Thị trường chứng khoán đã trải qua năm 2022 nhiều biến động với áp lực từ cả trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng cao.
Bước sang năm 2023, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng sẽ xen lẫn cơ hội. Những khó khăn đến từ diễn biến phức tạp của thị trường TPDN trong nước, nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu.
Mặc dù vậy, một số thông tin tích cực đang dần xuất hiện có thể hỗ trợ các doanh nghiệp như (1) Nghị định 08/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành TPDN riêng lẻ được ban hành; (2) Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngành bất động sản:
Bất động sản dân dụng, nhà ở, chung cư:
- Lợi nhuận trong Q1 có thể suy giảm do (1) Mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái khi sốt đất diễn ra vào Quý 1; (2) Nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, (3) Nguồn huy động vốn thắt chặt trong môi trường lãi suất cao.
- Nhiều doanh nghiệp đang phải tái cơ cấu để trả các khoản trái phiếu đáo hạn. Thị trường M&A dự kiến sẽ sôi động hơn trong năm 2023 khi các doanh nghiệp yếu kém sẽ phải tìm cách bán vốn/huy động vốn để trả nợ. Quý 1 các thông tin hỗ trợ từ Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ tập trung vào nhóm các doanh nghiệp có dự án nhà ở xã hội nhưng triển vọng chưa phản ánh vào KQKD.
Về trung và dài hạn các chính sách hỗ trợ tháo gỡ thúc đẩy thị trường BDS bao gồm: ND08 về trái phiếu phát hành riêng lẻ, NQ33 giãn hoãn nợ lãi vay, lãi suất cho vay giảm, các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh BDS dự kiến ban hành từ 7/2024 sẽ giúp thị trường BDS ấm dần lên từ nửa cuối năm 2024.
Bất động sản khu công nghiệp
- Lợi nhuận có thể chững lại trong Q1 do (1) mức nền cao cùng kỳ; (2) nhu cầu FDI chậm lại. Tuy nhiên, điểm sáng ở các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn và ký được các hợp đồng MOU trong năm 2022. Qua đó, các doanh nghiệp này có thể sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023.
- Các doanh nghiệp BDS KCN có 2 cách ghi nhận doanh thu là ghi nhận 1 lần và ghi nhận hàng năm, do đó kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ghi nhận 1 lần sẽ không ổn định và phụ thuộc vào các hợp đồng ký mới và nhu cầu FDI.
Nhu cầu FDI trong Q1 dự kiến vẫn tăng tập trung ở khu vực miền Bắc nhờ (1) quá trình Trung Quốc +1 diễn ra nhanh hơn; (2) nhu cầu đến từ FDI khối Châu Á (Singapore, Trung Quốc, Đài Loan). Các hợp đồng thuê ký MOU trong năm 2023 có thể chưa ghi nhận trong Q1 mà sẽ kỳ vọng thể hiện trong các quý tới.
Nhóm ngành xây dựng
Xây dựng dân dụng: Tiêu cực
- Nhu cầu thi công các dự án BDS trong Q1 vẫn thấp do ảnh hưởng pháp lý và nguồn vốn triển khai dự án BDS chưa được khơi thông, do đó các doanh nghiệp xây dựng dân dụng khó nhận được hợp đồng mới. Mặc dù vậy năm 2022, các doanh nghiệp xây dựng vẫn có lượng backlog khá tốt nhờ ký kết trong nửa đầu năm, điều này có thể hỗ trợ lợi nhuận trong Q1.
- Mặt bằng lãi suất ở mức cao trong Q1 ảnh hưởng tới tình hình tài chính do các doanh nghiệp xây dựng dân dụng hiện nay thường vay nợ/phát hành trái phiếu trước để trả tiền nhà cung cấp, sau đó mới lấy tiền từ chủ đầu tư để trả nợ ngân hàng.
- Giá nguyên vật liệu đầu vào (thép, xi măng) tại Trung Quốc đã tăng khoảng 8-10% trong Q1 và tăng khoảng 20% từ đáy Q4/2022 cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng trong Q1 và Q2/2023
Xây dựng hạ tầng: Tích cực
- Chính phủ có nhiều biện pháp thúc đẩy lĩnh vực thi công hạ tầng giao thông, trong đó đáng chú ý là việc khởi công 25 gói dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2
- KQKD Quý 1 sẽ được hỗ trợ nhờ các dự án trọng điểm trong giai đoạn trước đưa vào hạch toán, như cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, Metro Bến Thành - Suối Tiên,...
