Kết quả kinh doanh nửa đầu năm của Techcombank phát triển ở những hạng mục cốt lõi, với tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế tăng hơn 30% cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính, trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần (NII) của ngân hàng tăng ở mức 18.000 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý II, NII đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 11,5% so với quý trước (tương đương mức tăng 50,6% so với quý II năm 2023). Kết quả này được dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng lành mạnh và chi phí vốn tiếp tục giảm còn 3,2%. Nhờ vậy, biên lãi thuần (NIM) theo quý cải thiện lên mức 4,6%.
Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II, Techcombank ghi nhận phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt kỷ lục 1.000 tỷ đồng, cao hơn mức thu nhập của giai đoạn 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, trước khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều thách thức.
Thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 2,7%. Thu từ phí dịch vụ bảo hiểm đạt 384,5 tỷ đồng, tăng 32,5%, đưa Techcombank lên top 2 về phí bảo hiểm quy năm (APE) trong quý II, top 3 trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng cũng ghi nhận 1.420 tỷ đồng thu nhập từ các hoạt động khác, với mức tăng trưởng 33,8% N/N, chủ yếu đến từ lãi hoạt động kinh doanh trái phiếu. Thu nhập tăng trưởng tích cực tạo tiền đề để ngân hàng duy trì tỷ lệ Chi phí/Thu nhập ở mức 28% trong nửa đầu năm, giảm mạnh so với mức 32,3% cùng kỳ năm trước.
Chi phí dự phòng ghi nhận ở mức 2.855 tỷ đồng, tăng 112,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ bao phủ ở mức lành mạnh 101% tại cuối quý 2/2024. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 1,3%, và tỷ lệ an toàn vốn tăng lên mức 14,5%.
Vị thế vốn của ngân hàng vẫn được duy trì với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) 79,6%, tại ngày 30/6, tuân thủ mức trần 80% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 24,2%, thấp hơn mức 25,1% tại ngày 31/3. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của ngân hàng lên mức 14,5%, tại ngày 30/6, sau khi hoàn tất chi trả cổ tức bằng tiền mặt, với tổng giá trị lên tới 5.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tiếp tục nằm trong ngưỡng mục tiêu 14-15%, đồng thời thể hiện khả năng sinh lời vượt trội trên vốn tự có.
Tổng dư nợ cần chú ý (SM) và nợ xấu (NPL) giảm nhẹ xuống 12.100 tỷ đồng, từ mức 12.400 tỷ đồng tại cuối quý I, nhờ tốc độ hình thành nợ cần chú ý giảm, thành công trong thu hồi nợ. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) được kiểm soát ở mức dưới 1,3%, trong đó tỷ lệ NPL của riêng ngân hàng chỉ ở mức 1,08%.
Cuối quý II, tổng tài sản của Techcombank tăng 6,9% so với đầu năm và 24 % so với cùng kỳ năm trước, lên mức 908.300 tỷ đồng. Tính riêng ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 11,6% so với đầu năm, lên ngưỡng 591.600 tỷ đồng, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước.
Trên cơ sở hợp nhất, nhu cầu tín dụng trong nửa đầu 2024 đồng đều ở cả nhóm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, trong đó tín dụng khách hàng cá nhân tăng trưởng tích cực hơn trong quý II. Cụ thể, dư nợ tín dụng khách hàng doanh nghiệp tăng 4,3%, thấp hơn mức tăng 7% của dư nợ khách hàng cá nhân.
Dư nợ cho vay mua nhà phục hồi lên mức 181.700 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm và 9,1% so với cùng kỳ. Giải ngân cho vay mua nhà tiếp tục đà tăng trưởng tốt, đạt 31.200 tỷ đồng trong quý II, trở lại mức trung bình quý trước khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Tiền gửi của khách hàng đạt 481.900 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đạt 37,4%, trong lúc số dư CASA vẫn giữ ở mức cao nhất trong lịch sử - hơn 180.000 tỷ đồng. Tổng số dư tại các tài khoản Sinh lời tự động đạt khoảng hơn 14.000 tỷ đồng, tính đến ngày 30/6.
Techcombank kết thúc nửa đầu năm với khoảng 14,4 triệu khách hàng, bổ sung thêm khoảng gần 1 triệu khách hàng mới trong kỳ. Có đến 55% khách hàng cá nhân gia nhập thông qua nền tảng số và 44% từ kênh chi nhánh, đặc biệt nhờ chương trình mở rộng nhóm khách hàng nhà bán lẻ (merchant).
