Từ cuối năm ngoái, các ngân hàng ráo riết đấu giá hàng loạt bất động sản từ những công trình nhà ở riêng lẻ ở vị trí đắc địa, nhà xưởng dự án du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn để thu hồi nợ.
Trong tháng này, Agribank vẫn tìm chủ cho hai ngôi nhà mặt tiền phố cổ Hà Nội tại Hàng Chiếu và Hàng Buồm với giá khởi điểm 60 tỷ, 34 tỷ - giảm lần lượt hơn 50 tỷ và 26,5 tỷ đồng so với lần đầu tiên đấu giá một năm trước. Hai bất động sản này đã trải qua khoảng 10 lần thông báo đấu giá. Ngân hàng BIDV cũng phải rao bán lần thứ 6 cho một nhà máy xi măng ở Bình Phước hay hơn chục lần cho một tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất khoảng 1.100 m2 tại TP HCM.
VietinBank giữa tháng 10 cũng tiếp tục thông báo đấu giá 20 quyền sử dụng đất tại Nhơn Trạch, Đồng Nai với giá khởi điểm khoảng 265 tỷ đồng, giảm hơn 60 tỷ so với trước đó 3 tháng. Đây là tài sản thế chấp của một doanh nghiệp ngành xây dựng tại TP HCM.
Một nhà băng khác cũng hạ giá hơn 100 tỷ đồng, xuống còn khoảng 1.000 tỷ với các tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại một khu thuộc dự án Trung tâm bên du thuyền Hoàng Gia, tại phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Tương tự, nhiều bất động sản tại dự án du lịch trị giá 1 tỷ USD liên quan đến Tân Hoàng Minh cũng được tổ chức tín dụng này giảm giá khởi điểm chục tỷ đồng so với lần đầu tiên.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars), trước khi phát mại bất động sản, nhiều ngân hàng thường dành khoảng 3-6 tháng cho khách vay có thể tự tìm cách rao bán để không mất giá. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường địa ốc vẫn khó như hiện nay, khách hàng phần lớn không thể tự xử lý được bởi nhiều bên bán vẫn giữ mức định giá cao, còn bên mua có tâm lý mong chờ bắt đáy.
Đến lượt ngân hàng, ngoài các nguyên nhân khách quan của thị trường, Vars cho rằng việc định giá tài sản phát mãi không dựa theo giá trị thực khi tính gộp cả khoản nợ gốc và lãi cũng là một phần nguyên nhân khiến những bất động sản này khó bán.
30/10/2023: Ngân hàng Agribank rao bán nhiều nhà phố cổ Hội An để thu nợ, giá khá thấp
Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank AMC LTD) vừa thông báo đấu giá 11 căn nhà ở phường Minh An và phường Cẩm Phô, TP Hội An, Quảng Nam. Trong đó có nhiều bất động sản nằm trong khu phố cổ.
Agribank AMC cho biết đây đều là tài sản thế chấp cho các khoản vay tại Agribank chi nhánh Bắc TP HCM trong ba năm từ năm 2016 đến 2018.
Tổng giá trị của các tài sản này hơn 250 tỷ đồng (tính theo giá khởi điểm) trong đó thấp nhất là 8,5 tỷ đồng và cao nhất 71,2 tỷ đồng tại số 38 Thoại Ngọc Hầu, phường Cẩm Phô.
Căn lớn nhất có diện tích hơn 341,3 m2 tại thửa 165, tờ bản đồ số 07, số 45/39 kiệt Trần Hưng Đạo, phường Minh An.
Thời gian vừa qua, các ngân hàng liên tục rao bán khoản nợ được thế chấp bằng các bất động sản là căn hộ, nhà nguyên căn, nhà xưởng, bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng không dễ để các nhà băng thanh lý những tài sản bất động sản có giá trị lớn. Lý do là cá nhân hay tổ chức đăng ký mua phải có lĩnh vực và điều kiện tài chính phù hợp để tiếp nhận tài sản mà ngân hàng đấu giá.
