Theo báo cáo tài chính quý II, LPBank thu về hơn 3.600 tỷ đồng từ thu nhập lãi thuần, tăng hơn 48% so với quý II/2023. Đứng thứ hai trong cấu trúc doanh thu hoạt động của ngân hàng là các khoản từ dịch vụ, đạt hơn 860 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Doanh thu tăng nhưng chi phí hoạt động giảm hơn 15%, giúp LPBank lãi thuần từ hoạt động kinh doanh hơn gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 3.600 tỷ. Lãi ròng quý II đạt hơn 2.400 tỷ đồng, so với mức hơn 700 tỷ cùng kỳ năm trước.
Lũy kế nửa đầu năm, thu nhập lãi thuần và dịch vụ là hai cấu phần chính đóng góp vào tăng trưởng của nhà băng này, lần lượt đạt 7.100 tỷ và 1.685 tỷ đồng. Cùng với việc giảm chi phí hoạt động, ngân hàng lãi trước thuế tăng hơn gấp đôi, lên 4.700 tỷ.
Động lực tăng trưởng của LPBank đến từ tốc độ mở rộng cho vay. Đến cuối quý II, ngân hàng này cho vay khách hàng trên 317.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với đầu năm. Nhà băng này đã ký các hợp đồng tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng với Hưng Thịnh và Hoàng Anh Gia Lai.
LPBank, tên cũ là Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt, đã thông qua kế hoạch đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam tại phiên họp thường niên và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận từ giữa tháng 7. Trước đó, ngân hàng này đã đổi nhận diện thương hiệu, sau khi Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) có kế hoạch thoái vốn.
Những thay đổi diễn ra sau khi ông Nguyễn Đức Thụy lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Thụy được bầu vào HĐQT LPBank từ cuối tháng 4/2021 và làm Phó chủ tịch ngân hàng khoảng một tuần sau đó. Cuối năm 2022, ông được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Năm nay, nhà băng này đặt mục tiêu lãi trước thuế 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với thực hiện năm 2023. Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến đạt hơn 420.000 tỷ.
Thành viên cập nhật: năm 2023 lợi nhuận 7.000 tỷ, tăng 24%
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 với lợi nhuận vượt 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm trước, tiếp tục nằm trong top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROEA đạt 19,16%. So với kế hoạch kinh doanh được đại hội đồng cổ đông giao phó, LPBank hoàn thành 117%.
Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của ngân hàng này đạt hơn 382.953 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Hoạt động huy động vốn thị trường 1 đạt 285.342 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng đạt 39.686 tỷ đồng với tỷ lệ 16,83%, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Trong quý IV của năm, nhà băng tập trung xử lý nợ xấu và bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,26%, thấp hơn cùng kỳ (1,45%) và thấp hơn so với quý III/2023.
Trong năm 2023, nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, LPBank hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 25.576 tỷ đồng, tăng 48% so với thời điểm đầu năm. Đơn vị thuộc nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam.
Năm 2023, LPBank đầu tư công nghệ và chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào kinh doanh và quản trị điều hành như định danh eKYC, thanh toán không tiếp xúc NFC, triển khai nền tảng quản trị dữ liệu Datalake - DataWarehouse, giải pháp thanh toán (Payments), giải pháp ngân quỹ Treasury (front-to-back), nền tảng ngân hàng hợp kênh Lienviet24h (Omni channel)... và nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (Corebanking) sang hệ thống T24 của hãng giải pháp tài chính Temenos.
"Mục tiêu tăng cường trải nghiệm khách hàng luôn ở vị trí trung tâm trong mọi hành động không chỉ duy trì sự yêu thích, tin tưởng của khách hàng hiện hữu mà còn thu hút mạnh mẽ tệp khách hàng mới", đại diện LPBank chia sẻ.
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, nhà băng luôn chú trọng công tác an sinh xã hội với phương châm "Gắn xã hội trong kinh doanh". Năm qua, ngân hàng có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội thông qua các hoạt động xã hội trực tiếp, hoạt động tài trợ, phong trào từ thiện.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank, cho biết 2023 là năm LPBank xây dựng các nền tảng toàn diện về năng lực tài chính, mô hình tổ chức, công nghệ, văn hóa doanh nghiệp và nhân lực. Đây là các cơ sở để ngân hàng tiến sang giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ và đạt hiệu quả toàn diện trong thời gian tới.
