Bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai (QCG) bị bắt

ĐĂNG NGUYÊN

19/07/2024 16:13

Bà Nguyễn Thị Như Loan, 64 tuổi, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, bị cáo buộc vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn.

Vụ 32ha đất Phước Kiển: Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung 5 vấn đề - Ảnh 1.

Khu đất 32ha của Công ty Tân Thuận bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 19/7, bà Loan bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Trong sáng nay, lực lượng chức năng đã thực hiện lệnh khám xét nhà của bà Loan - căn biệt thự trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3; thu giữ hàng chục thùng tài liệu, giấy tờ phục vụ công tác điều tra.

Hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên của Bộ Công an và đại diện VKS đã làm việc nhiều giờ tại nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai. 

Động thái này được C03 đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, rộng hơn 6.200 m2.

Hiện, cơ quan điều tra chưa công bố hành vi vi phạm cụ thể của bà Loan. C03 cho biết đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can trong vụ án, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra các sai phạm khác của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai và các đơn vị, cá nhân có liên quan để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Liên quan đến vụ án, hôm 15/7, C03 đã bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hồng, cựu phó chủ tịch UBND TP HCM, cựu phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đến nay, ít nhất 17 người đã bị khởi tố.

Giữa năm 2021, các dấu hiệu sai phạm pháp luật tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong kết luận về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị, việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP HCM.

Theo đó, khu đất rộng hơn 6.200 m2 này có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Bà Rịa, Cao su Đồng Nai quản lý. Cuối tháng 12/2009, Công ty TNHH Phú Việt Tín (trụ sở chính 39-39B Bến Vân Đồn) được thành lập với hai thành viên là Tổng Công ty cao su Đồng Nai (chiếm 72% vốn) và Công ty cao su Bà Rịa (chiếm 28%).

Tháng 3/2010, UBND TP HCM có quyết định thu hồi khu đất và giao cho Công ty Phú Việt Tín để đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch. Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2014, toàn bộ phần vốn góp của Tổng Công ty cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa trong Phú Việt Tín đã được bán cho Quốc Cường Gia Lai.

Hơn hai tháng sau, bà Nguyễn Thị Như Loan đã ký quyết định chuyển nhượng 40% phần vốn góp của Quốc Cường Gia Lai trong vốn điều lệ Phú Việt Tín cho Công ty CP bất động sản Thịnh Vượng. Đồng thời, chuyển nhượng 54% vốn điều lệ còn lại cho Công ty CP Biệt thự Thành phố.

Đến tháng 3/2017, Phú Việt Tín ký kết hợp đồng sát nhập vào Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Phúc Nguyên. Như vậy, khu đất công này đã bị biến thành tài sản tư nhân, đã được chuyển đổi qua nhiều chủ, và hiện là tổ hợp căn hộ cao cấp, thương mại dịch vụ và văn phòng.

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP HCM có quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Phú Việt Tín (sau đó sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên) làm nhà đầu tư thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai 2003 và Thông tư 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư tại khu đất này là vi phạm quy định pháp luật...

Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản nhà nước liên quan dự án này thì chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định, không để thất thoát tài sản nhà nước...

Gần hai tháng trước khi bị khởi tố, hôm 30/5, bà Loan và Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) khẳng định "đã nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn từ chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn với giá hơn 464 tỷ đồng đúng quy định".

Theo QCG, năm 2013 họ đàm phán, đặt cọc cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa đại diện) để nhận 100% vốn tại Phú Việt Tín - chủ đầu tư của dự án. Số tiền doanh nghiệp đã chi để nhận 100% phần vốn góp này là 464,2 tỷ đồng, không phải 6 tỷ như một số đơn vị đăng tải thông tin. Đồng thời, QCG khẳng định chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai và Cao su Bà Rịa về việc chuyển nhượng vốn góp này.

Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan cũng thông tin, họ đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý của Công ty Phú Việt Tín, dự án tại khu đất Bến Vân Đồn "đầy đủ và đúng quy định mới ký hợp đồng nhận chuyển nhượng". Đầu tháng 9/2014, thương vụ này hoàn tất. Phần vốn này sau đó được QCG nhượng lại tiếp cho một đơn vị khác.

qcg-1622112657.jpeg
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai (QCG)

Thành viên cập nhật ngày 13/2/2022: Bà Nguyễn Thị Như Loan Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai (QCG) khẳng định không lừa đảo 2.882 tỷ của Sunny Island

Theo thông báo về tiếp nhận tin báo tội phạm của văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP.HCM gửi Viện KSND TP.HCM, Sunny Island trình báo về việc Công ty Quốc Cường Gia Lai có hành vi gian dối chiếm đoạt 2.882 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai khẳng định không lừa đảo chiếm đoạt số tiền 2.882 tỷ đồng của Công ty cổ phần đầu tư Sunny Island, vì trong báo cáo tài chính của QCGL trên sàn chứng khoán, công ty luôn công bố về khoản nợ phải trả cho Sunny Island.

