"Thời gian tới, NHNN dự định sẽ có các diễn đàn về tín dụng bất động sản để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp triển khai dự án... làm sao phát triển thị trường lành mạnh, ổn định, không để đóng băng", lãnh đạo NHNN nói.
Ông Tú cũng là thành viên Tổ công tác của Thủ tướng về lĩnh vực bất động sản. Ông cho biết đã trực tiếp cùng tổ công tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.
"Về giải pháp, tổ công tác cũng nhận thấy các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm của mình và bản thân doanh nghiệp cũng phải tự có giải pháp. Sau khi kết thúc tổ công tác sẽ tổng kết đánh giá báo cáo Chính phủ và có giải pháp trước mắt về tín dụng cho thị trường bất động sản", Phó thống đốc nhấn mạnh.
Sau công điện của Chính phủ về thị trường tín dụng, ông Tú cho biết NHNN đã quyết liệt triển khai về vấn đề tăng trưởng tín dụng. "Room tín dụng đã mở; các hiệp hội đang vận động hạ lãi suất. NHNN cũng đang triển khai phần của ngân hàng trong phần việc của tổ công tác tháo gỡ khó khăn về thị trường bất động sản", ông nói.
Chia sẻ thêm tại họp báo, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết thời gian qua NHNN đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Gần đây nhất, sau công điện của Thủ tướng ngày 22/12, NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...
"NHNN chỉ đạo ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, dự án bất động sản khu công nghiệp và các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp", bà Giang nói.
Ngày 5/12, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đến ngày 14/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng ký công điện đề nghị các bộ ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Thống đốc NHNN cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng đề nghị ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Cập nhật ngày 13/5/2021: Rủi ro tín dụng bất động sản và chứng khoán nóng dần
Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 3029/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng liên quan đến các khoản vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tín dụng vào BOT, rà soát tín dụng đầu tư vào trái phiếu.
Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số tổ chức tín dụng có các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng; tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019.
Ngoài ra, cũng trong năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao.
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thậm chí, một số NHTM có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng lớn so với năm 2019, trong đó, mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng tín dụng trong quý 1/2021 tăng 2,9% so với cuối năm 2020, cao hơn mức tăng 1,3% trong quý 1/2020 và xấp xỉ mức tăng 3,1% trong quý 1/2019.
Dư nợ chứng khoán ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu 96,21%. Các dư nợ tập trung chủ yếu ở một số tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Vietcombank chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống; Ngân hàng BIDV chiếm 13,47% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống, Techcombank chiếm 12,46%; TPBank chiếm 8,91%; VIB chiếm 5,25%; Vietinbank chiếm 4,25%, MSB chiếm 4,16%.
Theo con số margin của các công ty chứng khoán mà Uỷ ban chứng khoán Nhà nước thống kê lên mức 101,400 tỷ đồng vào cuối quý 1/2021, tăng 53,6 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương 53%. Điều này cho thấy, việc vay nợ thông qua dùng đòn bẩy tài chính tại chứng khoán đang ở mức rất nóng.
Đối với BĐS, chính sách cho vay của nhiều ngân hàng cho phép khách hàng có thể vay đến 70% giá trị TSĐB. Trong lĩnh vực chứng khoán, VN-Index bùng nổ dẫn đến lượng tài khoản mở mới và cho vay margin kỷ lục, dẫn đến nguy cơ bong bóng tài sản đang hiện hữu và tiềm ẩn nhiều rủi ro.