Trước đó, VietinBank cũng rao bán gần 60 bất động sản khác nhau tại TP Hội An. Phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng. Trong đó có hai khách sạn 4 sao với quy mô 98-104 phòng được VietinBank chào đồng giá 420 tỷ đồng cho mỗi bất động sản.
Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế tại TP Hội An trầm lắng do mức chi tiêu bình quân của du khách giảm mạnh, giảm hơn 50% so với năm 2019. Các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn đối mặt với nhiều khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng giảm sút, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cập nhật ngày 22/6/2022: Sacombank, Agribank cùng các ngân hàng rao bán đất và biệt thự giá trị tại TP.HCM để thu hồi nợ
Các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động xử lý và thu hồi nợ xấu thông qua việc rao bán hàng loạt khoản nợ, tài sản đảm bảo với giá trị từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng.
Gần đây, các ngân hàng lớn liên tục phát đi thông báo về việc thu giữ và bán đấu giá tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là bất động sản. Đáng chú ý, phần lớn bất động sản đang được rao bán đợt này tập trung ở TP.HCM, trong đó, giá khởi điểm dao động từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng.
Mới nhất, Sacombank cho biết ngân hàng đang có nhu cầu thanh lý một loạt bất động sản tại quận 5, quận 10, quận 11, quận 12, quận Bình Thạnh và huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Trong đó, bất động sản giá trị nhất được Sacombank rao bán đợt này là lô đất 1.774 m2 tại số 28-30 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5. Đây là lô đất thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Hồng, sau đó được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay phát sinh tại Ngân hàng Phương Nam (nay đã sáp nhập vào Sacombank).
Tuy nhiên, do khách hàng không trả được nợ, Sacombank đã bán khoản nợ này cho VAMC và được ủy quyền xử lý tài sản đảm bảo. Hiện tại, bà Hồng cũng đã ủy quyền cho Sacombank toàn quyền định đoạt tài sản để xử lý nợ.
Với loại hình đất ở đô thị lâu dài, Sacombank đưa ra giá khởi điểm cho lô đất này lên tới 530,5 tỷ đồng, tương đương 299 triệu/m2.
Tại huyện Nhà Bè, Sacombank cũng đang rao bán lô đất và nhà xưởng gắn liền rộng gần 60.000 m2 tại Lô A18, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới. Đây là đất khu công nghiệp có thời hạn sử dụng đến cuối năm 2048.
Bất động sản này do Công ty CP Thuộc da Hào Dương thuê lại từ Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước để làm nhà xưởng và được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của công ty. Giá khởi điểm Sacombank đưa ra cho lô đất này là 500 tỷ đồng.
Một bất động sản giá trị khác đang được Sacombank rao bán là nhà đất rộng hơn 1.000 m2 tại số 41-45 đường 281 Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11. Tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Phong Xuân và bà Kiên Thị Kiều, hiện đã ủy quyền cho Sacombank toàn quyền định đoạt để xử lý nợ. Giá khởi điểm nhà băng này đưa ra là 122 tỷ, tương đương 122 triệu đồng/m2.
Tại quận 10, Sacombank đang rao bán một loạt sản phẩm thuộc dự án Xi Grand Court (256-258 Lý Thường Kiệt, phường 14), bao gồm 870 m2 mặt sàn tại tầng 5 giá 49 tỷ; 13.258 m2 sàn hầm B1 giá 362 tỷ; 2.244 m2 sàn thương mại dịch vụ tầng 7 giá 126 tỷ và 19 căn hộ tổng diện tích 1.453 m2 giá 94 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều bất động sản khác tại TP.HCM đang được Sacombank bán thanh lý như 11 lô đất tại phường Thới An, quận 12, giá khởi điểm 44,7 tỷ; 3 căn hộ thuộc khu Saigon Pearl (92 đường Nguyễn Hữu Cảnh) tổng diện tích 665 m2, giá 41,7 tỷ đồng...