Thành viên cập nhật: năm 2023 lợi nhuận giảm 10%, đạt 22.900 tỷ đồng
Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2023 với lãi trước thuế 22.888 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước đó. Đây là năm đầu tiên Techcombank giảm lợi nhuận, kể từ 2014.
Có hai yếu tố chính khiến lợi nhuận Techcombank đi xuống trong năm 2023. Trước hết là thu nhập chính từ hoạt động tín dụng của nhà băng này giảm 9% còn 27.691 tỷ đồng, do chi phí trả lãi tiền gửi tăng với tốc độ nhanh hơn thu nhập từ cho vay. Đây cũng là bối cảnh chung của nhiều ngân hàng sau giai đoạn chạy đua huy động với lãi suất cao từ cuối 2022 nhưng sau đó lại khó cho vay.
Ngoài ra, trước áp lực nợ xấu dâng lên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Techcombank tăng lên 3.920 tỷ, gấp đôi so với 2022. Trong bối cảnh này, ngân hàng tìm cách tiết giảm chi phí bằng cách giảm nhẹ chi phí hoạt động so với năm ngoái.
Điểm tích cực là sau 4 quý liên tiếp giảm lợi nhuận, Techcombank bắt đầu ghi nhận tăng trưởng kết quả kinh doanh trong quý IV/2023. Bên cạnh đó, nền thấp của quý IV/2022 cũng khiến nhà băng này ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% trong quý cuối 2023, đạt hơn 5.770 tỷ đồng.
Tính đến hết năm ngoái, dư nợ tín dụng của riêng ngân hàng mẹ Techcombank tăng 19%, trong đó tiếp tục giảm dư nợ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp trên dư nợ tín dụng giảm từ 7,5% cuối 2022 xuống 5,3%.
Thành viên cập nhật quý 3/2023: lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỉ đồng
Ngày 23-10 Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh quý 3 ghi nhận sự phát triển bền vững, trong bối cảnh nền kinh tế đang cho thấy các dấu hiệu phục hồi.
Kết thúc quý 3 năm 2023, số lượng khách hàng của Techcombank lên tới gần 13 triệu, tăng thêm khoảng 2,2 triệu khách hàng mới (gấp 3 lần so với lũy kế 9 tháng 2022). Trong đó 44,4% khách hàng mới gia nhập qua các kênh số hóa, 42,9% thông qua các đối tác trong hệ sinh thái.
Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử đã tăng lên 577,6 triệu trong quý 3 năm 2023, tăng 15,6% so với quý trước và 49,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng giá trị giao dịch đạt gần 2,4 triệu tỉ đồng.
Tiền gửi của khách hàng đạt 409 ngàn tỉ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm và 7,1% so với quý trước. Số dư CASA tăng trong quý thứ 2 liên tiếp, đạt 137,6 ngàn tỉ đồng, tăng 3,2% so với quý 2, dẫn dắt bởi CASA bán lẻ (tăng 4,9% so với quý trước).
Tổng tài sản đạt 781,3 ngàn tỉ đồng đến thời điểm ngày 30-9-2023, tăng 11,8% so với đầu năm. Tính riêng Techcombank, tín dụng tăng trưởng 11,4% so với đầu năm, đạt ngưỡng 495,4 ngàn tỉ đồng.
Dư nợ tín dụng của Techcombank tăng trưởng lành mạnh, phù hợp với hạn mức tín dụng mới nhất được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước.
Trong quý 3 năm 2023, lợi nhuận trước thuế đạt 5.843 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 17.115 tỉ đồng.
Phí bảo hiểm phục hồi mạnh mẽ trong quý 3 năm 2023, với doanh thu khai thác mới (APE) tăng 32,1% so với quý trước. Vào tháng 9-2023, Techcombank đã giành lại vị trí số 1 toàn ngành về APE.
