Cụ thể, Gamuda Land đã nhận đặt chỗ cho dự án thấp tầng The Meadow tại huyện Bình Chánh từ đầu tháng 8. The Meadow có quy mô 5 ha, gồm 212 căn nhà phố và biệt thự, đây là dự án nhà thấp tầng hiếm hoi mở bán tại TP HCM trong năm nay.
Quốc Cường Gia Lai mới đây cũng mở lại giỏ hàng đặt chỗ cho 400 căn hộ thuộc dự án Lavida Plus tại quận 7. Giá Rumor (dự kiến) khoảng 45 triệu đồng mỗi m2 và sẽ mở bán chính thức vào tháng 9 tới.
Tập đoàn Nam Long cũng thông báo sẽ mở bán giai đoạn mới phân khu cao tầng thuộc khu đô thị Mizuki Park Bình Chánh vào tháng 9. Bên cạnh đó, một số dự án hiện hữu tại TP Thủ Đức đã lên kế hoạch mở bán rổ hàng mới từ cuối tháng sau.
So với TP HCM, thị trường Bình Dương có phần nhộn nhịp hơn. Riêng tháng 8, đây là địa phương có nhiều dự án mở bán nhất khu vực phía Nam. Theo đó, Bcons Group chuẩn bị ra mắt dự án Bcons Avenue với 528 căn chung cư, giá dự kiến 35-42 triệu đồng mỗi m2; Phú Đông Group đang chào bán 780 căn hộ Phú Đông SkyOne với giá từ 32 triệu đồng mỗi m2; Công ty C-Holdings mở bán dự án The Felix với giá 33-40 triệu đồng mỗi m2...
Đầu tháng 8, địa phương này cũng có thêm 2 dự án chung cư khởi công. Một dự án thuộc phân khúc cao cấp là phân khu Orchard Hill, nằm trong khu đô thị Sycamore của CapitaLand Development. Phân khu này gồm hai tòa tháp cao tầng, quy mô 774 căn hộ, giá dự kiến trên mức 50 triệu đồng mỗi m2. Theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ mở bán chính thức vào quý IV.
Dự án còn lại là căn hộ TT AVIO tại trung tâm TP Dĩ An. Đây là dự án đầu tiên được triển khai bởi liên doanh Cosmos Initia (thành viên Daiwa House Group), Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital và Koterasu Group, quy mô 2.000 căn hộ, diện tích trung bình dưới 60 m2, có giá bán dưới 2 tỷ đồng mỗi căn.
Ở khu vực phía Tây, tỉnh Long An cũng vừa có thêm dự án mới động thổ là khu dân cư An Huy Mỹ Việt tại huyện Đức Hòa. Dự án quy mô khoảng 60 ha với gần 2.500 sản phẩm bao gồm shophouse, nhà phố liên kế, biệt thự do Công ty cổ phần Địa ốc An Huy làm chủ đầu tư. Hay tại Cần Thơ, KITA Invest cũng khởi công dự án Stella Icon - thuộc Khu đô thị KITA Airport City - có tổng mức đầu tư khoảng 440 tỷ đồng. Dự án này cung cấp ra thị trường 294 căn hộ, giá dự kiến khoảng dưới 40 triệu đồng một m2 và mở bán vào quý IV.
Theo số liệu từ Cushman & Wakefield Việt Nam, từ nay đến cuối năm, TP HCM và các tỉnh lân cận sẽ đón thêm khoảng 4.000 căn hộ mới. Còn DKRA Group, cho biết 6 tháng cuối năm, thị trường phía Nam dự báo ít nhất có từ 2.500-3.500 căn hộ chào bán mới, tập trung chủ yếu ở TP HCM và Bình Dương. Trong đó, căn hộ cao cấp, hạng sang sẽ tiếp tục giữ vị thế chủ đạo tại TP HCM, còn phân khúc trung cấp, bình dân sẽ tập trung ở các thị trường giáp ranh.
Nguồn cung căn hộ mới khả quan cũng được thể hiện qua nghiên cứu của Đat Xanh Services khi cho biết nửa cuối năm, bất động sản cả nước sẽ đón nhận hơn 17.000 sản phẩm từ khoảng 50 dự án mới, tăng khoảng 26%. Loại hình căn hộ ở tiếp tục dẫn dắt thị trường với hơn 12.000 sản phẩm, chủ yếu thuộc phân khúc trung - cao cấp.
