Kết quả kinh doanh CTG (VietinBank): quý II lợi nhuận hơn 6.700 tỷ đồng, nợ xấu tăng đáng kể

CHIỀU THU

31/07/2024 10:52

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý vừa qua với các số liệu quan trọng về doanh thu và lợi nhuận cùng các chỉ tiêu liên quan khác.

 

ctg-hq-1618587895.jpeg
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – mã: CTG)

Theo Báo cáo tài chính riêng lẻ của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank, CTG), tính tới cuối quý II, tổng nợ xấu (nợ nhóm 3-5) ở mức hơn 24.100 tỷ đồng. Mức này tăng hơn 20% so với thời điểm kết thúc quý I.

Trong đó, riêng nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4, quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày) của nhà băng này lên hơn gấp đôi sau ba tháng, trên 13.400 tỷ, so với quy mô hơn 5.300 tỷ đồng cuối quý I.

Điểm tích cực là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm trong hai quý liên tiếp từ đầu năm. Ở thời điểm 30/6, nợ nhóm 5 của VietinBank ghi nhận hơn 7.400 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cuối năm trước.

Kết thúc quý II, VietinBank ghi nhận hơn 6.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng hơn 200 tỷ so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tăng 20% so với quý II/2023. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và ngoại hối đạt lần lượt 1.886 tỷ và 1.186 tỷ đồng, tương đương năm trước. Ngược lại, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và hoạt động khác... được thu hẹp.

Chi phí hoạt động thêm gần 7%, khiến lãi thuần từ kinh doanh của nhà băng này chỉ tăng 10%. Phần này bù lại gần như toàn bộ mức tăng của chi phí dự phòng trong quý II, ghi nhận hơn 7.800 tỷ đồng.

Tổng tài sản VietinBank đến cuối quý II tăng 6% so với đầu năm, ở mức 2,16 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 7%. lên 1,57 triệu tỷ.

Ở phần nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 4%, lên hơn 1,46 triệu tỷ. Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tăng đột biến gấp 5 lần đầu năm, vượt 100.000 tỷ đồng.

Thành viên cập nhật: năm 2023 hầu hết các mảng kinh doanh đều tăng trưởng tích cực

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – mã: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023.

Quý 4/2023, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7.699 tỷ đồng, tăng 43,4% so với quý 4/2022. Với động lực tăng trưởng chính là thu nhập lãi thuần, VietinBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động quý 4 đạt 18.475 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ tăng 0,8% lên 6.304 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro giảm 13,3% xuống 4.473 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, tổng thu nhập hoạt động của nhà băng này đạt 70.658 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2022. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng nhẹ hơn, chỉ tăng 6,5% lên 20.443 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) tiếp tục được cải thiện từ 29,9% xuống 28,9%. Đây là một trong những ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất hiện nay.

Hầu hết các mảng kinh doanh của VietinBank đều có tăng trưởng tích cực trong năm qua. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 53.083 tỷ đồng, tăng 11%. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 7.154 tỷ đồng, tăng 22%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 4.248 tỷ đồng, tăng 19,5%. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh có lãi 292 tỷ đồng, đối lập với năm trước đó bị lỗ 112 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại kém khả quan, bị lỗ 154 tỷ đồng. Hoạt động khác (chủ yếu là xử lý nợ) có lãi thuần 5.747 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước đó. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm 43,9% còn 287 tỷ đồng.

Tuy chi phí dự phòng rủi ro trong quý 4 giảm so với cùng kỳ nhưng do 3 quý trước tăng cường trích lập nên tổng chi phí dự phòng cả năm của VietinBank lên tới 25.115 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2022. Chi phí dự phòng "ngốn" đến gần một nửa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietinBank.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế VietinBank năm 2023 đạt 25.100 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Ngân hàng đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng lợi nhuận năm vừa qua của toàn ngành.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản VietinBank vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với cuối năm 2022. VietinBank là ngân hàng thứ ba, sau BIDV và Agribank đạt được mốc 2 triệu tỷ đồng.

Dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,6% trong năm qua và đạt hơn 1,47 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của VietinBank khá đồng đều giữa các quý, riêng quý 4 bứt phá hơn với mức tăng trưởng 6,28%. Dư nợ ngắn hạn tăng mạnh trong năm qua (tăng 24,5%), đạt 961.733 tỷ đồng.

Tiền gửi khách hàng VietinBank tăng 12,9%, đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 27,6%, đạt gần 311 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) được cải thiện mạnh từ 20% lên 22,5%.  Theo dữ liệu có được, CASA của VietinBank chính thức lọt vào Top 5 toàn ngành. 

Nợ xấu cuối năm 2023 của VietinBank là 16.608 tỷ đồng, tăng 784 tỷ đồng so với cuối năm 2022 nhưng đã giảm mạnh 2.332 tỷ đồng so với cuối tháng 9/2023. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu được cải thiện, chỉ còn 1,13%, thấp hơn mức 1,24% cuối năm 2022 và 1,37% cuối tháng 9/2023.

Cập nhật quý 3/2023: lãi sau thuế đạt 3.895 tỷ đồng, tăng 17,2%

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã CTG) vừa công bố Báo cáo tài chính Quý III/2023 với nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng trưởng khả quan.

Quý 3/2023 ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.087 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.815 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 1.135 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Lỗ từ mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư giảm so với cùng kỳ, chỉ ghi nhận khoản lỗ lần lượt 20 tỷ đồng và 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ đến 136 tỷ đồng và 105 tỷ đồng.

Trong quý 3/2023, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh của VietinBank giảm nhẹ, chủ yếu do chi phí tăng nhanh hơn tổng thu nhập. Trong kỳ, ngân hàng này cắt giảm gần 1.000 tỷ đồng chi phí dự phòng.

Kết quả, trong quý 3/2023, VietinBank báo lãi trước thuế 4.871 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 3.895 tỷ đồng, tăng 17,2% so với quý 3/2022.

Tính chung 9 tháng đầu năm, trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp, nhưng các chỉ số trong báo cáo tài chính về hoạt động kinh doanh của ngân hàng VietinBank vẫn cho kết quả tích cực.

Thu nhập lãi thuần tăng 9,8% so với cùng kỳ, mang về hơn 38.500 tỷ đồng, lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 30% và 43%.

Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lãi hơn 200 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 80 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng, VietinBank dành 20.642 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 11%. Kết quả, Vietinbank báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đạt hơn 17.400 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước.

Cập nhật quý 2/2023: nợ xấu tăng 9,5% lên 17.309 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) vừa công bố BCTC quý 2/2023. Theo đó, quý, hầu hết các mảng kinh doanh của VietinBank đều ghi nhân tăng trưởng dương.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng đạt hơn 12.757 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng tăng 14%, đạt 1.784 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng đem về cho ngân hàng 1.177 tỷ đồng, tăng mạnh 45% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của VietinBank ghi nhận lãi 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này là hơn 231 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng âm 66%.

Kết thúc quý 2, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý tăng 13% đạt hơn 6550 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng 12%, đạt 5.264 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, VietinBank báo lợi nhuận trước thuế đạt 12.531 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng cũng tăng 8% đạt 10.095 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VietinBank đạt 1.860.105 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm trong đó cho vay khách hàng tăng 6,6% lên 1.359.357 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tại VietinBank trong 6 tháng đầu năm cũng tăng gần 5% lên 1.310.048 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của VietinBank tăng 9,5% so với đầu năm lên 17.309 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng nhẹ lên 1,27%.

Cập nhật quý 1/2023: Các mảng kinh doanh chính khả quan

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank – CTG) đạt 5.980 tỷ đồng, tăng 2,7% so với quý 1/2022.

Các mảng kinh doanh chính của VietinBank có kết quả khả quan so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần quý 1/2023 tăng 24,8%, đạt 12.666 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 56,5% lên hơn 2.000 tỷ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng tới 49,6% lên 1.172 tỷ đồng.

Trong khi lãi từ hoạt động khác (chủ yếu từ hoạt động thu hồi nợ) giảm 45,7% xuống 1.019 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động trong quý 1/2023 của VietinBank đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong khi chi phí hoạt động tăng nhẹ hơn, tăng 12,9% lên 4.314 tỷ đồng. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) tiếp tục được cải thiện xuống 25,3%, thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống.