Thành viên cập nhật quý 2/2023: 6 tháng 2023 lợi nhuận 11.300 tỷ đồng, nợ xấu tăng
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, với lợi nhuận trước thuế đạt 11.300 tỷ đồng, và tổng thu nhập hoạt động đạt 18.600 tỷ đồng.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã chứng kiến đà tăng trở lại, đạt gần 35% cuối quý 2/2023, đánh dấu sự hồi phục sau bốn quý nghịch chiều. Tiền gửi của khách hàng đạt 381,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Techcombank đánh dấu nửa đầu năm 2023 với tổng số lượng khách hàng lên tới 12,2 triệu, trong đó thêm khoảng 1,4 triệu khách hàng được thu hút mới, với tỷ trọng 45,3% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 43,8% thông qua các đối tác trong hệ sinh thái.
Tổng tài sản đạt 732.500 tỷ đồng tại ngày 30 tháng 6 năm 2023, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 8,5% so với đầu năm, đạt ngưỡng 482,2 nghìn tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần (NII) đạt 12,8 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong tương quan cùng biên lãi thuần (NIM, tính trong 12 tháng gần nhất) giảm. Trong quý 2, thanh khoản hệ thống được cải thiện và lãi suất bắt đầu hạ nhiệt sau nhiều đợt cắt giảm của Ngân hàng Nhà nước.
Chi phí hoạt động giảm nhẹ 3,0% so với cùng kỳ, xuống mức 6 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ CIR giảm về mức 32,3% (quý 2/2023 CIR: 30,8%) nhờ kiểm soát chặt chẽ chi phí nhân sự, và chi phí marketing thấp hơn.
Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, bao gồm cho vay ký quỹ của Công ty Chứng khoán Kỹ thương, duy trì ở mức ổn định so với cùng kỳ năm trước (giảm 6,7% so với quý 1). Dư nợ cho vay mua nhà của Techcombank trong nửa đầu 2023 giảm, do sự gia tăng của các khoản trả trước, trong khi các khoản giải ngân mới vẫn ở mức thấp, phản ánh những khó khăn của thị trường. Mặt khác, dư nợ cho vay ký quỹ tại TCBS tăng 7,1% so với quý trước, do thanh khoản trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu bắt đầu quay trở lại.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tiếp tục duy trì ở mức thấp trong ngành 1,07%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh ở mức 115,8%. Nợ xấu tăng nhẹ chủ yếu từ nhóm khách hàng bán lẻ do (1) tăng trưởng dư nợ cho vay không thế chấp của Ngân hàng; (2) kinh tế tăng trưởng chậm lại và khó khăn của ngành bất động sản; (3) tác động từ phân loại lại nợ theo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), chủ yếu liên quan đến dư nợ vay mua nhà tại các ngân hàng khác.
Thành viên cập nhật quý 1/2023: lợi nhuận 5.600 tỷ đồng, giảm 17%
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, TCB) cho biết, nhà băng này đã ghi nhận "lợi nhuận khác" đạt hơn 1.000 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm nay, hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất là thanh lý bất động sản đầu tư.
Cụ thể, thu nhập từ hoạt động này đạt hơn 1.775 tỷ, với chi phí bán là 1.044 tỷ đồng. Lợi nhuận từ thanh lý bất động sản đầu tư mang về cho Techcombank hơn 730 tỷ đồng, là khoản đột biến trong quý I năm nay.
Trước đó, ngân hàng này chỉ có duy nhất một bất động sản đầu tư là tòa nhà 191 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, lần đầu được ghi nhận trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012.
Tài sản này trước đây là Tháp B thuộc dự án Vincom Center Hà Nội, được Techcombank mua lại từ Vingroup vào cuối năm 2011 và sau đó đổi tên thành Techcombank Tower. Địa điểm này được ngân hàng sử dụng làm hội sở chính trong 10 năm qua.
Đầu năm nay, Techcombank thông báo chuyển trụ sở chính ngân hàng từ 191 Bà Triệu về tòa nhà Techcombank số 6 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khoản lợi nhuận đột biến từ hoạt động khác cũng giúp kết quả kinh doanh của Techcombank thu hẹp một phần đà giảm trong quý I.
Ba tháng đầu năm nay, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 5.600 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoản mục có ảnh hưởng lớn nhất là thu nhập lãi thuần - "nồi cơm" chính của ngân hàng - giảm gần 20% còn 6.527 tỷ đồng.
Lãi thuần từ dịch vụ và hoạt động khác tăng cao giúp tổng thu nhập hoạt động của Techcombank chỉ giảm hơn 7%. Tuy nhiên, gánh nặng dự phòng cùng chi phí hoạt động khiến lợi nhuận nới rộng đà giảm.