- Mặc dù vậy, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng nhất định tới tiến độ triển khai dự án trong các quý đầu năm, từ đó có thể ảnh hưởng tới dòng tiền hoạt động. - Thêm vào đó, giá cổ phiếu nhóm xây dựng hạ tầng đều đã tăng 100-200% so với đáy tháng 11/2022, tiềm ẩn rủi ro chốt lời
Nhóm ngành Ngân hàng
- Lợi nhuận có thể tăng chậm lại so với mức nền cao cùng kỳ năm ngoái khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, nhu cầu mua nhà sụt giảm đáng kể trong môi trường lãi suất cao. Theo số liệu NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng tới ngày 24/2/2023 mới chỉ đạt mức khá khiêm tốn là 0,77% so với đầu năm.
- Chất lượng tài sản của các ngân hàng có khả năng suy giảm khi nợ xấu có xu hướng gia tăng trong bối cảnh thị trường BĐS và TPDN bị kiểm soát chặt chẽ hơn, khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng.
Nhóm ngành Dầu khí
- Thăm dò khai thác dầu khí: Triển vọng lợi nhuận Q1 khả quan. Sau 2 năm 2021-2022 giá dầu bước vào xu hướng tăng và duy trì ở mức cao, giá các dịch vụ dầu khí như giá cho thuê dàn khoan, giá cho thuê kho chứa dầu nổi đang tăng khá tốt. Dự án Lô B - Ô Môn cũng sẽ mang lại triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp thăm dò khai thác dầu khí trong trung dài hạn
- Chế biến, phân phối xăng dầu và khí đốt: Đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến như Bình Sơn, triển vọng lợi nhuận khả quan trong quý 1 khi Crack Spread đang tăng khá tốt.
Về phía các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu, nhóm này bị tác động lớn bởi diễn biến giá dầu thế giới, và có thể bị ảnh hưởng bởi việc giá dầu giảm mạnh trước lo ngại về suy thoái kinh tế.
Nhóm ngành Thép
- Các doanh nghiệp thép vẫn gặp nhiều khó khăn trong Q1.2023 bởi (1) Nhu cầu trong nước tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trầm lắng; (2) Thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái kinh tế.
- Lợi nhuận toàn ngành thép trong Q1.2022 đạt 9.856 tỷ đồng, đây là mức nền cao của cùng kỳ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thép có thể tiếp tục gặp khó khăn và đối mặt với nguy cơ thua lỗ trong quý đầu năm nay.
- Mặc dù vậy, có một số tín hiệu khả quan đã dần xuất hiện đối với ngành thép như (1) Giá thép đã phục hồi khá tích cực từ đầu năm khi Trung Quốc mở cửa trở lại; (2) Kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023.
Cảng biển và Vận tải biển
Cảng biển: Lợi nhuận quý 1 có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ khi hoạt động của các cảng biển ở Việt Nam vẫn được duy trì ổn định. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng hàng qua các cảng đạt hơn 165,2 triệu tấn, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022.
- Mức giá dịch vụ cảng ở Việt Nam còn đang khá thấp so với khu vực và có thể được điều chỉnh tăng theo lộ trình trong thời gian tới.
- Trung Quốc mở cửa cũng góp phần làm tăng sản lượng hàng hóa thông qua thương mại gia tăng giữa hai quốc gia.
Vận tải biển: Lợi nhuận Q1.2023 có thể suy giảm so với mức nền cao cùng kỳ bởi (1) Cước vận tải biển hạ nhiệt mạnh tại hầu hết các tuyến, có những tuyến đã giảm 5-7 lần về mức ngang với trước đại dịch Covid 19; (2) Nhu cầu giao thương toàn cầu yếu đi trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế
- Từ tháng 2 trở lại đây, giá thuê tàu hàng khô đang phục hồi trở lại do Trung Quốc nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc khiến nhu cầu vận tải hàng khô gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, các chỉ số tàu hàng khô vẫn có thể nằm trong xu hướng giảm trong năm 2023.
Vận tải dầu: Triển vọng lợi nhuận quý 1 tích cực nhờ giá cước vận tải và giá cước cho thuê tàu định hạn đang trong xu hướng tăng và có thể duy trì ở mức cao so với cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây lên Nga làm thay đổi hải trình và thời gian các tuyến vận tải dầu hiện nay.