Không riêng Sacombank, Agribank cũng là ngân hàng đang tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc rao bán tài sản đảm bảo, đặc biệt là các bất động sản tại TP.HCM.
Trong đó, nhà băng này rao bán 6 bất động sản tại số 20 và 20A1 Trần Cao Vân, phường Đa Kao, quận 1 với tổng diện tích gần 2.000 m2, giá khởi điểm 282 tỷ đồng, tương đương hơn 145 triệu/m2. Theo tìm hiểu, đây đều là các căn biệt thự cũ với diện tích dao động trong khoảng 290-360 m2 nằm trên đường Trần Cao Vân.
Tại quận 9 (nay là TP Thủ Đức), Agribank đang rao bán 4 bất động sản có diện tích 368-484 m2/lô (tổng diện tích gần 1.800 m2) tại phường Phú Hữu. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 72,1 tỷ đồng, đây đều là các căn biệt thự thuộc sở hữu của ông Nguyễn Mạnh Hiếu nhưng đã được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay phát sinh tại Agribank Chi nhánh Sài Gòn.
Ngoài các bất động sản nói trên, Agribank còn đang thanh lý hàng chục bất động sản giá trị từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng tại TP.HCM, như nhà đất rộng 275,5 m2 tại số 46 Nguyễn Trung Trực, phường 5, quận Bình Thạnh giá khởi điểm 20,56 tỷ; 420,7 m2 đất tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức giá 17,1 tỷ; nhà đất 282 m2 đất tại 4A Trần Quang Diệu, phường 13, quận 3 giá 52,4 tỷ; nhà đất 123,2 m2 tại 368 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 2, quận Tân Bình giá 24 tỷ đồng…
Cập nhật ngày 17/5/2021: Ngân hàng rao bán hàng loạt khoản nợ trăm tỷ đồng
Chỉ trong nửa đầu tháng 5, VietinBank đã phát đi hàng chục thông báo về việc bán đấu giá và lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản, khoản nợ để thu hồi và xử lý nợ xấu.
Trong thông báo mới nhất, Vietinbank cho biết muốn chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ (gốc, lãi, phí...) phát sinh với Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Dầu Khí Đại Lộc tại Chi nhánh Thủ Đức để xử lý thu hồi nợ vay.
Tổng dư nợ của khoản vay này đến ngày 13/5 là hơn 119 tỷ đồng, bao gồm 80,4 tỷ nợ gốc và 38,6 tỷ đồng nợ lãi. Khoản vay có tài sản đảm bảo là lô đất tại địa chỉ 336 Nguyễn Chí Thanh, phường 5, quận 10, TP.HCM cùng một số tài sản khác.
Tương tự, ngân hàng rao bán toàn bộ khoản nợ phát sinh tại Công ty TNHH Hải Phú Ngọc ở VietinBank Chi nhánh Phúc Yên. Trong đó, giá trị nợ đến ngày 13/5 là 55,2 tỷ đồng, được đảm bảo bằng một lô đất tại xã Cao Minh, huyện Mê Linh (nay là thành phố Phúc Yên), tỉnh Vĩnh Phúc thuộc sở hữu của Công ty Hải Phú Ngọc.
Với 2 khoản nợ này, VietinBank chưa công bố giá khởi điểm, đối tác quan tâm sẽ liên hệ với Phòng quản lý và xử lý nợ của ngân hàng để đàm phán cụ thể.
Cũng tại VietinBank, nhà băng này đang thông báo lựa chọn công ty để định giá khoản nợ 1.364 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà. Trong khoản nợ này, giá trị nợ gốc là 567,4 tỷ đồng, còn lại là nợ lãi.
Đáng chú ý, khoản nợ này được đảm bảo bằng hàng loạt lô bất động sản như 4 lô đất tại xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; 5 lô đất tại thị xã Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và nhiều lô đất khác, nhà máy, kho gạo thuộc sở hữu của Công ty Võ Thị Thu Hà tại tỉnh Đồng Tháp.