VietinBank tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro, tăng tới 52% so với cùng kỳ lên 6.723 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ngân hàng chỉ tăng nhẹ dù các mảng kinh doanh có kết quả lãi khả quan.

Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản VietinBank đạt hơn 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,6% lên hơn 1,33 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 1,9% lên 1,27 triệu tỷ đồng.

Tương tự nhiều nhà băng khác, cơ cấu tiền gửi tại VietinBank tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) điều chỉnh từ 20% hồi đầu năm xuống mức 18% vào cuối tháng 3.

Nợ xấu ngân hàng tăng 1.234 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tương ứng tăng 7,8% lên 17.035 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,24% lên 1,28%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm từ 188% xuống 173%.

Cập nhật quý 4/2022: năm 2022 lợi nhuận đạt 20.500 tỉ đồng

Ngày 8-1, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị về kết quả kinh doanh năm 2022, ông Trần Minh Bình - chủ tịch hội đồng quản trị VietinBank - cho biết thông qua các giải pháp quản trị rủi ro hiệu quả, tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp khoảng 1,2%. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190%, tăng 10% so với năm 2021.

Thu hồi nợ xử lý rủi ro rất tích cực với kết quả gần 5.800 tỉ đồng, tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.

Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 của VietinBank ước đạt 20.500 tỉ đồng, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông đề ra.

Đáng chú ý, hiện VietinBank có dư nợ hỗ trợ 2% lãi suất cho vay từ nguồn ngân sách nhà nước theo nghị định 31 lên đến gần 9.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đã giảm lãi suất để duy trì mặt bằng lãi suất cho vay trong nhóm thấp nhất thị trường.

Tại hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn biểu dương những kết quả mà VietinBank đạt được trong năm qua. Điển hình là ngân hàng có dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất 2% cao nhất trong ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý VietinBank cần phát huy tốt vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường và đi đầu trong việc thực hiện chính sách của Chính phủ, ngành, đặc biệt đảm bảo môi trường kinh doanh tiền tệ ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Bên cạnh đó, VietinBank cũng nên tiếp tục đơn giản thủ tục, quy trình cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng phải đảm bảo an toàn cho ngân hàng, không nới lỏng điều kiện cho vay.

Mặt khác, tăng trưởng tín dụng cần hài hòa, hợp lý. Đồng thời, năm 2023, VietinBank phải tiết giảm chi phí hoạt động cùng với việc hạ lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tiếp thu chỉ đạo trên của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ông Trần Minh Bình cam kết năm 2023, VietinBank sẽ tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, lành mạnh đi đôi với đảm bảo an toàn, hiệu quả. Vốn sẽ được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, doanh nghiệp công nghệ cao...

Cập nhật quý 3/2022: lãi 4.156 tỷ, tăng 35%

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã CK: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 15.765 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng lãi 4.156 tỷ, tăng 35,8%.

Tính riêng trong quý III, nguồn thu chính đem về cho VietinBank gần 12.924 tỷ đồng, tăng 31%.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ (+27%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+69%), lãi từ hoạt động khác (gấp 6,1 lần)…

Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ hơn 136 tỷ đồng và mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2 mảng này đều có lãi. Theo thuyết minh, các khoản lỗ chủ yếu đến từ chi phí mua bán chứng khoán và chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán.

Thêm vào đó, kỳ này, Ngân hàng trích gần 8.321 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 50% so với cùng kỳ.

Tính chung các mảng kinh doanh, tổng thu nhập hoạt động của VietinBank trong 9 tháng đầu năm đạt 47.335 tỷ, tăng 20,6%. Riêng quý III, tổng thu nhập hoạt động đạt 17.324 tỷ, tăng 41,4%. Sau khi trừ chi phí hoạt động, ngân hàng lãi thuần 12.477 tỷ đồng trong quý III (tăng 44,9%) và 34.395 tỷ trong 9 tháng (tăng 23,2%).