"Ngược lại, QCGL còn quyết tâm yêu cầu được trả khoản tiền này lại cho công ty đối tác theo đúng pháp luật để nhận lại phần đất rộng 65 ha mà Sunny Island đang nắm, tiếp tục thực hiện thủ tục dự án Phước Kiển", bà Loan nói.

Tổng giám đốc QCGL cho biết mấy ngày qua bà vẫn đang ở Hà Nội để gửi đơn khiếu kiện Sunny Island lên Quốc hội. Bà nói rằng mình rất mệt mỏi với các thông tin bị tố chiếm đoạt số tiền 2.882 tỷ đồng. Ngoài ra, bà cũng bị áp lực từ nhiều phía đối tác, cổ đông và cả những người dân trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng.

"Tranh chấp kéo dài với Sunny trong 4 năm qua đã gây ra nhiều tổn thất cho QCGL như: Ngân hàng từ chối giải ngân các hợp đồng tín dụng công ty đang vay; các đối tác hợp tác liên doanh đã thông báo việc góp vốn hợp tác chờ PC01 xử lý có kết quả thì mới chịu hợp tác trở lại; đặc biệt là hơn 5.000 cổ đông của QCGL phải chịu thiệt hại hơn 2.000 tỷ khi giá cổ phiếu từ 23.000 đồng xuống 13.000 đồng/cổ phiếu...", bà Loan than thở.

Tháng 12/2021 Sunny Island gửi đơn đến Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tố giác Công ty Quốc Cường Gia Lai chiếm đoạt số tiền 2.882 tỷ đồng của công ty này trong một giao dịch chuyển nhượng dự án. Sau đó đơn này được chuyển đến Công an TP.HCM để xác minh, xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 9/12/2020, Quốc Cường Gia Lai đã khởi kiện Công ty Suny Island tại Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) để yêu cầu xử lý vụ việc tranh chấp theo pháp luật để QCGL được hoàn trả lại phần tiền đã nhận, thu hồi lại tài sản đã bàn giao cho theo đúng thoả thuận tại Hợp đồng hứa mua hứa bán.

Đến nay, VIAC đã mở được hai phiên họp để xem xét vụ kiện. Trong thời gian khởi kiện này, Sunny Island đã gửi đến các văn bản bảo vệ cho bị đơn.

“Tôi cho rằng sự vu khống từ phía Sunny Island nhằm trì hoãn phiên xử trọng tài VIAC, biến tranh chấp thương mại thành tranh chấp hình sự. Mục đích là nhằm gây áp lực để ép QCGL tiếp tục thực hiện Hợp đồng theo thời giá 2017 mà 4 năm qua Sunny đã ngưng thanh toán và QCGL đã chấm dứt hợp đồng từ tháng 3/2018”, bà Như Loan nói.

Cập nhật ngày 11/2/2022: tiếp nhận việc Sunny Island tố cáo Quốc Cường Gia Lai chiếm đoạt số tiền 2.882 tỷ đồng

Công an TP.HCM cho biết đã phân công Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra và điều tra viên giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến đơn của Công ty Cổ phần Đầu tư Sunny Island tố cáo Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai có hành vi gian dối chiếm đoạt số tiền 2.882 tỷ đồng.

Công an TP.HCM cũng đã có thông báo gửi VKSND cùng cấp về việc tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo trên.

Theo nội dung đơn tố cáo, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Công ty Quốc Cường Gia Lai) được UBND TP.HCM chấp thuận làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Phước Kiển, huyện Nhà Bè, với diện tích 90 ha.

Sau đó, Công ty Quốc Cường Gia Lai đưa ra thông tin về diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng là 84 ha. Trong hợp đồng hứa mua, hứa bán giữa Công ty Quốc Cường Gia Lai và Công ty Cổ phần Đầu tư Sunny Island (Công ty Sunny Island) ghi nhận đã bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng được 92% diện tích của dự án.