Cập nhật quý III/2023: lợi nhuận trước thuế 1.241 tỷ đồng, tăng 41%
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã chứng khoán LPB) vừa công bố kết quả kinh doanh Quý III năm 2023 và ba quý đầu năm.
Theo đó, trong 3 quý đầu năm, Ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tích cực, đạt tổng dư nợ 263.640 tỷ đồng, tương đương mức tăng 11,80% so với đầu năm, huy động vốn đạt gần 274.580 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2022.
Đi sâu vào kết quả kinh doanh, động lực tăng trưởng tín dụng của LPBank trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ mảng cho vay bán lẻ. Danh mục cho vay bán lẻ đang chiếm phần lớn trong tổng các khoản vay tại ngân hàng. Trên cơ sở khai thác mạng lưới rộng lớn để phát triển phân khúc khách hàng nhỏ lẻ trên địa bàn nông thôn, kết hợp giữa ngân hàng truyền thống và ngân hàng số, LPBank có thể cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng, là lợi thế để thúc đẩy mảng bán lẻ tạo biên lợi nhuận cao trong thời gian tới.
Trong quý III/2023, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 1.241 tỷ đồng, tăng 41% so với quý trước cho thấy sự cải thiện đáng kể trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, giữ được đà tăng trưởng, và có tiềm năng bứt phá trong 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, đồng thời LPBank tích cực thực hiện các chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng nên lợi nhuận trước thuế lũy kế trong 3 quý đầu năm 2023 của LPBank đạt 3.678 tỷ đồng, tuy giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn hoàn thành 61,45% kế hoạch lợi nhuận năm.
Cập nhật quý 2/2023: lợi nhuận giảm 51%, cắt giảm 1.464 nhân sự
Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank – LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với một số biến động đáng chú ý.
Trong quý 2/2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ở mức 880 tỷ đồng, giảm 51% so với quý 2/2022. Hầu hết các mảng kinh doanh của LPBank đều không được tốt như cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần quý 2 sụt giảm 19,5% so với cùng kỳ xuống 2.450 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng giảm 17,8% xuống 249 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 64% xuống còn 19 tỷ. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ 4,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 356 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động quý 2/2023 của LPBank ở mức 2.886 tỷ, giảm 23,4% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động vẫn tăng 10,3% lên 1.479 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 17,5% xuống 525 tỷ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 1.951 tỷ đồng, giảm 31,8%. Nhìn chung nguyên nhân do thu nhập hoạt động kém khả quan. Trong các mảng kinh doanh thì mảng kinh doanh ngoại hối có lãi tích cực hơn, đạt 164 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 334% so với cùng kỳ.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của LPBank đạt 350.243 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,6% lên 253.392 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,8% lên 224.126 tỷ đồng.
Nợ xấu nhà băng này tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm lên 5.656 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 80% lên 2.438 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,46% hồi đầu năm lên 2,23%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm từ 142% xuống 78%.
Báo cáo tài chính của ngân hàng cũng cho biết, tại ngày 30/6/2023, ngân hàng có 10.818 nhân viên, giảm tới 1.464 nhân sự so với cuối tháng 3/2023 và 1.385 nhân sự so với cuối tháng 12/2022.
Theo giải trình của LPBank về kết quả lợi nhuận, ngân hàng cho rằng tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, do đó đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và hoanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng.
Cập nhật quý 1/2023: lợi nhuận trước thuế 1.565 tỷ đồng, giảm 13%
Kết thúc quý I, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 3.133 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 2.774 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 226 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 144 tỷ đồng...
Lũy kế 3 tháng đầu năm, ngân hàng thu về tổng cộng 1.565 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã hoàn thành 26% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.243 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3, quy mô tổng tài sản của LienVietPostBank đạt khoảng 337.200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 242.116 tỷ đồng, tăng 2,8%, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 1,45%.
Về phía nguồn vốn, tính đến cuối quý I, tiền gửi khách hàng tại ngân hàng đạt 227.283 tỷ đồng, tăng 5,2% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn đạt 11.879 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng tiền gửi.
Cập nhật quý 4/2022: lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56%
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt ( LienVietPostBank, HoSE: LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 ghi nhận gần 3.681 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng hơn 21% so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp lớn nhất vẫn là khoản thu nhập lãi thuần đến từ hoạt động cho vay với 2.772 tỷ đồng, chiếm hơn 75%.