Thành viên cập nhật quý 4/2022: năm 2022 lợi nhuận trước thuế đạt 25.600 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán TCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022.
Theo đó, Techcombank khép lại quý IV/2022 với 10,8 triệu khách hàng, thu hút thêm 373.000 khách hàng mới trong quý và 1,2 triệu khách hàng mới trong năm 2022. Khối lượng giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý IV/2022 đạt 238,7 triệu giao dịch (tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái), với giá trị giao dịch đạt 2,5 triệu tỷ đồng.
Chi phí dự phòng tiếp tục trong xu hướng giảm, xuống mức 1.900 tỷ đồng, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước, nhờ việc hoàn nhập dự phòng một số chi phí đã trích trước cho các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 trong năm 2020 - 2021.
Nhờ kinh doanh tích cực và tiết giảm được chi phí nên lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Techcombank tăng trưởng 10%, đạt 25.600 tỷ đồng. Tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của Techcombank năm 2022 đạt 40.900 tỷ đồng trong năm qua, tăng 10,3% so với năm 2021 với thu nhập từ lãi và dịch vụ (không bao gồm thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư) đều tăng trưởng mạnh.
Thu nhập từ lãi đạt 30.300 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) được quản lý ở mức 5,1%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9.700 tỷ đồng, trong đó riêng thu phí từ dịch vụ thẻ đạt hơn 1.980 tỷ đồng, tăng 83,5% so với năm trước; thu từ dịch vụ bảo hiểm tăng 12,3% đạt hơn 1.750 tỷ đồng; thu từ thư tín dụng tăng 154% đạt hơn 2.016 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Techcombank đạt 699.000 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng đạt 14,5% theo đúng chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước cấp, với danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng.
Trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 40,1% so với năm 2021 và chiếm 49,1% danh mục; dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 69.400 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 9,9%, đạt 165.600 tỷ đồng, chiếm 35,9% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng, giảm mạnh so với mức 44,8% của cuối năm 2021.
Tổng tiền gửi tại ngày 31/12/2022 là 358.400 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 225.900 tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ và số dư CASA đạt 132.500 tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37% trong tổng huy động vốn.
Về các chỉ tiêu an toàn, tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 28,8%, thấp hơn nhiều so với giới hạn mới 34% theo quy định hiệu lực từ ngày 1/10/2022. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,2% vào cuối năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, tăng 18 điểm phần trăm so với đầu năm 2022.
Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 ở mức 0,9%, tăng nhẹ so với năm 2021, nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 125%.
Thành viên cập nhật quý 3/2022: lợi nhuận 9 tháng đạt 20,800 tỉ đồng, tăng 21,8%
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022. Theo đó, tính đến 30.9.2022, tổng tài sản của Techcombank đạt 671,4 nghìn tỉ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn của Ngân hàng. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 222,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 49,0% danh mục tín dụng của Ngân hàng (tăng từ mức 36,4% cùng kỳ 2021); dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 22,7% so với cuối quý 3 năm 2021, đạt 70,7 nghìn tỉ đồng. Tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 12,5%, đạt 161,0 nghìn tỉ đồng, chiếm 35,5% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng và giảm đáng kể so với mức 48,5% tại quý 3/2021 và mức 37,7% của quý 2/2022.
Tổng tiền gửi tại ngày 30/9 là 318,9 nghìn tỉ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,3% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA đạt mức 46,5%, vẫn ở vị thế đầu ngành, dù có giảm nhẹ so với mức 47,5% cuối quý 2/2022, trong bối cảnh chung toàn ngành khi thanh khoản hệ thống bớt dồi dào khi NHNN và chính phủ thực hiện một loạt biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định tỉ giá từ đầu năm đến nay.
Các mảng hoạt động lõi đều tăng trưởng tích cực. Thu nhập từ lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ (không bao gồm thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư) trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh, đóng góp chính nâng tổng thu nhập hoạt động lên 31,5 nghìn tỉ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nhập từ lãi đạt 23,5 nghìn tỉ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ; Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 32,5% so với cùng kỳ, đạt 6,9 nghìn tỉ đồng.