Trong quý vừa qua, ngân hàng đã tăng gấp rưỡi chi phí dự phòng rủi ro lên 8.321 tỷ đồng, qua đó đưa tổng mức trích lập 9 tháng lên 18.630 tỷ đồng, cao hơn 33% so với cùng kỳ năm trước. Theo VietinBank, chi phí dự phòng tăng mạnh do ngân hàng chủ động nhận diện rủi ro và chuyển nhóm nợ phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng, đồng thời thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định của NHNN để chủ động các phương án xử lý nợ.

Chi phí dự phòng của VietinBank tiếp tục tăng đặc biệt là quý III trong bối cảnh nợ xấu của ngân hàng này có xu hướng tăng khá mạnh. Cụ thể, tổng dư nợ xấu nội bảng của VietinBank đã tăng thêm 3.351 tỷ trong 9 tháng đầu năm, lên 17.652 tỷ đồng tại thời điểm 30/9.

Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn là gần 12.414 tỷ, gấp 2,38 lần mức ghi nhận hồi đầu năm.

Cập nhật quý 2/2022: tăng trưởng lợi nhuận lên tới 107%

Ngân hàng TMCP VietinBank (HOSE: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 107%, do tín dụng bật tăng mạnh và do so sánh với nền thấp năm 2021.

Tính đến 30/6, tín dụng VietinBank tăng hơn 9,5%, các hoạt động kinh doanh ngoài lãi tăng trưởng mạnh giúp lợi nhuận ngân hàng cải thiện mạnh mẽ.

Riêng trong quý II/2022, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt  11.972 tỷ đồng, tăng10%; Lãi thuần từ dịch vụ đạt 1.560 tỷ đồng, tăng 15%; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 813 tỷ đông, tăng 57,5%; Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 238 tỷ đồng, tăng gần 11 lần; Lãi thuần từ hoạt động khác đạt đạt 1.111 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ; riêng mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 7,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 72 tỷ đồng.

Trong khi kết quả kinh doanh khởi sắc mạnh thì chi phí hoạt động lại được ngân hàng kiểm soát tốt, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong quý, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng giảm 17,2% còn 5.883 tỷ đồng.

Chính vì vậy, trong kỳ, ngân hàng ghi nhận 5.785 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 107%). Trước đó, trong quý 2/2021, lợi nhuận VietinBank giảm mạnh do ngân hàng tăng gấp 3 chi phí trích lập dự phòng rủi ro.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của VietinBank đạt 22.118 tỷ đồng, tăng 2,8%; Lãi thuần từ dịch vụ đạt 2.838 tỷ đồng, 6,9%; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 1.597 tỷ đồng, tăng gần 87%; Lãi thuần từ hoat động khác đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kỳ.

Do quý I/2022 VietinBank đẩy mạnh trích lập dự phòng nên tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng  6 tháng là 10.309 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Chính vì vậy, lợi nhuận trước thuế 6 tháng mà ngân hàng đạt được là 11.607 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Với lợi nhuận này, VietinBank đang xếp sau Vietcombank, VPBank, Agribank, Techcombank, MB.

Tổng nợ xấu của VietinBank không tăng mạnh so với đầu năm (nợ xấu 1,34%, tăng nhẹ so với mức 1,26% cuối năm ngoái).

Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của VietinBank là 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm ngoái.

Một điểm khá chú ý nữa là 6 tháng đầu năm nay, VietinBank tăng cường đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với lượng trái phiếu nắm giữ gần 12.00 tỷ đồng, tăng 36% so với cuối năm.

Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận 5.800 tỷ, giảm 28% do trích lập dự phòng

Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm đạt 5.822 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do VietinBank tăng cường trích lập dự phòng rủi ro…

Tỷ lệ CIR (chi phí trên thu nhập) là 27%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 10.249 tỷ, tăng 8,9%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,7% lên hơn 1,22 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 4,4% lên hơn 1,21 triệu tỷ đồng.

Tiền gửi không kỳ hạn của VietinBank tăng trưởng tích cực, đạt hơn 236.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2022, tăng 4,6% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) là khoảng 20%.