Nhìn nhận diễn biến trên, bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services, cho rằng quý III luôn là thời điểm các chủ đầu tư bắt đầu triển khai giới thiệu, mở bán dự án mới nhằm kịp hoàn thành các kế hoạch kinh doanh và bắt nhịp thị trường đang có dấu hiệu cải thiện.
Theo bà, các chủ đầu tư cũng đang khẩn trương chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện kinh doanh để phù hợp với các Luật mới. Nhiều sàn môi giới bất động sản đã bắt đầu tập trung đào tạo, tuyển dụng nhân sự đủ điều kiện hành nghề theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, nhu cầu tiêu dùng tăng chậm hơn kỳ vọng khi dư nợ tín dụng cho hoạt động tiêu dùng bất động sản có xu hướng giảm cả về quy mô lẫn tỷ trọng trước định hướng điều hành của cơ quan quản lý.
Ngoài ra, nợ xấu tại nhiều ngân hàng đang gia tăng khiến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các chủ đầu tư dự án khó khăn hơn, trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gánh chịu áp lực lớn từ lượng trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới.
Thành viên cập nhật ngày 6/8/2024: Doanh nghiệp bất động sản chạy đua thâu tóm quỹ đất
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8 sẽ dùng bảng giá đất (thay khung giá đất cũ) xây dựng hằng năm. Bảng giá này dự kiến áp dụng trên cả nước từ ngày 1/1/2026. Nguyên tắc định giá đất theo thị trường sẽ khiến bảng giá mới tăng cao.
Chẳng hạn như dự thảo bảng giá điều chỉnh mới đây của TP HCM cho thấy giá đất tại nhiều khu vực tăng trung bình 5-10 lần, thậm chí là 15-50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K).
Theo đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến tăng lên, tổng chi phí đầu tư dự án cũng sẽ tăng lên. Để tránh những tác động này, thời gian qua, thị trường xuất hiện làn sóng săn quỹ đất từ các chủ đầu tư bất động sản trước khi bảng giá mới được áp dụng.
Điển hình như Đất Xanh Group đang kiếm quỹ đất rộng 100-200 ha, pháp lý tốt, khắp cả nước. Danh Khôi cũng dự kiến dùng 375 tỷ đồng để mua quỹ đất ở Bình Phước và Bình Thuận. Sơn Kim gần đây tìm mua lượng lớn đất sạch tại Bắc Ninh.
Ngoài ra, DIC Holdings, Khang Điền, Hà Đô, Ecopark, Vinhomes, Phú Mỹ Hưng... cũng tích cực "thâu tóm" đất từ 50-150 ha tại Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận để phục vụ hoạt động kinh doanh giai đoạn tới.
Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, cho biết từ vài năm trước, Nam Long đã chuẩn bị cho chu kỳ phát triển mới và tập trung mọi nguồn lực gia tăng quỹ đất. Doanh nghiệp hiện có quỹ đất sạch lên đến 685 ha, có thể phát triển sản phẩm trong vòng 5 năm.
Dù vậy, ông cho biết tập đoàn vẫn tích cực thu mua thêm đất nông nghiệp, tìm kiếm mua trực tiếp và M&A các dự án sạch. Ngoài thị trường chủ lực là TP HCM và các tỉnh lân cận, Nam Long còn mở rộng quỹ đất phía Bắc, cụ thể lên kế hoạch tìm kiếm quỹ đất tại Hải Phòng trong năm nay.
CEO Nam Long đánh giá, từ 2026, việc áp dụng bảng giá đất mới sát với thị trường sẽ khiến chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sau này tăng lên. Do đó, những doanh nghiệp địa ốc có quỹ đất lớn và đã tính xong tiền sử dụng đất sẽ có lợi thế.
Ông Phan Lê Thành Long, Chủ tịch sáng lập AFA Group, chung nhận định từ năm 2026, nhiều địa phương sẽ áp dụng bảng giá đất mới. Theo đó, chủ đầu tư khi thương lượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì giá sẽ sát hơn với giá thị trường, dẫn đến tăng chi phí đầu vào của dự án.
Theo ông, nếu mua được đất thời điểm hiện nay, chủ đầu tư sẽ có cơ hội lựa chọn những sản phẩm đã hoàn chỉnh về mặt pháp lý, nộp đầy đủ tiền sử dụng với giá phù hợp nhất và có thể đưa vào khai thác kinh doanh ngay.
