đã bớt căng thẳng, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng với doanh nghiệp và dân cư "vẫn rất cao", phổ biến từ 9-10% với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng huy động tới 11,5%.

"Điều này gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn với cả người gửi tiền và đi vay", Tổng thư ký VNBA nhận xét. Việc tăng lãi suất huy động cũng khiến chi phí đầu vào các nhà băng tăng lên, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khó giảm lãi suất cho vay.

Diễn biến này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung để giữ chân khách hàng.

Trước tình hình đó, VNBA kêu gọi các hội viên là ngân hàng thương mại thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5% trên năm, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất. Điều này nhằm ổn định mặt bằng huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống.

Trước lời kêu gọi này, đại diện các tổ chức tín dụng cho biết thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất giới hạn trần lãi suất huy động ở mức 9,5%.

Dù vậy, một số công ty tài chính cũng kiến nghị không "áp trần" lãi suất. Theo đại diện Công ty Tài chính Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), Công ty Tài chính Bưu Điện (PTF), do đặc thù công ty tài chính không được phép huy động vốn dân cư mà chỉ được huy động vốn của doanh nghiệp và các tổ chức khác nên lãi suất đầu vào cao. Các đơn vị này mong muốn Ngân hàng Nhà nước không áp trần lãi suất huy động để tạo điều kiện trong hoạt động kinh doanh.

Hiệp hội sau đó đã có văn bản báo cáo Thống đốc và kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2023.

Tham dự cuộc họp, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết đã quán triệt các ngân hàng giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực của từng tổ chức tín dụng. Ông yêu cầu giảm lãi suất nhưng không để các ngân hàng suy yếu về năng lực tài chính. Đồng thời, các nhà băng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

"Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, và cổ đông phải chia sẻ", ông Đào Minh Tú nói.

Cập nhật ngày 28/11/2022: Lãi suất huy động tạo mặt bằng mới 10%/năm

Không lâu sau khi Saigonbank đưa lãi suất huy động tiền gửi vượt mốc 10%/năm, Ngân hàng SCB cũng có lần thứ tư điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân trong tháng 11 với mức tối đa lên tới 9,95%/năm.

Cụ thể, biểu lãi suất huy động từ ngày 28/11 của SCB đã tăng 0,2 điểm % ở hầu hết kỳ hạn so với trước đó. Trong đó, mức lãi suất xấp xỉ 10%/năm kể trên được SCB áp dụng với tất cả khoản tiền gửi trên kênh online, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. So với biểu lãi suất hồi đầu tháng 11, mức lãi suất tối đa này đã tăng tới 0,65 điểm %.

Ở các kỳ hạn ngắn hạn, lãi suất huy động mới được SCB đưa ra lần này cũng ở mức 9,9%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi 6-11 tháng. Với tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, hiện nhà băng này vẫn đưa ra mức lãi suất kịch trần Ngân hàng Nhà nước cho phép ở 6%/năm.

Với biểu lãi suất kể trên, khách hàng gửi 1 tỷ đồng vào SCB sau một năm sẽ nhận về 99,5 triệu đồng tiền lãi, tương đương gần 8,3 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng.

Đáng chú ý, khác với các đợt điều chỉnh trước đó, trong lần tăng lãi suất này, SCB cũng đưa lãi tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng lên 9,95%/năm, tương đương lãi suất gửi online và cao hơn 0,65 điểm % so với đợt điều chỉnh trước đó.

Với các khoản tiền gửi tại quầy khác, SCB hiện chấp nhận mức lãi suất 6%/năm với kỳ hạn 1-5 tháng; 7,8-8,3%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 9,6%/năm với kỳ hạn 15 tháng trở lên.

Dù có lần thứ tư tăng lãi suất chỉ trong một tháng, SCB vẫn không thể duy trì vị thế ngân hàng thương mại có lãi tiền gửi tiết kiệm cao nhất hệ thống.

Trước đó, biểu lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 25/11 của Saigonbank đã ghi nhận đỉnh mới ở 10,5%/năm, áp dụng với tất cả khoản gửi tại quầy và online kỳ hạn 13 tháng.

Với các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên còn lại, nhà băng này đưa ra mức lãi suất đồng bộ ở 10%/năm, tăng 1,4 điểm % so với đầu tháng và cao hơn 2,7 điểm % so với tháng 10.

Ở các kỳ hạn thấp hơn, lãi suất Saigonbank đưa ra lần lượt là 9,6%/năm (kỳ hạn 6-8 tháng) và 9,8%/năm (kỳ hạn 9-11 tháng).