Nhóm ngành Điện
- Nhiệt điện khả quan: Giá CGM (giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh) tiếp tục tăng bù đắp cho sản lượng sản xuất giảm. Trong 2 tháng đầu năm, mặc dù sản lượng nhiệt điện than sản xuất đạt 16,47 tỷ KWh giảm 4,6% yoy song giá CGM bình quân là 1.692 đồng/KWh, tăng 21% yoy sẽ hỗ trợ KQKD của các doanh nghiệp nhiệt điện.
- Nhóm thủy điện ổn định: Dự kiến kết quả kinh doanh đến cuối Q1.2023 vẫn tăng trưởng ổn định và có thể giảm dần về cuối năm do xác suất xảy ra hiện tượng Elnino từ giữa năm 2023 là cao với lượng mưa giảm đáng kể so với giai đoạn 2020 - 2022.
- Nhóm năng lượng tái tạo kém khả quan: Bộ Công Thương ban hành mức trần giá phát điện cho các dự án NLTT chuyển tiếp.Theo đó, khung giá mới thấp hơn từ 21% - 29% so với cơ chế giá FIT sẽ làm giảm đáng kể tỷ suất sinh lời của các dự án điện NLTT chuyển tiếp.
Nhóm ngành Bán lẻ
- Môi trường lạm phát, lãi suất ở mức cao và kéo dài nhiều quý đã ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của người dân. Ngoài ra, thu nhập khả dụng người dân bị suy giảm vì các chính sách cắt giờ lao động hoặc cắt giảm nhân sự của các doanh nghiệp nhằm tối ưu các chi phí vận hành
- Môi trường lãi suất cao cũng khiến khả năng vay nợ của các doanh nghiệp này giảm xuống do bán lẻ thường vay vốn lưu động để duy trì hoạt động kinh doanh cửa hàng. Cũng chính điều này khiến các doanh nghiệp bán lẻ thời gian qua đã phải điều chỉnh lại các cửa hàng để đưa ra mô hình tối ưu nhất về lợi nhuận
- Ảnh hưởng từ lạm phát cũng khiến giá hàng hóa nhập vào nhìn chung gia tăng, trong khi các nhà bán lẻ khó chuyển phần tăng giá này sang khách hàng. Thậm chí, các chương trình kích cầu tiêu dùng cũng được đẩy mạnh cũng sẽ làm tăng chi phí vận hành và giảm lợi nhuận.
Nhóm ngành Thủy sản
- Ngành cá tra: Lợi nhuận toàn ngành có thể đi xuống trong Q1.2023 do (1) Giá cá tra thấp hơn so với cùng kỳ; (2) Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu như Mỹ hay EU suy giảm bởi lạm phát và suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên ngành cá tra có thể sẽ tốt dần lên từ đầu năm 2023 đặc biệt với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc với tỷ trọng cao. Trung Quốc mở cửa có thể khiến sản lượng tiêu thụ cá tra của quốc gia này tăng lên trong bối cảnh nguồn cung cá thịt trắng khác như cá Minh Thái từ Nga đang sụt giảm.
Kể từ sau dịp Tết Nguyên Đán, giá xuất khẩu cá tra đã cho thấy dấu hiệu tích cực trở lại đặc biệt là giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL cũng đã tăng lên mức 30.000 đồng/kg đối với size 850 gr- 1,1 kg và mức gần 31.000 đồng/kg đối với size 1,2 kg.
- Tôm: Lợi nhuận toàn ngành kém khả quan trong Q1.2023 do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu như Mỹ hay EU suy yếu. Thị trường Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại sẽ khó bù đắp cho sự suy giảm từ các thị trường chính khác khi xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng không cao.
Nhóm ngành Hóa chất
- Lợi nhuận Q1.2023 có thể sẽ đi lùi do giá của hầu hết các loại hóa chất đã điều chỉnh giảm kể từ đầu năm. Việc Trung Quốc mở cửa, nối lại hoạt động sản xuất và tăng sản lượng trở lại cũng sẽ góp phần làm giá các loại hóa chất tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023.
- Mặc dù vậy, mặt bằng giá một số loại hóa chất như phốt pho vàng hay xút vẫn đang ở mức cao so với trước đại dịch Covid 19 qua đó giúp các doanh nghiệp có thể duy trì KQKD khá tích cực so với những năm trước đây.
