Tính chung, lũy kế tiền lãi và gốc chậm thanh toán của Hoàng Anh Gia Lai tới 30/6 là 4.364 tỷ đồng, trong đó lãi 3.349 tỷ và gốc là 1.015 tỷ đồng. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ thanh toán vào quý III năm nay, thay vì cuối quý II theo kế hoạch.
Nguyên nhân chậm trả, theo Hoàng Anh Gia Lai, họ chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lời và chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) - doanh nghiệp do ông Trần Bá Dương làm Chủ tịch. Trước đó, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã thỏa thuận lộ trình trả nợ ba bên với khoản nợ này.
Dù chậm trả trái phiếu, tình hình kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai dần ổn định trở lại. Quý I, công ty đạt hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn cùng kỳ 27%, nhưng lãi gộp ở mức 498 tỷ, tăng 10% so với cùng thời điểm 2023. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế HAG là 226 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 12 liên tiếp công ty của bầu Đức báo lãi trở lại kể từ quý II/2021.
Tổng dư nợ vay cuối quý I của Hoàng Anh Gia Lai là 7.816 tỷ, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty đang tái cơ cấu tài chính nhằm giảm nợ ngân hàng, chi phí lãi vay và duy trì dòng tiền ổn định.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết các khoản nợ của HAG đang thấp nhấp so với các doanh nghiệp có cùng quy mô hiện nay. Năm nay công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 7.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.320 tỷ. Nếu đạt được mục tiêu này, đây sẽ là doanh thu cao nhất của doanh nghiệp từ khi làm nông nghiệp tới nay.
Nửa đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đã gần hoàn thành việc trồng thêm 500 ha sầu riêng, 2.000 ha chuối, nâng tổng diện tích lần lượt lên 2.000 và 9.000 ha.
Thành viên cập nhật ngày 18/10/2023: bầu Đức bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai giá 180 tỷ, vẫn nợ 15.954 tỷ
Quý III, công ty bầu Đức lãi sau thuế 324 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 3 lần so với quý II, nhờ khoản thu 180 tỷ từ bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai. Đây là thông tin nêu trong kết quả kinh doanh 9 tháng được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố trưa 18/10.
Trong báo cáo tài chính, HAG chỉ đề cập có thêm khoản thu khác từ việc thanh lý tài sản 180 tỷ đồng. Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho hay khoản thu này chính là từ thanh lý khách sạn Hoàng Anh Gia Lai.
Trước đó, trong tháng 9, HAG thông qua nghị quyết thanh lý tài sản không sinh lợi là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, TP Pleiku. Mục đích để doanh nghiệp thanh toán một phần nợ trái phiếu HAGL 2016 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Toàn bộ tiền bán bất động sản trên sẽ được ưu tiên thanh toán nghĩa vụ trái phiếu này tại BIDV.
Tháng 9, công ty của bầu Đức đạt doanh thu thuần 679 tỷ đồng. Trong đó, ngành chăn nuôi chiếm 196 tỷ đồng; cây ăn trái là 375 tỷ đồng, ngành phụ trợ đạt 108 tỷ đồng. Ngoài ra, tháng này còn có một khoản thu khác từ việc thanh lý tài sản 180 tỷ đồng. Lãi sau thuế 9 tháng của công ty này khoảng 710 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2022.
Trong quý III, công ty này cho biết sẽ chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng, ước tính số tiền thu được 1.300 tỷ dùng trả nợ và bổ sung vốn cho công ty con. Phiên giao dịch 18/10, giá cổ phiếu HAG là 7.700 đồng, giảm 4,1% so với phiên trước đó.
Tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư nửa đầu năm của HAG, bầu Đức cho rằng đang nợ ít nhất trong nhóm các doanh nghiệp lớn trên thị trường.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của HAG là 21.342 tỷ đồng, tăng so với đầu kỳ. Tổng nợ công ty 15.954 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng chiếm gần 8.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty đạt 5.388 tỷ đồng và đang lỗ lũy kế 2.947 tỷ đồng.
Thành viên cập nhật ngày 2/10/2023: bầu Đức muốn bán nốt khách sạn để trả nợ
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa thông qua nghị quyết thanh lý tài sản không sinh lợi. Cụ thể, doanh nghiệp của Bầu Đức muốn bán tài sản gắn liền với đất là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, TP Pleiku.
Công ty thanh lý khách sạn này để thanh toán một phần nợ trái phiếu HAGL 2016 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Toàn bộ tiền bán bất động sản trên sẽ được ưu tiên thanh toán nghĩa vụ trái phiếu này tại BIDV.
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, đến hết ngày 30/6, HAGL nợ trái phiếu hơn 5.500 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu tại BIDV và Công ty chứng khoán của ngân hàng này chiếm phần lớn với hơn 5.270 tỷ đồng.
HAGL cho biết với lô trái phiếu phát hành tháng 12/2016, số tiền gốc công ty đã trả đến ngày 29/9 là 380 tỷ đồng. Tính đến 30/9, công ty chậm trả lãi lũy kế khoảng 2.870 tỷ đồng và chậm thanh toán gốc 1.157 tỷ đồng.