Thực tế, mức lãi suất tiền gửi xấp xỉ 10%/năm đã không còn quá hiếm trên thị trường, khi các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm gần đây, đồng thời đưa ra các sản phẩm tiền gửi với lãi suất ưu đãi.

Như tại OceanBank, biểu lãi suất tiết kiệm thường tại nhà băng này hiện có mức lãi cao nhất ở 9,2%/năm, nhưng ngân hàng lại có sản phẩm huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất lên tới 10%/năm (áp dụng với các khoản gửi phát sinh từ ngày 18 đến 29/11). Với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giai đoạn này, lãi suất ngân hàng đưa ra cũng là 9%/năm.

Tương tự, MSB trong tháng 11 đã tung ra chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi với mức lãi gửi online lần lượt ở 9,7%/năm với kỳ hạn 6 tháng; 9,8%/năm với kỳ hạn 12 tháng; 9,9%/năm với kỳ hạn 15 và 24 tháng.

Việc các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động tiền gửi cũng khiến chỉ tiêu này tạo mặt bằng mới ở vùng 10%/năm. So với đầu năm, mức lãi suất huy động này đã tăng 2-3 điểm %.

Hiện tại, trên thị trường cũng ghi nhận hàng loạt ngân hàng đưa ra mức lãi suất trên 9,5%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên như MSB, Kienlongbank, GPBank, Baoviet Bank…

Trong khi nhóm ngân hàng thương mại tư nhân quy mô lớn gồm VPBank, Techcombank, OCB, SHB, Sacombank, ACB… đều đưa ra mức lãi suất trên 9%/năm.

Riêng với nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank), mức lãi suất huy động hiện vẫn duy trì ở 7,4%/năm trên kênh quầy và dưới 8%/năm trên kênh online (trừ VietinBank là ngân hàng duy nhất trong nhóm đưa lãi suất tiền gửi online lên 8,2%/năm).

Với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, hiện mức lãi suất phổ biến của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cũng là 8-9%/năm, tăng 2-4 điểm % so với đầu năm.

Cập nhật ngày 14/10/2022: Lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng mạnh, có ngân hàng lên 8,7%

Chỉ trong chưa đầy nửa tháng từ cuối tháng 9 đến nay, biểu lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã ghi nhận xu hướng tăng rất mạnh.

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã dâng lên tương đương mức trước dịch, trong đó xuất hiện ngân hàng trả 8,7% cho khách gửi tiền online 12 tháng.

Chỉ trong thời gian ngắn, mặt bằng lãi suất tiết kiệm lại có thay đổi lớn. Có 25 trên 36 đơn vị VnExpress khảo sát tiếp tục điều chỉnh lãi suất, trong đó 8 ngân hàng tăng ở tất cả kỳ hạn phổ biến. Đây là lần đầu tiên lãi suất huy động tăng mạnh trên diện rộng với tần suất liên tục, sau hơn hai năm Covid-19 vừa qua.

Ở kỳ này, các ngân hàng trước đây trả lãi tiền gửi 1 và 3 tháng thấp hơn mức trần, hầu hết đều đã nâng lên quanh 5% một năm. Hiện chỉ còn Techcombank và CBBank công bố trên trang web lãi suất tiền gửi 1 tháng tại quầy dưới 4%, với kênh online, CBBank là đại diện duy nhất.

Dẫu đồng loạt điều chỉnh hồi cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 vừa qua, nhiều ngân hàng tiếp tục mạnh tay tăng lãi các kỳ gửi dài hạn. Lãi suất trung bình cho tiết kiệm 6 tháng đã đạt 6,45% một năm tại quầy và 6,85% một năm online. Nếu gửi 9 tháng, khách hàng lần lượt nhận lãi trung bình 6,54% một năm tại quầy và 6,93% một năm online.

Với kỳ hạn 12 tháng, nhiều ngân hàng như SCB, BacABank, NamABank, OCB... tăng 0,8% lãi suất. Riêng hai đơn vị MSB và Kienlongbank đợt này tăng mạnh nhất với biên độ 1,2%. Nhờ đó, lãi suất trung bình cho gửi tiền 12 tháng toàn thị trường nâng lên 7,04% tại quầy và 7,39% đối với kênh online. Hiện có 19 ngân hàng trả lãi tiết kiệm 12 tháng tại quầy trên 7%, con số trên là 24 đơn vị nếu gửi online. Như vậy, mặt bằng lãi suất ngân hàng đã tương đương với mức trước dịch.