Nợ xấu của ngân hàng tăng 1.020 tỷ trong quý 1 lên 15.320 tỷ đồng, chiếm 1,25% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với mức 1,26% cuối năm 2021.

Quý 1 năm 2022 các chỉ tiêu lợi nhuận thuần, tổng tài sản, tiền gửi không kỳ hạn của Vietinbank tăng trưởng rất tốt, cho thấy ngân hàng này có nhiều tiềm lực tăng trưởng trong năm 2022.

Cập nhật quý 4/2021: lợi nhuận giảm hơn 45%

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế giảm hơn 45% xuống lần lượt 3.678 tỷ đồng và 2.986 tỷ đồng.

Nguyên nhân lợi nhuận của VietinBank giảm mạnh được giải thích là do trong quý, chi phí dự phòng rủi ro ở mức 4.377 tỷ đồng, cao gấp 6,2 lần cùng kỳ và ngốn mất hơn 54% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

Lũy kế cả năm 2021, VietinBank báo lãi trước thuế 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 14.219 tỷ, tăng 3,1%.

Trong năm 2021, thu nhập lãi thuần tăng 17,5% lên mức kỷ lục gần 41.800 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác tăng 13,5% và 76,6%, lần lượt mang về 4.952 tỷ và 3.407 tỷ đồng.

Ngược lại, lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đều sụt giảm so với năm trước.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, doanh thu thuần năm 2021 của VietinBank đạt 53.149 tỷ đồng, tăng 17,2%. Trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 6,9% lên 17.178 tỷ. Qua đó giúp ngân hàng đạt được mức lợi nhuận thuần kỷ lục gần 35.971 tỷ đồng, tăng 22,8%.

Tuy nhiên, do chi phí dự phòng tăng hơn 51% lên 18.382 tỷ khiến lợi nhuận trước và sau thuế chỉ nhích nhẹ so với năm 2020.

Năm 2021, dư nợ cho vay ngân hàng tăng 11,4% lên mức 1,131 triệu tỷ. Trong đó, nợ xấu nội bảng tăng 49% lên hơn 14.300 tỷ đồng và chiếm 1,26% tổng dư nợ. Mặc dù vậy, so với cuối quý III, nợ xấu của VietinBank đã giảm 3.800 tỷ, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ 1,67% xuống còn 1,26% nhưng vẫn cao hơn mức 0,95% hồi đầu năm.

Tại thời điểm 31/12/2021, tiền gửi khách hàng của VietinBank đạt gần 1,162 triệu tỷ, tăng 17,3% so với đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 19,4%.

Tính đến cuối tháng 12/2021, tổng tài sản VietinBank đã vượt mốc 1,5 triệu tỷ, tăng 14,2% so với hồi đầu năm.

Cập nhật quý 3/2021: Lợi nhuận đi ngang, nợ xấu tăng đáng ngại

Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank, CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III cho thấy các hoạt động chính và lợi nhuận của VietinBank có phần chững lại.

Trong đó, thu nhập lãi thuần và lãi từ hoạt động dịch vụ - hai khoản mục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng thu nhập của VietinBank - chỉ tăng lần lượt 8,7% và 9,3%. Lãi thuần mua bán chứng khoán đầu tư gấp hơn hai lần cùng kỳ, nhưng tỷ trọng trong tổng thu nhập hoạt động chỉ chiếm 2%. Lợi nhuận khác giảm gần nửa so với năm ngoái.

Nhờ chi phí hoạt động không tăng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của VietinBank cao hơn cùng kỳ gần 11%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng cao hơn con số này khiến lợi nhuận bị thu hẹp. Quý III, nhà băng này báo lãi trước thuế hơn 3.000 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 5%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, VietinBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hơn 39.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 13.900 tỷ, tăng 34%.

Tính tới cuối quý III, tổng tài sản của VietinBank đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 7% lên 1,08 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng của nợ xấu đang vượt xa những con số khác. Tổng nợ nhóm 3-5 của VietinBank đến cuối quý III là hơn 18.000 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Trong đó, nợ nhóm 5 giảm hơn 40% xuống còn 3.500 tỷ, nhưng nhóm 4 tăng đột biến lên 11.600 tỷ đồng, cùng kỳ ngân hàng chỉ ghi nhận hơn 1.600 tỷ.