Tuy nhiên, căn cứ vào diện tích trên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Công ty Quốc Cường Gia Lai giao cho Công ty Sunny Island giữ thì mới đền bù được 64,2 ha trong 84 ha.

Ngoài ra, Công ty Quốc Cường Gia Lai đưa ra thông tin về việc đầu tư phát triển một khu dân cư, thương mại trong ranh giới của dự án nói trên để Công ty Sunny Island tin tưởng ký kết hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển nói trên và thanh toán số tiền 2.882 tỷ đồng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Tuy nhiên, đến nay dự án không thực hiện được.

Liên quan đến vụ tranh chấp trên, tháng 12/2020, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã nộp đơn khởi kiện Công ty Sunny Island ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Đến nay, VIAC vẫn chưa có phán quyết cuối cùng về vụ kiện này

Cập nhật ngày 26/10/2021: Điều tra trách nhiệm Quốc Cường Gia Lai (QCG) trong vụ án 32ha đất Phước Kiển

Tháng 8-2021, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và 9 bị can liên quan đến sai phạm tại dự án khu dân cư ở Phước Kiển và khu dân cư Ven Sông.

Theo đó, Công ty Tân Thuận là công ty có vốn nhà nước. Tháng 11-2000, Công ty Tân Thuận được UBND huyện Nhà Bè giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tháng 8-2016, Công ty Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỉ lệ 75:25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển. 

Lúc này, ông Trần Công Thiện - tổng giám đốc Công ty Tân Thuận - chỉ đạo cấp dưới thuê Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM ban hành chứng thư thẩm định giá xác định diện tích 32ha đất tại dự án trên có giá bình quân là 1,05 triệu đồng/m2. Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh của Công ty Tân Thuận họp và chỉ căn cứ duy nhất vào giá trong chứng thư thẩm định giá để xây dựng đơn giá chuyển nhượng là 1,25 triệu đồng/m2. 

Tháng 6-2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2 và đã nhận của Công ty Quốc Cường Gia Lai 374 tỉ đồng và tiền thuế VAT là 23 tỉ đồng.

Sau đó, hợp đồng bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 374 tỉ đồng, tiền thuế VAT là 23 tỉ đồng và tiền lãi suất là 21 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước 167,8 tỉ đồng.

Tương tự, đối với 32.967m2 đất thuộc khu 4 dự án khu dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong, quận 7, Công ty Tân Thuận cũng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín, xác định giá trị bình quân khu đất này là hơn 17,6 triệu đồng/m². 

Đến tháng 11-2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m², gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 80 tỉ.

Cơ quan điều tra xác định ở cả hai dự án, việc nhận chuyển nhượng của Công ty Quốc Cường Gia Lai là đúng pháp luật và không có cơ sở xử lý hình sự đối với bà Nguyễn Thị Như Loan - tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Yêu cầu điều tra bổ sung 5 vấn đề

Sau khi nghiên cứu, VKSND TP.HCM đã trả hồ sơ cho Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM, yêu cầu điều tra bổ sung 5 vấn đề.

Thứ nhất, VKS đề nghị Cơ quan an ninh điều tra tiếp tục định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại thời điểm Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển vào tháng 5-2018 và thời điểm Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông vào tháng 11-2017, thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 9-2019.

Từ đó xác định chính xác tài sản của Nhà nước bị thất thoát tương ứng với các thời điểm trên của dự án trong vụ án.

Thứ hai, VKS yêu cầu Cơ quan an ninh điều tra tiếp tục điều tra, xác định và kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc Công ty Quốc Cường Gia Lai trong vụ án.

Thứ ba, điều tra, xác định rõ việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong vụ án, làm rõ việc cấp giấy chứng nhận cho các cá nhân tại khối A, khu IV thuộc dự án khu dân cư Ven Sông đã được Công ty Quốc Cường Gia Lai đầu tư xây dựng hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng như thế nào. Xác định trách nhiệm dân sự của các cá nhân liên quan đến hậu quả thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước.

Thứ tư, VKS yêu cầu xác định trách nhiệm của 2 người khác nguyên là lãnh đạo và cán bộ Văn phòng Thành ủy TP.HCM. Trước đó, kết luận điều tra xác định hành vi cả 2 người này đều chưa đến mức xử lý hình sự. 

Thứ năm, bổ sung kết quả xử lý về mặt Đảng của các bị can là đảng viên trong vụ án.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.