"Eximbank khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng", theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
Sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Eximbank ngày 20/3 cho biết "đã gặp khách hàng Phạm Huy Anh tại Hà Nội, cùng trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ". Các bên cùng thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp lý hợp tình cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, nhà băng này cũng cho hay đã và đang khẩn trương rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại chính sách, quy trình, hợp đồng, trong đó có phương pháp tính lãi, phí trong việc cho vay, cấp tín dụng qua thẻ. Đồng thời, nhà băng này nói cũng kiểm tra lại quy trình chăm sóc khách hàng để kịp thời hỗ trợ, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả ngân hàng và khách hàng.
Cách tính lãi chồng lãi, phí của Eximbank với thẻ tín dụng từ dư nợ gốc 8,5 triệu, theo giới ngân hàng, là "rất bất thường".
Theo cách tính lãi trên dư nợ gốc của các ngân hàng khác trên thị trường, khoản nợ thẻ 8,5 triệu đồng từ năm 2013 nếu tính tới 2023, chỉ từ vài chục triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cách tính lãi mẹ đẻ lãi con của Eximbank khiến số nợ này lên tới con số "khủng" và bất thường 8,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc để cho một khoản nợ thẻ tín dụng kéo dài 11 năm cũng khiến giới ngân hàng đặt câu hỏi về quy trình của Eximbank. Ngoài việc gửi văn bản, thông thường các nhà băng sẽ nhắn tin cũng như có nhân sự để gọi điện nhắc nợ liên tục
Cập nhật ngày 5/10/2022: Thành Công đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu EIB để rút khỏi Eximbank
Tập đoàn Thành Công vừa thông báo đăng ký bán toàn bộ 60,54 triệu cổ phiếu EIB của ngân hàng Eximbank theo phương thức thỏa thuận. Thời gian thực hiện từ 7/10 đến 31/10.
Trong thời gian tương tự, Hợp tác xã cổ phần Thành Công đăng ký bán hết hơn 44,7 triệu cổ phiếu và Công ty CP Phúc Thịnh cũng muốn bán toàn bộ hơn 12,3 triệu cổ phiếu EIB.
Đây đều là các tổ chức có liên quan chung đến thành viên HĐQT Eximbank Lê Hồng Anh. Tổng khối lượng nhóm này muốn bán là hơn 117,6 triệu cổ phiếu, tương đương với gần 9,57% tổng số cổ phần đang lưu hành.
Trên thị trường, mã chứng khoán EIB đang giao dịch tại mức giá 32.500 đồng (ngày 4/10). Tạm tính theo thị giá này, số tiền nhóm Thành Công có thể thu về khoảng hơn 3.800 tỷ đồng trong đợt rút vốn này.
Thực tế cổ phiếu của nhà băng này liên tục biến động thời gian qua, một loạt giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn đã xuất hiện kể từ giữa tháng 9 đến.
Trong đó đáng kể nhất là giao dịch thỏa thuận khủng hơn 70 triệu cổ phiếu EIB trong phiên 30/9 với giá trị hơn 2.700 tỷ đồng. Tổng khối lượng thỏa thuận từ 16/9 đến 4/10 đã hơn 110 triệu cổ phiếu.
Các giao dịch thỏa thuận 'khủng' ở EIB diễn ra trong bối cảnh cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sẽ sẽ sớm 'chia tay' Eximbank để tham gia đầu tư vào một nhà băng khác là VPBank. Hiện SMBC vẫn là cổ đông lớn nhất nắm 15% vốn Eximbank.
Gần đây, Eximbank thông báo ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên HĐQT Eximbank và thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank kể từ từ ngày 14/9. Lý do, ông Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông SMBC.
Ngân hàng cũng kiện toàn thêm nhân sự tổng giám đốc với việc tái bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc, thời gian bổ nhiệm là 3 năm kể từ ngày 8/9. Từ tháng 9/2021, HĐQT Eximbank đã bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc giữ chức vụ Tổng giám đốc của ngân hàng sau hơn hai năm bỏ trống.
Eximbank cũng mới được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giai đoạn 2017-2021. Tổng khối lượng phát hành gần 256 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20%.
Đây là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ ngân hàng tăng được vốn điều lệ, từ mức 12.355 tỷ đồng lên 14.814 tỷ đồng. Lần gần nhất Eximbank tăng vốn đã là vào năm 2011 thông qua phương án chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 17%.
Cập nhật ngày 23/3/2022: Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) chấm dứt hợp tác với Eximbank
Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) đã có thông báo chính thức về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.
Đi cùng thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với ngân hàng phía Việt Nam, đối tác ngân hàng Nhật Bản cũng cho biết đang tiến hành thảo luận về số cổ phần mà SMBC sở hữu tại Eximbank. Tuy nhiên, hiện chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Đại diện SMBC cũng cho biết dù chấm dứt hợp tác với Eximbank, ngân hàng này vẫn tiếp tục đầu tư tại thị trường Việt Nam qua các chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, nhà băng này còn có vốn đầu tư tại Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit (công ty con của VPBank).
Theo đó, SMBC chính là đối tác chi 1,37 tỷ USD để mua lại 49% vốn điều lệ tại FE Credit của VPBank và trở thành cổ đông chiến lược của công ty tài chính tiêu dùng này. Sau giao dịch, VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn FE Credit, trong khi 1% vốn còn lại thuộc về một nhà đầu tư thứ 3.
Với khoản đầu tư vào Eximbank, SMBC từng chi gần 225 triệu USD (tương đương 3.600 tỷ đồng quy đổi theo tỷ giá thời điểm năm 2007) để đổi lấy 15% cổ phần ngân hàng phía Việt Nam. Hai bên cũng ký thỏa thuận liên minh chiến lược từ tháng 11/2007.