"Doanh nghiệp càng có nhiều quỹ đất lớn hoàn tất nghĩa vụ tài chính, càng nắm giữ nhiều lợi thế. Vì vậy chuyện mua bán sang nhượng (M&A), tìm kiếm quỹ đất sạch sẽ là ưu tiên của chủ đầu tư từ nay đến năm tới", ông dự báo.
Thành viên cập nhật ngày 15/3/2024: Doanh nghiệp bất động sản vẫn đói vốn và khó khăn với lãi suất cao, thủ tục vay phức tạp
Tại hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh, ngày 14/3, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Sungroup nói các doanh nghiệp bất động sản muốn tiếp cận được nguồn tín dụng với chi phí thấp hơn. "Doanh nghiệp muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện phục hồi", ông Trường nói.
Ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex), cho rằng việc tiếp cận tín dụng không khó nếu doanh nghiệp đảm bảo được các vấn đề pháp lý. Đây mới là nút thắt lớn hiện nay.
"Với Becamex, chúng tôi cho rằng vướng mắc là do cơ chế, về vấn đề giải quyết công việc", ông Cương nói.
Ngành bất động sản bước vào giai đoạn khó khăn từ giữa năm 2022, khi tín dụng cho lĩnh vực này bị thắt chặt, lãi suất cho vay tăng và một số lãnh đạo doanh nghiệp bị xử lý do vi phạm trong phát hành trái phiếu. Đầu năm nay, thanh khoản vẫn là vấn đề, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó thu xếp dòng tiền trả nợ và lãi trái phiếu đến hạn.
"Nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi", ông Trường nhận định.
Thực tế, lượng tiền gửi trong ngân hàng khoảng 14 triệu tỷ đồng, nhưng vốn khó bơm ra nền kinh tế khi tăng trưởng tín dụng âm 0,72% đến hết tháng 2.
Đại diện Sungroup đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là lãi suất huy động và cho vay.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công, nhất là hạ tầng cũng được đề nghị đẩy nhanh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia.
Doanh nghiệp nhóm đầu ngành bất động sản cũng đề nghị các cấp, ngành hướng dẫn, giải thích chính sách nhất quán, đồng bộ để triển khai thực tế nhanh nhất.
"Các ngân hàng có chính sách, gói tín dụng mới để doanh nghiệp nắm bắt, có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối vốn tín dụng tốt nhất", Phó tổng giám đốc Becamex kiến nghị.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bình quân hiện ở mức 3,3% một năm. Lãi vay khoảng 6,4% một năm với các khoản vay mới. Các mức này hạ lần lượt 0,2% và 0,7% so với 2023. Tuy nhiên, lãi thả nổi với các khoản vay cũ vẫn cao. Chênh lệch lãi vay giữa các ngân hàng (thương mại cổ phần và nhà nước) khá lớn, 4-5%.
Thành viên cập nhật ngày 5/3/2021: Doanh nghiệp Bất động sản tiếp tục được gia hạn tiền thuế, thuê đất
Doanh nghiệp Bất động sản đang đứng trước cơ hội vượt khó năm nay qua mùa dịch Covid-19 nhờ khả năng tiếp tục được gia hạn tiền thuế, thuê đất.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa cho biết Thủ tướng đồng ý cho Bộ Tài chính xây dựng Nghị định gia hạn 115.000 tỷ đồng tiền nộp thuế, thuê đất.
Trước đó, vì Covid-19 còn phức tạp, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ gia hạn cho doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) là 5 tháng. Ngân sách dự kiến giảm 68.800 tỷ đồng vào những tháng gia hạn nhưng không ảnh hưởng cân đối ngân sách nhà nước cả năm 2021.
Thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 2 quý đầu năm cũng được đề nghị gia hạn 3 tháng, áp dụng cho một số doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ. Ước tính số thuế khoảng 40.500 tỷ đồng.
Với tiền thuê đất, Bộ đề nghị gia hạn với số tiền phải nộp kỳ đầu năm 2021 với một số đối tượng, con số ước khoảng 4.400 tỷ đồng.
Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế theo phương án đưa ra dự kiến là 115.000 tỷ đồng. Số thu ngân sách của năm 2021 không bị ảnh hưởng vì người nộp thuế vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ thuế vào cuối năm 2021.
Đây là lần thứ ba Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Một thông tin được đánh giá là có lợi cho các doanh nghiệp bất động sản, những người đang căng mình vượt qua giai đoạn bán hàng khó khăn trong khi chi phí và lãi vay ngân hàng vẫn phải trang trải đều đều thời gian này.