Tính đến giữa tháng 10, SCB là ngân hàng có lãi suất huy động 12 tháng cao nhất tại quầy với 8,5%. Quán quân toàn thị trường thuộc về VietABank khi ngân hàng này trả 8,7% cho khách gửi online.

Thực tế thời gian qua, lãnh đạo các nhà băng đều cho biết việc huy động vốn rất khó khăn. Nhìn vào con số tuyệt đối, người dân gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng trong nửa đầu năm nay nhiều hơn hẳn so với hai năm dịch bệnh. Tuy nhiên, tốc độ huy động vốn vẫn không theo kịp tăng trưởng tín dụng, phần lớn do lãi suất huy động kém hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác.

Cập nhật ngày 11/10/2022: Lãi suất huy động tiếp tục tăng

Không chỉ đẩy lãi suất huy động ngắn hạn (dưới 12 tháng) lên mặt bằng mới, các khoản huy động tiền gửi trung, dài hạn (12 tháng trở lên) cũng đã liên tục ghi nhận các mốc lãi suất mới.

Trong thông báo mới nhất, ABBank cho biết đang áp dụng chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm ưu đãi từ ngày 10/10 đến hết năm nay. Trong đó, ngân hàng này đưa ra mức lãi suất lên tới 7,8%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng. So với biểu lãi suất tiền gửi thông thường tại chính nhà băng này đang áp dụng, mức lãi suất ưu đãi kể trên cao hơn tới 1,4 điểm %.

Tương tự, với khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trong chương trình ưu đãi, ABBank đưa ra mức lãi suất là 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm. Không chỉ là mức lãi cao nhất tại ABBank, đây còn là mốc lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay.

Đáng chú ý, các mức lãi suất kể trên của ABBank không yêu cầu khách hàng về số tiền gửi tối thiểu mà chỉ yêu cầu là tài khoản tiết kiệm mở mới tại ngân hàng. Ngoài ra, với các khoản tiết kiệm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, tuỳ vào kỳ hạn gửi, khách hàng sẽ được tặng thêm tiền mặt tương đương 0,3-0,8%/năm lãi suất cho tháng gửi đầu tiên.

Với động thái kể trên, ABBank đã trở thành nhà băng tiếp theo sau SCB, MSB, ngân hàng số Cake by VPBank, SeABank, DongABank, Vietcapital Bank đưa ra các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm có lãi suất trên 8%/năm.

Trong khi đó, VPBank sau khi tăng lãi suất thêm 0,7-1 điểm % vào cuối tháng 9, đến ngày 6/10 tiếp tục áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân với mức tăng 0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, với hình thức gửi tại quầy, ngân hàng này đưa ra mức lãi suất phổ biến khoảng 4-4,8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, không thay đổi so với trước đó. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi 6 tháng đã tăng từ vùng 5,8-6,6%/năm lên 6,1-6,9%/năm, tùy hạn mức gửi.

Ở kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng cũng chấp nhận chi trả mức lãi suất 6,5-7,3%/năm, cao hơn 0,3 điểm % so với cuối tháng 9.

Hiện lãi suất cao nhất VPBank áp dụng với các khoản tiền gửi tại quầy là 7,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng.

Nếu chọn kênh online, lãi suất khách gửi tiền tại VPBank nhận được sẽ cao hơn 0,2 điểm % ở hầu hết kỳ hạn.

Trong đó, lãi suất gửi 6 tháng phổ biến ở 6,3-7,1%/năm; gửi 12 tháng hưởng lãi suất 6,7-7,5%/năm và gửi 36 tháng nhận lãi suất 7,2-8%/năm.

Một ngân hàng tư nhân lớn khác cũng đưa ra biểu lãi suất mới từ ngày 7/10 là Techcombank.  Theo đó, với tiền gửi tại quầy, nhà băng này hiện đưa ra mức lãi kịch trần 5%/năm với kỳ hạn 1 và 3 tháng, áp dụng cho các khoản tiền gửi mở mới.

Tương tự, với tiền gửi mở mới kỳ hạn 6 tháng, dải lãi suất Techcombank đưa ra cũng tăng vọt lên mức 6,7-7,2%/năm và kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 7-7,5%/năm. Đây cũng là các mốc lãi suất cao nhất nhà băng này đưa ra hiện nay. So với tháng 9, các mức lãi suất ưu đãi này đã tăng hơn 1 điểm %.