Hiện tại, đối tác Nhật này vẫn là cổ đông lớn nhất của Eximbank với hơn 185 triệu cổ phiếu nắm giữ, tương đương 15% vốn cổ phần ngân hàng. Với thị giá cổ phiếu EIB kết phiên 22/3 ở mức 36.250 đồng/đơn vị, lượng cổ phiếu do SMBC nắm giữ có giá trị trường khoảng 6.700 tỷ đồng, tương đương gần 292 triệu USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại.
Nếu không tính các khoản cổ tức tiền mặt trong giai đoạn này, sau hơn 14 năm, khoản đầu tư của SMBC vào Eximbank chỉ ghi nhận mức sinh lời chưa tới 30%.
Trước đó, đầu tháng 2 vừa qua, HĐQT Eximbank cũng công bố quyết định chấm dứt thỏa thuận liên minh với cổ đông SMBC theo yêu cầu từ phía đối tác Nhật Bản.
Tại Eximbank, SMBC đã có động thái rút dần nhân sự khỏi ban lãnh đạo ngân hàng từ năm 2019. Tại phiên họp cổ đông bất thành năm 2021 ngày 27/4/2021, SMBC cũng không cử người đại diện tham dự.
Tuy nhiên, trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên giữa tháng 2 vừa qua, SMBC vẫn cử đại diện tham gia HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới (2020-2025). Đại diện của cổ đông này là ông Võ Quang Hiển (sinh năm 1969).
Trong đó, ông Hiển hiện là giám đốc điều hành bộ phận tài trợ thương mại toàn cầu của SMBC - Chi nhánh Singapore.
Hiện tại, HĐQT Eximbank hoạt động với 7 thành viên, bao gồm bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh chủ tịch HĐQT và 6 thành viên còn lại là ông Võ Quang Hiển; ông Nguyễn Hiếu; bà Lê Hồng Anh; ông Đào Phong Trúc Đại; ông Nguyễn Thanh Hùng và bà Đỗ Hà Phương.
Cập nhật ngày 7/7/2021: Cổ đông Eximbank (EIB) lại đòi miễn nhiệm các thành viên HĐQT
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam – Eximbank (EIB) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông bất thường 2021 (dự kiến diễn ra ngày 30/7). Trong đó, Eximbank cho biết đã nhận được văn bản kiến nghị yêu cầu của nhóm cổ đông về việc xem xét quyết định miễn nhiệm các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020.
Cụ thể, nhóm cổ đông này sở hữu 10,36% vốn bao gồm Công ty CP Rồng Ngọc; Công ty CP đầu tư và dịch vụ Helios; Công ty CP Thắng Phương; cổ đông cá nhân Thái Thị Mỹ Sang và Lưu Như Trân.
Nhóm cổ đông trên do bà Kiều Vũ Thụy Uyên làm đại diện đã có kiến nghị, yêu cầu miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT gồm Chủ tịch Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh, Lê Văn Quyết, Ngô Thanh Tùng.
Việc miễn nhiệm có hiệu lực kể từ thời điểm đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua quyết định miễn nhiệm đối với từng thành viên.
Trước yêu cầu của nhóm cổ đông này, Eximbank cho biết nhiệm kỳ 2015-2020 của các thành viên ban quản trị ngân hàng đã kết thúc, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận nhân sự dự kiến HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025.
Tuy nhiên, 3 lần tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Eximbank trước đó đều bất thành. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vào ngày 27/4 vừa qua cũng không đủ điều kiện tiến hành nên Eximbank chưa bầu được HĐQT nhiệm kỳ mới. Điều này dẫn tới việc các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 vẫn tiếp tục công việc cho đến khi HĐQT mới được bầu.
Theo ban lãnh đạo Eximbank, việc nhóm cổ đông yêu cầu tổ chức họp cổ đông bất thường và đề xuất bỏ phiếu miễn nhiệm các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 trong khi chưa thể bầu HĐQT nhiệm kỳ mới là không hợp lý.
Ngoài ra, theo quy định pháp luật, Eximbank phải luôn đảm bảo đủ số lượng tối thiểu nhân sự thành viên HĐQT nhằm thực hiện vai trò quản trị, điều hành vào mọi thời điểm.
Để ổn định tình hình hoạt động, HĐQT Eximbank mong muốn các cổ đông đồng thuận, thống nhất và có tiếng nói chung để có thể tổ chức thành công đại hội và bầu được HĐQT cho nhiệm kỳ mới trong thời gian sớm.
Tuy vậy, Eximbank cho biết vẫn tổ chức triệu tập họp cổ đông bất thường theo ý kiến của nhóm cổ đông lớn nói trên.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên nhóm cổ đông này yêu cầu miễn nhiệm các thành viên HĐQT. Trước cuộc họp cổ đông thường niên 2021 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, chính nhóm cổ đông này cũng đã đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank như trên.
Ngoài ra, Eximbank còn nhận được văn bản kiến nghị của một nhóm cổ đông khác sở hữu 11,2% cổ phần, đề nghị miễn nhiệm thêm 3 thành viên HĐQT khác là ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Nhóm cổ đông này bao gồm ông Nguyễn Tiến Dũng; ông Trần Công Cận; Lafelle Limited; Education Management Holdings Limited.
Cũng tại đại hội cuối tháng 4, Eximbank công bố danh sách bầu cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) được NHNN phê duyệt, nhưng chỉ bao gồm 4 nhân sự là bà Lê Hồng Anh, bà Đào Phong Trúc Đại, ông Nguyễn Hiếu và ông Yasuo Takeuchi.
Ngoài ra, danh sách thành viên Ban kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ mới được NHNN thông qua là ông Trần Ngọc Dũng, Trịnh Quốc Bảo và bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc.