Như vậy, việc phát hành dự kiến diễn ra trong một đợt và hoàn thành ngay trong 2024, khác với kế hoạch chia nhỏ thành nhiều đợt kéo dài 3 năm, được công bố tại đại hội cổ đông hồi tháng 4. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ, theo đó, bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.600 tỷ đồng lên 11.800 tỷ đồng, thuộc nhóm nhà băng có vốn điều lệ 10.000-20.000 tỷ, xếp sau Eximbank và Sacombank.
Nhiều năm nay, vốn điều lệ của NCB có tăng nhưng chậm và nằm trong nhóm thấp nhất hệ thống, cách biệt không đáng kể so với mức quy định tối thiểu 3.000 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ được thực hiện sau khi NCB đón cổ đông mới tham gia quá trình tái cơ cấu.
Tháng 3 năm ngoái, NCB chào bán gần 150 triệu cổ phiếu, đánh dấu sự xuất hiện của Sun Group thông qua Công ty Đầu tư Tập đoàn Mặt Trời. Nhân sự cấp cao của tập đoàn này cũng lần lượt đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại ngân hàng. Từ giữa 2021, bà Bùi Thị Thanh Hương đã thay ông Nguyễn Tiến Dũng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tháng 9/2023, Phó chủ tịch nhà băng ông Nguyễn Tiến Dũng cũng vừa từ nhiệm.
NCB là nhà băng đang trong quá trình tái cơ cấu, nằm trong nhóm nhà băng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%. Tính đến hết quý III, nhà băng này lỗ hơn 230 tỷ đồng do tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và chi phí hoạt động.
Cập nhật ngày 27/6/2023: bổ nhiệm ông Tạ Kiều Hưng làm Tổng giám đốc sau 7 tháng gia nhập
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố quyết định của Hội đồng Quản trị (HĐQT) về việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao trong Ban điều hành ngân hàng. Theo đó, ông Tạ Kiều Hưng, Quyền tổng giám đốc đã chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc NCB từ ngày 27/6.
Tháng 12/2022, ông Hưng gia nhập NCB với vai trò Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng cá nhân. Đến tháng 4 năm nay, HĐQT NCB đã bổ nhiệm ông Tạ Kiều Hưng giữ chức Quyền tổng giám đốc ngân hàng.
Trước khi gia nhập NCB vào cuối năm ngoái, ông Hưng đã có gần 20 năm giữ các vị trí quản lý cấp cao tại Techcombank như Giám đốc vùng, Giám đốc phát triển sản phẩm, Giám đốc phát triển kinh doanh, Phó giám đốc Khối ngân hàng cá nhân, Giám đốc sáng kiến phát triển năng lực lãnh đạo, Giám đốc chuyển đổi mảng Quản trị rủi ro khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới, NCB cũng vừa có nhiều sự thay đổi nhân sự ban điều hành trong tháng 4. Nhà băng này vừa miễn nhiệm 2 Phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Đình Tuấn và bà Đỗ Thị Đức Minh.
Hiện tại, Ban điều hành NCB bao gồm ông Tạ Kiều Hưng là Tổng giám đốc và 2 Phó tổng giám đốc là bà Hoàng Thu Trang và bà Phạm Thị Hiền.
Đại diện NCB cho biết ngân hàng vẫn đang tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, kiện toàn hệ thống để triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
Về tình hình kinh doanh, trong năm 2022, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 8 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi gần 1.400 tỷ đồng. Tới năm nay, NCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại là 16 tỷ đồng. Huy động vốn dự kiến đạt 78.000 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt 57.700 tỷ đồng.
Kết thúc quý I, ban lãnh đạo NCB cho biết ngân hàng vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, tăng trưởng khách hàng mới đạt hơn 748.000 khách hàng, tiền gửi có kỳ hạn của khách hàng đạt mức cao nhất trong 6 quý trước đó.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, mã NVB)
Ngân hàng TMCP Quốc Dân – NCB được thành lập từ năm 1995 theo Giấy phép số 00057/NH–CP ngày 18/09/1995 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dưới tên gọi Ngân hàng Sông Kiên. Sau đó, từ một ngân hàng nông thôn, NCB đã chuyển đổi quy mô thành ngân hàng đô thị, đổi tên thành Ngân hàng TMCP Nam Việt– Navibank. Đến năm 2014, NCB chính thức được đổi tên thành NH TMCP Quốc Dân – NCB. Trải qua 25 năm hoạt động, NCB đã từng bước khẳng định được vị thế thương hiệu trên thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam.
Từ đầu năm 2013, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và duy trì vị trí của mình trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, Ngân hàng TMCP Quốc Dân đã bắt đầu tiến hành tái cấu trúc hệ thống với định hướng phấn đấu trở thành một trong các ngân hàng thương mại bán lẻ hiệu quả nhất. Để hoàn thành mục tiêu đó, NCB đã nỗ lực tập trung vào những yếu tố cốt lõi như: thay đổi cơ cấu tổ chức hướng đến việc tách bạch giữa các khối kinh doanh với các khối quản trị và hỗ trợ, cải tiến các quy định, quy trình, thay đổi cấu trúc kinh doanh, củng cố và nâng cao năng lực cán bộ nhân viên, tăng cường quản trị rủi ro,…