Cập nhật 6 tháng 2021: lợi nhuận tăng 75%, đạt 13.000 tỷ đồng

Theo Chủ tịch Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank,) ông Lê Đức Thọ cho biết tại buổi sơ kết hoạt động kinh doanh sáng 30/6, tính đến hết quý II, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 1,38%, tăng so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 110%. Theo kế hoạch đến hết quý IV, tỷ lệ nợ xấu sẽ ở mức từ 1% đến 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu mục tiêu 180%.

Tại cuộc họp, Tổng giám đốc VietinBank Trần Minh Bình cho biết thêm, tài sản riêng lẻ của ngân hàng đến hết tháng 6 đạt 1,4 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm nay có sự cải thiện tích cực hơn so với cùng kỳ. Dư nợ tăng trưởng tín dụng lên 1,06 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng dư nợ bán lẻ bình quân tăng từ 54% năm 2020 lên 56% vào cuối quý II.

Tổng giám đốc VietinBank Trần Minh Bình tại cuộc họp sáng 30/6. Ảnh: VietinBank.

Tổng giám đốc VietinBank Trần Minh Bình tại cuộc họp sáng 30/6. Ảnh: VietinBank.

"Việc tăng vốn điều lệ rất khó khăn những năm qua nhưng đến nay đã được giải quyết nhờ phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu", lãnh đạo ngân hàng chia sẻ. Tuy nhiên, lãnh đạo VietinBank đánh giá, tốc độ nguồn vốn tăng còn rất chậm so với dư nợ tín dụng.

Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác bùng nổ, áp lực huy động vốn nửa cuối năm là bài toán mà lãnh đạo ngân hàng yêu cầu các chi nhánh coi là nhiệm vụ trọng tâm, cần thúc đẩy giải pháp tăng trưởng nguồn vốn chi phí thấp.

Cuối tháng 5, Thủ tướng phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước 6.977 tỷ đồng từ nguồn cổ tức, nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank. Ngày 8/7 tới, VietinBank sẽ chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 29% tăng vốn điều lệ. Sau khi tăng vốn, VietinBank đáp ứng toàn bộ yêu cầu của Basel II và Thông tư 41.

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của VietinBank (CTG) ước tăng 75% so với cùng kỳ, lên 13.000 tỷ đồng là thông tin tốt lành. Tuy nhiên tin tốt này có vẻ đã phản ánh hết vào giá thời gian qua. 

Cập nhật quý 1/2021: các loại thu nhập hoạt động chính đều tăng trưởng

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý đầu năm 2021, Tổng giám đốc Trần Minh Bình cho biết, các loại thu nhập hoạt động chính của VietinBank đều tăng trưởng trên 25% so với cùng kỳ năm trước, CIR duy trì ở mức hợp lý, chất lượng tài sản được quản lý tốt, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 đạt khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng. 

Tuy lợi nhuận quý 1 cao nhưng VietinBank vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2021 khá thận trọng ở mức 16.800 tỷ đồng, chỉ tăng 400 tỷ đồng so với năm trước.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng trưởng tài sản 6-10%, dư nợ tín dụng tăng trưởng tối đa 7,5% và phù hợp với hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn tăng 8-12%. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 1,5%, các tỷ lệ an toàn hoạt động tuân thủ theo quy định.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, ban lãnh đạo VietinBank cho biết sẽ thúc đẩy tăng trưởng hoạt động kinh doanh cao hơn so với giai đoạn trước. Trong đó, ngân hàng dự kiến mở rộng quy mô hoạt động gắn với cải thiện mạnh mẽ chất lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp đồng thời cân đối nguồn vốn hiệu quả.

Tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, tăng cường kết nối chuỗi giá trị hiệu quả giữa các phân khúc, giữa ngân hàng mẹ và các công ty con, phát triển giải pháp tài chính toàn diện.

"Gắn tăng trưởng của VietinBank với các ngành nghề kinh tế chủ lực của đất nước, khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia, khai thác hiệu quả các lợi thế kinh doanh của địa bàn và ưu tiên nguồn lực để gia tăng thị phần tại các địa bàn trọng điểm", lãnh đạo VietinBank nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng...Song song, áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel 2 (thông tư 41) kể từ ngày 1/1/2021.