Với các kỳ hạn còn lại, lãi suất gửi 1-5 tháng phổ biến ở mức 3,55-5%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng hưởng lãi suất 5,75-6,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên hưởng lãi suất 6,15-7%/năm, đều tăng cao hơn nhiều so với tháng 9.

Trước đó, Sacombank cũng niêm yết biểu lãi suất mới từ 6/10, ghi nhận mức tăng ở một loạt kỳ hạn, áp dụng với hình thức gửi tại quầy và online.

Bao gồm, lãi suất tiền gửi 1-5 tháng tại quầy đạt mức 4,6-5%/năm; 6-11 tháng hưởng lãi suất 6,5-6,95%/năm; 12 tháng nhận lãi suất 7%/năm và trên 12 tháng là 7,1-7,5%/năm.

Nếu gửi online, mức lãi suất Sacombank chi trả tại các kỳ hạn cao hơn tương ứng 0,4-0,5 điểm %. Trong đó, lãi suất gửi 6 tháng là 7%/năm; 12 tháng là 7,4%/năm và lãi suất tối đa khách hàng nhận được là 8%/năm, áp dụng với tiền gửi kỳ hạn 36 tháng.

Các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng nâng lãi suất tiền gửi sau động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) đã nâng lãi suất tiền gửi 6 tháng lên 4,7-4,8%/năm (+0,7%) và 12 tháng lên 6,4%/năm (+0,8%).

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng tư nhân đạt mức bình quân xấp xỉ 7%/năm và cao nhất đạt gần 8%/năm (áp dụng với tiền gửi tại quầy).

Lãi suất còn tăng đến cuối năm

Các chuyên gia tại đây cho rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại có thể neo ở mức cao trong giai đoạn cuối năm nay.

Bước sang năm 2023, lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng thêm 0,4-0,5 điểm %, kéo lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các nhà băng lên mức 6,8-7%/năm (bình quân) vào cuối năm. Trong khi đó, đà tăng của lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng 0,6-1 điểm % vào năm 2023

Cập nhật ngày 10/10/2022: SCB tăng lãi suất huy động 12 tháng lên cao nhất hệ thống

Ngân hàng Sài Gòn (SCB) tăng 1% lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 9 tháng, trong đó, mức gửi một năm lên tới 8,55% - cao nhất hệ thống.

Mức tăng này có hiệu lực từ 8/10. Cụ thể khi gửi trực tuyến, mức lãi suất cao nhất là 8,9% áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất dưới 6 tháng ở mức trần 5%, lãi suất 6 và 9 tháng lĩnh lãi cuối kỳ lần lượt là 7,95% và 8,25%. Còn với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 8,55% - là mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Trong một tháng gần đây, toàn bộ hệ thống ngân hàng nhập cuộc đua tăng lãi suất, nhưng phần lớn nhà băng vẫn đang trả lãi dưới 8% cho khoản tiền gửi từ 12 tháng trở xuống.

Tiền gửi tại quầy của SCB trước đó từ 5/10 cũng tăng lên mức cao nhất 8,1% cho kỳ hạn 18 tháng. Mức lãi suất khi gửi 12-15 tháng lãi suất dao động từ 7,4% đến 8%.

Từ cuối chiều 7/10 đến 8/10, nhiều người dân xếp hàng tại các chi nhánh của SCB do lo ngại các khoản tiền gửi mất an toàn trước các tin đồn gần đây. Trước tình trạng lượng khách đến rút tiền đông hơn thường ngày mà không báo trước, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành SCB cho biết nhà băng đã tăng lượng tồn quỹ, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo thanh khoản trong mọi tình huống.

Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục phát ra các thông điệp đảm bảo quyền lợi người gửi tiền ở SCB và khuyến cáo người dân không nên hoang mang dẫn đến rút tiền trước hạn bị thiệt quyền lợi.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM, khẳng định pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định thực hiện các giải pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các nhà băng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân yên tâm khi gửi tiền tại ngân hàng để hưởng lãi suất như kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro nhất so với tất cả các kênh đầu tư khác.

Bên cạnh đó, ông Lệnh cho biết ngân hàng là hoạt động kinh doanh đặc biệt, có điều kiện, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm và thực hiện các giải pháp để bảo đảm hoạt động của từng ngân hàng nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung an toàn.