Ngoài ra, mảng dịch vụ quý vừa qua ghi nhận mức tăng gần 3 lần, mang về 882 tỷ đồng cho ngân hàng. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần cũng mang về cho ngân hàng hơn 53 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số hoạt động kinh doanh ngoài lãi như ngoại hối, hoạt động khác quý vừa qua lại khiến ngân hàng lỗ lần lượt 15 tỷ đồng và 12 tỷ đồng.
Song, trong quý IV/2022, chi phí hoạt động của ngân hàng giảm 15% giúp chỉ tiêu lãi thuần trước dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng tới 71%, ghi nhận 2.171 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong kỳ, ngân hàng dành tới 1.306 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Kết quả là ngân hàng này chỉ ghi nhận 867 tỷ đồng lãi trước thuế quý IV/2022, tăng chưa đến 4% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, tổng thu nhập hoạt động của LienVietPostBank đạt gần 14.170 tỷ đồng, tăng 41% với khoản thu nhập lãi thuần lên đến 11.900 tỷ đồng.
Bất chấp việc trích lập dự phòng dự phòng rủi ro tới 3.174 tỷ đồng, tăng hơn 140%, ngân hàng vẫn đạt 5.690 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn gấp rưỡi so với cùng kỳ.
Khấu trừ đi các loại thuế, phí, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ghi nhận 4.510 tỷ đồng, tăng 57%. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.
Năm 2022, LienVietPostBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm liền trước. Như vậy, kết thúc năm, ngân hàng đã hoàn thành vượt 19% mục tiêu đề ra.
Tính đến ngày 31/12/2022, LienVietPostBank có tổng tài sản đạt gần 328.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng đến 12,1%, đạt 230.637 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay tăng gần 53,6%. Huy động tiền gửi từ khách hàng tăng 19,8% so với đầu năm, đạt gần 216.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhìn vào bảng cân đối kế toán của LienVietPostBank, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 19,7% so với đầu năm từ 2.863 tỷ đồng lên 3.427 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh gấp 2,3 lần lên 1.070 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,39% lên 1,49%.
Cập nhật quý 3/2022: 9 tháng lợi nhuận 4.800 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022.
Trong quý 3/2022, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt 1.234 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 72% so với 9 tháng đầu năm 2021. Lãi sau thuế đạt hơn 3.842 tỷ đồng.
Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 779 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, ngân hàng đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm, LienVietPostBank đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 313 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 228 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt hơn 193 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng tiền gửi khách hàng của LienVietPostBank đạt 7,4% trong 9 tháng đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,39% cuối tháng 6 xuống còn 1,32% vào cuối tháng 9/2022.
Động lực tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ mảng cho vay bán lẻ. Danh mục cho vay bán lẻ đang chiếm phần lớn trong tổng các khoản vay tại ngân hàng.
Cập nhật quý 2/2022: lợi nhuận tăng vọt 94%
Theo BCTC quý 2/2022 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (mã chứng khoán: LPB) báo lãi trước thuế hơn 1,793 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước, dù tăng đến 57% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tương đương 637 tỷ đồng.
Cụ thể, LPB thu về gần 3,045 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 40% so cùng kỳ, nhờ quy mô tín dụng bán lẻ tăng trưởng và thu lãi khoản vay cơ cấu COVID-19 của các khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh.
Hoạt động dịch vụ thu về khoản lãi hơn 303 tỷ đồng, tăng 33%, do các dịch vụ trọng tâm như bảo hiểm, thanh toán quốc tế, ngân hàng số… đều tăng trưởng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối hơn 52 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư hơn 356 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ.
Về nợ xấu, tổng nợ xấu của LPB tại ngày 30/06/2022 tăng 11% so với đầu năm, ghi nhận 3,183 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1.37% đầu năm lên 1.4%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, LPB dành ra hơn 949 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng; lãi trước thuế gần 3,589 tỷ đồng, tăng 76% so cùng kỳ. So với với kế hoạch 4,800 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm 2022, LPB đã thực hiện được 75% sau nửa đầu năm.
Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận 1.795 tỷ, tăng 61,5%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 vừa được công bố bởi Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 1.795,4 tỷ, tăng trưởng 61,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi đóng góp tăng trưởng mạnh. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 2.875,7 tỷ, tăng trưởng 40,2% so với cùng kỳ. Theo LienVietPostBank giải thích, thành quả này đến từ việc tăng quy mô cho vay bán lẻ, thu hồi lãi của các khoản vay cơ cấu Covid-19 và tối ưu được hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh các dịch vụ trọng tâm như bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số mà lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm trước, đạt 217 tỷ.