Ngoài các khoản nợ lần đầu được rao bán kể trên, Vietinbank cũng mang nhiều khoản nợ từng được rao bán bất thành ra thanh lý với giá giảm hàng chục tỷ đồng.
Trong đó có khoản nợ 161,5 tỷ của Công ty CP Phúc Đạt tại Chi nhánh Hải Dương, giá bán khởi điểm là 105,6 tỷ đồng, bằng với dư nợ gốc ngân hàng cho vay. Điều này đồng nghĩa với việc VietinBank chấp nhận bỏ gần 55,6 tỷ đồng nợ lãi trong khoản vay này để thu hồi.
Tương tự, với khoản nợ 66 tỷ đồng tại Công ty TNHH Lợi Nguyên, được đảm bảo bằng hàng chục nghìn m2 đất trồng cây và dây chuyền máy nghiền đá, quyền khai thác mỏ đá Lợi Nguyên, VietinBank chỉ rao bán với giá khởi điểm 59,5 tỷ đồng.
Tại Vietcombank, nhà băng này đang rao bán đấu giá hoặc bán thỏa thuận khoản nợ hơn 79 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hùng Hưng. Trong đó, giá trị nợ gốc chỉ là 29,2 tỷ đồng, còn lại là nợ lãi.
Tương tự, ngân hàng cũng thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí - CTCP với giá khởi điểm 270,6 tỷ đồng để thu hồi nợ vay.
Trong đó, tài sản được mang ra bán đấu giá là 20% phần vốn góp của Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PV Engineering) trong dự án cao ốc văn phòng Dragon Tower (nay là tòa nhà PV Gas Tower) tại TP.HCM. Đây là tòa nhà nằm tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) do liên doanh PV Gas (70%), PV Engineering (20%) và Địa ốc Phú Long (10%) thực hiện.
Trước đó, Vietcombank từng nhiều lần rao bán khoản nợ liên quan dự án này nhưng đều bất thành. Gần nhất, ngân hàng rao bán với giá khởi điểm hơn 340 tỷ đồng.
Tại BIDV, trong hàng chục thông báo bán đấu giá tài sản, khoản nợ từ đầu tháng 5, cũng có nhiều khoản nợ giá trị lớn hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử như 2 khoản nợ 253 tỷ tại Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà Bách Giang và 262 tỷ tại Công ty TNHH Xây dựng thương mại Cao Nguyên.
Hai khoản nợ đều được đảm bảo bằng phần tài sản hình thành từ vốn vay liên quan Dự án Khu dân cư phố 4 tại phương Phước Long A, quận 9, TP.HCM. Giá khởi điểm được ngân hàng đưa ra là 252,8 tỷ, cao hơn 27% so với dư nợ gốc (198 tỷ đồng), nhưng thấp hơn một nửa so với giá trị nợ, lãi đến nay.
Tương tự, BIDV cũng rao bán khoản nợ 123 tỷ đồng của Công ty TNHH GAC Việt Nam với tài sản đảm bảo là nhà đất tại số 8A1, đường 379, khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú, quận 9 và số 38, đường Dương Đức Hiền, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng mang nhiều lô bất động sản là tài sản đảm bảo cho các khoản vay đã bị thu hồi để bán đấu giá. Trong đó có 949 m2 đất tại phường Long Trường, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) có giá khởi điểm 24,75 tỷ; nhà đất 347,83 m2 tại địa chỉ 214/B15 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 giá 47,5 tỷ đồng…
Cập nhật ngày 28/10/2021: Ngân hàng liên tục rao bán nợ nghìn tỷ
Trong thông báo mới nhất, BIDV cho biết đang phối hợp cùng Công ty Đấu giá Hợp danh Thắng Lợi tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Găng tay Nam Việt tại BIDV Chi nhánh Đồng Nai.