Trong quý 3, chi phí hoạt động của Techcombank tăng 20,9% so với cùng kỳ, đạt 9,4 nghìn tỉ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 29,9% - nằm trong top các ngân hàng có CIR tốt nhất. Chi phí hoạt động tăng so với cùng kỳ do Ngân hàng tiếp tục đầu tư vào Số hóa, Dữ liệu và Nhân tài, theo đúng chiến lược đã đề ra.
Chi phí dự phòng tiếp tục trong xu hướng giảm, xuống mức 1,2 nghìn tỉ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm trước do tình hình tài chính của nhiều khách hàng tiếp tục được cải thiện cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.
Nhờ những kết quả trên, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất 9 tháng đầu năm đạt 20,8 nghìn tỉ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thành viên cập nhật quý 2/2022 lợi nhuận 14.100 tỷ, tăng 22,3%
TCB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 21.100 tỷ (+16,6% yoy). Lợi nhuận trước thuế đạt 14.100 tỷ đồng (+22.3% yoy).
Ngân hàng đã đẩy nhanh việc đa dạng hóa dư nợ tín dụng, hướng tới các khách hàng cá nhân – phân khúc chiếm 46.6% dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6 năm 2022, tăng từ mức 38.8% vào cuối tháng 3 năm 2022.
Tỷ lệ CASA giảm xuống 47.5% so với mức 50,4% cuối quý 1/2022.
Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2 năm 2022 ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh đạt 171.6%, phản ánh chất lượng và sự ổn định của tài sản trong và sau đại dịch COVID. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II tăng lên 15.7% cuối quý 2 năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, và mức 15.1% tại thời điểm 31 tháng 3 năm 2022.
Năm 2022, TCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 27 nghìn tỷ đồng (+16,2% yoy). Tín dụng dự kiến tăng 15%.
Thành viên cập nhật quý 1/2022: quý 1/2022 lợi nhuận 6.800 tỷ, CASA cao kỷ lục
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,7% với chi phí hoạt động tăng 21,3% so với cùng kỳ. Ngân hàng cho biết, chi phí hoạt động tăng chủ yếu do các khoản đầu tư vào công nghệ, hội sở mới và chi phí tư vấn.
Chi phí dự phòng giảm đáng kể, giảm 74,3% so với cùng kỳ năm trước, do nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng đạt 418,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2021.
Tổng tiền gửi cuối quý 1/2022 là 328,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 165,7 nghìn tỷ đồng, duy trì tỷ lệ CASA cao ở mức 50,4%, không thay đổi so với quý 4 năm 2021. Trong đó, CASA của khách hàng cá nhân đóng góp 107,8 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8%. Còn tỷ lệ nợ xấu cuối quý 1 của ngân hàng ở mức 0,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 160,8%.
Trong quý 1 năm 2022, Techcombank đã thu hút thêm hơn 0,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên hơn 9,8 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý 1 năm 2022 lần lượt đạt 194,6 triệu giao và 2,7 triệu tỷ đồng đều tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thành viên cập nhật quý 4/2021: cả năm lãi gần 1 tỉ USD
Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lãi trước thuế gần 23.240 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD. Đây là ngân hàng thứ hai cán đích lợi nhuận tỉ USD, sau Vietcombank.
Tổng thu nhập hoạt động năm 2021 của Techcombank tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 37,1 nghìn tỉ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Thu nhập từ lãi đạt 26,7 nghìn tỉ đồng, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần đạt 5,6% tăng khá so với mức 4,9% của năm 2020. Bên cạnh đó thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 42,4%, đạt 7,8 nghìn tỉ đồng, với sự đóng góp từ tất cả các loại phí chủ chốt.
Cụ thể thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư - cấu phần lớn nhất trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ - đạt 3,6 nghìn tỉ và tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Phí từ hoạt động phân phối trái phiếu tăng 57,4% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 66,7% trong năm 2021, do công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) tiếp tục cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ với tập khách hàng lớn hơn.
Phí dịch vụ bảo hiểm vẫn tiếp tục tăng 88,4% trong năm 2021, nâng mức phí này lên 1,6 nghìn tỉ đồng. Doanh thu khai thác mới (APE) trong quý 4 tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 104,5% so với quý 3, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng và nhờ đẩy mạnh mối quan hệ đối tác giữa Techcombank và Manulife Việt Nam.