Cập nhật ngày 27/9/2022: Nhóm Big 4 ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động

Sáng 27/9, Vietcombank (HoSE: VCB) đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới và tăng mạnh 0,8-1,3%/năm ở nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank tăng 1% lên 4,1-4,4%/năm, vẫn còn thấp hơn với với trần quy định (5%/năm). Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng 0,8%/năm lên 6,4%/năm. Từ kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tăng 1% lên 6,4%/năm.

Tương tự, VietinBank (HoSE: CTG) cũng vừa cập nhật biểu lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng – dưới 3 tháng của nhà băng này đã tăng thêm 1% lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 tháng – dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ từ 12 tháng trở lên, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm, cao hơn 0,8%/năm so với trước.

Agribank cũng có bước điều chỉnh tương tự, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất là 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6,4%/năm.

Động thái tăng mạnh lãi suất của nhóm Big 4 sẽ ảnh hưởng đáng kể tới mặt bằng lãi suất của thị trường bởi những ngân hàng này chiếm hơn 45% thị phần tiền gửi toàn hệ thống.

Trong khi các ngân hàng lớn tăng mạnh lãi suất ở cả kỳ hạn dài và kỳ hạn ngắn thì nhóm ngân hàng nhỏ lại khá dè dặt trong đợt điều chỉnh này, chủ yếu nâng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên kịch trần và giữ nguyên hoặc tăng nhẹ lãi suất kỳ hạn dài.

Cập nhật ngày 22/9/2022: Ngân hàng khát tiền gửi do huy động vốn không bắt kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng

Không riêng tại nhà băng có mức lãi suất thấp nhất thị trường này, nhiều ngân hàng cũng đang phải ra sức hút tiền gửi.

Dù nhìn vào con số tuyệt đối, nửa đầu năm nay, người dân gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn hẳn so với hai năm Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ huy động vốn vẫn không theo kịp với tăng trưởng tín dụng.

Tính đến hết tháng 6, tín dụng đã tăng gần 10% trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 4%. Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn nhiều so với huy động vốn khiến chênh lệch giữa số dư huy động vốn và dư nợ tín dụng của hệ thống xuống thấp nhất 5 năm.

Theo số liệu từ Công ty chứng khoán SSI cập nhật đến hết tháng 7, quy mô huy động vốn của hệ thống ngân hàng thậm chí thấp hơn dư nợ tín dụng giải ngân ra nền kinh tế.

Tính đến hết quý II, một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng hai chữ số nhưng tiền gửi khách hàng chỉ tăng 2-3% so với đầu năm. Có ngân hàng huy động vốn còn giảm so với đầu năm.

Đơn cử tại OCB, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,4% nhưng tiền gửi khách hàng giảm hơn 2% so với đầu năm. Tiền gửi tại nhà băng này về mức 96.580 tỷ do tiền gửi của khối doanh nghiệp giảm hơn 4.700 tỷ đồng so với đầu năm.

Tình trạng huy động vốn khó khăn diễn ra trong bối cảnh dòng tiền chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh sau Covid-19. Trái với diễn biến tăng gửi tiền ở nhóm khách hàng cá nhân, khối doanh nghiệp có xu hướng rút bớt tiền từ hệ thống ngân hàng để đưa vào hoạt động kinh doanh.

Lãnh đạo các ngân hàng đánh giá, trong bối cảnh tín dụng đã tăng mạnh nửa đầu năm, dư địa cho vay trong ba tháng cuối năm là ít ỏi khi hạn mức tín dụng giữ nguyên ở mức 14%. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân vì ngân hàng đã chạm trần tín dụng, vì thế, họ phải rút bớt tiền tại ngân hàng về. Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của tổ chức kinh tế chỉ tăng 3,61% so với đầu năm – là mức tăng nửa năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tốc độ huy động vốn không bắt kịp với tăng trưởng tín dụng từ đó, tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất.

Lãi suất tiết kiệm rục rịch đi lên từ vài tháng nay và xu hướng trở nên rõ nét hơn trong một tháng gần đây. Từ giữa tháng 8 tới nay, gần 20 ngân hàng đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động, đưa mặt bằng lãi suất lên mức mới. Ước tính, lãi suất bình quân kỳ hạn 6 và 12 tháng đã tăng 0,5% so với đầu năm.

Nhiều nhà băng đưa ra các chương trình khuyến mãi cộng lãi suất để khuyến khích khách hàng gửi tiền, đặc biệt ở các kỳ hạn dài. Tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 37% về 34% từ tháng 10 khiến các nhà băng phải đẩy mạnh kênh huy động vốn dài hạn, bao gồm tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng.