Công ty của Bầu Đức dự kiến trả nốt phần tiền còn lại trong quý IV. Nguồn tiền thanh toán đến từ khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (hiện tại đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên) và thanh lý một số tài sản không sinh lời của HAGL, trong đó có khách sạn ở Pleiku.
Nằm ở trung tâm TP Pleiku, khách sạn này đi vào hoạt động từ cuối năm 2005 với 117 phòng ngủ, gồm 3 loại Suite, Deluxe và Superior. Đây là khách sạn và bất động sản nằm ở vị trí đắc địa cuối cùng của Bầu Đức.
Từ năm 2010, Chủ tịch HĐQT HAGL Đoàn Nguyên Đức đã thừa nhận bản thân và HAGL không có duyên với kinh doanh khách sạn, du lịch nên quyết bỏ. Thời điểm đó, ngoài khách sạn ở Pleiku, HAGL đã đổ khá nhiều tiền vào 3 dự án ở miền Trung, Tây Nguyên gồm 2 resort ở Quy Nhơn, Đà Lạt và 1 khách sạn ở Đà Nẵng. Công ty cũng có một khách sạn ở thủ đô Yangon, nhưng đã chuyển nhượng năm 2019.
HAGL chưa thông tin về giá bán khách sạn ở Pleiku. Tuy nhiên, tại phiên họp thường niên hồi tháng 4, Bầu Đức đã thông tin về kế hoạch trả nợ cho BIDV, trong đó dự kiến có 500 tỷ đồng đến từ bán tài sản không sinh lời và các khoản khác.
Thành viên cập nhật ngày 20/8/2023: còn nợ 7.600 tỉ đồng, bầu Đức cho rằng thấp so với tài sản
Tại "Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư" diễn ra vào chiều 20-8 tại TP.HCM, ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) - khẳng định qua quá trình "dò đường" nghiên cứu thị trường, thổ nhưỡng, đất đai, chuyên môn, giờ doanh nghiệp quyết định chỉ còn tập trung ba mảng chủ lực: chăn nuôi heo, trồng chuối, trồng sầu riêng.
Về mảng chăn nuôi heo, giá heo tại chuồng của HAGL đang nằm mức 48.000 đồng/kg, cố gắng giảm thêm 2.000 đồng vào cuối năm nay. Do đó, kể cả khi thị trường có giá 50.000 đồng/kg thì mảng nuôi heo vẫn không bị lỗ.
Với giá khoảng 58.000 đồng/kg, hiện mỗi con heo lời khoảng 1 triệu đồng, đang có 600.000 con heo. Doanh nghiệp bán heo hơi tại chuồng, lùa ra lấy tiền, không bán nợ. Ngoài ra còn kết hợp chợ đầu mối lớn.
Về việc hệ thống phân phối heo Bapi (HAGL nắm khoảng 35% cổ phần) thời gian trước mở rộng ra khoảng 200 cửa hàng nhưng không thành công, đơn vị này đã chuyển hướng, hiện phân phối tại 52 cửa hàng, siêu thị lớn như Co.opmart, Lotte mart…
Về mảng trồng chuối, ông Đức cho biết: "Làm sáu năm nay chưa có khái niệm tồn kho, vấn đề bán giá nào chứ không phải không ai mua". Mọi năm giá chuối xuất khẩu 7,5 USD/thùng, giờ đã 10,5 USD/thùng (+30%). Kỳ vọng từ cao điểm tháng 11 trở đi đạt 16 USD/thùng. Hiện HAGL có 7.000ha chuối. Riêng thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp kết nối nhiều siêu thị để bán "chuối Pleiku", ổn định đầu ra và giá.
Sầu riêng là mảng trụ cột thứ ba, 2023 cũng là năm đầu tiên HAGL bán lấy tiền. "Dạo này ít nói hơn hồi xưa, hồi xưa nói hoài làm không được, giờ nói được làm được", ông Đức nói. Hiện doanh nghiệp có 1.200ha sầu riêng, khoảng 60% trong số đó đã đến năm thứ tư. Còn 5.000ha đất có thể trồng thêm.
Năm nay doanh nghiệp dự thu ba vườn sầu riêng nhỏ gần 80ha, 1.000 tấn. Tháng này thu được 18 tỉ đồng bán sầu riêng, trừ đi giá phân bón, công chăm sóc… còn lại lãi 14,4 tỉ đồng (80%).
Trước câu hỏi về nợ, ông Đức cho rằng khoản nợ 7.600 tỉ đồng là thấp so với khối tài sản (hơn 21.340 tỉ đồng). Nhiều doanh nghiệp khác trên thị trường có số nợ nhiều hơn, HAGL nợ ít hơn nhưng bị "mang tiếng rất nhiều, không biết tại sao".
Bên cạnh việc chuyển qua cho Thaco trả một phần, HAGL cũng sẽ thực hiện nhiều biện pháp xử lý nợ như: bán một số tài sản không sinh lãi, lấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, phát hành thêm cổ phiếu... Có một tổ chức đang đàm phán mua lại khoản nợ 580 tỉ đồng của HAGL ở ngân hàng. Nỗ lực trong ba năm giải quyết xong nợ gốc.