Ở mặt khác, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối kém khả quan khi ghi nhận lỗ 14,5 tỷ trong khi cùng kỳ có lãi hơn 124 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lỗ 9,6 tỷ. Các hoạt động kinh doanh khác lãi hơn 191 tỷ.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 3.260 tỷ đồng trong quý 1/2022, tăng 38,8% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 12,3% lên 1153 tỷ. Chi phí dự phòng rủi ro ở mức 311,7 tỷ đồng, tăng 48%.
Cập nhật quý 4/2021: lãi 644,7 tỉ đồng, tăng 38,2%
Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank – Mã CK: LPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 với tổng thu nhập hoạt động đạt 3.034,9 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập từ lãi của nhà băng này tăng 37,6% so với cùng kỳ, đạt 2.755,8 tỉ đồng. Một số hoạt động kinh doanh khác của LPB đều ghi nhận kết quả tích cực, như: hoạt động dịch vụ (lãi 311,9 tỉ đồng); hoạt động kinh doanh ngoại hối (lãi 19,2 tỉ đồng); hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh (lãi 4,5 tỉ đồng).
Trong khi đó, LPB ghi nhận khoản lỗ 8,4 tỉ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, lỗ 48 tỉ đồng từ hoạt động khác.
LPB báo lãi ròng gần 2.900 tỉ đồng năm 2021
Kết quả kinh doanh quý 4 và lũy kế cả năm 2021 của LPB
Trong quý 4/2021, các chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của LPB lần lượt tăng 17% và 15,1% so với cùng kỳ, đạt 1.764,5 tỉ đồng và 434,8 tỉ đồng.
Trừ đi chi phí, LPB báo lãi sau thuế quý 4/2021 đạt 644,7 tỉ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này giúp LPB báo lãi sau thuế cả năm 2021 ở mức 2.873,2 tỉ đồng, tăng trưởng 54,3% so với năm trước.
Cập nhật quý 3/2021: lợi nhuận chỉ còn 765 tỷ đồng, tăng 3,9%
Trong quý III/2021, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng gần 12% lên 2.030 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 155 tỷ đồng, tăng 5,4%; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 5,2 tỷ đồng tăng 8,2 lần cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt đông khác đạt 43 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 4,4 tỷ đồng. Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về kết quả khiêm tốn hơn cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý III, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng nhẹ 5% lên 1.204 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh 158% lên 271 tỷ đồng khiến tổng lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của ngân hàng chỉ còn 765 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng vẫn đạt 2.802 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2020, nhờ kết quả kinh doanh tích cực nửa đầu năm.
Cụ thể, trong 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của LienVietPostBank đạt 7.015 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 6.312 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 52,9% đạt 546 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 86% đạt 119,6 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán mang về 7 tỷ đồng tiền lãi trong khi cùng kỳ lỗ 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi từ hoạt động khác lại giảm mạnh 75,3% xuống còn 30,4 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, LienVietPostBank tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tới 176% so với cùng kỳ lên 887 tỷ đồng. Theo đó, sau khi trích lập, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng LPB đạt 2.802 tỷ, tăng 61% và lãi sau thuế đạt 2.228 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt 254.622 tỷ đồng, tăng 5,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,7% đạt 193.096 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 2,5% đạt 178.842 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đứng ở mức thấp: 1,42%.
Cập nhật 6 tháng 2021: lợi nhuận đạt 1.600 tỷ, tăng 101%
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) đã công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2021 với tổng thu nhập từ HĐKD (TOI) đạt 4,8 nghìn tỷ đồng ( +48,6% YoY) và LNST đạt 1,600 tỷ đồng (+101% YoY).
LNST tăng ấn tượng chủ yếu là do (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 45,8% YoY, (2) thu nhập phí thuần (NFI) tăng 86,4% YoY, (3) Lãi từ HĐKD ngoại hối tăng 2,2 lần YoY (từ mức cơ sở thấp), ( 4) Lãi 2 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư so với khoản lỗ 63 tỷ đồng trong cùng kỳ 2020 và (5) chi phí HĐKD (OPEX) tăng 6,5% YoY, thấp hơn nhiều so với mức tăng TOI, bị ảnh hưởng một phần bởi chi phí dự phòng tăng 185% YoY.