Không chỉ riêng lãi suất huy động tiền gửi chịu áp lực, lãi suất vay mượn trên thị trường liên ngân hàng cũng liên tục đi lên. Lãi suất liên ngân hàng bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 7 và có lúc lên mức cao nhất 10 năm khi Ngân hàng Nhà nước liên tục rút tiền trên thị trường mở bằng cách phát hành tín phiếu và thực hiện các hợp đồng bán USD. Tại thời điểm 21/9, lãi suất kỳ hạn qua đêm lên tới 4,61% một năm trong khi cách đây hai tháng chỉ ở mức 0,96%.

Động thái liên tục bán ngoại tệ và hút tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước khiến thanh khoản tiền đồng kém dồi dào. Theo ước tính của Công ty chứng khoán SSI đến hết tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 115.000 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở và 70.000 tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ.

Trong bối cảnh thanh khoản hạn chế, nhiều công ty chứng khoán dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng. Mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng.

Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm có thể tăng thêm 0,3-0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo lãi suất huy động tăng 1-1,5% trong cả năm. Lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, song có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và có sự phân hóa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng lãi suất liên ngân hàng sẽ hạ nhiệt trong những tuần tới, nhưng lãi suất qua đêm vẫn dao động ở mức cao 4-5% do đợt tăng mạnh gần đây của USD có thể đã phản ứng quá mức trước thông tin tăng lãi suất của Fed và có thể giảm sau đó. Bên cạnh đó, nhóm phân tích cho rằng lãi suất huy động sẽ tăng nhanh từ nửa cuối năm 2022 do nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng lên sau khi được nới hạn mức tín dụng.

Cập nhật ngày 8/2/2022: sau Tết, các ngân hàng tăng lãi suất huy động

Những ngày đầu tiên giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các ngân hàng đều áp dụng chương trình ưu đãi hấp dẫn như tăng lãi suất huy động, tặng quà, lì xì may mắn cho khách hàng để thu hút lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân. 

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khách hàng nhận được lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng khi gửi tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank Neo. Đây là mức lãi suất cao kỷ lục tại VPBank và các ngân hàng khác tại thời điểm này.

Với Prime Savings, lãi suất tiền gửi được nhân đôi trong tháng đầu tiên. Tuy nhiên, với điều kiện khách hàng phải gửi tối thiểu là 10 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm tiết kiệm này chỉ áp dụng cho các khách hàng mới hoặc khách hàng đã được định danh thuộc phân khúc Prime của ngân hàng và chưa từng gửi tiết kiệm online trước đó. Hình thức ưu đãi nhân đôi lãi suất được áp dụng trong vòng 1 tháng kể từ ngày khách hàng gửi tiết kiệm Prime Savings lần đầu tiên.

Còn tùy theo kỳ hạn và sản phẩm tiết kiệm khác, lãi suất huy động tại VPBank có nhích lên 0,5% - 0,7%/năm so với cùng kỳ năm trước. Còn so với cách đây 1 tháng, lãi suất nhích lên 0,2 - 0,3% tùy theo kỳ hạn. Đơn cử, tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng được niêm yết lãi suất 6,2%/năm, còn gửi 6 tháng là 5,5%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), lãi suất gửi tiết kiệm online cao hơn 0,8%/năm so với gửi tại quầy. Theo bảng lãi suất mà MSB đang niêm yết, lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất là 5,6% cho kỳ hạn 12 tháng; còn 5 - 5,3%/năm cho kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng.

Cũng để hút lượng tiền gửi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất tiền gửi 0,2 - 0,5%/năm kể từ ngày 7-2. Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Techcombank là 5,8%/năm với kỳ hạn 36 tháng; tiếp đến là mức 5,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Đối với VietinBank, khách hàng gửi tiết kiệm online cũng được cộng thêm 0,3 - 0,4%/năm so với gửi tại quầy và mức lãi suất áp dụng đầu xuân năm mới Nhâm Dần cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,2 - 0,4/năm tùy theo kỳ hạn gửi.

Theo đó, lãi suất cao nhất 6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Còn khách hàng gửi kỳ hạn 9 tháng chỉ được nhận lãi suất 4,4%/năm.