Theo đó, tổng dư nợ của khoản vay tính đến ngày 21/10 là gần 40 triệu USD và 99,2 tỷ đồng, quy đổi theo tỷ giá cùng ngày là 1.025 tỷ đồng (dư nợ gốc là 801 tỷ và dư nợ lãi, phí phạt chậm trả là 224 tỷ đồng).
Đây là số dư nợ Công ty Găng tây Nam Việt phát sinh tại BIDV từ năm 2013 đến nay.
Đáng chú ý, khoản nợ nghìn tỷ này được đảm bảo bởi hàng loạt bất động sản giá trị tại các tỉnh Đồng Nai, Long An và TP.HCM.
Trong đó bao gồm 118.419 m2 đất tại dự án nhà máy găng tay thuộc xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nằm trong diện tích đất này còn bao gồm 16 bất động sản nhỏ hơn.
Bên cạnh đó, các bất động sản có địa chỉ 7B, Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Tân Bình; 23A, Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh; 609/1 Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3; và 2/2, đường số 18, phường Linh Trung, quận Thủ Đức đều là tài sản đảm bảo của khoản vay này.
Ngoài ra, một phần hệ thống thiết bị dây chuyền của nhà máy sản xuất găng tay y tế, cùng 4,9 triệu cổ phiếu Công ty Nam Việt chưa niêm yết cũng được dùng để thế chấp cho khoản vay.
Giá khởi điểm BIDV đưa ra cho khoản nợ này là 1.025 tỷ đồng, tương đương giá trị khoản nợ tại thời điểm thông báo bán đấu giá.
BIDV một lần nữa đại hạ giá khoản nợ nghìn tỷ được thế chấp bằng Trung tâm hội nghị tiệc cưới, khách sạn Crystal Palace tại TP.HCM. Ảnh: K.H. |
Thực tế, đây không phải khoản nợ nghìn tỷ duy nhất BIDV đang rao bán. Vừa qua, nhà băng này cũng đã phải lần thứ 7 đưa ra thông báo bán đấu giá khoản nợ 1.035,5 tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy.
Tại sản đảm bảo cho khoản nợ này cũng bao gồm hàng loạt bất động sản giá trị như Trung tâm hội nghị tiệc cưới, khách sạn Crystal Palace (số 13 Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP.HCM); 367 ha rừng tại lâm trường Đắk Hà (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông); hơn 8,7 triệu cổ phần của Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang (chủ đầu tư dự án resort Hòn Tằm 114 ha); 2 nhà máy sản xuất đồ gỗ và máy móc đi kèm tại Khu công nghiệp Long Mỹ (thành phố Quy Nhơn)…
Đây là khoản nợ đã được BIDV rao bán nhiều lần với giá giảm liên tục nhưng không có nhà đầu tư nào quan tâm. Trong lần thứ 7 rao bán, ngân hàng đưa ra giá khởi điểm chỉ là 624 tỷ đồng, thấp hơn 40% giá trị nợ gốc và giá khởi điểm trong lần bán đầu tiên.
Tương tự, Sacombank cũng mới bổ sung 2 khoản nợ nghìn tỷ cần rao bán, bao gồm khoản nợ 1.388 tỷ của Công ty TNHH Xây dựng Hàm Giang phát sinh từ năm 2010 và khoản nợ 1.005 tỷ của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Phương Nghi vay từ năm 2012.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Hàm Giang là toàn bộ lợi ích thu được từ 1,55 triệu m2 đất tại Dự án Cảng Trà Cú - Trà Vinh, cùng các khoản phải thu, lợi tức từ việc khai thác dự án này, mà Công ty Hàm Giang là chủ đầu tư.
Trong khi đó, khoản nợ của Công ty Phương Nghi được đảm bảo bằng gần 40,9 triệu cổ phiếu BVB (Vietcapital Bank) thuộc quyền sở hữu của Công ty CP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC) - cổ đông lớn nhất tại Vietcapital Bank hiện nay.
Giá khởi điểm của cả 2 khỏan nợ đều thấp hơn số dư nợ gốc hiện tại hàng trăm tỷ đồng.