- Nhu cầu phốt pho vàng có tính bền vững nhằm phục vụ sản xuất pin xe điện, chip bán dẫn. Đây là những sản phẩm có xu thế phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Nhóm ngành Phân bón
- Lợi nhuận Q1.2023 có thể suy giảm do (1) Mức nền KQKD cao cùng kỳ năm ngoái; (2) Giá phân bón đang hạ nhiệt mạnh kể từ giữa năm 2022 tới nay; (3) Trung Quốc mở cửa và nới lỏng xuất khẩu phân bón có thể khiến cạnh tranh gia tăng tại các thị trường xuất khẩu và cả thị trường Việt Nam.
- Nhu cầu phân bón đã tương đối bão hòa và khó có khả năng tăng trưởng mạnh
Nhóm ngành Hàng không
- Sản lượng khách qua cảng hàng không tiếp tục phục hồi trong 2 tháng đầu năm, đạt 19,5 triệu lượt khách, cao hơn 5% so với cùng kỳ trước dịch (2 tháng/2020), trong đó, sản lượng khách nội địa đã cao hơn gần 20%.
- Giá nhiên liệu đầu vào bình quân trong Q1 được dự báo sẽ không tăng nhiều so với cùng kỳ. Trong tháng 1, giá xăng tăng mạnh chủ yếu do lo ngại từ việc cắt giảm dầu thô và chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, song kể từ tháng 2 khi lo ngại từ việc suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô, giá xăng cũng đã điều chỉnh về quanh mức tháng 12/2022 (giảm khoảng 25% so với đỉnh tháng 1).
- Kỳ vọng từ sự kiện Trung Quốc mở cửa có thể giúp gia tăng mạnh sản lượng khách quốc tế năm nay, khi TQ là quốc gia chiếm 1/3 sản lượng khách quốc tế tới Việt Nam trước Covid-19. Mặc dù vậy, trong trường hợp suy thoái toàn cầu xuất hiện, khả năng thu nhập khả dụng và mức độ chi tiêu của nhóm khách này có thể không cao như trước đây, song cần phải theo dõi thêm
Nhóm ngành Thực phẩm đồ uống
- Tăng trưởng chậm lại sau mức nền cao năm 2022 do (1) Áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng; (2) Tết đến sớm nên doanh số bán Tết sẽ chủ yếu được ghi nhận trong quý 4 năm 2022 (3) Giá nguyên liệu đầu vào tồn kho vẫn ở mức cao so với cùng kì.
Lương thực - gạo: Triển vọng lợi nhuận khả quan trong Q1.2023 nhờ (1) giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo; (2) Trung Quốc mở cửa là cơ hội giúp Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này; (3) Giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón đang hạ nhiệt mạnh giúp giảm bớt áp lực chi phí nguyên liệu đầu vào.
Nhóm ngành Dược
- Triển vọng lợi nhuận ổn định. Ngành mang tính phòng thủ trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
- Ngành dược còn nhiều tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn khi quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn và đang trong quá tính già hóa với tốc độ nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tăng cũng giúp người dân chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe.
Nhóm ngành Chăn nuôi
- Lợi nhuận quý 1 không khả quan bởi (1) Giá heo hơi đang ở mức thấp; (2) Giá một số loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, lúa mì, đậu tương đã bắt đầu hạ nhiệt từ nửa cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao.
- Trung Quốc mở cửa là tín hiệu tích cực giúp kỳ vọng giá heo hơi phục hồi khi nhu cầu tăng trở lại.
- Giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể tiếp tục hạ nhiệt, giúp giảm áp lực chi phí đầu vào và cải thiện dần biên lợi nhuận trong năm 2023.
Nhóm ngành CNTT - Viễn thông
- Tốc độ tăng trưởng chậm lại do (1) Nhu cầu thắt chặt chi tiêu toàn cầu cho nhóm công nghệ và viễn thông trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn; (2) Thị trường trong nước giảm tăng trưởng do tác động từ thắt chặt tiền tệ.
- Tuy nhiên, nhóm này vẫn có thể duy trì tăng trưởng nhờ các hợp đồng ký mới với lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế. Nhu cầu chuyển đổi số và thúc đẩy hạ tầng mạng 5G kỳ vọng giúp nhóm CNTT viễn thông vẫn đạt được tăng trưởng trong Quý 1 và cả năm 2023.