Cùng với đó, ông Trần Minh Bình cho biết, VietinBank sẽ tiếp tục chủ động điều tiết tốc độ tăng trưởng tín dụng hợp lý, phát hành trái phiếu thứ cấp, thoái vốn một số công ty con, tối ưu hóa danh mục tài sản cố rủi ro. Ngoài ra, kiểm soát quy mô tài sản có rủi ro, triển khai cơ chế định giá trên cơ sở rủi ro và đánh giá hiệu quả trên cơ sở rủi ro.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG)

Vốn điều lệ: 48.057.506.090.000 đồng

Vốn chủ sở hữu: 93.247.451.000.000 đồng (tại thời điểm 30/06/2021)

Địa chỉ hội sở chính: 108 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được thành lập vào ngày 26/3/1988, trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị định số 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) chấp thuận niêm yết từ ngày 16/7/2009.

30 năm xây dựng và phát triển:

1. Giai đoạn I (từ tháng 7/1988 - 2000): Thực hiện việc xây dựng và chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng Công Thương (Nay là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) hình thành và đi vào hoạt động.

2. Giai đoạn II (từ năm 2001 - 2008): Thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Ngân hàng Công Thương về xử lý nợ, mô hình tổ chức, cơ chế chính sách và hoạt động kinh doanh.

3. Giai đoạn III (từ năm 2009 - 2013): Thực hiện thành công cổ phần hóa, đổi mới mạnh mẽ, phát triển đột phá các mặt hoạt động ngân hàng.

4. Giai đoạn IV (từ năm 2014 đến nay): Tập trung xây dựng và thực thi quản trị theo chiến lược, đột phá về công nghệ, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh gắn với bảo đảm hiệu quả, an toàn, bền vững.

TẦM NHÌN
Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, đến năm 2030 thuộc Top 20 ngân hàng mạnh nhất Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Đến năm 2045 là ngân hàng mạnh nhất và uy tín nhất Việt Nam, hàng đầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và uy tín cao trên thế giới.

SỨ MỆNH
Là ngân hàng tiên phong trong phát triển đất nước trên cơ sở mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, cổ đông và người lao động.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI
1. KHÁCH HÀNG LÀ TRUNG TÂM

"Lấy nhu cầu của khách hàng là mục tiêu phục vụ của Ngân hàng. Lắng nghe tiếng nói của khách hàng và chia sẻ với các bên liên quan để đưa ra giải pháp/ tư vấn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho khách hàng nội bộ, khách hàng bên ngoài."

2. ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

"Luôn thể hiện sự sáng tạo trong mọi hoạt động; liên tục đổi mới có sự kế thừa để tạo ra những giá trị tốt nhất cho hệ thống, khách hàng và đóng góp vào sự phát triển của đất nước."

3. CHÍNH TRỰC

"VietinBank luôn nhất quán trong suy nghĩ và hành động đảm bảo sự tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương, trung thực, minh bạch và giữ vững đạo đức nghề nghiệp."

4. TÔN TRỌNG

"Thể hiện thái độ và hành động lắng nghe, chia sẻ, quan tâm, ghi nhận đối với khách hàng, đối tác, cổ đông, lãnh đạo, đồng nghiệp và tôn trọng bản thân."

5. TRÁCH NHIỆM

"Thể hiện tinh thần, thái độ và hành động của toàn hệ thống, của từng bộ phận, từng cán bộ VietinBank có trách nhiệm cao đối với khách hàng, đối tác, cổ đông, lãnh đạo, đồng nghiệp và cho chính thương hiệu của VietinBank. Thực hiện tốt trách nhiệm VietinBank với cộng đồng, xã hội là trách nhiệm, vai trò, vinh dự, và tự hào của VietinBank."

TRIẾT LÝ KINH DOANH
An toàn, hiệu quả và bền vững;
Trung thành, tận tụy, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, kỷ cương;
Sự thành công của khách hàng là sự thành công của VietinBank.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.