Chi phí hoạt động tăng 24,6% so với cùng kỳ, đạt 11,2 nghìn tỉ đồng. Tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,1%. Các khoản đầu tư vào công nghệ và chi phí marketing bắt đầu tăng trở lại khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, đồng thời tập khách hàng của cả Techcombank và TCBS đều tăng.
Chi phí dự phòng của Techcombank ở mức 2,7 nghìn tỉ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, do ngân hàng chủ động trích trước đầy đủ dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu vào cuối năm 2021, thay vì phân bổ trong 3 năm với mức yêu cầu tối thiểu bắt buộc là 30% cho năm đầu.
Đáng chú ý tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Techcombank đạt 50,5% tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2021 với số dư CASA đạt 158,9 nghìn tỉ đồng, chủ yếu do CASA từ khách hàng cá nhân tăng 30,8% so với cuối năm ngoái.
Tiền gửi có kỳ hạn đạt 155,9 nghìn tỉ đồng, tăng 4,3% so với cuối năm 2020, do ngân hàng đã tối ưu hóa cấu trúc vốn và bảng cân đối.
Thành viên cập nhật quý 3/2021: 9 tháng lợi nhuận tăng 60%, chơi chứng khoán lãi 1.470 tỷ
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) đã công bố KQKD ấn tượng cho quý 1/2021 với tổng lợi nhuận ròng đạt 4,500 tỷ đồng (+78,6% YoY), hoàn thành 28% so với kế hoạch của ban lãnh đạo cho năm tài chính 2021.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Techcombank đạt gần 17.100 tỷ đồng, lợi thế vốn rẻ duy trì nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn chiếm gần phân nửa.
Lợi nhuận hợp nhất luỹ kế 9 tháng của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) theo đó đạt 86% kế hoạch năm.
Tính đến hết tháng 9, dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank tăng gần 16% so với đầu năm lên 321.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dư nợ trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành cũng tăng 25% lên hơn 58.200 tỷ đồng. Huy động khách hàng tăng 14% so với đầu năm đạt gần 316.400 tỷ.
Tại cuối quý III, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại Techcombank giảm nhẹ so với đầu năm trong khi đó tiền gửi ký quỹ gần gấp 6 lần hồi đầu năm.
Tiền gửi không kỳ hạn giảm nhẹ nhưng tiền gửi ký quỹ tăng mạnh nên tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Techcombank vẫn tăng lên mức 49% - thuộc top cao nhất hệ thống.
Về kết quả kinh doanh riêng quý III, lãi trước thuế của ngân hàng tăng 40% so với cùng kỳ lên 5.560 tỷ nhờ thu lãi thuần, thu dịch vụ tăng tốt. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng 50% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần tăng 46% lên 19.454 tỷ đồng, lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng 28% lên 4.279 tỷ, lãi mua bán chứng khoán đầu tư tăng 48% đạt 1.470 tỷ.
Tổng thu nhập hoạt động tăng 38% trong khi chi phí hoạt động tăng thấp hơn 19%, chi phí dự phòng rủi ro giảm nhẹ 9%. Luỹ kế 9 tháng, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế gần 17.100 tỷ đồng, tăng 60% so cùng kỳ.
Cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 0,57%, tăng so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức 259% cuối quý II xuống còn 184%, tức cứ 100 đồng nợ xấu, ngân hàng dự phòng 184 đồng.
Thành viên cập nhật quý 2/2021: 6 tháng lợi nhuận 11,500 tỷ, tăng trưởng 71,2%
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt nam - Techcombank (TCB - HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, TCB đạt lợi nhuận trước thuế (PBT) 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 71,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản đạt 504,3 nghìn tỷ đồng vào thời điểm cuối quý II/2021, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 14,7% tính từ đầu năm 2021. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) duy trì ở mức 46,1%.
Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 30/06/2021 đạt 353,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với đầu năm. Nhu cầu tín dụng duy trì ổn định, với sự gia tăng đáng kể của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 16,0% trong kỳ.
Dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng doanh nghiệp lớn tăng khoảng 11,0% so với đầu năm. Tổng tiền gửi tại ngày 30/06/2021 là 289,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 4,3% kể từ đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Techcombank đã thu hút thêm gần nửa triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng mà Ngân hàng phục vụ lên 8,9 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt 296,9 triệu giao dịch (tăng 94,5% so với cùng kỳ năm ngoái) và gần 4,3 triệu tỷ đồng (tăng 122,5% so với cùng kỳ năm ngoái).