Tại một số ngân hàng khác, để hút lượng tiền gửi trong dân cư, chính sách ưu đãi được tung ra là tặng quà, lì xì may mắn đầu xuân. Như Vietcombank, ngân hàng này lì xì 100.000 đồng cho khách hàng khi gửi tiết kiệm tại quầy trong ngày 7 và 8-2. Cụ thể, các khách hàng khi gửi tiết kiệm tối thiểu 10 triệu đồng với kỳ hạn trên 6 tháng hoặc từ 70 triệu đồng kỳ hạn từ 2 đến dưới 6 tháng... đều được lì xì 100.000 đồng.

Đánh giá nguyên nhân lãi suất huy động tăng nhẹ trở lại, theo các chuyên gia ngân hàng là do lạm phát đang có xu hướng nhích lên. Các ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì mặt bằng lãi suất thực dương. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng cũng tăng cao khi hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới.
Còn về lãi suất đầu ra, mặt bằng sẽ duy trì như mức hiện tại và có thể giảm nhẹ ở một số ngành, lĩnh vực ưu tiên khi gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đi vào cuộc sống.

Cập nhật ngày 17/12/2021: Lãi suất tiết kiệm đồng loạt tăng

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bằng VNĐ bình quân của các ngân hàng thương mại tháng 10 phổ biến ở 3,3-3,5%/năm với tiền gửi kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm với kỳ hạn 6 đến 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 đến 24 tháng là 5,5-6,6%/năm và 6,1-6,8%/năm với kỳ hạn trên 24 tháng.

So với các tháng trước, mức lãi suất này có xu hướng thấp hơn ở hầu hết kỳ hạn 0,1-0,2 điểm %. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12 đến nay, diễn biến lãi suất tiền gửi lại đang có biến động tăng mạnh, đặc biệt tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cỡ vừa và nhỏ.

Biểu lãi suất huy động vốn khách hàng cá nhân mới nhất của Techcombank áp dụng từ ngày 15/12 ghi nhận mức tăng 0,25-0,4 điểm % so với tháng liền trước ở tất cả kỳ hạn.

Theo đó, nhà băng này hiện đưa ra mức lãi 2,7-3,35%/năm cho các khoản tiền gửi 1-3 tháng, cao hơn 0,25-0,3 điểm % so với tháng 11.

Tương tự, khoản tiền gửi cá nhân kỳ hạn 6-12 tháng tại Techcombank hiện được hưởng lãi suất 4,1-5,3%/năm, trong khi nếu gửi từ tháng 11, mức lãi suất khách hàng được hưởng chỉ dao động trong khoảng 3,6-4,9%/năm.

Hiện tại, mức lãi tiền gửi tiết kiệm thường cao nhất Techcombank áp dụng là 5,4%/năm với khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng của khách hàng ưu tiên, cao hơn 0,4 điểm % so với tháng 11.

Nếu tính riêng năm 2021, đây là đợt tăng lãi suất huy động mạnh nhất của Techcombank.

Tương tự, biểu lãi suất tiền gửi áp dụng từ ngày 8/12 của GPBank ghi nhận mức tăng đồng loạt 0,3 điểm % so với tháng 11 ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Đáng chú ý, biểu lãi suất tháng 11 của nhà băng này cũng đã tăng 0,3 điểm % so với tháng 10 trước đó.

Hiện tại, khách hàng gửi tiền 6-12 tháng tại GPBank sẽ được hưởng lãi suất 6,5-6,7%/năm; gửi 15-36 tháng hưởng lãi suất cùng ở 6,7%/năm.

Riêng các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tại nhà băng này sẽ được hưởng lãi suất 6,8%/năm mà không kèm điều kiện về hạn mức tối thiểu.

Một nhà băng cũng tăng lãi suất huy động đợt này là Eximbank. Tuy nhiên, mức tăng tại ngân hàng này chỉ xuất hiện ở một số kỳ hạn cố định như 2-3 tháng tăng 0,1 điểm %, hiện ở 3,5-3,6%/năm.

Tiền gửi 4-5 tháng tại đây được tăng lãi suất thêm 0,3 điểm %, lần lượt ở mức 3,7%/năm và 3,8%/năm.

Từ kỳ hạn 6 tháng trở lên, ngân hàng Eximbank chủ yếu tăng thêm 0,1 điểm % so với tháng liền trước.

Theo thống kê, hàng loạt ngân hàng thương mại tư nhân cỡ vừa và nhỏ cũng đã có động thái tăng lãi suất tiết kiệm từ đầu tháng 12 như SCB; VietABank; DongABank; ABBank; Baoviet Bank…

Trong khi đó, biểu lãi suất tiền gửi cá nhân tại nhóm 4 ngân hàng quốc doanh Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV vẫn duy trì ổn định nhiều tháng.