"HAGL đang có nợ đó, đang xử lý, phải xử lý, để không còn ồn ào nợ nần nữa", ông Đức chia sẻ.
Chủ tịch HAGL cũng cho biết năm 2008 doanh nghiệp có khoản nợ tới 29.000 tỉ đồng, nhưng "chính sự xấu hổ" đã khiến ông không để phát sinh thêm nữa, chứ nếu không có khi bây giờ tăng lên 100.000 tỉ đồng, không trả nổi.
Theo tính toán, chỉ riêng tháng vừa qua doanh nghiệp đã lãi 117 tỉ đồng. Từ năm 2024 trở đi dự tính lợi nhuận không dưới 2.000 tỉ đồng mỗi năm.
Ông Đức tự nhận "tôi sắp già rồi, lâm thế nữa là thua" nên sẽ tập trung vào "một con hai cây" chứ không dàn trải như trước, không huy động vốn lớn nữa.
"Khi tôi bị rủi ro cao su, mất thanh khoản, khó khăn cực kỳ, nhiều bạn bè anh em cười, dở, không biết quản trị, thất bại", ông Đức nói về giai đoạn 2008.
Thành viên cập nhật ngày 2/5/2023: bầu Đức cho cổ đông ăn bánh vẽ?
Tại phiên họp cổ đông của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sáng 28/4, nhiều cổ đông cho rằng việc phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động trong 3 năm tới làm ảnh hưởng đến lợi ích của họ.
Phủ nhận quan điểm trên, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG - cho rằng đây là kế hoạch có lợi cho cổ đông. Bởi theo ông, người lao động đóng góp trực tiếp vào thành công của công ty. Việc phát hành cổ phiếu cho họ là thể hiện sự trân trọng và khuyến khích người lao động cố gắng làm việc.
"Ví dụ, trước đây họ sản xuất ra 13 kg chuối mỗi buồng để xuất khẩu, khi được khích lệ, sẽ sản xuất tăng lên 16 kg một buồng. Như vậy, sản lượng chuối xuất khẩu của công ty tăng, kéo theo lợi nhuận đi lên, cổ đông là người hưởng lợi", ông Đức lý giải.
Bên dưới, một số người thì thầm cho rằng bầu Đức có vẻ đang cho cổ đông ăn bánh vẽ, vì sản xuất đi lên đâu chưa thấy nhưng trước mắt cổ phiếu bị pha loãng khi chia ESOP cho nhân viên HAGL.
Về "heo ăn chuối" của HAG, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG - nhìn nhận đặc sản heo ăn chuối của công ty phân phối còn lệch hướng và chậm nhịp do tình hình kinh doanh chung trên thị trường khó khăn. Mặt khác, cách phân phối của công ty có vấn đề khiến nhiều người muốn sử dụng sản phẩm khó tìm được địa điểm mua.
Khi nhận thấy hoạt động phân phối chưa ổn, Bầu Đức cho biết công ty đã rà soát, tìm đối tác giỏi để hợp tác và quyết định tái cơ cấu lại BAPI Hoàng Anh Gia Lai bằng việc thay ban lãnh đạo. Theo đó, công ty đã bổ sung ông Đỗ Xuân Diện làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Đinh Văn Lộc trước đó là Tổng giám đốc, giữ chức Giám đốc công ty. "Với các động thái quyết liệt trên, chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa thịt heo sạch lan rộng ra cộng đồng", ông Đức nói.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group, mã HAG)
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group), tên chính thức là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, thường được gọi đơn giản là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL hay HAG), là một công ty đa ngành nghề, có trụ sở đặt tại Pleiku, Việt Nam.
Tiền thân của công ty là xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku do ông Đoàn Nguyên Đức sáng lập năm 1993 và được chuyển đổi thành CTCP HAGL năm 2006. Công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE năm 2008 với mã chứng khoán là HAG.
Từ một nhà sản xuất nội thất nhỏ, công ty đã đa dạng hóa sang các ngành khác như là cao su, tài chính và làm bóng đá. HAGL có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam năm 2010 và nhanh thứ nhì năm 2011.[4] HAGL cũng phát triển mạnh ở bên ngoài Việt Nam, với khoản đầu tư xấp xỉ 1 tỉ USD vào Lào, hàng trăm triệu đô vào Myanma, 100 triệu USD vào Campuchia và hàng chục triệu đô la vào Thái Lan .
HAGL không gặp nhiều may mắn thời gian qua khi đầu tư vào cao su (do rớt giá), làm khoáng sản thì không có đầu ra; chuyển sang nông nghiệp cũng chưa có kết quả rõ rệt. Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của HAGL lên đến 32.900 tỷ đồng, trong đó có sự góp mặt của gần chục ngân hàng thông qua vay nợ trực tiếp hoặc “ôm” các khoản vay từ phát hành trái phiếu của chính doanh nghiệp này. Ba chủ nợ lớn nhất của HAGL gồm: BIDV với hơn 10.000 tỷ đồng, Eximbank với gần 4.000 tỷ đồng và VP Bank với 2.800 tỷ đồng.