Tăng trưởng NII duy trì ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ NIM tiếp tục tăng trong quý 2/2021.
Thu nhập ngoài lãi (NOII) đạt mức tăng trưởng 75,2% YoY chủ yếu nhờ (NFI) tăng 105,4% YoY (bao gồm cả giao dịch ngoại hối).
Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi do OPEX được kiểm soát tốt.
Chất lượng tài sản được cải thiện trong quý 2/2021 - ngoại trừ lãi dự thu tăng nhẹ.
Bản Việt hiện có đề xuất giá mục tiêu cho cổ phiếu LPB là 24.100VND. Bản Việt cho rằng có khả năng điều chỉnh tăng dự báo hiện tại cho LPB, dù cần thêm đánh giá chi tiết. Nói cách khác, giá mục tiêu có thể tăng.
Cập nhật quý 1/2021: LN ròng 877 tỷ đồng (+80,6%
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) công bố KQKD quý 1/2021 với tổng thu nhập từ HĐKD (TOI) đạt 2,3 nghìn tỷ đồng (+57,1% YoY) và LN ròng 877 tỷ đồng (+80,6% YoY).
Mức tăng trong LNST chủ yếu do (1) mức tăng 42,7% trong thu nhập lãi ròng (NII), (2) mức tăng 67,6% YoY trong thu nhập phí thuần (NFI), (3) mức tăng 16 lần YoY trong lãi từ giao dịch ngoại hối (từ mức cơ sở thấp) và 4) lãi 3 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán so với khoản lỗ 64 tỷ đồng trong quý 1/2020.
NIM tăng mạnh 55 điểm cơ bản YoY trong quý 1/2021 nhờ mức giảm trong chi phí huy động.
Thu nhập ngoài lãi (NOII) đóng góp 12,7% trong TOI quý 1/2021 – mức cao nhất ghi nhận trong quý 1 kể từ khi báo cáo KQKD hàng quý được công bố từ năm 2016.
Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua tính theo cơ sở hàng quý đạt 43,7% trong quý 1/2021 khi mức tăng 57,1% YoY trong TOI quý 1/2021 bù đắp cho mức tăng 10,6% trong OPEX. Xu hướng chất lượng tài sản tích cực trong quý 1/2021.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã LPB)
LPB tiền thân là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) được thành lập theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 91/GP-NHNN ngày 28/03/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cổ đông sáng lập của LienVietPostBank là Công ty Cổ phần Him Lam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO).
Năm 2011, với việc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) góp vốn vào LienVietBank bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và bằng tiền mặt, Ngân hàng Liên Việt đã được Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt.
Cùng với việc đổi tên này, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chính thức trở thành Cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank.
Hiện nay, với số vốn điều lệ hơn 12.385 tỷ đồng và mạng lưới phủ khắp toàn quốc, LienVietPostBank là một trong các Ngân hàng Thương mại Cổ phần lớn nhất tại Việt Nam.
Định hướng LPBank
LienVietPostBank định hướng xây dựng thương hiệu mạnh trên cơ sở phát huy nội lực, hoạt động minh bạch, gắn xã hội trong kinh doanh.
Trong những năm qua, LPBank kiên định phát triển theo định hướng ngân hàng bán lẻ trên cơ sở khai thác thế mạnh mạng lưới, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi người dân ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng. Đến nay, nhà băng này hiện diện khắp các xã, huyện thị trên cả nước, mạng lưới trải dài khắp 63 tỉnh thành với hơn 1.200 điểm giao dịch. Thế mạnh mạng lưới là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng huy động vốn dân cư; cho vay bán lẻ của toàn hàng và là mũi nhọn chiến lược trong những năm tiếp theo.
Trong tiến trình chuyển đổi số - số hóa sản phẩm, dịch vụ, LPBank lấy khách hàng làm trung tâm của chuyển đổi số, làm thước đo của kết quả chuyển đổi số thông qua tiện ích gia tăng, trải nghiệm của người dùng.
Tăng trưởng bền vững và thúc đẩy tăng trưởng xanh là một trong các mục tiêu chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Bên cạnh các khoản vay ưu đãi sản xuất kinh doanh, LPBank ưu tiên cấp tín dụng lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại giá trị cộng hưởng cho cộng đồng và xã hội.