Hiện lãi tiền gửi dưới 6 tháng tại nhóm ngân hàng này phổ biến trong khoảng 3-3,4%/năm; kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng phổ biến ở 4%/năm; trong khi kỳ hạn 12 tháng trở lên là 5,5-5,6%/năm.

 

Theo các chuyên gia phân tích tại SSI Research, lãi suất tiền gửi tăng gần đây có nguyên nhân từ việc các ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm về thanh toán cuối năm. Điều này phần nào khiến thanh khoản trên hệ thống tạm thời căng thẳng.

Doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt trong tuần đầu của tháng 12 cũng cho thấy thanh khoản các nhà băng đã không còn dôi dư như trước.

Cụ thể, theo số liệu của NHNN, trong tuần vừa qua, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng tiền Đồng đạt xấp xỉ 762.939 tỷ, tương đương 152.588 tỷ/ngày, tăng 2,2% so với tuần trước và cao hơn 10% so với tháng 7-9.

Tương tự, doanh số giao dịch bằng tiền USD quy đổi ra VNĐ đạt khoảng 37.072 tỷ/ngày, cũng cao hơn 18% so với tuần trước và 40% so với giai đoạn tháng 7-9.

Các giao dịch cho vay VNĐ kể trên chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm với 82% tổng doanh số và kỳ hạn 1 tuần với 9%. Tương tự, tỷ lệ với tiền USD là 73% và 43%. Điều này cho thấy các giao dịch liên ngân hàng tăng vọt thời gian qua chủ yếu để giải quyết nhu cầu thanh khoản tạm thời.

Cũng theo SSI Research, ngoài yếu tố mùa vụ, thanh khoản ngân hàng căng thẳng còn đến từ việc NHNN dừng bơm tiền Đồng thông qua cả 2 kênh thị trường mở và mua ngoại tệ giao ngay từ đầu tháng 12. Điều này khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 0,05-0,06 điểm % so với cuối tháng 11.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng tích cực cũng đang là nguyên nhân khiến các ngân hàng cần tiền hơn.

Cụ thể, NHNN cho biết tính đến cuối tháng 11, tín dụng toàn ngành đã đạt 10,18 triệu tỷ, tăng 10,7% so với cuối năm 2020. Như vậy, chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 11, các ngân hàng đã cho vay ra thị trường hơn 61.000 tỷ đồng, gần tương đương mức cấp tín dụng trong cả tháng 10 trước đó.

Tương tự, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng lãi suất tiền gửi khó có thể duy trì ở mức thấp khi tín dụng tăng tích cực sau giãn cách.

Ngoài ra, áp lực lạm phát trong năm 2022 cao hơn và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán là nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm ngân hàng phải tăng trở lại.

Theo các chuyên gia tại đây, lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,3-0,5 điểm % từ đầu năm sau. Khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng sẽ ở mức 5,9-6,1%/năm. Tuy vậy, tỷ suất này vẫn thấp hơn so với mức 6,8%/năm trước dịch bệnh.

 

Lãi suất huy động là gì?

Lãi suất huy động là mức lãi suất được các ngân hàng hay tổ chức tín dụng đưa ra nhằm huy động vốn tiền gửi. Đây là mức quy định tỷ lệ lãi mà ngân hàng phải trả cho khách hàng khi họ gửi tiền vào ngân hàng. Nói đơn giản hơn, lãi suất huy động chính là lãi suất khách hàng nhận được khi gửi tiền tiết kiệm. Vì thế, nó còn được gọi là lãi suất tiết kiệm.

Ngân hàng sẽ đưa ra lãi suất huy động riêng dựa trên mức trần lãi suất do nhà nước quy định. Tuỳ thuộc vào số tiền và kỳ hạn gửi mà mỗi ngân hàng sẽ có các mức lãi suất huy động khác nhau.

Trần lãi suất huy động là gì?

Trần lãi suất huy động (lãi suất trần) là mức lãi suất cao nhất và thấp nhất được ngân hàng nhà nước quy định cho các khoản tiền gửi của khách hàng. Theo đó, các tổ chức tài chính căn cứ vào mức lãi suất trần này để điều chỉnh mức lãi suất huy động hoặc cho vay sao cho hợp lý.

Lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng không được vượt quá phạm vi lãi suất trần. Nếu không tuân thủ sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định.

 

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.