Thành viên cập nhật quý 1/2021: lợi nhuận 5,500 tỷ đồng, tăng 76,8%
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 76,8% so với năm cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của mình với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trong 12 tháng đạt 3,5%. Vị thế vốn của Ngân hàng duy trì vững chắc thể hiện qua chỉ số CAR theo Basel II đạt mức 15,8% vào thời điểm kết thúc quý I/2021.
Tổng giám đốc Jens Lottner chia sẻ, kết quả kinh doanh ấn tượng của Techcombank trong quý I/2021 nối tiếp đà tăng trưởng của Ngân hàng, đặc biệt từ quý IV/2020.
"Đặc biệt đối với năm 2021, ưu tiên của chúng tôi sẽ là đẩy mạnh đầu tư, xây dựng năng lực nền tảng (dữ liệu, số hóa và nhân tài) để hoàn thành kế hoạch 2021-2025 và xây dựng kế hoạch dự phòng bao gồm cả các kịch bản xấu hơn liên quan đến đại dịch COVID. Mặc dù có thể mất một thời gian để thấy được rõ hơn kết quả của những khoản đầu tư này chúng tôi đã ghi nhận một vài triển vọng rất khả quan đối với một số lĩnh vực kinh doanh như bancassurance khi sự đầu tư vào dữ liệu, số hóa và con người đã giúp tăng doanh thu khai thác mới (APE) trong quý I lên hơn 80,5% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Jens Lottner nói.
Kết thúc quý I/2021, tổng doanh thu hoạt động của Ngân hàng đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 46,2% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng 15,7% của chi phí hoạt động.
Thu nhập lãi thuần (NII) trong quý I đạt 6,1 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với sự cải thiện về biên lãi thuần (NIM) đạt mức 5,2% (so với 4,7% của cùng kỳ năm trước).
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI) đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 40,9% so với năm quý I/2020. Thu nhập phí liên quan tới chứng khoán đóng góp nhiều nhất vào NFI, trong đó phí tư vấn phát hành trái phiếu đạt 183 tỷ đồng và phí từ các dịch vụ khác đạt 416 tỷ đồng, bao gồm phí từ hoạt động ủy thác và đại lý, phí môi giới và phí quản lý quỹ.
Dịch vụ bảo hiểm tiếp tục cải thiện tốt với tăng trưởng doanh thu khai thác mới (APE) đạt 80,5% và tăng trưởng phí đạt 76,2% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động cho quý I/2021 là 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm xuống 28,7%, từ mức 36,3% cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I/2021, chi phí dự phòng của Techcombank tăng 10,2% lên 851 tỷ đồng.
Với số vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ Việt Nam đồng, Techcombank hôm nay đã trở thành ngân hàng lớn hàng đầu về vốn điều lệ. Sự thành công của chúng tôi đến từ chiến lược tập trung giải quyết nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng. Đến nay, Techcombank đã cung cấp nhiều loại sản phẩm, dịch vụ đa dạng cho hơn 6 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Với 1 trụ sở chính, 2 văn phòng đại diện và 314 điểm giao dịch tại 45 tỉnh thành trên cả nước, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao dịch ngân hàng thông thường mà còn đảm bảo nhu cầu an toàn tài chính cho người Việt. Năm 2018, trong số 9 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) lớn nhất cả nước, Techcombank là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ doanh thu ngoài lãi, chi phí trên doanh thu, lợi nhuận ròng trên tài sản, và thu nhập hoạt động trung bình trên mỗi cán bộ nhân viên.
Với Techcombank, khi chúng tôi đặt ra tầm nhìn trong tương lai, thành công không chỉ phải là đích đến cuối cùng mà còn là dấu ấn của cả một quá trình chuyển đổi. Năm 2018 cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng, khi Techcombank hoàn thành thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, và tiến hành niêm yết trên Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh. Sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược đã củng cố thêm vị thế của Techcombank. Chúng tôi xin cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ của họ trên chặng đường đi đến một tương lai lớn mạnh hơn.
Techcombank sẽ không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dù đó là khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp, mục tiêu của Techcombank là trở thành điểm tập trung cho mọi giải pháp tài chính. Với tầm nhìn và sứ mệnh của Techcombank là trở thành ngân hàng số 1 của Việt Nam, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp Việt Nam trên con đường chinh phục những ước mơ.